Khi Chúa Giêsu nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi”, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu tuyên bố mình là người thừa kế vương quốc của Đa-vít và Vương quốc của Chúa bao hàm toàn thể vũ trụ là một. Hai vương quốc thực sự là một và tương tự như nhau. Cũng như Đa-vít trao toàn quyền cho Sa-lô-môn, người đã cưỡi lừa vào Giê-ru-sa-lem để lên ngôi vua; Thiên Chúa cũng đã trao mọi sự cho Chúa Giêsu (Ep 1:22), Đấng cũng là Con vua Đavít.
Con lừa thấp hèn của Đa-vít mà Sa-lô-môn cưỡi là lời tuyên bố công khai về mối quan hệ thân thiết giữa cha và con. Vì vậy, ở đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thân mật của Người với Chúa Cha: “Không ai biết Chúa Cha, trừ người Con”. Chỉ một mình Chúa Giêsu, giữa tất cả các bậc thầy dạy các tôn giáo, Đấng đã sống giữa chúng ta, hiểu biết và cảm nghiệm Thiên Chúa thực sự là Cha của mình, và vì thế, có khả năng để dạy chúng ta cách để có mối tương quan với Thiên Chúa Cha. Môsê, Plato, Đức Phật, Khổng Tử và Mohammed chưa ai bao giờ dám tuyên bố có mối tương quan thân mật với Thiên Chúa Cha của Chúa Giêsu, nên không thể nào dạy người khác về mối tương quan khắng khít đó.
Ở đây Chúa Giêsu nói những lời an ủi, một số câu Kinh Thánh yêu thích mà nhiều Kitô hữu đã thuộc lòng:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Có một sự kết nối thường không được nhận ra, nhưng trong trọn đoạn này, Chúa Giêsu đang ám chỉ đến sách 1 Các Vua 12, tường thuật về sự chuyển đổi từ Sa-lô-môn sang Rô-bô-am, người thừa kế của ông, và sự chia rẽ bi thảm sau đó của vương quốc Đa-vít thành hai miền Bắc và Nam.
Sau khi Sa-lô-môn qua đời, dân Israel đến với Rô-bô-am vì họ phải chịu gánh nặng lao động khổ sai và muốn được thoát khỏi sưu thuế nặng nề. Họ cầu xin Rô-bô-am, người vừa lên ngôi vua, giảm bớt ách thuế khóa và lao động cưỡng bức. Nhưng Rô-bô-am kiêu ngạo và vênh váo: ông hứa cho họ một “ách nặng nề” (1 Các vua 12:11) và tăng thêm gánh nặng cho họ. Kết quả là các chi tộc phía bắc ly dị Con vua Đa-vít và trở về nhà họ (Dr. John Bergma dùng từ ly dị để muốn nói vua thời Đavít được nhận là ‘cưới’ dân tộc, đất nước mình. Một hình bóng của Chúa Kitô và Hội Thánh). Họ đã chọn một vị vua khác, Giê-rô-bô-am, và sự tan rã đáng tiếc của một thời đã là vương quốc Đa-vít nay đã bắt đầu.
Trong những câu Kinh thánh từ thánh Mát-thêu này, Chúa Giêsu, Con vua Đa-vít đối chiểu Ngài với những người con vua Đa-vít hư hỏng và ngược đãi Thiên Chúa trước Ngài, những người mà sự ích kỷ của họ đã dẫn làm tan hoang dân Chúa. Chúa Giêsu đến với tư cách là Đấng chữa lành và an ủi, là Đấng đoàn tụ “Ép-ra-im” ở phía bắc và “Giê-ru-sa-lem” ở phía nam, như chúng ta đã thấy trong bài đọc thứ nhất.
Chúa Giêsu đã thống nhất và phục hồi dân Israel đích thực xung quanh mười hai tộc trưởng mới, mười hai tông đồ. Giáo hội mà họ thành lập là vương quốc được phục hồi của Đa-vít, được cai trị rõ ràng trong thế gian này bởi người quản lý hoàng gia của Đa-vít (xem Is 22:20; 2 Vua 18:18), người mà chúng ta gọi là “Giáo hoàng.” Trong Bí Tích Thánh Thể Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu đến với chúng ta với tư cách là chàng rể và vua của chúng ta. Ngài đã kết hôn bản tính của Người với bản tính của chúng ta trong một cuộc hôn phối siêu hình giữa bản tính thần linh và bản tính con người: cả hai trở nên một xương một thịt. Chúng ta có mang gánh vất vả vả nặng nề không? Chúa Giêsu đón nhận vào vương quốc của Người tất cả những ai ăn năn sám hối, tất cả những ai khổ sở vì gánh nặng tội lỗi của mình và của người khác. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nếm trước sự kết hợp ngọt ngào mà chúng ta sẽ tận hưởng với Chúa chỉ trong một thời gian rất ngắn, và sự nếm trước này mang lại cho chúng ta sức mạnh và niềm vui trong một tuần nữa.
Buổi sáng khi tôi thức dậy,
hãy trao cho tôi Chúa Giêsu.
Bạn cứ có hết thảy mọi sự trên trần gian
chỉ trao cho tôi Chúa Giêsu.
Khi tôi một mình
Ôi, khi tôi cô đơn
Hãy trao cho tôi Chúa Giêsu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét