Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Nước tôi không thuộc về thế gian này -- Lễ Chúa Kitô Vua

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (18:33-27)

Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” 34 Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

------

Đoạn Phúc âm này là lời nhắc nhở tuyệt vời cho chúng ta về bản chất của nước Chúa và vương quyền của Người. Vương quốc này không thuộc về thế gian này.

Điều đó không có nghĩa là Vương quốc này không ở trong thế gian này. Vương quốc của Chúa Kitô hoạt động mạnh mẽ trong thế gian này. Biểu hiện hữu hình của Vương quốc này là Giáo hội Công giáo. Chúng ta có thể mô tả nhiều đặc điểm bên ngoài của Giáo hội Công giáo: với hơn một tỷ thành viên và hai nghìn năm lịch sử, đây vừa là tổ chức lớn nhất vừa là lâu đời nhất thế giới. Trái ngược với vẻ bề ngoài, Giáo hội Công giáo vẫn là động lực chính thúc đẩy nền văn hóa thế giới. Các thể chế và khái niệm thế giới mà mọi người coi là hiển nhiên, như bệnh viện, trường đại học và “nhân quyền”, hoàn toàn xuất phát từ di sản văn hóa của Giáo hội Công giáo, ngay cả khi nguồn gốc của chúng đã bị chúng ta quên lãng. Ngay cả lực lượng chính trị thống trị thời đại chúng ta—chủ nghĩa tự do xã hội phương Tây, với áp lực suy nghĩ chính trị theo khuôn khổ phong trào, “chống phân biệt đối xử” và các chương trình phúc lợi do chính phủ tài trợ không thể duy trì được, cũng có nguồn gốc từ Công giáo. Về cơ bản, giờ đây nó là tổ chức từ thiện Công giáo bị tách biệt khỏi đạo đức Công giáo.

Chúng ta có thể nói về những biểu hiện hữu hình của vương quyền của Chúa Kitô và ảnh hưởng của vương quốc này trên thế giới, nhưng điều này sẽ làm chúng ta chia trí khỏi trọng tâm.

Trọng tâm của vương quyền Chúa Kitô không thuộc về thế giới này. Nó thuộc về thế giới bên kia.

Là người Công giáo, chúng ta phân biệt Giáo hội Chiến thắng (các thánh trên thiên đàng) với Giáo hội Chiến đấu (tất cả chúng ta đang đấu tranh ở đây dưới thế gian). Trái tim của Giáo hội và Vương quốc thì với Giáo hội Chiến thắng, “Giê-ru-sa-lem thượng giới... mẹ chúng ta.” (Gal 4:26), nơi chúng ta được gắn kết  bằng đức tin và các bí tích. -- Dr. John Bergsma

Share:

Một ý nghĩa của Danh hiệu "Con Người" -- Lễ Chúa Kitô Vua

Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en (7:13-14)

Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một ;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

Là người Kitô hữu, chúng ta đọc văn đoạn Kinh thánh này và nhận ra mặc khải của Chúa trong Kinh Thánh là sự mặc khải dần dần. Nghĩa là, khi sự mặc khải trong Kinh thánh đi đến điểm nói cách rõ ràng về việc Ngôi Hai nhập thể, thì các lẽ thật của đức tin bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Trong Đa-ni-ên 7, một văn bản Cựu Ước, chúng ta đã có một khải tượng ban đầu về ít nhất hai Ngôi vị của Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha và Chúa Con.

Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu dùng danh hiệu “Con Người” để nói về chính mình. Khi Chúa Giê-su dùng danh hiệu đó cho chính mình, tôi tin rằng Người đang nghĩ đến hai đoạn trong Cựu Ước, cụ thể là Đa-ni-en chương 7, nơi “Con Người” lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị” trong thời cánh chung, trong cuộc phán xét cuối cùng, và Thánh vịnh 8, nói về  Con Người được tạo nên “chẳng thua kém thần linh là mấy / một chút” (Tv 8:6) hoặc “trong một thời gian ngắn, kém hơn Thiên Chúa” nhưng sau đó Thiên Chúa “đặt muôn loài muôn sự dưới chân” Con Người (Tv 8:7). Người nghĩ rằng danh hiệu “Con Người” của Chúa Giêsu ám chỉ đến sự hữu hạn hoặc bản tính con người của Người. Nhưng thực ra, danh hiệu đó ám chỉ đến vai trò cánh chung của Người với tư cách là Vua và vị Thẩm phán. Điều này trở nên rõ ràng nhất trong phiên tòa xét xử cuối cùng của Chúa Giêsu, khi Philatô trực tiếp hỏi Người, liệu Người có phải là Đấng Kitô không:

“Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” 63” (Mc. 14:61–62)

Tại thời điểm đầy kịch tính này trong sứ vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu nhắc đến đoạn Kinh thánh từ Đanien để xác định danh tính của Người và chỉ ra vai trò của Người với tư cách là Thẩm phán trong thời cánh chung, thời sau hết.-- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Bà goá nghèo hèn nhưng khôn ngoan -- CN 31 TN

Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” Bà trả lời : “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Ê-li-a nói với bà : “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà… Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói ; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán (1 Vua 17:10-16).

 

Cũng như Ê-li-a gặp bà goá thành Xa-rép-ta, Chúa Giêsu gặp bà goá nơi thùng bỏ tiền dâng cúng ở Đền thờ. Cuộc gặp gỡ này không phải tình cờ mà là có mục đích; Ê-li-a là sứ giả của ân sủng Chúa.

Ê-li-a thử thách đức tin của bà goá bằng cách yêu cầu bà chuẩn bị phần lương thực cuối cùng mà bà đã định dành cho mình và con trai. Qua yêu cầu đó, Ê-li-a nhấn mạnh rằng nhu cầu lớn nhất của bà không phải là lương thực vật chất mà là lương thực của niềm tin và hy vọng cho sự sống của linh hồn. Sự vâng phục đầy đức tin của bà đã đem đến phép lạ mà bà cần.

Tương tự, Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đặt lòng yêu mến Chúa lên trên những nhu cầu thế gian, vì Người biết rằng cơn đói sâu thẳm nhất của chúng ta là về mặt linh hồn. Lời kêu gọi này được thể hiện qua các thánh tử đạo, những người đã từ bỏ mọi thứ vì Chúa Kitô, thể hiện niềm tin rằng giá trị thật sự nằm ở những gì không thể mất đi — niềm tin, hy vọng và tình yêu dành cho Chúa. Như thánh tử đạo Jim Elliot đã nói, “Người khôn ngoan cho đi những gì mình không thể giữ để nhận lấy điều mình không thể mất.”

Đức tin vào Thiên Chúa là một thử thách và thường được củng cố qua các thử thách. Sự thử thách của Chúa giúp chúng ta nhìn vượt ra khỏi bản thân để tin cậy vào sự tốt lành của Người, học cách nhìn nhận mọi sự trong cuộc sống qua tình yêu và sự khôn ngoan của Người. Đức tin cho phép chúng ta cảm nhận sự hiện diện và lòng trắc ẩn của Chúa, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Lòng trung tín của Thiên Chúa có nghĩa là Người thường ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta cầu xin và luôn cung cấp những gì chúng ta thực sự cần, ngay cả khi có vẻ như Người đang giữ lại điều đó.

Thật vậy, chúng ta có thể nói trọn vẹn cuộc sống thì như bí tích Thánh Thể, nơi mà đằng sau những vẻ bề ngoài là sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Đức tin giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện trấn an của Chúa trong cuộc sống, ngay cả giữa những khó khăn, Ngài nói với chúng ta: “Chính Ta đây. Đừng sợ.” Bằng cách nuôi dưỡng thói quen đức tin này, chúng ta chuẩn bị để nghe được tiếng nói an ủi đó, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. -- Dr. Peter Kreeft

Share:

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Không ai yêu con hơn Ngài, lạy Chúa

Chúa là Đấng duy nhất mang lấy những gánh nặng và âu lo của chúng ta, tất cả những bệnh tật và lo lắng của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngài có thể gánh chịu mọi thứ, vì Ngài là Đấng Toàn Năng.

Chúng ta phải qua lời cầu nguyện dâng lên Chúa tất cả những bệnh tật của chúng ta và của những người lân cận. Cầu nguyện là cho việc đó. Chúng ta phải trở nên một với Chúa và không được lo lắng về ngày mai, như Ngài đã phán: Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mat 6:34).

Chúa dạy chúng ta không lo lắng về ngày mai. Nhưng chúng ta lại làm điều đó: chúng ta không chỉ lo lắng về ngày mai mà còn xa hơn thế nữa, và điều này làm cho cuộc sống chúng ta rất căng thẳng. Chúng ta là những sinh vật có lý trí, được tạo ra để gánh chịu sự căng thẳng của một ngày. Thế mà chúng ta tự vác lấy gánh nặng hơn vậy, và do đó chúng ta đau khổ. Chúng ta không vâng lời Chúa khi Ngài bảo chúng ta đừng lo lắng về ăn gì uống gì và những sự bận tâm của thế gian này. Nhưng chúng ta tạo ra gánh nặng cho cơ thể và tâm hồn mình. Thức ăn và đồ uống làm cho cơ thể cực nhọc hơn khi chúng ta ăn và uống nhiều hơn mức cần thiết. Cơ thể chúng ta phải lao khổ chỉ để tiêu hóa tất cả những thức ăn đó và vì vậy chúng mệt nhọc. Rồi nếu chúng ta lại gánh thêm những gánh nặng bằng những ý tưởng của mình, thì sự căng thẳng sẽ tăng lên gấp bội và sự đau khổ của chúng ta cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn cầu nguyện.

Chúa không cần lời cầu nguyện của chúng ta — trái lại, chúng ta cần cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta thực sự đang nói chuyện với Ngài cũng giống như chúng ta nói chuyện với nhau. Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Không có người thân hay bạn bè nào ở trên trần gian này hiểu chúng ta và yêu thương chúng ta như Chúa. Tình yêu của Ngài không môi miệng nào có thể diễn tả được; chúng ta cũng không thể hiểu và tưởng tượng được tình yêu ấy như thế nào. Chúng ta còn quá nhỏ bé để hiểu được chiều sâu của tình yêu Chúa. Lòng thương xót của Chúa không thể so sánh được với sự gì ta biết để có thể hiểu được. Ngài trao ban chính Ngài cho chúng ta không chút lưỡng lự. Ngay cả điều này, chúng ta cũng không thể hiểu được dù chỉ là bước đơn giản ban đầu!
-- Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica
Share:

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Tâm trí của bạn trở nên nặng nề bởi vì bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những người xung quanh

Tâm trí của bạn trở nên nặng nề bởi vì bạn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những người xung quanh. Hãy cầu nguyện với Chúa để Ngài giúp bạn gỡ bỏ gánh nặng này. Đây là những suy nghĩ của người khác, khác biệt với suy nghĩ của bạn. Họ có kế hoạch của họ, và kế hoạch đó là tấn công bạn bằng chính suy nghĩ của họ. Thay vì buông bỏ, bạn đã tự để mình trở thành một phần trong kế hoạch của họ, và tất nhiên, bạn sẽ phải chịu đựng. Nếu bạn đã phớt lờ cuộc tấn công, bạn sẽ giữ được sự bình yên trong tâm hồn. Dù họ có thể nghĩ hoặc nói bất cứ điều gì về bạn, bạn vẫn sẽ giữ được sự bình tĩnh và thanh thản. Sớm thôi, mọi cơn giận dữ của họ sẽ dịu xuống, như một quả bóng bay xì hơi, bởi những suy nghĩ thuần khiết và bình yên đến từ bạn. Nếu bạn như vậy, bình tĩnh và tràn đầy yêu thương, nếu mọi suy nghĩ của bạn đều là những suy nghĩ tốt lành và nhân từ, họ sẽ ngừng chiến đấu chống lại bạn trong suy nghĩ của họ và sẽ không còn đe dọa bạn nữa. Nhưng nếu bạn đòi mắt đền mắt, đó chính là chiến tranh. Ở đâu có chiến tranh, ở đó không thể có hòa bình. Làm sao có thể có hòa bình trên chiến trường, khi mọi người đều phải cảnh giác để chặn trước cuộc tấn công bất ngờ từ kẻ thù? -- Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Chỉ cần ta muốn yêu Chúa bằng cả con tim, Chúa sẽ làm phần của Ngài -- CN 30 TN

Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6:4-6).

Bạn có nhận ra đây không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là một điều răn. Đó là lời của Chúa đến với chúng ta, cũng như là lời của chúng ta gửi đến Chúa. Cầu nguyện cơ bản là một cuộc đối thoại hai chiều với Thiên Chúa, và cuộc đối thoại là sự trao đổi, chứ không phải là độc thoại. Lời tôn vinh, cảm tạ, đền tội và khẩn cầu của chúng ta bay lên đến Chúa; và sự mặc khải, các điều răn và ân sủng của Chúa đến với chúng ta.

Xung quanh lời cầu nguyện này, Mô-sê sử dụng năm động từ ở thể mệnh lệnh cho các điều răn. Thứ nhất, “kính sợ” Chúa. Thứ hai, “tuân giữ” các điều răn của Ngài. Thứ ba, cẩn thận / lo đem chúng ra “thực hành”. Thứ tư, “yêu thương” Chúa của bạn bằng cả trái tim. Thứ năm, “ghi lòng tạc dạ” những lời này. Hãy cùng xem xét các động từ này một cách cẩn thận.

Đầu tiên là kính sợ, vì sự kính sợ phải đến trước. Nỗi sợ Thiên Chúa không phải là nỗi sợ nô lệ, như nỗi sợ của kẻ nô lệ đối với một chủ nhân tàn nhẫn, mà là nỗi sợ của một người con yêu thương và trung thành, sợ làm buồn lòng người cha yêu dấu của mình. Đôi khi người ta nói rằng nỗi sợ này có nghĩa là “tôn trọng,” nhưng nó còn hơn thế nữa. Đó là sự tôn kính. Đó là thờ phượng. Đó là tôn thờ. Đó là phản ứng mà chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng được lãnh nhận. Thái độ này là nguồn gốc tâm lý và bản chất của mọi tôn giáo. Gần như một từ đồng nghĩa với nỗi sợ Thiên Chúa này là đức tin, tin vào sự hoàn thiện của Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, thúc đẩy lời cầu nguyện cốt lõi của mọi tôn giáo chân chính: “Xin cho ý Cha được thực hiện.”

Và “ý Cha được thực hiện” chính là điều răn thứ hai: vâng lời. Đức tin không chỉ là một quan điểm; không chỉ là tin trong tâm trí; đức tin là lòng trung thành của ý chí. Đức tin là một lựa chọn, một hành động, một việc làm. Chương 11 của sách Híp-ri là danh sách những vĩ nhân đức tin thời Cựu Ước, và nó xác định đức tin của mỗi người qua những hành động vâng lời của họ. Nó cho chúng ta biết đức tin của họ đã làm gì.

Thứ ba, sự vâng lời này phải được thực hiện một cách cẩn thận, có nghĩa là có sự “cần thận / lo toan.” Cẩn thận ở đây không có nghĩa là “kén chọn” hoặc “sợ hãi,” mà có nghĩa là đam mê tích cực, chú ý và yêu thương. “Anh ấy thực sự quan tâm đến tôi” nghĩa là “anh ấy đặt tôi lên hàng đầu.” Khi chúng ta muốn nói, “Bạn nên thực sự quan tâm đến điều này,” chúng ta nói, “Đó là vấn đề sống còn.” Thiên Chúa thực sự là vấn đề sống chết đối với chúng ta, của đời sống vĩnh viễn [mà cuộc sống này chỉ là như một cái chớp mắt].

Thứ tư, điều răn trọng tâm là “yêu mến” Chúa hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Điều đó có nghĩa là đặt Chúa lên trên tất cả, không chỉ là thêm Ngài vào cuộc sống như lớp kem phủ lên bánh mà là để Ngài trở thành cả chiếc bánh, là Chúa của toàn bộ cuộc sống, để cho Thiên Chúa là Chúa của đời bạn. Bạn có thể nghĩ rằng điều này là không thể trừ khi bạn là một vị thánh; nhưng Thiên Chúa không yêu cầu điều gì là không thể làm được. Chọn để làm điều đó, cố gắng làm điều đó, muốn làm điều đó, quyết tâm làm điều đó, chính là đã làm được.

Cuối cùng, Mô-sê nói rằng “ghi lòng tạc dạ.” Điều đó có nghĩa là gì? Trong tiếng Híp-ri, điều này có nghĩa là, “Những lời này sẽ ở trên trái tim bạn,” hoặc “trong trái tim bạn.” Bởi vì chúng ta yêu Chúa bằng trái tim, chúng ta yêu những lời này bằng trái tim. Chúng ta có thể không thực hiện được điều răn yêu mến Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta không thể không yêu mến điều răn đó. Chúng ta có thể chưa yêu Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta có thể ít nhất là muốn yêu Ngài bằng cả trái tim, và nếu chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ dần dần biến đổi trái tim chúng ta thành điều mà chúng ta mong muốn.

Nếu chúng ta thậm chí không muốn yêu Chúa bằng cả trái tim, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết Chúa. Chúa là Đấng đáng yêu nhất vì Chúa là tình yêu, và tình yêu luôn muốn chia sẻ chính mình, và Chúa không mong muốn gì hơn là ban cho chúng ta niềm vui trên thiên đàng, một niềm vui chỉ có được khi chúng ta biết yêu thương. -- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul: Reflections on Mass Readings, Year B

Share:

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho con

“Ba-ti-mê” có nghĩa là “con trai của Ti-mê.” Tên Timaeus là một tên tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa “danh dự” hoặc “đáng kính”... Từ “Bar,” ngược lại, là một từ Do Thái-Aramaic mang nghĩa là “con trai.” Những tên khác có cấu trúc tương tự bao gồm “Barnabas” và “Barabbas.” Vì vậy, Bar-timaeus là một người Do Thái có cha mang tên Hy Lạp. Chính cấu trúc của cái tên đã cho thấy sự lưu đày của dân Israel giữa các dân tộc khác, nơi họ đã lấy những tên ngoại quốc từ các nền văn hóa mà họ bị phân tán.

Ba-ti-mê bị mù, giống như “những người mù và què” (Giêrêmia 31:8) trong số những người bị lưu đày của Israel được nhắc đến trong bài đọc một (Gr 31:7-9). Anh kêu tên Chúa Giêsu dưới danh xưng “Con vua Đavít.” Con vua Đavít là vị vua sẽ cai trị lần nữa mười hai chi tộc của dân Chúa. Ba-ti-mê, một người con và là nạn nhân của sự lưu đày và những tai họa mà Israel đã phải gánh chịu, kêu đến Con vua Đavít để được phục hồi.

Đám đông muốn làm im lặng người ăn xin mù này, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng. Chúa Giêsu chú ý đến anh và gọi anh đến. “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Ba-ti-mê không ngần ngại nói: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

Có phải đó cũng là điều mà tất cả chúng ta mong muốn? Chúng ta muốn “thấy.” Chúng ta muốn nhận thức mọi thứ như chúng thực sự là, có thể thấy mọi thứ như Chúa nhìn thấy chúng.

Tôi nhớ đến một lời cầu nguyện mà Thánh Josemaría Escrivá từng cầu nguyện trong nhiều năm khi còn trẻ, Domine, ut videam! “Lạy Chúa, xin cho con được thấy!” Thánh Josemaría biết rằng ngài được Chúa gọi, nhưng không thấy rõ Chúa đang kêu gọi mình về điều gì. Vì vậy, ngài đã cầu nguyện cho sự sáng suốt về tinh thần, qua lời của Ba-ti-mê. Nhiều người trong chúng ta cũng cần làm như vậy.

Chúa Giêsu đáp lời Ba-ti-mê: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Và Ba-ti-mê nhìn thấy được! Nhưng anh không trở về con của mình. Anh theo Chúa Giêsu trên con đường của Chúa. Đó là điều thật đáng chú ý. Ba-ti-mê không chỉ muốn đôi mắt mình được chữa lành. Anh muốn trở thành một phần của vương quốc Israel mà Con của Đavít đang phục hồi, bắt đầu với Mười Hai Tông đồ, những tổ phụ mới của dân Israel Mới. Anh muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một thành viên của Giáo Hội.

Chúng ta đọc câu chuyện này và tập trung vào việc Ba-ti-mê nhận lại thị giác của mình. Tuy nhiên, có một bài học khác về “thị giác” trong câu chuyện này. Đám đông nhìn Ba-ti-mê và chỉ thấy một người ăn xin mù lòa, một con người “vô giá trị” không đáng làm phiền đến Ráp-bi bận rộn từ Nazareth. Nhưng Chúa Giêsu nhìn Ba-ti-mê và thấy một người con đích thực của Israel, một nạn nhân của tội lỗi của dân tộc mình và một thế giới sa ngã. Ngài cảm thông với người đàn ông này, khôi phục thị giác cho anh và cũng chào đón anh vào Israel mới mà Ngài đang hình thành xung quanh mình: Giáo Hội."

"Chúa Nhật này, chúng ta đến Thánh lễ với nhu cầu được phục hồi tầm nhìn của mình. Tội lỗi, nỗi buồn và những áp lực của cuộc sống làm mờ tầm nhìn của chúng ta, khiến chúng ta không thể nhìn thấy mọi thứ như chúng là. Chúng ta cầu nguyện cùng Ba-ti-mê và Thánh Josemaría, Domine, ut videam! ‘Lạy Chúa, xin cho con được thấy!’ Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy ơn gọi của mình, thấy điều Chúa muốn chúng con làm, và thấy ở mỗi con người một giá trị đáng được yêu thương, để không ai trở nên vô hình hay bị bỏ quên trong mắt chúng con.” -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Chúng ta hãy vui mừng vì ơn Chúa cứu độ

Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. -- Thánh vịnh 126:4-5

Cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia đầy những khó khăn: ông được Chúa gọi để kêu gọi dân tộc Giu-đa ăn năn từ bỏ tội lỗi, nhưng từ khi còn trẻ ông đã được cảnh báo rằng sẽ không ai lắng nghe ông. Và đúng thật như vậy: Giê-rê-mi-a đã dành cả đời để cảnh báo dân chúng ở Jerusalem và Judah về sự hủy diệt sắp xảy ra dưới tay của người Babylon, nhưng cả hoàng thân lẫn dân chúng đều không bao giờ nghe lời ông. Ông đã sống qua cảnh Jerusalem bị phá hủy và chứng kiến quê hương, gia đình, và dân tộc của mình bị tiêu diệt bởi chính sự cứng đầu của họ. Chẳng cần phải nói, sách tiên tri của ông không phải là một cuốn sách vui vẻ.

Tuy nhiên, trong năm mươi hai chương có một đoạn sáng sủa: các chương 30–33, gọi là "Sách An Ủi." Không giống phần còn lại của cuốn sách, ở đây Giê-rê-mi-a thực sự hướng tới tương lai sau sự hủy diệt và trừng phạt của Judah. Trong tương lai đó, vượt ra ngoài cuộc đời của ông, ông nhìn thấy một sự phục hồi của hòa bình và mối quan hệ yêu thương giữa Chúa và tất cả các chi tộc Israel.

Chương 31 của Giê-rê-mi-a, bài đọc một là một phần của chương này, nổi tiếng nhất với lời tiên tri trong các câu 31–34, là đoạn duy nhất trong Cựu Ước sử dụng chính xác cụm từ "Giao ước Mới" (tiếng Híp-ri, berith hadashah) để mô tả sự phục hồi mà Chúa sẽ mang đến sau khi Giuđa bị hủy diệt và lưu đày.

Bài đọc Chúa Nhật này bao gồm một lời tiên tri ít nổi tiếng hơn ở đầu chương quan trọng này. Trong các câu 7–9, Giê-rê-mi-a tiên đoán về sự phục hồi của Israel. "Israel" ở đây ám chỉ mười chi tộc phía Bắc, những người đã bị người Assyria tiêu diệt và lưu đày khoảng 150 năm trước khi các chi tộc phía Nam là Judah và Benjamin bị người Babylon chinh phục. Israel ở đây cũng được gọi là "Ephraim" trong câu cuối cùng: “Ephraim là con đầu lòng của Ta." Ephraim là chi tộc hàng đầu của liên minh mười chi tộc tạo thành Israel phía Bắc. Đây là chi tộc mạnh nhất, nằm ở trung tâm, nắm giữ thủ đô và cung cấp phần lớn các vị vua.

Ngay từ thời của Giê-rê-mi-a, quốc gia Israel đã là lịch sử của quá khứ, đã mất đi từ lâu, là một ký ức xa xôi. Thế nhưng Giê-rê-mi-a tuyên bố rằng Chúa chưa quên họ, rằng Ngài sẽ tập hợp họ “từ các đầu bờ cõi,” bao gồm cả “người mù và người què.”

Chủ đề phục hồi Israel là một phần quan trọng trong cuộc đời và sứ vụ của Chúa chúng ta khi chúng ta đọc các sách Phúc Âm. Chúa Giêsu đã chọn Mười Hai Tông Đồ như Mười Hai Tổ Phụ Mới, xung quanh đó Ngài sẽ phục hồi các chi tộc Israel. Một phần của tinh thần truyền giáo mà chúng ta thấy trong sách Công vụ Tông đồ phát xuất từ mong muốn đến với tất cả các quốc gia, nơi các chi tộc Israel bị phân tán, để tập hợp lại dân của Chúa.

Share:

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến vậy, thì tại sao địa ngục lại tồn tại?

Hỏi một Linh Mục / Ask a Priest: Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến vậy, thì tại sao địa ngục lại tồn tại?

Câu hỏi: Làm sao một Thiên Chúa yêu thương lại có thể đày ai đó xuống địa ngục? Tôi luôn được dạy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện, nhưng nếu điều đó đúng, thì tại sao địa ngục lại tồn tại? Điều đó chẳng phải chứng minh rằng tình yêu của Thiên Chúa có điều kiện hay sao? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra vũ trụ tuyệt mỹ, không thể tìm ra một giải pháp thay thế tốt hơn địa ngục? Tại sao Thiên Chúa lại tạo ra một nơi khiến cho cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá trở nên vô hiệu đối với những ai đi xuống địa ngục? Kitô giáo dạy chúng ta yêu thương người lân cận. Làm sao tôi có thể yêu thương người lân cận mà lại quên đi những linh hồn đang bị thiêu đốt trong địa ngục? Chúng ta không thể cầu nguyện cho họ. Địa ngục là vĩnh cửu. Nếu tôi lên thiên đàng, xin Thiên Chúa phù hộ, làm sao tôi có thể hưởng thiên đàng biết rằng có hàng tỷ linh hồn đang bị thiêu đốt mãi mãi? Cốt lõi của vấn đề là tình yêu của Thiên Chúa và hình phạt của địa ngục hoàn toàn đối lập nhau. Một số người đã nói với tôi rằng địa ngục là sự công bằng của Thiên Chúa. Khi tôi đọc những lời của Chúa Giêsu về địa ngục, nó không thể hiện sự công bằng đối với tôi. Nó thể hiện sự thù hận. Địa ngục là điều tôi ghét. Nó là một sự sáng tạo của Thiên Chúa mà tôi tin rằng không nên tồn tại đối với bất kỳ đứa con nào của Ngài, dù họ có xấu xa đến đâu. Chúng ta không bao giờ được quên rằng không có điều gì xảy ra mà không theo ý muốn của Thiên Chúa, bao gồm cả những người đi xuống địa ngục. Tôi từ chối tin rằng trái tim của tôi nhân hậu hơn giáo lý của mình… nhân hậu hơn Chúa của tôi. Tôi hy vọng những câu hỏi của mình không làm phiền cha.
—C.

Trả lời bởi Linh mục Edward McIlmail, LC

Tôi rất trân trọng cơ hội để trả lời những câu hỏi đầy tâm huyết của bạn. Trước tiên, tôi cần nhấn mạnh rằng không bao giờ nên hiểu những lời của Chúa Giêsu về địa ngục như là sự thể hiện lòng thù hận. Chúa Giêsu là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Gioan 14:6), và bất cứ điều gì Ngài mạc khải đều là vì sự cứu rỗi của chúng ta. Và Ngài làm điều đó vì tình yêu dành cho chúng ta.

Tâm điểm của câu hỏi của bạn, tôi nghĩ, là cảm giác rằng "tình yêu của Thiên Chúa và hình phạt của địa ngục hoàn toàn đối lập nhau." Nhưng thực ra, chúng không đối lập. Thay vào đó, chúng là hai mặt của cùng một vấn đề.

Để hiểu điều này, chúng ta cần nhớ hai thực tế: thứ nhất, Thiên Chúa là ai, và thứ hai, địa ngục là gì.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Gioan 4:8). Thiên Chúa là tình yêu thuần khiết, sự hoàn hảo vô tận. Lời nói không thể diễn tả hết sự vĩ đại của Ngài. Ngài yêu thương đến mức tạo dựng chúng ta để chia sẻ tình yêu đó với chúng ta. Nếu Thiên Chúa tốt lành, yêu thương, hoàn hảo như thế, thì thụ tạo nào có thể có bất kỳ lý do nào để bất tuân Ngài?

Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta như những cỗ máy. Ngài ban cho chúng ta ý chí tự do để chúng ta có thể yêu thương Ngài một cách tự nguyện. Ý muốn hoàn hảo của Ngài là chúng ta vâng lời Ngài — Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Nhưng sự quan phòng của Ngài mở ra cho chúng ta một sự tự do mà chúng ta có thể lạm dụng.

Tổ tiên của chúng ta, Adam và Eva, đã không vâng lời Ngài, gây tổn hại cho bản thân họ và bản tính con người sẽ được truyền lại cho con cháu của họ (như chúng ta). Bản tính tổn thương này là một cách để nghĩ về tội nguyên tổ, mà chúng ta thừa hưởng. Một trong những hậu quả của tội nguyên tổ, ngay cả sau khi rửa tội, là chúng ta có khuynh hướng phạm tội, còn gọi là tính dục xấu xa (concupiscence). “Dục vọng xuất phát từ sự bất tuân của tội đầu tiên.Nó làm hỗn loạn các năng lực luân lý con người và, dù tự nó không phải là tội, nhưng nó hướng con người đến chỗ phạm tội” (GLCG 2515).

Một số tội có tính chất nghiêm trọng, hay còn gọi là tội trọng. Tội trọng liên quan đến việc từ chối hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa (để biết thêm, hãy xem GLCG từ số 1845). Một người chết trong tình trạng tội trọng sẽ đối mặt với hậu quả của sự tách rời hoàn toàn với Thiên Chúa. Đó chính là địa ngục.

Địa ngục không phải là một sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó, theo Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một buổi diện kiến năm 1999, “Nó không phải là một hình phạt được áp đặt từ bên ngoài bởi Thiên Chúa mà là một sự phát triển từ những tiền đề đã được con người thiết lập trong cuộc sống này.”

Nói cách khác, địa ngục xuất phát từ bản chất của tội trọng. Thiên Chúa không đày người ta xuống địa ngục; đó là điều họ tự chọn.

Một phép ẩn dụ có thể giúp ích. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một con tàu tìm kiếm những người sống sót từ một chiếc tàu chìm. Bạn thấy một hành khách đang vật lộn với những cơn sóng sau lưng bạn. Bạn ném một chiếc phao cứu sinh cho anh ta, nhưng anh ta từ chối cầm lấy nó. Bạn van xin anh ta nắm lấy chiếc phao cứu sinh, nhưng anh ta phớt lờ lời cầu xin của bạn. Cuối cùng, anh ta chìm xuống dưới sóng và chết đuối. Cái chết đuối của anh ta có chỉ ra rằng bạn thờ ơ không? Khi bạn van nài anh ta nắm lấy chiếc phao cứu sinh, bạn có thể hiện lòng thù hận không? Cái chết của anh ta có phải là lỗi của bạn không?

Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này là: không. Người trong nước, vì lý do nào đó, đã từ chối sự giúp đỡ của bạn. Việc anh ta chết đuối là hậu quả.

Điều này tương tự với tình yêu của Thiên Chúa. Ngài luôn ném những chiếc phao cứu sinh cho những người đã sa ngã vào tội trọng. Ngài thậm chí đã sai Con của mình đến để dạy họ cách nắm lấy chiếc phao cứu sinh và cảnh báo họ về những gì họ có thể mất nếu không làm vậy. Để giúp con người được cứu rỗi, Chúa Giêsu thậm chí sẵn lòng chết trên thập giá. Tuy nhiên, Ngài sẽ không ép buộc ai chấp nhận sự cứu rỗi. Ngài tôn trọng ý chí tự do của họ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa không bao giờ ngừng vươn tay đến chúng ta khi chúng ta còn trên trần gian. Giáo lý nói rõ điều này: “Dù con người có thể quên Thiên Chúa hoặc từ chối Ngài, Ngài không bao giờ ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Ngài, để tìm thấy sự sống và hạnh phúc” (số 30). Khi giải thích tại sao ai đó có thể rơi vào địa ngục, Giáo lý nhấn mạnh rằng: “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng” (số 1037). Thiên Chúa yêu thương chúng ta quá nhiều để ép buộc bất kỳ ai phải lên thiên đàng. Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, và chúng ta có thể sử dụng tự do đó để từ chối tình bạn với Ngài mãi mãi.

Tóm lại: Thiên Chúa không đày ai xuống địa ngục. Con người tự chọn điều đó. Địa ngục không phải là một phần của sự sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. Thay vào đó, nó là kết quả của những lựa chọn mà con người (và thiên thần) đã đưa ra khi từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

Nếu bạn lên thiên đàng, và tôi hy vọng bạn sẽ, câu hỏi đầu tiên của bạn khi ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa có thể là: “Làm sao ai đó có thể từ chối Tình yêu hoàn hảo đến vậy?” May mắn thay, sai lầm của người khác sẽ không ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn. Bởi vì, được lên thiên đàng theo định nghĩa là trở nên hạnh phúc nhất mà bạn có thể có được. (Nhân tiện, hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người đã qua đời; bạn không bao giờ biết ai còn cần sự giúp đỡ của bạn.)

Bạn nói rằng bạn từ chối tin rằng trái tim của bạn nhân hậu hơn Chúa của bạn. Tôi đồng ý. Không ai có thể vượt qua Chúa trong lòng nhân hậu và tình yêu. Hãy cùng cầu nguyện rằng mọi người đều đón nhận sự thật đó. Chúa chúc lành cho bạn.

Share:

Chúa tạo ra địa ngục?

Từ Catholic Answer

Giáo hội có dạy rằng địa ngục do Thiên Chúa tạo ra để là nơi của những kẻ bị nguyền rủa không?

Trả lời: Để rõ ràng, Thiên Chúa không tạo ra địa ngục. Ma quỷ và những thiên thần theo nó đã tạo ra địa ngục. Chúng được Thiên Chúa tạo ra là những thực thể tốt lành, nhưng khi chống lại Đấng Tạo Hóa, chúng trở nên xấu xa và do đó, tự chọn loại trừ mình khỏi Thiên Chúa, và đó chính là địa ngục (GLCG 391-395). Tương tự, con người khi tự mình loại trừ khỏi Thiên Chúa cũng sẽ chọn địa ngục (GLCG 1033-37).

Từ Catholic Answer

Nếu Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ, thì chẳng lẽ Ngài cũng tạo ra địa ngục? Nếu Ngài tạo ra địa ngục, thì địa ngục có tốt không, vì mọi thứ Thiên Chúa tạo ra đều tốt?

Trả lời: Địa ngục về cơ bản không hẳn là một nơi vật lý, mà là trạng thái vĩnh cửu của sự tách biệt giữa Thiên Chúa và những thụ tạo—thiên thần và con người—những ai đã vĩnh viễn chọn từ chối Ngài. Thiên Chúa tạo ra ý chí tự do, và ý chí tự do là điều tốt, nhưng địa ngục là kết quả của sự lạm dụng ý chí tự do. Từ quan điểm này, có thể nói rằng Thiên Chúa không tạo ra địa ngục; Ngài chỉ cho phép nó có thể xảy ra. Trong khi những người bị lạc mất sẽ có thân xác phục sinh và ở trong một nơi chốn, nơi chốn đó tự nó không phải là xấu xa. Điều xấu xa là việc những người lạc mất đã quyết định cắt đứt hoàn toàn khỏi Thiên Chúa—cội nguồn của mọi niềm vui—dẫn đến sự đau khổ do chính họ gây ra.

Share:

Mẹ là Mẹ của con

Đức Maria đã sinh ra Người Con Đầu Lòng của mình cách nhẹ nhàng trong hang Bê-lem; giờ đây Mẹ sinh ra người con thứ hai, Gioan, trong cơn đau đớn của cây Thánh giá. Giờ đây, Mẹ Maria đang chịu đựng những cơn đau khi sinh nở, không chỉ cho người con thứ hai của mình, tức Gioan, mà còn cho hàng triệu người sẽ được sinh ra cho Mẹ trong thời đại Kitô giáo với tư cách là "Những đứa con của Mẹ Maria". Giờ đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Kitô được gọi là "Người Con Đầu Lòng của Mẹ". Không phải vì Mẹ sẽ có những đứa con khác bằng máu thịt, mà vì Mẹ sẽ có những đứa con khác bằng máu của trái tim mình. Thật vậy, Thiên Chúa đã kết án Evà giờ đây lại được tái diễn cho Evà Mới, Đức Maria, vì Mẹ đang sinh ra con cái mình trong đau khổ.

Vì thế, Đức Maria không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, mà còn là Mẹ của chúng ta. Gọi Đức Maria là Mẹ không chỉ là một danh hiệu lịch sự, không phải là một sự hư cấu pháp lý, không phải một cách nói ẩn dụ, mà là quyền của Mẹ khi sinh ra chúng ta cách đau khổ dưới cây Thánh giá. Chính vì sự yếu đuối và bất tuân dưới chân cây biết lành và biết dữ mà Evà đã mất đi danh hiệu mẹ của các sinh linh; chính vì dưới chân cây Thánh giá, Đức Maria đã hy sinh và vâng phục để giành lại cho chúng ta danh hiệu Mẹ của loài người. Thật là một tuyệt vời không thể tưởng khi có Mẹ Thiên Chúa làm Mẹ tôi và Chúa Giêsu làm Anh tôi! – ĐTGM Fulton Sheen, The Seven Last Words

Share:

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Chúa là thành lũy, là ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ gì ai?

Trong thời đại mà Thiên Chúa và tôn giáo không còn quan trọng trong xã hội, và cho số đông Thiên Chúa có tồn tại hay không chẳng liên quan gì đến họ, thì hơn bao giờ hết, chúng ta nghe rất nhiều về người chết trở về từ thế giới bên kia sau khi thấy hỏa ngục hoặc thiên đàng. Không phải mọi câu chuyện loại này đều đáng tin cậy vì ngay cả trong thế giới bên kia, người ta vẫn có thể bị lừa. Ma quỷ cũng có thể đội lốt thiên thần của ánh sáng.

Dù sao đi nữa, hôm nọ nghe về câu chuyện của một người chết sống lại làm mình suy nghĩ.

Người ấy ngay sau khi chết nhìn thấy hai con quỷ đến bắt anh. Anh ta nghĩ mình là Kitô hữu, có Chúa Giêsu nên không sợ gì nhưng hai con quỷ cười khặc và đưa ra danh sách của những tội anh đã phạm, những điều anh không hề nghĩ đến. Anh nghĩ rằng Chúa Giêsu đứng bên cạnh sẽ đuổi quỷ cho anh nhưng Chúa chẳng làm gì cả. Cuối cùng anh nói lời tương tự như câu này, “Nhân danh Chúa Giêsu, đi khỏi nơi đây.” Mười năm sau anh mới nhận ra Chúa đã trao ban cho chúng ta tất cả quyền năng, “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:19-20). Chúa muốn anh dùng những vũ khí rất lợi hại Chúa đã ban.

Qua câu chuyện này, mình học được hai điều. Điều thứ nhất là người Kitô hữu chúng ta đã được Chúa trang bị đầy đủ nhưng chúng ta vẫn không ý thức được sức mạnh và những vũ khí Chúa đặt trong tay chúng ta (cầu nguyện, Thánh Lễ, xưng tội, hy sinh, Lời Chúa…) và mãi sống như người con chưa biết tự lập.

Điều thứ hai là về tội của ta và ơn tha tội của Chúa. Dưới đây là một đoạn của Matt Fradd (một trong hai tác giả của sách Rèn Luyện đã được xuất bản) trong clip của Ben Shapiro:

“Tôi nghĩ một trong những lý do khiến tôi cảm thấy lo lắng khi mọi người chỉ ra tội lỗi của tôi là vì tôi sợ rằng suy cho cùng, những lỗi lầm đó nói tôi không đáng được yêu thương, tôi thật tệ và không sửa đổi ddược. Nhưng các Thánh Vịnh liên tục nhắc rằng Thiên Chúa là nơi nương náu của chúng ta. Và một điều tôi thích nói với tư cách là một người Kitô hữu và tôi tin rằng điều đó là đúng, là Chúa Kitô là nơi nương náu duy nhất đủ lớn cho trái tim nghèo túng và sầu buồn của chúng ta. Chúng ta không cần phải áp đặt sự hẹp hòi và khắc nghiệt của trái tim mình trên Chúa.

Thiên Chúa đầy lòng thương xót vô tận. Trước lòng thương xót của Chúa, tội lỗi của tôi thì như thể búng một giọt nước vào lò lửa cháy đỏ. Vì vậy, khi ai đó nói về tội lỗi của tôi, hoặc nếu tôi ý thức được về tình trạng tội lỗi của mình, điều này đương nhiên khiến tôi không thoải mái. Lúc đó, điều tôi muốn làm là giảm bậc nặng nhe của tội mình, hoặc nhìn vào những người tồi tệ hơn mình. Nhưng tôi nghĩ câu trả lời thay vào đó là hãy nhìn vào lòng thương xót lớn lao của Chúa và nói: 'Con tin tưởng vào Chúa. Chúa là sự công chính của con.'”

-------------

“ ĐỨC CHÚA phán: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. (Isaia 1:18)

“Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Luca 10:19-20)

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:18-20)

Share:

Tội Tổ Tông và Các Thiên Thần

Lý trí của chúng ta có khả năng nhận biết Chúa. Bằng cách quan sát thế giới hữu hình, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa vô hình, quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài. Một phần quyền năng của Ngài thể hiện qua những ngọn núi, và chúng ta thấy vẻ đẹp của Ngài trong cảnh hoàng hôn, sự tinh khiết của Ngài trong một bông tuyết. Mặc dù lý trí có thể biết được một phần nào đó về Chúa và bản chất của Ngài, nhưng nó không thể biết tất cả.

Chúng ta nhìn vào một bức tranh. Chúng ta có thể đoán được thời kỳ hoặc thế kỷ bức tranh được vẽ, phong cách của họa sĩ. Chúng ta có thể đoán được phần nào về kỹ thuật và tài năng của người họa sĩ, nhưng dù nhìn kỹ đến mức nào, chúng ta cũng không bao giờ hiểu được những suy nghĩ của người họa sĩ. Chúng ta nhìn vào sự sáng tạo và có thể suy luận chút gì về Chúa, nhưng không thể biết được suy nghĩ của Ngài. Chúa sẽ phải bày tỏ điều đó cho chúng ta.

Làm sao chúng ta biết được rằng Ngài đã mặc khải về chính Ngài cho chúng ta? Có hàng trăm người trong lịch sử xuất hiện và nói: “Tôi từ Chúa mà đến, hãy nghe thông điệp của tôi. Chúa đã sai tôi.” Chúng ta phải dùng lý trí để thiết lập những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá những người nói lời tuyên bố. Trước khi phán quyết về bất kỳ ai, chúng ta đã đặt ra ba thử nghiệm. Thứ nhất, bất kỳ ai đến từ Chúa đều phải được tiên báo trước. Thứ hai, Chúa sẽ ban cho họ quyền năng làm những điều mà chỉ có Chúa mới có thể làm. Thứ ba, giáo lý của người đó không bao giờ được mâu thuẫn với lý trí. Người đó có thể nói những điều vượt trên lý trí, nhưng không được nói điều gì trái với nó. Giáo lý của người đó phải phù hợp với lý trí đúng đắn và khát vọng của trái tim con người.

Đó là những tiêu chí, bây giờ chúng ta áp dụng chúng. Chúng ta có thể xếp tất cả những người đã tuyên bố trong lịch sử từ đầu đến cuối, và trong số đó chúng ta đặt Chúa Kitô. Chúng ta hỏi, “Có ai trong số các ngươi đã được tiên báo trước không?” Chỉ có một người trả lời câu hỏi đó, và đó là Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh rằng Chúa Kitô đã làm phép lạ và đặc biệt là sống lại từ cõi chết để chứng tỏ Thiên Chúa tính của Ngài. Không có điều gì Ngài dạy trái với lý trí con người; trái lại, nó thỏa mãn sâu sắc khát vọng của trái tim. Sau đó, chúng ta nghiên cứu về Chúa Kitô, lời chứng của Ngài về bản thân, là Con Thiên Chúa và Con Người. Sau đó, chúng ta chỉ ra rằng Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngài có bản chất thần linh và bản chất nhân loại, và cả hai được kết hợp trong sự hiệp nhất của Ngôi Vị Thiên Chúa. Là con người, Ngài giống chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi và việc phạm tội của chúng ta.

Là Thiên Chúa, sự đền tội và bồi thường cho cái nợ vô hạn chúng ta mắc phải có thể được đền bù vì Ngài là Thiên Chúa vô hạn.

Sau đó, chúng ta tiếp tục chỉ ra rằng Chúa của chúng ta không chỉ là một Người Thầy mà còn là Đấng Cứu Độ, cứu chúng ta khỏi tội. Có hai thứ tội lỗi chính. Có tội cá nhân mà chúng ta phạm phải do ý chí của chính mình, điều mà chúng ta phải chịu trách nhiệm như trộm cắp, nói dối, và làm chứng gian chống lại người lân cận. Sau đó, có một loại tội khác không phải là tội cá nhân. Ý chí của chúng ta không tham gia vào, không quyết định về việc này. Tội lỗi này gắn liền với bản chất của chúng ta vì chúng ta là con người. Tội đó được gọi là tội nguyên tổ.

Trong vũ trụ có một luật: “Ai không chiến đấu, không thể được trao ban vương miện.”1 Chúng ta được ban cho những ân huệ và phước lành nhất định nếu vượt qua được những thử thách. Điều đó xảy ra khi chúng ta còn trong trường học và nó cũng xảy ra trong tình yêu. Một người đàn ông phải xứng đáng với người phụ nữ mà anh ta yêu. Chúng ta tự do và tự do là cơ sở của mọi tình yêu. Sử dụng tự do đúng cách mang lại cho chúng ta những đặc quyền nhất định, còn không thì không có đặc quyền gì cả. Một người cha có ý định cho con trai mình đi học đại học. Có một điều kiện gắn liền, cụ thể là, cậu bé phải học.

Giả sử cậu bé không học; cậu dành thời gian mãi rong chơi; bằng việc lạm dụng quyền tự do, cậu bé mất đi đặc quyền được học lên cao. Người cha đã không hề đổi ý. Người ta không bao giờ có thể nói với người cha rằng, “Ông thật tàn nhẫn vì ông không cho con trai mình đi học đại học.”

Người cha rất sẵn lòng cho con trai mình đi học đại học, nhưng cậu bé không thể vào đại học; cậu bé không vượt qua được bài kiểm tra. Chúa muốn tôn vinh một số món quà nhất định mà chúng ta có. Ngài muốn tôn vinh cách sử dụng đúng đắn sự tự do của chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta thứ gì đó là của riêng chúng ta mà thực ra không phải của riêng chúng ta, và tất cả những gì chúng ta phải làm để sở hữu một món quà và đặc quyền tuyệt vời của Chúa là vượt qua một bài kiểm tra. Bài kiểm tra này thì dễ dàng, một bài kiểm tra về tình yêu của chúng ta đối với Ngài và tình yêu này là sự hoàn hảo của chúng ta. Bài kiểm tra là sự thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa, đó là điều kiện cho sự độc lập tương đối của chúng ta [với Chúa].

Luật này ở mọi nơi trong vũ trụ và đầu tiên được áp dụng cho các thiên thần. Các thiên thần được nhắc đến rất rõ ràng trong Kinh Thánh và người ngoại giáo cũng tin vào các thiên thần. Lý trí đã giúp họ nhận ra rằng cũng như có vật chất trong vũ trụ, và vũ trụ vật chất được đứng đầu bởi con người. Con người là một sự pha trộn giữa vật chất và thần khí. Nên phía trên con người phải có tồn tại những thực thể thần khí và họ được gọi là các thiên thần. Người ta sẽ không nói rằng không nên có một trung gian nào giữa một con hàu và một con người. Giữa sự phát triển của con hàu trong tự nhiên và sự phát triển của con người, có lẽ nên có những dạng sống khác. Tương tự, thật hợp lý để giả định rằng giữa Chúa vô hạn, Đấng thuần linh, và chúng ta, phải cso những thần khí trung gian không phải vô hạn nhưng chắc chắn hoàn thiện hơn chúng ta nhiều.

Chúa đã tạo ra vô số thiên thần, họ là trí tuệ thuần khiết và thần khí không có thân xác. Họ không có thân thể và cánh, mặc dù trong tất cả những bức tranh bạn thấy về thiên thần, họ thường được vẽ với cánh. Họ có trí tuệ sáng suốt, cao hơn trí tuệ của bất kỳ ai trên trần thế này. Mỗi thiên thần đều được tạo ra, phụ thuộc vào Chúa và được ban sự tự do. Vì họ có tự do nên họ cũng có khả năng từ chối là họ phụ thuộc vào Chúa.

Có lẽ đây là thử thách mà Chúa đã ban cho họ: Ngài muốn họ yêu Ngài. Tình yêu bao gồm sự thừa nhận họ phụ thuộc vào Chúa và nhờ đó hoàn thiện bản thân. Sau đó, Chúa sẽ khẳng định sự phụ thuộc đó bằng cách trao ban cho họ vinh quang. Có thể ví thử thách này như thử thách của con nhện. Một ngày kia, một con nhện đã để mình thả xuống từ mái của một cái kho bằng một sợi tơ mảnh mai và tinh tế. Con nhện muốn thưởng thức tất cả những con ruồi, muỗi và giun trong sân kho. Khi con nhện xuống đến sân, nó căng ra một cái mạng lớn. Vào cái mạng đó là một bữa tiệc thịnh soạn của ruồi và mọi thứ có thể được bày biện tại bữa tiệc của một con nhện. Khi con nhện đã đầy những món quà và ân huệ này, nó nhìn lên tận mái của cái kho và thấy sợi tơ mảnh mai nối xuống. Nó tự nhủ, “Không biết sợi tơ đó có tác dụng gì nhỉ?” Nó cắt đứt sợi tơ, mất mạng và mất cả bữa tiệc. Nó mất tất cả.

Đôi khi sự phụ thuộc là một sự độc lập tuyệt vời, như trong Hiến pháp của Hoa Kỳ. Tại sao chúng ta độc lập? Tuyên ngôn Độc lập nói rằng Chúa đã ban cho chúng ta những quyền không thể chuyển nhượng. Không chính quyền nào, không nhà nước nào, không nhà độc tài nào từng ban cho chúng ta các quyền cơ bản của mình. Những quyền đó đến từ Chúa. Nếu nhà nước ban cho chúng ta những quyền đó, thì nhà nước cũng có thể tước chúng khỏi chúng ta. Chính bằng cách thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa mà chúng ta có được sự độc lập.

Những ân huệ mà các thiên thần nhận được chỉ có thể được xác nhận và làm vĩnh cửu nếu họ vượt qua được thử thách tình yêu.

Tội lỗi của các thiên thần là sự lạm dụng tự do. Đó là tội kiêu ngạo. Họ muốn được tự do và trở nên giống như Chúa. Họ không thể phạm tội xác thịt vì họ không có thân xác. Họ không thể phạm tội tham lam vì họ không có túi tiền, thậm chí không có túi trong đôi cánh. Họ chỉ phạm tội bằng sự tôn vinh quá mức trí tuệ của mình, đó là, “Tôi sẽ độc lập khỏi Chúa, tôi sẽ trở thành một vị thần cho chính mình.” Sự thật là họ muốn giống như Đấng không được tạo thành, dù họ là thụ tạo.

Người đứng đầu trong số họ, Lu-xi-phe, đã thốt lên lời kêu gọi phản loạn: Non serviam; “Tôi sẽ không phụng sự.” Họ có tội vì không yêu thương nên đã mất hết các ân phúc mà họ đã nhận được và một phần ba trong số họ đã sa ngã và trở thành cái chúng ta gọi là ác quỷ. Tiên tri Isaiah đã nói về các thiên thần như sau: “Hỡi Lu-xi-phe, tinh tú rạng ngời, con của bình minh, ngươi đã nghĩ rằng mình sẽ trèo lên trời, đặt ngai mình cao hơn các vì sao của Chúa.”2 Trong ngôn ngữ của ngôn sứ Isaia, các thiên thần đã phạm tội và tội của họ không thể được tha thứ. Nhưng tội lỗi của chúng ta thì có thể.

Tại sao tội lỗi của các thiên thần không thể được tha thứ? Khi một thiên thần quyết định điều gì, họ thấy rõ tất cả những hậu quả của hành động của mình một cách hoàn hảo. Ý nghĩ của nguyên tắc mâu thuẫn là một điều không thể cùng một lúc và dưới cùng một hoàn cảnh, vừa có vừa không có.

Bạn không bao giờ có thể lật ngược nguyên tắc mâu thuẫn. Một thiên thần nhìn thấy hậu quả của mọi quyết định và lựa chọn của mình giống như bạn nhìn thấy nguyên tắc đó. Bạn không bao giờ có thể thay đổi nguyên tắc mâu thuẫn; đó là một phần của sức khỏe tâm linh.

Khi một thiên thần chọn nổi loạn chống lại Chúa, tự cho mình là Chúa, phủ nhận tình yêu, thì nó làm cho ơn tha thứ mãi mãi trở nên bất khả thi. Với bạn và tôi thì hơi khác một chút. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy hậu quả của những quyết định của mình. Tâm trí chúng ta tối tăm, trí tuệ chúng ta suy yếu và ý chí của chúng ta yếu kém trong các quyết tâm của mình, Chúa chấp nhận để tha thứ cho ta. Chúa chúng ta đã nói với Phêrô khi trả lời câu hỏi của ông, con nên tha thứ bao nhiêu lần?3 Chúa chúng ta đã nói, Bảy mươi lần bảy.4 Nó không có nghĩa là bốn trăm chín mươi lần, nó có nghĩa là không có giới hạn nào được đặt ra cho sự tha thứ. Trong sự sa ngã của các thiên thần, chúng ta có thể thấy tội lỗi trong sự trần trụi trơ trẽn của nó.

Có thứ là tội lỗi thuần túy. Đó là một nỗ lực để phá bỏ hành động sáng thế [Lu-xi-phe khước từ nó là thụ tạo], một sự khẳng định về sự tự tồn tại. Có cái ác trong vũ trụ bằng cách lạm dụng sự tự do.

Thế giới đã không toàn hảo trước khi con người xuất hiện. Ở đâu đó trong vũ trụ của Chúa có một vết rạn nứt; có điều gì đó đã sai vì ai đó đã không sử dụng sự tự do một cách đúng đắn. Ai đó đã sử dụng sự tự do như quyền làm bất cứ điều gì mình muốn thay vì quyền làm bất cứ điều gì người ấy nên làm. Hãy nhìn lại quá trình tiến hóa của vũ trụ. Hãy xem tất cả các loài động vật thời tiền sử đã xuất hiện và chết đi.

Mọi nơi trong quá trình phát triển của vũ trụ đều có những ngõ cụt. Bạn sẽ không hỏi, “Tại sao tội lỗi của các thiên thần lại ảnh hưởng đến vũ trụ?” Một lý do có thể là những thụ tạo thấp hơn đã được đặt dưới sự giám sát của một số thiên thần. Khi thiên thần nổi loạn chống lại Chúa, những hậu quả này đã được ghi nhận trong vũ trụ vật chất. Thiên nhiên bị trật khớp.

Hãy nhìn vào một cỗ máy phức tạp và làm hỏng một trong những bánh xe lớn, làm hỏng một bánh răng, và bạn sẽ làm hỏng tất cả các bánh xe nhỏ.

Ném một hòn đá xuống ao, nó sẽ ảnh hưởng đến cả bờ xa nhất.

Sự sa ngã của các thiên thần có thể giải thích cho sự hỗn loạn trên trái đất như được mô tả trong sách Sáng thế. Có mọi dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đã sai trước khi con người được tạo ra. Có thể ảnh hưởng xấu xa này sẽ ảnh hưởng đến con người.

Có điều xấu xa ở đâu đó trong vũ trụ của Chúa. Có thể những thần khí đó đã đánh mất những phúc lành lớn lao mà Chúa đã ban cho họ vì họ không trung thành với thử thách của tình yêu. Có thể những thần khí xấu xa đó ghen tị với việc Chúa ban nhiều phúc lành cho chúng ta. Chúng có thể cố gắng hủy diệt chúng ta và tước đi những đặc quyền của chúng ta. Chúa chắc chắn sẽ thử thách chúng ta trong Vườn Địa đàng.

Chuyển ngữ từ Chương 21: Original Sin and Angels trong Your Life Is Worth Living của ĐTGM Fulton Sheen

1 2 Tm 2:5
2 Is 14:13
3 Mt 18:21
4 Mt 18:22

Share:

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Thiên Chúa đã chịu đau khổ cho tôi -- Chúa nhật thứ XXIX Mùa Thường Niên, năm B

Bài đọc hai hôm nay được Chúa Quan phòng sắp đặt để phù hợp với bài đọc một. Chúng ta đã thấy những khái niệm về tư tế trong bài đọc một, và những điều này được làm rõ trong bài đọc hai. Thư gửi tín hữu Híp-ri nói về Chúa Giêsu như Vị Thượng Tế, Đấng đã chịu đau khổ và đổ máu mình ra thành hy tế.

Cũng như chúng ta, Ngài đã “chịu thử thách” — từ này cũng có thể dịch là “đã trải qua thử nghiệm,” ám chỉ sự đau khổ mà Ngài đã chịu vì chúng ta.

Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới dạy rằng Thiên Chúa đã chịu đau khổ vì các tạo vật của mình. Do đó, chỉ trong Kitô giáo mới có một Thiên Chúa thực sự hiểu biết về tình trạng của con người theo trải nghiệm. Đây là một khái niệm rất mạnh mẽ.

Thiên Chúa biết những gì chúng ta phải trải qua vì Ngài đã từng trải nghiệm điều đó. Vì lý do đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài cảm thông với chúng ta, và nhờ đó Ngài tha thứ và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta.

----------

Các nhà lãnh đạo của thế giới này, Chúa Giêsu nói, thường thực hiện quyền lãnh đạo vì lợi ích của chính họ. Đây là cách mà Satan hiểu về quyền lãnh đạo – đem lại ích lợi cho người có thẩm quyền. Nhưng Chúa Giêsu đảo ngược hình ảnh này – lãnh đạo là vì lợi ích của người được dẫn dắt. Vì vậy, người lãnh đạo thực sự là một người phục vụ, và nhà lãnh đạo vĩ đại nhất chính là người phục vụ vĩ đại nhất. Nhóm Essenes (Dr. John Bergsma nghĩ Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng đã được dưỡng dục trong nhóm này) đã hiểu rõ chân lý này và họ không có nô lệ; thay vào đó, họ phục vụ lẫn nhau trong bất cứ công việc hèn mọn nào cần làm. Họ đã nỗ lực duy trì một tinh thần huynh đệ thực sự trong cộng đồng của mình, dù cho có người ở hạng cao hơn người khác.

Chúa Giêsu sẽ nêu gương về sự lãnh đạo phục vụ bằng cách chịu chết như một nô lệ (bị đóng đinh thập giá là hình phạt dành cho nô lệ và những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội) dù Ngài là Vua của Vũ Trụ… Nhưng người lãnh đạo không bao giờ được sử dụng quyền lực của mình để phục vụ lợi ích cá nhân – đây là một loại lạm dụng mà chúng ta đã phải đau đớn nhận ra sự hiện diện của nó trong hàng ngũ giáo sĩ.

Điều này đòi hỏi người lãnh đạo có các đức tính khôn ngoan và khiêm nhường, và cuối cùng, tôi nghĩ một người không thể làm một nhà lãnh đạo phục vụ mà không có sự tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa và vào lòng trung tín của Ngài. Một nhà lãnh đạo phục vụ thường phải chịu đau khổ khi đặt lợi ích của mình sau cùng, và sự đau khổ này thì không thể gánh chịu được nếu không có hy vọng vào cuộc sống mai sau và niềm tin vào một Thiên Chúa nhân lành, Đấng đã hoạch định những điều tốt lành cho những ai yêu mến Ngài.

Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho niềm vui giữa những đau khổ khi chúng ta suy tư về hạnh phúc thiên đàng, và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để đặt mình sau cùng và phục vụ người khác lên trên hết. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Bạn có muốn Thiên Chúa nói chuyện với bạn không?

Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. 13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ. (Híp-ri 4:12-13)

Đoạn từ Híp-ri nói về một điều thật đáng chú ý. Đoạn này nói rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” Nếu lời này là đúng, thì đây là một phép lạ; nếu không đúng, thì đây là một sự phóng đại lố bịch. Và hàng triệu người đã nói, từ kinh nghiệm của chính họ, rằng lời này là đúng.

Nhưng làm sao một cuốn sách có thể sống động và hoạt động?

Bản dịch có phần gây hiểu lầm khi nói “hữu hiệu” thay vì “hoạt động.” Từ tiếng Hy Lạp là “energés,” từ đó chúng ta có từ “energy / năng lượng.” Nó sống động và hoạt động, như nhiệt hoặc ánh sáng, như mặt trời; không chỉ “hữu hiệu” như một chính sách kinh tế hay một chiếc máy tính. Nó giống như một thanh gươm sắc bén trong tay của một kiếm sĩ đáng gờm.

...

Tác giả đang nói rằng khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể khám phá ra một điều rất bất thường: rằng đây không phải là một cuốn sách bình thường. Lời của Kinh Thánh thực sự đọc chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào lời Kinh Thánh, Kinh Thánh nhìn vào chúng ta. Nó giống như nhìn qua một cửa sổ, nghĩ rằng bạn ở một mình, và rồi đột nhiên nhận ra rằng có người khác đang đứng bên ngoài nhìn qua cửa sổ đó vào bạn. Giống như nhìn vào gương và mong đợi chỉ thấy chính mình, nhưng đột nhiên bạn thấy một khuôn mặt khác đang nhìn bạn từ trong gương.

Đương nhiên khuôn mặt đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Cụm từ “Lời của Chúa” nghĩa là Kinh Thánh, nhưng nó cũng có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là ý nghĩa chính của cụm từ “Lời Chúa.” Ngài là Lời duy nhất của Thiên Chúa; còn Kinh Thánh là các lời của Thiên Chúa ở số nhiều. Trong Kinh Thánh có nhiều lời, nhưng Thiên Chúa chỉ có một Lời duy nhất: Chúa Kitô. Lời Chúa không chỉ là một cuốn sách mà là một ngôi vị. Đó là lý do tại sao khi bạn đọc cuốn sách, bạn gặp gỡ một người.

Khi bạn đọc cuốn sách này, bạn đang cầu nguyện – thực ra, một trong những cách cầu nguyện mạnh mẽ nhất là đọc Kinh Thánh trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Khi bạn cầu nguyện, bạn không một mình...

Cuốn sách dường như sống động và hoạt động và đọc bạn bởi vì nó thực sự đang làm điều đó, và nó đang làm điều đó bởi vì “nó” là “Ngài.” Và nó đâm sâu vào trái tim bạn; nó đâm sâu vào sự phân cách giữa trái tim bề ngoài và trái tim sâu thẳm của bạn, hoặc (theo lời của tác giả) giữa tâm với linh của bạn. Tâm hồn của bạn bao gồm mối quan hệ có ý thức của bạn với chính mình – với thân thể bạn, những suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc và lựa chọn có ý thức của bạn – và với những người khác, trong khi thần khí của bạn bao gồm mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa, mối quan hệ này vừa có ý thức, vừa vô thức, vừa rõ ràng vừa bí ẩn, vừa hợp lý vừa huyền bí. Vì trái tim con người, thần khí con người, sâu thẳm và bí ẩn hơn cả vũ trụ vật chất.

Ở nơi khác, Kinh Thánh tự gọi mình là “gươm của Thần Khí”, nghĩa là Thánh Thần (Êphêsô 6:17). Một thanh gươm không tự nó hoạt động, nhưng nó trở nên hoạt động khi một kiếm sĩ vung nó. Với sách Kinh Thánh cũng vậy: nó được linh hứng, truyền tải, được Thiên Chúa thở hơi vào đó, Thiên Chúa chính là tác giả của Kinh Thánh. Những con người đã viết các cuốn sách của Kinh Thánh là những công cụ của Thiên Chúa. Ngài không biến họ thành những cỗ máy; Ngài khởi động khả năng của họ, không làm tắt ngủm đi con người của họ. Nhưng Ngài sử dụng tâm trí và cá tính của họ để nói chuyện với tất cả chúng ta.

Không phải ai cũng yêu thích sự trần trụi trước mặt Thiên Chúa, thiếu vắng bóng che, nơi đen tối và nơi ẩn náu đó. Tác giả viết: “Không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.”

Thánh Vịnh 139 bắt đầu bằng sự thật này: “Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.. . . . lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan...”

Những nhà vô thần vĩ đại như Sartre và Nietzsche nói điều ngược lại: rằng Thiên Chúa toàn tri này sẽ là cực hình tột cùng đối với họ; rằng họ không thể sống trong một thế giới mà có một Thiên Chúa biết hết mọi thứ về họ, kể cả mặt tối của họ. Đó là lý do tại sao họ từ chối tin vào Thiên Chúa; đó là lý do sâu sắc nhất cho chủ nghĩa vô thần của họ. Đó không phải là sự hoài nghi trí tuệ; đó là sự nổi loạn và sợ hãi cá nhân.

Đó là sự khác biệt giữa thiên đàng và địa ngục... Những người yêu mến sự thật và điều tốt lành, ghét sự dối trá và tội lỗi và biết ăn năn tôi mình, sẽ trải nghiệm sự thật và điều tốt lành toàn hảo và gọi nó là thiên đàng; trong khi kẻ ác, những người yêu thích tội lỗi của họ và từ chối ăn năn, sẽ coi ánh sáng này là địa ngục. Họ yêu bóng tối, nhưng họ không còn tìm thấy bóng tối, như họ có thể ở trần gian.

...

Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ban cho chúng ta Bí Tích Giải Tội. Ở đó, chúng ta chọn ánh sáng và từ chối bóng tối. Ở đó, thiên đàng bắt đầu. Sau Thánh Lễ, ma quỷ ghét Bí Tích Giải Tội hơn bất kỳ sự gì khác trên thế giới.

Còn bạn thì sao? Bạn có ghét nó hay yêu nó?

Bạn có muốn Thiên Chúa nói chuyện với bạn không? Bạn có muốn thấy khuôn mặt đó ở cửa sổ và nghe những lời của Ngài không? Bạn có muốn biết Thiên Chúa không? Nếu có, đây là bốn cách tốt nhất để làm điều đó.

Thứ nhất, hãy đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Tin Mừng, và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Thứ hai, hãy tin vào Ngài, phó thác cho Ngài, yêu mến Ngài, đón nhận Ngài, cả trong trái tim bạn và qua các bí tích của Ngài, đặc biệt là Bí Tích Giải Tội và Bí Tích Thánh Thể.

Thứ ba, hãy cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư và qua việc phụng vụ, bằng lời của bạn và bằng những lời trong Thánh Lễ.

Thứ tư, hãy sống cho Ngài; sống theo ý muốn của Ngài; sống tình yêu của Ngài; trao ban chính mình cho người khác như Ngài đã trao ban chính mình cho bạn.

-- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan

Bài đọc Cựu Ước và Thánh vịnh của Chúa Nhật thứ XXVIII Mùa thường niên, năm B đều nói về sự khôn ngoan. Một từ khác để diễn tả sự khôn ngoan / wisdom là “cẩn trọng / prudence.” Cẩn trọng không có nghĩa là cẩn thận quá mức và không dám chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Nó đơn giản có nghĩa là sự khôn ngoan thực tế, khôn ngoan để sống.

Đây là đức tính đầu tiên, vì nếu bạn là một kẻ dại khờ thay vì khôn ngoan, bạn sẽ không thể tiến đến bất kỳ đức tính nào khác vì bạn không biết mình đang đi đâu. Bạn không có ánh sáng, không có tầm nhìn.

... Không có gì mang tính phản văn hóa mạnh mẽ hơn trên thế giới hôm nay bằng Đức Trinh Nữ Maria. Hai danh hiệu của Mẹ là “Đức Trinh Nữ” và “Đức Mẹ.” Nền văn hóa ngừa thai của chúng ta tôn thờ tình dục không có sự hiện diện của tình mẫu tử thay vì tình mẫu tử không qua tình dục. Nó khinh thường cả sự trinh tiết lẫn tình mẫu tử. Đức Maria là lực phản văn hóa mạnh mẽ nhất trên thế giới hôm nay.

Đức Maria khôn ngoan hay dại khờ? Nền văn hóa của chúng ta cực kỳ dại khờ hay cực kỳ khôn ngoan? Một trong những danh hiệu của Maria là “Ngai Toà Khôn Ngoan” vì chính Sự Khôn Ngoan, Sự Khôn Ngoan nhập thể, Đức Khôn Ngoan là Con Thiên Chúa, đã thực sự ngồi trên ngai toà của Mẹ.

Sự khôn ngoan mang lại niềm vui sâu sắc hơn những khoái lạc thoáng qua, bên ngoài, và vật chất, vì đó là tài sản cá nhân, vĩnh cửu của bạn; nó ở bên trong bạn. Mọi người đã từng nếm trải cả niềm vui của sự khôn ngoan và niềm vui của khoái lạc vật chất đều nói cùng một điều: rằng không thể so sánh giữa hai điều này. Nếu bạn không nói như vậy, nghĩa là bạn chưa từng trải qua niềm vui cao quý hơn. Thánh Thomas Aquinas nói: “Không ai có thể sống mà không có niềm vui. Đó là lý do tại sao những người bị tước đoạt niềm vui thiêng liêng thật sự luôn tìm đến khoái lạc xác thịt.” – Dr. Peter Kreeft

--------

Kẻ biếng nhác phải chịu cảnh nghèo hèn,

người siêng năng được giàu sang phú quý.

“Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế !
Mùa hè thu hoạch là khôn, mùa gặt ngủ vùi là nhục.
Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ;
hãy bước đi trên con đường hiểu biết.” -- Châm ngôn 9:4-6

Thánh Louis de Montfort rất ý thức về việc ngài áp dụng một đoạn từ sách Khôn Ngoan cho Đức Mẹ, như chúng ta có thể thấy từ trích dẫn từ Sách Châm Ngôn 9 trong True Devotion 208: “Đức Mẹ ban cho họ (những tôi tớ trung thành của Mẹ) Người Con mà Mẹ đã sinh ra, Bánh Hằng Sống, để trở thành lương thực cho họ. ‘Các con yêu dấu,’ Mẹ nói bằng những lời của Sự Khôn Ngoan Thiêng Liêng, ‘hãy tận hưởng những trái của Mẹ,’ nghĩa là, Trái của Sự Sống, Chúa Giêsu, ‘Đấng mà Mẹ đã đem đến cho thế gian vì các con.’ ‘Hãy đến,’ Mẹ lặp lại trong một đoạn khác, ‘hãy ăn bánh, chính là Chúa Giêsu. Hãy uống rượu tình yêu của Người mà Mẹ đã trộn lẫn cho các con bằng sữa của Mẹ.’” -- Father J. Patrick Gaffney, SMM

Share:

Làm thế nào để chúng ta đạt được sự sống đời đời?

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mc 10:17)

Khi Chúa Giêsu đáp lại: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”, Ngài đang làm hai điều: Thứ nhất, Ngài tinh tế hỏi người thanh niên: “Anh có thừa nhận Ta là Thiên Chúa không?” Thứ hai, Ngài chỉ ra rằng, như Thánh Phaolô sau này sẽ dạy: “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rôma 3:23). Vì thế, thực ra chúng ta không phải là những người xem vậy nhưng có lòng tốt  từ bên trong sâu thẳm. Ngược lại, chúng ta tội lỗi, ngay cả trong tâm hồn sâu thẳm. Như ngôn sứ Giêrêmia nói: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Giêrêmia 17:9).

Lòng kiêu ngạo và ích kỷ đã làm méo mó suy nghĩ nội tâm của chúng ta đến mức nhiều khi chúng ta không nhận ra động cơ thực sự của mình, mặc dù đôi khi chúng lại khá rõ ràng về người khác. Khi nói về “sự tốt lành” của con người, đó không phải là sự tốt lành về mặt đạo đức mà ai cũng có, mà là sự tốt lành vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, ngay cả khi hình ảnh đó bị làm méo mó bởi hành vi của chúng ta.

Chúa Giêsu không chỉ ra tội lỗi của chúng ta để làm chúng ta buồn rầu hay tuyệt vọng. Ngài chỉ ra điều đó để chúng ta quay về với Ngài và đón nhận sự trợ giúp.

Khi đáp lại người thanh niên, Chúa Giêsu đã ôn lại Luật của Chúa cho anh. Qua điều này, Chúa Giêsu chỉ ra rằng tuân theo Luật Chúa là một phần cần thiết để đạt được sự sống đời đời.

...

Vấn đề là chúng ta có một cái nhìn quá đơn giản về tội lỗi. Chúng ta không nhận ra rằng mỗi tội lỗi là một sự lựa chọn cho bản thân, một hành động ích kỷ [làm cho chúng ta trở nên con người ích kỷ hơn]. Chúng ta không nhận ra rằng tội lỗi là đối lập với tình yêu, rằng Thiên Đàng là nơi hoàn toàn tràn ngập tình yêu, và việc Sự ích kỷ của tội không xứng hợp với Thiên đàng. Trừ khi chúng ta vượt thắng tội lỗi, chúng ta thậm chí không muốn Thiên Đàng! Chúng ta chỉ muốn những gì chúng ta tưởng tượng về Thiên Đàng, như một công viên giải trí đầy thú vui, thay vì trải nghiệm không thể tưởng tượng về tình yêu của Thiên Chúa vĩnh cửu.

Vì vậy, tuân theo Luật của Thiên Chúa có thể là bước đầu tiên trên con đường cứu rỗi, khi chúng ta học cách ngừng lại ít nhất với những tội lỗi rõ ràng và bên ngoài nhất. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi thì vẫn không đủ.

Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Khi Chúa Giêsu nhắc lại Luật cho người thanh niên, Ngài cố tình chỉ nhắc đến những gì chúng ta gọi là “bảng thứ hai của Luật,” tức là những điều răn liên quan đến bổn phận của chúng ta đối với người khác, chứ không phải bổn phận đối với Thiên Chúa. Khi người thanh niên hỏi xem có cần làm thêm điều gì không, Chúa Giêsu nói về mối quan hệ của anh với Thiên Chúa. Chúa Giêsu, thấu suốt tâm hồn và nhận ra những suy nghĩ sâu thẳm, thấy rằng trái tim của người thanh niên không bị chiếm giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa, mà bởi tình yêu đối với của cải của anh.

Chúa Giêsu yêu người thanh niên và muốn bước vào sự hiệp thông với anh, một sự hiệp thông của thiên đàng. Và Chúa Giêsu biết rằng hiệp thông đó không thể thiết lập khi mà tình cảm của người thanh niên còn hướng về của cải. Vì vậy, Ngài kêu gọi anh hướng đến một sự hoán cải triệt để: “Bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời”. Lời này được dựa trên sách Châm ngôn 19:17: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” Giúp đỡ người nghèo là một cách để dâng hiến cho Chúa.

Không phải mọi môn đệ đều được gọi từ bỏ mọi sự. Có những người giàu có theo Chúa, như một số người phụ nữ (Luca 8:3) đã hỗ trợ sứ vụ của Ngài từ tài sản riêng của họ. Nhưng Chúa biết rằng, trong trường hợp của người thanh niên này, anh cần một sự gì đó triệt để hơn.

Đồng thời, lời kêu gọi của Chúa bao gồm hai phần. Không chỉ đơn giản là “bán những gì anh có và cho người nghèo,” mà còn là “rồi hãy đến theo tôi”. Những hành động công bằng xã hội hay từ thiện tự thân là những việc làm tốt lành và cần thiết trong quá trình hoán cải. Nhưng từ thiện có thể được làm vì những động cơ sai lầm, và nó không nhất thiết dẫn chúng ta đến mối quan hệ với Thiên Chúa. Có những người vô thần làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ. Vì vậy, để đạt được sự sống đời đời, chúng ta không chỉ cần từ bỏ tình yêu đối với của cải, mà chúng ta còn phải phát triển sự gắn bó với chính Thiên Chúa, hiện diện nơi Chúa Giêsu.

Làm thế nào để chúng ta đạt được sự sống đời đời? Không phải bằng cách bảo quản cơ thể trong đá khô [như một số người có tiền đã làm]. Chúa Giêsu đã cho chúng ta ba bước cơ bản trong bài Tin Mừng hôm nay:

- Trước hết, tuân giữ Luật của Thiên Chúa, điều này giúp chúng ta từ bỏ sự ích kỷ của mình.

-  Sau đó, từ bỏ các ngẫu tượng trong lòng: của cải, khoái lạc, quyền lực, kiêu ngạo.

- Cuối cùng, "Hãy đến theo tôi." Gắn kết trái tim với Chúa Kitô.

Cả ba bước này đều không thể thực hiện được nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta được trao ban qua Bí tích Rửa Tội và được làm mới lại trong chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Biểu tượng trong thế giới tự nhiên của Ba Ngôi Thiên Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10:2-16)

Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

---------

Những người Pharisiêu đã tranh luận về các trường hợp có thể biện minh cho việc ly dị. Một số trường phái, như trường phái Shammai, rất khắt khe và chỉ cho phép ly dị vì một lý do nghiêm trọng, trong khi trường phái Hillel cho phép ly dị gần như vì bất kỳ lý do gì. Họ đến với Chúa Giêsu để xem quan điểm của Ngài là gì.
Chúa Giêsu dạy rằng việc Mô-sê cho phép ly dị trong sách Đệ Nhị Luật 24:1–4 là một sự nhượng bộ đối với dân Israel tội lỗi, nhưng ý định của Thiên Chúa từ ban đầu không phải như vậy. Một vợ một chồng chung thủy suốt đời là kế hoạch của Thiên Chúa. Người Pharisêu đã quên những gì tiên tri Malakhi đã nói: “Ta ghét sự ly dị! Chúa phán” (Mal 2:16).

Chúa Giêsu dạy về sự bất khả phân ly của hôn nhân; nghĩa là, một cuộc hôn nhân thật sự không thể bị tháo gỡ. Vì thế, nếu ai đó ly dị người phối ngẫu hợp pháp của mình và tái hôn, đó là một hình thức ngoại tình.

Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi dạy về sự nghiêm trọng và tính bất khả phân ly của hôn nhân, Chúa chúng ta nói về việc “hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta”.

Chúa Giêsu rất yêu thích trẻ em, xem chúng như một phúc lành, vì bản chất của trẻ thơ là gần gũi với Thiên Chúa. “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta; đừng ngăn cản chúng” là một thông điệp sâu sắc đối với chúng ta, những người Công giáo hiện đại, những người thường ngăn ngừa việc sinh thêm con sau hai đứa trẻ, nếu không phải trước đó. Chúng ta không muốn các trẻ nhỏ đến – vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến mức sống của chúng ta. Tôi cảm thông với điều đó – nuôi dạy trẻ em thật khó khăn và tốn kém – nhưng chúng ta phải nhớ rằng trẻ em là những con người vĩnh cửu có giá trị vô hạn, tốt lành tự bản chất và có giá trị đời đời. Chúng ta cần thay đổi tư duy của mình về trẻ em. Tất cả chúng ta đều từng là trẻ em, dù là một số người dường như quên mất điều đó.

Nước trời thuộc về những ai giống như trẻ em, Chúa Giêsu nói, nhưng điều này có nghĩa là gì? Không phải rằng trẻ em không có tội, trẻ em có phạm tội. Nhưng trẻ em không có xu hướng bị những cơn nghiện về tình dục, khoái lạc, ma túy, tiền bạc, quyền lực, và danh vọng làm sai lạc như người lớn, và điều này ngăn cản họ thừa nhận sai lầm và chấp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Trẻ em thường trong sáng hơn, dễ thừa nhận khi cần sự giúp đỡ hơn, và ở mức độ nào đó, dễ thừa nhận khi chúng đã làm sai. Chúng ta cần phải như vậy. Không bị trói buộc bởi những cám dỗ của thế gian ngày càng nhiều và mạnh mẽ khi đi đến tuổi trưởng thành. Tự do để có thể giản dị trong mối quan hệ với Thiên Chúa Cha và tin tưởng vào Ngài, ngay cả giữa những hoàn cảnh làm lung lay niềm tin đó.

Thật đúng là chúng ta cần sự tin tưởng như trẻ nhỏ vào Thiên Chúa Cha để sẵn lòng có con, hoặc có thêm con, tùy trường hợp. Chúng ta cần những bậc cha mẹ giống trẻ nhỏ, những người tin tưởng rằng Thiên Chúa Cha sẽ chu cấp cho những đứa con mà Ngài có thể gửi đến. Chúng ta cũng cần những người phối ngẫu có tinh thần của trẻ thơ, không quá bị chi phối bởi những ham muốn này nọ trong cuộc sống đến mức phá vỡ mối liên kết với người mà họ đã trở thành “một xương một thịt” để tìm kiếm điều khác. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần trẻ thơ.

-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B
Share:

Kế hoạch của Chúa cho hôn nhân từ thuở ban đầu

Bài trích sách Sáng thế (2:18-23)

Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì : hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

----------

Có rất nhiều điều tuyệt vời trong đoạn văn này, đoạn văn nền tảng cho thần học hôn nhân. “Con người ở một mình thì không tốt” chỉ ra rằng chúng ta được tạo ra với mục đích hiệp thông. Mỗi người trong chúng ta là một cá nhân được tạo ra để hiệp thông với những người khác. Đặc biệt, vì chính Thiên Chúa là sự hiệp thông của các Ngôi Vị cùng chia sẻ một bản tính, con người được tạo ra như một sự hiệp thông của các cá nhân cùng chia sẻ một bản tính là điều phải là: vì thế, Thiên Chúa tạo ra con người có nam và nữ, và khi họ kết hợp thành “một xương một thịt”, con người thứ ba ra đời. Đây là một biểu tượng trong thế giới tự nhiên của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Trong tiếng Híp-ri, cụm từ là ‘ezer k’negdo, nghĩa là "một người giúp đỡ hoặc người hỗ trợ tương xứng hoặc bổ sung cho người nam”; nó nhấn mạnh các ý tưởng về sự bổ sung hoặc đối ứng – rất đáng chú ý là tác giả Kinh Thánh không nói, “Ta sẽ làm một người hầu (hoặc một người nữ tỳ) cho nó.” Thuật ngữ "giúp đỡ" hoặc "người hỗ trợ" (‘ezer) là trung lập về địa vị xã hội – Thiên Chúa thường được gọi là ‘ezer của những người kêu cầu Ngài.

Thiên Chúa tạo ra các loài vật và đưa chúng đến cho con người để con người đặt tên cho chúng. Đây là lần đầu tiên trong câu chuyện sáng tạo, một ai khác ngoài Thiên Chúa đã đặt tên cho bất cứ điều gì. Việc đặt tên là một hành động có thẩm quyền. Con người thực chất đang được trao quyền để nói ra tên cho mỗi sinh vật do Thiên Chúa tạo dựng. Việc nói với thẩm quyền đại diện cho Thiên Chúa này là một vai trò tiên tri, và chúng ta thấy rằng Ađam là người ngôn sứ hay tiên tri đầu tiên, người đầu tiên nói thay cho Chúa.

Không tìm thấy người hỗ trợ tương xứng giữa các loài vật – và Thiên Chúa đã biết điều đó, nhưng đây là một cách Chúa giáo dục Ađam. Để “người bạn tương xứng” xuất hiện, Adam sẽ phải hợp tác và thậm chí phải chịu đau khổ cho người ấy. Đây là hình bóng nói trước về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Ađam rơi vào giấc ngủ mê và phải dâng hiến thịt và máu mình để người vợ được xuất hiện. Thiên Chúa lấy thịt của Ađam từ cạnh sườn của ông – tương tự như cạnh sườn bị đâm của Chúa Giêsu – và theo nghĩa đen “làm thành” (trong tiếng Híp-ri là banah) một người nữ từ miếng cạnh sườn đó. Người nữ được “làm thành / built” trong tiếng Híp-ri, thay vì được tạo ra, vì người nữ ấy là một đền thờ.

Khi Evà, người vợ, được mang đến cho Ađam cuối cùng, ông đã bật ra những lời nói đầu tiên của loài người được ghi chép trong Kinh Thánh, cũng như bài thơ đầu tiên trong Kinh Thánh: “Đây là xương bởi xương tôi, / và thịt bởi thịt tôi; / nàng sẽ được gọi là đàn bà, / vì đã được rút từ đàn ông ra." Đây là ngôn ngữ của giao ước. Một giao ước là mối quan hệ gia đình được hình thành bởi một lời thề hứa. Những lời của Adam cấu thành một lời thề. “Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi" là một lời tuyên bố thực hiện rằng Evà là thành viên gia đình của ông. Sự thay đổi tên sau đó (trong trường hợp này là việc đặt tên) là phổ biến trong các nghi lễ giao ước, vì giao ước tạo ra gia đình, và thường nhận được một cái tên mới khi gia nhập gia đình để biểu thị mối quan hệ mới mà bạn hiện có với các thành viên khác trong gia đình.

Tác giả sách thánh nhấn mạnh rằng đây là nền tảng của hôn nhân: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”.  Lưu ý rằng nó nói “vợ” chứ không phải “các bà vợ”, bởi vì một vợ một chồng là lý tưởng của Thiên Chúa từ thuở ban đầu. “Cả hai thành một xương một thịt”, cả trong hành động hôn nhân và trong đứa con được sinh ra. Những hoa quả là con cái không bao giờ có thể bị tháo gỡ, một trong những dấu chỉ nói rằng sự kết hợp này là vĩnh viễn. Cũng hãy lưu ý rằng đó là “một xương, một thịt”, không phải “nhiều xương thịt”, một lần nữa chỉ ra ý định một vợ một chồng đến trọn đời là ý định của Thiên Chúa. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

Blog Archive

Blog Archive