Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha. 5:1-4a
Đức Chúa phán thế này ::
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,:
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,:
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện:
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.:
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.:
Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en:
cho đến thời người sản phụ sinh con.:
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó:
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.:
Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,:
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người:
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,:
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.:
Chính Người sẽ đem lại hoà bình.”:
------------
Lời tiên tri về Đấng Mêsia này, cũng như hầu hết các lời tiên tri khác, là thiết kế của Thiên Chúa có ý không làm cho nó đơn giản và rõ ràng tương tự như một dự báo thời tiết. Nó có mang theo một manh mối, giống như trong một câu chuyện trinh thám. Nó thử thách chúng ta. Chúng ta phải chủ động tìm hiểu nó. Chúng ta chỉ hoàn toàn hiểu khi lời tiên tri ấy được ứng nghiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có thể hiểu hoàn toàn Cựu Ước thông qua Tân Ước, thông qua Chúa Kitô. Chúa Kitô cho phép chúng ta đọc lịch sử Kinh Thánh ngược chiều, giải thích Cựu Ước qua Tân Ước, điều này làm cho Cựu Ước trở nên rõ ràng hơn nhiều.
Ở đây, mười điều được nói về Đấng Messiah, mười manh mối. Chúa Giêsu đã ứng nghiệm tất cả: (1) Ngài sẽ đến từ thị trấn nhỏ bé Bethlehem, (2) Ngài sẽ cai trị Israel, (3) Nguồn gốc của Ngài là từ thuở xa xưa, (4) Thiên Chúa đang chờ đợi mẹ Ngài, (5) Anh em của Ngài sẽ trở về Israel, (6) Ngài sẽ đứng lên, (7) Ngài sẽ chăn dắt đàn chiên của mình, (8) Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, (9) Sự vĩ đại của Ngài sẽ vươn tới tận cùng trái đất, và (10) Ngài sẽ là hòa bình.
Chúng ta hãy đi qua mười điểm này một cách ngắn gọn. Thực ra, có ít nhất ba trăm lời tiên tri về Đấng Mêsia trong Cựu Ước, và và hết thảy những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Không ai trong lịch sử đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri như vậy, cũng như không ai trong lịch sử đã thực hiện nhiều phép lạ vô kể, hoặc sống lại từ cõi chết, hoặc tuyên bố không chỉ là một người khôn ngoan mà là Thiên Chúa nhập thể. Chúa Giêsu là duy nhất tuyệt đối.
1) Thứ nhất, tại sao Ngài chọn Bethlehem? Trong suốt lịch sử, Thiên Chúa thực hiện những phép lạ vĩ đại nhất qua những người nghèo khổ và ở những nơi vô danh, chứ không phải qua những người giàu có hay nổi tiếng. Đức Maria cũng làm điều tương tự: tất cả những lần hiện ra của Mẹ trong suốt các thế kỷ đều ở những nơi xa xôi và với những người nghèo hoặc trẻ em. Tại sao? Một lý do là vì Thiên Chúa thấy rằng chúng ta cần học khiêm tốn. Và Thiên Chúa có thể làm việc với những người khiêm tốn, những người tin tưởng Ngài; Ngài không thể làm việc với những kẻ kiêu ngạo, những người không tin tưởng. Lý do khác là chúng ta cần học cách tôn trọng người nghèo và những người vô danh – không chỉ là thương hại và giúp đỡ họ mà còn phải tôn trọng họ. Một lý do nữa là chúng ta cần đặt lại các ưu tiên và không nên kỳ vọng quá nhiều vào những vĩ nhân được mọi người nhận biết. Chúa Giêsu đã có thể sinh ra tại Rôma, trở thành hoàng đế và cai trị thế giới. Nhưng Ngài đã làm điều ngược lại. Ngài sinh ra ở một vùng đất xa lánh; Ngài sống như một người thợ mộc vô danh suốt ba mươi năm và bị đóng đinh như một tội nhân. Như dòng nước chảy, Thiên Chúa đi đến những nơi thấp nhất.
2) Thứ hai, lời tiên tri nói Đấng Mêsia sẽ cai trị Israel có nghĩa là gì? Hầu hết người Do Thái nghĩ rằng điều đó có nghĩa là Ngài sẽ là một vị vua vĩ đại, như vua Salomôn, và một người có chiến thắng lớn về chính trị và quân sự. Nhưng Israel thực sự mà Chúa Giêsu sẽ cai trị, “dân tộc được Chúa chọn,” không phải là một thực thể chính trị, quân sự hay kinh tế. Ngai của Chúa Giêsu không phải ở trong các hành lang của Quốc hội mà là trong các hành lang trái tim của chúng ta. Đó không phải là quyền lực mà là tình yêu. Trái tim của chúng ta là ngai vàng của Ngài.
(3) Thứ ba, nguồn gốc của Ngài từ thời trước, từ thuở xa xưa có nghĩa là gì? Không chỉ vì Ngài là con của Đavít, tổ tiên dân Do thái đã 1000 ngàn năm, mà Ngài là Con của Thiên Chúa từ cõi đời đời. Ngài đã có từ “lúc khởi đầu” (Gioan 1:1). Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ. Ngôi Lời của Thiên Chúa không phải là một tập hợp các chữ cái mà là một Ngôi vị. Tên loài người của Ngài là Đức Giêsu. Tên Thiên Chúa của Ngài là Chúa Con, Con đời đời của Thiên Chúa Cha. Ngay cả khi A-đam vẫn còn sống trên trái đất ngày nay, Chúa Giêsu sẽ già hơn A-đam. Ngài cũng trẻ hơn tất cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra. (x. Tv 2:7).
(4) Thứ tư, cũng có một lời tiên tri của Đức Maria ở đây: “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời người sản phụ sinh con”. Thiên Chúa đã có thể đưa Con của Ngài xuống từ thiên đàng khi đã trưởng thành, như thể Chúa xuống trần thay vì Chúa thăng thiên; trái lại, Ngài đã chọn bắt đầu như một hợp tử, rồi một phôi thai, rồi một bào thai, rồi một em bé, rồi một cậu bé, rồi một thiếu niên, rồi một chàng trai trẻ, để thánh hóa mọi giai đoạn của cuộc sống con người. (Ngay cả cuộc sống của một thiếu niên! Những thiếu niên có thể giống như Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu đã là một thiếu niên.) Vào lúc Truyền tin, thiên thần của Chúa đã chờ đợi sự cho phép của Mary trước khi Chúa Thánh Thần một cách huyền diệu, phủ bóng trên Đức Maria và Mẹ đã thụ thai trong lòng mình Đấng Tạo Hóa của chính mình. Tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa ngay từ đầu. Chúa Giêsu là người duy nhất trong lịch sử đã chọn mẹ của mình.
(5) Thứ năm, lời tiên tri có nghĩa là gì khi nói rằng “những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en? Khi ngôn sứ Mi-kha đưa ra lời tiên tri này, ông hẳn đã hiểu rằng người Do Thái sẽ thực sự trở về Đất Hứa sau thời gian lưu đày, và điều này đã xảy ra. Nhưng đó cũng là biểu tượng của một điều gì đó lớn lao hơn: sự trở về về mặt tâm linh mà Chúa Giêsu đã đến để ban cho tất cả chúng ta: sự trở về của linh hồn chúng ta với Chúa, ngôi nhà tâm linh của chúng ta. Và khi đoạn văn gọi chúng ta là “anh em” của Người, lời tiên tri đó cũng nói rằng Chúa Giêsu sẽ biến đổi chúng ta thành con cái của Chúa và anh em của Chúa Giêsu. Trong Giáo hội sơ khai, các Kitô hữu được phép gọi Chúa là “Cha” và cầu nguyện “Kinh Lạy Cha” chỉ sau khi họ trở thành Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội. Kitô hữu không chỉ là một cái tên mới mà còn là một bản chất mới, một sự thay đổi thực sự trong chính bản thể của họ. Giờ đây, họ là một phần của gia đình Chúa, là con trai và con gái được Chúa nhận làm con nuôi, vì Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Chúa.
(6) Thứ sáu, lời tiên tri nói rằng “Người sẽ đứng lên” có lẽ ám chỉ sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Từ được sử dụng trong Kinh Tin Kính các Tông đồ để chỉ “thân xác loài người ngày sau sống lại” là anastasis, theo nghĩa đen có nghĩa là “đứng lên”. Đó là điều mà xác chết không thể làm được.
(7) Thứ bảy, lời tiên tri nói “Ngài sẽ… chăn dắt đoàn chiên của Ngài” có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu sẽ là người Mục tử tốt lành đối với chiên của Ngài: là Đấng cứu độ, người bảo vệ và chủ nhân tốt lành của đoàn chiên. Cuối cùng chính Ngài cũng sẽ là một con chiên, Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội lỗi trần gian bằng cách bị giết chết, như con chiên trong Lễ Vượt Qua. Ngài sẽ là ý nghĩa thực sự của tất cả những con chiên đã bị hy sinh trong nghi thức thờ phượng tại đền thờ, từ khi Thiên Chúa đã ban cho Môsê những chỉ dẫn chi tiết về nghi thức của hy tế cho đến khi biểu tượng này được thực hiện, được biểu lộ và được hiểu rõ trong Chúa Kitô.
(8) Và khi lời tiên tri thứ tám nói rằng “họ sẽ được an cư lạc nghiệp,” họ ở đây có nghĩa là chúng ta, bầy chiên của Ngài, dân sự của Ngài, cùng gia đình với Ngài; và “an cư lạc nghiệp” ở đây có lẽ có nghĩa là sự bất tử. Chúng ta “an cư lạc nghiệp” ngay cả khi đã chết vì Chúa Kitô đã làm như vậy. Hy vọng phục sinh của chúng ta dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô và việc chúng ta “ở trong” Ngài.
(9) Lời tiên tri thứ chín, nói rằng, “quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất,” có nghĩa là Đấng Kitô sẽ được mọi nơi trên thế giới biết đến. Lúc đầu, chỉ có một vài môn đệ, sau đó có thêm ba ngàn người nữa vào Lễ Ngũ Tuần, và ngày nay có hơn hai tỷ Kitô hữu trên thế giới. Những gì bắt đầu ở Giêrusalem đã lan đến Giuđêa, đến phần còn lại của Israel, đến Cận Đông và phía tây đến Châu Âu, rồi đến phần còn lại của thế giới. Thực tế là Châu Âu không còn là một lục địa Kitô giáo nữa là một điều bi thảm nhưng không phải là thảm họa. Không giống như hầu hết các tôn giáo khác, Kitô giáo không phải là một tôn giáo cục bộ mà là phổ quát. Hồi giáo chủ yếu giới hạn ở các nước Hồi giáo, Phật giáo ở các nước Phật giáo, Nho giáo ở Trung Quốc và Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, nhưng Kitô giáo thì có mặt trên toàn thế giới. Ngày nay, nó vừa là một tôn giáo của Châu Phi vừa là một tôn giáo của Hoa Kỳ. Kitô giáo không phải là một hệ thống chính trị hay quốc gia. Rất tiếc phải làm bạn thất vọng, nhưng Chúa Giêsu không tranh cử tổng thống.
(10) Cuối cùng, lời tiên tri nói “Ngài sẽ là sự bình an của chúng ta”. Lưu ý rằng không nói chỉ là Ngài sẽ dạy về hòa bình, hoặc thậm chí là Ngài sẽ mang lại hòa bình, mà là Ngài sẽ là hòa bình. Ngài chỉ ban cho chúng ta một món quà duy nhất: chính Ngài. Trong món quà đó có tất cả mọi món quà khác. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu là sự công chính, sự thánh hóa và sự cứu chuộc của chúng ta, không chỉ là Ngài ban những món quà đó. Thiên Chúa không giống như ông già Noel. Ông già Noel tặng rất nhiều món quà nhưng không ban chính mình. Ông không cùng sống chúng ta; ông chỉ đến và để lại quà một lần mỗi năm.
Khi tôi còn nhỏ, tôi rất muốn có một chiếc tàu đồ chơi đắt tiền cho Giáng Sinh. Bố tôi bảo tôi ngồi xuống và hỏi tôi, “Con có biết tại sao chúng ta tặng quà cho nhau vào dịp Giáng Sinh không?” Tôi trả lời, “Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu trong Giáng Sinh đầu tiên, đúng không bố?” Bố tôi rất vui. “Đúng rồi! Và tại sao Thiên Chúa làm vậy?” “Vì Ngài yêu thương chúng ta” “Đúng! Tốt lắm, con của bố. Con đã hiểu ý nghĩa Giáng Sinh rất rõ. Giờ nếu ba không đủ tiền mua cho con chiếc tàu lửa đắt tiền con muốn, con vẫn biết ba yêu thương con hết lòng, đúng không con?” Tôi nghĩ nhanh. Đây là một cái bẫy mà tôi không ngờ tới. Liệu tôi có thể bắt bố tôi làm con tin cho đến khi bố mua cho tôi chiếc tàu lửa không? Hay tôi có thể nói không để ép bố mua tàu lửa cho tôi không? Không, bố thông minh hơn tôi. Tôi không thể lừa bố được. Tôi phải nói thật. Vì vậy tôi nói, “Dạ, con biết bố luôn yêu thương con.” “Tốt lắm con trai. Lần nữa con đã nói đúng”. Tôi nghĩ thầm: “Chết rồi, mình vừa cho bố lý do để không mua tàu cho mình rồi.” Khi Giáng Sinh đến, tôi đã nhận được chiếc tàu lửa. Nhưng tôi đã nhận được thứ quý giá hơn: tôi đã học được bài học về tình yêu. Tàu lửa đồ chơi ấy đang ở trên gác mái nhà đã gỉ sét, nhưng bài học thì không bao giờ gỉ sét; nó vẫn sống mãi trong tôi.
Khi chúng ta tặng quà Giáng Sinh cho nhau, như chúng ta sẽ làm ngay khi Mùa Vọng kết thúc và bước vào Mùa Giáng Sinh, điều quan trọng là tình yêu: tình yêu là món quà của chính mình. Trong hôn nhân, món quà của mình là hoàn toàn, độc nhất, mãi mãi và vô điều kiện. (Nếu bạn không hiểu hoặc không tin vào điều này, xin đừng kết hôn cho đến khi bạn hiểu rõ điều đó.) -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét