Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Hãy yêu mến kẻ thù

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (5:38-48)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

-------

Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vượt lên trên những việc “sòng phẳng” với những kẻ làm hại chúng ta. Ngài khuyên chúng ta đừng kháng cự và thậm chí hãy cho đi nhiều hơn những gì người ta đòi hỏi.

Lời dạy của Chúa Giêsu đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng lẽ không nên chống lại kẻ ác sao? Chúng ta có nên để một tay súng điên cuồng chạy vào trường và bắn những đứa trẻ nhỏ mà không làm gì không? Chúng ta có nên để kẻ trộm giết chúng ta và lấy hàng hóa của chúng ta nếu chúng ta gặp phải trường hợp nó xông vào nhà?

Không. Người Kitô hữu thậm chí có bổn phận tự vệ và Sách Giáo lý đã nói rõ ràng về điều đó trong phần đề cập đến Điều răn thứ năm (§2263–2267). Một người thực sự có nghĩa vụ chính đáng là phải làm bất cứ điều gì cần thiết – ngay cả vũ lực có thể làm chết người: “Hành động tự vệ đưa đến hai hậu quả: một là cứu lấy chính mạng sống mình, hai là giết kẻ tấn công. Chỉ được phép nhắm tới điều trước, chứ không phải điều sau” (GLCG 2263) – để ngăn chặn một tay súng điên cuồng đang hướng về những đứa trẻ nhỏ.

Nhưng những ví dụ Chúa Giêsu nêu ra không là về những trường hợp gây ra nguy hiểm đến tính mạng. Chúa không nói: “Nếu ai đó chặt đứt tay con, hãy đưa cả tay kia cho họ nữa”. Hoặc “Nếu ai đó cầm giáo xông vào con, hãy ưỡn ngực ra để họ đâm xuyên qua”.

Những ví dụ mà Chúa Giêsu trích dẫn là lăng mạ và chiếm lấy tài sản của một người. Đánh vào má bên phải sẽ là một cú tát ngược của người thuận tay phải. Đó là, một sự xúc phạm, không phải là một mối đe dọa ngay lập tức cho cuộc sống (theo văn hóa Do thái). Kiện đòi chiếc áo choàng của một người và đòi đi một dặm, là những áp đặt về của cải và thời gian của một người. Vì vậy, thật là quá đáng khi nói Chúa Giêsu cấm mọi hành vi tự vệ hoặc mọi hành vi sử dụng vũ lực. Chính Chúa Giêsu đã dùng lực để thanh tẩy Đền thờ (Gioan 2:15–16), cho thấy rằng trong đời sống Kitô hữu có một chỗ dành cho sự phẫn nộ chính đáng.

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta với tư cách là môn đệ của Người hãy chịu đựng những lời sỉ nhục và quảng đại trong việc phân phát của cải và chia sẻ thời gian của chúng ta. Chúa Giêsu không lo lắng rằng chúng ta sẽ bị nghèo đi khi cho đi ngay cả quần áo của chúng ta bởi vì “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5:3) (tức là những người nghèo vì những lý do tâm linh), và Chúa sẽ cung cấp áo mặc và cơm ăn cho những người “trước hết tìm kiếm nước Thiên Chúa” (Mt. 6:25–33 ).

Khi Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù,” có lẽ Ngài đang tóm tắt hai đoạn trong luật pháp: Lê-vi 19:13–18, liên quan đến tình yêu đối với kẻ thù; và Đệ Nhị Luật 20:16–18, quy định chiến tranh toàn diện (tức là “sự thù hận”) chống lại dân Ca-na-an, kẻ thù của Israel. Cuộc chiến toàn diện chống lại người Ca-na-an là một đặc điểm đáng lo ngại của luật Cựu Ước, một sự không hoàn hảo về đạo đức (như ly hôn) được Môsê cho phép, trong trường hợp này để ngăn chặn việc bỏ đạo và đồng hóa với các dân ngoại, đồng hóa với nền văn hóa Ca-na-an suy đồi.

Như Chúa Giêsu đã loại bỏ việc cho phép ly dị trong bài đọc tuần trước, bây giờ Ngài sửa lại điều răn về “thù ghét” kẻ thù. “Hãy yêu kẻ thù của anh em,” Chúa Giêsu nói. Bản chất của con người là yêu những người yêu bạn, vì vậy không có công đức trong đó. Chỉ những sociopath/ kẻ chống xã hội hoặc rối loạn chức năng tâm lý mới ghét những người yêu mến mình. Để giống như Thiên Chúa, để có bất kỳ giá trị đạo đức nào, chúng ta phải yêu thương ngay cả những người không đáng yêu bởi vì đây là imitatio Dei / sống giống theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa yêu những người không đáng yêu, bắt đầu từ mỗi người chúng ta, vì vậy chúng ta cũng phải làm như vậy.

Tất nhiên, tình yêu đích thực tương thích với sự sửa chữa, quở trách, thậm chí là trừng phạt (theo Thánh Thomas Aquinas) khi bạn có thẩm quyền đối với kẻ phạm tội, vì hình phạt chỉ nhằm mục đích cải tạo và đưa đến sám hối. Vì vậy, yêu thương kẻ thù của mình thì phức tạp hơn chỉ đơn giản là “tử tế, dễ thương”. Trong nhiều trường hợp, bước đầu tiên có bao gồm “sự tử tế”.

Những lời dạy của Chúa Giêsu không phải là đơn thuốc cho một hệ thống chính trị hay tư pháp mà là những lời khuyên cho hành vi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Lời nói của Ngài dễ đưa đến sự ngưỡng mộ nhưng lại khó để thực hiện.

Chúng ta đang có ác cảm với ai trong tuần này? Chúng ta có thực sự cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không? Là người Công giáo, bạn có cầu nguyện cho những chính trị gia chống lại văn hóa sự sống, tham nhũng, hay bạn chỉ chỉ trích họ? Còn những kẻ thù khác của đức tin hoặc đời sống chính trị của cá nhân bạn thì sao? Những người là kẻ cạnh tranh trong đời bạn? Bạn đang có ác cảm với ai? Có lẽ là một thành viên trong gia đình? Những sai lầm phạm phải trong gia đình có thể là điều khó tha thứ nhất.

Chúa nhật này là thời gian để kiểm điểm lương tâm và tự vấn tâm hồn, để xác định sự thù hận nào đang ẩn thân trong lòng chúng ta, để bắt đầu thực hành sống quảng đại, bắt đầu cầu nguyện để có thể tẩy bỏ nó. --Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét