Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Chỉ cần ta muốn yêu Chúa bằng cả con tim, Chúa sẽ làm phần của Ngài -- CN 30 TN

Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6:4-6).

Bạn có nhận ra đây không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là một điều răn. Đó là lời của Chúa đến với chúng ta, cũng như là lời của chúng ta gửi đến Chúa. Cầu nguyện cơ bản là một cuộc đối thoại hai chiều với Thiên Chúa, và cuộc đối thoại là sự trao đổi, chứ không phải là độc thoại. Lời tôn vinh, cảm tạ, đền tội và khẩn cầu của chúng ta bay lên đến Chúa; và sự mặc khải, các điều răn và ân sủng của Chúa đến với chúng ta.

Xung quanh lời cầu nguyện này, Mô-sê sử dụng năm động từ ở thể mệnh lệnh cho các điều răn. Thứ nhất, “kính sợ” Chúa. Thứ hai, “tuân giữ” các điều răn của Ngài. Thứ ba, cẩn thận / lo đem chúng ra “thực hành”. Thứ tư, “yêu thương” Chúa của bạn bằng cả trái tim. Thứ năm, “ghi lòng tạc dạ” những lời này. Hãy cùng xem xét các động từ này một cách cẩn thận.

Đầu tiên là kính sợ, vì sự kính sợ phải đến trước. Nỗi sợ Thiên Chúa không phải là nỗi sợ nô lệ, như nỗi sợ của kẻ nô lệ đối với một chủ nhân tàn nhẫn, mà là nỗi sợ của một người con yêu thương và trung thành, sợ làm buồn lòng người cha yêu dấu của mình. Đôi khi người ta nói rằng nỗi sợ này có nghĩa là “tôn trọng,” nhưng nó còn hơn thế nữa. Đó là sự tôn kính. Đó là thờ phượng. Đó là tôn thờ. Đó là phản ứng mà chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng được lãnh nhận. Thái độ này là nguồn gốc tâm lý và bản chất của mọi tôn giáo. Gần như một từ đồng nghĩa với nỗi sợ Thiên Chúa này là đức tin, tin vào sự hoàn thiện của Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, thúc đẩy lời cầu nguyện cốt lõi của mọi tôn giáo chân chính: “Xin cho ý Cha được thực hiện.”

Và “ý Cha được thực hiện” chính là điều răn thứ hai: vâng lời. Đức tin không chỉ là một quan điểm; không chỉ là tin trong tâm trí; đức tin là lòng trung thành của ý chí. Đức tin là một lựa chọn, một hành động, một việc làm. Chương 11 của sách Híp-ri là danh sách những vĩ nhân đức tin thời Cựu Ước, và nó xác định đức tin của mỗi người qua những hành động vâng lời của họ. Nó cho chúng ta biết đức tin của họ đã làm gì.

Thứ ba, sự vâng lời này phải được thực hiện một cách cẩn thận, có nghĩa là có sự “cần thận / lo toan.” Cẩn thận ở đây không có nghĩa là “kén chọn” hoặc “sợ hãi,” mà có nghĩa là đam mê tích cực, chú ý và yêu thương. “Anh ấy thực sự quan tâm đến tôi” nghĩa là “anh ấy đặt tôi lên hàng đầu.” Khi chúng ta muốn nói, “Bạn nên thực sự quan tâm đến điều này,” chúng ta nói, “Đó là vấn đề sống còn.” Thiên Chúa thực sự là vấn đề sống chết đối với chúng ta, của đời sống vĩnh viễn [mà cuộc sống này chỉ là như một cái chớp mắt].

Thứ tư, điều răn trọng tâm là “yêu mến” Chúa hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Điều đó có nghĩa là đặt Chúa lên trên tất cả, không chỉ là thêm Ngài vào cuộc sống như lớp kem phủ lên bánh mà là để Ngài trở thành cả chiếc bánh, là Chúa của toàn bộ cuộc sống, để cho Thiên Chúa là Chúa của đời bạn. Bạn có thể nghĩ rằng điều này là không thể trừ khi bạn là một vị thánh; nhưng Thiên Chúa không yêu cầu điều gì là không thể làm được. Chọn để làm điều đó, cố gắng làm điều đó, muốn làm điều đó, quyết tâm làm điều đó, chính là đã làm được.

Cuối cùng, Mô-sê nói rằng “ghi lòng tạc dạ.” Điều đó có nghĩa là gì? Trong tiếng Híp-ri, điều này có nghĩa là, “Những lời này sẽ ở trên trái tim bạn,” hoặc “trong trái tim bạn.” Bởi vì chúng ta yêu Chúa bằng trái tim, chúng ta yêu những lời này bằng trái tim. Chúng ta có thể không thực hiện được điều răn yêu mến Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta không thể không yêu mến điều răn đó. Chúng ta có thể chưa yêu Chúa bằng cả trái tim, nhưng chúng ta có thể ít nhất là muốn yêu Ngài bằng cả trái tim, và nếu chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ dần dần biến đổi trái tim chúng ta thành điều mà chúng ta mong muốn.

Nếu chúng ta thậm chí không muốn yêu Chúa bằng cả trái tim, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết Chúa. Chúa là Đấng đáng yêu nhất vì Chúa là tình yêu, và tình yêu luôn muốn chia sẻ chính mình, và Chúa không mong muốn gì hơn là ban cho chúng ta niềm vui trên thiên đàng, một niềm vui chỉ có được khi chúng ta biết yêu thương. -- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul: Reflections on Mass Readings, Year B

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive