Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Mùa Vọng: Chúa đã đến, sẽ đến và đang đến

Hôm nay là Ngày đầu năm trong Lịch Phụng vụ của Giáo hội vì Giáo hội xác định năm tháng theo sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử: Việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người trong thế giới chúng ta khi Ngài sinh ra trong máng cỏ. Mùa Vọng kéo dài một tháng chuẩn bị cho sự kiện Chúa đến. Chúa Giêsu là nhân vật trọng tâm của lịch sử. Ngài cũng là tác giả của lịch sử. Tất cả lịch sử là câu chuyện của Ngài.

Mùa Vọng có nghĩa là “đang đến hoặc đến”. Chúa Kitô đã đến thế gian này hai ngàn năm trước đây. Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ “tái lâm” hoặc lần đến thứ hai, vào lúc tận thế. Chúng ta không biết ngày hoặc giờ Chúa Kitô tái lâm, khi Ngài sẽ đến để phán xét toàn thể thế giới, nhưng chúng ta biết rằng Ngài sẽ đến, và đó là cách thế gian này sẽ kết thúc. Một ngày nào đó sẽ là ngày cuối cùng.

Chúng ta cũng biết rằng Ngài sẽ đến với mỗi người chúng ta vào ngày cuối cùng của đời mình, và chúng ta cũng không biết ngày đó là ngày nào; do đó, chúng ta phải từng ngày sẵn sàng cho cả hai lần Chúa đến trong tương lai: đến với thế giới và đến với chính bản thân, bởi vì chúng ta không biết đêm nay sẽ là đêm cuối cùng của thế giới hay đêm nay sẽ là đêm cuối cùng của chính bản thân. Không gì khiến bạn khôn ngoan hơn là thành thật đối mặt với sự thật đó. Không ai có thể trốn thoát khỏi cái chết.

Còn có việc Chúa đến lần thứ ba. Lần đầu tiên Ngài đến trong quá khứ, hơn 2000 năm trước, và lần thứ hai Ngài đến trong tương lai, trong ngày tận thế; nhưng lần thứ ba Ngài đến trong lúc hiện tại. Ngay lúc này, Ngài đang gõ cửa trái tim bạn và xin phép được vào và trở thành Thiên Chúa và là Cứu Chúa của bạn. Ngài là một quý ông và không đến bằng vũ lực, mà chỉ đi vào linh hồn bạn khi bạn tự do cho phép, khi bạn mời Ngài vào. Ngài sẽ không cưỡng ép tâm hồn bạn, nhưng như Vị Lang Quân, Ngài muốn yêu thương bạn và làm bạn cưu mang sức sống của Ngài trong mình. Đó là lý do tại sao, trong bức tranh nổi tiếng về Chúa Kitô cầm đèn và gõ cửa. Cánh cửa không có tay nắm để có thể mở từ bên ngoài mà là mở từ bên trong. Mở cánh cửa trái tim chúng ta đón nhận sự hiện diện của Ngài, tình yêu, ân sủng, chính sự sống của Ngài, là điều quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm và cần làm trên thế gian này. Đó là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống, và là bí mật của những gì mà mỗi con người đều mong muốn: niềm vui, nghĩa là một hạnh phúc chân thật, sâu sắc và lâu dài, chứ không chỉ là giả tạo, hời hợt và mong manh.

Khi chúng ta đọc “Kinh Kính Mừng”, chúng ta cầu xin Đức Mẹ cầu nguyện cho chúng ta vào hai thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời: “khi này và vào giờ lâm tử của chúng ta”. “Giờ lâm tử của chúng ta” là lần Chúa Kitô đến lần thứ hai cho cá nhân ta. Đó là điều mà chúng ta phải chuẩn bị trong suốt mùa Vọng, cũng như chuẩn bị cho việc tưởng niệm Chúa đã đến lần đầu tiên không ngày Lễ Chúa Giáng sinh. Và “khi này” hay lúc này là điều mà chúng ta gọi là lần tái lâm thứ ba của Chúa Giêsu, vào trái tim và cuộc sống của chúng ta.

Và cả ba lần đến, cả ba lần chờ đợi, đều có cùng một mục đích: lấp đầy chúng ta bằng sự sống của Ngài, biến chúng ta thành những Kitô nhỏ bé, biến chúng ta thành những vị thánh. Nhà văn Công giáo vĩ đại Léon Bloy đã nói: “Cuộc sống này chỉ có một bi kịch duy nhất, đó là bản thân mình đã không trở thành một vị thánh”. Đó là ý nghĩa của cuộc sống, đó là lý do Chúa Giêsu đến với chúng ta, đó là lý do Ngài đặt chúng ta ở đây trên trái đất này. Một vị thánh chỉ đơn giản là người yêu mến Chúa hết lòng và yêu người lân cận như chính mình. Ngài đã nói rất rõ điều đó, cả trong Kinh thánh và trong lời dạy của Giáo hội của ngài, trong cuộc sống của các vị thánh và trong tiếng nói sâu thẳm nhất của lương tâm chúng ta. Vậy chúng ta hãy bắt đầu thôi. Chúng ta hãy đặt tay lên núm cửa và lắng nghe tiếng gõ cửa của Ngài. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)

Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tiêu đề

Blog Archive