Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Xin lôi cuốn chúng con trở về lại với Thiên đàng

Nếu bạn chưa bao giờ cầu nguyện với Mẹ Maria, hãy cầu nguyện với Mẹ lúc này. Chẳng lẽ bạn không thể thấy rằng nếu chính Chúa Kitô muốn được thành hình về thể xác trong Đức Mẹ chín tháng và sau đó được Đức Mẹ dạy dỗ về mặt tinh thần trong ba mươi năm, thì chúng ta cũng phải học từ Đức Mẹ cách để Chúa Kitô được hình thành trong chúng ta sao? Chỉ mình Mẹ, Đấng đã nuôi dạy Chúa Kitô mới có thể nuôi dạy một Kitô hữu.

Để gia tăng mối dây liên kết thiêng liêng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chuỗi Mân Côi là hữu hiệu nhất. Tràng hạt có nghĩa là “vòng hoa hồng” được chắt lọc từ Khu Vườn Cầu Nguyện. Mỗi chục chỉ cần từ hai đến ba phút; do đó, toàn bộ chuỗi Mân Côi chỉ cần hơn mười phút.

Nếu bạn không quỳ và đọc hết tràng Mân côi trong một lần, thì hãy lần một chục khi bạn thức dậy vào buổi sáng, rồi một chục nữa trên đường đi làm, một chục nữa khi quét nhà, hoặc khi đợi séc vào giờ ăn trưa, một chục nữa ngay trước khi bạn đi ngủ; chuỗi cuối cùng bạn có thể đọc trên giường ngay trước khi chìm vào giấc ngủ.

Khi bạn chưa 25 tuổi, bạn chỉ có dành thời gian đọc một chục trước khi chìm vào giấc ngủ; khi bạn bốn mươi tuổi, bạn sẽ có thời gian cho hai chục; và khi bạn sáu mươi, bạn sẽ có thời gian cho một tá.

Bởi vì lời Kinh Kính mừng được đọc nhiều lần trong chuỗi Mân Côi, đừng nghĩ đó là một sự lặp lại vô ích.  Vì mỗi lần kinh này được đọc trong một khung cảnh hoặc bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như khi đọc kinh ấy khi suy niệm Mầu Nhiệm Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Sáng, Năm Sự Mừng.  Khi bạn còn nhỏ, bạn đã chẳng bao giờ nghĩ lời “con yêu mẹ”, có cùng ý nghĩa như bạn vừa nói xong lời đó. Vì bối cảnh của tình cảm đã thay đổi nên sự khẳng định của nó cũng mới. Vẫn là mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng, nhưng nó tạo nên một ngày mới.

Một số lợi ích của chuỗi Mân Côi:

1. Nếu bạn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, và đem lời kinh vào mỗi ngày trong cuộc sống bạn, bạn sẽ không bao giờ đánh mất linh hồn của mình.

2. Nếu bạn ước mong có sự bình an trong tâm hồn và trong gia đình bạn, và lãnh nhận nhiều hồng ân từ trời cao, thì mỗi tối hãy tập trung lại và lần chuỗi Mân Côi.

3. Nếu bạn đang lo lắng về việc đưa một linh hồn trở về với Chúa, để họ biết tình yêu và sự sống của Chúa, hãy dạy người đó lần hạt Mân Côi. Người đó hoặc sẽ ngừng lần chuỗi Mân Côi hoặc sẽ nhận được ơn Đức tin.

4. Nếu chúng ta có đủ quân số lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, thì giờ đây, cũng như Mẹ đã xảy ra trong quá khứ, Mẹ sẽ xin được từ Con Chí Thánh của Mẹ dập tắt những cơn bão tố hiện tại, đánh bại kẻ thù của nền văn minh nhân loại và một nền hòa bình thực sự trong trái tim của nhân loại yếu đuối và lạc lối.

5. Nếu lòng bác ái của bạn nguội lạnh khiến bạn buồn sầu từ nội tâm và hay chỉ trích người khác, thì chuỗi Mân Côi, qua việc suy niệm về Tình yêu cao cả Chúa dành cho bạn trên Thập giá và tình yêu của Mẹ Maria dành cho bạn trên đồi Canvê, sẽ thắp lại tình yêu của bạn đối với Chúa và người lân cận và khôi phục lại cho bạn sự bình yên vượt quá mọi sự hiểu biết.

Đừng nghĩ rằng khi tôn vinh Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi, bạn đang bỏ bê Chúa của chúng ta. Bạn đã bao giờ biết ai phớt lờ bạn, bằng cách đối xử tốt với mẹ bạn chưa? Nếu Chúa của chúng ta đã nói với bạn “Đây là Mẹ của con,” thì chúng ta có trách nhiệm phải tôn trọng Người Mẹ mà Thiên Chúa đã chọn trên hết mọi thụ tạo. Dù thế nào đi nữa, hãy nhớ dù bạn muốn chỉ muốn đến với Mẹ và ngừng ở đó, Mẹ sẽ không để bạn ngừng với Mẹ thôi đâu. Như nhà thơ Francis Thompson đã nói:

Tên Cám dỗ từ trời ra tay,
Hết thảy nhân loại phúc thật phủi tay;
Với những lời dịu ngọt thánh thiêng
Và đôi mắt quyến rũ của Mẹ,
Xin lôi cuốn chúng con trở về lại với Thiên đàng.

Chuyển ngữ từ Seven Words of Jesus and Mary by Fulton J. Sheen

Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Danh Thánh Giêsu

“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1:1).

Trong câu mở đầu này, Mát-thêu giới thiệu cho chúng ta Danh thánh của Chúa Giêsu, Danh thánh đã được kêu cầu đến trong lời cầu nguyện ngay từ buổi đầu của Kitô giáo.

Theo quan điểm Kinh thánh, việc chúng ta có thể kêu gọi tên của Chúa Giêsu là điều thật đáng kinh ngạc. Trong đạo Do Thái cổ đại, danh thánh Chúa chỉ được gọi đến một lần mỗi năm và chỉ bởi vị Thượng tế. Giờ đây, qua việc Thiên Chúa xuống thế làm người trong Đức Kitô, chúng ta có đặc ân kêu cầu danh Chúa: Danh hiệu Giêsu mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận khi nhập thể bao hàm mọi tước hiệu. Con người không có quyền gọi tên Thiên Chúa, nhưng khi nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc khải Danh Thánh này và chúng ta có thể xướng lên Danh đó: ‘Giêsu’; ‘Thiên Chúa Cứu Độ’” (GLCG 2666)

Danh thánh Giêsu hàm chứa một quyền lực mạnh mẽ. Đây là tên duy nhất dưới gầm trời này mà chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. (Cv 4:12). Nhân danh Chúa Giêsu, người bệnh có thể được chữa lành (Mc 16: 17-18; GLCG 1507), tội nhân tìm thấy lòng thương xót (GLCG 1846), và linh hồn gặp được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Như Sách Giáo lý giải thích, “Danh Người là danh hiệu duy nhất hàm chứa sự Hiện diện thần linh. Đức Giêsu đã phục sinh, ai kêu cầu danh Người sẽ được đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và hiến mạng sống cho họ.” (GLCG #2666).

Danh thánh Chúa Giêsu có thể là một lời cầu nguyện đơn giản, khi được kêu khẩn với lòng yêu mến và sự chú ý (GLCC 2668). Ví dụ, các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ đã đọc Lời cầu nguyện danh Chúa Giêsu, họ lặp đi lăp lại cách chậm rãi và trìu mến câu “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội,” hoặc thậm chí chỉ tên “Chúa Giêsu,” đôi khi hàng trăm lần một ngày, giữa những công việc nhỏ nhặt hàng ngày, hoặc đọc theo nhịp thở của họ trong khi cầu nguyện. Bằng cách này, cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ với Chúa Kitô luôn ở trong tâm trí, trên môi miệng và trong trái tim của chúng ta.

Việc kêu cầu danh thánh Chúa Giêsu cũng có thể hữu ích trong những lúc bị cám dỗ hoặc thử thách tâm linh. Thánh danh của Chúa Giêsu có quyền năng khiến muôn vật phải quy phục Ngài, vì thế, như Thánh Phaolô đã nói, “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”(Pl 2, 10-11). – Gospel of Matthew, Catholic Commentaries

Share:

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ

“Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).

Được “cứu khỏi tội lỗi” thì không chỉ là “được cứu khỏi hậu quả của tội.” Chúa Giêsu đến không chỉ để cứu chúng ta khỏi địa ngục nhưng để cứu chúng ta khỏi việc phạm tội. Ngài đến để chúng ta có thể sống cuộc đời thánh thiện. Cuộc đời tội lỗi thật là một cuộc đời khốn khổ; nó đúng thật là địa ngục ở trần gian. Nhưng tội là một thứ nghiện, và chúng ta cần đến một Quyền Năng cao hơn— thực sự là một Đấng cao cả hơn — để có thể có được sự tự do.

...Khi lùi lại một bước và suy niệm những bài đọc của ngày hôm nay, chúng ta nhận ra chủ đề của các bài đọc là về sự xâm nhập của Thiên Chúa vào cuộc sống của con người. Thiên Chúa tỏ ý muốn can thiệp vào cuộc đời của vua A-khát, và câu trả lời của vua là “Cám ơn nhưng con không cần”.

Trong Tin Mừng, Thiên Chúa “xâm chiếm” cuộc đời của Đức Maria và Thánh Giuse với sự hiện diện của Người. Có lẽ khát vọng của hai đấng là không gì khác hơn sống một cuộc sống bình lặng và yên ổn, cố gắng gây dựng một gia đình ở Nazareth trong khi chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa với tổ tiên của họ qua các vị tiên tri. Họ không nghĩ đến việc Chúa sẽ dùng cuộc đời của họ để thực hiện hết những lời hứa mà họ đã đọc hoặc nghe.

Sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của họ có nghĩa là công việc sẽ không bình thường như trước kia và sự thoải mái của một đời sống bình thường không còn nữa.  Giuse lo lắng khi biết vị hôn thê của mình đang mang thai và sợ phải cưới Maria, vì Giuse nghi ngờ Maria: (theo quan điểm của thời hiện đại hơn) có hành vi sai trái nào đó, hoặc (theo quan điểm của truyền thống cổ điển) Giuse do dự vì ngài sẽ kết hôn với một người phụ nữ thánh thiện đến mức bà đã được chọn để cưu mang Đấng Mêsia.

Hy vọng của Giuse và Maria, sống một cuộc sống thuộc tầng lớp trung lưu, sống trong sự đợi trông của dân Israel đã tan thành mây khói. Cuộc sống của họ sẽ không bình thường như những người khác. Thiên sứ hướng dẫn Giuse đi bước tiếp theo – hãy đón bà về nhà mình. Chúng ta biết rằng những tháng năm sắp tới sẽ có nhiều khó khăn và lo lắng hơn nữa – một hành trình dài đến Bết-lê-hem trong giai đoạn cuối của thai kỳ, sau đó là trốn thoát lúc nửa đêm từ Bết-lê-hem đến Ai Cập để tránh việc bị hãm hại.

Cuộc đời của Mẹ Maria và Thánh Giuse sẽ không bao giờ bình thường và thoải mái nữa vì khi Thiên Chúa “xâm chiếm” cuộc đời chúng ta, Ngài tháp nhập chúng ta vào chương trình cứu độ vũ trụ của Ngài, và chúng ta phải thông phần đau khổ của Đấng mệnh danh là “Đấng Cứu Độ” (xem Rm 8:17).

Trong Thánh lễ, chúng ta chuẩn bị “việc Chúa xâm nhập” vào cuộc đời của chúng ta qua bí tích Thánh Thể, khi Thiên Chúa một lần nữa sẽ đi vào cuộc sống và thân xác của chúng ta, “Mình Máu, Linh hồn và Thiên tính”. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa? Chúng ta có sẵn sàng để cuộc sống của mình bị chệch hướng, sang một hướng mới, thậm chí có thể là một hướng không thoải mái vì Chúa hiện đang sống trong chúng ta không?
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Thầy có phải là Đấng phải đến không?: Niềm hy vọng của Gioan và của chúng ta

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11:2-11)

Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” 4 Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

“Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

------

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

“Câu hỏi này có vẻ kỳ quặc vì Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu khi Chúa lãnh nhận phép rửa ở sông Giođan, và theo các lời tường thuật khác của Phúc âm, Gioan đã thừa nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng sẽ đến sau ông và ông không đáng cởi dây giày của Ngài (Luca 3:16). Vậy tại sao Gioan lại sai người đi hỏi “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Dường như việc Gioan bị cầm tù là môt thử thách đức tin cho ông. Đúng là Gioan đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong những thời điểm hạnh phúc hơn, như khi Gioan rao giảng ở sông Giođan và đám đông kéo đến với ông. Lúc đó, nước Chúa dường như là sắp xuất hiện. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách đó. Tại sao vì chỉ nói sự thật (với Hêrôđê) mà Gioan bị bỏ tù? Và nếu Chúa Giêsu là người đã được xức dầu để “đem tin mừng cho kẻ nghèo hèn … công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,” (Isaia 61:1), thì ngài có thể sử dụng một số quyền năng giải phóng đó để Gioan được phóng thích?

Ngay cả những vị thánh vĩ đại cũng có thể trải qua đêm tối và trải qua những thử thách về đức tin. Vì thế, việc bị thử thách không là không tương thích với sự thánh thiện. Khi Gioan phải chịu đau đớn về thể lý và đêm đem của tâm linh trong ngục tối tăm của Hê-rô-đê, ông tìm đến Chúa Giêsu để được an ủi: “Thầy có phải là Đấng phải đến không? Thầy không biết tôi bị nhốt trong ngục vì đã làm chứng cho hôn nhân sao?

Chúa Giêsu đáp lại họ rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Chúa Giêsu nhắn lại lời an ủi cho Gioan: “Hãy đi nói với Gioan rằng các dấu hiệu của thời đại của Đấng Mêsia như đã được đề cập đến trong Isaia 35 và 61 đã được ứng nghiệm cách rõ ràng trước mắt các anh. Và thật hạnh phúc thay cho những ai không bị vấp ngã. Vì cách Ta đem nước Thiên Chúa đến trần gian thì khác với những gì họ mong chờ”.

Như chúng ta đã thấy, những lời tiên tri của Isaia về người mù, què, điếc, v.v., thực sự nói về những thực tại thuộc linh. Nhưng trước bản chất yếu đuối của chúng ta, vốn cần những dấu hiệu hữu hình (Gioan 4:48), Chúa Giêsu đã đoái thương diễn ra qua hành động những lời tiên tri về mặt tâm linh.

Nếu những vấn đề chính của nhân loại là những khuyết tật về thể chất, thì Chúa Giêsu đã thành lập một bệnh viện để chữa lành cơ thể cho mọi người. Nhưng trái lại, Chúa thành lập một Giáo hội, để chữa lành tâm hồn con người. Giáo hội ấy cũng đã thành lập các bệnh viện bởi vì cùng với Chúa Giêsu, Giáo hội nhận ra rằng chúng ta cần những dấu hiệu hữu hình để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng sự chữa lành về thể xác cần phải hướng chúng ta đến sự chữa lành sâu hơn, nếu không thì nó chỉ là tạm thời và cuối cùng là vô nghĩa.

Chúa Giêsu sau đó tiếp tục bằng việc khen ngợi Gioan Tẩy Giả, gọi ông là vị tiên tri vĩ đại nhất của Giao ước cũ, đỉnh cao của việc rao giảng và dạy dỗ Kinh thánh của Israel (xem Matthêu 11:13). Tuy nhiên, “Kẻ nhỏ nhất trong nước thiên đàng còn lớn hơn ông ta”. Điều đó có nghĩa là gì?

Vương quốc thiên đàng là Giáo hội. Những lời của Chúa Giêsu có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Khải hoàn, những người đã được cứu rỗi và ngay cả lúc này, đang ở trước sự hiện diện của Chúa trên thiên đàng. Họ cao trọng hơn Gioan (trong Phúc âm lúc này) vì họ đã được thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và chia sẻ vào vĩnh phúc của Chúa, trong khi Gioan còn phải chịu những thử thách về thể lý cũng như tinh thần và sự yếu đuối của thân xác.

Và điều này cũng có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Chiến đấu, những tín đồ vẫn đang chiến đấu trên trái đất. Mặc dù chúng ta có thể thiếu nhiều đức tính của Gioan, nhưng chúng ta có rất nhiều lợi thế mà ông không có: các bí tích ban truyền Chúa Thánh Thần cho chúng ta, chân lý trọn vẹn trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ thêm, sự hiệp thông các thánh tăng thêm sự hỗ trợ, và nhiều hơn nữa. Vì vậy, ngay cả những người nhỏ nhất trong chúng ta, những người thực sự tin vào Chúa Kitô, cũng vĩ đại hơn Gioan về nhiều mặt.

Hoặc chúng ta nên nói, vĩ đại hơn Gioan đã là, vì khi Chúa Giêsu nói những lời này, Gioan vẫn còn trên trái đất và bị ràng buộc bởi Giao ước Cũ. Nay, Gioan đã đi vào phúc vinh quang và được phúc nhìn thấy Chúa cùng với các thánh khác.

Không cần phải nói cuộc sống này bao hàm việc buồn nản chờ đợi vì cuộc sống dường như đi lùi hơn là tiến bước. Ngay cả khi chúng ta hát những bài hát về niềm hy vọng và niềm vui khi Chúa Giêsu đến trong Mùa Vọng, nó không mấy thích hợp với các sự kiện trong cuộc sống cá nhân cũng như các sự kiện xã hội và chính trị trên khắp thế giới, nhiều sự kiện dường như báo trước thảm họa không thể tránh khỏi và không là về tình yêu, niềm vui và hòa bình. Giáo hội rất là thực tế, và Kinh thánh cũng vậy. Vì thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ở thế gian này, anh em sẽ gặp khó khăn. Nhưng hãy can đảm! Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16:33).

Đó là sứ điệp của các bài đọc Chúa Nhật tuần này. Như các tiên tri, chúng ta đang mong đợi từ giữa một thế giới đang chảy ngược dòng tiến đến hạnh phúc trọn vện. Nhưng thế giới hiện tại này là một vấn đề tạm thời và Chúa Giêsu đã có câu trả lời vĩnh cửu cho vấn đề này. Khi chúng ta thắp ngọn nến hồng để đánh dấu “Chúa Nhật Gaudete / mừng vui,” chúng ta hãy phấn khởi với sự thật rằng chúng ta, những kẻ nhỏ bé, có thể cùng đứng với một người vĩ đại như Gioan Tẩy Giả và hy vọng về ngày chúng ta sẽ cũng với ngài vui hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.”
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Chúa nhật thứ I Mùa Vọng: Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 24:37-44)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”


Từ Dr. John Bergsma

Các chủ đề của Tin Mừng hôm nay rất giống với chủ đề của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai. Chúng ta nhờ đó thấy được lòng trung thành của Thánh Phaolô đối với Tin Mừng đã được rao giảng (không biến đổi nó).

Chúa Giêsu dùng trận lụt thời Nô-ê như một biểu tượng của ngày cánh chung. “Thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng,” tất cả những hình ảnh của dục lạc. Khi ngày tận thế đến, hầu hết thế giới sẽ bị phân tâm bởi việc tìm kiếm lạc thú trong cuộc đời này.

Những lời tuyên bố này của Chúa về “một người được đem đi, một người bị bỏ lại” và sự xuất hiện của “kẻ trộm khi đêm đến” đã làm nảy sinh “tín điều” của thời hiện đại về “rapture / việc được đem đi,” một khái niệm về sự tái lâm của Đức Kitô, khi mà những người tin vào Chúa đột nhiên được “đưa lên” khỏi trái đất và những người không tin sẽ bị bỏ lại đàng sau và sẽ phải trải qua một đại nạn trước khi tận thế. Đây không là một tín điều trong truyền thống của Kitô giáo. “Rapture / việc được đem đi” được đưa ra bởi John Nelson Darby, một mục sư Plymouth Brethren vào những năm 1800. Carl Olson đã xuất bản “Will Catholics Be Left Behind: A Critique of the Rapture and Today's Prophecy Preachers / Liệu người Công giáo sẽ bị bỏ lại đằng sau”, phê bình rất chính xác về thuyết lý này.

Bài đọc I và Thánh Vịnh trình bày đời sống Kitô hữu như một cuộc “hành hương” đến Sion. Bài đọc hai và Tin Mừng trình bày đời sống Kitô hữu là một cuộc sống đòi hỏi có sự “tỉnh thức” và từ bỏ những đam mê nhục dục ở đời này. Hai hình ảnh có thể được kết hợp làm một cách sống. Trong một cuộc hành hương, người ta không bị lôi cuốn theo việc tìm kiếm lạc thú. Ban ngày bạn phải đi bộ nhiều giờ trên camino / đường và ngủ ở nơi bạn có thể—đôi khi ở những nơi khắc khổ—vào ban đêm. Và nếu bạn tạo nên thói quen dừng chân và “hưởng vui chơi”, bạn sẽ không thể nào đạt đến đích. Các bài đọc trong Thánh lễ này kêu gọi chúng ta lần nữa dấn thân sống cuộc đời hiện tại như một cuộc hành hương về núi Sion trên trời.

_____________

Từ Dr. Brant Pitre

Vậy Chúa Giêsu đang nói về điều gì? Đoạn Phúc âm này nói về điều gì? Điều đầu tiên tôi muốn nói ở đây, và điều này rất quan trọng, là nhấn mạnh rằng mặc dù một số Kitô hữu (Tin Lành) cho rằng Chúa Giêsu đang nói về việc những kẻ tin Chúa chân thành được bí mật “rapture / đem đi khỏi” trái đất. Nếu họ thực sự tin vào Chúa Giêsu, họ sẽ biến mất một cách bí ẩn và những người khác sẽ bị “bỏ lại đằng sau”. Nhưng đó không phải là điều mà Chúa Giê-su đang nói đến. Điều mà Chúa Giêsu đề cập đến trong đoạn Phúc âm này là về việc Chúa đến thứ hai trong ngày tận thế. Chúa Giêsu đang nói về phán xét cuối cùng, không phải việc được bí mật đem đi của những người thực sự tin vào Chúa.

Để tôi đưa ra cho bạn một vài lý do tại sao Ngài đang nói về cuộc phán xét cuối cùng, bạn có thể thấy điều đó bằng cách xem xét bối cảnh.

1. Mặc dù sách bài đọc Phúc âm không có câu này, nhưng câu ngay trước dòng đầu tiên “Thời ông Nô-e thế nào,” là câu nổi tiếng mà Chúa Giê-su nói “về ngày và giờ đó thì không ai biết được.” Và câu đó nói vềVà câu đó đề cập đến thời điểm trời và đất sẽ qua đi, không ai biết khi nào điều đó sẽ xảy ra, kể cả các thiên thời điểm mà trời đất sẽ qua đi, ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi. Vì vậy, sự liên quan đến ngày giờ đó là ngày cánh chung, ngày phán xét cuối cùng. Đó là điểm đầu tiên, bối cảnh nói về sự phán xét cuối cùng.

2. Việc Chúa Giê-su ám chỉ thời Nô-ê cho bạn thấy rằng đây là sự phán xét của vũ trụ, sự phán xét của toàn thế giới. Bởi vì vào thời Nô-ê, nếu bạn quay trở lại sách Sáng thế chương 6-9 đọc, những gì Sáng thế mô tả là một trận lụt toàn cầu, nơi tất cả những kẻ ác trên toàn thế giới đều bị diệt vong trước sự phán xét của Chúa, và chỉ một số ít người, tám người, được cứu thoát khỏi sự phán xét của Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu đang đưa ra một sự so sánh. Cũng như trong thời Nô-ê, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, và không chuẩn bị cho cuộc đại hồng thủy, cuộc phán xét toàn cầu, thì khi Con Người quang lâm, nhiều người sẽ vẫn mải mê với những thứ của thế gian này, và họ sẽ không có sự sẵn sàng cho cuộc phán xét cuối cùng. Họ sẽ không sẵn sàng cho parousia, từ Hy Lạp về việc Con Người đến, khi Người sẽ phán xét trần gian. Giống như Chúa phán xét cả thế giới vào thời điểm lũ lụt.

3. Điều này thực sự quan trọng. Nếu bạn để ý, bạn có thể thấy rằng khi Chúa Giê-su nói một người được đem đi và một người bị bỏ lại, cho dù một người đàn ông được đem đi và một người đàn ông bị bỏ lại, hay một người đàn bà được đem đi và một người đàn bà bị bỏ lại (một lần nữa nếu bạn nghĩ về hình ảnh của lũ lụt làm nền cho những gì Ngài đang nói), điều gì đã xảy ra ở đây? Gia đình của Nô-ê đã được đem đí. Nói cách khác, họ đã được cứu khỏi sự phán xét của trận lụt, và những người bị bỏ lại; họ không bị bỏ lại để sống trên thế gian và có thời gian để ăn năn hay điều gì đó tương tự, họ bị lọt ra khỏi ơn cứu rỗi và trận lụt cuốn trôi đi, họ bị diệt vong trong sự phán xét của Chúa. Điều chủ yếu Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây là sự phân chia giữa người công chính và kẻ ác sẽ diễn ra vào ngày phán xét cuối cùng.

Nếu bạn muốn một so sánh tương tự với điều này, bạn có thể xem chương tiếp theo trong sách Mát-thêu, dụ ngôn về chiên và dê trong Phúc âm Mát-thêu chương 25, nơi Chúa Giê-xu phân rẽ người công chính khỏi kẻ gian ác. Ngài phân biệt chiên với dê, và người công chính đi vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa Cha, trong khi những con dê đi vào lửa hủy diệt vĩnh cửu đã chuẩn bị sẵn cho ma quỷ và các thiên sứ của hắn. Vì vậy, đây là sự phân tách của ngày phán xét cuối cùng, nó không phải là về việc người tín hữu trung tín được đem đi cách bí ẩn. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này, Chúa nói ngày Con Người quang lâm cũng vậy. Đây là ngày Chúa đến lần thứ hai chứ không là sự những người tín hữu chân thực được đem đi lên thiên đàng trong bí mật. Từ “rapture / được đem đi” đó không bao giờ được dùng đến.

4. Tất cả điều này rất rõ ràng nếu bạn nhìn vào phần kết của bài Phúc âm hôm nay, bởi vì đâu là điểm nhấn mạnh chính? Nó là bản chất bất ngờ của sự phán xét. Nói cách khác, bạn không biết chính xác khi nào Con Người sẽ đến vào ngày tận thế. Ngài sử dụng một vài hình ảnh khác nhau cho việc này. Ngài nói, hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Vì vậy Ngài nói hãy tỉnh thức, như thức canh chờ Con Người đến. Nhưng Ngài cũng dùng dụ ngôn kẻ trộm trong đêm. Vì vậy Ngài nói nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Và câu cuối cùng liên kết nó với câu trước đó trong Mát-thêu 24:35-6, Trời đất sẽ qua đi vào ngày giờ không ai biết cả.

Vì vậy, toàn bộ bối cảnh của đoạn văn này không là về việc được đem đi lên trời trong bí mật mà là về cuộc phán xét cuối cùng. Đó là về cuộc chờ đợi [Chúa đến] lần thứ hai. Đó là về parousia / sự xuất hiện của Chúa Kitô vào ngày tận thế. Đây là một phân tích ngắn thôi. Nếu bạn muốn biết thêm, tôi đã có một lớp học Kinh Thánh và về rapture / được đem đi với tiêu đề “Jesus and the End Times: A Catholic View of the Lats Days”. Trong đó, tôi đi qua những vấn đề khác của quan điểm “được đem đi.” Tôi chỉ muốn loại ý đó ra ở đây để bạn thấy rằng Giáo hội bắt đầu năm phụng vụ với Tin Mừng Mát-thêu, bắt đầu Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, không phải với một đoạn nói về việc được đem đi, về rapture. Giáo hội bắt đầu Chúa nhật thứ I của Mùa Vọng, với một đoạn Phúc âm nói về chờ đợi cuối cùng, về sự tái lâm của Chúa Kitô vào ngày tận thế, điều này cho chúng ta chút manh mối về những gì sắp diễn ra trong Mùa Vọng. Nó nói về việc chúng ta chuẩn bị, không chỉ mừng Lễ Giáng Sinh, khi Chúa đến lần đầu tiên, mà còn là chuẩn bị cho chúng ta cho Chúa đến lần cuối cùng, sự giáng lâm cuối cùng của Chúa Kitô vào ngày tận thế.

Share:

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Lễ Chúa Kitô Vua: Cây Thánh giá là ngai vàng của Vua của Vũ trụ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Luca 23:35-43)

Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

---------

Thoạt đầu, Bài Tin Mừng có vẻ tương phản mạnh mẽ với các bài đọc của ngày hôm nay, vốn nhấn mạnh đến vinh quang và quyền năng của Con Vua Đavít. Trong bài Phúc âm, chúng ta thấy Con vua Đa-vít bị chế giễu, sỉ nhục và bị giết.

Tuy nhiên, có một sự thật khó hiểu trong bài Phúc âm. Thập Giá là ngai của Chúa Giêsu. Vương quyền của Ngài được thể hiện trong cái chết của Ngài. Ngài trị vì từ cây Thập Giá. Vương quốc của Ngài là vương quốc của “sự cứu chuộc, sự được tha thứ tội lỗi,” và tội lỗi không thể được tha thứ trừ khi Ngài trả giá cho chúng bằng chính máu của mình. Vì vậy, ở đây, Vua trả giá cho những hành vi phạm tội của thần dân của mình, để sự hòa giải được xảy ra bằng máu của Ngài trên thập tự giá (Côlôsê 1:20).

Như Chúa Giê-xu đã nói với Phi-la-tô, vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này (Gian 18:36). Vương quốc của Ngài hiện hữu trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian này. Người trộm lành đã nuôi hy vọng rằng Chúa Giêsu có thể vẫn là Đấng Mêsia, vẫn có thể làm phép lạ từ Thập tự giá và bắt đầu triều đại thượng giới của Ngài. Anh ta có chịu thiệt hại gì đâu khi tin vào điều đó? Anh đã đặt hết tin tưởng vào Vị Rápbi từ Nadarét: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! Hãy nhớ tôi đã bênh vực ông khi ông bị nguyền rủa và đang trong những giây phút cuối cùng của ông.”

 Trước đó trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hứa thưởng cho bất cứ ai cho những người anh em bé mọn nhất của mình dù chỉ một cốc nước lạnh. Người trộm lành đã làm những gì  anh có thể. Anh không có nước cho Chúa uống, nhưng anh dâng Chúa tình liên đới trong đang lúc bị hành hạ cách tàn nhẫn. Và anh ta nhận được phần thưởng ngoài những gì anh ta có thể tưởng tượng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta, khi chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua, Vương quyền và vương quốc của Ngài luôn bị bách hại và gặp đau khổ trên thế giới này. Chúa đã nói với chúng ta rồi: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình hằng ngày mà theo Ta?” (Lu-ca 9:23, RS). Ngai vàng của Chúa Giêsu là Thánh Giá của Người. Tương tự như vậy, ngai vàng của chúng ta cũng là những cây thánh giá. Chúng ta chỉ cai trị từ thập tự giá trong cuộc sống này. Chỉ qua việc chấp nhận đau khổ vì yêu mà quyền lực và uy quyền của chúng ta với tư cách là phó vương của Chúa Kitô mới trở nên hiện thực và hiệu quả trong thế giới này. Như Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta “là thừa kế, và đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8:17).

Đây là một sự thật quan trọng chúng ta cần ghi nhớ trong những thời điểm Giáo hội gặp khó khăn về mặt chính trị cũng như khi Giáo hội được quyền thế ủng hộ. Phúc Âm không thể bị áp đặt, và các chính sách của chính phủ — chúng có thể giúp đỡ hoặc cản trở các nỗ lực của Giáo Hội— sẽ không bao giờ thực sự mang lại sự hoán cải tâm hồn. Tin Mừng luôn là một lời mời gọi đầy thách đố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Không có cách nào để tô vẽ thử thách này, làm cho nó dễ được chấp nhận hơn bằng bọc nó bằng nhạc rock hoặc bằng những phim kịch tinh vi. Vì cuối cùng, mỗi người phải quyết định họ sẽ sống theo ước muốn của mình hay phó thác cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vị Vua đã gánh chịu đau khổ, Đấng sẽ ngự trên tòa để phán xét vào ngày cánh chúng. Sự lựa chọn của bạn là gì? -- -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C
Share:

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

"Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu" -- Chúa nhật thứ XXXIII Mùa Thường niên, Năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Luca 21:5-19)

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người : “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?”

Đức Giê-su đáp : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : ‘Chính ta đây’, và : ‘Thời kỳ đã đến gần’ ; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém ; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

 


 

Rõ ràng ở đầu của đoạn này, Chúa Giêsu nói về sự Đền thờ Giêrusalem do Hê-rô-đê xây lên bị hoàn toàn phá hủy năm 70 A.D  (Đền thờ Giêrusalem thời Chúa Giêsu được vua Hê-rô-đê Cả bắt đầu xây dựng và sau đó được hoàn thành vào năm 66 A.D.). Nhiều người hỏi về Bức tường Than khóc ở Giêrusalem: chẳng phải những tảng đá của Bức tường Than khóc là một phần của Đền thờ sao? Nếu vậy thì lời của Chúa Giêsu: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” là sai? Trên thực tế, Bức tường Than khóc là một phần của bức tường chắn được xây lên để cung cấp một quảng trường rộng lớn cho Đền thờ và các sân của nó. Bức tường không phải là một phần của Đền thờ. Đền thờ nằm ở phía bắc của đền thờ hiện là Dome of the Rock của người Hồi giáo. Chính Đền thờ thì chẳng gì còn lại cả.

Trong phần tiếp theo của Tin Mừng tuần này, Chúa Giê-su mô tả các sự kiện dẫn đến sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên. Nhà sử học Do Thái Flavius ​​Josephus ghi lại những dấu hiệu đáng sợ người ta có thể nhìn thấy trên bầu trời và trên đất trước thảm họa này trong tác phẩm Chiến tránh Do thái giáo / The Jewish War.

Đền thờ Giêrusalem được coi là thành Thánh, trung tâm của trái đất, cái rốn của vũ trụ, một mô hình thu nhỏ của Đền thờ Vũ trụ. Như Josephus viết:

Vì nếu có ai xem xét vải của Nhà Tạm,  y phục của vị Thượng tế, và những bình mà chúng tôi sử dụng trong việc thờ phượng của mình, thì sẽ thấy rằng… tất cả đều được làm nên theo hình ảnh và là tượng trưng của vũ trụ. (Jewish Antiquities 3:180).

Vì vậy, những gì xảy ra với Giêrusalem vào năm 70 sau Công nguyên là một loại biểu tượng, một dấu hiệu về những điều sẽ xảy ra với toàn thể vũ trụ. Những lời của Chúa chúng ta cũng có thể được áp dụng một cách đúng đắn cho ngày tận thế.

“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.

Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.”

Ở đây Chúa Giêsu tiên tri những điều chúng ta thấy đã ứng nghiệm trong sách Công vụ Tông đồ, khi mà trong những năm 50 và 60 sau Công nguyên, các vị Tông đồ bị cầm giữ, bắt bớ, giao nộp cho các hội đường và bỏ tù, dẫn đến trước các vị vua và thống đốc, và một số đã bị tử hình. Tất cả những điều này diễn ra trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70 sau Công Nguyên. Đồng thời, những cuộc đàn áp này là đặc điểm của Giáo Hội trong suốt lịch sử và sẽ tái diễn một cách dữ dội, đặc biệt ngay trước khi Chúa trở lại trong vinh quang lần thứ hai.

Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.  

Sự không ưa thích chúng ta vì chúng ta là Kitô hữu thì đặc biệt khó để chịu đựng vì chúng ta mong muốn tình tình yêu thương và muốn họ biết về Chúa Kitô. Kitô hữu không có ác ý nào với những người khác, nhưng vì chúng ta không tuân thủ lối sống và niềm tin mà chúng ta biết là sai lầm, có hại và trái với ý muốn của Chúa, chúng ta kích động sự tức giận của người khác (Trường hợp này đang xảy ra ngày càng mạnh ở Tây phương).

Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Vì Chúa Giêsu thừa nhận rằng một số người sẽ bị giết chết vì danh Ngài, nên câu nói “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” của Chúa Giêsu không thể được hiểu theo nghĩa đơn giản là không một tổn hại nào về thể xác sẽ xảy đến với những người bị bắt bớ vì đức tin của họ. Đúng hơn, “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” phải được hiểu như một lời tuyên bố về ngày cánh chung, rằng người Kitô hữu thật sẽ chịu thiệt hại nào cả vì toàn bộ cơ thể của người ấy sẽ được phục hồi trong ngày kẻ chết sống lại…

Sự kiên trì là một hình thức của nhân đức dũng cảm, một khả năng chịu đựng dưới áp lực của đau khổ và khó khăn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong Thánh lễ này để Chúa ban cho chúng ta sự kiên trì mà chúng ta sẽ cần đến để gánh chịu sự bắt bớ đang gây ra cho chúng ta trong nền văn hóa này, để chúng ta trung thành cho đến cùng và nhận lại thân xác của chúng ta trong ngày cánh chung, ngày mà “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng

“Tôi mong đợi Đức Chúa,
Đấng ẩn mặt không nhìn nhà Giacóp, tôi trông cậy vào Ngài”
(Is 8, 17)

Thiên Chúa có thật, không thành vấn đề bạn nghĩ thế nào. Thật dễ để thờ phượng Thiên Chúa khi mọi chuyện êm xuôi trong cuộc đời bạn - khi Ngài cho bạn của ăn, bạn bè, gia đình, sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng đời đâu phải luôn mang sắc hồng. Những lúc ấy bạn sẽ thờ phượng Thiên Chúa thế nào? Bạn sẽ làm gì khi xem ra nghìn trùng xa cách, Ngài đã đi rồi?

Mức độ sâu sắc nhất của thờ phượng là ngợi khen Thiên Chúa bất chấp nỗi đau, tạ ơn Ngài trong thử thách, tin cậy Ngài khi bị cám dỗ, phó dâng cho Ngài đang khi khốn khổ, và yêu mến Ngài khi Ngài xem ra xa vắng.

Tình bạn thường được thử thách bởi sư phân cách và im lặng; bạn bị chia cắt bởi khoảng cách vật lý hoặc bạn không thể nói chuyện với người kia. Cũng vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, bạn sẽ không luôn luôn cảm thấy Ngài gần gũi. Philip Yancey nhận xét cách khôn khéo, “Bất cứ một mối tương giao nào cũng bao gồm cả gần gũi lẫn xa cách. Với Thiên Chúa cũng thế, không thành vấn đề mật thiết làm sao, qua lắc vẫn sẽ đong đưa tư bên này qua bên kia”.11 Đó là lúc thờ phượng trở nên khó khăn.

Để bạn trưởng thành trong tình bạn với Ngài, Thiên Chúa cũng sẽ thử thách bạn với những khoảng thời gian xem ra xa vắng - những lúc tưởng chừng như Ngài bỏ rơi hay lãng quên bạn, khi Ngài dường như ở xa bạn vạn dặm. Thánh Gioan Thánh Giá gọi những ngày khô hạn thiêng liêng, nghi ngờ, và xa lạ đối với Thiên Chúa như là những “đêm tối của linh hồn”. Henry Nouwen gọi chúng là “sứ vụ của sự trống vắng”. A. W. Tozer gọi chúng la “sứ vụ của đêm tối”. Những người khác thì gọi chúng la “mùa đông của tâm hồn”.

Ngoài Đức Giêsu, có lẽ Đavít là người bạn khắng khít với Thiên Chúa hơn ai hết, Ngài gọi ông là “một người làm đẹp lòng Ta”. Vậy mà không ít lần Đavít cũng đã kêu trách Thiên Chúa sao Ngài cứ vắng mặt: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa, ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?” (Tv 10, 1). “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22, 1). “Chính Ngài là Thiên Chúa bảo vệ con, sao Ngài đành xua đuổi? Sao con phải lang thang tiều tuỵ, bị quân thù áp bức mãi không thôi?” (Tv 43, 2).

Dĩ nhiên, Thiên Chúa thật sự không rời Đavít và Ngài cũng không rời xa bạn. Ngài đã hứa nhiều lần, “Ta sẽ không bao giờ rời xa con, cũng không bỏ rơi con” (x Tv 37, 28; Ga 14, 16-18; Dt 13, 5). Nhưng Thiên Chúa chưa bao giờ hứa “con sẽ luôn luôn cảm thấy sự hiện diện của Ta”. Quả vậy, Thiên Chúa thừa nhận, một đôi khi Ngài ẩn mặt với chúng ta (Is 45, 15). Trong đời bạn, có những lúc xem ra Ngài biệt vô âm tín.

Floyd McClung mô tả: “Một mai thức dậy, mọi tâm tình đạo đức tan bay. Bạn cầu nguyện, không gì xảy ra. Bạn quở trách ma quỷ, không gì thay đổi. Bạn đi linh thao… bạn xin người khác cầu nguyện… bạn xưng mọi tội mà bạn có thể tưởng tượng ra, rồi bạn rảo quanh xin lỗi những người quen biết. Bạn ăn chay… vẫn không gì xảy ra. Bạn bắt đầu lo lắng liệu những ngày tăm tối thiêng liêng này sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhiều ngày? Nhiều tuần? Nhiều tháng? Hay no không bao giờ chấm dứt?… tưởng chừng như những lời cầu nguyện của bạn dội xuống từ trần nhà. Trong nỗi thất vọng cùng cực, bạn kêu lên, ‘Chuyện gì xảy đến cho tôi?’”.12

Sự thật là không có gì trục trặc với bạn! Đây là  một mảng thường tình trong qua trình thử thách và làm triển nở mối thân tình của bạn với Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều trải qua ít nhất một lần trong đời và thường là vài lần. Nó thật đớn đau và gây bối rối. Nhưng nó tuyệt đối cần thiết cho sự trưởng thành đức tin của bạn. Việc biết được điều này đã đem lại niềm hy vọng cho Gióp khi ông không cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình. Ông nói, “Này có sang Đông, tôi sẽ chẳng thấy Ngài, đi sang Đoài, cũng không gặp được. Tôi lên Bắc để tìm Ngài, cũng không thấy, co xuống Nam, Ngài vẫn biệt tăm. Quả thật, con đường tôi đi, Ngài đã biết, Ngài có đem tôi thử trong lò, tôi sẽ nên như vàng tinh luyện” (G 23, 8-10).

Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng, có thể bạn cảm thấy Ngài giận hờn bạn hay trừng phạt bạn vì một vài tội lỗi nào đó. Quả vậy, chính tội lỗi chia cắt chúng ta khỏi tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa. Chúng ta làm phiền lòng Thánh Thần của Ngài và làm nguội lạnh tình thân với Ngài bằng sư bất tuân, xung đột với người khác, qua bận rộn, làm bạn với thế gian và các thư tội khác.

Nhưng thường thì cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi và xa lạ với Ngài không liên quan gì đến tội. Đó là sự thử thách của lòng tin - mỗi người đều phải đối mặt: Vậy bạn sẽ tiếp tục yêu mến, tin tưởng, vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa cả khi không cảm nhận sự hiện diện của Ngài hay không cảm nhận bằng chứng hiển nhiên về những việc Ngài làm trong đời bạn?

Một sai lầm phổ biến nhất mà các Kitô hữu hôm nay mắc phải trong việc thờ phượng là họ đi tìm một cảm nghiệm hơn là đi tìm Thiên Chúa. Họ tìm cảm giác, và nếu điều này xảy ra, họ kết luận là họ đã thờ phượng. Thật sai lầm! Sư thực, Thiên Chúa thường cất đi những cảm xúc để chúng ta không lệ thuộc vào đó. Tìm kiếm cảm xúc, ngay cả cảm xúc gần gũi với Đức Kitô, cũng không phải là cầu nguyện.

Khi bạn còn là một Kitô  hữu bé bỏng, Thiên Chúa cho bạn nhiều tâm tình xác tín và Ngài cũng thường đáp trả những lời cầu nguyện thiếu trưởng thành và quy về mình nhất - để bạn tin Ngài hiện hữu. Một khi bạn đã lớn lên trong đức tin, Ngài sẽ tước bạn khỏi những lệ thuộc này.Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và việc biểu lộ sự hiện diện của Ngài là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là sự kiện; bên kia thường là cảm giác. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện cả khi bạn không nhận ra Ngài và sự hiện diện của Ngài thì quá thẳm sâu đến độ khó có thể cân đo bằng những cảm xúc thuần tuý.

Vâng, Ngài muốn bạn cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Nhưng Ngài quan tâm đến việc bạn tin Ngài hơn là cảm nhận được Ngài. Đức tin sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải những cảm xúc.

Những hoàn cảnh giằng co đức tin bạn nhất sẽ là những thời khắc khi mà cuộc đời bạn bị xé từng mảnh vaàThiên Chúa thì vắng mặt. Điều này đã xảy đến với Gióp. Chỉ vỏn vẹn một ngày, Gióp mất mọi sự - gia đình, công việc, sức khoẻ, và tất cả những gì ông có. Điều dễ làm ngã lòng nhất là - suốt ba mươi bảy chương, Thiên Chúa không hề hé môi!

Làm sao bạn có thể ngợi khen khi không hiểu những gì đang xảy đến cho mình và Thiên Chúa thì câm nín? Làm sao bạn có thể giữ vững mối tương giao trong cơn khủng hoảng khi không nghe và cũng không nói được một lời? Làm sao bạn vẫn nhìn lên Đức Giêsu khi lệ tràn mi? Bạn hãy làm những gì Gióp đã làm: “Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: ‘Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!’” (G 1, 20-21).

Hãy nói với Thiên Chúa đúng như lòng mình. Hãy trút lòng bạn cho Thiên Chúa. Hãy đổ cho Ngài mọi tâm tư. Gióp đã làm như thễ khi ông nói, “Chính vì thế, con sẽ không ngậm miệng, con sẽ nói ra khi tâm thần sầu não, sẽ than thở lúc con tim cay đắng” (G 7, 11). Ông đã tiếc xót kêu lên khi Thiên Chúa dường như xa cách: “Như những ngày mùa thu thịnh vượng khi Thiên Chúa bảo vệ lều tôi ở” (G 29, 4). Thiên Chúa có thể gỡ rối những nghi ngờ, giận dữ, sợ hãi, tiếc xót, tăm tối và những vấn nạn của bạn. Bạn có biết, thừa nhận nỗi vô vọng của mình trước mặt Thiên Chúa cũng có thể là một lời tuyên xưng đức tin không? Tín thác vào Chúa nhưng cùng lúc vẫn cảm thấy thất vọng, Đavít đã viết, “Tôi đã tin ca khi mình đã nói: ‘Ôi nhục nhã ê chề!’” (Tv 116, 10). Điều này nghe thật mâu thuẫn: Tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi thật chán ngán! Thực ra, sự thẳng thắn của Đavít biểu lộ một lòng tin sâu sắc: Thứ nhất, ông tin Thiên Chúa. Thứ hai, ông tin Thiên Chúa se lắng nghe lời ông nguyện cầu. Thứ ba, ông tin Thiên Chúa sẽ để cho ông nói những gì ông cảm thấy và Ngài vẫn yêu thương ông.

Chăm chú vào Thiên Chúa là ai, bản tính Ngài không bao giờ thay đổi. Bất luận hoàn cảnh thế nào, và bạn cảm thấy làm sao, hãy bám chặt vào bản tính không bao giờ đổi thay của Thiên Chúa.

Hãy nhủ lòng mình với những gì bạn biết là luôn luôn đúng nơi Ngài: Ngài là Đấng nhân lành, Ngài yêu thương tôi, Ngài ở với tôi, Ngài biết tôi đang trải qua những gì, Ngài săn sóc tôi, và Ngài có một dự định tốt lành cho cuộc đời tôi. V. Raymond Edman nói, “Trong bóng tối, đừng bao giờ nghi hoặc những gì Thiên Chúa đã nói với bạn trong ánh sáng”.

Khi cuộc đời Gióp đổ vỡ và Thiên Chúa thì lặng im, ông vẫn tìm ra những lý do để có thể ngợi khen Ngài:

• Vì Ngài nhân lành và yêu thương (G 10, 12).
• Vì Ngài toàn năng (G 42, 2; 37, 5; 37, 23).
• Vì Ngài quan tâm đến mọi chi tiết đời tôi (G 23, 10a; 31, 4).
• Vì Ngài đang điều khiển (G 34, 13).
• Vì Ngài có một dư định cho cuộc đời tôi (G 23, 14).
• Vì Ngài sẽ cứu tôi (G 19, 25).

Tin rằng Thiên Chúa luôn giữ lời hứa. Suốt thời gian khô hạn thiêng liêng, bạn phải nhẫn nại tựa nương vào những lời hứa của Chúa, chứ không nương tựa trên những tình cảm của mình; đồng thời hãy ý thức Ngài đang dẫn bạn đi vào cấp độ sâu thẳm hơn của trưởng thành. Bởi lẽ, một tình bạn xây dựng trên cảm tính thì thật nông cạn.

Vì thế, đừng để rối tung bởi sự rối rắm. Hoàn cảnh đâu có thể thay đổi bản tính của Thiên Chúa. Ân sủng của Ngài vẫn luôn mạnh mẽ đầy tràn; Ngài vẫn đang có đó cho bạn, cả khi bạn không cảm thấy. Trong những hoàn cảnh tăm tối, Gióp vẫn bám chặt vào Lời của Ngài. Ông nói, “Lệnh môi Ngài truyền, tôi chẳng lìa xa; lời miệng Ngài phán, lòng tôi luôn ấp ủ” (G 23, 12).

Niềm tin vào Lời Thiên Chúa làm cho Gióp mãi vững tin dẫu không còn gì có ý nghĩa. Đức tin của ông vẫn can trường ngay giữa đau thương: “Ngài có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng, nhưng trước nhan Ngài, cách sống của tôi, tôi phải biện hộ” (G 13, 15).

Khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi nhưng vẫn tiếp tục tin cậy vào Chúa, bất chấp những u buồn, ấy là bạn đang thờ phượng Ngài cách sâu thẳm nhất.

Hãy nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho bạn. Nếu Thiên Chúa chưa từng làm cho bạn một điều gì khác, Ngài vẫn đáng nhận lời ngợi khen liên lỉ suốt đời còn lại của bạn về những gì Đức Kitô đã làm cho bạn trên cây thập giá. Con Thiên Chúa đã chết cho bạn. Đây là lý do lớn nhất để thờ phượng.

Thật đáng buồn, chúng ta thường quên những chi tiết rùng rợn của lễ hy tế mà Thiên Chúa đã làm thay cho chúng ta. Quen thuộc sinh ra thờ ơ. Trước khi chịu đóng đinh, Con Thiên Chúa đã bị lột trần, bị đánh đập đến nỗi người ta không còn nhận ra Ngài, chịu đòn vọt, nhiếc mắng và nhạo báng, chịu đội mão gai và khạc nhổ khinh khi. Bị lăng mạ và nên trò cười bởi những kẻ vô tâm, Ngài bị đối xử tàn tệ hơn một con vật.

Rồi, khi gần như bất tỉnh vì mất máu, Ngài bị buộc phải vác cây thập giá lên một ngọn đồi đề chịu đóng đinh trên giá gỗ đó, và bị bỏ mặc cho đến chết, một cái chết gia hình tủi nhục chậm chạp trên thập giá. Đang khi máu sống của Ngài chảy ra, những kẻ chất vấn đứng kề bên la lên những lời lộng ngôn phạm thượng, diễu cợt trước sư đau đớn và thách thức lời Ngài tuyên bố Ngài là Thiên Chúa.

Sau đó, khi Đức Giêsu đã mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại vào thân mình, Thiên Chúa lại quay mặt khỏi cảnh tượng rùng rợn ấy, để Ngài phải kêu lớn tiếng trong tuyệt vọng tột cùng: “Lạy Thiên Chúa tôi, Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ con?”. Đức Giêsu có thể tự cứu mình - nhưng như thế thì Ngài không thể cứu bạn.

Không ngôn từ nào có thể mô ta được cái tăm tối của giờ phút đó. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép và có thể chịu được sư đối xử bội bạc hãi hùng và kinh khiếp đến thế? Tại sao như vậy? Vậy thì, bạn cũng có thể được tha khỏi cảnh đời đời trong hỏa ngục và bạn cũng có thể được chung phần trong vinh quang của Ngài đời đời. Thánh Phaolô nói, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5, 21).

Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự để bạn có được mọi sự. Ngài đã chết để bạn có thể sống muôn đời. Chỉ ngần ấy thôi cũng đáng cho bạn tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Vậy, đừng bao giờ thắc mắc là bạn phải tạ ơn về điều gì!

Trích từ Sống Đúng Theo Mục Đích của Rick Warren

11 Philip Yancey, Reaching for the Invisible God (Grand Rapids: Zondervan, 2000), 242.
12 Floy McClung, Finding Friendship with God (Ann Arbor, MI: Vine Books, 1992), 186.

Share:

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Cha Vincent Lampert: Con quỷ mà bạn không biết - nhận biết và chống lại sự dữ trong cuộc sống hằng ngày

Tóm tắt nội dung

Cha Vincent Lampert là linh mục trừ quỷ. Trong video này, thay vì nói về hoạt động khác thường của ma quỷ như trong việc quỷ ám, cha nói về những hoạt động bình thường trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta dựa trên cuốn sách “The Devil You Don't Know: Recognizing and Resisting Evil in Everyday Life /Con quỷ mà bạn không biết - nhận biết và chống lại sự dữ trong cuộc sống hằng ngày”

Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa dối => chia rẽ => lạc lối=> chán nản.

Lừa dối: Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa đảo; chúng ta chấp thuận tin những lời nói dối của chúng và bắt đầu nghĩ rằng những lời nói dối của hắn là sự thật. Khi điều đó xảy ra, chúng ta gặt hái sự chia rẽ.

Chia rẽ: Ma quỷ đổ dồn năng lực của nó để gây nên chia rẽ và mất đoàn kết. Nó ao ước gây chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, và thậm chí nơi chính bản thân họ.

Hắn bày mưu để chúng ta chống lại nhau bằng cơn tức giận, phẫn nộ, khinh miệt, tham lam, hám lợi. Hắn có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất kiên nhẫn để chúng ta trở nên kích động và bất mãn.

Lạc hướng: Ma quỷ muốn chúng ta chuyển hướng đi ra ngoài con đường của Thiên Chúa.

Mục tiêu của ma quỷ trong việc đánh lạc hướng là khiến chúng ta mất tập trung và ý thức về mục đích và phương hướng, và việc đánh lạc hướng có thể hoạt động theo một cách rất tinh vi. Chúng ta có thể đi chệch khỏi con đường của Thiên Chúa, và đi khỏi con đường đó trong một thời gian rất dài mà thậm chí không nhận ra.

Mác-ta trong Luca 10, 38-42, bị cuốn vào công việc và trở nên đầy ghen tị, tức giận và các thứ tương tự.

Hãy nghĩ về vua Đa-vít và Bát-sê-ba và U-ri, người Hê-tít. Vua Đa-vít đã bị lệch hướng bởi đôi mắt rảo lượn, rồi nó làm cho vua chiều theo dục vọng, khiến vua lâm vào tội ngoại tình và sau đó nó làm vua tiếp tục với việc giết người. Đi lạc hướng và dần dần bị cơn cám dỗ đè bẹp.

Nản lòng: Khi tin vào sự dối trá làm cho chúng ta bị tổn thương, khiến chúng ta rời xa con đường của Chúa, sẽ đến lúc chúng ta thấy chán nản. Sự nản lòng chính là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với đời sống thiêng liêng. Nó biểu lộ qua sự mệt mỏi hằn rõ trên khuôn mặt của biết bao người. Nó thể hiện ở những người mà chúng ta nhìn thấy không có chút tình cảm trên khuôn mặt của họ. Những người đi bộ trên phố, trong siêu thị, nhà hàng, thậm chí ngồi trên những hàng ghế trong ngày Chủ nhật.

Trong Thần khúc của Dante, có một tấm biển treo phía trên cửa vào của địa ngục, nội dung tấm biển là: “Hỡi những kẻ bước qua đây hãy từ bỏ mọi hy vọng.” Những lời này đúng là dành cho những ai đã bị cuốn vào hố sâu tăm tối của sự nản lòng.

Sự nản lòng dẫn người ta đến với quyết định ngừng, không cố gắng nữa, rút lui, làm điều gì đó khác, hoặc thậm chí ngưng mọi hoạt động. Những điều này là những điều ma quỷ rất quan tâm vì hắn biết rằng cuối cùng sự nản lòng sẽ khiến chúng ta chệch hướng trong cuộc hành trình về với Chúa.

----------

 

Lời từ video

Rất ít người trong chúng ta cần bận tâm đến các cuộc tấn công bất thường của ma quỷ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cần quan tâm đến cách ma quỷ tìm mọi cách tấn công con người chúng ta trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống: trong hôn nhân của bạn, mối quan hệ của bạn với vợ chồng và con cái, bạn bè, đồng nghiệp tại nơi làm việc, trong trường học, trong đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin của bạn, đời sống luân lý của bạn, và ngay cả đời sống bí tích của bạn.

Ma quỷ muốn phá vỡ mọi giai đoạn của cuộc sống của bạn để xem liệu nó có thể tiêu diệt bạn được hay không. Cám dỗ là trọng tâm của hoạt động thường ngày của ma quỷ.

Ma quỷ sử dụng một kế hoạch bốn giai đoạn để tấn công tất cả chúng ta, để cố gắng làm chúng ta sa ngã trong cuộc sống hàng ngày.

Phần lớn những suy tư này của tôi đến từ cha Louis Cameli. Cha ấy là một giáo sư nổi tiếng khi tôi học trong chủng viện từ năm 1987 đến năm 1991. Cha đã viết một cuốn sách nhỏ có tên là “The Devil You Don’t Know / Sự dữ mà bạn không biết đến”, đã xuất bản có lẽ hơn 15 năm trước. Cha nói rất nhiều về hoạt động bình thường của ma quỷ. Và cha nói rằng ma quỷ sử dụng một kế hoạch bốn giai đoạn để tấn công tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Và tất cả bắt đầu bằng chữ cái “d”.

Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa lọc (deception), sự lừa lọc dẫn đến sự chia rẽ (division), chia rẽ dẫn đến sự lạc lối (diversion), và lạc lối dẫn đến sự chán nản (discouragment).

Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tất cả chúng ta đều gặp phải một cái gì đó hoặc một người nào đó ranh ma, giấu giếm, có sức mạnh, có tính phá hoại và muốn chen vào cuộc sống của chúng ta để gây hại và phá hoại. Thật cần thiết để chúng ta chú ý đến những cuộc tấn công này, vì mục đích chính của chúng là phá vỡ cuộc sống của chúng ta để chúng ta bị kéo ngày càng lìa xa Thiên Chúa hơn. Và khi chúng ta càng xa rời Thiên Chúa, chúng ta càng mất cảm giác về danh tính [ơn gọi và cùng đích của mình].

Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta bẩm sinh khao khát Chúa. Thánh Augustinô đã diễn tả cách rất hay khi ngài nói: “Vì thế trái tim chúng ta luôn khắc khoải bao lâu chưa tìm được an nghỉ trong Chúa”.

Ma quỷ sử dụng những hoạt động thông thường của nó để cố gắng lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa, để rồi con người trở nên cô lập hơn và dễ tin vào những lời nói dối mà ma quỷ đang bày ra cho họ. Ma quỷ muốn lời nói dối của nó được con người tin là thật trong tâm trí của họ.

Vì vậy hãy xem xét một chút bạn đã bao giờ gặp khó khăn với bất kỳ ví dụ nào sau đây chưa? Bạn đã bao giờ cảm thấy khó khăn để hòa hợp với một ai đó chưa? Bạn có thấy mình luôn phán xét hoặc chỉ trích ai đó không? Một người bạn lâu năm trở nên gánh nặng và bạn nghĩ ước họ biến mất và để tôi yên. Bạn có thấy khó chú ý đến cuộc trò chuyện thông thường không? Bạn đã bao giờ cảm thấy cần từng chút năng lượng của mình để cố gắng làm dịu một tình huống rắc rối chưa? Bạn có bao giờ ngạc nhiên khi thấy bên trong mình có khuynh hướng thù địch, bạo lực hoặc dục vọng không? Thậm chí có thể là mong muốn lợi dụng một ai đó để thỏa mãn ý riêng của bạn? Và bạn tự nghĩ: những ý tưởng này từ đâu mà đến vậy?

Thánh Phaolô đã nói theo cách này trong thư gửi tín hữu Rôma 7:18-19.  “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” Chúng ta biết điều phải làm, chúng ta quyết tâm để làm nó, nhưng lại thấy mình làm điều hoàn toàn ngược lại.

Deception / Sự lừa dối

Ma quỷ đảo ngược sự thật. Hắn lật ngược mọi thứ từ trong ra ngoài, đảo lộn mọi sự. Hắn muốn kéo chúng ta đi chệch hướng và sau đó tiếp tục trình bày lời nói dối của mình như một sự thật.

Hắn nói dối. Chẳng chết chóc gì đâu. Hắn nói, bạn sẽ giống Thiên Chúa. Khi ma quỷ nói dối, nó làm theo bản chất của nó vì nó là kẻ nói dối và là cha đẻ của sự dối trá.

Tất cả những lời hứa dối trá này đều liên quan đến tương lai. Lòng biết ơn luôn hướng về quá khứ, tình yêu hướng đến khoảnh khắc hiện tại, nhưng nỗi sợ hãi nhìn về tương lai.

Tại sao người ta tìm đến những nhà ngoại cảm và thông linh? Họ có một nỗi sợ hãi về tương lai và họ muốn có câu trả lời cụ thể. Chúng ta muốn có sự kiểm soát, và muốn biết kết quả sẽ là gì. Vì vậy không còn chỗ cho niềm hy vọng và sự tín thác. Cuối cùng là ma quỷ đã lừa dối được người ấy và giờ đây họ thấy mình vướng víu trong những vụ xấu xa hoặc trầm cảm.

Người ta tin vào những mưu toan dối trá thay vì chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình. Họ cố gắng biện minh cho chúng và điều này dẫn đến bước tấn công thường hằng thứ hai của ma quỷ: đó là chia rẽ (Division).

Chia rẽ

 Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa đảo, rồi chúng ta chấp thuận tin những lời nói dối của chúng và chúng ta bắt đầu nghĩ rằng những lời nói dối của hắn là sự thật. Nhưng khi điều đó xảy ra, chúng ta gặt hái sự chia rẽ.

Chúng ta không nên ngạc nhiên khi ma quỷ đổ dồn năng lực của nó để gây nên chia rẽ và mất đoàn kết. Nó ao ước gây chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, và thậm chí nơi chính bản thân họ.

Công việc của ma quỷ là chống lại việc chúng ta được cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô, ơn hòa giải ta với Thiên Chúa và cho phép chúng ta chia sẻ vào sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ma quỷ muốn tất cả chúng ta cùng sa vào cái chết đời đời với nó, muôn đời xa lìa khỏi Thiên Chúa.

Ma quỷ làm điều này bằng cách lôi kéo chúng ta vào một thế giới lừa lọc trá và dối trá. Vào đêm trước khi chịu chết Chúa Giêsu đã cầu nguyện: như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một (Ga 17, 211-23).

Việc ma quỷ tìm cách chia rẽ chúng ta là biểu tượng cho sự chống ngược lại với sự nghiệp vinh thắng của Chúa Giêsu: đó là chữa lành, hòa giải và hiệp nhất. Chúa Giêsu luôn muốn gắn kết mọi thứ lại với nhau, ma quỷ luôn muốn làm cho mọi thứ bị đổ vỡ. Ma quỷ muốn gây trở ngại, ngăn cản và thậm chí làm tê liệt chúng ta trong hành trình của cuộc sống. Hắn không muốn chúng ta có một cuộc sống mà mọi sự thống nhất với nhau. Hắn có thể khiến chúng ta cảm thấy bị áp đảo như thể có một sự gì đó ngoài tầm với trong cuộc sống, điều gì đó vượt quá khả năng, để rồi chúng ta sẽ bỏ cuộc.

Hắn cũng khơi dậy nỗi sợ hãi của chúng ta để làm cho chúng ta cảm thấy kinh hoàng và rồi tháo lui. Hắn có thể gợi ý rằng chúng ta nên so sánh mình với những người khác, thường là đến mức chúng ta đánh giá quá cao khả năng của người khác và chúng ta đánh giá thấp bản thân mình, đến mức chúng ta trông thật kém cỏi trong sự so sánh đó.

Hắn bày mưu để chúng ta chống lại nhau bằng cơn tức giận, phẫn nộ, khinh miệt, tham lam, hám lợi. Hắn có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất kiên nhẫn để chúng ta trở nên kích động và bất mãn.

Hắn có thể cản trở chúng ta bằng những hành vi gây nghiện như ma túy và nhiều dạng nghiện ngập hoặc những tư tưởng ngoại tình. Hãy nghĩ đến những cơn khủng hoảng thuốc phiện, nghiện rượu, phim ảnh, sách báo khiêu dâm, sự tan vỡ của biết bao gia đình vì ly dị.

Phúc âm dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ tìm lại được cuộc sống của mình khi chúng ta dâng hiến nó lại cho Chúa, Đấng đã ban cho nó cho chúng ta. Tin Mừng Thánh Mác-cô có viết ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Mc 8,35).

Để dâng lên Chúa cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải có một cái gì đó để dâng lên, đó là dâng lên cuộc sống với cảm giác hiệp nhất, lòng trung kiên và sự thống nhất về ý nghĩa. Chúng ta cần làm chủ được cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta muốn dâng nó lên cho Chúa.

Ma quỷ không muốn chúng ta gắn kết những mảnh đời tan vỡ lại với nhau. Nếu chúng ta vẫn bị rạn nứt, chúng ta không thể dâng hiến bản thân mình cho Chúa.

Làm lạc hướng

Sự đổ vỡ này dẫn đến kế hoạch tấn công thứ ba của ma quỷ, đó là đánh lạc hướng (Diversion). Sự lừa dối dẫn đến sự chia rẽ, sự chia rẽ dẫn đến sự lạc hướng. Ma quỷ muốn chúng ta chuyển hướng đi ra ngoài con đường của Thiên Chúa.  Hắn đã làm dân Israel thay lòng đổi dạ trên hành trình về đất hứa khiến họ không thờ phượng Thiên Chúa đích thực mà thờ phượng những tượng thần giả, Xuất hành 32, 1-8. Chúng ta gọi đây là sự thờ ngẫu tượng, một vũ khí mà ngày nay ma quỷ vẫn sử dụng để chống lại chúng ta, khiến chúng ta thay thế Thiên Chúa với một sản phẩm do con người tạo nên.

Mục tiêu của ma quỷ trong việc đánh lạc hướng là khiến chúng ta mất tập trung và ý thức về mục đích và phương hướng, và việc đánh lạc hướng có thể hoạt động theo một cách rất tinh vi. Chúng ta có thể đi chệch khỏi con đường của Thiên Chúa, và đi khỏi con đường đó trong một thời gian rất dài mà thậm chí không nhận ra.

Các kiểu đánh lạc hướng: chúng ta bị lôi cuốn vào công việc. Chúng ta không thấy được mục đích và con đường mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Chúng ta bị phân tâm. Hãy suy nghĩ về câu chuyện của Mác-ta và Maria, Luca 10, 38-42. Chúa nói, “Mác-ta, Mác-ta, Mác-ta”. Mác-ta tập trung vào cái gì? Phục vụ thay vì làm điều quan trọng hơn là lắng nghe. Cô ấy bị cuốn vào công việc và trở nên đầy ghen tị, tức giận và các thứ tương tự.

Một hình thức khác của sự đánh lạc hướng là sự khinh miệt. Chúng ta biết những gì chúng ta được gọi để làm, nhưng chúng ta khó chịu với nhiệm vụ trước mắt mình. Một cái gì đó kéo chúng ta ra khỏi những gì cần phải làm. Hãy nghĩ về câu chuyện ngôn sứ Giô-na và cá voi.

Ngôn sứ Giô-na có một công việc phải làm nhưng ông ấy cho phép mình nghĩ rằng tôi sẽ không làm việc này nên ông tìm cách trốn tránh. Một kiểu đánh lạc hướng khác lại là theo hướng hoàn toàn ngược lại thay vì hơi lệch hướng, ma quỷ lại khiến người đó di chuyển theo một hướng ngược lại.

Khi điều này xảy ra, nhiệm vụ ban đầu bị hỏng hoàn toàn. Hãy nghĩ về vua Đa-vít và Bát-sê-ba và U-ri, người Hê-tít. Vua Đa-vít đã bị lệch hướng bởi đôi mắt rảo lượn, rồi nó làm cho vua chiều theo dục vọng, khiến vua lâm vào tội ngoại tình và sau đó nó làm vua tiếp tục với việc giết người. Đi lạc hướng và dần dần bị cơn cám dỗ đè bẹp.

Một kiểu lạc hướng khác là thuyết tương đối. Đó là suy nghĩ rằng không có gì thực sự quan trọng; không có gì là sự thật bền vững; không có gì là nền tảng vững chắc, và không có hướng đi cụ thể nào là đúng đắn hay thích hợp. Rồi kết cục là cuộc sống của người đó trở thành một mớ hỗn độn, lộn xộn, các mảnh vụn rời rạc, không có phương hướng và ý nghĩa.

Bằng việc nghiện ngập, chúng ta không còn có Chúa làm trọng tâm và cho phép một thứ khác thay thế Chúa, một sự gì đó đòi hỏi sự chú ý, tận tâm, dưỡng nuôi và hy sinh, và gây tổn hại đến mọi thứ khác trong cuộc sống, bao gồm cả mối quan hệ thiêng liêng nhất của bạn bè, gia đình và Chúa.

Hãy nghĩ về câu chuyện đứa con trai hoang đàng. Anh ta sẵn lòng đánh đổi mối quan hệ của mình với gia đình để ra đi và sống một cuộc sống ăn chơi phóng đãng, như thể cuộc sống hoang đàng đó là điều quan trọng nhất anh ta muốn trên đời này.

Một kiểu lạc hướng khác là bằng thú tiêu khiển. Ma quỷ muốn cắt đứt mối dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa: đó là làm chúng ta không muốn cầu nguyện.

Có bốn loại phân tâm ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta.

1) Lo lắng và sợ hãi về tương lai và chúng khiến chúng ta từ bỏ đời sống cầu nguyện của mình.

2) Là những tội mà chúng ta đã phải gánh chịu dưới bàn tay của người khác. Chúng ta cảm thấy như mình đã trở thành nạn nhân, rồi chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện.

3) Kiểu phân tâm thứ ba làm gián đoạn việc cầu nguyện: so sánh bản thân với người khác và những thứ chúng ta có với kẻ khác. Tôi đã gặp nhiều người nói rằng Chúa không yêu tôi vì tôi không có công việc tốt, tôi không có lương cao, tôi sống trong một ngôi nhà tồi tàn, tôi không lái một chiếc xe xịn. Tôi đã làm thứ gì để Chúa trừng phạt tôi nặng như vậy.

4) Và cuối cùng là tập trung vào những thú vui tạm thời. Thú tiêu khiển và sự hưởng thụ không là điều cấm trong đời sống người Kitô hữu. Tuy nhiên, khi chúng bị lệch lạc, chúng có thể làm chúng ta chỉ nghĩ đến mình.  Sự đắm chìm trong bản thân là mối nguy hiểm.

Một ví dụ điển hình là người phú hộ giàu có và anh Ladarô. Ngày ngày anh Ladarô nghèo khổ ngồi ngay trước cửa ông phú hộ khi người phú hộ đi ra ngoài, ông ta sẽ bước qua anh Ladarô như thể anh ấy chẳng khác thứ gì đó ngổn ngang trên đường phố. Người phú hộ tập trung vào thú vui và sự hưởng thụ của riêng mình, không nhận ra sự đau khổ của người ngay trước mặt mình.

Nản lòng

Sau khi chúng ta theo dõi hoạt động thường ngày của ma quỷ, từ lừa dối, chia rẽ, và sự đánh lạc hướng, chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng là sự nản lòng.

Khi tin vào sự dối trá làm cho chúng ta bị tổn thương, khiến chúng ta rời xa con đường của Chúa, sẽ đến lúc chúng ta thấy chán nản. Sự nản lòng chính là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với đời sống thiêng liêng. Nó biểu lộ qua sự mệt mỏi hằn rõ trên khuôn mặt của biết bao người. Nó thể hiện ở những người mà chúng ta nhìn thấy không có chút tình cảm trên khuôn mặt của họ. Những người đi bộ trên phố, trong siêu thị, nhà hàng, thậm chí ngồi trên những hàng ghế trong ngày Chủ nhật.

Trong Thần khúc của Dante, có một tấm biển treo phía trên cửa vào của địa ngục, nội dung tấm biển là: “Hỡi những kẻ bước qua đây hãy từ bỏ mọi hy vọng.” Những lời này đúng là dành cho những ai đã bị cuốn vào hố sâu tăm tối của sự nản lòng.

Sự nản lòng dẫn người ta đến với quyết định ngừng, không cố gắng nữa, rút lui, làm điều gì đó khác, hoặc thậm chí ngưng mọi hoạt động. Những điều này là những điều ma quỷ rất quan tâm vì hắn biết rằng cuối cùng sự nản lòng sẽ khiến chúng ta chệch hướng trong cuộc hành trình về với Chúa.

Trong truyền thống Kitô giáo, sự chán nản có thể được coi là “acedia”. Nó là từ bắt nguồn từ từ tiếng Hy Lạp “acadeo”, dịch ra là “tôi không quan tâm”. “Acedia” nói đến những thứ như u sầu, lười biếng, biếng nhác, đặc biệt là đối với những bổn phận, những việc làm tôn giáo. Nó có thể là kết quả của những thứ như mệt mỏi, cảm thấy quá tải, đe dọa và thất vọng về bản thân.

Khi con người đã trải qua các giai đoạn của hoạt động bình thường của ma quỷ và đến với sự nản lòng, tôi tin rằng họ đã đến ngã ba đường.

Khi chúng ta chấp nhận tin vào sự dối trá của ma quỷ, chúng ta thấy cuộc sống của mình tan nát, chúng ta không còn đi trên con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta nữa, chúng ta bây giờ nản lòng, cuộc sống chúng ta không có ý nghĩa và mục đích. Mất hướng đi.

Một từ khác cũng bắt đầu bằng chữ “d” - discipleship - vai trò môn đệ, chúng ta có thể có một sự thức tỉnh về tâm linh và chúng ta có thể quay trở lại với Chúa. Con đường kia chỉ dẫn đến cái chết, luôn luôn là về mặt tâm linh, tinh thần nhưng thậm chí đôi khi nó là mặt thể xác nữa. Hãy nghĩ đến xu hướng tự tử ngày càng tăng.

Con người làm gì khi chán nản? Làm thế nào để chúng ta tìm đến với họ? Tôi tin rằng đây là lời kêu gọi để Tân Phúc âm hóa mà thánh Gioan Phaolô II đã nói đến.

Vậy phản ứng của chúng ta đối với hoạt động bình thường của ma quỷ là gì?

Phúc âm chỉ ra cho chúng ta một phương pháp. Phúc âm dạy rằng trong cuộc hành trình đường đời, chúng ta phải chấp nhận sự đấu tranh và nỗi thất vọng.

Nhưng nỗi sợ hãi của chúng ta phải biết vị trí của nó. Nói cách khác, chúng ta cần phải kính sợ Thiên Chúa chứ không phải ma quỷ.

Chúng ta đã nói ở trên về ý nghĩa thực sự của việc kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta ngưỡng mộ Thiên Chúa, chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những hồng ân trong cuộc sống của chúng ta và tất cả những điều tuyệt vời mà Chúa đang thực hiện. Thậm chí cả khi chúng ta thất vọng, giữa lúc chúng ta mệt mỏi, chúng ta vẫn thấy cách Chúa đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, luôn tìm cách đem mục đích và ý nghĩa vào trong cuộc sống chúng ta.

Vì vậy chúng ta cần phải tín thác, chúng ta cần phải giữ đúng hướng, chúng ta cần có niềm tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt và hướng dẫn những người đang trải qua các cuộc tấn công hằng ngày của ma quỷ.

Và nhất là chúng ta cần luôn trở nên giống Chúa Giêsu và kết hợp với Ngài trong cuộc sống của mình.

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta không thể nói về điều ác hay ma quỷ và không nói đến đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng quyền lực của sự dữ bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Vì vậy khi đối mặt với hoạt động bình thường của ma quỷ, chúng ta phải luôn luôn nhìn vào công cuộc chữa lành và cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.

Một lần nữa, chính là nhờ mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô mà sẽ đem lại ý nghĩa vĩnh cửu đích thực cho sự tồn tại của chúng ta. Không có mối liên hệ với Chúa Kitô, chúng ta thấy mình phiêu bạt vô nghĩa.

Share:

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

“Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19:1-10)

Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

-----------

 

Da-kêu thường bị Kitô giáo đương đại biến thành một nhân vật ủy mị, đa cảm, có lẽ vì những bài hát dạy giáo lý ngày Chúa nhật và những hình cho trẻ em để dán lên bảng làm bằng nỉ làm ông nhìn thấp bé, dễ thương và hấp dẫn. Nhưng chúng ta không nênđa cảm hóa ông như thế. Ông là một người thu thuế giàu có, một kẻ đàn áp người khác trong xã hội, và là người cộng tác với một kẻ thù áp bức và độc tài của nước ngoài.

Chúng ta cảm thấy thế nào về những kẻ buôn bán ma túy lái những chiếc SUV sang trọng và rút ra cọc tiền 500 ngàn đồng? Chúng ta cảm thấy thế nào về các cựu giám đốc điều hành Enron hiện đã nghỉ hưu thoải mái ở Aspen? Chúng ta cảm thấy thế nào về việc những người nhận hàng triệu đô quyên góp từ các chính phủ nước ngoài cho chính mình?

Người Do Thái cũng có những cảm xúc tương tự  về ông Da-kêu. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao họ  tức giận khi Chúa Giê-su chọn ăn bữa với ông chứ không phải bất kỳ ai khác trong thị trấn. Tại sao không đến nhà một số người nghèo từng là nạn nhân bị Da-kêu tống tiền?

Da-kêu cũng giống như con nhện, con gián… những thứ chúng ta ghê tởm — thụ tạo Chúa dựng nên mà chúng ta không thể nhìn thấy bất kỳ sự tốt lành nào. Chúng ta chê bỏ ông và kết luận rằng Chúa không nhân từ đối với tất cả những gì ông đã làm. Chúa chỉ tạo ra một số người rồi để họ mặc xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy sự việc trong tầm nhìn rộng lớn hơn. Ngài nhìn thấy sự tốt lành đã được dựng nên vẫn còn trong Da-kêu bất chấp điều ác mà ông đã làm. Và việc Chúa ghé thăm nhà ông đã dẫn đến sự sám hối, và không chỉ sám hối mà còn là đền bồi.

Điều quan trọng là Da-kêu thề sẽ sửa chữa những sai lầm của mình:

“Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Cách đây nhiều năm, Chúa đã ban cho tôi cơ hội trải qua việc một người Kitô hữu bạn đã lầm lỗi nặng nề với tôi, người này sau đó đã cho tôi một bài thuyết trình về sự kỳ diệu của việc tha thứ của Chúa Giêsu cho những ai tin — sự tha thứ mà anh ta rõ ràng nghĩ tôi chưa bao giờ trải nghiệm bởi vì tôi là một người Công giáo (John Bergsma, tác giả của bài suy niệm này, trước đây là một người Tin Lành). Người Công giáo là những người được bạn tôi cho rằng không biết tin cậy vào sự cứu rỗi của Chúa, mà phải mua lòng Chúa, mua sự cứu rỗi bằng việc làm phúc đức của mình.

Tôi nghĩ việc tôi phải trải nghiệm sự kiện đó là một ân sủng vì nó đã giúp tôi hiểu thật là chướng mắt khi nghe tín hữu (dù là Công giáo, Tin lành, hoặc nhóm nào khác) nói về sự tha thứ của Chúa khi bạn là người đã phải lãnh nhận những thiệt hại, sầu khổ do họ gây nên. Không chút nào khó để tưởng tượng sự kiện như vậy có thể làm người ta không còn tin vào Kitô giáo nữa. Nó làm cho Kitô giáo như thể là một cách dùng lời mời gọi tha thứ của Chúa để tránh việc xin lỗi và thực hiện việc đền bù mà họ đã gây ra đối với người khác. Chúa Giêsu (như trong bài Phúc âm) đã làm cho lương tâm họ bớt chống cự và giúp họ đối mặt với những việc làm sai trái của mình.

Đây không phải là vấn đề Công giáo - Tin lành. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi Kitô hữu — bạn, tôi, tất cả chúng ta. Chúng ta phải thận trọng: nếu chúng ta muốn nói với người khác về sự tha thứ của Chúa, trước tiên chúng ta hãy làm những gì Da-kêu đã làm, và đảm bảo rằng chúng ta đã làm mọi điều đúng đắn với những người chúng ta đã làm sai; chúng ta gọi điều này là đền bù tội lỗi. Đền bù minh chứng rằng sự sám hối của chúng ta là thật. Cho đến khi chúng ta thực hiện sự đền bù, hành vi đạo đức của chúng ta chỉ là lời nói suông. Trái lại, sự đền bù chạm đến trái tim. Lời xin lỗi và những hành động cụ thể — bao gồm cả tiền bạc và của cải khi thích đáng — đối với những người bị oan, chịu thiệt hại có thể làm dịu trái tim và phá vỡ những rào cản dường như không thể gỡ đi được.

Những người nghèo ngay chính, bị cám dỗ để phẫn nộ với Chúa Giêsu vì Chúa đã đến thăm nhà ông Da-kêu, có lẽ đã rất biết ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã đến thăm ông khi ông Da-kêu xuất hiện trước cửa nhà họ vào tuần sau với số tiền gấp bốn lần số tiền mà ông lấy từ họ năm trước đó. Có lẽ điều này giúp họ xét đoán khác đi về Chúa Giêsu.

Có sự bồi thường nào mà bạn và tôi phải thực hiện trong tuần tới để những người khác có cơ hội nhìn thấy Chúa Giê-su một cách rõ ràng không? -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Thuốc giải độc cho sự kiêu ngạo

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Luca 18:9-14)

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

--------

Chúa Giê-su kể chuyện ngụ ngôn này cách khá hài hước. Người Pharisêu kiêu hãnh “cầu nguyện đến với chính mình”. Ông chủ yếu nói về bản thân trong lời cầu nguyện;  ông đang tự khen ngợi bản thân và thậm chí đang cầu nguyện với chính mình! Người Pha-ri-sêu đã nhầm lẫn ông với Thiên Chúa. Đó là bản chất của sự kiêu căng.

Người thu thuế chỉ đơn giản kêu xin Chúa thương xót và nhận lời ông cầu xin. Lưu ý: điều này không có nghĩa là người thu thuế là một “người tốt”. Nhiều người thu thuế là những người bất công, lạm dụng và lợi dụng những người khác trong xã hội, kể cả người nghèo. Dụ ngôn của Chúa Giêsu gây sốc cho những người đương thời vì hầu hết người Do Thái đều có lý do để phẫn nộ trước cách những người thu thuế Do Thái cộng tác với chế độ La Mã. Họ là những kẻ ăn bám xã hội, là thảm họa của  xã hội, tương tự như cách chúng ta nhìn những kẻ buôn bán ma túy ngày nay. Hãy tưởng tượng: “Một tên trùm ma túy đi lên cầu nguyện, ‘Ôi Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi. ’” Điều chúng ta nghĩ về người này cũng tương tự với những người Do Thái trong thời Chúa Giêsu.

Ý của Chúa Giê-su không phải là cộng tác với chế độ áp bức và lừa gạt người nghèo là tốt, cũng không phải ăn chay là xấu;  tham lam, bất lương, và ngoại tình là tốt. Quan điểm của Chúa Giê-su là kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội lỗi khác, và nếu chúng ta đã đạt được tất cả các nhân đức nhưng vẫn giữ lòng kiêu căng trong bản thân, thì chúng ta như một người thậm chí còn chưa bắt đầu đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng bắt đầu với sự thừa nhận tội lỗi và nhu cầu của chúng ta. Sau đó, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nên tăng triền trong sự thánh thiện, không bao giờ quên rằng “Công trạng các việc lành của chúng ta là hồng ân do lòng nhân hậu của Thiên Chúa.” (GLCG §2009). Điều này làm tôi nhớ đến một trong những câu trích dẫn yêu thích của tôi trong Sách Giáo lý Công giáo.

Các thánh luôn có một nhận thức sống động rằng công đức của họ là ân sủng thuần khiết.

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng được vui hưởng nhan Chúa nơi quê thật trên trời. Con không muốn thu thập công trạng để được lên thiên đàng, con làm việc chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi....Cuối cuộc đời này, con đến trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay không, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi điều công chính của chúng con đều mang tì vết trước nhan Chúa. Con chỉ ao ước mặc lấy sự công chính của Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần gia nghiệp đời đời là chính Chúa (FT. Tê- rê-sa Hài Đồng Giê-su, tận hiến cho tình yêu nhân từ)”

Thuốc giải độc cho sự kiêu ngạo là hoàn toàn phó thác vào lòng thương xót của Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào ân sủng mà sẽ ban sức mạnh để chúng ta từ bỏ tội lỗi và sống bác ái.
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Đừng sợ ! Hãy mở rộng cửa cho Đức Ki-tô!

Đừng sợ ! Hãy mở rộng cửa cho Đức Ki-tô!

Trích bài giảng khai mạc sứ vụ giáo hoàng của Đức Gio-an Phao-lô II (ngày 22 tháng 10 năm 1978 : A.A.S. 70 [1978], pp. 945-947).

Phê-rô đã đến Rô-ma ! Điều gì đã dẫn đưa người tới thành phố này, tới trung tâm của đế quốc Rô-ma, nếu không phải là việc vâng theo ơn Chúa soi dẫn ? Có lẽ người ngư phủ xứ Ga-li-lê đã không muốn sang mãi tận đây. Có lẽ ông thích ở lại với thuyền với lưới trên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét bên đó hơn. Thế nhưng, được Chúa dìu dắt và vâng theo ơn soi dẫn của Người, ông đã qua tận bên đây.

Theo một truyền thống cổ xưa, trong thời Nê-rô bách hại, Phê-rô muốn rời bỏ Rô-ma. Nhưng Chúa can thiệp : Người đến gặp Phê-rô. Phê-rô quay sang hỏi Người : “Quo vadis, Domine ?” - “Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy ?” Chúa đáp ngay : “Thầy đến Rô-ma để chịu đóng đinh lần nữa đây”. Phê-rô đã trở ngược lại Rô-ma và ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh vào thập giá.

Thời đại hôm nay mời gọi chúng ta, thôi thúc chúng ta, đòi buộc chúng ta nhìn lên Chúa, khiêm nhường và đạo hạnh chìm sâu vào suy niệm về mầu nhiệm quyền tối thượng của chính Đức Ki-tô.

Đấng sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nhiều người nghĩ là con bác thợ mộc, nhưng Phê-rô lại tuyên xưng là Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng ấy đã đến làm cho tất cả chúng ta trở thành “một vương quốc tư tế”.

Công đồng Va-ti-ca-nô II nhắc cho chúng ta nhớ mầu nhiệm về quyền năng này và cũng nhớ điều nữa là sứ vụ của Đức Ki-tô vẫn tiếp tục trong Giáo Hội : Người là Tư Tế, là Ngôn Sứ Giảng Dạy, là Vua. Mọi người trong toàn Dân Thiên Chúa được dự phần vào sứ vụ ba phẩm vị này. Và có lẽ ngày xưa, chiếc vương miện ba tầng đã được đội trên đầu vị giáo hoàng là để làm biểu tượng nói lên rằng : tất cả phẩm trật trong Giáo Hội Đức Ki-tô, tất cả “quyền năng thánh” của phẩm trật đó được thực thi chỉ là để phục vụ chứ không nhằm gì khác. Mục tiêu duy nhất của phục vụ ở đây là làm sao cho toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự vào sứ vụ ba phẩm vị nói trên của Đức Ki-tô và luôn luôn phục quyền Chúa, thứ quyền không xuất phát từ các thế lực trần gian, nhưng từ Cha trên trời và từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh.

Quyền năng tuyệt đối nhưng dịu dàng và êm ái của Chúa đáp ứng tất cả những gì là sâu thẳm của con người, những ước vọng cao cả nhất của lý trí, ý chí và con tim. Quyền năng này không lên tiếng bằng ngôn ngữ của vũ lực, nhưng tỏ bày trong tình thương và chân lý.

Hôm nay, người kế vị mới của Phê-rô trên toà Rô-ma xin dâng lên một lời cầu nguyện nồng nàn, khiêm tốn và đầy tin tưởng : “Lạy Đức Ki-tô, xin làm cho con có thể trở nên và có thể là người phục vụ quyền năng chỉ thuộc về Ngài, phục vụ quyền năng êm dịu của Ngài, phục vụ quyền năng không bao giờ mai một của Ngài ! Xin làm cho con có thể là một người tôi tớ ! Hay đúng hơn, có thể là tôi tớ của các tôi tớ Ngài”.

Anh chị em thân mến, anh chị em đừng sợ tiếp đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền của Người !

Hãy trợ giúp giáo hoàng cũng như tất cả những ai muốn phục vụ Đức Ki-tô và muốn dựa vào quyền năng của Đức Ki-tô mà phục vụ con người và toàn thể nhân loại !

Đừng sợ ! Trái lại, hãy mở toang cửa cho Đức Ki-tô. Hãy mở biên cương các nước, mở các hệ thống kinh tế cũng như hệ thống chính trị, mở các lĩnh vực văn hoá, văn minh và phát triển là những lĩnh vực rộng lớn, mở hết ra mà đón lấy quyền năng cứu độ của Người. Đừng sợ ! Đức Ki-tô biết “điều gì ở trong con người”. Chỉ mình Người biết mà thôi.

Ngày nay, rất nhiều khi con người không nhận biết những gì đang chất chứa trong mình, trong sâu thẳm tâm hồn và trái tim mình. Rất nhiều khi họ không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống của mình trên mặt đất này. Lòng họ tràn ngập thứ hoài nghi đưa tới thất vọng. Vậy, hãy để cho Đức Ki-tô - tôi xin anh chị em, tôi khiêm tốn và tin tưởng van nài anh chị em đấy - hãy để cho Đức Ki-tô nói với con người. Chỉ Người mới có những lời ban sự sống, vâng, sự sống đời đời.

Share:

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Lời tiên đoán của Chúa về việc Đền thờ Giêrusalem bị tiêu hủy để cứu Giáo hội nhỏ bé thời sơ khai

Chuyển ngữ từ một đoạn của Rapture: The End-Times Error That Leaves the Bible Behind by Dr. David Currie

Chúa đã cảnh cáo các Pharisêu và kinh sư với những lời “Khốn thay...” nhưng họ đã không hoán cải và cuối cùng là họ đã kết án Chúa Giêsu và đóng đanh Ngài vào thập giá. Trong đoạn này, Dr. Currie đang nói về Diễn giải trên Núi Ô-liu của Chúa Giêsu và việc nó đã được ứng nghiệm theo như lời Chúa đã tiên đoán trong  Mát-thêu 24 25, Mác-cô 13, and Luca 21. Đến thời Chúa xét xử thành Giêrusalem vì đã không nhận ra Chúa khi Ngài đã đến giữa họ, Chúa đã nói trước những dấu hiệu để các môn đệ của Ngài biết mà thoát khỏi thời điểm Chúa kết án thành Giêrusalem. Đoạn này nói lên sự trung tín của Chúa với những ai tin theo Người và cơn thịnh nộ của Chúa thật là kinh hoàng cho những ai không ăn năn, không đón nhận ơn cứu độ của Con Ngài.

-------------

... Bảy dấu hiệu đầu tiên: sự xuất hiện của những mêsia giả; chiến tranh và tin đồn về chiến tranh; nạn đói; động đất; cuộc đàn áp tôn giáo do nhà nước bảo trợ; sự sa ngã của một số Kitô hữu; và việc Phúc âm được rao giảng trên toàn thế giới. Những dấu hiệu này không có mối liên hệ chặt chẽ với khi nào Đền thờ bị phá hủy. Các môn đệ chỉ biết điều đó sẽ xảy ra trong khi Đền thờ vẫn đứng vững, vì chúng là những lời cảnh báo về sự sụp đổ của Đền thờ… Ngược lại, dấu hiệu thứ tám: sự xúc phạm làm Đền thờ trở nên tan hoang từ sách Đa-ni-en (dân ngoại bao quanh Giê-ru-sa-lem) – được kèm theo với lời cảnh báo nguy cấp là phải chạy trốn ngay lập tức khi dấu hiệu thứ tám xuất hiện. Chúa Giêsu nhấn mạnh, “Các con đừng để sự gì làm các con chậm trễ khi thấy dấu hiệu cuối cùng này.”

Sự bị phá tan hoang được ứng nghiệm

Vậy lịch sử cho chúng ta biết điều gì về tám dấu hiệu này? Vào mùa hè năm 66 A.D., tướng quân La Mã Cestius Gallus tấn công Giê-ru-sa-lem để phản ứng lại việc ngừng hiến tế cho Hoàng đế Nero trong Đền thờ. Ông đã thực sự dẫn binh lính của mình đến cổng của Đền thờ, và nhiều người Do Thái nghĩ rằng người La Mã đã thắng trận. Đền thờ sắp sụp đổ. Tuy nhiên, vì một số lý do không rõ, Cestius bất ngờ rút lui.

 Trước dấu hiệu suy yếu này, người Do Thái đã truy đuổi đội quân đang rút lui và giết hàng trăm binh lính La Mã trong khi thu được một lượng lớn vật liệu chiến tranh. Các đơn vị đồn trú của La Mã, hiện là một hòn đảo trong vùng biển có lãnh thổ rất thù địch, đã được hứa là họ có thể tiến hành an toàn, nhưng những người lính La Mã đã đầu hàng vũ khí của mình. Sự đẩy lùi này của quân đội La Mã để lại cho Giê-ru-sa-lem ấn tượng rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục bảo vệ Đền thờ của Ngài, và rằng họ có thể đánh bại La Mã khi ra trận (WJ, II, 17–19).

Nero nổi điên lên khi được thông báo về sự thất bại này. Ông ngay lập tức tuyên chiến và cử vị tướng giỏi nhất của La Mã đến Israel vào tháng 2 năm 67 A.D. Tướng Vespasian bắt đầu chinh phục Galilê và vùng nông thôn Giuđêa. Ông ấy không muốn phạm phải sai lầm mà Cestius đã làm. Vespasian tham gia một chiến dịch vào mùa hè năm 67 A.D., và sau đó một lần nữa vào mùa hè năm sau. Sau khi hoàn thành các chiến dịch này, ông đã lên kế hoạch đưa toàn bộ quân đội của mình đến bao vây Giê-ru-sa-lem.

Đột nhiên mọi thứ thay đổi. Nero tự sát vào tháng 6 năm 68 A.D. Vespasian ngay lập tức rút khỏi chiến trường. Vì một điều quan trọng hơn: ngôi hoàng đế ở Rôma. Mặc dù cho như ông đã thành công trong cuộc chiến đó, ông đã phải rời bỏ Giê-ru-sa-lem trong lúc này. Vespasian đã ra trận trong chiến dịch thứ ba, rất ngắn ngủi vào mùa hè năm 69 A.D. Lúc đó, đối thủ thứ nhất của ông là Galba, đã bị sát hại (tháng 1 năm 69 A.D.), và đối thủ thứ hai của ông, Ortho, đã bị đánh bại và tự sát (tháng 4 năm 69 A.D.).  Đối thủ thứ ba của ông, Vitellius, đến Rôma vào tháng bảy. Các quân đoàn phía đông tuyên bố Vespasian là hoàng đế, và Vitellius bị giết vào mùa thu năm 69 A.D bởi chính quân đội của mình. Con trai của Vespasian, Titus, cuối cùng đã trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 70 A.D. để hoàn thành công việc mà cha ông đã chưa hoàn thành.

Điều này có liên quan gì đến việc các Kitô hữu có thể an toàn trốn chạy khỏi Giêrusalem? Trong lần rút quân ban đầu khi có tin Nero tự sát, có vẻ như người La Mã đã rời khỏi Giê-ru-sa-lem, và Giêrusalem không còn bị bao vây nữa. Lỗi này nhanh chóng được khắc phục, nhưng có một khoảng thời gian ngắn mà không có quân đội La Mã nào bao vây Giê-ru-sa-lem.

Sự rút lui của Vespasian không ngăn cản những người của các nhóm nhiệt thành (Zealots) sống ngoài vòng pháp luật tiến hành chiến tranh chống lại nhau. Một nhóm trong số họ đã ẩn náu ở Giê-ru-sa-lem vì sự an toàn tương đối mà nó mang lại. Những người trong thành phố Giê-ru-sa-lem sẽ không cho phép bất cứ ai rời đi vì sợ rằng họ sẽ giúp những người bên ngoài thành. Nhóm Zealots sống ngoài vòng pháp luật bên ngoài thành phố sẽ không cho phép bất kỳ ai rời đi vì sợ họ là gián điệp.

Khi Vespasian đã đảm bảo được thành Rôma và ngai vàng cho mình, Titus có thể tập trung toàn bộ vào Giê-ru-sa-lem. Titus sẽ không bỏ dở dang công việc mà cha ông đã bị dụ dỗ từ bỏ sau cái chết của Nero. Vào thời điểm này, phần còn lại của Giuđêa hoặc đã kiện đòi hòa bình hoặc đã bị chinh phục, và Titus giờ đây có thể tự do tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào thành  Giê-ru-sa-lem nổi loạn này (WJ, IV, 10: 5).

Ông tạm dừng để các phe phái của người Do Thái trong thành phố tiếp tục tàn sát lẫn nhau. Đền thờ lúc này đang được một trong những nhóm Zealot sống ngoài vòng pháp luật kiểm soát bởi, chiến đấu với tầng lớp tư tế và cư dân thành phố. Người Idumeans, là hậu duệ của Esau, đã xâm nhập được vào thành phố và đang hoành hành khắp thành phố. Và một nhóm người Zealots vô luật pháp, những người đã bị bao vây bên ngoài các bức tường, cuối cùng đã vào thành và tham gia vào cuộc chiến (WJ, IV, 6: 2).

Người La Mã đã xây thành lũy để phá tường thành, đúng như lời Chúa Giêsu tiên đoán. “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” (Lu-ca 19: 43–44).

Nhiều người Do Thái đã cố gắng thoát khỏi thành Giêrusalem khi cuộc bao vây cuối cùng của Titus đang được tiến hành, nhưng cơ hội để chạy trốn đã không còn nữa. Có vẻ như cơ hội duy nhất là trong cuộc rút lui ngắn ngủi và cuộc đuổi theo Cestius, hoặc trong thời điểm Vespasian quyết định chiếm ngai vàng sau khi Nero tự sát. Ngay lúc đó Vespasian đã kéo toàn bộ quân đội của mình khỏi Giê-ru-sa-lem. Sau đó, ông nghĩ lại và gởi một nhóm binh sĩ trở về Giêrusalem.

Chúa Giêsu biết rằng khoảng thời gian để trốn rất ngắn ngủi. “Ai ở trên sân thượng thì đừng xuống lấy đồ đạc trong nhà, ai ở ngoài đồng, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng của mình.  Khốn cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!  Anh em hãy cầu xin cho khỏi phải chạy trốn vào mùa đông hay ngày sa-bát.”(Mat 24: 17–20). Các Kitô hữu đã phải thoát khỏi thành, không chút do dự khi có cơ hội.

Cestius xuất hiện vào năm 66 A.D. Vespasian đến vào năm 67, 68 và 69 A.D. Sau đó Titus chiếm thành vào năm 70 A.D. Trong mỗi biến cố, dân Do thái làm điều họ đã luôn làm khi bị xâm chiếm bởi quân lính ngoại bang. Họ chạy vào thành Giê-ru-sa-lem và tạ ơn Chúa vì sự khá an toàn của nó. Đó là một thành kiên cố và đã chịu đựng được các cuộc tấn công trong suốt lịch sử.

Vì vậy, lời khuyên của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài trong Bài giảng Núi Ô-liu hoàn toàn trái ngược với bản năng của mọi người Israel. Ngài ra lệnh cho các môn đệ của Ngài “chạy trốn lên núi” ngay lập tức khi họ quan sát thấy cảnh tượng tàn ác ghê tởm của Đa-ni-ên, mà Lu-ca xác định là những đội quân bao quanh Giê-ru-sa-lem. Các Kitô hữu phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem! Lời khuyên này thách thức đức tin của ngay cả những Kitô hữu sùng đạo nhất và đáng tin cậy nhất của Giê-ru-sa-lem. Có phải các Kitô hữu đã tin theo những xét đoán hay nhất của chính họ và trốn trong các bức tường thành; hay họ đã vâng lời Chúa của họ và chạy xa khỏi Giê-ru-sa-lem khi có cơ hội?

Eusebius ghi lại rằng các Kitô hữu chạy trốn hàng loạt vì lời tiên tri của Chúa Giêsu, có thể là vào năm 68 A.D. “Tuy nhiên, toàn bộ các tín hữu của cộng đoàn tại Giê-ru-sa-lem, đã được chỉ huy bởi một sự mặc khải của Chúa, mặc khải được giao cho những người có lòng mộ đạo được cộng đoàn chứng nhận trước khi chiến tranh xảy ra, đã rời khỏi thành, và cư ngụ tại một thị trấn nào đó bên ngoài sông Giođan, tên là Pella.… Và khi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô đã từ Giê-ru-sa-lem đến đó… sự phán xét của Chúa sau một thời gian dài đã được thực hiện… và hoàn toàn tiêu diệt thế hệ cứng đầu đó.” (EH, III, 5:86).

 Khu vực này trên khắp sông Jordan trước hết là một vùng đất của dân ngoại, dưới sự bảo hộ của Vua Agrippa. Hầu hết những người Kitô hữu đã trốn đến Pella ở Transjordan, nhưng một số đi xuống Alexandria ở Ai Cập, và một số ít trốn đến Tiểu Á.

Josephus (một lịch sử gia Do thái giáo chẳng chút thân thiện với Kitô giáo) nói với chúng ta rằng nhiều người Do Thái đã bỏ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem ngay sau khi Tướng Cestius thất bại vào năm 66 A.D. Có phải là những người Do Thái tin vào Chúa Giêsu không? Eusebius đặt sự trốn chạy này vào tháng 6 năm 68 A.D., khi Vespasian tạm thời rút quân khỏi vòng vây của Giê-ru-sa-lem.

Nó thực sự không quan trọng các Kitô hữu đã thoát khỏi thành lúc nào. Trong cả hai trường hợp, sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn để trốn thoát. Tất nhiên, cả hai đều vào đúng thời điểm mà bất kỳ Kitô hữu nào có suy nghĩ sáng suốt sẽ không bị thuyết phục rằng họ cần phải chạy trốn.

Nhưng các Kitô hữu đã không nhìn các sự kiện mà không có sự hỗ trợ của tầm nhìn siêu nhiên. Họ đã nhớ những lời của Chúa Kitô. Thánh Athanasius cho chúng ta biết rằng mặc khải mà Eusebius đề cập đến, chính là những lời của Chúa Kitô mà chúng ta đang xem xét. Sau khi trích dẫn lời cảnh báo của Chúa Giêsu, Athanasius mô tả các hành động của cộng đoàn ở Giuđêa “Biết được những điều này, các vị thánh của Chúa đã điều chỉnh hành vi của họ cho phù hợp” (DHF). Không hề nghĩ đến của cải, họ chạy trốn để cứu mạng sống của họ.

Hầu như không một ai sống sót thoát khỏi quân đội La Mã một khi cuộc bao vây được tổ chức một cách nghiêm túc. Những người cố gắng trốn thoát khỏi thành Giê-ru-sa-lem đã bị người La Mã bắt, đánh roi, và sau đó bị đóng đinh trên thập tự giá: năm trăm người trở lên bị đóng đanh mỗi ngày. Titus “hy vọng rằng người Do Thái có thể nhún nhường trước cảnh tượng đó, vì sợ hãi.… Những người Do thái bị đóng đanh rất đông, họ không có chỗ để đóng đanh và cây không đủ để treo người ta.” (WJ, V, 11: 1). Eusebius ghi lại rằng không một Kitô hữu nào bị bắt trong Giê-ru-sa-lem khi Titus thành công trong việc bao vây thành (EH, III, V)! Giáo hội sơ khai đã thấy những dấu hiệu về sự ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giêsu. Đức tin của họ vào lời của Chúa Kitô đã cứu Giáo hội Giuđêa non trẻ khỏi sự diệt vong.

Share:

Blog Archive

Blog Archive