Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

Chúa Nhật thứ XXIII Mùa Thường niên, năm A: Giáo hội có thẩm quyền

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (15:18-20)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

“Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

“Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

----------

Ba điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay đều liên quan đến Giáo hội.

Điều đầu tiên là về thẩm quyền của Giáo hội trong việc hòa giải các tranh chấp. Đây là tòa thẩm phán cuối cùng sau khi hòa giải giữa cá nhân và nhóm đều thất bại.

Bước một: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”

Bước thứ hai là công chúng thế tục, bắt đầu từ số nhỏ nhất: “Nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Đó là công thức của Cựu Ước về sự công bằng và lẽ thật trong những vụ án đơn giản nhất.

 Bước ba là tòa án tôn giáo. “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đó là vạ tuyệt thông. Đó là biện pháp cuối cùng, sau khi mọi thứ khác đã được thử.

Chúa Giêsu ban cho chúng ta ba cơ hội để sám hối và hòa giải, không chỉ một cơ hội và theo một thứ tự nhất định. Lưu ý rằng khi Chúa Giêsu sử dụng từ “ngay cả” (“nếu nó từ chối lắng nghe ngay cả Hội Thánh”), Chúa đang ám chỉ rằng Giáo hội có thẩm quyền cao nhất. Và việc rút phép thông công khỏi Giáo hội là một hình phạt nặng nề hơn cả việc bị loại ra khỏi tình bạn riêng tư (phương sách đầu tiên) hoặc một cộng đồng thế tục (phương sách thứ hai).

Điều thứ hai Chúa Giêsu nói là về quyền “trói buộc và tháo cởi” của các Tông đồ và những người kế vị các vị, các giám mục và linh mục của Giáo hội, để phán xét điều thiện và điều ác, điều phải và điều sai, và làm trung gian cho sự tha thứ của Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải. Ở đây cũng vậy, Giáo hội có một thẩm quyền phi thường, không giống bất kỳ quyền hành nào khác trên trái đất. Chỉ có Giáo hội mới nói rằng những phán xét của Giáo hội sẽ giống như những phán xét trên trời – “dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy” – bởi vì Giáo hội có thẩm quyền của chính Đức Kitô.

Điều thứ ba là về sức mạnh của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện thực sự “có tác dụng”, mặc dù nó hoạt động không giống như một cỗ máy, cách tự động, mà là một cách cá nhân, thông qua mối quan hệ cá nhân về đức tin, hy vọng và tình yêu giữa chúng ta và Thiên Chúa.

“Cầu nguyện thay đổi mọi thứ.” Lời cầu nguyện tạo ra sự khác biệt thực sự, không chỉ mang lại niềm an ủi chủ quan cho chúng ta mà còn cho người khác và thế giới mà chúng ta cầu nguyện. Và cũng như hai câu nói đầu tiên về thẩm quyền của Giáo hội, lý do là chính Chúa Kitô và thẩm quyền của Ngài hiện diện. Hãy chú ý từ “Vì [ở đâu có hai ba người…]”: Chúa Giêsu nói rằng khi hai hoặc ba người cùng nhau cầu nguyện (biểu hiện nhỏ nhất của Giáo hội), Cha trên trời của chúng ta sẽ đáp lại lời cầu nguyện đó vì Chúa Giêsu ở đó “ở giữa họ” cầu nguyện với họ, và Chúa Cha luôn đáp ứng những lời cầu nguyện của Con Ngài.

Câu nói đó thì rõ ràng. Chúa Giêsu ngụ ý chính xác những gì Ngài nói. Hãy nghe lời Ngài nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7–8). Ngài hứa sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện của chúng ta, làm thỏa mãn mọi ước muốn trong lòng chúng ta.

Ngài không hứa sẽ trả lời như thế nào và khi nào, bởi vì cách thức và thời điểm của Ngài tốt hơn và khôn ngoan hơn chúng ta rất nhiều. Đôi khi Ngài phải trả lời những mong muốn nông cạn của chúng ta bằng câu trả lời không, để đáp lại những mong muốn sâu sắc hơn của chúng ta bằng câu trả lời có. Và đôi khi Ngài phải dành thời gian để trao ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, bởi vì cuộc sống thì giống như một trang trại, cần có thời gian để trồng trọt hơn là một cỗ máy mà sẽ cho bạn kết quả ngay lập tức chỉ bằng một nút bấm.

Nhưng Ngài hứa sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện của mọi trái tim trung thành. Và Chúa Giêsu chắc chắn sẽ giữ lời hứa của mình. Phần của chúng ta là tin tưởng và chờ đợi trong đức tin. Chúng ta nói: “Thấy thì sẽ tin thôi”, nhưng Chúa Giêsu thì nói: “Tin là nhìn thấy”. Chúng ta nói rằng chúng ta sẽ không tin điều đó trong tâm hồn chúng ta trừ khi mắt chúng ta nhìn thấy nó. Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta tin điều đó trong tâm hồn mình thì cuối cùng chúng ta sẽ nhìn thấy nó bằng con mắt mình, bởi vì mọi ước muốn tốt đẹp cuối cùng sẽ được thực hiện, nếu không ở thế giới này rồi thì trong thế giới mai này. Đó là điều Ngài hứa: “Ai xin thì nhận được; và ai tìm thì sẽ thấy; ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”

Không có gì khác lạ khi nói như vậy; đó chỉ là nói ra những gì Chúa Giêsu nói và mời bạn tin vào lời Ngài. Nếu bạn không thể tin lời Ngài và tin tưởng Ngài, thì bạn còn có thể tin ai được?

Chúa Giêsu nói rằng để sống trong vương quốc của Người, chúng ta cần phải trở nên giống như trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có gì mà chúng ta thiếu? Niềm tin, lòng trông cây và tính đơn giản, mộc mạc. Vấn đề của chúng ta không phải là chúng ta quá đơn giản: vấn đề của chúng ta là chúng ta không đủ đơn giản. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive