Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Tám Mối Phúc Thật của Thánh Mát-thêu

Đầu tiên, chúng ta cần nhận ra rằng khi Chúa Giêsu lên núi để giảng dạy, đó là mô típ của Môsê. Môsê là người thầy vĩ đại của dân Israel, ông đi lên núi Si-nai để dạy Luật pháp của Chúa. Chúa Giêsu đang  tóm lược mô típ này. Chúa Giêsu là Môsê mới, Người sẽ dạy luật cao cả hơn và sửa chữa một số thỏa hiệp mà Môsê đã đưa vào luật pháp của Israel (Mt 5:21–48).

Về các mối phúc (chỉ là phần giới thiệu của Bài giảng trên núi và không đồng nghĩa với toàn bộ Bài giảng, kéo dài từ Mt 5–7), chúng ta cần để ý là có tám mối phúc chính (c. 3– 10), tiếp theo là phần kết về việc bị bách hại (c. 11–12). Mối phúc thứ nhất và thứ tám hứa hẹn sự chúc phúc của “Nước Trời”. Đó là một thủ pháp văn học được gọi là inclusio / bao hàm (bắt đầu và kết thúc về cùng một chủ đề), để làm nổi bật điểm chính. Vì vậy, các mối phúc là về Nước Trời; cụ thể, chúng là những đức tính người công dân trong vương quốc cần phải có.

Cuối cùng, chúng ta nên lưu ý rằng các mối phúc không phải là một túi gồm các đức tính ngẫu nhiên, nhưng có một sự tiến triển nhất định khi chúng ta đi qua các mối phúc. Hết các mối phúc đều có quan hệ với nhau, và ở một mức độ nào đó, mối phúc này chuyển đến mối phúc kia.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Điểm chính yếu là tâm hồn nghèo khó, nghĩa là thừa nhận sự thiếu thốn đến mức thảm họa về tinh thần của bản thân và việc cần được đổ đầy với những sự giàu sang của Thiên Chúa, nghĩa là Thần Khí của Người mà chúng ta được lãnh nhận nhờ đức tin qua các bí tích. Tuy nhiên, có một mối quan hệ với nghèo khó vật chất. Của cải vật chất có thể là một phân tâm lớn đối với đời sống thiêng liêng, làm chúng ta chệch hướng và theo đuổi những mục tiêu khác ngoài Chúa. Vì vậy, ở nơi khác, Chúa Giêsu cảnh báo về hạt giống bị bóp nghẹt bởi “sự lo lắng, của cải và lạc thú” (Lu-ca 8:14) của thế gian này.

Vì lý do này, nhiều vị thánh đã hiểu “tâm hồn nghèo khó” là “nghèo khó cho lợi ích của Thần khí”, nghĩa là nghèo về mặt vật chất vì những mục đích thiêng liêng. Vì vậy, những người đi vào đời sống tu trì đều hứa triệt để khó nghèo. Nhưng ngay cả người tại gia cũng nên tập tiết chế của cải vật chất. Làm thế nào để chúng ta thực hành nó? Nguyên tắc của Thánh Josemaría là “không có gì sự không cần thiết.” Ngài khuyến khích giáo dân cắt giảm đồ đạc của họ theo những gì họ thực sự cần cho ơn gọi của họ. Và sau đó giữ gìn những thứ đó để họ không phải liên tục lãng phí tiền bạc bằng cách thay thế chúng.

Vì thế , “tinh thần nghèo khó” ám chỉ sự nghèo khó về tinh thần nhưng dù sao cũng được gắn liền với việc sống một hình thức nghèo khó về vật chất, bởi vì sự nuông chiều vật chất không tương thích với sự nghèo khó về tinh thần.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Điều này ám chỉ những người than khóc cho sự nghèo nàn tâm linh của họ, cho sự hư vô của họ, cho sự trống rỗng của họ, cho tội lỗi của họ. Do đó, việc nhận ra “tâm hồn bạn nghèo khó” dẫn đến sự ăn năn (buồn phiền vì tội lỗi), nhưng điều đó là tốt vì Chúa sẽ an ủi kẻ biết ăn năn.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Sự hiền lành, nhu mì gần giống như sự khiêm nhường. Đó là nhân đức để chúng ta không tự cao tự đại, không cho rằng mình quan trọng và biết ngoan ngoãn. Công dân Nước Trời thì hiền lành hay khiêm nhường vì họ nhận ra mình nghèo nàn về tâm linh, rằng họ thực sự chẳng là gì nếu thiếu vắng ơn Chúa.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Công dân Nước Trời đói khát sự công chính vì họ nhận ra rằng họ không có sự công chính đó nơi bản thân mình và cần nhận được sự công chính từ Chúa. Tự bản thân, chúng ta quá yếu đuối và tiếp tục sa ngã trước những cám dỗ khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa và xa lánh tha nhân.

Tuy nhiên, ý nghĩa phụ của câu này đề cập đến việc ăn chay. Kiêng cử thức ăn theo nhiều cách khác nhau là một kỷ luật thiêng liêng lâu đời trong Giáo hội, từ thời các tông đồ (Công vụ 14:23) cho đến nay. Kiêng cử ăn uống là một cách hữu hình để biểu lộ việc “khao khát sự công chính.” Chúng ta muốn chiến thắng tội lỗi và đam mê hỗn loạn của mình đến nỗi chúng ta phải trải qua đói khát để đạt được mục tiêu đó.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Công dân Nước Trời có lòng thương xót vì khi họ nhận ra tình trạng tội lỗi và sự trống rỗng của mình, họ có thể cảm thông với những người tội lỗi khác và bày tỏ lòng thương xót đến với người khác. Họ nhận ra nơi người khác yếu điểm của chính họ.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Sầu khổ nội tâm xuất phát từ việc nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng của bản thân, từ việc than khóc tội lỗi của mình, và tìm kiếm ân sủng của Chúa. Những việc này thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những ràng buộc với thế gian, đặc biệt là ham muốn của đôi mắt và ham muốn của tính xác thịt. Chiều theo những đam mê và ham muốn rối loạn, làm mờ tầm nhìn của chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn thấy thực tại như nó là. Vì Thiên Chúa là Thực tại Tối thượng, nên tầm nhìn méo mó đó khiến chúng ta không thể nhìn thấy Ngài. Sám hối, cầu nguyện và bố thí là những cách tuyệt vời để làm sáng con mắt tâm linh của chúng ta.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Công dân Nước Trời không còn chiến đấu và gây chiến nữa. Vì ham muốn của cải tạm thời, đặc biệt những tham lam và nhục dục là những điều gây nên chiến tranh. Chúng ta có thể thấy Thánh Giacôbê, người anh họ của Chúa Giêsu, đã tiếp thu các mối phúc trong thư của ngài, Giacôbê 4:1–10, một cách kỹ lưỡng như thế nào:

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin ; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.

 Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng : yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao ? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa. Hay các người nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa : Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên ? Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn ; vì thế, có lời Kinh Thánh nói : Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch ; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.

Bình an đích thực được tìm thấy từ việc từ bỏ những đam mê và ham muốn của chúng ta và hướng về Chúa để tìm thấy niềm vui đích thực của chúng ta.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Công dân Nước Trời sống các nhân đức của các mối phúc sẽ bị ghét bỏ bởi những kẻ không muốn từ bỏ dục vọng của mình. Vì trước hết, người môn đệ là một lời nhắc nhở chướng mắt cho người khác rằng họ không sống theo đường lối của Chúa; và người môn đệ trở thành chướng ngại vật cho người muốn thỏa mãn dục vọng của họ bởi vì họ không chịu hợp tác.

Hiểu theo cách này, chúng ta mới có thể hiểu được cường điệu nọc độc và sự vu khống nhắm vào phong trào ủng hộ sự sống như một ví dụ. Bảo vệ pháp lý cho thai nhi có nghĩa là mọi người trong xã hội của chúng ta sẽ phải kiềm chế tình dục của họ, khi họ không có khả năng thụ thai và nuôi dạy con cái. Xã hội của chúng ta nói chung không muốn có bất kỳ sự ràng buộc nào đối với việc thể hiện tính dục, vốn là một dạng ham muốn xác thịt. Những người sống khiết tịnh và những người nhắc nhở người khác về phẩm giá của thai nhi, là một lời nhắc nhở không được hoan nghênh. Nó là trở ngại đối với phần còn lại của xã hội trong việc theo đuổi sự buông thả vô độ trong dục vọng xác thịt. Vì vậy, sự tức giận, vu khống, coi thường và các hành vi khác được thể hiện đối với những người ủng hộ thai nhi.

Tuy nhiên, cuộc đàn áp các Kitô hữu ở hầu hết các quốc gia phương Tây vẫn không đạt đến mức độ tàn bạo về thể xác mà các Kitô hữu ở các nước Hồi giáo và các nước theo chủ nghĩa vô thần vẫn tiếp tục phải chịu đựng. Những đợt bách hại đến rồi đi trong suốt lịch sử của Giáo hội. Tuy nhiên, sự bắt bớ đi kèm với một ơn lành vì nó giúp chúng ta thoát khỏi những điều thuộc về thế gian này, nhờ đó giúp chúng ta sống sự nghèo khó thiêng liêng đích thực. Vì vậy, sự bắt bớ làm cho chúng ta trở nên nghèo khó, điều này đưa chúng ta đến mối phúc thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…”

Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, đến tái lập nước Chúa trên trần gian. Nhưng vương quốc của Chúa Giêsu là một vương quốc đảo ngược, gọi tốt điều thế gian cho là xấu, và xấu điều thế gian cho là tốt. Các bài đọc Chúa nhật tuần này kêu gọi chúng ta rời bỏ những lề thói của thế gian và thực hành các nhân đức của Công dân Nước Trời, nhưng chúng cũng cảnh báo chúng ta rằng đây là một lựa chọn đi ngược dòng văn hóa của chúng ta. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét