Trong Mùa Vọng, chúng ta nghe hai cuộc truyền tin bởi thiên thần Gáp-ri-en đến với ông Da-ca-ri-a và Đức Maria. Sau cuộc truyền tin, ông Da-ca-ri-a thì bị câm vì không tin vì ông hỏi: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Luca 1:18). Và Đức Maria cũng hỏi sứ thần khi nghe tin Mẹ sẽ cưu mang Đấng sẽ được gọi là Con Thiên Chúa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Luca 1:34)
Hai người cũng phải hỏi thiên thần, nghe không khác gì là cả Đức Maria cũng phân vân như ông Da-ca-ri-a. Thật là sự việc bên ngoài có thể rất giống nhau nhưng chỉ có Chúa mới biết được trái tim con người.
Nhưng nếu chúng ta để ý, thì có một vài sự khác biệt giữa câu chuyện truyền tin của ông Da-ca-ri-a và của Đức Mẹ.
Ông Da-ca-ri-a và bà Êlizabeth đã cầu nguyện rất nhiều về việc son sẻ của họ vì lời của bà Êlizabét khi bà mang thai Gioan Tẩy Giả: “Chúa thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Luca 1:25) Ông Da-ca-ri-a thông hiểu Cựu Ước và biết đến những câu chuyện thiên thần hiện ra báo tin, chẳng hạn như với mẹ của Samson. Ông già tuổi hơn, là tư tế trong đền thờ, có nhiều kinh nghiệm, chắc hẳn ông biết rõ không có gì là không thể đối với Chúa.
Còn Đức Maria, lúc đó Mẹ khoảng chừng 15 tuổi, tuy đính hôn nhưng chưa về nhà với thánh Giuse. Hơn nữa Mẹ đã hứa giữ mình đồng trinh để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, một điều mà các Kinh thánh gia thừa nhận là có những cặp vợ chồng như vậy thời đó. Mẹ tin tưởng vào Chúa nhưng đây là tin nguy hại đến cuộc sống của Mẹ. Ở Trung Đông, những cô gái có thai không có chồng, ngay cả thời nay sẽ bị trừng trị bằng cái chết vì danh dự gia đình (N. T. Wright).
Tuy nhiên, có người nói, “Có lẽ thiên thần Gabriel đã lường trước rằng việc mang thai của Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét sẽ khơi mào nhiều cuộc trò chuyện trong xã hội các thầy tư tế mà họ thường xuyên giao du. Và những nhà học giả này, như thói quen của các học giả tôn giáo, sẽ tranh luận, suy đoán, và đưa ra các giả thuyết vô bổ… và cuối cùng khiến Gia-ca-ri-a bị phân tâm. Trong khi đó, ông cần (như Mẹ Maria) giữ tất cả những điều này trong lòng.” (Elizabeth Scalia)
Dù sao đi nữa, đức tin Kitô giáo được dựa trên lý trí, chúng ta được tự do đặt câu hỏi cách lý trí tự nhiên của con người thường làm. Chúng ta chỉ cần sẵn sàng chấp nhận câu trả lời mà chúng ta cần. Một bài học nữa là án phạt của Chúa đã khiến ông Da-ca-ri-a dâng lời ca tụng, và trong Kinh Phụng vụ, lời ca tụng Chúa của ông được đọc lại mỗi buổi sáng (Luca 1:68-79). Ông Da-ca-ri-a đã có thể chúc tụng Chúa nhờ sự sửa phạt của Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét