Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Lễ Chúa Kitô Vua: Cây Thánh giá là ngai vàng của Vua của Vũ trụ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Luca 23:35-43)

Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

---------

Thoạt đầu, Bài Tin Mừng có vẻ tương phản mạnh mẽ với các bài đọc của ngày hôm nay, vốn nhấn mạnh đến vinh quang và quyền năng của Con Vua Đavít. Trong bài Phúc âm, chúng ta thấy Con vua Đa-vít bị chế giễu, sỉ nhục và bị giết.

Tuy nhiên, có một sự thật khó hiểu trong bài Phúc âm. Thập Giá là ngai của Chúa Giêsu. Vương quyền của Ngài được thể hiện trong cái chết của Ngài. Ngài trị vì từ cây Thập Giá. Vương quốc của Ngài là vương quốc của “sự cứu chuộc, sự được tha thứ tội lỗi,” và tội lỗi không thể được tha thứ trừ khi Ngài trả giá cho chúng bằng chính máu của mình. Vì vậy, ở đây, Vua trả giá cho những hành vi phạm tội của thần dân của mình, để sự hòa giải được xảy ra bằng máu của Ngài trên thập tự giá (Côlôsê 1:20).

Như Chúa Giê-xu đã nói với Phi-la-tô, vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này (Gian 18:36). Vương quốc của Ngài hiện hữu trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian này. Người trộm lành đã nuôi hy vọng rằng Chúa Giêsu có thể vẫn là Đấng Mêsia, vẫn có thể làm phép lạ từ Thập tự giá và bắt đầu triều đại thượng giới của Ngài. Anh ta có chịu thiệt hại gì đâu khi tin vào điều đó? Anh đã đặt hết tin tưởng vào Vị Rápbi từ Nadarét: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! Hãy nhớ tôi đã bênh vực ông khi ông bị nguyền rủa và đang trong những giây phút cuối cùng của ông.”

 Trước đó trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hứa thưởng cho bất cứ ai cho những người anh em bé mọn nhất của mình dù chỉ một cốc nước lạnh. Người trộm lành đã làm những gì  anh có thể. Anh không có nước cho Chúa uống, nhưng anh dâng Chúa tình liên đới trong đang lúc bị hành hạ cách tàn nhẫn. Và anh ta nhận được phần thưởng ngoài những gì anh ta có thể tưởng tượng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta, khi chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua, Vương quyền và vương quốc của Ngài luôn bị bách hại và gặp đau khổ trên thế giới này. Chúa đã nói với chúng ta rồi: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình hằng ngày mà theo Ta?” (Lu-ca 9:23, RS). Ngai vàng của Chúa Giêsu là Thánh Giá của Người. Tương tự như vậy, ngai vàng của chúng ta cũng là những cây thánh giá. Chúng ta chỉ cai trị từ thập tự giá trong cuộc sống này. Chỉ qua việc chấp nhận đau khổ vì yêu mà quyền lực và uy quyền của chúng ta với tư cách là phó vương của Chúa Kitô mới trở nên hiện thực và hiệu quả trong thế giới này. Như Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta “là thừa kế, và đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8:17).

Đây là một sự thật quan trọng chúng ta cần ghi nhớ trong những thời điểm Giáo hội gặp khó khăn về mặt chính trị cũng như khi Giáo hội được quyền thế ủng hộ. Phúc Âm không thể bị áp đặt, và các chính sách của chính phủ — chúng có thể giúp đỡ hoặc cản trở các nỗ lực của Giáo Hội— sẽ không bao giờ thực sự mang lại sự hoán cải tâm hồn. Tin Mừng luôn là một lời mời gọi đầy thách đố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Không có cách nào để tô vẽ thử thách này, làm cho nó dễ được chấp nhận hơn bằng bọc nó bằng nhạc rock hoặc bằng những phim kịch tinh vi. Vì cuối cùng, mỗi người phải quyết định họ sẽ sống theo ước muốn của mình hay phó thác cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vị Vua đã gánh chịu đau khổ, Đấng sẽ ngự trên tòa để phán xét vào ngày cánh chúng. Sự lựa chọn của bạn là gì? -- -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét