Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Chúa Nhật thứ II Mùa Chay: Chúa Giêsu Kitô -- Đấng trung gian độc nhất vô nhị

Các Giáo phụ từ lâu đã nhận ra việc Chúa Biến Hình là một sự nếm trước hoặc một cái nhìn thoáng qua về vinh quang của Chúa Kitô sau khi Ngài phục sinh. Chúa cho Phêrô, Giacôbê và Gioan được nhìn thấy vinh quang của Ngài để khuyến khích họ kiên trì vượt qua những thời kỳ khó khăn sắp tới, trước khi họ được nhìn thấy sự phục sinh của Đức Kitô. Đối với chúng ta khi nghe Tin Mừng này công bố trong Thánh Lễ, mục đích của đoạn Phúc âm này là để khuyến khích chúng ta không chỉ kiên trì trong việc hãm mình và khổ hạnh của Mùa Chay cho đến khi chúng ta qua việc cử hành nghi thức Phụng vụ, cảm nghiệm được cuộc khải hoàn của Chúa Kitô trong Lễ Phục Sinh. Nhưng còn là đón nhận những đau khổ của đời sống Kitô hữu cho đến khi thân xác thấp hèn của chúng ta trở nên giống như thân xác vinh quang của Người (Pl 3,21).

Môsê và Êlia từ lâu đã được nhận là các ngôn sứ đại diện cho Luật lệ (Môsê) và cho các sách ngôn sứ (Êlia), hai phần chính của Kinh thánh Do thái giáo thời ấy. Vì vậy, không cần đặt câu hỏi về tính lịch sử của câu chuyện theo nghĩa đen, chúng ta cũng có thể thấy trong đó một ý nghĩa mang tính biểu tượng: đây là Luật lệ và các Tiên tri (Sách Cựu ước và Giao ước cũ) trò chuyện với Chúa Giê-su (sách Tân Ước và Giao ước mới).

Phêrô, luôn háo hức nói hoặc làm điều gì đó – mặc dù không phải lúc nào cũng có sự cân nhắc đầy đủ trước – đã hiểu sai ý nghĩa của ngày hôm nay: Phêrô xem Chúa Giêsu như một trong các vị tiên tri, ngang hàng với “những người vĩ đại” trước đó của lịch sử cứu rỗi, Môsê và Êlia. Do đó, ba “lều” (nghĩa đen là “nhà tạm” của Giao ước cũ), mỗi người một lều.

Phêrô có vài hiểu biết về danh tính của Chúa Giêsu tại thời điểm này nhưng chưa nắm bắt được toàn bộ sự độc nhất của Chúa Giêsu, Đấng là Con Một Thiên Chúa: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Híp-ri 1:1–2). Mặc dù Môsê và Êlia là những nhà tiên tri vĩ đại, nhưng họ không thể nào sánh được với Đấng cuối cùng đã đến.

Trong một Phúc âm khác, một trong các tông đồ đã nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình đã nhấn mạnh đến sự độc nhất của Chúa Giêsu với tư cách là Đấng bày tỏ Thiên Chúa Cha cách rõ ràng hơn bất cứ ngôn sứ và những người thánh thiện nào trước đó:

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ngự giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật… Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết (Gioan1:14–18). Khi câu chuyện về Sự Biến Hình tiếp tục, chính Thiên Chúa Cha chỉnh sửa ý tưởng tốt nhưng sai lầm của Phêrô về việc đặt Đức Kitô ngang hàng với các ngôn sứ / tiên tri của Giao Ước Cũ:

[Phêrô] còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

Những lời của Chúa Cha từ đám mây được lặp lại ít nhất hai đoạn văn quan trọng từ Cựu Ước. Đoạn thứ nhất là từ Thánh vịnh 2, bài thánh ca đăng quang hoàng gia, có lẽ được hát khi một người Con trai mới của Đavít tiến đến ngai của vua Đa-vít ở Giê-ru-sa-lem, công bố vinh quang của giao ước Đavít trong câu 7: “Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng : ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.’”

Lời của Thiên Chúa Cha nhắc nhở chúng ta Chúa Giêsu là vua của vương quyền Đavít, rằng Người là Đấng thừa kế vương quyền, như các con vua Đavít ngày xưa, vì họ cũng được ban cho đặc ân làm con Thiên Chúa (xem 2 Sam 7:14). Nhưng Chúa Giêsu vượt trội các con trai trước của Đa-vít, bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa không chỉ bởi giao ước mà còn bởi chính bản chất của Ngài.

Thứ hai, khi dùng cụm từ “Con Ta yêu dấu,” Thiên Chúa Cha gợi lại hình ảnh của I-xa-ác trong sách Sáng thế chương 22. Ba lần trong chương đó, I-xa-ác được gọi là ben yahid, của Áp-ra-ham, “con duy nhất”. Bản Septuagint (Bản 70) dịch là huios agapetos, “con trai yêu dấu.” Cụm từ này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là I-xa-ác mới, giống như I-xa-ác trong sách Sáng thế chương 22, ông vác củi trên vai lên núi để hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa, vâng phục ý của cha mình. Núi Biến Hình vì thế, hướng về Núi Sọ.

Sự độc nhất vô nhị của Chúa Giêsu với tư cách là Đấng Trung Gian giữa Chúa Cha và nhân loại được nhấn mạnh lần cuối bởi việc sau khi ngã sấp xuống đất, các môn đệ ngước mắt lên và “không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”. Người Con Một và duy nhất là Đấng Trung gian độc nhất vô nhị, không ai có thể thay thế

Sự Biến Hình cũng được liên kết với chủ đề “cuộc hành trình” mà chúng ta đã quan sát trong các bài đọc khác, mặc dù chúng ta phải mượn từ trình thuật của Luca để thấy được mối liên hệ. Trong Lu-ca 9:31, Thánh Lu-ca chỉ rõ rằng Môsê và Êlia đang thảo luận với Chúa Giê-su về cuộc “xuất hành” sắp tới của Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Ngay ngày hôm sau, Chúa Giê-su nói với các môn đồ về Cuộc khổ nạn sắp tới của ngài (Luca 9:44), và ngay sau đó Ngài “hướng về Giê-ru-sa-lem” (9:51) và bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng của Ngài. Do đó, Lu-ca chương 10–19 (nói chung) được các học giả gọi là “Bản tường thuật về hành trình” bởi vì trong suốt thời gian này, Chúa Giêsu đang hành trình từ Ga-li-lê về phía nam, đến Giê-ru-sa-lem để thực hiện “cuộc xuất hành” của Ngài.

Trong thời gian còn lại của Mùa Chay, chúng ta cùng với Chúa Giêsu trong cuộc hành trình cuối cùng của Người tiến về đau khổ, nhục nhã, cái chết… nhưng cuối cùng là vinh quang. Tuần này chúng ta hãy tự khích lệ mình với ý nghĩ rằng Chúa Giêsu biến hình là hình ảnh vinh quang của sự thánh thiện đang chờ đợi chúng ta vào cuối Mùa Chay và cuối hành trình của cuộc đời. Miễn là chúng ta sẵn sàng chấp nhận những khó khăn cần thiết, để sự thánh thiện phát triển trong cuộc đời chúng ta. -- Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive