Bạn đã bao giờ ăn chay 40 đêm ngày chưa? Rồi lại bị cám dỗ để thỏa mãn cơn đói khát?
Sau khi ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, ma quỷ đã đến gần Đức Giêsu và cám dỗ Ngài như xưa nó đã đến gần Evà và đã cám dỗ bà. Ađam và Evà đã tin lời ma quỷ và nghi ngờ sự tốt lành của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Ađam mới, đi vào lịch sử loài người và cứu thoát chúng ta từng trận một. Ngài đã đánh bại nó cho chúng ta trong thân xác con người của Ngài, như một người phàm và Ngài sẽ đánh bại nó hoàn toàn trên cây thập tự để giải thoát loài người khỏi nô lệ của tội và sự chết.
“Cơn cám dỗ trong hoang địa cho thấy Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a khiêm nhu, chiến thắng Xa-tan nhờ gắn bó trọn vẹn với ý định cứu độ của Chúa Cha.” –GLHTCG 566
Từ Dr. Brant Pitre
Khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa của lịch sử cứu độ là một câu chuyện của tình yêu. Đó là câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngài làm việc này bằng việc ghi khắc câu chuyện tình yêu này nơi chính thân xác của chúng ta, vào chính nhân tính của chúng ta bằng việc dựng nên chúng ta có nam có nữ.
Điểm này thì quan trọng vì Ađam là nguyên mẫu của Đức Kitô và Evà là nguyên mẫu của Mẹ Maria và Giáo Hội. Câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa loài người được biểu lộ nơi cách Ađam đối xử với Evà. Bà Evà tiêu biểu cho tương quan giữa loài người đối với Thiên Chúa.
Thánh Phaolô trong thư thứ I gửi Côrintô 11:7 có nói người nam là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam. Đây không là câu hạ nhục người nữ. Không hề vậy. Nhưng trong mối tương quan với nhau, người nam phải là hình ảnh cách Chúa tương tác với trần thế và người nữ là hình ảnh con người trong mối tương quan với Chúa.
Điều gì đã xảy ra trong Vườn Địa đàng. Ađam có bổn phận bảo vệ Evà, vợ của ông, bạn đồng hành với ông. Nhưng Ađam đã không bảo vệ vợ mình. Ông đã không chiến đấu với con rắn. Khi con rắn đi vào Vườn Địa đàng nó nhắm thẳng vào người nữ vì người nữ tiêu biểu cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nếu nó hạ gục được người nữ, nó sẽ có cả hai người. Và khi con rắn tới, Ađam chỉ đứng đó và chẳng làm gì cả. Thay vì đứng ra chống cự con rắn và không cho nó làm Evà bất tuân lệnh Chúa, Ađam đã ăn trái cấm.
Để chống lại sợ hãi và nản lòng, phải nại đến việc cầu nguyện - đó là một kinh nghiệm cá nhân về việc gặp lại, nhận biết và yêu mến Thiên Chúa - nào, “hãynếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 34). Những xác tín mà thói quen cầu nguyện khắc sâu vào tâm hồn chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với những xác tín bắt nguồn từ lý luận, ngay cả những suy tư thần học ở trình độ cao nhất.
Vì sự công kích của ma quỷ - những ý tưởng làm nản lòng, bất tín - thì không bao giờ ngưng nghỉ; cho nên, tương tự như thế, để chống lại chúng, chúng ta cũng phải cầu nguyện liên lỉ và không mệt mỏi. Biết bao lần tôi tôn thờ Thánh Thể trong tâm trạng lắng lo hoặc ngã lòng và không có bất cứ điều gì đặc biệt xảy ra; không nói một lời, không trào dâng một cảm xúc đặc biệt nào cả… nhưng tôi ra về với tâm hồn bình an. Hoàn cảnh bên ngoài vẫn mãi như thế, luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết, nhưng một khi tâm hồn đã được đổi mới, cũng từ đó, tôi có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh cách thanh thản. Chúa Thánh Thần đã thực thi công việc kín đáo của Ngài.
Không bao giờ con người coi trọng đủ sự cần thiết của việc cầu nguyện lặng lẽ, trầm tư - nguồn mạch đích thực của bình an nội tâm. Làm sao một người có thể phó mình cho Thiên Chúa, đặt hết niềm tin vào Người nếu người ấy chỉ biết Thiên Chúa xa xa hoặc nghe người khác nói? “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42, 5). Tâm hồn không nhận ra niềm tin mãi cho đến khi nó nhận ra tình yêu; phải cảm nhận cho được sự trìu mến và dịu hiền của Trái Tim Đức Giêsu. Điều này không thể có được trừ khi chúng ta có thói quen cầu nguyện suy niệm và lặng yên dịu dàng trong Chúa, tức là chiêm ngắm.
Thế nên, mỗi người hãy học phó thác toàn thân cho Chúa, đặt hết niềm tin vào Người trong việc lớn cũng như việc nhỏ với tâm tình đơn sơ của trẻ thơ; và rồi, Thiên Chúa sẽ thể hiện sự trìu mến, sự quan phòng và lòng trung thành của Người theo một cách thức… đôi khi ngập tràn. Có những lúc nào đó, xem ra Thiên Chúa đối xử với chúng ta quá khắt khe thì Người cũng biết nâng niu chiều chuộng đến quá bất ngờ. Chỉ với một tình yêu dịu hiền và thuần khiết như tình yêu của Người mới có được khả năng đó. Vào cuối đời, thánh Gioan Thánh Giá trên đường về tu viện, nơi ngài sẽ trút hơi thở - bệnh tật, kiệt sức, không thể tiếp tục - những mong có lấy vài cọng măng tây như những cọng măng đã ăn hồi còn bé… thì cạnh một tảng đá, nơi ngài ngồi lấy sức, kỳ diệu thay, một bụi măng tây được gửi đến.
Giữa những thử thách, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm sự dịu dàng đầy yêu thương này. Chúng không dành riêng cho các thánh, nhưng cho tất cả những ai nghèo khó, những người tin rằng Thiên Chúa là Cha của họ. Chúng có thể trở nên một khích lệ mạnh mẽ, hiệu quả hơn bất cứ lý luận nào; nhờ đó, chúng ta có thể phó mình cho sự chăm sóc của Người.
Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Bình An của cha Jacques Phillipe
Có một lần một bạn sinh viên đang học ngành kỹ sự hỏi mình về Luật hấp dẫn. Thực ra mình chưa nghe đến Luật hấp dẫn trước đó nên hỏi nó là gì? Bạn đó trả lời cũng không mạch lạc cho lắm để mình có thể hiểu nhưng khi nghe đến câu kiểu, “Nếu ta có tư tưởng tích cực thì vũ trụ sẽ giúp chúng ta đạt tới đích đó”, ngay lập tức mình hiểu nó từ đâu đến.
Bây giờ thì biết nhiều hơn về Luật hấp dẫn và những người thúc đẩy đàng sau cái Luật đó nên cũng mạo hiểm viết vài lời giải thích.
Đức tin Kitô giáo, Chúa Giêsu chết trên CÂY THÁNH GIÁ, CHÚA PHỤC SINH, LÊN TRỜI, hứa hẹn nhiều hơn, nhiều nhiều hơn rất nhiều những gì Luật hấp dẫn hứa hẹn. Luật hấp dẫn không thể cứu ai khỏi cái chết đời đời, không tài nào đưa ta vào thiên đàng. Đừng nói đến “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Gioan 14:20). Nói cách khác, Chúa Giêsu "Thiên Chúa hóa" chúng ta. Chúng ta nhờ bí tích Rửa tội trở thành con cái đích thực của Chúa, thừa hưởng gia tài thiên quốc và được trao quyền để cai quản vũ trụ này và hết thảy những gì Thiên Chúa tạo dựng trong trời mới đất mới.
Nhưng lý do mình biết ngay Luật hấp dẫn từ đâu đến là vì: Luật hấp dẫn từ chối tội tổ tông và hậu quả của nó. Luật hấp dẫn không biết gì (hoặc phủ định) về một lực khác đang hoạt động trong vũ trụ chống lại Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Ngài; lực đó đang tìm hết mọi cách đưa con người ra xa khỏi Chúa như nó đã làm với tổ tông của chúng ta.
Sách Sáng thế cho chúng ta biết Thiên Chúa:
- dựng nên con người giống hình ảnh Chúa.
- Thiên Chúa dựng nên toàn thể vũ trụ cho con người: Đặt con người làm “bá chủ” trái đất.
- Thiên Chúa dựng nên con người trong mối tương quan hài hòa cách hoàn hảo với Chúa, với bản thân, với Evà và với toàn thể thụ tạo.
- Thiên Chúa dựng nên con người không phải đau khổ, không phải chết.
- Thiên Chúa dựng nên con người có tự do: tự do để yêu và tự do khỏi nô lệ của tội.
Trước tội tổ tông, con người có một sự hiểu biết về các mầu nhiệm của Chúa cách sâu sắc. Dr. Scott Hahn nói, còn hơn hết các nhà thần học thông thái thời nay.
Nhưng có một sự kiện làm đảo lộn trật tự này. Ađam Evà khi nghe lời con rắn đã vô tình trao quyền bá chủ trái đất này cho ma quỷ và con người bây giờ dưới quyền thống trị của sự dữ, xa cách Thiên Chúa, mặc lấy sự thù hằn Thiên Chúa của chủ mới của mình ngay cả khi không biết Thiên Chúa là Đấng nào; trí hiểu biết bị làm lu mờ, làm việc lành phúc đức thì khó và phạm tội thì dễ. Bảy mối tội đầu là hậu quả của tội tổ tông và nó cắm rễ sâu vào con cháu Ađam và Evà. Các thánh cũng phải chiến đấu với nó cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời và cái chết sẽ hủy diệt nọc độc của tội trong thân xác này.
Đây là một giáo huấn mà các lạc giáo “thường quên”; đây là một hậu quả rất hiển nhiên (chỉ cần đọc tin tức là thấy nhan nhãn hậu quả của tội tổ tông) nhưng vì chúng ta không biết trước đó như thế nào để so sánh. May thay, Thiên Chúa đặt trong trái tim con người khắc khoải cho thiên đàng, cho sự tuyệt hảo mà không gì xóa đi được. “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Augustinô)
Trong vũ trụ bây giờ, có “Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân loại; khởi đầu từ lúc khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như Lời Chúa phán... Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ đạt được sự thống nhất nội tâm, sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa” (GLCG 409).
Và thánh Phêrô trong thư thứ nhất cũng có nói, “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.”
Đây là một cuộc chiến đấu mà Chúa Giêsu đã chiến thắng cho chúng ta trên cây thánh giá, qua sự sống lại, sự phục sinh và lên trời của Ngài. Không có Chúa Giêsu, chúng ta không có cách nào thoát khỏi gông cùm của tội và sự chết. Chúa đã chiến thắng vinh hiển cho ta nhưng mỗi một người phải ước muốn đi trên con đường chiến thắng đó để có khả năng khước từ quyến rũ của tội và những lời hứa hào nhoáng hão huyền của nó, lời dối trá.
Khi nắm được lời dạy này, mình biết ngay câu “vũ trụ sẽ giúp chúng ta đạt tới” hướng tích cực của chúng ta, miễn là chúng ta không tự đánh bại mình bằng những tư tưởng tiêu cực và vững chắc trong ước muốn tích cực của mình" là từ đâu đến. Trong vũ trụ, có rất nhiều thần lực, quyền hành trên không trung, chống lại Thiên Chúa và tìm cách hãm hại con người bằng muôn sự dối trá, lợi dụng gốc rễ là bảy mối tội đầu trong ta.
Update:Có một số bạn đọc không hiểu mình đang nói cái Luật hấp dẫn là sai. Vũ trụ của Luật hấp dẫn làm ngơ về tội tổ tông, làm ngơ về sự hiện diện của ma quỷ. Chúng chẳng là gì với Chúa nhưng Chúa cho phép chúng nó nhích được ngón tay nào thì nó nhích để mà hãm hại chúng ta. Chúa dùng chính ma quỷ như thể lập ra những chướng ngại vật trong sân huấn luyện là trần gian để giáo dục con cái của Ngài.Và bạn cần đọc sách Sáng thế chương 1 đến chương 3 để biết Chúa nói gì về tại sao chúng ta như thế này.
Những quyền lực thần thiêng này từ đâu tới? Khi con người phạm tội, nó là bọn ăn cướp xông vào chiếm lấy. Nếu mình không nhớ lầm khi đọc các giáo phụ, thì đây là các thiên thần Chúa đặt để quản lý vũ trụ của Chúa và khi nó nghe theo lời Luxiphe, bị tống xuống hỏa ngục nhưng vẫn có quyền năng trên vũ trụ.
Vậy thì lực nào trong vũ trụ sẽ giúp bạn khi bạn mong chờ các lực trong vũ trụ sẽ giúp bạn đạt tới đích của mình? Và đích nào vậy? Nếu bạn muốn có sự giàu sang, quyền hành, thì hãy nhớ ma quỷ cũng đã cho Đức Giêsu thấy những quyền hành của nó, nếu Đức Giêsu chỉ cần sụp lạy nó một cái thôi. Còn nếu cùng đích bạn là thiên đàng với Chúa, thừa hưởng gia tài Thiên Chúa dành cho con cái của Ngài trong Chúa Kitô, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị, thì trong vũ trụ này chỉ có một Đấng duy nhất giúp bạn đạt đến đích đó, cùng với các thiên thần, các thánh suy phục Chúa Giêsu. Mọi thần lực khác, chống lại Chúa Giêsu, thù ghét con người và tìm cách dẫn bạn xa đích đó.
Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô" (Phi-líp-phê 3:8)
Càng suy gẫm mầu nhiệm năm sự sáng, ta càng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng vĩ đại giữa một thời kì rối ren, là Đức Gioan Phaolô II. Dường như ngài đã thấy trước tương lai, vì thật sự là rất cần thiết khi năm sự sáng được thêm vào kinh Mân Côi. Người ta vịn cớ rằng sự xuất hiện của năm sự sáng làm mất đi "vẻ đẹp truyền thống" của ba sự kia, vốn đồng quy với 150 thánh vịnh. Nhưng sự tương liên đó liệu có quan trọng hơn sự an nguy của gia đình, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
Thứ nhất thì ngắm: Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan. Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định tầm quan trọng siêu việt, và quyền lợi của con trẻ là được chịu phép rửa tội. Quyền lợi ấy lớn hơn mọi thứ nhu cầu khác mà cha mẹ có thể nghĩ ra, và phải được ưu tiên hàng đầu. Tiếc thay, giữa xã hội ngày nay, đặc biệt ở tây phương, người ta chỉ mang con trẻ đến để xin rửa tội khi cháu đã khá lớn, bắt đầu có ý thức. Có lẽ cần phải nhắc lại bí tích rửa tội là dấu ấn không thể phai, minh chứng rằng đây là con cái Chúa, là thuộc về Chúa. Ở khía cạnh nghiêm trọng hơn, liệu ai có thể đền trả nổi hậu quả khi một đứa bé qua đời mà chưa được rửa tội không? Chúng ta không nói đứa trẻ qua đời mà chưa rửa tội sẽ sa hoả ngục hay vĩnh viễn không được hưởng nhan Chúa, nhưng liệu người cha người mẹ có thể gánh nổi trách nhiệm trước nhan Chúa, khi Người tuyên án họ tội lơ là, cẩu thả và không chu toàn bổn phận chăng?
Thứ hai thì ngắm: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Mầu nhiệm này nhắc lại cho chúng ta nhớ: nhà nào có Chúa, nhà đó sẽ vững bền. Gia đình nào đặt Chúa làm chủ, gia đình đó sẽ luôn thoát khỏi mọi tai ương. Sự hiện diện của Chúa Giêsu như là thứ rượu ngon xây đắp đời vợ chồng, giữ cho tình cảm họ luôn nồng nhiệt. Người là chất xúc tác để cả hai vợ chồng tái khám phá nhau, và tìm thấy điều mới mẻ trong nhau. Vì Chúa luôn là đấng mới mẻ, tình yêu đôi vợ chồng sẽ luôn như là tình yêu của thuở ban đầu. Điều này có thể khẳng định như thế. Cứ xem Thánh Gia là sẽ rõ.
Thứ ba thì ngắm: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Phúc thay cho cha mẹ nào là thầy dạy giáo lý đầu tiên cho con cái, họ sẽ được Chúa nâng đỡ trên mọi nẻo đường. Tình hình ngày nay là cha mẹ sẵn sàng cho con đi học bất cứ môn gì nó muốn. Họ cũng cho nó đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật. Nhưng liệu cứ khoáng hết mọi sự cho nhà thờ thì có ổn hay không? Mỗi người cha mẹ được mời gọi phải trở thành giáo lý viên cho con mình. Chính họ cũng phải tự trau dồi giáo lý của Hội Thánh, để trước là họ được vững mạnh trong đức tin, sau là thông truyền đức tin đó cho con cái. Làm như thế, họ mới không làm ô nhục hình ảnh của Chúa Trời. Làm như thế chính là thông ban tình yêu thần linh cho các thành viên trong gia đình. Không ai biết Chúa Cha ngoại trừ Chúa Con, thì sự hiểu biết về Thiên Chúa, về tình yêu của Người, cũng như mọi yếu tính căn bản nơi Người, cần được truyền từ chính bậc phụ huynh cho con cái. Có như thế, họ không chỉ chu toàn bổn phận Chúa giao phó, mà họ đã thực sự được nên giống "cộng đoàn Ba Ngôi" yêu thương lẫn nhau.
Thứ tư thì ngắm: Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabore. Đời vợ chồng có sóng gió cãi vã là chuyện thường tình. Nhưng gia đình không có Chúa sau mỗi lần cãi cọ là một lần rạn nứt, còn gia đình có Chúa làm chủ mọi sự thì được hàn gắn bền thêm. Như thánh Phero có nói "chúng con được ở đây thật là hay", thì tự sâu trong thâm tâm, đôi vợ chồng sẽ nói với nhau rằng: Lạy Chúa, chúng con được hiểu nhau hơn sau mỗi lần bất hoà, thật sự là ơn Chúa phù trì. Như Chúa Cha đã dặn ba tông đồ vâng lời Chúa Kito, Thánh Thần Thiên Chúa cũng sẽ nhắc lại cho đôi vợ chồng điều Chúa Kito đã dạy: người chồng hãy yêu thương và tôn trọng vợ mình, người vợ hãy tùng phục chồng mình. Gia đình nào làm được như thế, họ như đang "biến hình" như Chúa Giêsu trên núi, họ toả ra ánh sáng của sự gương mẫu, của tinh thần Kito giáo giữa hàng xóm láng giềng. Rồi người ta sẽ nhìn vào họ mà phải dâng lời ngợi khen Chúa Cha. Gia đình nào làm được vậy, thật phúc lắm thay.
Thứ năm thì ngắm: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội, cũng là dây tơ hồng cho ơn gọi hôn nhân. Ngày xưa, Chúa Giêsu ngồi bên các tông đồ, cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và nói "này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em". Trong nơi thánh đường, vợ chồng nắm tay nhau, cùng dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa hằng hữu. Chính trong giờ phút đó, họ làm sống lại câu nói trên của Chúa chúng ta. Như một cách huyền nhiệm, họ nhìn nhau mà nói: "Này là toàn vẹn thân xác và linh hồn anh, dâng trọn hết cho em. Này là toàn vẹn thân xác và linh hồn em, trao tặng hết cho anh". Người vợ người chồng được mời gọi hãy nhớ tới lời thề nguyền trước Chúa và Giáo Hội, hãy nhớ lại bí tích tình yêu Chúa Giêsu đã lập. Giờ đây, và trong mỗi giây phút của cuộc đời, họ diễn tả lại, làm hiện thực hoá bí tích tình yêu đó bằng chính đời sống vợ chồng của họ.
Ước chi các cặp vợ chồng chọn Chúa làm đầu, thì này ân sủng, bình an, con đàn cháu đống, cùng mọi ơn lành Chúa hứa ban, sẽ tuôn đổ trên họ qua nhiều thế hệ.
Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a (55,6-9)
Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với Đức Chúa - và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
- sấm ngôn của Đức Chúa.
Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
--------
Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Không phải vì sự công bằng mà vì lòng thương xót của Ngài. Đôi khi lòng thương xót của Ngài khiến chúng ta phải xấu hổ, như trong bài Tin Mừng hôm nay. Sự hào phóng của người chủ khiến ông đã trả lương cao hơn cho những người công nhân chỉ làm việc trong một giờ, và cũng không trả lương thấp cho những người khác, thế nhưng họ lại tỏ ra bực bội và ghen tị. Chúng ta thông cảm với sự phản kháng của họ. Tất cả chúng ta đều có xu hướng ghen tị với những người có cuộc sống dễ dàng hơn chúng ta, những người sinh ra trong những gia đình hoặc quốc gia giàu có hơn, thoải mái hơn hoặc hạnh phúc hơn chúng ta.
Có vẻ như Chúa không công bằng chút nào hoặc ít nhất thì sự công bằng phải đi sau sự hào phóng mới đúng. Chúng ta không nên tin tưởng vào phản ứng bẩm sinh đó của mình. Chúng ta coi trọng sự bình đẳng, nhưng ta cần chắc rằng lòng nhiệt thành cho sự bình đẳng của chúng ta không phải là ngụy trang cho sự đố kỵ. Ghen tị là tội lỗi ngớ ngẩn nhất vì nó không bao giờ mang lại một khoảnh khắc vui vẻ nào cho ta, ngay cả chút niềm vui giả tạo. Sự rộng lượng thì quan trọng hơn sự bình đẳng, bởi vì sự rộng lượng là một phần của tình yêu và sự bình đẳng chỉ là một phần của công lý, và tình yêu quan trọng hơn sự công bằng. Một trong những lời Mẹ Teresa ưa thích lặp lại nhất là “Thiên Chúa không thể thua kém ta về lòng quảng đại”. Đó là một trong những cách mà đường lối và tư tưởng của Ngài cao hơn chúng ta như trời cao hơn đất: cao đến mức khiến chúng ta phải sửng sốt.
Tại sao Chúa đã tạo ra bầu trời to lớn đến mức không thể tưởng tượng được? Ngài không cần phải làm vậy. Ngài đã làm điều đó cho chúng ta, để cho chúng ta thấy rằng Ngài vĩ đại và rộng lượng hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Vũ trụ giống như một bí tích, một dấu hiệu thánh thiêng. Giống như cơ thể của chúng ta, vũ trụ là vật chất bộc lộ tinh thần, thể hiện sự thật, thể hiện điều gì đó về Thiên Chúa. Tại sao Chúa tạo ra vật chất? Để bộc lộ tinh thần, thể hiện tinh thần, ban truyền tinh thần, ban truyền thần khí, cũng như một nghệ thuật vật lý của một nghệ sĩ thể hiện cái nhìn sâu sắc về tinh thần, tình yêu và sự sáng tạo của tâm hồn người nghệ sĩ. Lý do cho Vụ nổ lớn / Big Bang là nó biểu hiện nghệ thuật tự bày tỏ mình của Chúa. Như Thánh Vịnh nói: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” (Tv 19:2).
Độ sâu của thung lũng được đo bằng độ cao bên cạnh nó. Sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự nhỏ bé của chúng ta bày tỏ sự tương phản của ta với Chúa. Đặc biệt là sự nhỏ bé về mặt đạo đức của chúng ta và sự cao cả về mặt đạo đức của Ngài. Trước sự xét đoán của công lý, chúng ta là kẻ phạm lỗi; Chúa là Đấng định đoạt công lý. Nếu chúng ta không rơi vào tội lỗi và ích kỷ, lòng quảng đại điên cuồng của Thiên Chúa sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên và choáng váng như vậy.
...Như Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, lòng quảng đại của Thiên Chúa làm lúng túng ngay cả ý thức của chúng ta về sự công bằng. Thiên Chúa thật không “có lý” theo nghĩa nhỏ hẹp, có thể đo lường được. Tất cả sự hoàn hảo của Ngài đều là vô hạn. Như Thánh Vịnh hôm nay nói: “Người cao cả khôn dò khôn thấu”. Chúng ta đọc điều đó và nhẹ nhõm mỉm cười, nhưng mục đích của nó là để làm ta bực bội, khó chịu; mục đích của nó là làm cho chúng ta ngừng thở trong vài giây. Lòng tốt của Thiên Chúa không chỉ lớn hơn của chúng ta mà còn lớn hơn của chúng ta vô cùng. Ngài không thể được đem ra để so sánh với chúng ta, đó là điều không cân xứng với bất kỳ ta dùng thước đo lường nào. Thiên Chúa và sự hoàn hảo của Ngài không được đem ra so sánh với chúng ta như thể thiên hà Milky Way so sánh với một electron, nhưng ngay cả điều đó cũng có thể đo lường được; có một con số cho nó. Nhưng không có số nào cho vô tận. Nó luôn là hơn những gì đã có.
… Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ hài lòng với chỉ thêm một chút tình yêu, thêm chút vẻ đẹp và niềm vui trên thiên đàng, nhưng Chúa có một điều gì đó dành cho chúng ta mà bây giờ chúng ta đơn giản không thể hiểu được cũng như một đứa trẻ chưa chào đời có thể hiểu được thế giới mà nó sắp chào đời; điều mà “mắt chưa thấy, tai chưa nghe, lòng người chưa hề nghĩ đến, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1 Cr. 2:9). Vì đường lối Ngài cao hơn đường lối chúng ta vô cùng và tư tưởng Ngài cao hơn tư tưởng chúng ta vô cùng. -- Dr. Peter Kreeft cho bài đọc 1 của Chúa nhật thứ XXV Mùa Thường niên, năm A
… Câu trả lời hùng hồn không kém của tác giả Thánh Vịnh là một mệnh lệnh cho tâm hồn: hãy ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả mười lý do sau đây, tất cả đều là những chiều kích của cùng một điều - là tình yêu trọn vẹn và vô bờ bến của Chúa: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà. Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.”
Nói cách khác, Chúa đã ban cho chúng ta mọi thứ, mọi thứ Ngài có thể cho chúng ta, mọi thứ Ngài có. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tạ ơn Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có. Ân sủng hoàn toàn xứng đáng được biết ơn hoàn toàn.
Câu chuyện có thật: Cha W. Norris Clarke, một linh mục Dòng Tên dạy triết học tại Đại học Fordham, đang đến thăm tu viện Phật giáo ở Lhasa, Tây Tạng, và trò chuyện với vị trụ trì Phật giáo ở đó về sự khác biệt giữa hai tôn giáo của họ. Vị trụ trì Phật giáo lập luận rằng hai tôn giáo của họ thực sự giống nhau bởi vì chúng xuất phát từ cùng một trạng thái cơ bản của trái tim con người, cùng một thái độ cơ bản. Vị ấy nói với Cha Clarke: “Khi cha mở mắt ra mỗi sáng, phản ứng đầu tiên của cha là gì? Khi cha nhìn vũ trụ xung quanh mình, phản ứng đầu tiên của cha là gì? Khi cha nhìn vào tất cả những người cha yêu thương, phản ứng đầu tiên của cha là gì?” Cha Clarke nói: “Lòng biết ơn.”
Vị trụ trì nói với một nụ cười sâu sắc: “Cha thấy không? Điều đó chứng minh quan điểm của tôi. Đó cũng là phản ứng đầu tiên của chúng tôi, với tư cách là những Phật tử.” Cha Clarke hỏi, “Nhờ thầy nói cho tôi biết, ý của thầy là gì khi nói lòng biết ơn?” Vị trụ trì trả lời với nụ cười sâu sắc như cũ: “Hãy biết ơn mọi thứ. Vì sự sống, vì cái chết, vì lạc thú, vì đau đớn, vì vật chất, vì tinh thần, vì quá khứ, vì tương lai, vì những gì tồn tại, vì những gì không tồn tại, bất kể nó là gì—cho mọi thứ!” Cha Clarke nói, “Tôi rất khâm phục. Đó cũng là điều tôi muốn nói. Nhưng khi thầy có lòng biết ơn trọn vẹn này, thầy biết ơn ai nếu vì là Phật tử, thầy không tin vào bất kỳ Thượng đế nào?” Nụ cười của vị trụ trì biến mất. “Chúng tôi không biết,” ông thú nhận. Cha Clarke mỉm cười và nói cách nhẹ nhàng, “Chúng tôi biết Người để biết ơn.”
Đó là một cách cầu nguyện tuyệt vời: “đếm những phúc lành của bạn” theo đúng nghĩa đen của nó. Mỗi ngày hãy tìm ba điều mới để tạ ơn Chúa và suy nghĩ về từng điều đó trong vài phút: các sự kiện trong cuộc đời bạn, những con người trong cuộc đời bạn, nhiều loài động vật cụ thể khác nhau, sự bao la và cân bằng của vũ trụ, những thú vui nho nhỏ như kem, âm nhạc, màu xanh lam, rượu vang, không khí trong lành và những thứ to lớn như Tin Mừng và các bí tích.
Một ví dụ điển hình là mặt trời. Ngồi mười phút dưới ánh nắng ấm áp và cảm ơn Chúa vì điều đó. Đó là bí tích tự nhiên của hơi ấm tình yêu của Người. Đừng suy nghĩ quá nhiều về nó; chỉ cần cảm nhận nó và cảm ơn Chúa vì nó. Bạn giống như một chú mèo con, và Chúa đang vuốt ve bạn bằng những tia nắng của Ngài; chỉ khe khẻ kêu rừ... ừ... ừ... Chỉ cần suy nghĩ và cảm ơn; hai thứ đó với nhau. Hãy để tạ ơn là một kiểu suy nghĩ mới cho bạn. Vậy là đủ rồi. Hai từ “suy nghĩ” và “cảm ơn” gần như giống hệt nhau trong tiếng Anh: “thinking” và “thanking”, lẫn tiếng Đức: denken và danken.
Hãy để sự suy nghĩ và cảm tạ đó là toàn bộ lời cầu nguyện đó. Chỉ để nó là những lời tạ ơn đơn giản. Bạn có thể thêm nhiều thứ nữa sau này. Thức uống hỗn hợp cũng tốt, nhưng đồ uống “tinh khiết” cũng vậy, như rượu mạch nha. Chỉ tạ ơn là đủ. Đó là lời tốt lành để bắt đầu việc cầu nguyện và lời tốt lành để kết thúc thời gian cầu nguyện. Nếu bạn kết thúc bằng lời tạ ơn, thái độ đó sẽ vang vọng như tiếng vang suốt cả ngày của bạn.
Đức tin của bạn giống như một cái cây. Nếu bạn tưới nó mỗi ngày bằng nước của lòng biết ơn, nó sẽ lớn lên như một bông hoa hướng dương và sẽ nở hoa thành những hình thức biết ơn mà lúc này bạn theo lẽ tự nhiên cảm thấy khó khăn: biết ơn đối với những đau khổ và thất bại mà Thiên Chúa, với sự khôn ngoan và tình yêu vô biên của Ngài, đã cho phép nó đi vào cuộc sống bạn, vì một và chỉ một lý do: vì lợi ích lớn hơn và niềm vui lớn hơn cho cùng đích của bạn. Tin vào điều đó, tin rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28), để chúng ta có thể tạ ơn Người ngay cả về những điều chúng ta sợ hãi và những điều làm chúng ta đau khổ, chính là nhân đức đối thần của đức cậy, của sự hy vọng. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lòng biết ơn, cả đối với những điều nhỏ nhặt và dễ dàng lúc ban đầu, cũng như những điều lớn lao hơn và khó khăn hơn khi chúng ta ngày càng khôn ngoan hơn. --Dr. Petter Kreeft
Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.
Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành !
Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình !
Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?
Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.
------
Dr. John Bergsma về bài đọc 1 từ Huấn ca 27,30 - 28,7
Mặc dù trong thời hiện đại này, không phải tất cả các nhóm Kitô hữu đều đưa sách Huấn ca vào qui điển Thánh kinh, nghĩa là những sách được Giáo hội Công giáo xác định là bản văn này thuộc về Kinh Thánh. Sách Huấn ca rất được các Giáo phụ yêu thích và ca cung cấp cho chúng ta một ví dụ rất hay về điều mà các học giả gọi là sự giải thích nội-kinh, hiện tượng một bản văn Kinh thánh giải thích ý nghĩa của bản văn trước đó. Michael Fishbane, giáo sư Jewish Studies / Do Thái giáo học, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các học giả đến hiện tượng giải thích nội-kinhnày trong nghiên cứu kinh điển của ông, Biblical Interpretation in Ancient Israel (Oxford, 1985).
Bài đọc 1 hôm nay tự nó là một bài suy niệm về các đoạn Kinh thánh trước đó như đoạn từ Lê-vi 19:17–18:
Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.
Thông thường, chúng ta đối chiếu lời dạy của Chúa Giêsu Kitô với lời chỉ dẫn của Cựu Ước, đặc biệt là về một số vấn đề như hôn nhân và ly dị (xem Đệ nhị luật 24:1–4; Mt 19:3–9). Tuy nhiên, các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến tính liên tục trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu với những đoạn Kinh thánh trong Cựu Ước đầu tiên. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).
Tôi học hỏi về sách Huấn ca muộn trong đời mình, vì là một người theo đạo Tin lành, tôi đã không coi sách này là thuộc về Kinh thánh, và thậm chí chưa bao giờ đọc nó, cho đến khi tôi hơn ba mươi tuổi. Tôi nhớ sự ngạc nhiên khi khám phá ra—trong khi đọc Huấn Ca—rằng một số lời dạy của Chúa Giêsu thì không nguyên bản, chưa ai nói trước đó, như tôi nghĩ (so sánh Huấn ca 11:18–19 với Lu-ca 12:13–20).
Nhưng Chúa Giêus đồng ý và tiếp tục lời dạy của các hiền triết và tiên tri trước đó không có gì đáng ngạc nhiên: Ngài là Ngôi Lời nhập thể (Gioan 1:1). Ngài đã có từ muôn thuở vì Ngài là Thiên Chúa.
Tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến câu cuối cùng của bài đọc Sách Huấn Ca:
Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.
“Giao ước” mà Giê-su ben Sira đề cập ở đây có lẽ là giao ước Môsê hoặc giao ước tại Si-nai, trong luật của nó bao gồm những mệnh lệnh như Lê-vi 19:17–18 ở trên. Sự tha thứ và tình yêu thương đối với người lân cận không chỉ đơn thuần là những lời khuyên đạo đức hay một phần của luật tự nhiên mà đó là một phần nghĩa vụ của giao ước, một phần nghĩa vụ của một người đối với Thiên Chúa, Đấng đã bước vào mối quan hệ trung thành, như mối tương quan gia đình với chúng ta.
Thánh vịnh trong phần đáp ca cũng nhắc nhở chúng ta rằng thực hành việc tha thứ là bắt chước Thiên Chúa.
Trích từ chương 16: Lo lắng khi phải quyết định của Tìm kiếm & giữ lấy sự bình an của Cha Jacques Philippe
Khi chúng ta nỗ lực để biện phân và tìm kiếm ý Chúa, thì thông thường, Người nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và cho chúng ta hiểu cách rõ ràng chúng ta phải hành động thế nào. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định của mình trong bình an.
Nhưng, cũng có thể Thiên Chúa không trả lời và đó là chuyện bình thường. Đôi khi, Người hoàn toàn để chúng ta tự do và có lúc, vì lý do riêng, Người không tỏ mình. Thật là tốt để biết điều này vì thường khi người ta vì sợ phạm sai lầm, sợ không làm theo ý Chúa nên họ cố tìm cho được câu trả lời bằng mọi giá. Họ suy nghĩ và cầu nguyện nhiều hơn, họ mở Thánh Kinh những mười lần chỉ để tìm một đoạn lời Chúa hòng có được một sự soi sáng như mong muốn. Và tất cả những điều này chỉ gây thêm phiền muộn, lo lắng hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta không nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn nhờ những điều đó; có được một bản văn, nhưng chúng ta không biết cách nào để giải thích nó.
Vậy khi Thiên Chúa bỏ mặc chúng ta trong sự lưỡng lự này, hãy yên lòng chấp nhận. Thay vì muốn “cưỡng ép sự việc” và dằn vặt chính mình cách vô ích vì không có được một câu trả lời rõ ràng, chúng ta phải nghe theo nguyên tắc mà thánh nữ Faustina đưa ra:
Khi không biết điều gì là tốt nhất, người ta phải nghiền ngẫm, cân nhắc và bàn bạc với người khác, bởi người ta không được hành động khi lương tâm còn nghi ngại. Đang khi còn bán tín bán nghi, mỗi người phải tự nhủ: bất cứ điều gì tôi làm, nó sẽ là tốt, miễn là tôi có ý chỉ làm điều tốt. Điều chúng ta cho là tốt thì Thiên Chúa chấp nhận và Người coi là tốt. Đừng nản lòng nếu sau một thời gian nào đó, con nhận ra những điều này là không tốt. Thiên Chúa nhìn đến ý chỉ ban đầu của chúng ta và Người ban thưởng theo ý chỉ này. Đó là một nguyên tắc chúng ta phải theo (Divine Mercy in My Soul: The Diary of the Servant of God, Sister Faustina Kowalska, Marian Press, 1988, Số 799).
Chúng ta thường tự dằn vặt quá mức về những quyết định của mình. Cũng như có khiêm nhường giả, thương xót giả, thì cũng thế đối với những quyết định của mình, đôi khi có một điều mà người ta có thể gọi là “vâng lời giả” đối với Thiên Chúa. Chúng ta muốn lúc nào cũng phải chắc chắn làm theo ý Chúa trong mọi chọn lựa và không bao giờ mắc phải sai lầm. Thế nhưng, chính trong thái độ này, lại có một điều gì đó không đúng vì nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất, mong ước biết điều Thiên Chúa muốn đôi khi che giấu một khó khăn nào đó trong việc chịu đựng một hoàn cảnh bán tín bán nghi. Chúng ta muốn được giải thoát khỏi việc phải tự mình quyết định. Nhưng thông thường, ý của Thiên Chúa là chính chúng ta phải quyết định cho mình, ngay cả khi chúng ta không tuyệt đối chắc chắn quyết định này sẽ là điều tốt nhất. Thực ra, trong khả năng quyết định đang khi còn nghi ngại và trong khi làm điều mà chúng ta cảm thấy có vẻ như là tốt nhất mà không tiêu tốn hàng giờ để chần chờ, vẫn có một thái độ tin tưởng phó thác: “Lạy Chúa, con đã suy nghĩ về điều đó và đã cầu nguyện để biết thánh ý Người. Con không thấy gì là rõ ràng cả, nhưng con sẽ không băn khoăn nữa, con sẽ không bỏ ra hàng giờ để tra tấn não bộ của con nữa, con sẽ quyết định như thế, bởi con đã cân nhắc kỹ lưỡng và xem ra đó là điều tốt nhất con nên làm. Con xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Con biết rõ rằng dù con có sai lầm, Chúa cũng không buồn lòng vì con đã hành động với ý chỉ ngay lành và nếu con có sai lầm, con cũng biết rằng, Chúa vẫn có thể rút ra điều tốt từ sai lầm đó. Nó sẽ nên nguồn mạch khiêm nhường cho con và con sẽ học được một điều gì đó từ nó!”. Và chúng ta ở lại trong bình an.
Một điều khác nữa, chúng ta mong muốn mình không thể sai lầm, không bao giờ sai lầm; thế nhưng, rất nhiều kiêu hãnh đang ẩn tàng trong ước muốn này cùng với nỗi sợ bị người khác đoán xét. Trái lại, những ai bình tâm chấp nhận đôi lần mắc phải sai lầm và chấp nhận người khác biết những sai lầm đó lại thể hiện một sự khiêm nhường thật và một lòng mến thật đối với Thiên Chúa.
Mặt khác, đừng hiểu sai về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người tốt lành và nhân hậu, Người biết hết những khiếm khuyết cũng như những giới hạn trong cách phán đoán của con cái Người. Người chỉ yêu cầu chúng ta phải có thiện chí và có ý ngay lành, chứ không bao giờ đòi buộc chúng ta không được mắc phải sai lầm với những quyết định phải thật hoàn hảo! Thêm vào đó, giả như mọi quyết định của chúng ta đều hoàn hảo, thì điều này sẽ gây hại hơn là sinh ích! Vì khi đó chúng ta sẽ nhanh chóng coi mình là siêu nhân.
Để kết luận, chúng ta có thể nói, Thiên Chúa yêu thích những ai biết cách tự mình quyết định mà không do dự cả khi họ không chắc chắn nhưng biết tin tưởng phó thác chính mình cho Người, cũng như cho những kết quả hơn là những người không ngừng dằn vặt tâm hồn mình vì muốn biết bằng được đâu là điều Thiên Chúa trông chờ nơi họ và là người không bao giờ quyết định. Bởi chưng, thái độ thứ nhất cho thấy họ là những con người phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn, vì thế họ cũng yêu mến nhiều hơn so với những người có thái độ thứ hai. Thiên Chúa yêu thích những ai biết tự do định đoạt và không “chẻ sợi tóc làm tư” với những tiểu tiết. Thật vậy, sự hoàn hảo chẳng liên quan gì nhiều đến sự thánh thiện.
Cũng thật quan trọng để biết rõ cách phân biệt những trường hợp khẩn thiết vốn cần nhiều thời gian để biện phân và quyết định khi phải quyết định, chẳng hạn khi quyết định đó ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta; và những trường hợp ngược lại, ở đó, sẽ thật ngớ ngẩn và nghịch thánh ý Chúa khi chúng ta mất nhiều thời gian và quá nhiều cân nhắc trước khi quyết định dù không có nhiều khác biệt giữa lựa chọn này với lựa chọn kia. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, “Với những thỏi vàng, cẩn thận cân đo là chuyện bình thường; với những đồng xu nhỏ, chỉ cần ước lượng thật nhanh là đủ”. Ma quỷ, kẻ luôn tìm cách quấy nhiễu chúng ta, khiến chúng ta băn khoăn cả trong những quyết định nhỏ nhặt nhất, liệu quyết định đó có thực sự là ý Chúa hay không. Thế là nó khiến lương tâm chúng ta cảm thấy bứt rứt, do dự và hối hận về những điều không đáng bận tâm.
Chúng ta phải ước ao vâng lời Thiên Chúa, vâng lời liên lỉ và sâu sắc. Nhưng ước muốn này thực sự phù hợp với Chúa Thánh Thần nếu được bình an, tự do nội tâm, tin tưởng và phó thác đi cùng; bằng không nó sẽ là căn nguyên của phiền muộn vốn làm tê liệt lương tâm và ngăn cản người ta tự do quyết định.
Đúng là có những lúc Thiên Chúa để cho ước muốn vâng lời này trở thành nguyên nhân gây nên những dằn vặt thật sự. Cũng có trường hợp với những người mà tâm tính quá thận trọng, thì đây là một thử thách rất đau đớn mà Thiên Chúa không bao giờ giải thoát hoàn toàn cho họ ở đời này.
Nhưng điều này vẫn đúng là chúng ta thường khi vẫn phải nỗ lực tiến tới trên con đường của mình theo cách đó với tự do và bình an nội tâm. Và cũng phải biết rằng, như chúng ta vừa nói, ma quỷ ra sức quấy phá chúng ta, nó ma mãnh dùng chính ước muốn thực thi ý Chúa của chúng ta để quấy rầy chúng ta. Đừng để nó “lợi dụng”. Khi một người ở xa Chúa, ma quỷ sẽ cám dỗ người ấy làm điều dữ: nó lôi kéo người ấy đến với những điều xấu xa. Nhưng khi một người đến gần Thiên Chúa và yêu mến Người, chẳng ước muốn gì ngoài việc làm vui lòng Người, vâng lời Người, thì ma quỷ trong khi vẫn tiếp tục cám dỗ họ bằng điều dữ (điều này dễ nhận thấy) vẫn cám dỗ họ nhiều hơn bằng điều lành, nghĩa là nó lợi dụng ước muốn làm điều lành của chúng ta để quấy rối chúng ta. Nó làm điều này bằng cách khiến chúng ta trở nên rất mực thận trọng hoặc bằng cách giới thiệu cho chúng ta một điều lành nào đó mà chúng ta phải thực hiện dù điều đó quá sức hay không phải là điều Thiên Chúa muốn; tất cả chỉ để làm chúng ta nản lòng hoặc mất bình an. Ma quỷ muốn thuyết phục chúng ta rằng, những gì chúng ta làm còn chưa đủ, hoặc chưa làm thực sự vì yêu mến Thiên Chúa hoặc là Chúa chưa hài lòng về chúng ta… Chẳng hạn, nó làm chúng ta tin Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta một hy sinh nào đó mà chúng ta không thể thực hiện và điều này khiến chúng ta vô cùng lo lắng. Nó tạo nên mọi loại hình đắn đo và rối bời trong lương tâm mà lẽ ra chúng ta nên lờ đi một cách đơn sơ và thuần khiết đang khi gieo mình vào lòng Thiên Chúa như những trẻ thơ. Khi chúng ta mất bình an vì những nguyên do tương tự như trên, hãy tự nhủ mình, hẳn là có bàn tay của ma quỷ nhúng vào. Hãy cố gắng lấy lại bình tĩnh; và khi không thể tự mình làm được điều này thì nên chia sẻ với một vị linh hướng. Cách chung, nguyên chỉ việc nói chuyện với người khác thôi cũng đủ để xua tan bối rối và tìm lại bình an.
Nói đến tinh thần tự do này, một tinh thần cổ vũ chúng ta trong hành động cũng như trong quyết định, chúng ta hãy kết luận bằng cách lắng nghe lời của thánh Phanxicô Salêsiô:
Hãy mở lòng và luôn luôn đặt vào tay Chúa Quan Phòng mọi sự, lớn cũng như nhỏ; đồng thời, hãy giành lấy cho tâm hồn con ngày càng nhiều tinh thần dịu dàng và trầm lắng (Thư gởi bà Fléchère, ngày 13 tháng 5 năm 1609).
Lời ta vẫn thường nói với con là, con đừng quá tỉ mỉ trong việc thực hành các nhân đức; tốt hơn, con nên theo đuổi các nhân đức đó một cách nhanh nhẹn, cởi mở, hồn nhiên, trước đây làm sao con cứ làm vậy, với sự tự do, thành thật và đại thể. Ấy là vì ta sợ rằng, thái độ của con sẽ trở nên miễn cưỡng và u sầu. Mong ước của ta là con có một tâm hồn rộng mở trên con đường đến vớiThiên Chúa (Thư gửi bà Chantal, ngày 01 tháng 11 năm 1604).
Nhờ luôn tâm sự với Ngài. Bạn sẽ không bao giờ trở nên thân tình gần gũi với Thiên Chúa bằng việc chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hay ngay cả có thời giờ tĩnh nguyện mỗi ngày. Tình bạn với Thiên Chúa được xây dựng qua việc bạn chia sẻ tất cả buồn vui cuộc sống cho Ngài.
Nhận biết và yêu mến Thiên Chúa là đặc ân cao cả nhất của chúng ta; và được nhận biết và được yêu mến là niềm vui lớn nhất của Ngài.
Dĩ nhiên, tạo một thói quen có thời giờ kết hiệp với Chúa mỗi ngày thật quan trọng, 6 nhưng Ngài muốn nhiều hơn một cuộc hẹn trong thời dụng biểu của bạn. Ngài muốn đi vào mỗi một hành vi, mỗi một cuộc đối thoại, mỗi một vấn đề và ngay cả mỗi một ý nghĩ của bạn. Bạn có thể thực hành một cuộc nói chuyện cởi mở liên lỉ với Ngài suốt cả ngày sống, nói với Ngài về bất cứ điều gì bạn đang làm hay đang nghĩ vào chính lúc đó. “Cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 17) nghĩa là chuyện trò với Thiên Chúa khi đi mua sắm, khi lái xe, khi làm việc hay khi thi hành bất kỳ một bổn phận thường nhật nào khác.
Một quan niệm sai lầm thường xảy ra khi cho rằng, “dành thời giờ cho Chúa” nghĩa là ở một mình với Ngài. Dĩ nhiên, như Đức Giêsu làm gương, bạn cần có thời giờ riêng tư với Chúa, nhưng đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong toàn bộ ngày sống của bạn, những giờ bạn thức. Mỗi một việc bạn làm đều có thể là “thời giờ dành cho Chúa” nếu bạn mời Ngài dự phần vào đó và bạn vẫn luôn ý thức sự hiện diện của Ngài.
Một cuốn sách kinh điển nói đến việc làm sao để có thể kết hiệp liên lỉ với Chúa Practicing the Presence of God (Tập Sống Trước Thánh Nhan) được viết vào thế kỷ mười bảy bởi Đan sĩ Lawrence, một đầu bếp khiêm tốn trong một tu viện ở nước Pháp. Thầy Lawrence có thể biến cả những việc tầm thường vặt vãnh nhất như dọn bàn, rửa chén thành những hành vi ngợi khen và thông hiệp với Chúa. Thầy nói, bí quyết để sống thân tình với Chúa là đừng thay đổi công việc bạn làm, nhưng là thay đổi tâm tình và thái độ của bạn trước công việc đó. Những gì bạn thường làm cho mình, nay hãy bắt đầu làm cho Chúa, hoặc ăn uống, hoặc tắm rửa, làm việc, nghỉ ngơi hay cả việc đổ rác.
Ngày nay chúng ta thường cảm thấy mình phải “chạy trốn” cuộc sống thường nhật để sống với Chúa, nhưng đó là do chúng ta chưa quen học biết kết hiệp với Chúa liên lỉ. Với thầy Lawrence, thật là dễ dàng để thờ phượng Chúa qua những bổn phận thường ngày; thầy không cần phải đi đâu để tĩnh tâm hay bồi dưỡng tâm linh.
Đây là lý tưởng Chúa muốn. Tại Vườn Địa Đàng, thờ phượng không là tham dự một nghi lễ nhưng là một thái độ thường xuyên; Ađam và Eva hiệp thông liên lỉ với Chúa. Bởi Thiên Chúa luôn ở với bạn nên không có chỗ nào gần gũi Ngài hơn là chỗ bạn đang đứng, ngay lúc này. “Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 6b).
Một ý tưởng hữu ích khác của thầy Lawrence là việc dùng những lời nguyện đối đáp ngắn gọn liên tục suốt cả ngày có khi còn tốt hơn những buổi kinh lâu giờ và phức tạp. Để duy trì sự tập trung và khỏi lo ra chia trí, thầy nói, “Tôi không khuyên bạn đọc thật nhiều kinh khi cầu nguyện, vì thường, càng dài càng dễ lo ra”7 . Trong thời đại thiếu tập trung này, lời khuyên 450 năm tuổi này xem ra thật khôn ngoan khi làm cho việc kết hiệp với Chúa trở nên đơn giản.
Mỗi một việc bạn làm đều có thể là “thời giờ dành cho Chúa” nếu bạn mời Ngài dự phần vào đó và bạn vẫn luôn ý thức sự hiện diện của Ngài.
Trích từ Sống Theo Đúng Mục Đích của Rick Warren
7 Brother Lawrence, The Practice of The Presence of God (Grand Rapids: Revell/Spire Books, 1967) Eighth Letter.
Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en (33:7-9)
Đức Chúa phán như sau: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó ; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”
-----
“Sự thật, trọn vẹn sự thật, và không có gì ngoài sự thật.” Đó là những gì người ta hứa trước tòa án thế tục (Mỹ) khi tuyên thệ làm nhân chứng. Chúa không đòi hỏi ít hơn.
Chúa đòi hỏi nhiều hơn nơi các vị tiên tri và những thầy dạy của Ngài, những người có ơn gọi để nói sự thật, ơn gọi chính yếu của họ, đặc biệt là về sự thật của đức tin và luân lý, đến với cho những người không nghe hoặc không tuân theo lời dạy đó. Giacôbê 3:1 là câu nói đáng sợ nhất trong Kinh thánh dành cho các thầy dạy: “Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn”.
Tất nhiên, chúng ta cần thận trọng khi đánh giá sự thật nào, ở mức độ nào, nên được dạy trong hoàn cảnh nào và dạy cho ai. Chúng ta không dạy người khác bằng cách đến gặp người lạ và dùng Kinh Thánh đập vào đầu họ như thể phủi bụi một tấm thảm bẩn. Nhưng có những lúc chúng ta thấy cánh cửa mở, hoặc những cánh cửa hé mở, và chúng ta trốn tránh trách nhiệm khi không tận dụng những cơ hội đó để đưa ánh sáng qua những khe hở đó, dù phải trả giá, dù bất tiện và đôi khi đem lại xấu hổ cho chính mình. Cũng có những lúc chúng ta tìm thấy những cánh cửa đóng kín, khi ngay cả những lời chân thật cũng chỉ làm cánh cửa cứng ra thêm thôi. Trong những trường hợp đó, chúng ta không dùng lời nói, nhưng chúng ta sử dụng ba sức mạnh lớn hơn lời nói: tình yêu, lời cầu nguyện và đức tin, đức tin tràn đầy hy vọng và kiên nhẫn.
Khi Cain sát hại Aben và Chúa hỏi ông: “Aben, em con ở đâu?” Ca-in đáp: “Con là người giữ em con hay sao?” (Sáng thế 4:9). Câu trả lời của Chúa là: “Đúng vậy. Tất cả các con đều là anh em và tất cả các bạn đều phải chịu trách nhiệm về mọi việc làm và mọi lời nói của mình đến với người khác. Ta đã dựng nên các con phụ thuộc lẫn nhau đến mức các con chạm vào cuộc sống, tâm hồn và số phận của nhau. Hết thảy đều thuộc về một gia đình.”
Cain không phải là người đầu tiên phủ nhận sự thật này bằng cách đưa ra lời bào chữa. Cain đã học được điều đó từ cha mẹ mình. Khi Chúa hỏi Ađam, lúc miếng táo vẫn còn trên môi, “Ngươi ở đâu?” A-đam đáp: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Và Evà: “Con rắn đã lừa dối con” (Sáng Thế 3:9–13). Khi chúng ta bắt đầu đưa ra những lời bào chữa, thì đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu làm việc chúng ta bào chữa để khỏi làm, hoặc ngừng làm việc mà chúng ta đang tìm viện cớ làm.
Đúng vậy, chúng ta là người canh giữ anh em của mình. “Không ai là một hòn đảo.” Mỗi hành động và lời nói bác ái với bất kỳ ai đều tạo ra sự khác biệt tích cực cho mọi người, bất kể nhỏ chừng nào hay gián tiếp bao nhiêu. Và mọi từ chối giúp đỡ, từ chối làm việc bác ái đó, bằng lời nói hay hành động, đều gây tổn hại cho mọi người. Mỗi viên sỏi đều góp phần tạo nên một trận tuyết lở.
Trong Do Thái giáo của Cựu Ước, chỉ một số người là nhà tiên tri và chỉ một số người là ráp-bi – nghĩa là thầy dạy. Trong Giáo hội, mặc dù có trung tâm Huấn quyền, bao gồm các giám mục hiệp thông với giáo hoàng, nhưng cũng đúng là mọi Kitô hữu đã được rửa tội đều tham gia vào ơn gọi giảng dạy của vị tiên tri / ngôn sứ / prophet (vì từ prophet có nghĩa đen là “người tiên báo” hay “người phát ngôn cho Chúa”) và là nhà truyền giáo (bạn có nhớ những lời được gán cho Thánh Phanxicô: “Hãy rao giảng Tin Mừng; dùng lời nói khi cần thiết”).
Trong quá khứ, có lẽ chúng ta có xu hướng quá độc đoán, quá đơn giản, quá vô cảm trước những tình huống và cảm xúc, quá bắt nạt. Ngày nay chắc chắn chúng ta có xu hướng mắc phải sai lầm ngược lại: hèn nhát và sợ bị từ chối. Đôi khi chúng ta bỏ bê ngay cả những hình thức làm chứng nhỏ nhất, chẳng hạn như làm dấu thánh giá trước khi ăn ở nhà hàng.
Chúng ta cần nhớ lại những lời của Chúa Giêsu lặp lại lời của ngôn sứ Ezekiel trong bài đọc hôm nay: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10:32–33). -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (15:18-20)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
“Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
“Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
----------
Ba điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay đều liên quan đến Giáo hội.
Điều đầu tiên là về thẩm quyền của Giáo hội trong việc hòa giải các tranh chấp. Đây là tòa thẩm phán cuối cùng sau khi hòa giải giữa cá nhân và nhóm đều thất bại.
Bước một: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”
Bước thứ hai là công chúng thế tục, bắt đầu từ số nhỏ nhất: “Nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Đó là công thức của Cựu Ước về sự công bằng và lẽ thật trong những vụ án đơn giản nhất.
Bước ba là tòa án tôn giáo. “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đó là vạ tuyệt thông. Đó là biện pháp cuối cùng, sau khi mọi thứ khác đã được thử.
Chúa Giêsu ban cho chúng ta ba cơ hội để sám hối và hòa giải, không chỉ một cơ hội và theo một thứ tự nhất định. Lưu ý rằng khi Chúa Giêsu sử dụng từ “ngay cả” (“nếu nó từ chối lắng nghe ngay cả Hội Thánh”), Chúa đang ám chỉ rằng Giáo hội có thẩm quyền cao nhất. Và việc rút phép thông công khỏi Giáo hội là một hình phạt nặng nề hơn cả việc bị loại ra khỏi tình bạn riêng tư (phương sách đầu tiên) hoặc một cộng đồng thế tục (phương sách thứ hai).
Điều thứ hai Chúa Giêsu nói là về quyền “trói buộc và tháo cởi” của các Tông đồ và những người kế vị các vị, các giám mục và linh mục của Giáo hội, để phán xét điều thiện và điều ác, điều phải và điều sai, và làm trung gian cho sự tha thứ của Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải. Ở đây cũng vậy, Giáo hội có một thẩm quyền phi thường, không giống bất kỳ quyền hành nào khác trên trái đất. Chỉ có Giáo hội mới nói rằng những phán xét của Giáo hội sẽ giống như những phán xét trên trời – “dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy” – bởi vì Giáo hội có thẩm quyền của chính Đức Kitô.
Điều thứ ba là về sức mạnh của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện thực sự “có tác dụng”, mặc dù nó hoạt động không giống như một cỗ máy, cách tự động, mà là một cách cá nhân, thông qua mối quan hệ cá nhân về đức tin, hy vọng và tình yêu giữa chúng ta và Thiên Chúa.
“Cầu nguyện thay đổi mọi thứ.” Lời cầu nguyện tạo ra sự khác biệt thực sự, không chỉ mang lại niềm an ủi chủ quan cho chúng ta mà còn cho người khác và thế giới mà chúng ta cầu nguyện. Và cũng như hai câu nói đầu tiên về thẩm quyền của Giáo hội, lý do là chính Chúa Kitô và thẩm quyền của Ngài hiện diện. Hãy chú ý từ “Vì [ở đâu có hai ba người…]”: Chúa Giêsu nói rằng khi hai hoặc ba người cùng nhau cầu nguyện (biểu hiện nhỏ nhất của Giáo hội), Cha trên trời của chúng ta sẽ đáp lại lời cầu nguyện đó vì Chúa Giêsu ở đó “ở giữa họ” cầu nguyện với họ, và Chúa Cha luôn đáp ứng những lời cầu nguyện của Con Ngài.
Câu nói đó thì rõ ràng. Chúa Giêsu ngụ ý chính xác những gì Ngài nói. Hãy nghe lời Ngài nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7–8). Ngài hứa sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện của chúng ta, làm thỏa mãn mọi ước muốn trong lòng chúng ta.
Ngài không hứa sẽ trả lời như thế nào và khi nào, bởi vì cách thức và thời điểm của Ngài tốt hơn và khôn ngoan hơn chúng ta rất nhiều. Đôi khi Ngài phải trả lời những mong muốn nông cạn của chúng ta bằng câu trả lời không, để đáp lại những mong muốn sâu sắc hơn của chúng ta bằng câu trả lời có. Và đôi khi Ngài phải dành thời gian để trao ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, bởi vì cuộc sống thì giống như một trang trại, cần có thời gian để trồng trọt hơn là một cỗ máy mà sẽ cho bạn kết quả ngay lập tức chỉ bằng một nút bấm.
Nhưng Ngài hứa sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện của mọi trái tim trung thành. Và Chúa Giêsu chắc chắn sẽ giữ lời hứa của mình. Phần của chúng ta là tin tưởng và chờ đợi trong đức tin. Chúng ta nói: “Thấy thì sẽ tin thôi”, nhưng Chúa Giêsu thì nói: “Tin là nhìn thấy”. Chúng ta nói rằng chúng ta sẽ không tin điều đó trong tâm hồn chúng ta trừ khi mắt chúng ta nhìn thấy nó. Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta tin điều đó trong tâm hồn mình thì cuối cùng chúng ta sẽ nhìn thấy nó bằng con mắt mình, bởi vì mọi ước muốn tốt đẹp cuối cùng sẽ được thực hiện, nếu không ở thế giới này rồi thì trong thế giới mai này. Đó là điều Ngài hứa: “Ai xin thì nhận được; và ai tìm thì sẽ thấy; ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”
Không có gì khác lạ khi nói như vậy; đó chỉ là nói ra những gì Chúa Giêsu nói và mời bạn tin vào lời Ngài. Nếu bạn không thể tin lời Ngài và tin tưởng Ngài, thì bạn còn có thể tin ai được?
Chúa Giêsu nói rằng để sống trong vương quốc của Người, chúng ta cần phải trở nên giống như trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có gì mà chúng ta thiếu? Niềm tin, lòng trông cây và tính đơn giản, mộc mạc. Vấn đề của chúng ta không phải là chúng ta quá đơn giản: vấn đề của chúng ta là chúng ta không đủ đơn giản. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
Hello. Tôi là Cha Gregory Pine. Tôi là một tu sĩ Đa Minh thuộc tỉnh dòng Thánh Giuse, cho kênh Pints with Aquinas.
Trong video này, tôi muốn nói về sự tha thứ. Tha thứ là một trong những món quà lớn nhất, quá sức tưởng tượng mà chúng ta được trao ban. Nó tha thứ tội lỗi của chúng ta, hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, bắt đầu trong chúng ta sự sống của thiên đàng.
Nhưng đó cũng là một món quà mà chúng ta có thể trao ban theo mức độ mà chúng ta được làm trở thành công cụ của ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Điều chúng ta khám phá ra là khi tha thứ, chúng ta tăng triển trong đời sống tâm linh vì nó giúp chúng ta chữa lành và phát triển ra khỏi những giới hạn hiện tại của mình. Nó giúp chúng ta trở thành những vị thánh như Chúa mong muốn.
Sự không tha thứ hoặc oán giận hoặc sự tức giận và buồn bã đi kèm theo nó, có thể là một trở ngại, một cản trở lớn cho sự tăng tiến trong đời sống tâm linh. Cho nên thật đáng đối phó với khó khăn này một cách can đảm và quyết liệt vì đây là điều tất cả chúng ta cần làm.
Tôi chỉ muốn đề cập đến ba điểm chính. Đầu tiên là hiện tượng không tha thứ. Tại sao chúng ta bị cám dỗ để không tha thứ đến như vậy, và sau đó là những ghi khắc trong tâm hồn khi sự không tha thứ ở lại trong đó. Thứ ba, chỉ là một mô tả đơn giản về cách tha thứ và rồi các bước thực tế bạn có thể thực hiện để phê chuẩn lựa chọn đó.
Trước hết, hiện tượng không tha thứ: đôi khi bạn mô tả một thực tại, thật khó để tìm lý lẽ cho việc tại sao bạn cảm nghiệm nó như vậy, hoặc tại sao bạn nghĩ về nó, hoặc tại sao bạn trải nghiệm nó theo cách bạn đã có.
Đôi khi trong trò chuyện giữa Kitô hữu với nhau, người ta sẽ kiểu, “Thôi tha đi mà”; hoặc “bạn chỉ cần tha cho người ấy thôi”. Còn bạn thì, “Tôi cảm thấy việc này cực kỳ khó khăn”. Tại sao lại như vậy?
Phần tôi, tôi nghĩ không có gì đáng ngạc nhiên để nói tha thứ là điều khó khăn. Vì đó là một phản ứng đối với tội lỗi. Ai đó đã phạm tội, xúc phạm đến chúng ta. Ta có cảm giác về tội nơi việc đó, có lỗi lầm gì nơi đó, có một sự gì xúc phạm với việc đó và nó như thể tấn công chúng ta, xâm nhập vào cốt lõi con người chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương, khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối và bị tổn thương.
Nó là thứ làm chúng ta bất an, làm mất ổn định bản dạng và sứ mệnh của chúng ta trong đời sống với Chúa. Đặc biệt nếu chúng ta cảm nhận điều đó một cách sâu sắc, hoặc nếu chúng ta đặc biệt nhạy cảm về điều đó.
Khi sự việc xảy ra như vậy, chúng ta cảm thấy bị tổn thương, khi chúng ta bị làm yếu đi, chúng ta có xu hướng khép kín, từ chối người khác ra khỏi sự hiệp thông giữa con người với nhau và không để cho mình tiếp xúc với kiểu đối xử đó một lần nữa. Bạn nghĩ đây là điều gây nên tổn thương nặng.
Chịu ảnh hưởng của một tội phạm có thể là một chấn thương. Nếu bạn đã tin tưởng ai đó và họ đã phản bội lòng tin đó. Hoặc nếu bạn đã xin cầu ai đó đón nhận bạn và họ lại từ chối bạn, hoặc bạn mở rộng lòng mình cho tổn thương, và người đó nắm bắt cơ hội và lợi dụng nó khiến bạn bị tổn thương. Đó là một điều hung bạo. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta không nên coi đó là chuyện vặt vãnh hay giải thích nó là vì bạn không tha thứ bởi vì nó đem lại cảm giác giải thích đó không tương ứng với trải nghiệm bạn phải chịu. Cảm giác đó thì khó khăn.
Bạn sẽ có cảm giác buồn bã và tức giận; điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Bạn cảm thấy oán giận, thậm chí là thù hận. Một lần nữa, không có gì đáng ngạc nhiên và bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ trước phản ứng của chính mình.
Hoặc bạn sẽ có những ý nghĩ để minh oan, hay bất cứ điều gì khác. Một lần nữa không có gì đáng ngạc nhiên. Tha thứ thì cực kỳ khó khăn, cực kỳ gay gắt nên chúng ta cần đối xử với nó với sự tôn trọng. Chúng ta đang bước đi trên đất thánh thiêng theo nghĩa đây là nơi chúng ta sẽ bị tan vỡ, cay đắng nhưng cũng là nơi chúng ta chờ đợi để được cứu rỗi với một hiệu quả đặc biệt, nên nó thật đáng giá.
Vậy thì có những điều khác nhau ghi khắc trong ta khi ta cảm nghiệm sự không tha thứ; có một thứ ghi nhớ thuộc thể lý. Chúng ta thường không nghĩ về nó nhưng chúng ta giữ đau thương lại trong thân thể chúng ta. Kiểu như bạn biết theo bản năng nếu ai đó sắp lao tới và tát bạn thì bạn sẽ tránh né. Vì bạn nghĩ nó sẽ đến. Ngay cả khi bạn tin tưởng cá nhân đó, phản ứng đó là bản năng.
Có lần tôi bị lạc khi bộ đường dài trong rừng, có rất nhiều tuyết. Tôi không có giày đi tuyết và tôi đã phải cắm chân sâu vào tuyết. Tôi đã phải nhập viện vì tôi bị tê cóng. Khi tôi đang ngủ quên trên giường bệnh, tôi cứ giật mình tỉnh giấc, vì tôi có những ký ức này trong giấc mơ về việc cắm chân sâu vào tuyết. Khi chúng ta chịu ảnh hưởng của tội, chúng ta có thể có một ký ức tương tự về chấn thương, về nỗi đau, thậm chí có thể có một phản ứng thể lý và sẽ cần thời gian để điều đó có thể phai mờ đi.
Tiếp đến là chiều kích cảm xúc. Bạn biết cảm xúc là phần chúng ta chia sẻ với động vật. Rõ ràng là nó có một mức độ mới hoặc một khía cạnh mới trong con người có lý trí của chúng ta, mời gọi chúng ta lên một mức độ cao hơn nhưng chúng vẫn còn rất là mãnh liệt. Và chúng có thể cực kỳ om sòm, nghĩa là chúng có thể nói rất nhiều. Đó là lý do chúng ta nói máu tôi sôi lên, hoặc trái tim tôi lạnh ngắt. Chúng ta dùng nhiều thứ để diễn tả những phản ứng thể lý cho những thứ trải nghiệm này.
Cảm xúc không phải là thứ chúng ta có toàn quyền kiểm soát. Chúng ta có thể uốn nắn chúng, hướng nó đi theo đời sống đức hạnh, nhưng đôi khi chúng vẫn sẽ khẳng định sự hiện diện của chúng cách ngang ngược.
Mặt kế tiếp là những ghi nhớ trong tâm lý. Chúng ta biết rằng có những con đường thần kinh được củng cố trong tâm trí chúng ta. Về việc tha thứ, điều đó có thể là có lợi hoặc gây bất lợi cho việc tha thứ. Chẳng hạn như chúng ta có thể khám phá là có một cái lợi tâm lý khi không tha thứ. Ta có thể phát hiện ra là trạng thế nạn nhân của mình thực sự là một con bài giúp ta mặc cả trước những công chúng. Chúng ta có thể bày tỏ ta đã bị tổn thương thế nào, những vết đau ta có và sử dụng nó như một thứ quyền lực. Chúng ta có thể gắn nối với nó cách nào đó, rồi chúng ta suy nghĩ theo cách này, lý lẽ theo cách này và nó trở nên ngày càng khó khăn hơn để gỡ mình ra khỏi tình huống đó.
Nhưng khi đề cập đến những điều này bạn có thể nghĩ, “Chao ơi, tôi có bao nhiêu sức điều khiển đâu.” Không là cả lố. Bạn có chút điều khiển và bạn có thể làm việc với những chuyên gia thành thạo trong những tiêu đề này để giúp bạn giải quyết qua một số vấn đề đó.
Bây giờ tôi sẽ nói đến ghi nhớ cao sâu kế tiếp, ghi nhớ cao sâu trên hết tất cả. Đây là chiều kích tâm linh cho hết thảy những sự này, chiều kích ảnh hưởng đến những chọn lựa.
Về chiều kích này, bạn có khả năng vì Thiên Chúa dựng nên bạn với sự tự do để lựa chọn. Vì Ngài đã đặt tương lai trong bàn tay bạn, vì Ngài trao phó nó cho bạn, vì Ngài muốn biết bạn sẽ làm gì với nó, vì Ngài biết bạn có khả năng để làm gì với nó.
Và một trong số những điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm là tha thứ. Vì thế, chúng ta sẽ tập trung vào chiều kích tâm linh, không theo nghĩa là tôi có sự kiểm soát nó, hoặc tôi có thể vận dùng nó. Nhưng đây là nơi Chúa đã ban cho tôi phẩm giá của một con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa: để tha thứ cho người khác như là một cách để truyền thông ơn tha thứ của Chúa, một cách để chúng ta trở nên giống Chúa.
Về mặt này, chúng ta có mức độ điều khiển nào đó nhờ ân sủng Chúa. Và với sự lựa chọn đó, những chiều kích thấp hơn như tâm lý, cảm xúc và thể lý sẽ đi theo, theo như ý Chúa, theo như lòng thương xót của Chúa.
Vậy trong phần cuối này, chúng ta hãy mô tả chút nào đó về sự tha thứ. Tha thứ là gì?
Nó không phải là một thể thao tâm trí như thế là một phép thuật để tha thứ nào đó bạn chưa biết đến. Vì bạn không thể hiểu tha thứ là gì.
Thật ra, tha thứ là lựa chọn để yêu, nơi mà trước đây là thù ghét, ác cảm hoặc trốn tránh hoặc đau đớn hoặc tổn thương và yếu đuối hoặc điều gì khác.
Tha thứ là lựa chọn của tình yêu, đó là sự lựa chọn để tái tạo lại một loại hiệp thông. Điều đó không có nghĩa là bạn cần phải khôi phục lại mối quan hệ như cũ. Giả sử bạn có một mối quan hệ lãng mạn với một người đã làm tổn thương bạn rất nặng nề, về mặt tình dục, bạn không cần phải sống chung với người đó nữa, bạn không cần phải bắt đầu hẹn hò lại, hoặc trở lại với nhau. Bạn có thể giữ khoảng cách và điều đó hoàn toàn phù hợp với sự khôn ngoan của một người biết thích ứng với môi trường. Nhưng bạn phải tha thứ cho người đó.
Điều đó có nghĩa là bạn phải tìm cách tái lập một loại hiệp thông nào đó, ngay cả khi sự hiệp thông đó có khoảng cách so với trước đây, nhưng vẫn là một sự hiệp thông chân thực. Bởi vì chúng ta cần và có thể có sự hiệp thông với tất cả những ai ở trong Chúa, hoặc những ai có khả năng để đặt niềm tin vào Chúa. Nghĩa là: ít nhất bạn cần mong muốn điều tốt lành cho cá nhân đó, tức là họ yêu thương và phụng sự Chúa ở đời này và vui hưởng sự sống đời sau với Ngài. Bạn muốn chọn điều đó cho họ. Ngay cả khi bạn không bao giờ gặp lại người đó nữa, bạn cần mong muốn ít nhất kiểu hiệp thông đó, một hiệp thông thực sự, một hiệp thông sâu sắc, không phải là thứ hiệp thông vô nghĩa.
Tha thứ là sự lựa chọn cho tình yêu khi trước đây là sự thù hận hay điều gì khác. Đó là một sự lựa chọn; có nghĩa là đó là một hành động tự do, bạn đã cân nhắc về nó; bạn quyết tâm làm điều đó, rồi bạn thi hành nó. Nhưng sau đó bạn phải giữ vững điều bạn chọn.
Tôi nghĩ đây là phần mà nhiều người không để ý tới. Vì họ nghĩ sự lựa chọn là sự kiện chỉ diễn ra một lần, như thể có một công tắc trong tâm trí bạn giữa việc không tha thứ và tha thứ, bạn bật tắt công tắc đó mỗi lần bạn thay đổi tình thế. Nhưng nó không như bạn nghĩ. Công tắc chúng ta đang nói đây, xét cho cùng, hướng về không tha thứ. Có sự gì nặng nề trong đó, một trọng lực, một thứ chuyển động theo quán tính, nó sẽ luôn đi theo hướng chấn thương tâm lý, chấn thương tình cảm và thể chất, cũng như ký ức về chúng.
Vì vậy nếu chúng ta chọn sự tha thứ, chúng ta cần chọn nó hôm nay, ngày mai, ngày mốt và tuần sau, tháng tới và năm sau. Lòng thương xót Chúa được làm mới lại mỗi buổi sáng, được đổi mới như sương sa mỗi sáng. Vì vậy sự lựa chọn tha thứ của chúng ta phải được đổi mới, và được xác nhận mỗi buổi sáng.
Bạn có thể kết hợp nó với việc dâng mình mỗi buổi sáng và đơn giản nói với Chúa: Lạy Chúa Giêsu Kitô, con dâng lên Chúa ngày hôm nay, tất cả những vui buồn, tất cả những thành công và thất bại. Con dâng lên Chúa ngày của con để nó là lời ca tụng lên tới Chúa. Con chọn Chúa, con chọn tha thứ, con chọn tìm kiếm khuôn mặt của Chúa trong trong các bí tích, trong đời sống đức tin và tất cả những điều mà Chúa đã sắp đặt trên con đường cuộc sống của con. Tôi làm nó trở nên dài dòng nhưng bạn hiểu rồi.
Bạn phải chọn sự tha thứ. Vì nếu không chúng ta sẽ trôi theo quán tính, lùi trở về với tình trạng trước mà không thể tránh khỏi bởi vì đó là điều mà tội nguyên tổ sẽ làm. Nó có cách hủy hoại đời sống của chúng ta, hủy hoại ơn hoán cải của chúng ta.
Chúng ta cần tiếp tục khẳng định nhờ ân sủng của Chúa rằng chúng ta đang đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Khi đón nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta đang chọn cách duy trì nó, bây giờ, tại đây, bằng cách trao nó đến những người đã xúc phạm chúng ta.
Đây là một chiến đấu tâm linh, luôn phải thực tập, đòi hỏi một nỗ lực to lớn. Nhưng đó là một nỗ lực mà Chúa sẽ hoàn thành nơi bạn và qua bạn bằng quyền năng, ân sủng của Ngài. Do đó, có sự lựa chọn tâm linh mà chúng ta có thể tập trung vào, chúng ta có thể kiểm soát được phần nào.
Bây giờ bạn sẽ làm gì với những chiều kích tâm lý, cảm xúc và thể chất? Một lần nữa: không là bao nhiêu. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia, bạn có thể nhận được lời khuyên hữu ích, tư vấn tốt lành và những thứ khác để giúp giải quyết vấn đề đó. Nhưng nó không nhất thiết sẽ đột ngột trở nên dễ dàng, hoặc như thể nhờ phép thuật. Những chữa lành của các chiều kích đó có thể lần lượt xảy đến và trong thời gian đó chúng có thể là khập khiễng đi theo; chúng cần thời gian.
Nếu bạn cảm thấy sự không chịu thả lỏng mặt tâm lý, hoặc sự xáo trộn về cảm xúc, hoặc thậm chí là tổn thương về thể xác trồi lên lại, đó không có nghĩa là bạn CHƯA tha thứ. Nhưng là dấu hiệu cho thấy ký ức về điều đó vẫn còn tồn tại trong cơ thể, trong cảm xúc và trong tâm trí bạn.
Vì bạn đã chọn sự chữa lành và tăng trưởng, chọn sự hoán cải liên tục, bạn đã chọn Chúa vì cá nhân này và cho chính bạn, và sự hiệp thông vì đức tin bạn nói là nó có thể, bạn hy vọng điều đó là có thể, bạn yêu thích khả năng là nó có thể xảy ra. Nên khi những điều đó nổi lên, đừng bối rối, đừng nghĩ, “Ồ, tất cả là vô hiệu”; “Ồ, tôi không thể vượt qua việc này”.
Bạn có thể tha thứ. Và điều đó có thể là mỗi sáng thức dậy, bạn cầu xin Chúa cho nhiều tháng trời. Nhưng nó thật đáng giá vì bạn có thể bất ngờ phát hiện ra mình đã có một bước đột phá. Rằng Chúa ban một ân sủng mở đường để chữa lành một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của bạn, vốn trước đây đang hỗn loạn, tan rã.
Sự tiến bộ bạn có được sẽ không là một sự tiến bộ rõ ràng và có thể đo lường được, như thể bạn có thể vẽ đồ thị hoặc lập biểu đồ cho nó, nhìn thấy nó tăng gấp năm, gấp bảy. Nó thường là theo kiểu sinh học. Chỉ có Chúa mới nhìn thấy sự tiến triển nhưng chúng tôi vẫn tin rằng điều đó là có thể, vì nó là điều có thể. Nhờ đó chúng ta có thể hy vọng, chúng ta có thể yêu thương nhờ nó và trong nó.
Đây là những lời cầu nguyện cụ thể chúng ta có thể xin Chúa. Xin ơn biết tha thứ, và cũng hãy xin Chúa thanh tẩy trí nhớ, trí nhớ của thể xác, trí nhớ của cảm xúc, trí nhớ tâm lý của bạn. Hãy cầu Chúa ơn thực sự tha thứ và không giữ lại những ký ức trong quá khứ, hầu có thể dùng chúng trong tương lai và dùng chúng như loại vũ khí tâm linh để chống lại người khác. Đó không phải là chủ tiêu. Chủ tiêu là thật lòng tha thứ, xây dựng lại mối quan hệ theo cách công bằng, phù hợp, dựa trên những hoàn cảnh tổn thương trong quá khứ, nhưng vẫn là thật theo một hình thức nào đó, ngay cả chỉ những điểm mà tôi đã mô tả trước đó.
Tôi sẽ nói nếu những ký ức đó tiếp tục tái diễn, hãy cầu nguyện, chỉ phó thác chúng cho Chúa, và đừng cố gắng làm quá nhiều với chúng. Vì chúng ta không có khả năng. Chúng ta cậy dựa vào Chúa, Đấng sẽ làm với chúng những gì Ngài muốn. Tôi nghĩ nếu bạn có những người tốt bạn có thể trò chuyện: bạn bè gia đình, chuyên gia, thậm chí có thể là chính người đó, người đã xúc phạm bạn, nếu bạn nghĩ điều đó là có thể ở giai đoạn này. Bày tỏ sự việc với người khác thì đáng giá vì nó hữu ích cho ta. Nếu bạn không thể tiếp cận người đã làm tổn thương bạn, thì việc này có thể không là cho hôm nay, mà có thể là trong tương lai.
Hãy cầu xin ân sủng, đôi mắt để thấy, tấm lòng để đón nhận cơ hội đó, và nắm bắt nó khi Chúa muốn bạn làm.
Điều tiếp theo tôi sẽ nói là bóp chết ý trả thù ngay khi nó xuất hiện. Đôi khi bạn sẽ thấy mình nảy ra ý tưởng trả thù, minh oan, hoặc về những gì bạn sẽ nói lần tới, hoặc làm thế nào người đó sẽ bị chứng minh là sai cho mọi người biết, và rồi mọi người sẽ đứng về phía bạn, và làm thế nào để không ai bạn biết, đứng về phía người đó. Điều đó thì không lành mạnh. Bạn phải dập tắt ý tưởng đó ngay khi nó xuất hiện.
Khi bạn thấy mình đang nghiêng theo hướng đó, theo đuổi suy nghĩ đó, hãy kỷ luật tư tưởng đó.
Tôi muốn đưa ra một điều khác trong trường hợp đó: Hãy bao phủ chính mình bằng Máu thánh Chúa. Vì sự không tha thứ là nơi trú ngụ của ma quỷ. Ảnh hưởng của ma quỷ trên sự không tha thứ và oán giận là rất đáng kể. Vì vậy chúng ta cần sự chữa lành cho những tội lỗi và tật xấu, đặc biệt là tội không tha thứ, chỉ việc không tha thứ có thể là tội rồi. Chúng ta cần được chữa lành khỏi tội lỗi và thói xấu, và trong quá trình chữa lành, chúng ta sẽ trục xuất được ảnh hưởng của ma quỷ.
Chúng ta cần ý thức là chúng ta không chiến đấu với phàm nhân nhưng là với những quyền lực thần thiêng, và cầu xin Máu Thánh Chúa Giêsu bao phủ ta: Lạy Chúa Giêsu Kitô, con bao phủ mình trong Máu Thánh Chúa. Con trói và gửi đến chân Thánh giá thần khí không tha thứ để Chúa ứng xử với nó theo ý Chúa. Lạy Chúa Giêsu Kitô, con bao phủ mình trong Máu Thánh Chúa. Con trói và gửi đến chân Thánh giá thần khí không tha thứ để Chúa ứng xử với nó theo ý Chúa.
Vài điều khác tôi muốn nói là đôi khi chúng ta sẽ phải chờ đợi Chúa. Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ thời gian của Chúa, vì thời gian của Chúa thì tuyệt hảo; chúng ta phải tin Chúa đang lớn lên trong ta, Chúa đang làm chúng ta trưởng thành. Cách nào đó, Chúa đang thanh luyện và chữa lành để ta đạt đến bậc thánh thiện hơn, tình yêu cao hơn, mức độ hoàn hảo cao hơn.
Vì Chúa muốn sự thân mật với chúng ta, một sự thân mật cao siêu và hoàn hảo. Chúa sử dụng sự không tha thứ này, sử dụng tội lỗi mà đã xảy đến với chúng ta, như một phương tiện. Chúa không muốn tội, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra vì Ngài có thể biến đổi nó thành điều tốt lành, để làm cho cuộc đời bạn, câu chuyện của bạn, thành một điều gì đó kịch tính hơn và có kết cấu hơn. Chúng ta không muốn hời hợt về giải thích đó nhưng cũng phải nhận ra đó là điều có thể.
Tôi cũng muốn nói chúng ta có thể cầu nguyện để có được những nhân đức thích hợp, nhân đức yêu thương, bác ái, lòng thương xót, khoan dung, nhân đức hiền lành. Nhân đức khoan dung làm ôn hòa ước muốn đánh phạt, hiền lành tiết độ đức hạnh. Đó là tất cả những điều mà chúng ta có thể cầu nguyện và đọc hiểu thêm về chúng. Chúa Giêsu nói Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, vì vậy nếu chúng ta muốn đi theo Ngài và trở nên đồng dạng với Ngài, đó sẽ là theo con đường. Và điều chúng ta tìm thấy là Chúa sẽ ban cho những đột phá, ban cho những tiến bộ vào thời điểm thuận lợi và nhờ sự quan phòng tốt lành của Ngài.
Chúng ta có thể tin tưởng vào điều đó vì đó là sự thật, điều đó thật có xảy ra.
Đó những gì tôi muốn nói về tha thứ. Đây là Kênh Pints With Aquinas.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (16:21-27)
Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”
------
Lời Satan cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa được lặp lại trong Vườn Ghết-sê-ma-nê vào cuối cuộc đời công khai của Chúa, ngay trước khi Ngài bị bắt, bị xét xử và bị đóng đinh, như một hành động cuối cùng và mạnh mẽ nhất [của Satan], cố gắng ngăn cản điều Chúa Giêsu sẽ thực hiện, hành động vĩ đại nhất chưa bao giờ được làm để cứu độ thế giới. Nếu vậy, sự cám dỗ trong vườn Ghết-sê-ma-nê mãnh liệt đến mức, theo lời kể của thánh sử Lu-ca (Lu-ca 22:39–44), là một “thống khổ”; nó khiến Chúa Giêsu xin Cha Ngài lấy đi chén đau khổ đó nếu được; nó đòi hỏi một thiên thần đến giúp đỡ Ngài. Cơn cám dỗ đầy thống khổ này khiến Ngài đổ mồ hôi máu. Chúa Giêsu không phải là kẻ hèn nhát; vậy sự cám dỗ cuối cùng đó đã là gì?
Có lẽ Thiên Chúa cho phép Satan nhìn thấy tất cả mọi người trong suốt các thế kỷ, mỗi người trong số họ được Chúa Giêsu yêu thương với một tình yêu lớn hơn cả tình yêu cha mẹ dành cho con cái mình, môt tình yêu khổng lồ không thể tưởng tượng nổi, những người sẽ từ chối Ngài và cuối cùng sẽ rơi vào địa ngục đời đời, bất chấp những gì Ngài sẽ làm cho họ trên cây thánh giá. Có thể đó là lần thứ ba, lặp lại của cơn cám dỗ trong hoang địa, khi Sa-tan nói rằng hắn sẽ trao cho Chúa Giêsu “Tất cả các nước thế gian này và vinh hoa lợi lộc” nếu Chúa Giêsu chỉ cúi đầu và thờ phượng hắn trong giây lát (Mt 4:8). Điều gì có thể đã lôi cuốn Chúa Giêsu làm điều đó? Vì thậm chí chúng ta cũng sẽ không làm điều đó! Vậy thì chắc chắn là không vì tất cả sự giàu có hay quyền lực chính trị trên thế giới. Nhưng có lẽ tất cả các linh hồn trên thế giới.
Có lẽ đó là lời đề nghị của Satan về cách làm trống địa ngục, thả lỏng những yêu sách của Ngài trên hết thảy các linh hồn con người đang ở dưới quyền lực của Satan, những người đang đau khổ trong vô vọng và là những người được Chúa Giêsu yêu thương vô cùng. Nó cám dỗ Chúa Giêsu hãy chọn trở thành một vị cứu tinh mang đầy thành tích bằng cách làm theo cách của ma quỷ, thay vì làm một vị cứu tinh chỉ thành công một phần nào đó nhưng theo cách của Thiên Chúa. Điều đó chắc hẳn đã cám dỗ Chúa Giêsu một cách khủng khiếp khi Satan đề xuất điều đó trong hoang địa, và chắc hẳn Chúa Giêsu đã nhớ lại điều đó khi Ngài nghe lời cám dỗ tương tự từ môi miệng Phêrô ba năm sau. Thật là kinh khủng: vị giáo hoàng đầu tiên, người mà Chúa Giêsu gọi là “tảng đá” của Giáo hội, đã vô tình thực hiện công việc của ma quỷ!
Điều tiếp theo Chúa Giêsu nói là câu trả lời cho cơn cám dỗ này. Cơ hội này đã thúc đẩy Chúa Giêsu nói với các môn đệ họ hết thảy phải chết cho chính mình, vác thập giá mình mà theo Ngài, tuyệt đối không được đặt điều gì trên thánh ý Chúa, ngay cả một cám dỗ có sức quyến rũ nhất. Ngài nói với họ rằng cách duy nhất để cứu mạng sống mình là mất nó, từ bỏ nó, dâng hiến, phó thác bản thân cho Chúa một cách tuyệt đối, và hoàn toàn vâng theo ý Chúa, bất kể hoàn cảnh nào; phó thác mọi sự cho Chúa. Người Hồi giáo ít nhất hiểu đúng một cách sâu sắc điểm thiết yếu đó: từ islam có nghĩa là “phó thác”.
Khi Chúa Giêsu nói rằng cách duy nhất để cứu mạng sống bạn là đánh mất nó, Ngài muốn nói “sự sống” cả linh hồn lẫn thể xác, vì cùng một từ trong tiếng Do Thái có nghĩa là cả “sự sống” và “linh hồn” (vì linh hồn là nguồn mạch của sự sống cho cơ thể). Cứu mạng sống ở đây trước hết có nghĩa là cứu lấy linh hồn bạn, cứu lấy sự sống của linh hồn bạn; vì cuối cùng không ai có thể cứu được sự sống của thể xác mình, vì tất cả chúng ta chắc chắn sẽ chết, điều này cũng liên quan đến sự sống lại của thể xác nữa.
Và sau đó, Chúa Giêsu đã làm một điều đáng ngạc nhiên khác: Ngài đưa ra một lập luận không thể trả lời được và hoàn toàn hợp lý cho một triết lý hoàn toàn phi lý này mà sẽ dẫn Ngài đến thập tự giá, bằng cách đưa ra câu nói mà tôi cho là một cầu nói thực tế nhất có thể được phát biểu: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26).
Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi bạn dù bạn đang ở bất cứ nơi nào, hay nghĩ bạn đang ở nơi nào; Ngài luôn gây sốc, thách thức bạn và khiến bạn đi tới điểm nghĩ rằng điều có là không thể, một điều gì đó vượt quá mong đợi của bạn một cách không thể tưởng tượng được, và vượt quá vùng an toàn của bạn một cách đáng sợ. Không có gì ngạc nhiên khi thế giới không tin muốn hạ thấp Chúa xuống cùng tầm cỡ với họ. Nhưng Ngài rất nguy hiểm. Ngài là bom nổ. Kinh thánh đáng lẽ phải có nhãn cảnh báo [những ai muốn đọc nó]. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)