Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Chúa Nhật thứ XXII, Mùa Thường niên, năm A: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (16:21-27)

Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

------

Lời Satan cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa được lặp lại trong Vườn Ghết-sê-ma-nê vào cuối cuộc đời công khai của Chúa, ngay trước khi Ngài bị bắt, bị xét xử và bị đóng đinh, như một hành động cuối cùng và mạnh mẽ nhất [của Satan], cố gắng ngăn cản điều Chúa Giêsu sẽ thực hiện, hành động vĩ đại nhất chưa bao giờ được làm để cứu độ thế giới. Nếu vậy, sự cám dỗ trong vườn Ghết-sê-ma-nê mãnh liệt đến mức, theo lời kể của thánh sử Lu-ca (Lu-ca 22:39–44), là một “thống khổ”; nó khiến Chúa Giêsu xin Cha Ngài lấy đi chén đau khổ đó nếu được; nó đòi hỏi một thiên thần đến giúp đỡ Ngài. Cơn cám dỗ đầy thống khổ này khiến Ngài đổ mồ hôi máu. Chúa Giêsu không phải là kẻ hèn nhát; vậy sự cám dỗ cuối cùng đó đã là gì?

Có lẽ Thiên Chúa cho phép Satan nhìn thấy tất cả mọi người trong suốt các thế kỷ, mỗi người trong số họ được Chúa Giêsu yêu thương với một tình yêu lớn hơn cả tình yêu cha mẹ dành cho con cái mình, môt tình yêu khổng lồ không thể tưởng tượng nổi, những người sẽ từ chối Ngài và cuối cùng sẽ rơi vào địa ngục đời đời, bất chấp những gì Ngài sẽ làm cho họ trên cây thánh giá. Có thể đó là lần thứ ba, lặp lại của cơn cám dỗ trong hoang địa, khi Sa-tan nói rằng hắn sẽ trao cho Chúa Giêsu “Tất cả các nước thế gian này và vinh hoa lợi lộc” nếu Chúa Giêsu chỉ cúi đầu và thờ phượng hắn trong giây lát (Mt 4:8). Điều gì có thể đã lôi cuốn Chúa Giêsu làm điều đó? Vì thậm chí chúng ta cũng sẽ không làm điều đó! Vậy thì chắc chắn là không vì tất cả sự giàu có hay quyền lực chính trị trên thế giới. Nhưng có lẽ tất cả các linh hồn trên thế giới.

Có lẽ đó là lời đề nghị của Satan về cách làm trống địa ngục, thả lỏng những yêu sách của Ngài trên hết thảy các linh hồn con người đang ở dưới quyền lực của Satan, những người đang đau khổ trong vô vọng và là những người được Chúa Giêsu yêu thương vô cùng. Nó cám dỗ Chúa Giêsu hãy chọn trở thành một vị cứu tinh mang đầy thành tích bằng cách làm theo cách của ma quỷ, thay vì làm một vị cứu tinh chỉ thành công một phần nào đó nhưng theo cách của Thiên Chúa. Điều đó chắc hẳn đã cám dỗ Chúa Giêsu một cách khủng khiếp khi Satan đề xuất điều đó trong hoang địa, và chắc hẳn Chúa Giêsu đã nhớ lại điều đó khi Ngài nghe lời cám dỗ tương tự từ môi miệng Phêrô ba năm sau. Thật là kinh khủng: vị giáo hoàng đầu tiên, người mà Chúa Giêsu gọi là “tảng đá” của Giáo hội, đã vô tình thực hiện công việc của ma quỷ!

Điều tiếp theo Chúa Giêsu nói là câu trả lời cho cơn cám dỗ này. Cơ hội này đã thúc đẩy Chúa Giêsu nói với các môn đệ họ hết thảy phải chết cho chính mình, vác thập giá mình mà theo Ngài, tuyệt đối không được đặt điều gì trên thánh ý Chúa, ngay cả một cám dỗ có sức quyến rũ nhất. Ngài nói với họ rằng cách duy nhất để cứu mạng sống mình là mất nó, từ bỏ nó, dâng hiến, phó thác bản thân cho Chúa một cách tuyệt đối, và hoàn toàn vâng theo ý Chúa, bất kể hoàn cảnh nào; phó thác mọi sự cho Chúa. Người Hồi giáo ít nhất hiểu đúng một cách sâu sắc điểm thiết yếu đó: từ islam có nghĩa là “phó thác”.

Khi Chúa Giêsu nói rằng cách duy nhất để cứu mạng sống bạn là đánh mất nó, Ngài muốn nói “sự sống” cả linh hồn lẫn thể xác, vì cùng một từ trong tiếng Do Thái có nghĩa là cả “sự sống” và “linh hồn” (vì linh hồn là nguồn mạch của sự sống cho cơ thể). Cứu mạng sống ở đây trước hết có nghĩa là cứu lấy linh hồn bạn, cứu lấy sự sống của linh hồn bạn; vì cuối cùng không ai có thể cứu được sự sống của thể xác mình, vì tất cả chúng ta chắc chắn sẽ chết, điều này cũng liên quan đến sự sống lại của thể xác nữa.

Và sau đó, Chúa Giêsu đã làm một điều đáng ngạc nhiên khác: Ngài đưa ra một lập luận không thể trả lời được và hoàn toàn hợp lý cho một triết lý hoàn toàn phi lý này mà sẽ dẫn Ngài đến thập tự giá, bằng cách đưa ra câu nói mà tôi cho là một cầu nói thực tế nhất có thể được phát biểu: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26).

Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi bạn dù bạn đang ở bất cứ nơi nào, hay nghĩ bạn đang ở nơi nào; Ngài luôn gây sốc, thách thức bạn và khiến bạn đi tới điểm nghĩ rằng điều có là không thể, một điều gì đó vượt quá mong đợi của bạn một cách không thể tưởng tượng được, và vượt quá vùng an toàn của bạn một cách đáng sợ. Không có gì ngạc nhiên khi thế giới không tin muốn hạ thấp Chúa xuống cùng tầm cỡ với họ. Nhưng Ngài rất nguy hiểm. Ngài là bom nổ. Kinh thánh đáng lẽ phải có nhãn cảnh báo [những ai muốn đọc nó]. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive