Trích từ Giáo lý Hội thánh Công giáo
2675. Các Giáo Hội khai triển việc cầu nguyện với Thánh Mẫu của Thiên Chúa, bằng cách tập trung suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, vì Đức Ma-ri-a đã cộng tác đặc biệt vào các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong vô số thánh thi và tiền xướng diễn tả tâm tình cầu nguyện này, có hai hướng thường xuyên xen kẽ nhau: hướng thứ nhất “ngợi khen” Chúa vì “biết bao điều cao cả” Người đã ban cho Nữ Tỳ hèn mọn và qua Mẹ, cho tất cả nhân loại (Lc 1,46-55); hướng thứ hai dâng lên Thân Mẫu của Đức Giê-su những lời khẩn cầu và ca ngợi của con cái Thiên Chúa, vì giờ đây Mẹ đã liên kết chặt chẽ với Con Thiên Chúa làm người.
2676. Cả hai hướng cầu nguyện với Đức Ma-ri-a được nổi bật trong kinh Kính Mừng :
“Kính Mừng Ma-ri-a”: kinh Kính Mừng mở đầu bằng lời chào của thiên thần Gáp-ri-en. Qua lời sứ thần, chính Thiên Chúa chào Đức Ma-ri-a. Chúng ta lặp lại lời Thiên Chúa nói với người nữ tỳ hèn mọn (Lc 1,48) và hân hoan vì niềm vui Thiên Chúa tìm được nơi Đức Ma-ri-a (Xp 3,17b).
“Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: hai lời chào của thiên thần bổ túc cho nhau. Đức Ma-ri-a đầy ân sủng vì “Chúa ở cùng bà”. Ân sủng cao quý nhất nơi Mẹ chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Mừng vui lên... thiếu nữ Giê-ru-sa-lem... Đức Chúa ở với ngươi” (Xp 3,14.17a). Vì Chúa đến ở cùng Mẹ, nên Mẹ là hiện thân của thiếu nữ Xi-on, là khám Giao Ước, nơi vinh quang Đức Chúa ngự trị. Đức Ma-ri-a là “nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). “Đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ở cùng Mẹ và Mẹ sắp trao Người lại cho thế giới.
“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên thần, chúng ta lặp lại lời của bà Ê-li-sa-bét. “Được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Lc 1,41), bà Ê-li- sa-bét là người đầu tiên trong chuỗi người muôn thế hệ tuyên xưng Đức Ma-ri-a là người diễm phúc (Lc 1,48): “diễm phúc vì đã tin...” (Lc 1,45). Đức Ma-ri-a “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện. Nhờ tin, ông Áp-ra-ham đã trở nên lời chúc phúc cho “mọi dân tộc trên mặt đất” (St 12,3). Nhờ tin, Đức Ma-ri-a trở nên Mẹ của các tín hữu; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất nhận được Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “ Giê-su, con lòng bà gồm phúc lạ “.
2677 “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...” Cùng với bà Ê-li-sa-bét chúng ta sửng sốt: “Bởi đâu tôi được hân hạnh thân mẫu Chúa tôi đến viếng thăm như vậy?” (Lc 1,43). Vì Mẹ đã đem đến cho chúng ta Đức Giê-su Con của Mẹ, nên Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta: chúng ta có thể phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo và mọi lời cầu khẩn. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta như Mẹ đã cầu nguyện cho chính bản thân: “Xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta cùng với Mẹ phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.
“Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”: Khi xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi khốn cùng và kêu cầu đến “Mẹ từ bi nhân ái”, Mẹ Rất Thánh. Chúng ta trao phó cho Mẹ cuộc đời ta “khi này”, trong giây phút hiện tại này. Lòng tín thác này còn trải dài đến tận “giờ lâm tử”. Xin Mẹ hiện diện trong giờ phút đó như ngày xưa lúc Con của Mẹ chết trên thập giá. Giờ chúng ta qua đời, ước mong Mẹ đón nhận chúng ta là con cái và dẫn đưa đến cùng Đức Giê-su Con của Mẹ trong nước Thiên Đàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét