Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Lòng thương xót của Thiên Chúa và về sự điên rồ của việc thờ ngẫu tượng trong sách Khôn ngoan

Sách Khôn ngoan của Sa-lô-môn, một trong những cuốn sách được viết sau chót của Cựu Ước, cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết thấu đáo nhất về cuộc Phán xét cuối cùng, sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu, hơn bất kỳ cuốn sách nào trong Kinh Thánh trước các sách Phúc âm. Một số người coi đó là câu trả lời kinh điển cho thuyết bất khả tri của sách Giảng viên: nếu trong sách Giảng viên, Sa-lô-môn bày tỏ sự hoài nghi về cuộc sống mai sau và sự tuyệt vọng trước viễn cảnh của cái chết, thì trong sách Khôn ngoan, ông đã tìm thấy niềm tin rằng cái chết không là lời phán cuối cùng, và sự công chính sẽ tìm thấy phần thưởng của nó trong cuộc sống mai sau.

Sách Khôn ngoan khá chắc chắn là được viết bằng tiếng Hy Lạp trước, vào thế kỷ thứ ba hoặc thứ hai trước Công nguyên, có lẽ ở Alexandria, Ai Cập, trung tâm hàng đầu của nền văn hóa Do Thái Hy Lạp thời cổ đại. Do có nguồn gốc hơi trễ, dùng ngôn ngữ Hy Lạp và các mối liên hệ với người Alexandria, nó không được coi là kinh điển trong truyền thống Ráp-bi của Do Thái giáo, vốn có nguồn gốc từ phong trào Pharisêu ở Palestine. Tuy nhiên, nó đã được những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở ngoài nước Do thái và Giáo hội sơ khai coi là kinh điển. Thật vậy, nó khá phổ biến giữa các Giáo phụ, những người đã trích dẫn nó thường xuyên và rõ ràng coi nó là thuộc về Kinh thánh.

Theo truyền thống Septuagint / Kinh thánh Cựu ước tiếng Hy lạp, cuốn sách có tên là Sophia Salōmōnos (Sư Khôn ngoan của Sa-lô-môn) và cuối cùng đã tìm được một vị trí ổn định trong thứ tự kinh điển sau sách Gióp, do đó mang đến một tầm nhìn mạnh mẽ về sự sống đời sau, sau cuộc đấu tranh của Gióp với những bất công của cuộc sống hiện tại này. Theo truyền thống Vulgate, tựa đề đầy đủ của cuốn sách là Liber Sapientiae Solomonis (Sách về Sự Khôn ngoan của Sa-lô-môn), và nó được đặt ngay sau “ba cuốn sách của Sa-lô-môn” (Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca) vì bản chất văn viết của sách Khôn ngoan đã được công nhận từ lâu. Theo thứ tự này, bốn cuốn sách, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, sách Khôn ngoan, trình bày một loại phiêu lưu thần học về “kinh điển của Sa-lô-môn”:

  • Trong sách Châm ngôn, Sa-lô-môn đạt được sự khôn ngoan dẫn đến thành công tạm thời.
  • Trong sách Giảng viên, Sa-lô-môn thất vọng về thành công vật chất vì cái chết khiến điều đó trở nên vô nghĩa.
  • Trong sách Diễm ca, Sa-lô-môn khám phá ra rằng tình yêu mạnh hơn sự chết (Diễm ca 8:6).
  • Trong sách Khôn ngoan, Sa-lô-môn yêu Đức Khôn ngoan / Lady Wisdom và nhờ đó đạt được sự bất tử.

Sách Khôn Ngoan được chia thành hai phần chính. Trong phần đầu tiên (chương 1-9), Sa-lô-môn khuyên “những người cai trị thế gian” hãy yêu mến sự công bình (Khôn ngoan 1:1), điều sẽ giúp họ trở nên khôn ngoan (1:4) và trị vì đời đời (6:20-21) theo gương của Sa-lô-môn (chương 7-9). Trong phần thứ hai (chương 10–18), tác giả tìm cách chứng minh luận điểm của mình về mối liên hệ giữa sự công chính, sự khôn ngoan và triều đại bất tử bằng cách truy tìm và biện minh cho các hành động của Đức Khôn Ngoan qua lịch sử cứu chuộc của Israel, từ Sự Sáng Tạo đến Cuộc Xuất Hành.

Phần đầu tiên (chương 1–9) cũng được chia thành hai phần chính: Trong chương 1–6, Sa-lô-môn tập trung vào mối quan hệ giữa sự công chính, sự khôn ngoan và sự bất tử, đặc biệt nhấn mạnh đến đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa của người công chính và sự phán xét sẽ dành cho những kẻ bất chính sau khi chết. Trong các chương 7–9, Sa-lô-môn dạy “những người cai trị thế gian” cách chính ông đạt được ơn khôn ngoan, cụ thể là bằng cách tìm kiếm Chúa qua việc khiêm tốn cầu nguyện và sống trong sự hiệp thông mật thiết với Đức Khôn ngoan sau đó.

Phần thứ hai của sách Khôn ngoan (chương 10-18) có một cảm giác khác nhiều so với phần đầu tiên khi Sa-lô-môn lần theo các hoạt động của Đức Khôn Ngoan qua lịch sử cứu rỗi. Một chương bao gồm công việc của Đức Khôn ngoan từ Sáng tạo cho đến Xuất hành (chương 10) trong khi tám chương dành cho Đức Khôn ngoan trong chính sách Xuất hành (chương 11–19). Khi luận về các hành động của Đức Khôn ngoan trong sách Xuất hành, Sa-lô-môn nhập vào đó một ngoại đề về lòng thương xót của Thiên Chúa  (11:17–12:22) và về sự điên rồ của việc thờ ngẫu tượng (13:1–15:17).

Sách Khôn ngoan của Sa-lô-môn được đọc tương đối thường xuyên trong Thánh lễ, đặc biệt đối với một sách Cựu Ước ngắn như vậy. Bài đọc Chúa Nhật tuần này (Chúa nhật thứ XVI Mùa thường niên, năm A) đến từ phần suy luận ngoài đề về lòng thương xót, khi thảo luận về sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua cuộc Xuất hành. Kết hợp với dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì trong Tin Mừng hôm nay, bài đọc này giúp chúng ta hiểu rằng việc Thiên Chúa từ chối nhổ tận gốc cỏ lùng (tội nhân) từ bên trong Giáo hội không phải là một sự thất bại về công lý đối với Chúa mà là một biểu hiện của lòng thương xót của Ngài, vì Ngài muốn tất cả mọi người đều có thể được cứu rỗi.

Sách Khôn ngoan khẳng định rằng quyền năng tối thượng của Chúa không hàm ý rằng Chúa Trời là một bạo chúa. Thiên Chúa của chúng ta đủ mạnh mẽ để trở nên dịu dàng; nghĩa là, có thể nói, những thách thức đối với quyền lực của Ngài không làm lung lay lòng tự tin của Ngài và gây ra phản ứng bạo lực, như trường hợp của những kẻ độc tài hoặc kẻ mạnh. Những người cai trị loài người nên noi theo tấm gương của Chúa: quyền lực nên được kết hợp với công lý và lòng tốt.

Trong bối cảnh của sách Khôn Ngoan chương 12, tác giả thảo luận đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Ca-na-an: mặc dù họ đồi bại về luân lý, Thiên Chúa đã không quét sạch họ ngay lập tức nhưng cho họ hàng trăm năm và nhiều cơ hội để ăn năn. Ăn năn về điều gì? “Bọn độc ác sát hại trẻ thơ, bọn bày tiệc uống máu ăn thịt người, ăn cả gan cả ruột, bọn gia nhập những hội tế thần” và “bọn cha mẹ sát nhân giết cả những con người chưa thể tự vệ.” (Kn 12:5, 6). Người Ca-na-an thực hành việc hiến tế trẻ em cho các vị thần của họ, điều này cũng được coi là một hình thức kiểm soát sinh sản—vì hoạt động tình dục bừa bãi trong lúc thờ phượng các vị thần của họ đã khiến họ sinh ra những đứa trẻ “không mong muốn”.

Vì vậy, chúng ta thấy văn hóa Ca-na-an cổ đại tương tự phương Tây hiện đại như thế nào: hoạt động tình dục bừa bãi được tìm kiếm và tôn vinh, với kết quả là một phần năm trẻ em bị giết trong bụng mẹ. Vì quyền phá thai được coi là nguyên tắc nền tảng của nền văn hóa của chúng ta, đặc biệt là bởi Tòa án Tối cao / Supreme Court của chúng ta. Sách Khôn ngoan cho chúng ta hy vọng rằng nước Mỹ và các xã hội thối nát tương tự sẽ không bị hủy diệt ngay lập tức nhưng sẽ có thời gian và cơ hội để hối cải và quay về với Thiên Chúa. --Dr John Bergsma
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive