Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Chúa Nhật thứ XXIV Mùa Thường niên, năm A: Thánh vịnh 103 -- Hãy ca ngợi Chúa

… Câu trả lời hùng hồn không kém của tác giả Thánh Vịnh là một mệnh lệnh cho tâm hồn: hãy ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả mười lý do sau đây, tất cả đều là những chiều kích của cùng một điều - là tình yêu trọn vẹn và vô bờ bến của Chúa: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà. Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.”

Nói cách khác, Chúa đã ban cho chúng ta mọi thứ, mọi thứ Ngài có thể cho chúng ta, mọi thứ Ngài có. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tạ ơn Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có. Ân sủng hoàn toàn xứng đáng được biết ơn hoàn toàn.

Câu chuyện có thật: Cha W. Norris Clarke, một linh mục Dòng Tên dạy triết học tại Đại học Fordham, đang đến thăm tu viện Phật giáo ở Lhasa, Tây Tạng, và trò chuyện với vị trụ trì Phật giáo ở đó về sự khác biệt giữa hai tôn giáo của họ. Vị trụ trì Phật giáo lập luận rằng hai tôn giáo của họ thực sự giống nhau bởi vì chúng xuất phát từ cùng một trạng thái cơ bản của trái tim con người, cùng một thái độ cơ bản. Vị ấy nói với Cha Clarke: “Khi cha mở mắt ra mỗi sáng, phản ứng đầu tiên của cha là gì? Khi cha nhìn vũ trụ xung quanh mình, phản ứng đầu tiên của cha là gì? Khi cha nhìn vào tất cả những người cha yêu thương, phản ứng đầu tiên của cha là gì?” Cha Clarke nói: “Lòng biết ơn.”

Vị trụ trì nói với một nụ cười sâu sắc: “Cha thấy không? Điều đó chứng minh quan điểm của tôi. Đó cũng là phản ứng đầu tiên của chúng tôi, với tư cách là những Phật tử.” Cha Clarke hỏi, “Nhờ thầy nói cho tôi biết, ý của thầy là gì khi nói lòng biết ơn?” Vị trụ trì trả lời với nụ cười sâu sắc như cũ: “Hãy biết ơn mọi thứ. Vì sự sống, vì cái chết, vì lạc thú, vì đau đớn, vì vật chất, vì tinh thần, vì quá khứ, vì tương lai, vì những gì tồn tại, vì những gì không tồn tại, bất kể nó là gì—cho mọi thứ!” Cha Clarke nói, “Tôi rất khâm phục. Đó cũng là điều tôi muốn nói. Nhưng khi thầy có lòng biết ơn trọn vẹn này, thầy biết ơn ai nếu vì là Phật tử, thầy không tin vào bất kỳ Thượng đế nào?” Nụ cười của vị trụ trì biến mất. “Chúng tôi không biết,” ông thú nhận. Cha Clarke mỉm cười và nói cách nhẹ nhàng, “Chúng tôi biết Người để biết ơn.”

Đó là một cách cầu nguyện tuyệt vời: “đếm những phúc lành của bạn” theo đúng nghĩa đen của nó. Mỗi ngày hãy tìm ba điều mới để tạ ơn Chúa và suy nghĩ về từng điều đó trong vài phút: các sự kiện trong cuộc đời bạn, những con người trong cuộc đời bạn, nhiều loài động vật cụ thể khác nhau, sự bao la và cân bằng của vũ trụ, những thú vui nho nhỏ như kem, âm nhạc, màu xanh lam, rượu vang, không khí trong lành và những thứ to lớn như Tin Mừng và các bí tích.

Một ví dụ điển hình là mặt trời. Ngồi mười phút dưới ánh nắng ấm áp và cảm ơn Chúa vì điều đó. Đó là bí tích tự nhiên của hơi ấm tình yêu của Người. Đừng suy nghĩ quá nhiều về nó; chỉ cần cảm nhận nó và cảm ơn Chúa vì nó. Bạn giống như một chú mèo con, và Chúa đang vuốt ve bạn bằng những tia nắng của Ngài; chỉ khe khẻ kêu rừ... ừ... ừ... Chỉ cần suy nghĩ và cảm ơn; hai thứ đó với nhau. Hãy để tạ ơn là một kiểu suy nghĩ mới cho bạn. Vậy là đủ rồi. Hai từ “suy nghĩ” và “cảm ơn” gần như giống hệt nhau trong tiếng Anh: “thinking” và “thanking”, lẫn tiếng Đức: denken và danken.

Hãy để sự suy nghĩ và cảm tạ đó là toàn bộ lời cầu nguyện đó. Chỉ để nó là những lời tạ ơn đơn giản. Bạn có thể thêm nhiều thứ nữa sau này. Thức uống hỗn hợp cũng tốt, nhưng đồ uống “tinh khiết” cũng vậy, như rượu mạch nha. Chỉ tạ ơn là đủ. Đó là lời tốt lành để bắt đầu việc cầu nguyện và lời tốt lành để kết thúc thời gian cầu nguyện. Nếu bạn kết thúc bằng lời tạ ơn, thái độ đó sẽ vang vọng như tiếng vang suốt cả ngày của bạn.

Đức tin của bạn giống như một cái cây. Nếu bạn tưới nó mỗi ngày bằng nước của lòng biết ơn, nó sẽ lớn lên như một bông hoa hướng dương và sẽ nở hoa thành những hình thức biết ơn mà lúc này bạn theo lẽ tự nhiên cảm thấy khó khăn: biết ơn đối với những đau khổ và thất bại mà Thiên Chúa, với sự khôn ngoan và tình yêu vô biên của Ngài, đã cho phép nó đi vào cuộc sống bạn, vì một và chỉ một lý do: vì lợi ích lớn hơn và niềm vui lớn hơn cho cùng đích của bạn. Tin vào điều đó, tin rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28), để chúng ta có thể tạ ơn Người ngay cả về những điều chúng ta sợ hãi và những điều làm chúng ta đau khổ, chính là nhân đức đối thần của đức cậy, của sự hy vọng. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lòng biết ơn, cả đối với những điều nhỏ nhặt và dễ dàng lúc ban đầu, cũng như những điều lớn lao hơn và khó khăn hơn khi chúng ta ngày càng khôn ngoan hơn. --Dr. Petter Kreeft

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive