Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Hãy hết lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu

Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê (Mc 1:25-28).

------

Những trường hợp bị quỷ nhập thì rất hiếm nhưng lại rất thật. Chẩn đoán sai lầm rất dễ xảy ra khi nhầm lẫn giữa những rối loạn tâm lý tự nhiên, thuần túy của con người với việc bị ma quỷ chiếm hữu. Giáo Hội rất cẩn thận loại trừ những nguyên nhân thuần túy tự nhiên, nguyên nhân tâm lý, trước khi nhờ đến các nhà trừ quỷ.

Những người chứng kiến các cuộc trừ tà Chúa Giêsu thực hiện đều kinh ngạc vì họ biết rằng không một con người nào có khả năng kiểm soát ma quỷ, tương tự như thú cưng của chúng ta không có khả năng kiểm soát chúng ta. Ngày nay, cũng như trong thời của Chúa Kitô, chỉ có Chúa Kitô mới có thể trừ quỷ. Những cuộc trừ quỷ của Chúa Kitô là bằng chứng về thần tính của Người. Cùng một Chúa Kitô đã hoạt động nơi thân xác con người của Ngài ở Israel trong thế kỷ thứ nhất, đang tiếp tục hoạt động qua Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội và các nhà trừ quỷ của Giáo Hội ngày nay.

Mặc dù chúng ta không thể tự mình xua đuổi được sự chiếm hữu của ma quỷ, nhưng chúng ta luôn có thể vượt thắng những cám dỗ của nó. Kinh thánh nói rằng, “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Côrintô 10:13). Hãy để ý, câu đó không nói rằng Chúa sẽ giúp bạn dễ dàng chống lại cơn cám dỗ, mà chỉ là bạn có thể thắng được nó. Nếu không thể cưỡng lại được sự cám dỗ, thì chúng ta sẽ không có lỗi khi sa ngã. Cám dỗ luôn thu hút sự lựa chọn tự do ở một mức độ nào đó, chứ không phải là sức mạnh tuyệt đối. Nếu một kẻ sát nhân, bằng vũ lực, nhét súng vào tay bạn và buộc ngón tay của bạn bóp cò, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm về vụ giết người.

Cám dỗ là điều phổ biến và chúng ta không mất đi ý chí tự do để chọn lựa; việc bị quỷ nhập thì rất hiếm và người bị ám có thể không có ý chí tự do trong một thời gian. Giữa quỷ nhập (demonic possession) và bị cám dỗ là quỷ khống chế (demonic oppression); nó không dễ để nhận ra; cảm giác ở khoảng giữa, có thể cưỡng lại được và không thể cưỡng lại được, và nằm ở khoảng giữa rất phổ biến và rất hiếm. Tất cả ranh giới giữa cái xấu tự nhiên và cái ác, cái xấu siêu nhiên không phải lúc nào cũng rõ ràng; ranh giới giữa điều là tốt lành theo tự nhiên và tốt lành theo chiều kích siêu nhiên cũng không rõ ràng.

Đôi khi chúng ta không biết liệu sự thuyên giảm đột ngột của một khối u ác tính là phép lạ siêu nhiên hay chỉ là do Chúa Quan phòng sử dụng những nguyên nhân tự nhiên. Có những vùng xám, cũng như những vùng đen và trắng; sương mù cũng như bóng tối và ánh sáng. Nhưng quỷ nhập rõ ràng là bóng tối, còn Chúa Giêsu rõ ràng là ánh sáng. Và khi Chúa Giêsu xuất hiện, bóng tối hoàn toàn không có cơ hội.

Nếu Chúa Giêsu có thể đánh bại ngay cả ma quỷ một cách dễ dàng và chắc chắn, thì rõ ràng Ngài có thể đánh bại tất cả những mảng tối nhỏ hơn, mờ mịt hơn của chúng ta. Sức mạnh, tình yêu và trí tuệ của Ngài thì vô hạn. Đừng chỉ trao cho Ngài 99% sự tin tưởng của bạn; hãy trao cho Ngài 100% lòng tin tưởng. Đó là bài học thực tế rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay dành cho tất cả chúng ta. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thiên Chúa thật và Người thật trong bí tích Thánh Thể: Người Công giáo là những người may mắn nhất trên thế giới

Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’” -- Từ bài đọc 1 của Chúa Nhật thứ IV Mùa thường niên, năm B, Đnl 18:18-20

Trong con mắt Chúa, việc tự trao ban cho mình quyền của Thiên Chúa khi không thật là như vậy nghiêm trọng đến mức nào? Tự xưng mình là tiên tri được Chúa ủy quyền, người phát ngôn của Thiên Chúa thật trong khi bạn không là thì kết quả sẽ ra sao? Điều đó nghiêm trọng đến mức Thiên Chúa đã thiết lập hình phạt cho tội lỗi đó: cái chết. “Ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Đnl 18:20).

Chúa Giêsu tuyên bố mình là Đấng trung gian và có thẩm quyền của Thiên Chúa. Nếu tuyên bố đó là sai thì không ai đáng bị đóng đinh hơn Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tuyên bố mình không chỉ là một nhà tiên tri. Ngài tự tuyên bố mình là Thiên Chúa. Ngài đã dám tuyên xưng những sự về mình mà không một người có trí óc lành mạnh nào khác trong lịch sử loài người dám tuyên xưng. Và nếu điều đó không đúng thì Chúa Giêsu là kẻ nói dối báng bổ nhất trong lịch sử thế giới.

Giáo hội Công giáo tuyên bố mình là Giáo hội chân chính duy nhất, là ngôn sứ duy nhất được Thiên Chúa ủy quyền. Nếu điều đó không đúng thì Giáo hội Công giáo là nhà tiên tri giả hồ đồ nhất trong số tất cả các giáo hội và giáo phái trên thế giới, và đáng bị tử hình, đáng bị tiêu diệt, theo chính lời của Chúa trong Kinh thánh.

Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tử tế, lịch sự, khoan dung và thờ ơ với Giáo hội, như thể đó chỉ là một phiên bản tôn giáo của một câu lạc bộ xã hội, cũng như chúng ta không thể tử tế, lịch sự, khoan dung và thờ ơ với Chúa Kitô, như thể Ngài chỉ là một anh chàng tốt bụng ngọt ngào đến mức làm ta nghĩ anh ta khờ dại như Ned Flanders trong The Simpsons.

Tương tự như vậy, chúng ta không thể có thái độ đó đối với Bí tích Thánh Thể, bởi vì Bí tích Thánh Thể, sau khi truyền phép, là chính Chúa Kitô, ẩn mình trong hình bánh và rượu. Nếu không phải là Đức Kitô thì đó là Kẻ Phản Kitô, là công việc của ma quỷ, là việc thờ phượng ngẫu tượng.

Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô dùng môi miệng của vị linh mục, người đã thánh hiến của Người, để nói những lời thực sự mang lại điều họ nói: “Đây là Mình Thầy” và “Đây là Máu Thầy”; và chúng ta tôn thờ Mình và Máu đó, thứ trông giống như một miếng bánh mì tròn nhỏ và một cốc rượu, như tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta. Nếu đó chỉ là bánh và rượu theo vẻ nhìn của nó, thì chúng ta là những kẻ thờ thần tượng tồi tệ nhất thế giới; chúng ta đang cúi lạy bánh và tôn thờ rượu. Nhưng nếu đúng như lời Chúa Giêsu đã nói, nếu thực sự là Mình và Máu Người, thì người Công giáo chúng ta là những người may mắn nhất trên thế giới, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đặc ân lạ lùng là được đón nhận trọn vẹn Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, Mình và Máu, linh hồn và thiên tính vào thể xác và tâm hồn chúng ta, kết hiệp tất cả chúng ta với Đức Kitô, cách trọn vẹn. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Sự may mắn để là người Công giáo.

Tuần này, tiêu đề không được phép lên rước lễ vì tái hôn khi người vợ hoặc chồng trong bí tích Hôn nhân trước vẫn còn sống làm mình cũng chảy nước mắt với những người trong hoàn cảnh đó. Trong số họ, có những người rất sùng đạo nên đi lễ nhưng không thể rước lễ. Việc này làm mình nhớ đến lòng thương xót của Chúa, rằng Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa toàn năng và Ngài hoàn toàn tự do trong mọi việc Ngài làm.

Trong Giáo hội Công Giáo, chính Chúa Giêsu đã thiết lập bảy bí tích và qua các bí tích Chúa vẫn đang chữa lành, hóa bánh ra nhiều, làm cho kẻ chết sống lại… Nhưng Chúa không bị ràng buộc bởi bảy bí tích đó. Chúa ban ơn cho ai tùy theo ý muốn và kế hoạch của Ngài, theo cách Ngài muốn.

Tuy nhiên, thật may mắn cho người Công giáo nhờ các bí tích.

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không rõ nếu lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa nhậm lời và Chúa sẽ trả lời như thế nào. Các bí tích thì không như vậy.

"Vì thế, Hội Thánh khẳng định: các bí tích có hiệu quả "ex opere operato" (dịch từng chữ là: do chính sự việc được thực hiện), nghĩa là có hiệu quả nhờ công trình cứu độ của Chúa Kitô đã được hoàn thành một lần dứt khoát."Bí tích không thành sự do sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng do quyền năng Thiên Chúa"(x.Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tổng Luận Thần Học 3,68,8). Khi bí tích được cử hành theo ý hướng của Hội Thánh, quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, hoạt động trong và qua bí tích ấy, không phụ thuộc vào sự thánh thiện của bản thân thừa tác viên. Tuy nhiên, hiệu quả của các bí tích còn tuỳ thuộc vào thái độ nội tâm của người lãnh nhận." –GLCG 1128

Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, linh mục cử hành Thánh lễ theo nghi thức do chính Chúa Giêsu thiết lập, bánh và rượu nhất thiết sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Hiệu quả của việc rước lễ tùy thuộc vào thái độ nội tâm của ta, nó có giúp ta mở lòng đón nhận ân sủng Chúa đổ xuống hay nó làm cho ân sủng bị tắc nghẽn đâu đó và không đi sâu được vào linh hồn ta.

Khi chúng ta đi xưng tội với ước muốn được ơn tha thứ và có đủ lòng ăn năn, chúng ta được dạy chúng ta được ơn tha tội qua lời tha tội của vị linh mục. Chính Chúa Giêsu nói lời tha tội.

Ước gì chúng ta ý thức được rằng việc rước lễ và xưng tội đem lại kết quả chắc chắn. Chính Chúa nuôi dưỡng và chính Chúa tha tội cho bạn như bạn đã nghe trong Phúc âm.

Share:

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Sự tốt lành vượt xa lòng ước mong của con người

Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ,
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?

Trích bản Giải thích tu luật của thánh Ba-xi-li-ô Cả, giám mục.

Lời lẽ nào diễn tả được cho cân xứng những hồng ân của Thiên Chúa. Những hồng ân ấy nhiều vô kể và cao cả vô cùng, đến nỗi chỉ một ơn thôi cũng đủ cho chúng ta phải tìm mọi cách mà đền đáp Thiên Chúa là Đấng thi ân.

Nhưng có một ơn mà chúng ta không thể bỏ qua, và chẳng ai có lương tri cùng hiểu biết lại có thể im lặng không nói đến, dù không tài nào nói cho cân xứng. Đó là ơn Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh giống Thiên Chúa, ban cho vinh dự được hiểu biết chính Người, phú bẩm cho trí khôn trổi vượt hơn hết mọi loài, cho có khả năng vui hưởng vẻ đẹp khôn tả của vườn địa đàng, và đặt làm chủ mọi loài trên trái đất. Nhưng con người đã bị con rắn lừa gạt mà sa ngã phạm tội, và vì tội nên phải chết và phải đau khổ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Trước hết Người đã ban Lề Luật để giúp đỡ họ, chỉ định các thiên thần để giữ gìn và săn sóc họ, sai các ngôn sứ đến sửa trị nết xấu và dạy đường nhân đức, dùng lời răn đe để ngăn chặn và hãm dẹp khuynh hướng xấu, lấy lời hứa mà khích lệ họ hăng hái làm việc lành, báo trước số phận cuối cùng của cả hai hạng người tốt xấu qua nhiều nhân vật khác nhau, để cảnh cáo những người khác. Nhưng nếu sau những việc đó và nhiều việc như thế mà chúng ta vẫn ngoan cố thì Người cũng không ngoảnh mặt đi.

Thật vậy, lòng nhân lành của Chúa đã không bỏ rơi chúng ta, và chúng ta cũng không xoá được tình yêu của Người đối với chúng ta, cho dù chúng ta có khờ dại mà khinh chê những vinh dự Người dành cho chúng ta và làm nhục Đấng làm ơn cho mình. Hơn nữa, chúng ta đã được gọi về từ cõi chết, và nhờ chính Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, sự sống được hoàn lại cho chúng ta. Trong vấn đề này, ngay cả lý do thi ân cũng làm cho chúng ta phải thán phục hơn : Vì Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành ; cũng vậy Người đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, và đã chuốc lấy cái chết vô cùng nhục nhã để đưa chúng ta đến cuộc sống vinh quang. Người đã không lấy việc trả lại sự sống cho những kẻ đã chết làm đủ, mà còn ban cho họ vinh dự được thông phần thiên tính của Người ; lại chuẩn bị cho họ được nghỉ ngơi đời đời, một sự nghỉ ngơi mang lại niềm vui lớn lao vượt trên mọi điều người ta có thể suy tưởng.

Vậy, biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho, Người tốt lành đến nỗi không đòi chúng ta phải đền đáp, nhưng nếu chúng ta yêu mến Người vì những gì Người đã ban cho thì Người lấy thế làm đủ. Tôi xin được thổ lộ tâm tình là khi hồi tưởng lại những điều đó, tôi rơi vào một nỗi khiếp sợ và ngỡ ngàng kinh khủng, sợ rằng vì vô tâm hay vì quá để ý đến những chuyện phù phiếm mà xa lìa tình yêu Thiên Chúa, tôi làm cớ cho Chúa Ki-tô phải xấu hổ và nhục nhã. -- Từ bài đọc hai của Kinh Sách cho thứ ba, tuần thứ III, Mùa thường niên

Share:

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

CHƯƠNG 11: Khôi phục

Chuyển ngữ từ The End of Woman: How Smashing the Patriarchy Has Destroyed Us

Trong cuốn sách The Case against the Sexual Revolution / Vấn đề của cuộc cách mạng tình dục, Louise Perry viết về hôn nhân:

Những người chỉ trích hôn nhân đã đúng khi nói rằng trong lịch sử, nam giới đã sử dụng hôn nhân như một phương tiện để kiểm soát phụ nữ, và họ đúng khi nêu ra rằng hầu hết các cuộc hôn nhân không đáp ứng được lý tưởng của một cuộc sống lãng mạn. Họ cũng đúng khi nói rằng hôn nhân một vợ một chồng, trọn đời theo một nghĩa nào đó, “không tự nhiên” vì nó không phải là điều con người có thể làm được. Hệ thống hôn nhân chiếm ưu thế ở phương Tây cho đến gần đây không hề hoàn hảo, nó không dễ dàng cho hầu hết mọi người tuân theo vì nó đòi hỏi mức độ bao dung và tự chủ cao.

Những người chỉ trích đó sai ở chỗ họ tin rằng có hệ thống nào đó tốt hơn. Không hề có một hệ thống nào khác tốt lành hơn.1

Điều mà Perry và những người chỉ trích hôn nhân đã bỏ qua là hôn nhân không chỉ là để có con cái. Hôn nhân là điều cần thiết để xây dựng một nền văn minh lành mạnh và phát triển. Hôn nhân một vợ một chồng là điều trọng yếu.

Vào những năm 1920, J. D. Unwin, một nhà dân tộc học và nhân chủng học xã hội người Anh tại Đại học Oxford và Đại học Cambridge, đã quyết định khảo xét chế độ một vợ một chồng và nền văn minh. Unwin, một người vô thần, đã sàng lọc tám mươi bộ lạc nguyên thủy và sáu nền văn minh được biết đến trong hơn năm nghìn năm lịch sử, bao gồm người Sumer, người Babylon, người Ai Cập, người Assyria, người Ba Tư, người Ấn Độ giáo, người Trung Quốc và người La Mã. Kết quả được công bố trong cuốn sách Sex and Culture  / Tình dục và Văn hóa năm 1934, đã khiến ngay cả tác giả cũng phải ngạc nhiên.

Trong nghiên cứu của mình, Unwin phát hiện ra rằng nền văn hóa càng kiềm chế dục vọng, thì nền văn hóa đó càng đạt được nhiều thành tựu. Các nền văn hóa một vợ một chồng có thể xây dựng và phát triển, sản xuất nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc và khoa học, mở rộng nền kinh tế và tạo không gian cho con người phát triển. Nhưng Unwin cũng nhận ra rằng ngay khi một nền văn hóa từ bỏ chế độ một vợ một chồng, đặc biệt là khiết tịnh trước hôn nhân, nó sẽ sụp đổ trong vòng ba thế hệ (ông ước tính mỗi thế hệ là ba mươi ba năm).

Unwin viết: “Bất kỳ xã hội loài người nào cũng chỉ có thể lựa chọn một trong hai: phơi bày những nghị lực vĩ đại hoặc tận hưởng tự do tình dục. Bằng chứng cho thấy là xã hội không thể chọn cả hai [nghị lực vĩ đại và tự do tình dục] cùng một lúc dài hơn một thế hệ.”2

Unwin mô tả cái mà ông gọi là “sự lặp lại dễ thấy về mặt lịch sử” của sự suy tàn theo sau mỗi nền văn hóa mà ông nghiên cứu. “Thật khó để quyết định khía cạnh nào của câu chuyện là quan trọng hơn: sự thiếu tư tưởng gốc một cách đáng tiếc của tất cả những người cải cách, hay cái cách mà con người luôn nắm bắt cơ hội sớm nhất để thỏa mãn những ham muốn bẩm sinh của mình một cách trực tiếp hoặc sai trái sau một thời gian cưỡng chế tiết dục [kiềm chế tình dục] mãnh liệt.”3

Năng lượng của con người là trọng tâm trong nghiên cứu của Unwin. Năng lượng con người vốn có giới hạn. Khi một nền văn hóa từ bỏ hệ thống một vợ một chồng, Unwin giải thích, “ham muốn tình dục khi đó có thể được thỏa mãn một cách trực tiếp hoặc cách bị biến thái… Vì vậy, năng lượng của xã hội giảm đi và sau đó biến mất.”4 Tự do tình dục tiếp tục lan tràn, như chúng ta đã thấy trong nền văn hóa của chính chúng ta, xâm vào cả những năm đầu tiên của thời thơ ấu [của con người]. Chúng ta phải trả giá cho điều đó, Unwin nói: “Hội thoại, văn học, kịch nghệ, nghệ thuật, khoa học, những cách thức nấu nướng, đồ nội thất, kiến trúc, kỹ thuật, làm vườn, nông nghiệp—những điều này và tất cả các hoạt động khác của con người đều bị sàng sảy bởi sự ảnh hưởng từ [tự do tình dục]. ”5

Hãy xem xét mức độ tập trung trong nền văn hóa của chúng ta dành cho các vấn đề liên quan đến tự do tình dục: phá thai, kiểm soát sinh sản nhân tạo, chăm sóc sức khỏe, “chuyển đổi giới tính”, ly hôn, con cái tan vỡ gia đình, những ông bố bỏ lơ gia đình, những bà mẹ làm việc quá sức, v.v. . Nhưng nếu có sự kiềm chế cho các xung động tình dục, Unwin viết, “sự hạn chế về cơ hội tình dục… sẽ tạo ra ý tưởng, việc suy ngẫm và năng lượng.”6 Đây là những yếu tố xây dựng, trong khi sự tự do tình dục dẫn đến suy tàn.

Unwin cũng thấy rằng “trong những ghi chép lại của loài người, không có trường hợp nào về một xã hội giữ được năng lượng của mình sau khi một thế hệ hoàn toàn mới đã kế thừa một truyền thống không đòi hỏi tiết dục trước và sau hôn nhân.”7 Unwin đã nhiều lần thấy sự lặp đi lặp lại rằng khi các nền văn hóa trở nên thịnh vượng và áp dụng các phong tục tình dục tự do, văn hóa đó mất đi sự thống nhất và ý thức về mục đích.

Mỗi người đều có một lượng thời gian, sự tập trung, năng lượng, tiền bạc, trí thông minh, v.v. nhất định. Theo Unwin, cách chúng ta sử dụng chúng, không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn ảnh hưởng ít nhất đến thế hệ thứ ba sau khi chúng ta không còn nữa.

Có lẽ ví dụ điển hình nhất về năng lực thăng hoa là hệ thống đan viện của Thánh Bênêđictô, khi nền văn minh La Mã đang sụp đổ. Những người đàn ông độc thân, tập trung sức lực vào công việc và cầu nguyện, không chỉ bảo tồn những yếu tố then chốt của Đế chế La Mã mà còn thiết lập và xây dựng qua nhiều thế kỷ, mở rộng các ngành công nghiệp và công nghệ phát triển mới, chẳng hạn như hệ thống học thuật, phương pháp khoa học, tiến bộ nông nghiệp, bệnh viện, và các trường đại học.

Unwin khám phá ra rằng một khi đức khiết tịnh trước hôn nhân bị bỏ rơi, trong vòng một trăm năm nữa xã hội cũng sẽ từ bỏ hệ thống một vợ một chồng, chủ nghĩa hữu thần và tư duy duy lý. Đây có lẽ là điều sâu sắc nhất trong những gì ông nhìn thấy, bởi vì nó nói lên thực trạng nền văn hóa của chúng ta. Niềm tin vào Chúa, hôn nhân và thậm chí cả tư duy duy lý đều đã bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc luôn thay đổi của cá nhân.

Unwin cũng nhận thấy rằng một khi nền văn hóa đi theo hướng này thì việc phục hồi nền văn minh là điều không thể xảy ra, phần lớn là do tầng lớp tinh hoa có khả năng điều khiển thông tin. Unwin thấy rằng tình trạng của bất kỳ nền văn minh nào “không phụ thuộc vào hành vi của đa số (những người thường gần như bị kiểm soát hoàn toàn bởi tâm trí vô thức của họ) mà phụ thuộc vào hành vi của một thiểu số nhỏ thể hiện sức mạnh vốn có của họ.”8 Tình trạng tồn tại của một nền văn hóa tùy thuộc vào giới tinh hoa của xã hội đó; họ có ảnh hưởng trực tiếp tới cách hành xử của “quần chúng”. Chắc chắn có rất nhiều bằng chứng về điều này trong nền văn hóa của chúng ta, và sự thành công của tự sự nữ quyền là bằng chứng rõ ràng về điều đó. Chúng ta đã “xuôi theo” ý đồ của họ.

Nghiên cứu của Unwin trùng hợp với nghiên cứu của nhà sử học người Anh Arnold Toynbee, người đã xuất bản cuộc khảo sát rộng lớn về 27 nền văn minh đã chết, A Study of History / Một Nghiên Cứu về Lịch sử, ngay sau Unwin—trong 12 tập từ năm 1934 đến năm 1961—và lập luận, “Các nền văn minh chết vì tự sát, không phải vì bị tiêu diệt.”9Các nền văn minh bị sự suy đồi khoét rỗng từ bên trong, chứ không phải bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược bên ngoài.

Một khi những giai đoạn suy tàn này bắt đầu, Unwin không thấy một nền văn minh nào có thể đảo ngược tiến trình của nó. Một nhóm nhỏ giới tinh hoa kiểm soát thông điệp, trong khi đa số bị làm câm lặng. Hai thế kỷ qua đã chứng kiến những lời tiên đoán của Marx, Marcuse, Reich và Millett, những người đã hứa hẹn về sự khai sáng và những điều không tưởng mà những người có thiện chí đã tin tưởng. Tuy nhiên, những điều họ hứa đã không tạo nên nền văn minh cao cả, mà chỉ bào mòn nền văn minh cho đến khi nó rách nát, mòn xơ cả chỉ. Mặc dù thông điệp của Unwin và Toynbee có vẻ vô vọng, vẫn có những tia hy vọng rằng nền văn minh sẽ không sụp đổ dưới sức nặng của Marx và những người theo ông.

1. Louise Perry, The Case against the Sexual Revolution: A New Guide to Sex in the 21st Century (Cambridge: Polity Press, 2022), 243.
2. J. D. Unwin, Sex and Culture (London: Oxford University Press, 1934), 412.
3. Ibid., 412.
4. Ibid., 431.
5. Ibid., 413–14.
6. Ibid., 317.
7. J. D. Unwin, Hopousia, or The Sexual and Economic Foundations of a New Society (London: George Allen and Unwin LTD, 1940), 84–85.
8. Unwin, Sex and Culture, 420.
9. New World Encyclopedia, s.v. “Arnold J. Toynbee,” https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Arnold_J._Toynbee.
10. Whittaker Chambers, Witness, 50th anniversary ed. (Washington, D.C.: Regnery Gateway, 1980), 8.

Share:

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Mười cách mà chúng ta tìm thấy Chúa và mười cách Ngài tìm thấy chúng ta -- Chúa Nhật thứ III Mùa Thường niên, năm B

Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.
Xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
-- Thánh vịnh 24

Bài Thánh vịnh trong đáp ca của Thánh lễ hôm nay nói về “đường nẻo” của Thiên Chúa và xin Chúa dạy cho chúng ta “lối đi” của Ngài. Những từ đó có nghĩa là gì? Chúa Giêsu phán: “Ta là Con Đường” (Ga 14,6). Ý của Ngài là gì? Thay vì chỉ ngồi đó thụ động và cảm thấy buồn chán vì đã nghe những điều này quá nhiều lần, đến nỗi tất cả đã trở thành những lời sáo rỗng chẳng nói lên được điều gì với chúng ta, chúng ta hãy mạnh dạn suy nghĩ về những từ ngữ thực tế trong bài Thánh vịnh này, đặc biệt là từ “con đường”... “Đường lối” của Chúa là gì?

Nó có nghĩa là tính cách của Chúa, phong cách của Chúa, cá tính của Chúa, bản chất của Chúa, được thể hiện qua cách Chúa hành động, cách Chúa thực hiện mọi việc. Thiên Chúa có một tính cách, một cá tính. Ngài không phải là tất cả mọi thứ nói chung và không là sự gì riêng biệt. Thiên Chúa thì vô tận, nhưng vộ tận ở từng thuộc tính rất rõ ràng và có thể xác định được: Thiên Chúa khôn ngoan vô tận chứ không là khờ khạo; vô cùng mạnh mẽ, không hề yếu đuối; vô cùng tốt lành, không độc ác; sống động vô tận, chứ không là chết khô, v.v. Chúng ta có thể tìm biết Ngài hơn, làm bạn với Ngài và có một mối tương quan cá vị với Ngài vì Chúa có một tính cách đặc biệt, cũng tương tự như chúng ta có thể làm quen với nhau. Thiên Chúa không “nói chung là một thực thể”. Bạn không thể biết hoặc làm bạn với một “thực thể nói chung”.

Tác giả Thánh Vịnh đề cập đến bảy từ, bảy danh từ mô tả “đường lối” đó của Thiên Chúa: “sự thật”, “lòng trắc ẩn”, “tình yêu”, “thân ái”, “tốt lành”, “liêm chính” và “công bằng”. Vì vậy, nếu nhân cách của chúng ta giống Chúa, và nếu cách sống và hành động của chúng ta giống Chúa, thì chúng ta sẽ có sự thật trong tâm trí, sự ngay thẳng trong ý chí, tình yêu trong trái tim, lòng tốt trong ý định, lòng trắc ẩn trong cảm xúc, công bằng trong hành động và sự thân ái trong phong cách của mình. “Con đường” của Chúa thì trọn vẹn; đó là con đường cho mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.

Sau đó, tác giả Thánh Vịnh sử dụng năm từ, năm động từ để mô tả mối quan hệ mà ông ước nguyện: xin Chúa “dạy” hay “chỉ bảo” cho ông đường lối của Chúa, xin Thiên Chúa “hướng dẫn” ông, xin Thiên Chúa “nhớ đến” ông, để Chúa có thể “cứu” ông, và Chúa có thể “chỉ lối” cho ông. Chúng ta hãy xét xem những từ quen thuộc này có nghĩa là gì.

Thiên Chúa nhớ đến chúng ta vì Ngài không bao giờ quên chúng ta. Chúa không bao giờ quên sự gì cả; Chúa biết tất cả mọi thứ, và Chúa không thay đổi.

Ngài dạy chúng ta bằng cách mạc khải đường lối của Ngài, bằng cách chỉ cho chúng ta chứ không chỉ bằng cách nói cho chúng ta biết – nghĩa là bằng cách chỉ cho chúng ta thấy các đấng thánh của Ngài, và trên hết là Con của Ngài.

Ngài hướng dẫn chúng ta trong những lựa chọn và hành động của chúng ta bằng luật pháp, các giới răn của Ngài, là lộ trình của chúng ta trong suốt cuộc đời.

Và Ngài cứu chúng ta khỏi ba kẻ thù tồi tệ nhất là tội lỗi, sự chết và hỏa ngục bằng cách đến giữa chúng ta để sống, chịu chết và phục sinh cho chúng ta.

Cuối cùng, tác giả Thánh Vịnh dùng hai từ để mô tả chúng ta, những đối tượng được Thiên Chúa dạy dỗ, biểu lộ cho biết, hướng dẫn, nhớ đến, cứu độ và chỉ dẫn. Họ là những “tội nhân” và “những người thấp hèn”.

Nếu chúng ta không biết và thừa nhận mình là tội nhân—tức là nếu chúng ta không khiêm nhường—thì chúng ta sẽ không nhận được bất kỳ “đường lối” nào của Thiên Chúa. Khiêm tốn, xưng tội và ăn năn tội lỗi là điều kiện đầu tiên và không thể chối cãi được để nhận biết Thiên Chúa. Tất cả các vị thánh, không có ngoại lệ, đều nói như vậy. Chúng ta không bắt đầu bằng “Tôi thông minh” mà là “Tôi ngu ngốc”; không phải với “Tôi đã đúng” mà là “Tôi đã sai”; không phải với từ “Biết mà!” nhưng với từ “Rất tiếc!” Kkhông phải bằng việc nói mà bằng việc lắng nghe; không phải bằng tiếng ồn mà bằng sự im lặng. Chúa nói theo những cách khác nhau đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nghe được Ngài nếu chúng ta không im lặng.

“Những cách thức đa dạng tuyệt vời” đó để học “đường lối” của Chúa là những cách nào? Làm thế nào chúng ta, những tội nhân thấp hèn, nhận được sự dạy dỗ, hướng dẫn, ghi nhớ, cứu rỗi và bày tỏ từ Thiên Chúa, Đấng có “đường lối” chân thật, từ bi, đầy yêu thương, thân ái, nhân hậu, ngay thẳng và công bằng? Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và nhân cách độc đáo của Ngài ở đâu?

Trong vẻ đẹp và sự thông minh được thể hiện trong vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng, trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời chúng ta, qua các vị ngôn sứ của Ngài, trong các tác phẩm của Kinh Thánh, trong những lời giảng dạy của Giáo hội, trong các tín điều của Giáo hội, trong chính lương tâm chúng ta và nhận thức của nó về luật luân lý tự nhiên, trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, và trong đời sống các thánh; trên hết là nơi Chúa Kitô, Đấng được biết đến trong các Tin Mừng và được lãnh nhận trong các bí tích.

Đó là mười cách, mười cách mà chúng ta tìm thấy Chúa và mười cách Ngài tìm thấy chúng ta. Đây không phải là một bữa ăn nhẹ; đó là một bữa tiệc. Vì vậy, chúng ta hãy nhấm nháp nhiều hơn nữa tại bàn tiệc lộng lẫy trong Thánh lễ này. Những gì Chúa thết đãi không phải là quá ít mà là quá nhiều để chúng ta có đủ khả năng thưởng thức. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn

Bài này được dịch từ một phần của video.

C.S. Lewis trong Lời nói đầu của cuốn sách Những bức thư của quỷ Ba Láp / The Screwtape Letters có viết:

Có hai sai lầm cùng nặng như nhau và trái ngược nhau mà loài người chúng ta có thể mắc phải về ma quỷ. Một là không tin vào sự tồn tại của ma quỷ. Hai là tin tưởng và quan tâm quá mức, cách không lành mạnh đến chúng. Bản thân chúng (quỷ dữ) đều hài lòng với cả hai sai lầm này. Nó vui mừng về việc làm của một pháp sư cũng như một nhà duy vật.

Ad dịch một phần video hy vọng chúng ta ý thức được những mánh khóe của sự dữ và hiểu biết rằng những lời dạy của Chúa và Giáo hội là để bảo vệ ta khỏi những nguy hiểm mà ta không thể nhìn thấy.

Ryan Bethea: Chào mừng bạn quay lại với The Exorcist, chương trình ghi lại tất cả những gì bạn muốn biết về chiến đấu tâm linh và có thể hơn thế nữa.

Tôi là Ryan Bethea, người đồng dẫn chương trình và hôm nay chúng tôi mang đến cho bạn phần hai của chương trình nghe như thể từ bộ phim được đề cử Giải Oscar: Những câu chuyện từ hai linh mục trừ quỷ. Chúng ta sẽ nghe từ cha John Zeta và cha Daniel Reehill, họ sẽ cho chúng ta nghe những câu chuyện từ những trận chiến thiêng liêng của chính họ. Chúng tôi luôn muốn khuyến khích người nghe “tự quyết định” trong việc chọn nghe chủ để này.

Trong bài trình bày hôm nay, có một câu chuyện khá rợn mình mà sẽ không phù hợp cho mọi người. Dù chúng tôi cố gắng trình bày tài liệu theo kiểu lâm sàng và đã chọn những câu chuyện này chủ yếu như một tài liệu giáo dục, chủ đề này vẫn đòi hỏi sự chủ ý quyết định. Cơ bản, chúng tôi muốn khuyến khích mọi người nếu bạn biết người nào đó đã qua đời rồi, 100% không còn sống, bỗng nhiên xuất hiện trong phòng ngủ của bạn, bạn nên dừng lại, quỳ xin Chúa đến thăm bạn ngay lúc đó.

Lúc này, chúng ta sẽ quay trở lại bang Tennessee, nơi cha Dan đã chia sẻ một câu chuyện khá bất ổn và sẽ làm chúng ta muốn cầu nguyện sốt sắng hơn tối nay. Bạn biết có nhiều thần khí được đặt tên dựa theo bản chất của hành động mà chúng hại loài người. Một trong số đó là thần khí được gọi là Incubus và Succubus, một loại quỷ cho nam và nữ quấy nhiễu loài người về mặt tình dục.

Cha Daniel: Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp giống quỷ này mặc dù tôi đã học về nó ở trường trừ quỷ ở Rôma. Nhưng một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ lớn tuổi, thực ra bà đã ngoài 70 tuổi và nói rằng, bà cần giúp đỡ. Bà cho tôi biết một chút chi tiết và tôi nói: Được, bà có thể đến văn phòng và cho tôi biết sự gì đã xảy ra.

Bà đến văn phòng và mô tả việc bà thức dậy vào một buổi tối, bà là một góa phụ và người chồng đã qua đời của bà đang đứng trong phòng ngủ và ông nói, “Anh có thể ngủ cùng em được không?” Bà nói được.

Cho những người không biết về ma quỷ: Chúng luôn tìm sự cho phép của một người. Và khi bà trả lời “Được”, đó là khoảnh khắc bà cho phép. Ông ấy lên giường và bà nói họ làm tình đêm đó và thật là tốt đẹp rồi nó kết thúc.

Buổi sáng, bà thức dậy một mình và không nghĩ ngợi nhiều về điều đó lúc này. Tôi hỏi bà: Nhưng bà đã chôn cất chồng bà và bà nhìn thấy hòm ông đi xuống đất, đúng không? Bà nói: Tôi biết, tôi biết vậy. Điều này nghe có vẻ khùng điên nhưng tôi cảm thấy cô đơn. Tôi nghĩ có thế Chúa cho phép ông ấy trở về và thăm tôi. Tôi nói: “Được rồi”. Bà ấy là Công giáo nên tôi nói: “Chúng ta không dạy điều đó”. Bà ấy nói: Tôi biết nhưng tôi cảm thấy cô đơn. Tôi hỏi: Rồi chuyện gì xảy ra sau đó?

Tối hôm sau, ông ta trở lại. Lần này, ông không xin để được lên giường, ông cứ lên giường và ông ấy hơi thô bạo với tôi. Rồi bà mắng ông ấy nói, “Không được quá mạnh với tôi”. Và kết thúc buổi tối, ông ấy rời bà.

Đêm hôm sau ông ta cưỡng hiếp bà một cách thô bạo và bà ấy hết sức sợ hãi. Đó là lúc bà gọi Văn phòng chưởng ấn và họ gọi tôi.

Tôi đi đến nhà bà, đọc lời cầu nguyện giải thoát, lời cầu nguyện thế kỷ thứ 13 của Giáo hoàng Lê-ô và nó rời khỏi đó. Từ đó bà không bị quấy rầy nữa. Đó là trường hợp dễ dàng. Tôi có đề cập trước đây là trước nạn dịch Covid, sự việc thì dễ dàng hơn, tôi chỉ đến [cầu nguyện] và chúng ra khỏi nơi đó.

Ryan Bethea: Trước hết, chúng ta hãy nói về một điểm rất quan trọng khi bà thấy người chết hiện ra trong phòng bà. Dù việc rõ ràng là nếu một người đã qua đời hiện ra trong phòng ngủ của bạn trong đêm tối và xin để cùng ngủ với bạn, bạn chắc chắn phải nói không. Nhưng người ta có thể cảm thông một bà góa, cảm thấy cô đơn, đang buồn nhớ chồng mình, bỗng nhiên thấy và tin rằng đó là ông, và nghĩ rằng có lẽ là vì Chúa cho phép ông hiện ra với bà.

Thật đáng buồn vì chúng ta biết trong thư thứ hai gửi Cộng đoàn ở Cô-rinh-tô 11:14, thánh Phaolô viết, “Lạ gì đâu! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng”. Hơn nữa, vì biết rằng chúng ta có thể phải đối mặt với sự lừa dối về mặt thiêng liêng trong cuộc sống của mình, trong thư thứ nhất 1 của thánh Gioan 4:3 đưa ra cho Kitô hữu một công cụ chẩn đoán: “Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa”.  Mặc dù chúng ta thường không biết hành vi nào có khả năng là cánh cửa mở cho phép những thần khí đi vào, những thính giả nghe podcast từ mùa trước, có lẽ nhận ra khuôn mẫu quen thuộc khi một thần khí yêu cầu sự cho phép và khi nó đã có sự cho phép đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Cha Daniel: Khoảng 3 ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người khác, đây là một người đàn ông và ông đã ngủ trên ghế bành suốt 3 ngày vì quá sợ ngủ trên giường của mình. Tôi hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra?”

Ông ấy đã có vợ và bà vợ ngủ ngay bên cạnh ông. Khoảng 4 đêm trước ông ta bị đánh thức bởi một sự gì đó đang kich thích bộ phận sinh dục của ông. Không có gì trên giường, chỉ ông và bà vợ. Và bà vợ ông không làm việc đó.

Rồi có một ý nghĩ đến trong tâm trí ông hỏi, “Ông có thích điều này không?” Ông trả lời tôi rất thích điều này và ông nói hãy cứ tiếp tục làm đi. Ông ấy nói ông ưa thích điều đó và sự việc kết thúc. Không có gì tiếp tục xảy ra.

Những điều tương tự xảy ra đêm sau đó. Nó quay trở lại và lần này, nó kích thích những phần khác mà ông không muốn bị kích thích. Đêm thứ ba, ông bị cưỡng hiếp và đó là lúc ông không thể trở lại phòng ngủ.

Ông gọi văn phòng và tôi đến, đọc lời cầu nguyện và nó rời đó, không bao giờ trở lại nữa.

Đến lúc này tôi nghĩ những sự này có vẻ kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này và đột nhiên tôi có hai trường hợp trong một tuần. Bốn năm ngày nữa trôi qua và tôi nhận được cuộc điện thoại thứ ba từ một người phụ nữ khác và đây là một luật sư. Cô ấy nói cô ấy đã chẳng theo tôn giáo nào cả (agnostic), cô không tin có Chúa và cô không hề quan tâm về điều đó. Cô đã có chồng và ông chồng cũng đang ngủ trên giường với cô. Một buổi tối, cô  cô ấy nhận thấy có thứ gì đó đang di chuyển thay đổi vị trí các bức tượng nhỏ trên tủ quần áo của cô ấy trong phòng ngủ của cô. Cô bị thu hút bởi nó và nó không làm cô sợ hãi. Cô nhìn những bức tượng nhỏ bị đi chuyển. Đêm thứ hai, nó quay trở lại và tiếp tục di chuyển mọi thứ xung quanh tủ quần áo. Cô ấy bắt đầu nghĩ, liệu mình đang tưởng tượng ra điều này hay là có thứ gì đó trong phòng nên cô ấy nói nếu có ai đó ở đây, nếu có sự gì ở đây, thì  hãy nắm lấy tay tôi và nó đã nắm lấy tay cô. Cô nghĩ, Ồ, vậy là có sự gì ở đây. Ở thời điểm này cô không có nỗi sợ gì cả và cô không biết tại sao cô lại nói nắm tay tôi nhưng cô đã nói.

Nó quay trở lại vào đêm hôm sau. Khi cô ở trên giường, nó bắt đầu chạm vào nhiều nơi khác nhau trên cơ thể cô và cô có vẻ thích thú với điều đó. Một lần nữa cô ấy không bảo nó dừng lại nên nó cứ đi xa hơn một chút và rồi đến đêm thứ tư, cô ấy bị cưỡng hiếp. Cô có ý chí mạnh mẽ hơn người đàn ông trong câu chuyện trước. Cô tìm cách để ngủ và nói với chồng cô canh chừng cho cô nhưng ông không thể làm được gì. Cô ấy nói khi cô bắt chéo chân thì nó sẽ xâm nhập vào cô ấy từ phía sau và điều đó càng đau đớn và nhiễu loạn hơn. Cuối cùng cô ấy đã gọi địa phận và nói, tôi không là người Công giáo nhưng tôi cần giúp đỡ và địa phận gởi tôi.

Khi tôi đến và cầu nguyện cho người phụ nữ này, nó đã không quấy nhiễu cô một tuần sau đó. Nhưng rồi nó quay trở lại và tôi nghĩ đó là vì cô ấy không có sự nối kết với một đời sống đức tin nên tôi nói cô cần đi thờ phượng Chúa với cộng đoàn và có một mối tương quan với Chúa Giê-su nếu không điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn. Cô ấy nói được, tôi sẽ đi nhà thờ. Nó quay trở lại, tôi lần nữa đến với cô, và tôi hỏi điều gì đã xảy ra. Cô ấy trả lời tôi đã không có cơ hội để đi đến nhà thờ.

Tôi nói việc trừ tà không hoạt động như vậy. Tôi đã nói là chị phải trở lại với việc thờ phượng và thiết lập mối tương quan với Chúa ngay lập tức. Cô ấy trả lời, Được. Lần này tôi sẽ làm tốt hơn. Tôi đọc lời cầu nguyện lần nữa. Khoảng hai tuần cô ấy gọi lại và cô ấy vẫn chưa quay lại với việc thờ phượng. Tôi lại có công việc ở nước ngoài và vắng mặt khoảng ba tuần nên tôi đã giới thiệu cô ấy với một lính mục trừ quỷ mới hơn. Tôi nói chị phải nói chuyện với vị linh mục ấy lúc này. Tôi cho cha ấy biết các chi tiết. Cô ấy nói được. Linh mục ấy đến gặp cô, cha đọc lời cầu nguyện và cô ấy không gọi lại nữa.

Nhưng tôi không tin rằng nó đã biến mất. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã cách nào đó chấp nhận sống với nó.

Tôi không biết và tôi chỉ đoán thôi nhưng cô ấy không cho tôi ấn tượng rằng cô ấy nghiêm túc muốn quay lại việc cùng với giáo xứ tham gia việc thờ phượng.

Nhưng để người nghe hiểu điều này là chỉ có hai phe trong trận chiến: Satan chống lại Chúa, Thiên thần chống lại ma quỷ và chúng ta ở giữa. Bạn phải chọn bạn sẽ tham gia đội nào. Nếu bạn không phải là thành viên trong đội của Chúa thì bạn sẽ ở trong đội của kẻ thù và ngay cả Chúa Giê-su cũng đã nói điều đó nếu bạn

Bạn biết đấy, trong thời đại chúng ta đang sống này, tôi thực sự tin rằng mọi người phải ý thức hơn về đức tin của mình và cũng quyết tâm hơn trong việc thực sự chọn Chúa. Bạn không thể kiểu nghĩ tôi theo đạo và nghĩ trung tính, không hẳn chọn vâng lời Chúa thì cũng không sao.

Share:

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Chúa Nhật II Mùa Thường niên, năm B

Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Samuel trong Cựu Ước nói về một phép lạ, một sự can thiệp kỳ diệu, siêu nhiên của Thiên Chúa vào cuộc đời của cậu bé Samuen. Chúa đã phán với Samuen những lời ông có thể nghe được vào lúc nửa đêm, những lời mà ông thực sự đã nghe được bằng tai mình. Vì điều đó chưa bao giờ xảy ra với hầu hết chúng ta nên có lẽ chúng ta tự hỏi câu chuyện này có liên quan đến chúng ta như thế nào. …

Câu hỏi là: Làm thế nào, ở đâu và khi nào chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúa, của chính Thiên Chúa mà Samuen đã nghe một cách kỳ diệu, cách bình thường và hàng ngày? Có nhiều trả lời cho câu hỏi đó. Trên thực tế, có ít nhất bảy câu trả lời.

Câu trả lời trước hết và đầy đủ nhất là: trong Chúa Giêsu Kitô, trong lời của Chúa Kitô nơi Tin Mừng. Chúa Giêsu là phép lạ chủ yếu và là sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói trong Côlôsê rằng “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Col. 1:19). Và chúng ta biết Người và những lời nói của Người nhờ Phúc âm. Tất cả chúng ta đều đã nhận được phép lạ đó, phép lạ vĩ đại nhất trong mọi phép lạ.

Câu trả lời thứ hai là chúng ta không chỉ nghe lời Chúa (“lời” ở số nhiều) mà chúng ta còn thực sự trở nên hiệp nhất cách cá vị với Lời Chúa (“Lời” ở số ít) - tức là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chúng ta thực sự hiệp nhất với Người trong linh hồn và ngay cả về thân xác khi rước lễ, trong việc đón nhận Người, trọn vẹn: Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính, trong bí tích Thánh Thể.

Câu trả lời thứ ba là chúng ta nghe thấy tiếng Chúa, lời Chúa và ý muốn của Chúa qua những gì Giáo hội cho chúng ta biết một cách có thẩm quyền mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ban cho chúng ta. Giáo hội trao cho chúng ta lời giải thích sống động về lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy” (Lc 10:16). Và ai vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Thiên Chúa.

Câu trả lời thứ tư là chúng ta nghe thấy tiếng Chúa trong thiên nhiên, trong mọi thứ Ngài tạo ra. Chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự vì Ngài là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Thiết Kế mọi sự… Thiên nhiên không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được Thiên Chúa thiết kế, không phải cho chính nó hay cho Thiên Chúa, mà là cho chúng ta. Thiên nhiên là một cái cũi chứa đầy đồ chơi để những đứa trẻ về mặt tâm linh là chúng ta được vui chơi, yêu thương và học hỏi từ đó. Ở cấp độ cao hơn, thiên nhiên là một thánh đường vĩ đại để chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ. Chúng ta tôn thờ Đấng Tạo Hóa, không phải tạo vật, mà Đấng Tạo Hóa là Đấng Tạo Hóa của tất cả những sinh vật này.

Câu trả lời thứ năm là chúng ta có thể nghe thấy tiếng Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời mình, bởi vì mọi sự trong cuộc sống của chúng ta đều là một phần trong sự quan phòng của Chúa, một phần của câu chuyện Ngài đang viết. Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự nên Ngài biết chính xác những gì chúng ta cần nhất, và Ngài là Đấng Toàn Thiện, nên Ngài không muốn gì ngoài điều tốt nhất cho chúng ta; Ngài là Đấng toàn năng nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì; Ngài có thể sử dụng bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ, kể cả điều ác, để chúng ta đạt được cùng đích tốt đẹp nhất (không phải tạm thời nha), đạt được niềm vui sâu thẳm nhất ….

Câu trả lời thứ sáu là chúng ta nghe được tiếng Chúa trong lương tâm mình. Lương tâm là ngôn sứ của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta. Tất nhiên, chúng ta phải thành thật học hiểu để huấn luyện lương tâm của mình; lương tâm của chúng ta có thể sai lầm; tiếng nói của lương tâm không phải là Chúa mà nó là ngôn sứ của Chúa (ngôn sứ có thể hiểu lầm những điều Chúa nói). Lương tâm có thẩm quyền về đạo đức luân lý, do đó, việc cố tình làm trái lương tâm mình luôn là sai và tuân theo tiếng lương tâm luôn là đúng. Và khi chúng ta vâng theo tiếng lương tâm, khi chúng ta thực hiện những điều mà Chúa truyền cho chúng ta làm qua tiếng lương tâm, chúng ta nghe thấy tiếng nói chấp thuận của Chúa trong lương tâm mình; cũng như khi chúng ta không vâng lời tiếng lương tâm, chúng ta sẽ cảm nhận được sự không bằng lòng của Chúa, được gọi là tội. Tội thì như nỗi đau; chức năng của nó giống như một chiếc chuông báo động để đánh thức chúng ta.

Câu trả lời thứ bảy là chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa trong lời cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta dành bao nhiều thời gian để lắng nghe Chúa và bao nhiêu thời gian là thưa chuyện với Chúa? Chúng ta cần cả hai, nhưng chúng ta đặc biệt cần lắng nghe, vì Chúa khôn ngoan hơn chúng ta rất nhiều. Khi bạn nói chuyện với một học sinh hoặc một đứa trẻ, bạn là người nói chủ yếu vì bạn biết nhiều hơn. Khi bạn nói chuyện với một người bình đẳng, bạn sẽ nói và nghe ở mức độ như nhau. Khi bạn nói chuyện với ai đó khôn ngoan hơn mình, bạn chủ yếu lắng nghe. Vậy tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian để lắng nghe Chúa khi cầu nguyện? Bởi vì chúng ta là những kẻ ngốc. Hoặc vì chúng ta lười biếng. Lắng nghe cần nhiều nỗ lực hơn là nói. Im lặng khó hơn là nói. Nhưng lắng nghe thì quan trọng hơn nhiều khi đối tác của chúng ta là Chúa.

Vậy, lần tới khi cầu nguyện, chúng ta hãy dành ít nhất một nửa thời gian cầu nguyện để lắng nghe, trong tĩnh lặng, với tâm trí và trái tim rộng mở. Chúng ta hãy nói những lời tuyệt vời và mạnh mẽ mà Ê-li đã dạy Sa-mu-en: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Đấng Mêsia sẽ là Cứu Chúa của chúng ta. Nhưng Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi cái gì? -- Chúa Hiển Linh

Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.

Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. (Isaia 60:1-3)

Khi dân chúng nghe lời tiên tri rực rỡ và vinh hiển này của Isaia, khoảng năm hoặc sáu thế kỷ trước Đức Kitô, có lẽ hầu hết đều nghĩ rằng đó là lời tiên tri về một chiến thắng hữu hình, một chiến thắng vật chất, thuộc thế gian này của dân Israel chứ không phải là “Tin Mừng” của thế giới vượt khỏi thế giới tự nhiên và vô hình. Tin Mừng không chỉ là tin tốt đẹp hơn chiến thắng hữu hình, chỉ thuộc về thế giới vật chất, mà còn tốt đẹp hơn thế vô cùng bởi vì nó không chỉ mang lại cho chúng ta “thành công” tạm thời mà còn là “thành công” vĩnh viễn. Nhưng chỉ có ba nhà thông thái đến từ ngoài dân tộc Israel đủ khôn ngoan để nhận ra sự ứng nghiệm của lời tiên tri này nơi một đứa bé nằm trong máng ăn của gia súc, vì cha mẹ là những người nghèo không tìm được chỗ để sinh con.

Viễn cảnh của Isaia về việc cả thế giới hành hương đến Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa thật, “của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” và “lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha” mang vẻ của một viễn cảnh về sự thành công chính trị hữu hình trên thế giới này.

Tuy nhiên, dân tộc Israel, ngôi đền thờ vĩ đại và nghi lễ tôn giáo trọng tâm của đạo Do Thái, những tế lễ phụng vụ theo Luật Môsê, đã kết thúc vĩnh viễn khi người La Mã phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ vào năm 70 SCN. Thật không chút nào là một câu chuyện về thành công! Nhưng sự thành công mang tính thiêng liêng. Gần một nửa thế giới tin vào Thiên Chúa của người Do Thái nhờ các nhà truyền giáo Kitô giáo.

Những lời tiên tri nói rằng khi Đấng Mêsia đến, Thiên Chúa sẽ thiết lập vương quốc của Ngài và cả thế giới sẽ biết đến Thiên Chúa thật. Đó là lý do tại sao người Do Thái không cử các nhà truyền giáo đi giảng đạo: họ tin rằng Đấng Mêsia vẫn chưa đến. Và đó là lý do tại sao những người Kitô hữu lại đi truyền đạo: bởi vì họ tin rằng Ngài đã đến và đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri. Ngài đã thành lập vương quốc của mình trên trần gian và Ngài là vua của nó, nhưng ngai vàng của Ngài không phải là một chiếc ghế vàng trong cung điện. Ngai vàng của Chúa ở trong trái tim bạn, trong đức tin, hy vọng và tình yêu của bạn.

Tại sao Chúa không truyền cảm hứng cho các nhà tiên tri của Ngài để họ giải thích rõ ràng hơn? Thiên Chúa lẽ ra đã có thể khắc phục được sự hiểu lầm tự nhiên này về vương quốc của Ngài không là một vương quốc chính trị. Có lẽ đó là lý do chính tại sao hầu hết người Do Thái vào thời Chúa Giê-su không chấp nhận ngài là Đấng Mêsia. Khi họ đến tôn Ngài làm vua, Ngài đã lẩn trốn. Thay vì tranh cử, Ngài lại ẩn mình. Tại sao Thiên Chúa không nói rõ điều đó trong những lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Mêsia? Tại sao Thiên Chúa lại cố tình truyền cảm hứng cho các tiên tri của mình để nói một cách mơ hồ như vậy?

Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và điều tình yêu mong muốn trước hết không phải là trí óc mà là trái tim. Sự mù mờ của tâm trí là một thử thách của trái tim. Chúa ban cho chúng ta đủ ánh sáng để soi sáng cho chúng ta, để nếu muốn tìm Ngài thì sẽ tìm thấy, không muốn tìm thì sẽ không tìm thấy. “Ai tìm thì sẽ thấy” (Mt. 7:8). Nhưng ai không tìm thì không thấy. Ngài đang thử thách chúng ta, bởi vì Chúa là tình yêu và do đó Chúa muốn trái tim trước hết chứ không phải khối óc. Chúng ta không vào thiên đàng bằng cách vượt qua kỳ thi thần học mà bằng cách yêu mến Thiên Chúa và người khác. Ngài đang thử thách tấm lòng, tình yêu của chúng ta.

Đó là lý do tại sao những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ tương lai của Người trong Tin Mừng Gioan là “Các anh tìm gì thế?” (Gioan 1:38). Những người đặt lòng mình vào sự an ủi và thành công trần tục sẽ giải thích những lời hứa của Thiên Chúa, chẳng hạn như đoạn văn hôm nay của tiên tri Isaia, theo những gì trái tim họ ưa thích, và do đó hiểu sai chúng. Và những người có tấm lòng hướng về Chúa và về bản chất Ngài, đó là tình yêu, sự công chính, công bằng và lòng thương xót, sẽ giải thích chúng một cách đúng đắn, và họ sẽ tìm thấy Chúa Giê-su là Đấng Mêsia của họ. Ngài sẽ trao cho họ điều mà trái tim họ mong mỏi nhất. Ngài sẽ không làm điều đó với những người đặt trái tim vào thành công trần thế.

Trái tim luôn ảnh hưởng đến cái đầu. Việc làm đúng đắn dẫn đến việc biết suy nghĩ đúng đắn. Lối sống đúng đưa đến suy nghĩ đúng. Nếu bạn yêu, bạn sẽ thấy. “Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Chúa Giê-su nói với những người nghi ngờ Ngài: “Ai chọn làm theo ý của [Chúa Cha] sẽ biết lời dạy của tôi đến từ Thiên Chúa hay tôi tự mình giảng dạy” (Gioan 7:17). Đó là lý do tại sao các thánh biết Thiên Chúa hơn các nhà thần học: bởi vì người giải thích Tình Yêu tốt nhất chính là tình yêu.

Những lời tiên tri về Đấng Mêsia là những lời tiên tri về sự cứu rỗi. Đấng Mêsia sẽ là Cứu Chúa của chúng ta. Nhưng Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi cái gì? Thất bại quân sự? Nghèo túng? Đau khổ? Thiếu hiểu biết về xã hội? Da-ca-ri-a đã nói tiên tri rằng Hài Nhi này “sẽ cứu chúng ta khỏi kẻ thù” (Lu-ca 1:71). Nhưng kẻ thù của chúng ta là ai? Không phải người La Mã mà chính là tội lỗi của bản thân chúng ta. Thiên sứ loan báo rằng “Ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su [có nghĩa là ‘Đấng Cứu Thế’ hay ‘Chúa cứu’], vì chính Ngài sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mt. 1:21).

Lời mô tả sứ vụ đó giải thích tại sao vương miện của Chúa chúng ta không được làm bằng vàng mà là một vòng gai nhọn. Điều đẹp nhất ở nơi Chúa Giêsu là những vết thương, vì đó là những vết thương của tình yêu Thiên Chúa, và không có gì đẹp hơn tình yêu của Thiên Chúa. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Blog Archive

Blog Archive