Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

Chúa Nhật thứ XXIII Mùa Thường niên, năm A: Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi

Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en (33:7-9)

Đức Chúa phán như sau: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó ; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”

-----

“Sự thật, trọn vẹn sự thật, và không có gì ngoài sự thật.” Đó là những gì người ta hứa trước tòa án thế tục (Mỹ) khi tuyên thệ làm nhân chứng. Chúa không đòi hỏi ít hơn.

Chúa đòi hỏi nhiều hơn nơi các vị tiên tri và những thầy dạy của Ngài, những người có ơn gọi để nói sự thật, ơn gọi chính yếu của họ, đặc biệt là về sự thật của đức tin và luân lý, đến với cho những người không nghe hoặc không tuân theo lời dạy đó. Giacôbê 3:1 là câu nói đáng sợ nhất trong Kinh thánh dành cho các thầy dạy: “Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn”.

Tất nhiên, chúng ta cần thận trọng khi đánh giá sự thật nào, ở mức độ nào, nên được dạy trong hoàn cảnh nào và dạy cho ai. Chúng ta không dạy người khác bằng cách đến gặp người lạ và dùng Kinh Thánh đập vào đầu họ như thể phủi bụi một tấm thảm bẩn. Nhưng có những lúc chúng ta thấy cánh cửa mở, hoặc những cánh cửa hé mở, và chúng ta trốn tránh trách nhiệm khi không tận dụng những cơ hội đó để đưa ánh sáng qua những khe hở đó, dù phải trả giá, dù bất tiện và đôi khi đem lại xấu hổ cho chính mình. Cũng có những lúc chúng ta tìm thấy những cánh cửa đóng kín, khi ngay cả những lời chân thật cũng chỉ làm cánh cửa cứng ra thêm thôi. Trong những trường hợp đó, chúng ta không dùng lời nói, nhưng chúng ta sử dụng ba sức mạnh lớn hơn lời nói: tình yêu, lời cầu nguyện và đức tin, đức tin tràn đầy hy vọng và kiên nhẫn.

Khi Cain sát hại Aben và Chúa hỏi ông: “Aben, em con ở đâu?” Ca-in đáp: “Con là người giữ em con hay sao?” (Sáng thế 4:9). Câu trả lời của Chúa là: “Đúng vậy. Tất cả các con đều là anh em và tất cả các bạn đều phải chịu trách nhiệm về mọi việc làm và mọi lời nói của mình đến với người khác. Ta đã dựng nên các con phụ thuộc lẫn nhau đến mức các con chạm vào cuộc sống, tâm hồn và số phận của nhau. Hết thảy đều thuộc về một gia đình.”

Cain không phải là người đầu tiên phủ nhận sự thật này bằng cách đưa ra lời bào chữa. Cain đã học được điều đó từ cha mẹ mình. Khi Chúa hỏi Ađam, lúc miếng táo vẫn còn trên môi, “Ngươi ở đâu?” A-đam đáp: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Và Evà: “Con rắn đã lừa dối con” (Sáng Thế 3:9–13). Khi chúng ta bắt đầu đưa ra những lời bào chữa, thì đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu làm  việc chúng ta bào chữa để khỏi làm, hoặc ngừng làm việc mà chúng ta đang tìm viện cớ làm.

Đúng vậy, chúng ta là người canh giữ anh em của mình. “Không ai là một hòn đảo.” Mỗi hành động và lời nói bác ái với bất kỳ ai đều tạo ra sự khác biệt tích cực cho mọi người, bất kể nhỏ chừng nào hay gián tiếp bao nhiêu. Và mọi từ chối giúp đỡ, từ chối làm việc bác ái đó, bằng lời nói hay hành động, đều gây tổn hại cho mọi người. Mỗi viên sỏi đều góp phần tạo nên một trận tuyết lở.

Trong Do Thái giáo của Cựu Ước, chỉ một số người là nhà tiên tri và chỉ một số người là ráp-bi – nghĩa là thầy dạy. Trong Giáo hội, mặc dù có trung tâm Huấn quyền, bao gồm các giám mục hiệp thông với giáo hoàng, nhưng cũng đúng là mọi Kitô hữu đã được rửa tội đều tham gia vào ơn gọi giảng dạy của vị tiên tri / ngôn sứ / prophet (vì từ prophet có nghĩa đen là “người tiên báo” hay “người phát ngôn cho Chúa”) và là nhà truyền giáo (bạn có nhớ những lời được gán cho Thánh Phanxicô: “Hãy rao giảng Tin Mừng; dùng lời nói khi cần thiết”).

Trong quá khứ, có lẽ chúng ta có xu hướng quá độc đoán, quá đơn giản, quá vô cảm trước những tình huống và cảm xúc, quá bắt nạt. Ngày nay chắc chắn chúng ta có xu hướng mắc phải sai lầm ngược lại: hèn nhát và sợ bị từ chối. Đôi khi chúng ta bỏ bê ngay cả những hình thức làm chứng nhỏ nhất, chẳng hạn như làm dấu thánh giá trước khi ăn ở nhà hàng.

Chúng ta cần nhớ lại những lời của Chúa Giêsu lặp lại lời của ngôn sứ Ezekiel trong bài đọc hôm nay: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10:32–33). -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive