Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Lo lắng khi phải quyết định để tìm thánh ý Chúa

Video Chúa muốn tôi làm gì của Cha Mike Schmitz

Trích từ chương 16: Lo lắng khi phải quyết định của Tìm kiếm & giữ lấy sự bình an của Cha Jacques Philippe

Khi chúng ta nỗ lực để biện phân và tìm kiếm ý Chúa, thì thông thường, Người nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và cho chúng ta hiểu cách rõ ràng chúng ta phải hành động thế nào. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định của mình trong bình an.

Nhưng, cũng có thể Thiên Chúa không trả lời và đó là chuyện bình thường. Đôi khi, Người hoàn toàn để chúng ta tự do và có lúc, vì lý do riêng, Người không tỏ mình. Thật là tốt để biết điều này vì thường khi người ta vì sợ phạm sai lầm, sợ không làm theo ý Chúa nên họ cố tìm cho được câu trả lời bằng mọi giá. Họ suy nghĩ và cầu nguyện nhiều hơn, họ mở Thánh Kinh những mười lần chỉ để tìm một đoạn lời Chúa hòng có được một sự soi sáng như mong muốn. Và tất cả những điều này chỉ gây thêm phiền muộn, lo lắng hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta không nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn nhờ những điều đó; có được một bản văn, nhưng chúng ta không biết cách nào để giải thích nó.

Vậy khi Thiên Chúa bỏ mặc chúng ta trong sự lưỡng lự này, hãy yên lòng chấp nhận. Thay vì muốn “cưỡng ép sự việc” và dằn vặt chính mình cách vô ích vì không có được một câu trả lời rõ ràng, chúng ta phải nghe theo nguyên tắc mà thánh nữ Faustina đưa ra:

Khi không biết điều gì là tốt nhất, người ta phải nghiền ngẫm, cân nhắc và bàn bạc với người khác, bởi người ta không được hành động khi lương tâm còn nghi ngại. Đang khi còn bán tín bán nghi, mỗi người phải tự nhủ: bất cứ điều gì tôi làm, nó sẽ là tốt, miễn là tôi có ý chỉ làm điều tốt. Điều chúng ta cho là tốt thì Thiên Chúa chấp nhận và Người coi là tốt. Đừng nản lòng nếu sau một thời gian nào đó, con nhận ra những điều này là không tốt. Thiên Chúa nhìn đến ý chỉ ban đầu của chúng ta và Người ban thưởng theo ý chỉ này. Đó là một nguyên tắc chúng ta phải theo (Divine Mercy in My Soul: The Diary of the Servant of God, Sister Faustina Kowalska, Marian Press, 1988, Số 799). 

Chúng ta thường tự dằn vặt quá mức về những quyết định của mình. Cũng như có khiêm nhường giả, thương xót giả, thì cũng thế đối với những quyết định của mình, đôi khi có một điều mà người ta có thể gọi là “vâng lời giả” đối với Thiên Chúa. Chúng ta muốn lúc nào cũng phải chắc chắn làm theo ý Chúa trong mọi chọn lựa và không bao giờ mắc phải sai lầm. Thế nhưng, chính trong thái độ này, lại có một điều gì đó không đúng vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất, mong ước biết điều Thiên Chúa muốn đôi khi che giấu một khó khăn nào đó trong việc chịu đựng một hoàn cảnh bán tín bán nghi. Chúng ta muốn được giải thoát khỏi việc phải tự mình quyết định. Nhưng thông thường, ý của Thiên Chúa là chính chúng ta phải quyết định cho mình, ngay cả khi chúng ta không tuyệt đối chắc chắn quyết định này sẽ là điều tốt nhất. Thực ra, trong khả năng quyết định đang khi còn nghi ngại và trong khi làm điều mà chúng ta cảm thấy có vẻ như là tốt nhất mà không tiêu tốn hàng giờ để chần chờ, vẫn có một thái độ tin tưởng phó thác: “Lạy Chúa, con đã suy nghĩ về điều đó và đã cầu nguyện để biết thánh ý Người. Con không thấy gì là rõ ràng cả, nhưng con sẽ không băn khoăn nữa, con sẽ không bỏ ra hàng giờ để tra tấn não bộ của con nữa, con sẽ quyết định như thế, bởi con đã cân nhắc kỹ lưỡng và xem ra đó là điều tốt nhất con nên làm. Con xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Con biết rõ rằng dù con có sai lầm, Chúa cũng không buồn lòng vì con đã hành động với ý chỉ ngay lành và nếu con có sai lầm, con cũng biết rằng, Chúa vẫn có thể rút ra điều tốt từ sai lầm đó. Nó sẽ nên nguồn mạch khiêm nhường cho con và con sẽ học được một điều gì đó từ nó!”. Và chúng ta ở lại trong bình an.

Một điều khác nữa, chúng ta mong muốn mình không thể sai lầm, không bao giờ sai lầm; thế nhưng, rất nhiều kiêu hãnh đang ẩn tàng trong ước muốn này cùng với nỗi sợ bị người khác đoán xét. Trái lại, những ai bình tâm chấp nhận đôi lần mắc phải sai lầm và chấp nhận người khác biết những sai lầm đó lại thể hiện một sự khiêm nhường thật và một lòng mến thật đối với Thiên Chúa.

Mặt khác, đừng hiểu sai về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người tốt lành và nhân hậu, Người biết hết những khiếm khuyết cũng như những giới hạn trong cách phán đoán của con cái Người. Người chỉ yêu cầu chúng ta phải có thiện chí và có ý ngay lành, chứ không bao giờ đòi buộc chúng ta không được mắc phải sai lầm với những quyết định phải thật hoàn hảo! Thêm vào đó, giả như mọi quyết định của chúng ta đều hoàn hảo, thì điều này sẽ gây hại hơn là sinh ích! Vì khi đó chúng ta sẽ nhanh chóng coi mình là siêu nhân.

Để kết luận, chúng ta có thể nói, Thiên Chúa yêu thích những ai biết cách tự mình quyết định mà không do dự cả khi họ không chắc chắn nhưng biết tin tưởng phó thác chính mình cho Người, cũng như cho những kết quả hơn là những người không ngừng dằn vặt tâm hồn mình vì muốn biết bằng được đâu là điều Thiên Chúa trông chờ nơi họ và là người không bao giờ quyết định. Bởi chưng, thái độ thứ nhất cho thấy họ là những con người phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn, vì thế họ cũng yêu mến nhiều hơn so với những người có thái độ thứ hai. Thiên Chúa yêu thích những ai biết tự do định đoạt và không “chẻ sợi tóc làm tư” với những tiểu tiết. Thật vậy, sự hoàn hảo chẳng liên quan gì nhiều đến sự thánh thiện.

Cũng thật quan trọng để biết rõ cách phân biệt những trường hợp khẩn thiết vốn cần nhiều thời gian để biện phân và quyết định khi phải quyết định, chẳng hạn khi quyết định đó ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta; và những trường hợp ngược lại, ở đó, sẽ thật ngớ ngẩn và nghịch thánh ý Chúa khi chúng ta mất nhiều thời gian và quá nhiều cân nhắc trước khi quyết định dù không có nhiều khác biệt giữa lựa chọn này với lựa chọn kia. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, “Với những thỏi vàng, cẩn thận cân đo là chuyện bình thường; với những đồng xu nhỏ, chỉ cần ước lượng thật nhanh là đủ”. Ma quỷ, kẻ luôn tìm cách quấy nhiễu chúng ta, khiến chúng ta băn khoăn cả trong những quyết định nhỏ nhặt nhất, liệu quyết định đó có thực sự là ý Chúa hay không. Thế là nó khiến lương tâm chúng ta cảm thấy bứt rứt, do dự và hối hận về những điều không đáng bận tâm.

Chúng ta phải ước ao vâng lời Thiên Chúa, vâng lời liên lỉ và sâu sắc. Nhưng ước muốn này thực sự phù hợp với Chúa Thánh Thần nếu được bình an, tự do nội tâm, tin tưởng và phó thác đi cùng; bằng không nó sẽ là căn nguyên của phiền muộn vốn làm tê liệt lương tâm và ngăn cản người ta tự do quyết định.

Đúng là có những lúc Thiên Chúa để cho ước muốn vâng lời này trở thành nguyên nhân gây nên những dằn vặt thật sự. Cũng có trường hợp với những người mà tâm tính quá thận trọng, thì đây là một thử thách rất đau đớn mà Thiên Chúa không bao giờ giải thoát hoàn toàn cho họ ở đời này.

Nhưng điều này vẫn đúng là chúng ta thường khi vẫn phải nỗ lực tiến tới trên con đường của mình theo cách đó với tự do và bình an nội tâm. Và cũng phải biết rằng, như chúng ta vừa nói, ma quỷ ra sức quấy phá chúng ta, nó ma mãnh dùng chính ước muốn thực thi ý Chúa của chúng ta để quấy rầy chúng ta. Đừng để nó “lợi dụng”. Khi một người ở xa Chúa, ma quỷ sẽ cám dỗ người ấy làm điều dữ: nó lôi kéo người ấy đến với những điều xấu xa. Nhưng khi một người đến gần Thiên Chúa và yêu mến Người, chẳng ước muốn gì ngoài việc làm vui lòng Người, vâng lời Người, thì ma quỷ trong khi vẫn tiếp tục cám dỗ họ bằng điều dữ (điều này dễ nhận thấy) vẫn cám dỗ họ nhiều hơn bằng điều lành, nghĩa là nó lợi dụng ước muốn làm điều lành của chúng ta để quấy rối chúng ta. Nó làm điều này bằng cách khiến chúng ta trở nên rất mực thận trọng hoặc bằng cách giới thiệu cho chúng ta một điều lành nào đó mà chúng ta phải thực hiện dù điều đó quá sức hay không phải là điều Thiên Chúa muốn; tất cả chỉ để làm chúng ta nản lòng hoặc mất bình an. Ma quỷ muốn thuyết phục chúng ta rằng, những gì chúng ta làm còn chưa đủ, hoặc chưa làm thực sự vì yêu mến Thiên Chúa hoặc là Chúa chưa hài lòng về chúng ta… Chẳng hạn, nó làm chúng ta tin Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta một hy sinh nào đó mà chúng ta không thể thực hiện và điều này khiến chúng ta vô cùng lo lắng. Nó tạo nên mọi loại hình đắn đo và rối bời trong lương tâm mà lẽ ra chúng ta nên lờ đi một cách đơn sơ và thuần khiết đang khi gieo mình vào lòng Thiên Chúa như những trẻ thơ. Khi chúng ta mất bình an vì những nguyên do tương tự như trên, hãy tự nhủ mình, hẳn là có bàn tay của ma quỷ nhúng vào. Hãy cố gắng lấy lại bình tĩnh; và khi không thể tự mình làm được điều này thì nên chia sẻ với một vị linh hướng. Cách chung, nguyên chỉ việc nói chuyện với người khác thôi cũng đủ để xua tan bối rối và tìm lại bình an.

Nói đến tinh thần tự do này, một tinh thần cổ vũ chúng ta trong hành động cũng như trong quyết định, chúng ta hãy kết luận bằng cách lắng nghe lời của thánh Phanxicô Salêsiô:

Hãy mở lòng và luôn luôn đặt vào tay Chúa Quan Phòng mọi sự, lớn cũng như nhỏ; đồng thời, hãy giành lấy cho tâm hồn con ngày càng nhiều tinh thần dịu dàng và trầm lắng (Thư gởi bà Fléchère, ngày 13 tháng 5 năm 1609).

Lời ta vẫn thường nói với con là, con đừng quá tỉ mỉ trong việc thực hành các nhân đức; tốt hơn, con nên theo đuổi các nhân đức đó một cách nhanh nhẹn, cởi mở, hồn nhiên, trước đây làm sao con cứ làm vậy, với sự tự do, thành thật và đại thể. Ấy là vì ta sợ rằng, thái độ của con sẽ trở nên miễn cưỡng và u sầu. Mong ước của ta là con có một tâm hồn rộng mở trên con đường đến vớiThiên Chúa (Thư gửi bà Chantal, ngày 01 tháng 11 năm 1604).

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive