Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Đức Cậy

Trích từ chương 20: Đức Cậy của Mere Christianity / Kitô Giáo Đơn Thuần của C.S. Lewis

Đức cậy là một trong các nhân đức đối thần. Trông cậy có nghĩa là sự mong ngóng thường trực về một thế giới vĩnh cửu, không phải (như một số người hiện đại nghĩ) là một hình thức trốn tránh hoặc tư tưởng duy ý chí, nhưng là một trong những chủ ý của người Kitô hữu. Nó không có nghĩa là ta cứ để mặc thế giới hiện tại muốn ra sao thì ra. Nếu bạn đọc lịch sử bạn sẽ thấy những Kitô hữu vốn đã làm nhiều điều cho đời này cũng chính là những người nghĩ nhiều về đời sau.

Chính các Tông đồ đã bắt đầu những bước chân hoán cải Đế quốc La Mã, những vĩ nhân đã làm nên thời kỳ Trung Cổ, những nhà truyền bá Phúc âm người Anh vốn đã xóa bỏ sự buôn bán nô lệ, đều đã để lại dấu ấn trên trái đất, chính là vì thiên đàng đã chiếm chỗ trong tâm trí họ.

Chính là từ khi nhiều Kitô hữu không còn nghĩ đến đời sau, họ mới không quan tâm đến đời này. Nhắm tới thiên đàng và ta sẽ có trái đất ‘kéo theo’: còn nhắm tới trái đất thì ta sẽ chẳng có gì cả. Lý lẽ này có vẻ kỳ lạ, nhưng điều tương tự có thể thấy nơi những vấn đề khác. Sức khỏe là một ân phúc tuyệt diệu, nhưng một khi ta coi sức khỏe như mục tiêu chính và trực tiếp, ta sẽ trở nên lập dị và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện không ổn xảy ra cho ta. Ta có thể sẽ có sức khỏe khi ta muốn những điều khác nhiều hơn – thức ăn, thể thao, làm việc, giải trí, khí trời.

Cũng vậy, ta sẽ chẳng bao giờ bảo tồn được nền văn minh chừng nào nền văn minh còn là mục tiêu chính của ta. Ta phải biết cần đến những thứ khác nhiều hơn.

Hầu hết chúng ta thấy chẳng muốn thiên đàng chút nào, ngoại trừ khi thiên đàng có nghĩa là gặp lại những người thân đã mất. Một trong những lý do của sự khó khăn này là ta chưa được rèn luyện: toàn bộ nền giáo dục của ta gắn chặt tâm trí ta với thế giới này. Một lý do nữa là khi sự mong muốn thiên đàng có mặt trong ta, ta chẳng nhận ra nó. Hầu hết mọi người, nếu biết cách nhìn vào tâm hồn mình, sẽ biết rằng họ có muốn, và muốn một cách mãnh liệt, điều gì đó không thể tìm được trên thế gian. Có nhiều thứ trên trần gian này hứa hẹn đến với ta, nhưng chúng chẳng khi nào hoàn toàn giữ lời hứa.

Sự chờ mong mà ta cảm thấy khi lần đầu tiên ta phải lòng ai đó, hoặc lần đầu nghĩ về một đất nước nào đó, hoặc lần đầu chọn môn học ưa thích nào đó, là những chờ mong mà không một ai, không một nước nào, không một trường học nào, có thể thực sự thỏa mãn. Tôi không nói về những cái thường gọi là hôn nhân không như ý, hoặc kỳ nghỉ thất bại, hoặc sự nghiệp không thành. Tôi nói về những cái tốt nhất có thể được. Có cái gì đó ta nắm bắt lúc mới đầu chờ mong, trên thực tế tan biến đi. Tôi tin ai cũng hiểu tôi muốn nói gì. Người vợ có thể tốt, khách sạn và khung cảnh có thể tuyệt vời, và hóa học có thể là chuyên ngành rất thú vị: nhưng có gì đó vuột thoát khỏi ta. Có hai cách sai lầm để ứng phó với sự kiện này, và một cách đúng.

(1) Cách của người ngốc – Anh ta kết án bản thân sự việc. Anh ta cứ mãi tiếp tục nghĩ rằng nếu anh ta đã chọn một người phụ nữ khác, hoặc đã mua một hãng du lịch đắt tiền hơn, hoặc bất cứ gì khác, thì anh ta hẳn đã có được điều kỳ diệu mà chúng ta ai cũng muốn có. Hầu hết những người giàu có, bất mãn, chán chường trên đời là thuộc loại này. Họ bỏ cả đời chạy từ người phụ nữ này sang người phụ nữ khác (thông qua các tòa ly dị), từ lục địa này sang lục địa khác, từ thú vui này sang thú vui khác, luôn luôn nghĩ rằng sau rốt cái cuối cùng mới là cái thực sự tốt, và họ luôn luôn thất vọng.

(2) Cách của ‘người khôn ngoan’ bị vỡ mộng – Anh ta lập tức kết luận rằng sự việc chỉ là ánh trăng hão huyền. ‘Tất nhiên,’ anh ta nói, ‘khi ta còn trẻ ta nhìn sự việc như vậy. Nhưng khi ta đã trưởng thành ta sẽ từ bỏ việc chạy theo cái chân cầu vồng’. Và rồi anh ta yên vị và học cách không mong đợi quá nhiều và đè nén cái phần bên trong anh ta vốn đã từng ‘khóc thương cho vầng trăng’, như cách anh ta nói. Cách này tất nhiên là tốt hơn nhiều so với cách trước, và làm người ta hạnh phúc hơn và ít gây phiền toái cho xã hội hơn. Nó có xu hướng làm cho anh ta tự mãn (anh ta rất có khả năng vượt lên những người mà anh ta gọi là ‘đám trẻ’), nhưng nói chung anh ta tiếp tục sống khá ổn.

Đó là cái tốt nhất ta có thể có nếu con người không sống vĩnh cửu. Nhưng giả sử hạnh phúc vô biên có thật đang chờ đợi ta? Giả sử ta có thể bắt kịp cái chân cầu vồng? Trong trường hợp này sẽ là đáng thương khi thấy quá trễ (một khoảnh khắc sau khi chết) rằng do nơi cái được giả định là ‘lẽ phải thông thường’, ta đã bóp nghẹt khả năng tận hưởng hạnh phúc đó.

(3) Cách của người Kitô hữu – Người Kitô hữu nói. ‘Tạo vật không được tạo ra với ước ao trừ khi có cách để thỏa mãn ước ao đó. Một em bé đói bụng, à, có cái được gọi là thức ăn. Một chú vịt con muốn bơi lội, à, có cái được gọi là nước.

Người ta thèm khát tính dục: à, có cái được gọi là tính dục. Nếu tôi tìm thấy trong bản thân một ao ước mà không trải nghiệm nào trên thế giới này thỏa mãn được, thì lời giải thích dễ xảy ra nhất là tôi đã được tạo ra cho một thế giới khác.

Nếu không có khoái lạc trần thế nào thỏa mãn được nó, điều đó không có nghĩa là vũ trụ này là một sai lầm. Cũng có thể khoái lạc trần thế không được sắp đặt để thỏa mãn nó, nhưng chỉ để kích hoạt nó, đề xuất một cái gì đó thực sự. Nếu vậy tôi phải coi chừng, một mặt không coi thường hoặc vô ơn với những ân phúc trần gian đó, mặt khác không lẫn lộn nó với cái mà nó chỉ là bản sao, là tiếng vang, là phản ảnh.

Tôi phải giữ gìn lòng ao ước quê hương thật của tôi, nơi mà tôi sẽ không tìm thấy trước khi chết; tôi phải không để nó bị khuất lấp hoặc bỏ qua; tôi phải làm cho nó trở thành mục tiêu chính của cuộc đời để nối tiếp cái quê hương kia và để giúp người khác cũng làm được vậy.

Không cần phải lo đến những người châm chọc muốn làm cho thiên đàng Kitô giáo trở thành lố bịch bằng cách nói rằng họ không muốn ‘tiêu phí cả cuộc sống vĩnh cửu vào việc đánh đàn thổi sáo.’ Câu trả lời cho những người ấy là nếu họ không hiểu được những cuốn sách viết cho người lớn thì họ đừng nên nói về chúng. Tất cả những hình ảnh tâm linh (đàn sáo, triều thiên, vàng ròng, v.v.) tất nhiên chỉ là những cố gắng có tính biểu tượng để diễn tả những gì không thể diễn tả. Các nhạc cụ được nói đến vì đối với nhiều người (không phải tất cả) âm nhạc là cái trên đời này được biết là gợi lên nhiều nhất về sự hoan lạc và sự vĩnh cửu.

Triều thiên được nhắc đến để gợi lên sự kiện rằng ai kết hợp với Thiên Chúa trong vĩnh cửu sẽ được chia sẻ sự huy hoàng, quyền năng và hoan lạc của Ngài.

Vàng được đề cập là để gợi lên sự vĩnh cửu của thiên đàng (vàng không bị rỉ sét) và sự quý giá của nó. Những người hiểu những biểu tượng ấy theo nghĩa đen chắc hẳn cũng sẽ nghĩ rằng khi Đức Kitô bảo ta trở nên như chim bồ câu, Người muốn nói rằng chúng ta sẽ đẻ trứng.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive