Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

“Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19:1-10)

Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

-----------

 

Da-kêu thường bị Kitô giáo đương đại biến thành một nhân vật ủy mị, đa cảm, có lẽ vì những bài hát dạy giáo lý ngày Chúa nhật và những hình cho trẻ em để dán lên bảng làm bằng nỉ làm ông nhìn thấp bé, dễ thương và hấp dẫn. Nhưng chúng ta không nênđa cảm hóa ông như thế. Ông là một người thu thuế giàu có, một kẻ đàn áp người khác trong xã hội, và là người cộng tác với một kẻ thù áp bức và độc tài của nước ngoài.

Chúng ta cảm thấy thế nào về những kẻ buôn bán ma túy lái những chiếc SUV sang trọng và rút ra cọc tiền 500 ngàn đồng? Chúng ta cảm thấy thế nào về các cựu giám đốc điều hành Enron hiện đã nghỉ hưu thoải mái ở Aspen? Chúng ta cảm thấy thế nào về việc những người nhận hàng triệu đô quyên góp từ các chính phủ nước ngoài cho chính mình?

Người Do Thái cũng có những cảm xúc tương tự  về ông Da-kêu. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao họ  tức giận khi Chúa Giê-su chọn ăn bữa với ông chứ không phải bất kỳ ai khác trong thị trấn. Tại sao không đến nhà một số người nghèo từng là nạn nhân bị Da-kêu tống tiền?

Da-kêu cũng giống như con nhện, con gián… những thứ chúng ta ghê tởm — thụ tạo Chúa dựng nên mà chúng ta không thể nhìn thấy bất kỳ sự tốt lành nào. Chúng ta chê bỏ ông và kết luận rằng Chúa không nhân từ đối với tất cả những gì ông đã làm. Chúa chỉ tạo ra một số người rồi để họ mặc xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy sự việc trong tầm nhìn rộng lớn hơn. Ngài nhìn thấy sự tốt lành đã được dựng nên vẫn còn trong Da-kêu bất chấp điều ác mà ông đã làm. Và việc Chúa ghé thăm nhà ông đã dẫn đến sự sám hối, và không chỉ sám hối mà còn là đền bồi.

Điều quan trọng là Da-kêu thề sẽ sửa chữa những sai lầm của mình:

“Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Cách đây nhiều năm, Chúa đã ban cho tôi cơ hội trải qua việc một người Kitô hữu bạn đã lầm lỗi nặng nề với tôi, người này sau đó đã cho tôi một bài thuyết trình về sự kỳ diệu của việc tha thứ của Chúa Giêsu cho những ai tin — sự tha thứ mà anh ta rõ ràng nghĩ tôi chưa bao giờ trải nghiệm bởi vì tôi là một người Công giáo (John Bergsma, tác giả của bài suy niệm này, trước đây là một người Tin Lành). Người Công giáo là những người được bạn tôi cho rằng không biết tin cậy vào sự cứu rỗi của Chúa, mà phải mua lòng Chúa, mua sự cứu rỗi bằng việc làm phúc đức của mình.

Tôi nghĩ việc tôi phải trải nghiệm sự kiện đó là một ân sủng vì nó đã giúp tôi hiểu thật là chướng mắt khi nghe tín hữu (dù là Công giáo, Tin lành, hoặc nhóm nào khác) nói về sự tha thứ của Chúa khi bạn là người đã phải lãnh nhận những thiệt hại, sầu khổ do họ gây nên. Không chút nào khó để tưởng tượng sự kiện như vậy có thể làm người ta không còn tin vào Kitô giáo nữa. Nó làm cho Kitô giáo như thể là một cách dùng lời mời gọi tha thứ của Chúa để tránh việc xin lỗi và thực hiện việc đền bù mà họ đã gây ra đối với người khác. Chúa Giêsu (như trong bài Phúc âm) đã làm cho lương tâm họ bớt chống cự và giúp họ đối mặt với những việc làm sai trái của mình.

Đây không phải là vấn đề Công giáo - Tin lành. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi Kitô hữu — bạn, tôi, tất cả chúng ta. Chúng ta phải thận trọng: nếu chúng ta muốn nói với người khác về sự tha thứ của Chúa, trước tiên chúng ta hãy làm những gì Da-kêu đã làm, và đảm bảo rằng chúng ta đã làm mọi điều đúng đắn với những người chúng ta đã làm sai; chúng ta gọi điều này là đền bù tội lỗi. Đền bù minh chứng rằng sự sám hối của chúng ta là thật. Cho đến khi chúng ta thực hiện sự đền bù, hành vi đạo đức của chúng ta chỉ là lời nói suông. Trái lại, sự đền bù chạm đến trái tim. Lời xin lỗi và những hành động cụ thể — bao gồm cả tiền bạc và của cải khi thích đáng — đối với những người bị oan, chịu thiệt hại có thể làm dịu trái tim và phá vỡ những rào cản dường như không thể gỡ đi được.

Những người nghèo ngay chính, bị cám dỗ để phẫn nộ với Chúa Giêsu vì Chúa đã đến thăm nhà ông Da-kêu, có lẽ đã rất biết ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã đến thăm ông khi ông Da-kêu xuất hiện trước cửa nhà họ vào tuần sau với số tiền gấp bốn lần số tiền mà ông lấy từ họ năm trước đó. Có lẽ điều này giúp họ xét đoán khác đi về Chúa Giêsu.

Có sự bồi thường nào mà bạn và tôi phải thực hiện trong tuần tới để những người khác có cơ hội nhìn thấy Chúa Giê-su một cách rõ ràng không? -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét