Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.
Xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người. -- Thánh vịnh 24
Bài Thánh vịnh trong đáp ca của Thánh lễ hôm nay nói về “đường nẻo” của Thiên Chúa và xin Chúa dạy cho chúng ta “lối đi” của Ngài. Những từ đó có nghĩa là gì? Chúa Giêsu phán: “Ta là Con Đường” (Ga 14,6). Ý của Ngài là gì? Thay vì chỉ ngồi đó thụ động và cảm thấy buồn chán vì đã nghe những điều này quá nhiều lần, đến nỗi tất cả đã trở thành những lời sáo rỗng chẳng nói lên được điều gì với chúng ta, chúng ta hãy mạnh dạn suy nghĩ về những từ ngữ thực tế trong bài Thánh vịnh này, đặc biệt là từ “con đường”... “Đường lối” của Chúa là gì?
Nó có nghĩa là tính cách của Chúa, phong cách của Chúa, cá tính của Chúa, bản chất của Chúa, được thể hiện qua cách Chúa hành động, cách Chúa thực hiện mọi việc. Thiên Chúa có một tính cách, một cá tính. Ngài không phải là tất cả mọi thứ nói chung và không là sự gì riêng biệt. Thiên Chúa thì vô tận, nhưng vộ tận ở từng thuộc tính rất rõ ràng và có thể xác định được: Thiên Chúa khôn ngoan vô tận chứ không là khờ khạo; vô cùng mạnh mẽ, không hề yếu đuối; vô cùng tốt lành, không độc ác; sống động vô tận, chứ không là chết khô, v.v. Chúng ta có thể tìm biết Ngài hơn, làm bạn với Ngài và có một mối tương quan cá vị với Ngài vì Chúa có một tính cách đặc biệt, cũng tương tự như chúng ta có thể làm quen với nhau. Thiên Chúa không “nói chung là một thực thể”. Bạn không thể biết hoặc làm bạn với một “thực thể nói chung”.
Tác giả Thánh Vịnh đề cập đến bảy từ, bảy danh từ mô tả “đường lối” đó của Thiên Chúa: “sự thật”, “lòng trắc ẩn”, “tình yêu”, “thân ái”, “tốt lành”, “liêm chính” và “công bằng”. Vì vậy, nếu nhân cách của chúng ta giống Chúa, và nếu cách sống và hành động của chúng ta giống Chúa, thì chúng ta sẽ có sự thật trong tâm trí, sự ngay thẳng trong ý chí, tình yêu trong trái tim, lòng tốt trong ý định, lòng trắc ẩn trong cảm xúc, công bằng trong hành động và sự thân ái trong phong cách của mình. “Con đường” của Chúa thì trọn vẹn; đó là con đường cho mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.
Sau đó, tác giả Thánh Vịnh sử dụng năm từ, năm động từ để mô tả mối quan hệ mà ông ước nguyện: xin Chúa “dạy” hay “chỉ bảo” cho ông đường lối của Chúa, xin Thiên Chúa “hướng dẫn” ông, xin Thiên Chúa “nhớ đến” ông, để Chúa có thể “cứu” ông, và Chúa có thể “chỉ lối” cho ông. Chúng ta hãy xét xem những từ quen thuộc này có nghĩa là gì.
Thiên Chúa nhớ đến chúng ta vì Ngài không bao giờ quên chúng ta. Chúa không bao giờ quên sự gì cả; Chúa biết tất cả mọi thứ, và Chúa không thay đổi.
Ngài dạy chúng ta bằng cách mạc khải đường lối của Ngài, bằng cách chỉ cho chúng ta chứ không chỉ bằng cách nói cho chúng ta biết – nghĩa là bằng cách chỉ cho chúng ta thấy các đấng thánh của Ngài, và trên hết là Con của Ngài.
Ngài hướng dẫn chúng ta trong những lựa chọn và hành động của chúng ta bằng luật pháp, các giới răn của Ngài, là lộ trình của chúng ta trong suốt cuộc đời.
Và Ngài cứu chúng ta khỏi ba kẻ thù tồi tệ nhất là tội lỗi, sự chết và hỏa ngục bằng cách đến giữa chúng ta để sống, chịu chết và phục sinh cho chúng ta.
Cuối cùng, tác giả Thánh Vịnh dùng hai từ để mô tả chúng ta, những đối tượng được Thiên Chúa dạy dỗ, biểu lộ cho biết, hướng dẫn, nhớ đến, cứu độ và chỉ dẫn. Họ là những “tội nhân” và “những người thấp hèn”.
Nếu chúng ta không biết và thừa nhận mình là tội nhân—tức là nếu chúng ta không khiêm nhường—thì chúng ta sẽ không nhận được bất kỳ “đường lối” nào của Thiên Chúa. Khiêm tốn, xưng tội và ăn năn tội lỗi là điều kiện đầu tiên và không thể chối cãi được để nhận biết Thiên Chúa. Tất cả các vị thánh, không có ngoại lệ, đều nói như vậy. Chúng ta không bắt đầu bằng “Tôi thông minh” mà là “Tôi ngu ngốc”; không phải với “Tôi đã đúng” mà là “Tôi đã sai”; không phải với từ “Biết mà!” nhưng với từ “Rất tiếc!” Kkhông phải bằng việc nói mà bằng việc lắng nghe; không phải bằng tiếng ồn mà bằng sự im lặng. Chúa nói theo những cách khác nhau đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nghe được Ngài nếu chúng ta không im lặng.
“Những cách thức đa dạng tuyệt vời” đó để học “đường lối” của Chúa là những cách nào? Làm thế nào chúng ta, những tội nhân thấp hèn, nhận được sự dạy dỗ, hướng dẫn, ghi nhớ, cứu rỗi và bày tỏ từ Thiên Chúa, Đấng có “đường lối” chân thật, từ bi, đầy yêu thương, thân ái, nhân hậu, ngay thẳng và công bằng? Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và nhân cách độc đáo của Ngài ở đâu?
Trong vẻ đẹp và sự thông minh được thể hiện trong vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng, trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời chúng ta, qua các vị ngôn sứ của Ngài, trong các tác phẩm của Kinh Thánh, trong những lời giảng dạy của Giáo hội, trong các tín điều của Giáo hội, trong chính lương tâm chúng ta và nhận thức của nó về luật luân lý tự nhiên, trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, và trong đời sống các thánh; trên hết là nơi Chúa Kitô, Đấng được biết đến trong các Tin Mừng và được lãnh nhận trong các bí tích.
Đó là mười cách, mười cách mà chúng ta tìm thấy Chúa và mười cách Ngài tìm thấy chúng ta. Đây không phải là một bữa ăn nhẹ; đó là một bữa tiệc. Vì vậy, chúng ta hãy nhấm nháp nhiều hơn nữa tại bàn tiệc lộng lẫy trong Thánh lễ này. Những gì Chúa thết đãi không phải là quá ít mà là quá nhiều để chúng ta có đủ khả năng thưởng thức. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét