Trích từ Chương 18 The Great Sin trong Mere Christianity của C.S. Lewis
Bây giờ tôi đi vào phần đạo đức Kitô giáo trong đó nó khác biệt rõ nhất với những đạo đức khác. Có một tội lỗi mà không ai trên đời không mắc phải; tội mà ai cũng ghét khi thấy nơi người khác; và ít có ai ngoại trừ Kitô hữu tưởng tượng được rằng mình mắc tội.
Tôi từng nghe người ta thú nhận mình nóng tính, hoặc không thể tránh nổi gái hoặc rượu, hoặc thậm chí là hèn nhát. Nhưng tôi không nghĩ mình từng nghe ai đó không phải Kitô hữu mà tự nhận mình có tội này. Đồng thời tôi cũng hiếm khi thấy ai đó không phải Kitô hữu mà có sự khoan dung dù là tối thiểu cho tội này nơi kẻ khác. Không có lỗi lầm nào mà làm cho người ta ít được ưa chuộng như nó, và ít nhận ra sự hiện diện của nó nơi mình. Và ta càng có nó nhiều, ta lại càng ghét nó nơi người khác nhiều.
Tội mà tôi đang nói đến là Kiêu ngạo hay Tự cao: và nhân đức đối nghịch với nó trong đạo đức Kitô giáo, là khiêm nhường. Bạn có thể nhớ rằng khi tôi nói về đạo đức tính dục, tôi có cảnh báo rằng trọng tâm của đạo đức Kitô giáo không nằm ở đó. Bây giờ ta mới đi vào trọng tâm. Căn cứ vào các vị thầy Kitô giáo, tội lỗi chính yếu, cái xấu xa nhất, là Kiêu ngạo. Tà dâm, giận dữ, tham lam, rượu chè, và tất cả những cái đó, đều chỉ là bọ chét khi so với nó: chính là thông qua Kiêu ngạo mà quỷ dữ trở thành quỷ dữ: Kiêu ngạo dẫn đến tất cả những tội lỗi khác: nó là quan niệm chống Thiên Chúa toàn diện.
Bạn có thấy điều này là cường điệu? Nếu có, xin hãy nghĩ lại. Tôi mới vừa nói rằng người ta càng kiêu ngạo, người ta càng ghét kẻ khác kiêu ngạo. Thật ra, nếu bạn muốn biết mình kiêu ngạo đến đâu, cách dễ nhất là tự hỏi, ‘Mình sẽ bực tức cỡ nào khi người ta phớt lờ mình, hoặc chẳng thèm để ý đến mình, hoặc ra vẻ ta đây, hoặc tìm cách sai sử mình, hoặc phô trương?’ Sự thật là sự kiêu ngạo của mỗi người có tính cạnh tranh với sự kiêu ngạo của những người khác.
Chính là vì muốn nổi bật tại buổi liên hoan nên tôi mới bực tức vì có kẻ khác đang nổi bật tại đó. Hai kẻ cùng nghề chẳng bao giờ thuận thảo với nhau. Cái mà ta cần làm rõ là Kiêu ngạo cốt yếu là cạnh tranh – bản chất của nó là cạnh tranh – còn những thói xấu khác thì chỉ cạnh tranh, có thể nói là tình cờ thôi.
Kiêu ngạo không khoái trá vì có cái gì, mà chỉ khoái trá vì có cái đó nhiều hơn kẻ khác. Ta thấy có người kiêu ngạo vì giàu có, vì thông minh, vì ngoại hình đẹp, nhưng không phải vậy. Họ kiêu ngạo vì giàu hơn, thông minh hơn, đẹp hơn kẻ khác.
Nếu ai cũng giàu, thông minh, đẹp như nhau thì chẳng có gì để mà kiêu ngạo. Chính là sự so sánh làm ta kiêu ngạo: sự khoái trá vì hơn kẻ khác. Một khi không còn sự tranh giành, kiêu ngạo liền biến mất. Đó là lý do vì sao tôi nói Kiêu ngạo cốt yếu là cạnh tranh theo cách mà các thói xấu khác không có. Thôi thúc tính dục có thể đưa hai người đàn ông đến chỗ cạnh tranh khi họ muốn cùng một cô gái. Nhưng đó chỉ là tình cờ; họ có thể đã muốn hai cô khác nhau. Nhưng một kẻ kiêu ngạo sẽ giành giật cô gái khỏi tay bạn, không phải vì hắn muốn cô gái, nhưng chỉ vì muốn chứng tỏ rằng hắn hơn bạn.
Sự tham lam có thể đưa người ta đến chỗ cạnh tranh nếu không có đủ của cải cho người ta; nhưng kẻ kiêu ngạo, ngay cả khi hắn đã có nhiều hơn hắn muốn, vẫn sẽ tìm cách có thêm nữa để chứng tỏ quyền lực. Hầu hết những tội lỗi trên đời mà người ta phân tích là do tham lam hay ích kỷ thật ra trong sâu xa chính là do Kiêu ngạo.
Lấy ví dụ tiền bạc. Tất nhiên lòng tham khiến người ta muốn có tiền, để có nhà tốt hơn, đi nghỉ tốt hơn, ăn uống tốt hơn. Nhưng đến mức nào đó thôi. Cái gì làm cho một người có thu nhập 10.000 bảng Anh một năm cảm thấy khó chịu với người có thu nhập 20.000 bảng một năm? Không phải là lòng tham tiện nghi.
Mười ngàn bảng sẽ cung cấp được đầy đủ tất cả những thứ sang trọng mà một người có thể hưởng được. Chính là Kiêu ngạo – mong muốn giàu hơn những kẻ giàu khác, và (hơn thế nữa) mong muốn quyền lực.
Bởi lẽ, dĩ nhiên quyền lực là cái mà Kiêu ngạo thực sự muốn: chẳng có gì làm cho người ta cảm thấy vượt trên người khác bằng cái khả năng sai khiến họ như những chú lính chì. Cái gì làm cho cô gái đẹp gieo rắc sự khổ sở bất cứ chỗ nào cô ta đến để tìm kiếm người ái mộ? Chắc chắn không phải thôi thúc tính dục: những cô gái loại đó rất thường lạnh lùng về tính dục. Đó là Kiêu ngạo. Cái gì làm cho một nhà lãnh đạo chính trị của cả một quốc gia cứ lấn tới mãi, đòi hỏi mãi? Lại là Kiêu ngạo. Kiêu ngạo là cạnh tranh do bản chất thực sự của nó: đó là lý do vì sao nó cứ lấn tới mãi. Nếu tôi là một gã kiêu ngạo, thì chừng nào trên đời này còn có một người nào đó mạnh hơn, hoặc giàu hơn, hoặc thông minh hơn tôi, thì hắn sẽ là đối thủ, là kẻ thù của tôi.
Kitô hữu nói đúng: Chính Kiêu ngạo là nguyên nhân chính của đau khổ trong mỗi quốc gia và mỗi gia đình kể từ hồi khai thiên lập địa. Những thói xấu khác đôi khi có thể đem người ta lại gần nhau: ta có thể tìm thấy bạn tốt và sự vui vẻ và sự thân thiện trong số những bợm rượu hay những kẻ phóng đãng. Nhưng Kiêu ngạo luôn luôn có nghĩa là thù ghét – nó là thù ghét. Và không chỉ thù ghét giữa người với người, mà còn là giữa người với Thiên Chúa.
Nơi Thiên Chúa ta gặp phải một điều gì đó siêu việt đối với ta trên mọi khía cạnh. Trừ khi ta biết Thiên Chúa là như vậy – và do đó biết ta chẳng là gì trong so sánh – nếu không thì ta chẳng biết Thiên Chúa gì cả. Chừng nào ta còn kiêu ngạo, chừng đó ta còn chưa thể biết Thiên Chúa. Một người kiêu ngạo luôn coi thường người khác: và tất nhiên chừng nào ta còn nhìn xuống người khác, ta không thể thấy cái gì ở trên ta.
Cái đó làm nảy sinh một câu hỏi ghê gớm. Làm sao mà ai đó rõ ràng là kiêu ngạo lại có thể nói họ tin nơi Thiên Chúa và cho rằng mình tín ngưỡng? Tôi e rằng cái đó chứng tỏ họ đang thờ phượng một Thiên Chúa tưởng tượng. Trên lý thuyết họ thừa nhận mình chẳng là gì trước vị Thiên Chúa ảo tưởng này, nhưng trên thực tế đang tưởng tượng Ngài chấp nhận họ và nghĩ họ tốt hơn người thường: nghĩa là, họ chỉ dành cho Ngài một ít khiêm nhường tưởng tượng và lấy ra từ đó rất nhiều Kiêu căng dành cho người anh em mình.
Tôi giả thiết rằng Đức Kitô đã nghĩ về chính những người đó khi Người nói rằng có kẻ sẽ rao giảng về Người và trừ quỷ nhân danh Người, để rồi đến ngày tận thế Người sẽ nói là không biết họ. Và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào cái bẫy chết người này. May thay, chúng ta có một phép thử. Bất cứ lúc nào khi ta nhận thấy đời sống thiêng liêng của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy mình tốt – nhất là thấy chúng ta tốt hơn người khác – thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang chịu tác động bởi ma quỷ chứ không phải bởi Thiên Chúa. Phép thử thực sự cho thấy ta đang sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là hoặc ta quên mình cả mình, hoặc ta thấy mình chỉ là một vật bé nhỏ và dơ bẩn. Tốt hơn là ta quên cả mình đi.
Thật khủng khiếp khi thấy tội lỗi xấu xa nhất trong mọi tội lỗi có thể len lỏi vào tận bên trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nhưng bạn có thể thấy tại sao.
Những tội lỗi kia, kém xấu xa hơn, là do tác động của ma quỷ đối với ta qua bản chất sinh vật của ta. Còn tội lỗi này thì không thông qua bản chất sinh vật của ta chút nào. Nó đến thẳng từ Địa ngục. Nó thuần túy tinh thần: do đó mà nó trầm trọng hơn và chết người hơn.
Cũng vì đó mà Kiêu ngạo có thể thường được dùng để đánh bại những tính xấu khác. Trên thực tế các thầy cô thường đánh thức lòng Kiêu ngạo của một cậu bé, hoặc như họ nói là lòng tự trọng, để làm cho cậu cư xử đàng hoàng: nhiều người đã vượt qua sự hèn nhát, hoặc dục vọng, hoặc nóng giận do họ nghĩ rằng những thói đó không xứng với sự cao quý của mình – nghĩa là, do Kiêu ngạo. Ma quỷ cười. Nó hoàn toàn hài lòng khi thấy ta trong sạch và can đảm và tự chủ chừng nào nó còn sắp đặt được trong ta một sự Thống trị của Kiêu ngạo – cũng tựa như nó sẽ hoàn toàn hài lòng khi thấy chỗ phồng dộp của bạn được chữa khỏi, miễn là đổi lại nó có thể đem đến cho bạn ung thư. Bởi vì Kiêu căng là ung thư tinh thần: nó phá hủy hết từng khả năng yêu thương, hoặc hài lòng, hoặc ngay cả lẽ phải thông thường.
Trước khi kết thúc chủ đề này tôi phải ngăn chặn một số hiểu lầm có thể có: (1) Vui thích vì được khen không phải là Kiêu ngạo. Đứa trẻ được vỗ vai khen ngợi vì đã làm bài tốt, người phụ nữ đẹp được người yêu khen, linh hồn được cứu rỗi được Đức Kitô nói ‘con giỏi lắm’, cảm thấy vui thích và nên như vậy. Vì ở đây niềm vui không nằm ở chỗ bạn là ai mà do bạn đã làm vui lòng người mà bạn muốn (và muốn một cách chính đáng) làm vui lòng.
Rắc rối xảy ra khi ta chuyển từ ý nghĩ ‘Mình đã làm người ấy hài lòng; vậy là tốt’ sang ý nghĩ ‘Mình thật tốt khi làm được việc đó’. Ta càng vui thích về mình hơn và càng ít vui thích về sự khen ngợi hơn, ta càng trở nên tệ hơn. Khi ta hoàn toàn vui thích về mình và không quan tâm gì đến sự khen ngợi, ta đã xuống tận đáy. Vì lẽ đó sự hãnh diện, dù nó là loại Kiêu ngạo thể hiện bên ngoài nhiều nhất, lại là loại Kiêu ngạo ít tệ nhất và dễ tha thứ nhất. Người hãnh diện muốn được nhiều lời khen, vỗ tay, thán phục và luôn tìm kiếm những cái đó. Đó là sai trái, nhưng là một sai trái trẻ con và khiêm tốn (theo kiểu lạ đời).
Nó chứng tỏ ta không hoàn toàn hài lòng khi tự thán phục mình. Ta cũng đánh giá cao người khác cho nên ta mới cần họ chú ý đến ta. Ta dù sao cũng chỉ là người. Sự Kiêu ngạo đen tối, quỷ quái có mặt khi ta coi thường người khác đến nỗi ta không quan tâm họ nghĩ gì về ta. Dĩ nhiên ta làm đúng, và thường phải làm, khi ta không quan tâm người khác nghĩ gì về ta, nếu ta làm vậy có lý do chính đáng; tức là, do ta quan tâm hơn hết đến việc Thiên Chúa nghĩ gì. Nhưng người Kiêu căng có lý do khác.
Anh ta nói, ‘Sao ta lại phải quan tâm đến tiếng vỗ tay của bọn rơm rác ấy, làm như là ý kiến của chúng có chút giá trị gì? Thậm chí khi ý kiến của chúng có giá trị gì đó, liệu ta có phải là loại người có thể đỏ mặt vì sung sướng khi được khen như một đứa con gái điệu đàng trong buổi khiêu vũ đầu tiên? Không, ta là một nhân cách trưởng thành hoàn chỉnh.
Tất cả những gì ta làm là để thỏa mãn ý riêng của ta – hoặc sự nhận thức nghệ thuật của ta – hoặc, nói vắn tắt, vì ta là Người có Đẳng cấp như vậy. Nếu bọn cặn bã thích cái đó, mặc kệ chúng. Chúng chẳng có ý nghĩa gì với ta.’ Bằng cách này sự Kiêu căng toàn diện đã kiểm soát sự hãnh diện; bởi như tôi đã nói trước đây, ma quỷ thích ‘chữa lành’ một tật xấu nhỏ để cho ta một tội lỗi lớn. Ta không được hãnh diện, nhưng ta không được kêu gọi sự Kiêu căng giúp ta chữa trị sự hãnh diện; thà ở trên chảo còn hơn ở trên lửa.
(2) Chúng ta nói rằng ai đó ‘tự hào’ về con mình, hay cha mình, hay trường mình, hay trung đoàn mình; và người ta hỏi ‘tự hào’ trong trường hợp này có phải là sai trái không. Theo tôi cái đó tùy ta ngụ ý gì khi ‘tự hào’. Rất thường khi nói vậy người ta ngụ ý một sự ‘nồng nhiệt thán phục’ người đó. Sự thán phục như vậy dĩ nhiên là cách xa tội lỗi. Nhưng cũng có lẽ là người đó hãnh diện về mình nhờ nơi người cha xuất sắc của mình, hoặc vì mình thuộc về một trung đoàn nổi tiếng.
Cái này là sai trái, nhưng dù sao vẫn còn tốt hơn hãnh diện chỉ vì chính bản thân. Yêu mến và thán phục cái gì bên ngoài mình là một bước rời xa khỏi sự bại hoại của linh hồn; mặc dầu về lâu dài thì không ổn nếu ta yêu mến và thán phục một cái gì đó hơn yêu mến và thán phục Thiên Chúa.
(3) Ta không được nghĩ Kiêu ngạo là điều Thiên Chúa cấm vì Ngài thấy bị xúc phạm vì nó, hoặc Ngài yêu cầu ta khiêm nhường vì sự cao quý của Ngài – làm như là chính Thiên Chúa kiêu ngạo. Ngài chẳng bao giờ lo đến sự cao quý của Ngài. Vấn đề là Ngài muốn ta biết Ngài; muốn trao Ngài cho ta. Và Ngài với ta là hai thực thể theo một cách mà nếu ta bằng cách nào đó tiếp xúc được với Ngài ta sẽ, trên thực tế, khiêm nhường – khiêm nhường một cách vui thích, cảm thấy sự giải thoát mãi mãi khỏi tất cả những ý tưởng ngốc nghếch về sự cao quý của ta vốn từng làm ta bất an và bất hạnh suốt cuộc đời. Ngài đang cố làm cho ta khiêm nhường để làm cho điều này trở thành sự thật: lấy đi những ngờ nghệch, xấu xí, ảo tưởng mà ta đã tích lũy và mang đi khoe khắp nơi như những tên ngốc.
Ước gì tôi đã khiêm nhường hơn: nếu được vậy tôi sẽ có thể nói cho bạn hay về sự nhẹ nhõm, sự thoải mái khi được giải thoát khỏi ảo tưởng – giải thoát khỏi cái tôi giả tạo với tất cả những ‘Hãy nhìn tôi đây’ và ‘Thấy tôi chưa?’ và tất cả những màu mè trình diễn. Chỉ cần đến gần điều đó thôi, dù chỉ trong giây lát, cũng tựa như được uống một ly nước mát giữa sa mạc.
(4) Đừng tưởng rằng khi ta gặp một người thực sự khiêm nhường, trông người ấy sẽ giống cái mà ngày nay người ta gọi là ‘khiêm nhường’: người ấy sẽ không giống loại người trơn tru, sẵn sàng làm hài lòng mọi người, người sẵn sàng nói với ta rằng người ấy không là gì cả. Có lẽ ta sẽ nghĩ rằng người ấy có vẻ là người thông minh, vui vẻ, quan tâm đến những gì ta nói. Nếu ta không thích người ấy thì sẽ là vì ta cảm thấy một tí ganh tỵ với những người có cuộc sống quá dễ chịu. Người ấy sẽ không nghĩ gì về khiêm nhường: người ấy sẽ không nghĩ gì cả về mình.
Nếu ai muốn đạt được sự khiêm nhường, tôi nghĩ tôi có thể nói cho người ấy bước đầu phải làm. Bước đầu là nhìn nhận mình kiêu căng. Và đó là một bước khá dài. Ít nhất là chẳng có gì có thể thành tựu được mà thiếu bước đầu đó. Nếu ta nghĩ là ta không tự cao, điều đó có nghĩa là ta rất tự cao vậy.