Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

CHƯƠNG 11: Khôi phục

Chuyển ngữ từ The End of Woman: How Smashing the Patriarchy Has Destroyed Us

Trong cuốn sách The Case against the Sexual Revolution / Vấn đề của cuộc cách mạng tình dục, Louise Perry viết về hôn nhân:

Những người chỉ trích hôn nhân đã đúng khi nói rằng trong lịch sử, nam giới đã sử dụng hôn nhân như một phương tiện để kiểm soát phụ nữ, và họ đúng khi nêu ra rằng hầu hết các cuộc hôn nhân không đáp ứng được lý tưởng của một cuộc sống lãng mạn. Họ cũng đúng khi nói rằng hôn nhân một vợ một chồng, trọn đời theo một nghĩa nào đó, “không tự nhiên” vì nó không phải là điều con người có thể làm được. Hệ thống hôn nhân chiếm ưu thế ở phương Tây cho đến gần đây không hề hoàn hảo, nó không dễ dàng cho hầu hết mọi người tuân theo vì nó đòi hỏi mức độ bao dung và tự chủ cao.

Những người chỉ trích đó sai ở chỗ họ tin rằng có hệ thống nào đó tốt hơn. Không hề có một hệ thống nào khác tốt lành hơn.1

Điều mà Perry và những người chỉ trích hôn nhân đã bỏ qua là hôn nhân không chỉ là để có con cái. Hôn nhân là điều cần thiết để xây dựng một nền văn minh lành mạnh và phát triển. Hôn nhân một vợ một chồng là điều trọng yếu.

Vào những năm 1920, J. D. Unwin, một nhà dân tộc học và nhân chủng học xã hội người Anh tại Đại học Oxford và Đại học Cambridge, đã quyết định khảo xét chế độ một vợ một chồng và nền văn minh. Unwin, một người vô thần, đã sàng lọc tám mươi bộ lạc nguyên thủy và sáu nền văn minh được biết đến trong hơn năm nghìn năm lịch sử, bao gồm người Sumer, người Babylon, người Ai Cập, người Assyria, người Ba Tư, người Ấn Độ giáo, người Trung Quốc và người La Mã. Kết quả được công bố trong cuốn sách Sex and Culture  / Tình dục và Văn hóa năm 1934, đã khiến ngay cả tác giả cũng phải ngạc nhiên.

Trong nghiên cứu của mình, Unwin phát hiện ra rằng nền văn hóa càng kiềm chế dục vọng, thì nền văn hóa đó càng đạt được nhiều thành tựu. Các nền văn hóa một vợ một chồng có thể xây dựng và phát triển, sản xuất nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc và khoa học, mở rộng nền kinh tế và tạo không gian cho con người phát triển. Nhưng Unwin cũng nhận ra rằng ngay khi một nền văn hóa từ bỏ chế độ một vợ một chồng, đặc biệt là khiết tịnh trước hôn nhân, nó sẽ sụp đổ trong vòng ba thế hệ (ông ước tính mỗi thế hệ là ba mươi ba năm).

Unwin viết: “Bất kỳ xã hội loài người nào cũng chỉ có thể lựa chọn một trong hai: phơi bày những nghị lực vĩ đại hoặc tận hưởng tự do tình dục. Bằng chứng cho thấy là xã hội không thể chọn cả hai [nghị lực vĩ đại và tự do tình dục] cùng một lúc dài hơn một thế hệ.”2

Unwin mô tả cái mà ông gọi là “sự lặp lại dễ thấy về mặt lịch sử” của sự suy tàn theo sau mỗi nền văn hóa mà ông nghiên cứu. “Thật khó để quyết định khía cạnh nào của câu chuyện là quan trọng hơn: sự thiếu tư tưởng gốc một cách đáng tiếc của tất cả những người cải cách, hay cái cách mà con người luôn nắm bắt cơ hội sớm nhất để thỏa mãn những ham muốn bẩm sinh của mình một cách trực tiếp hoặc sai trái sau một thời gian cưỡng chế tiết dục [kiềm chế tình dục] mãnh liệt.”3

Năng lượng của con người là trọng tâm trong nghiên cứu của Unwin. Năng lượng con người vốn có giới hạn. Khi một nền văn hóa từ bỏ hệ thống một vợ một chồng, Unwin giải thích, “ham muốn tình dục khi đó có thể được thỏa mãn một cách trực tiếp hoặc cách bị biến thái… Vì vậy, năng lượng của xã hội giảm đi và sau đó biến mất.”4 Tự do tình dục tiếp tục lan tràn, như chúng ta đã thấy trong nền văn hóa của chính chúng ta, xâm vào cả những năm đầu tiên của thời thơ ấu [của con người]. Chúng ta phải trả giá cho điều đó, Unwin nói: “Hội thoại, văn học, kịch nghệ, nghệ thuật, khoa học, những cách thức nấu nướng, đồ nội thất, kiến trúc, kỹ thuật, làm vườn, nông nghiệp—những điều này và tất cả các hoạt động khác của con người đều bị sàng sảy bởi sự ảnh hưởng từ [tự do tình dục]. ”5

Hãy xem xét mức độ tập trung trong nền văn hóa của chúng ta dành cho các vấn đề liên quan đến tự do tình dục: phá thai, kiểm soát sinh sản nhân tạo, chăm sóc sức khỏe, “chuyển đổi giới tính”, ly hôn, con cái tan vỡ gia đình, những ông bố bỏ lơ gia đình, những bà mẹ làm việc quá sức, v.v. . Nhưng nếu có sự kiềm chế cho các xung động tình dục, Unwin viết, “sự hạn chế về cơ hội tình dục… sẽ tạo ra ý tưởng, việc suy ngẫm và năng lượng.”6 Đây là những yếu tố xây dựng, trong khi sự tự do tình dục dẫn đến suy tàn.

Unwin cũng thấy rằng “trong những ghi chép lại của loài người, không có trường hợp nào về một xã hội giữ được năng lượng của mình sau khi một thế hệ hoàn toàn mới đã kế thừa một truyền thống không đòi hỏi tiết dục trước và sau hôn nhân.”7 Unwin đã nhiều lần thấy sự lặp đi lặp lại rằng khi các nền văn hóa trở nên thịnh vượng và áp dụng các phong tục tình dục tự do, văn hóa đó mất đi sự thống nhất và ý thức về mục đích.

Mỗi người đều có một lượng thời gian, sự tập trung, năng lượng, tiền bạc, trí thông minh, v.v. nhất định. Theo Unwin, cách chúng ta sử dụng chúng, không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn ảnh hưởng ít nhất đến thế hệ thứ ba sau khi chúng ta không còn nữa.

Có lẽ ví dụ điển hình nhất về năng lực thăng hoa là hệ thống đan viện của Thánh Bênêđictô, khi nền văn minh La Mã đang sụp đổ. Những người đàn ông độc thân, tập trung sức lực vào công việc và cầu nguyện, không chỉ bảo tồn những yếu tố then chốt của Đế chế La Mã mà còn thiết lập và xây dựng qua nhiều thế kỷ, mở rộng các ngành công nghiệp và công nghệ phát triển mới, chẳng hạn như hệ thống học thuật, phương pháp khoa học, tiến bộ nông nghiệp, bệnh viện, và các trường đại học.

Unwin khám phá ra rằng một khi đức khiết tịnh trước hôn nhân bị bỏ rơi, trong vòng một trăm năm nữa xã hội cũng sẽ từ bỏ hệ thống một vợ một chồng, chủ nghĩa hữu thần và tư duy duy lý. Đây có lẽ là điều sâu sắc nhất trong những gì ông nhìn thấy, bởi vì nó nói lên thực trạng nền văn hóa của chúng ta. Niềm tin vào Chúa, hôn nhân và thậm chí cả tư duy duy lý đều đã bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc luôn thay đổi của cá nhân.

Unwin cũng nhận thấy rằng một khi nền văn hóa đi theo hướng này thì việc phục hồi nền văn minh là điều không thể xảy ra, phần lớn là do tầng lớp tinh hoa có khả năng điều khiển thông tin. Unwin thấy rằng tình trạng của bất kỳ nền văn minh nào “không phụ thuộc vào hành vi của đa số (những người thường gần như bị kiểm soát hoàn toàn bởi tâm trí vô thức của họ) mà phụ thuộc vào hành vi của một thiểu số nhỏ thể hiện sức mạnh vốn có của họ.”8 Tình trạng tồn tại của một nền văn hóa tùy thuộc vào giới tinh hoa của xã hội đó; họ có ảnh hưởng trực tiếp tới cách hành xử của “quần chúng”. Chắc chắn có rất nhiều bằng chứng về điều này trong nền văn hóa của chúng ta, và sự thành công của tự sự nữ quyền là bằng chứng rõ ràng về điều đó. Chúng ta đã “xuôi theo” ý đồ của họ.

Nghiên cứu của Unwin trùng hợp với nghiên cứu của nhà sử học người Anh Arnold Toynbee, người đã xuất bản cuộc khảo sát rộng lớn về 27 nền văn minh đã chết, A Study of History / Một Nghiên Cứu về Lịch sử, ngay sau Unwin—trong 12 tập từ năm 1934 đến năm 1961—và lập luận, “Các nền văn minh chết vì tự sát, không phải vì bị tiêu diệt.”9Các nền văn minh bị sự suy đồi khoét rỗng từ bên trong, chứ không phải bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược bên ngoài.

Một khi những giai đoạn suy tàn này bắt đầu, Unwin không thấy một nền văn minh nào có thể đảo ngược tiến trình của nó. Một nhóm nhỏ giới tinh hoa kiểm soát thông điệp, trong khi đa số bị làm câm lặng. Hai thế kỷ qua đã chứng kiến những lời tiên đoán của Marx, Marcuse, Reich và Millett, những người đã hứa hẹn về sự khai sáng và những điều không tưởng mà những người có thiện chí đã tin tưởng. Tuy nhiên, những điều họ hứa đã không tạo nên nền văn minh cao cả, mà chỉ bào mòn nền văn minh cho đến khi nó rách nát, mòn xơ cả chỉ. Mặc dù thông điệp của Unwin và Toynbee có vẻ vô vọng, vẫn có những tia hy vọng rằng nền văn minh sẽ không sụp đổ dưới sức nặng của Marx và những người theo ông.

1. Louise Perry, The Case against the Sexual Revolution: A New Guide to Sex in the 21st Century (Cambridge: Polity Press, 2022), 243.
2. J. D. Unwin, Sex and Culture (London: Oxford University Press, 1934), 412.
3. Ibid., 412.
4. Ibid., 431.
5. Ibid., 413–14.
6. Ibid., 317.
7. J. D. Unwin, Hopousia, or The Sexual and Economic Foundations of a New Society (London: George Allen and Unwin LTD, 1940), 84–85.
8. Unwin, Sex and Culture, 420.
9. New World Encyclopedia, s.v. “Arnold J. Toynbee,” https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Arnold_J._Toynbee.
10. Whittaker Chambers, Witness, 50th anniversary ed. (Washington, D.C.: Regnery Gateway, 1980), 8.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive