Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Chúa Nhật II Mùa Thường niên, năm B

Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Samuel trong Cựu Ước nói về một phép lạ, một sự can thiệp kỳ diệu, siêu nhiên của Thiên Chúa vào cuộc đời của cậu bé Samuen. Chúa đã phán với Samuen những lời ông có thể nghe được vào lúc nửa đêm, những lời mà ông thực sự đã nghe được bằng tai mình. Vì điều đó chưa bao giờ xảy ra với hầu hết chúng ta nên có lẽ chúng ta tự hỏi câu chuyện này có liên quan đến chúng ta như thế nào. …

Câu hỏi là: Làm thế nào, ở đâu và khi nào chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúa, của chính Thiên Chúa mà Samuen đã nghe một cách kỳ diệu, cách bình thường và hàng ngày? Có nhiều trả lời cho câu hỏi đó. Trên thực tế, có ít nhất bảy câu trả lời.

Câu trả lời trước hết và đầy đủ nhất là: trong Chúa Giêsu Kitô, trong lời của Chúa Kitô nơi Tin Mừng. Chúa Giêsu là phép lạ chủ yếu và là sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói trong Côlôsê rằng “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Col. 1:19). Và chúng ta biết Người và những lời nói của Người nhờ Phúc âm. Tất cả chúng ta đều đã nhận được phép lạ đó, phép lạ vĩ đại nhất trong mọi phép lạ.

Câu trả lời thứ hai là chúng ta không chỉ nghe lời Chúa (“lời” ở số nhiều) mà chúng ta còn thực sự trở nên hiệp nhất cách cá vị với Lời Chúa (“Lời” ở số ít) - tức là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chúng ta thực sự hiệp nhất với Người trong linh hồn và ngay cả về thân xác khi rước lễ, trong việc đón nhận Người, trọn vẹn: Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính, trong bí tích Thánh Thể.

Câu trả lời thứ ba là chúng ta nghe thấy tiếng Chúa, lời Chúa và ý muốn của Chúa qua những gì Giáo hội cho chúng ta biết một cách có thẩm quyền mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ban cho chúng ta. Giáo hội trao cho chúng ta lời giải thích sống động về lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy” (Lc 10:16). Và ai vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Thiên Chúa.

Câu trả lời thứ tư là chúng ta nghe thấy tiếng Chúa trong thiên nhiên, trong mọi thứ Ngài tạo ra. Chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự vì Ngài là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Thiết Kế mọi sự… Thiên nhiên không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được Thiên Chúa thiết kế, không phải cho chính nó hay cho Thiên Chúa, mà là cho chúng ta. Thiên nhiên là một cái cũi chứa đầy đồ chơi để những đứa trẻ về mặt tâm linh là chúng ta được vui chơi, yêu thương và học hỏi từ đó. Ở cấp độ cao hơn, thiên nhiên là một thánh đường vĩ đại để chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ. Chúng ta tôn thờ Đấng Tạo Hóa, không phải tạo vật, mà Đấng Tạo Hóa là Đấng Tạo Hóa của tất cả những sinh vật này.

Câu trả lời thứ năm là chúng ta có thể nghe thấy tiếng Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời mình, bởi vì mọi sự trong cuộc sống của chúng ta đều là một phần trong sự quan phòng của Chúa, một phần của câu chuyện Ngài đang viết. Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự nên Ngài biết chính xác những gì chúng ta cần nhất, và Ngài là Đấng Toàn Thiện, nên Ngài không muốn gì ngoài điều tốt nhất cho chúng ta; Ngài là Đấng toàn năng nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì; Ngài có thể sử dụng bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ, kể cả điều ác, để chúng ta đạt được cùng đích tốt đẹp nhất (không phải tạm thời nha), đạt được niềm vui sâu thẳm nhất ….

Câu trả lời thứ sáu là chúng ta nghe được tiếng Chúa trong lương tâm mình. Lương tâm là ngôn sứ của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta. Tất nhiên, chúng ta phải thành thật học hiểu để huấn luyện lương tâm của mình; lương tâm của chúng ta có thể sai lầm; tiếng nói của lương tâm không phải là Chúa mà nó là ngôn sứ của Chúa (ngôn sứ có thể hiểu lầm những điều Chúa nói). Lương tâm có thẩm quyền về đạo đức luân lý, do đó, việc cố tình làm trái lương tâm mình luôn là sai và tuân theo tiếng lương tâm luôn là đúng. Và khi chúng ta vâng theo tiếng lương tâm, khi chúng ta thực hiện những điều mà Chúa truyền cho chúng ta làm qua tiếng lương tâm, chúng ta nghe thấy tiếng nói chấp thuận của Chúa trong lương tâm mình; cũng như khi chúng ta không vâng lời tiếng lương tâm, chúng ta sẽ cảm nhận được sự không bằng lòng của Chúa, được gọi là tội. Tội thì như nỗi đau; chức năng của nó giống như một chiếc chuông báo động để đánh thức chúng ta.

Câu trả lời thứ bảy là chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa trong lời cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta dành bao nhiều thời gian để lắng nghe Chúa và bao nhiêu thời gian là thưa chuyện với Chúa? Chúng ta cần cả hai, nhưng chúng ta đặc biệt cần lắng nghe, vì Chúa khôn ngoan hơn chúng ta rất nhiều. Khi bạn nói chuyện với một học sinh hoặc một đứa trẻ, bạn là người nói chủ yếu vì bạn biết nhiều hơn. Khi bạn nói chuyện với một người bình đẳng, bạn sẽ nói và nghe ở mức độ như nhau. Khi bạn nói chuyện với ai đó khôn ngoan hơn mình, bạn chủ yếu lắng nghe. Vậy tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian để lắng nghe Chúa khi cầu nguyện? Bởi vì chúng ta là những kẻ ngốc. Hoặc vì chúng ta lười biếng. Lắng nghe cần nhiều nỗ lực hơn là nói. Im lặng khó hơn là nói. Nhưng lắng nghe thì quan trọng hơn nhiều khi đối tác của chúng ta là Chúa.

Vậy, lần tới khi cầu nguyện, chúng ta hãy dành ít nhất một nửa thời gian cầu nguyện để lắng nghe, trong tĩnh lặng, với tâm trí và trái tim rộng mở. Chúng ta hãy nói những lời tuyệt vời và mạnh mẽ mà Ê-li đã dạy Sa-mu-en: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive