Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Năm sự sáng và gia đình

Càng suy gẫm mầu nhiệm năm sự sáng, ta càng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng vĩ đại giữa một thời kì rối ren, là Đức Gioan Phaolô II. Dường như ngài đã thấy trước tương lai, vì thật sự là rất cần thiết khi năm sự sáng được thêm vào kinh Mân Côi. Người ta vịn cớ rằng sự xuất hiện của năm sự sáng làm mất đi "vẻ đẹp truyền thống" của ba sự kia, vốn đồng quy với 150 thánh vịnh. Nhưng sự tương liên đó liệu có quan trọng hơn sự an nguy của gia đình, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?

Thứ nhất thì ngắm: Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan. Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định tầm quan trọng siêu việt, và quyền lợi của con trẻ là được chịu phép rửa tội. Quyền lợi ấy lớn hơn mọi thứ nhu cầu khác mà cha mẹ có thể nghĩ ra, và phải được ưu tiên hàng đầu. Tiếc thay, giữa xã hội ngày nay, đặc biệt ở tây phương, người ta chỉ mang con trẻ đến để xin rửa tội khi cháu đã khá lớn, bắt đầu có ý thức. Có lẽ cần phải nhắc lại bí tích rửa tội là dấu ấn không thể phai, minh chứng rằng đây là con cái Chúa, là thuộc về Chúa. Ở khía cạnh nghiêm trọng hơn, liệu ai có thể đền trả nổi hậu quả khi một đứa bé qua đời mà chưa được rửa tội không? Chúng ta không nói đứa trẻ qua đời mà chưa rửa tội sẽ sa hoả ngục hay vĩnh viễn không được hưởng nhan Chúa, nhưng liệu người cha người mẹ có thể gánh nổi trách nhiệm trước nhan Chúa, khi Người tuyên án họ tội lơ là, cẩu thả và không chu toàn bổn phận chăng?

Thứ hai thì ngắm: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Mầu nhiệm này nhắc lại cho chúng ta nhớ: nhà nào có Chúa, nhà đó sẽ vững bền. Gia đình nào đặt Chúa làm chủ, gia đình đó sẽ luôn thoát khỏi mọi tai ương. Sự hiện diện của Chúa Giêsu như là thứ rượu ngon xây đắp đời vợ chồng, giữ cho tình cảm họ luôn nồng nhiệt. Người là chất xúc tác để cả hai vợ chồng tái khám phá nhau, và tìm thấy điều mới mẻ trong nhau. Vì Chúa luôn là đấng mới mẻ, tình yêu đôi vợ chồng sẽ luôn như là tình yêu của thuở ban đầu. Điều này có thể khẳng định như thế. Cứ xem Thánh Gia là sẽ rõ.

Thứ ba thì ngắm: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Phúc thay cho cha mẹ nào là thầy dạy giáo lý đầu tiên cho con cái, họ sẽ được Chúa nâng đỡ trên mọi nẻo đường. Tình hình ngày nay là cha mẹ sẵn sàng cho con đi học bất cứ môn gì nó muốn. Họ cũng cho nó đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật. Nhưng liệu cứ khoáng hết mọi sự cho nhà thờ thì có ổn hay không? Mỗi người cha mẹ được mời gọi phải trở thành giáo lý viên cho con mình. Chính họ cũng phải tự trau dồi giáo lý của Hội Thánh, để trước là họ được vững mạnh trong đức tin, sau là thông truyền đức tin đó cho con cái. Làm như thế, họ mới không làm ô nhục hình ảnh của Chúa Trời. Làm như thế chính là thông ban tình yêu thần linh cho các thành viên trong gia đình. Không ai biết Chúa Cha ngoại trừ Chúa Con, thì sự hiểu biết về Thiên Chúa, về tình yêu của Người, cũng như mọi yếu tính căn bản nơi Người, cần được truyền từ chính bậc phụ huynh cho con cái. Có như thế, họ không chỉ chu toàn bổn phận Chúa giao phó, mà họ đã thực sự được nên giống "cộng đoàn Ba Ngôi" yêu thương lẫn nhau.

Thứ tư thì ngắm: Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabore. Đời vợ chồng có sóng gió cãi vã là chuyện thường tình. Nhưng gia đình không có Chúa sau mỗi lần cãi cọ là một lần rạn nứt, còn gia đình có Chúa làm chủ mọi sự thì được hàn gắn bền thêm. Như thánh Phero có nói "chúng con được ở đây thật là hay", thì tự sâu trong thâm tâm, đôi vợ chồng sẽ nói với nhau rằng: Lạy Chúa, chúng con được hiểu nhau hơn sau mỗi lần bất hoà, thật sự là ơn Chúa phù trì. Như Chúa Cha đã dặn ba tông đồ vâng lời Chúa Kito, Thánh Thần Thiên Chúa cũng sẽ nhắc lại cho đôi vợ chồng điều Chúa Kito đã dạy: người chồng hãy yêu thương và tôn trọng vợ mình, người vợ hãy tùng phục chồng mình. Gia đình nào làm được như thế, họ như đang "biến hình" như Chúa Giêsu trên núi, họ toả ra ánh sáng của sự gương mẫu, của tinh thần Kito giáo giữa hàng xóm láng giềng. Rồi người ta sẽ nhìn vào họ mà phải dâng lời ngợi khen Chúa Cha. Gia đình nào làm được vậy, thật phúc lắm thay.

Thứ năm thì ngắm: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội, cũng là dây tơ hồng cho ơn gọi hôn nhân. Ngày xưa, Chúa Giêsu ngồi bên các tông đồ, cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và nói "này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em". Trong nơi thánh đường, vợ chồng nắm tay nhau, cùng dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa hằng hữu. Chính trong giờ phút đó, họ làm sống lại câu nói trên của Chúa chúng ta. Như một cách huyền nhiệm, họ nhìn nhau mà nói: "Này là toàn vẹn thân xác và linh hồn anh, dâng trọn hết cho em. Này là toàn vẹn thân xác và linh hồn em, trao tặng hết cho anh". Người vợ người chồng được mời gọi hãy nhớ tới lời thề nguyền trước Chúa và Giáo Hội, hãy nhớ lại bí tích tình yêu Chúa Giêsu đã lập. Giờ đây, và trong mỗi giây phút của cuộc đời, họ diễn tả lại, làm hiện thực hoá bí tích tình yêu đó bằng chính đời sống vợ chồng của họ.

Ước chi các cặp vợ chồng chọn Chúa làm đầu, thì này ân sủng, bình an, con đàn cháu đống, cùng mọi ơn lành Chúa hứa ban, sẽ tuôn đổ trên họ qua nhiều thế hệ.

Fx LDT

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive