Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Chúa nhật thứ XXIV Mùa thường niên, năm A: Về tha thứ

Bài trích sách Huấn ca.

Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.
Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành !
Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình !
Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?
Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

------

Dr. John Bergsma về bài đọc 1 từ Huấn ca 27,30 - 28,7

Mặc dù trong thời hiện đại này, không phải tất cả các nhóm Kitô hữu đều đưa sách Huấn ca vào qui điển Thánh kinh, nghĩa là những sách được Giáo hội Công giáo xác định là bản văn này thuộc về Kinh Thánh. Sách Huấn ca rất được các Giáo phụ yêu thích và ca cung cấp cho chúng ta một ví dụ rất hay về điều mà các học giả gọi là sự giải thích nội-kinh, hiện tượng một bản văn Kinh thánh giải thích ý nghĩa của bản văn trước đó. Michael Fishbane, giáo sư Jewish Studies / Do Thái giáo học, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các học giả đến hiện tượng giải thích nội-kinhnày trong nghiên cứu kinh điển của ông, Biblical Interpretation in Ancient Israel (Oxford, 1985).

Bài đọc 1 hôm nay tự nó là một bài suy niệm về các đoạn Kinh thánh trước đó như đoạn từ Lê-vi 19:17–18:

Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.

Thông thường, chúng ta đối chiếu lời dạy của Chúa Giêsu Kitô với lời chỉ dẫn của Cựu Ước, đặc biệt là về một số vấn đề như hôn nhân và ly dị (xem Đệ nhị luật 24:1–4; Mt 19:3–9). Tuy nhiên, các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến tính liên tục trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu với những đoạn Kinh thánh trong Cựu Ước đầu tiên. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).

Tôi học hỏi về sách Huấn ca muộn trong đời mình, vì là một người theo đạo Tin lành, tôi đã không coi sách này là thuộc về Kinh thánh, và thậm chí chưa bao giờ đọc nó, cho đến khi tôi hơn ba mươi tuổi. Tôi nhớ sự ngạc nhiên khi khám phá ra—trong khi đọc Huấn Ca—rằng một số lời dạy của Chúa Giêsu thì không nguyên bản, chưa ai nói trước đó, như tôi nghĩ (so sánh Huấn ca 11:18–19 với Lu-ca 12:13–20).

Nhưng Chúa Giêus đồng ý và tiếp tục lời dạy của các hiền triết và tiên tri trước đó không có gì đáng ngạc nhiên: Ngài là Ngôi Lời nhập thể (Gioan 1:1). Ngài đã có từ muôn thuở vì Ngài là Thiên Chúa.

Tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến câu cuối cùng của bài đọc Sách Huấn Ca:

Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

“Giao ước” mà Giê-su ben Sira đề cập ở đây có lẽ là giao ước Môsê hoặc giao ước tại Si-nai, trong luật của nó bao gồm những mệnh lệnh như Lê-vi 19:17–18 ở trên. Sự tha thứ và tình yêu thương đối với người lân cận không chỉ đơn thuần là những lời khuyên đạo đức hay một phần của luật tự nhiên mà đó là một phần nghĩa vụ của giao ước, một phần nghĩa vụ của một người đối với Thiên Chúa, Đấng đã bước vào mối quan hệ trung thành, như mối tương quan gia đình với chúng ta.

Thánh vịnh trong phần đáp ca cũng nhắc nhở chúng ta rằng thực hành việc tha thứ là bắt chước Thiên Chúa.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive