Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Cha Vincent Lampert: Con quỷ mà bạn không biết - nhận biết và chống lại sự dữ trong cuộc sống hằng ngày

Tóm tắt nội dung

Cha Vincent Lampert là linh mục trừ quỷ. Trong video này, thay vì nói về hoạt động khác thường của ma quỷ như trong việc quỷ ám, cha nói về những hoạt động bình thường trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta dựa trên cuốn sách “The Devil You Don't Know: Recognizing and Resisting Evil in Everyday Life /Con quỷ mà bạn không biết - nhận biết và chống lại sự dữ trong cuộc sống hằng ngày”

Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa dối => chia rẽ => lạc lối=> chán nản.

Lừa dối: Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa đảo; chúng ta chấp thuận tin những lời nói dối của chúng và bắt đầu nghĩ rằng những lời nói dối của hắn là sự thật. Khi điều đó xảy ra, chúng ta gặt hái sự chia rẽ.

Chia rẽ: Ma quỷ đổ dồn năng lực của nó để gây nên chia rẽ và mất đoàn kết. Nó ao ước gây chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, và thậm chí nơi chính bản thân họ.

Hắn bày mưu để chúng ta chống lại nhau bằng cơn tức giận, phẫn nộ, khinh miệt, tham lam, hám lợi. Hắn có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất kiên nhẫn để chúng ta trở nên kích động và bất mãn.

Lạc hướng: Ma quỷ muốn chúng ta chuyển hướng đi ra ngoài con đường của Thiên Chúa.

Mục tiêu của ma quỷ trong việc đánh lạc hướng là khiến chúng ta mất tập trung và ý thức về mục đích và phương hướng, và việc đánh lạc hướng có thể hoạt động theo một cách rất tinh vi. Chúng ta có thể đi chệch khỏi con đường của Thiên Chúa, và đi khỏi con đường đó trong một thời gian rất dài mà thậm chí không nhận ra.

Mác-ta trong Luca 10, 38-42, bị cuốn vào công việc và trở nên đầy ghen tị, tức giận và các thứ tương tự.

Hãy nghĩ về vua Đa-vít và Bát-sê-ba và U-ri, người Hê-tít. Vua Đa-vít đã bị lệch hướng bởi đôi mắt rảo lượn, rồi nó làm cho vua chiều theo dục vọng, khiến vua lâm vào tội ngoại tình và sau đó nó làm vua tiếp tục với việc giết người. Đi lạc hướng và dần dần bị cơn cám dỗ đè bẹp.

Nản lòng: Khi tin vào sự dối trá làm cho chúng ta bị tổn thương, khiến chúng ta rời xa con đường của Chúa, sẽ đến lúc chúng ta thấy chán nản. Sự nản lòng chính là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với đời sống thiêng liêng. Nó biểu lộ qua sự mệt mỏi hằn rõ trên khuôn mặt của biết bao người. Nó thể hiện ở những người mà chúng ta nhìn thấy không có chút tình cảm trên khuôn mặt của họ. Những người đi bộ trên phố, trong siêu thị, nhà hàng, thậm chí ngồi trên những hàng ghế trong ngày Chủ nhật.

Trong Thần khúc của Dante, có một tấm biển treo phía trên cửa vào của địa ngục, nội dung tấm biển là: “Hỡi những kẻ bước qua đây hãy từ bỏ mọi hy vọng.” Những lời này đúng là dành cho những ai đã bị cuốn vào hố sâu tăm tối của sự nản lòng.

Sự nản lòng dẫn người ta đến với quyết định ngừng, không cố gắng nữa, rút lui, làm điều gì đó khác, hoặc thậm chí ngưng mọi hoạt động. Những điều này là những điều ma quỷ rất quan tâm vì hắn biết rằng cuối cùng sự nản lòng sẽ khiến chúng ta chệch hướng trong cuộc hành trình về với Chúa.

----------

 

Lời từ video

Rất ít người trong chúng ta cần bận tâm đến các cuộc tấn công bất thường của ma quỷ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cần quan tâm đến cách ma quỷ tìm mọi cách tấn công con người chúng ta trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống: trong hôn nhân của bạn, mối quan hệ của bạn với vợ chồng và con cái, bạn bè, đồng nghiệp tại nơi làm việc, trong trường học, trong đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin của bạn, đời sống luân lý của bạn, và ngay cả đời sống bí tích của bạn.

Ma quỷ muốn phá vỡ mọi giai đoạn của cuộc sống của bạn để xem liệu nó có thể tiêu diệt bạn được hay không. Cám dỗ là trọng tâm của hoạt động thường ngày của ma quỷ.

Ma quỷ sử dụng một kế hoạch bốn giai đoạn để tấn công tất cả chúng ta, để cố gắng làm chúng ta sa ngã trong cuộc sống hàng ngày.

Phần lớn những suy tư này của tôi đến từ cha Louis Cameli. Cha ấy là một giáo sư nổi tiếng khi tôi học trong chủng viện từ năm 1987 đến năm 1991. Cha đã viết một cuốn sách nhỏ có tên là “The Devil You Don’t Know / Sự dữ mà bạn không biết đến”, đã xuất bản có lẽ hơn 15 năm trước. Cha nói rất nhiều về hoạt động bình thường của ma quỷ. Và cha nói rằng ma quỷ sử dụng một kế hoạch bốn giai đoạn để tấn công tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Và tất cả bắt đầu bằng chữ cái “d”.

Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa lọc (deception), sự lừa lọc dẫn đến sự chia rẽ (division), chia rẽ dẫn đến sự lạc lối (diversion), và lạc lối dẫn đến sự chán nản (discouragment).

Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tất cả chúng ta đều gặp phải một cái gì đó hoặc một người nào đó ranh ma, giấu giếm, có sức mạnh, có tính phá hoại và muốn chen vào cuộc sống của chúng ta để gây hại và phá hoại. Thật cần thiết để chúng ta chú ý đến những cuộc tấn công này, vì mục đích chính của chúng là phá vỡ cuộc sống của chúng ta để chúng ta bị kéo ngày càng lìa xa Thiên Chúa hơn. Và khi chúng ta càng xa rời Thiên Chúa, chúng ta càng mất cảm giác về danh tính [ơn gọi và cùng đích của mình].

Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta bẩm sinh khao khát Chúa. Thánh Augustinô đã diễn tả cách rất hay khi ngài nói: “Vì thế trái tim chúng ta luôn khắc khoải bao lâu chưa tìm được an nghỉ trong Chúa”.

Ma quỷ sử dụng những hoạt động thông thường của nó để cố gắng lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa, để rồi con người trở nên cô lập hơn và dễ tin vào những lời nói dối mà ma quỷ đang bày ra cho họ. Ma quỷ muốn lời nói dối của nó được con người tin là thật trong tâm trí của họ.

Vì vậy hãy xem xét một chút bạn đã bao giờ gặp khó khăn với bất kỳ ví dụ nào sau đây chưa? Bạn đã bao giờ cảm thấy khó khăn để hòa hợp với một ai đó chưa? Bạn có thấy mình luôn phán xét hoặc chỉ trích ai đó không? Một người bạn lâu năm trở nên gánh nặng và bạn nghĩ ước họ biến mất và để tôi yên. Bạn có thấy khó chú ý đến cuộc trò chuyện thông thường không? Bạn đã bao giờ cảm thấy cần từng chút năng lượng của mình để cố gắng làm dịu một tình huống rắc rối chưa? Bạn có bao giờ ngạc nhiên khi thấy bên trong mình có khuynh hướng thù địch, bạo lực hoặc dục vọng không? Thậm chí có thể là mong muốn lợi dụng một ai đó để thỏa mãn ý riêng của bạn? Và bạn tự nghĩ: những ý tưởng này từ đâu mà đến vậy?

Thánh Phaolô đã nói theo cách này trong thư gửi tín hữu Rôma 7:18-19.  “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” Chúng ta biết điều phải làm, chúng ta quyết tâm để làm nó, nhưng lại thấy mình làm điều hoàn toàn ngược lại.

Deception / Sự lừa dối

Ma quỷ đảo ngược sự thật. Hắn lật ngược mọi thứ từ trong ra ngoài, đảo lộn mọi sự. Hắn muốn kéo chúng ta đi chệch hướng và sau đó tiếp tục trình bày lời nói dối của mình như một sự thật.

Hắn nói dối. Chẳng chết chóc gì đâu. Hắn nói, bạn sẽ giống Thiên Chúa. Khi ma quỷ nói dối, nó làm theo bản chất của nó vì nó là kẻ nói dối và là cha đẻ của sự dối trá.

Tất cả những lời hứa dối trá này đều liên quan đến tương lai. Lòng biết ơn luôn hướng về quá khứ, tình yêu hướng đến khoảnh khắc hiện tại, nhưng nỗi sợ hãi nhìn về tương lai.

Tại sao người ta tìm đến những nhà ngoại cảm và thông linh? Họ có một nỗi sợ hãi về tương lai và họ muốn có câu trả lời cụ thể. Chúng ta muốn có sự kiểm soát, và muốn biết kết quả sẽ là gì. Vì vậy không còn chỗ cho niềm hy vọng và sự tín thác. Cuối cùng là ma quỷ đã lừa dối được người ấy và giờ đây họ thấy mình vướng víu trong những vụ xấu xa hoặc trầm cảm.

Người ta tin vào những mưu toan dối trá thay vì chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình. Họ cố gắng biện minh cho chúng và điều này dẫn đến bước tấn công thường hằng thứ hai của ma quỷ: đó là chia rẽ (Division).

Chia rẽ

 Ma quỷ bắt đầu bằng sự lừa đảo, rồi chúng ta chấp thuận tin những lời nói dối của chúng và chúng ta bắt đầu nghĩ rằng những lời nói dối của hắn là sự thật. Nhưng khi điều đó xảy ra, chúng ta gặt hái sự chia rẽ.

Chúng ta không nên ngạc nhiên khi ma quỷ đổ dồn năng lực của nó để gây nên chia rẽ và mất đoàn kết. Nó ao ước gây chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, và thậm chí nơi chính bản thân họ.

Công việc của ma quỷ là chống lại việc chúng ta được cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô, ơn hòa giải ta với Thiên Chúa và cho phép chúng ta chia sẻ vào sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ma quỷ muốn tất cả chúng ta cùng sa vào cái chết đời đời với nó, muôn đời xa lìa khỏi Thiên Chúa.

Ma quỷ làm điều này bằng cách lôi kéo chúng ta vào một thế giới lừa lọc trá và dối trá. Vào đêm trước khi chịu chết Chúa Giêsu đã cầu nguyện: như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một (Ga 17, 211-23).

Việc ma quỷ tìm cách chia rẽ chúng ta là biểu tượng cho sự chống ngược lại với sự nghiệp vinh thắng của Chúa Giêsu: đó là chữa lành, hòa giải và hiệp nhất. Chúa Giêsu luôn muốn gắn kết mọi thứ lại với nhau, ma quỷ luôn muốn làm cho mọi thứ bị đổ vỡ. Ma quỷ muốn gây trở ngại, ngăn cản và thậm chí làm tê liệt chúng ta trong hành trình của cuộc sống. Hắn không muốn chúng ta có một cuộc sống mà mọi sự thống nhất với nhau. Hắn có thể khiến chúng ta cảm thấy bị áp đảo như thể có một sự gì đó ngoài tầm với trong cuộc sống, điều gì đó vượt quá khả năng, để rồi chúng ta sẽ bỏ cuộc.

Hắn cũng khơi dậy nỗi sợ hãi của chúng ta để làm cho chúng ta cảm thấy kinh hoàng và rồi tháo lui. Hắn có thể gợi ý rằng chúng ta nên so sánh mình với những người khác, thường là đến mức chúng ta đánh giá quá cao khả năng của người khác và chúng ta đánh giá thấp bản thân mình, đến mức chúng ta trông thật kém cỏi trong sự so sánh đó.

Hắn bày mưu để chúng ta chống lại nhau bằng cơn tức giận, phẫn nộ, khinh miệt, tham lam, hám lợi. Hắn có thể làm cho chúng ta cảm thấy mất kiên nhẫn để chúng ta trở nên kích động và bất mãn.

Hắn có thể cản trở chúng ta bằng những hành vi gây nghiện như ma túy và nhiều dạng nghiện ngập hoặc những tư tưởng ngoại tình. Hãy nghĩ đến những cơn khủng hoảng thuốc phiện, nghiện rượu, phim ảnh, sách báo khiêu dâm, sự tan vỡ của biết bao gia đình vì ly dị.

Phúc âm dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ tìm lại được cuộc sống của mình khi chúng ta dâng hiến nó lại cho Chúa, Đấng đã ban cho nó cho chúng ta. Tin Mừng Thánh Mác-cô có viết ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Mc 8,35).

Để dâng lên Chúa cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải có một cái gì đó để dâng lên, đó là dâng lên cuộc sống với cảm giác hiệp nhất, lòng trung kiên và sự thống nhất về ý nghĩa. Chúng ta cần làm chủ được cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta muốn dâng nó lên cho Chúa.

Ma quỷ không muốn chúng ta gắn kết những mảnh đời tan vỡ lại với nhau. Nếu chúng ta vẫn bị rạn nứt, chúng ta không thể dâng hiến bản thân mình cho Chúa.

Làm lạc hướng

Sự đổ vỡ này dẫn đến kế hoạch tấn công thứ ba của ma quỷ, đó là đánh lạc hướng (Diversion). Sự lừa dối dẫn đến sự chia rẽ, sự chia rẽ dẫn đến sự lạc hướng. Ma quỷ muốn chúng ta chuyển hướng đi ra ngoài con đường của Thiên Chúa.  Hắn đã làm dân Israel thay lòng đổi dạ trên hành trình về đất hứa khiến họ không thờ phượng Thiên Chúa đích thực mà thờ phượng những tượng thần giả, Xuất hành 32, 1-8. Chúng ta gọi đây là sự thờ ngẫu tượng, một vũ khí mà ngày nay ma quỷ vẫn sử dụng để chống lại chúng ta, khiến chúng ta thay thế Thiên Chúa với một sản phẩm do con người tạo nên.

Mục tiêu của ma quỷ trong việc đánh lạc hướng là khiến chúng ta mất tập trung và ý thức về mục đích và phương hướng, và việc đánh lạc hướng có thể hoạt động theo một cách rất tinh vi. Chúng ta có thể đi chệch khỏi con đường của Thiên Chúa, và đi khỏi con đường đó trong một thời gian rất dài mà thậm chí không nhận ra.

Các kiểu đánh lạc hướng: chúng ta bị lôi cuốn vào công việc. Chúng ta không thấy được mục đích và con đường mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Chúng ta bị phân tâm. Hãy suy nghĩ về câu chuyện của Mác-ta và Maria, Luca 10, 38-42. Chúa nói, “Mác-ta, Mác-ta, Mác-ta”. Mác-ta tập trung vào cái gì? Phục vụ thay vì làm điều quan trọng hơn là lắng nghe. Cô ấy bị cuốn vào công việc và trở nên đầy ghen tị, tức giận và các thứ tương tự.

Một hình thức khác của sự đánh lạc hướng là sự khinh miệt. Chúng ta biết những gì chúng ta được gọi để làm, nhưng chúng ta khó chịu với nhiệm vụ trước mắt mình. Một cái gì đó kéo chúng ta ra khỏi những gì cần phải làm. Hãy nghĩ về câu chuyện ngôn sứ Giô-na và cá voi.

Ngôn sứ Giô-na có một công việc phải làm nhưng ông ấy cho phép mình nghĩ rằng tôi sẽ không làm việc này nên ông tìm cách trốn tránh. Một kiểu đánh lạc hướng khác lại là theo hướng hoàn toàn ngược lại thay vì hơi lệch hướng, ma quỷ lại khiến người đó di chuyển theo một hướng ngược lại.

Khi điều này xảy ra, nhiệm vụ ban đầu bị hỏng hoàn toàn. Hãy nghĩ về vua Đa-vít và Bát-sê-ba và U-ri, người Hê-tít. Vua Đa-vít đã bị lệch hướng bởi đôi mắt rảo lượn, rồi nó làm cho vua chiều theo dục vọng, khiến vua lâm vào tội ngoại tình và sau đó nó làm vua tiếp tục với việc giết người. Đi lạc hướng và dần dần bị cơn cám dỗ đè bẹp.

Một kiểu lạc hướng khác là thuyết tương đối. Đó là suy nghĩ rằng không có gì thực sự quan trọng; không có gì là sự thật bền vững; không có gì là nền tảng vững chắc, và không có hướng đi cụ thể nào là đúng đắn hay thích hợp. Rồi kết cục là cuộc sống của người đó trở thành một mớ hỗn độn, lộn xộn, các mảnh vụn rời rạc, không có phương hướng và ý nghĩa.

Bằng việc nghiện ngập, chúng ta không còn có Chúa làm trọng tâm và cho phép một thứ khác thay thế Chúa, một sự gì đó đòi hỏi sự chú ý, tận tâm, dưỡng nuôi và hy sinh, và gây tổn hại đến mọi thứ khác trong cuộc sống, bao gồm cả mối quan hệ thiêng liêng nhất của bạn bè, gia đình và Chúa.

Hãy nghĩ về câu chuyện đứa con trai hoang đàng. Anh ta sẵn lòng đánh đổi mối quan hệ của mình với gia đình để ra đi và sống một cuộc sống ăn chơi phóng đãng, như thể cuộc sống hoang đàng đó là điều quan trọng nhất anh ta muốn trên đời này.

Một kiểu lạc hướng khác là bằng thú tiêu khiển. Ma quỷ muốn cắt đứt mối dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa: đó là làm chúng ta không muốn cầu nguyện.

Có bốn loại phân tâm ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta.

1) Lo lắng và sợ hãi về tương lai và chúng khiến chúng ta từ bỏ đời sống cầu nguyện của mình.

2) Là những tội mà chúng ta đã phải gánh chịu dưới bàn tay của người khác. Chúng ta cảm thấy như mình đã trở thành nạn nhân, rồi chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện.

3) Kiểu phân tâm thứ ba làm gián đoạn việc cầu nguyện: so sánh bản thân với người khác và những thứ chúng ta có với kẻ khác. Tôi đã gặp nhiều người nói rằng Chúa không yêu tôi vì tôi không có công việc tốt, tôi không có lương cao, tôi sống trong một ngôi nhà tồi tàn, tôi không lái một chiếc xe xịn. Tôi đã làm thứ gì để Chúa trừng phạt tôi nặng như vậy.

4) Và cuối cùng là tập trung vào những thú vui tạm thời. Thú tiêu khiển và sự hưởng thụ không là điều cấm trong đời sống người Kitô hữu. Tuy nhiên, khi chúng bị lệch lạc, chúng có thể làm chúng ta chỉ nghĩ đến mình.  Sự đắm chìm trong bản thân là mối nguy hiểm.

Một ví dụ điển hình là người phú hộ giàu có và anh Ladarô. Ngày ngày anh Ladarô nghèo khổ ngồi ngay trước cửa ông phú hộ khi người phú hộ đi ra ngoài, ông ta sẽ bước qua anh Ladarô như thể anh ấy chẳng khác thứ gì đó ngổn ngang trên đường phố. Người phú hộ tập trung vào thú vui và sự hưởng thụ của riêng mình, không nhận ra sự đau khổ của người ngay trước mặt mình.

Nản lòng

Sau khi chúng ta theo dõi hoạt động thường ngày của ma quỷ, từ lừa dối, chia rẽ, và sự đánh lạc hướng, chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng là sự nản lòng.

Khi tin vào sự dối trá làm cho chúng ta bị tổn thương, khiến chúng ta rời xa con đường của Chúa, sẽ đến lúc chúng ta thấy chán nản. Sự nản lòng chính là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với đời sống thiêng liêng. Nó biểu lộ qua sự mệt mỏi hằn rõ trên khuôn mặt của biết bao người. Nó thể hiện ở những người mà chúng ta nhìn thấy không có chút tình cảm trên khuôn mặt của họ. Những người đi bộ trên phố, trong siêu thị, nhà hàng, thậm chí ngồi trên những hàng ghế trong ngày Chủ nhật.

Trong Thần khúc của Dante, có một tấm biển treo phía trên cửa vào của địa ngục, nội dung tấm biển là: “Hỡi những kẻ bước qua đây hãy từ bỏ mọi hy vọng.” Những lời này đúng là dành cho những ai đã bị cuốn vào hố sâu tăm tối của sự nản lòng.

Sự nản lòng dẫn người ta đến với quyết định ngừng, không cố gắng nữa, rút lui, làm điều gì đó khác, hoặc thậm chí ngưng mọi hoạt động. Những điều này là những điều ma quỷ rất quan tâm vì hắn biết rằng cuối cùng sự nản lòng sẽ khiến chúng ta chệch hướng trong cuộc hành trình về với Chúa.

Trong truyền thống Kitô giáo, sự chán nản có thể được coi là “acedia”. Nó là từ bắt nguồn từ từ tiếng Hy Lạp “acadeo”, dịch ra là “tôi không quan tâm”. “Acedia” nói đến những thứ như u sầu, lười biếng, biếng nhác, đặc biệt là đối với những bổn phận, những việc làm tôn giáo. Nó có thể là kết quả của những thứ như mệt mỏi, cảm thấy quá tải, đe dọa và thất vọng về bản thân.

Khi con người đã trải qua các giai đoạn của hoạt động bình thường của ma quỷ và đến với sự nản lòng, tôi tin rằng họ đã đến ngã ba đường.

Khi chúng ta chấp nhận tin vào sự dối trá của ma quỷ, chúng ta thấy cuộc sống của mình tan nát, chúng ta không còn đi trên con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta nữa, chúng ta bây giờ nản lòng, cuộc sống chúng ta không có ý nghĩa và mục đích. Mất hướng đi.

Một từ khác cũng bắt đầu bằng chữ “d” - discipleship - vai trò môn đệ, chúng ta có thể có một sự thức tỉnh về tâm linh và chúng ta có thể quay trở lại với Chúa. Con đường kia chỉ dẫn đến cái chết, luôn luôn là về mặt tâm linh, tinh thần nhưng thậm chí đôi khi nó là mặt thể xác nữa. Hãy nghĩ đến xu hướng tự tử ngày càng tăng.

Con người làm gì khi chán nản? Làm thế nào để chúng ta tìm đến với họ? Tôi tin rằng đây là lời kêu gọi để Tân Phúc âm hóa mà thánh Gioan Phaolô II đã nói đến.

Vậy phản ứng của chúng ta đối với hoạt động bình thường của ma quỷ là gì?

Phúc âm chỉ ra cho chúng ta một phương pháp. Phúc âm dạy rằng trong cuộc hành trình đường đời, chúng ta phải chấp nhận sự đấu tranh và nỗi thất vọng.

Nhưng nỗi sợ hãi của chúng ta phải biết vị trí của nó. Nói cách khác, chúng ta cần phải kính sợ Thiên Chúa chứ không phải ma quỷ.

Chúng ta đã nói ở trên về ý nghĩa thực sự của việc kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta ngưỡng mộ Thiên Chúa, chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những hồng ân trong cuộc sống của chúng ta và tất cả những điều tuyệt vời mà Chúa đang thực hiện. Thậm chí cả khi chúng ta thất vọng, giữa lúc chúng ta mệt mỏi, chúng ta vẫn thấy cách Chúa đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, luôn tìm cách đem mục đích và ý nghĩa vào trong cuộc sống chúng ta.

Vì vậy chúng ta cần phải tín thác, chúng ta cần phải giữ đúng hướng, chúng ta cần có niềm tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt và hướng dẫn những người đang trải qua các cuộc tấn công hằng ngày của ma quỷ.

Và nhất là chúng ta cần luôn trở nên giống Chúa Giêsu và kết hợp với Ngài trong cuộc sống của mình.

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta không thể nói về điều ác hay ma quỷ và không nói đến đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng quyền lực của sự dữ bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Vì vậy khi đối mặt với hoạt động bình thường của ma quỷ, chúng ta phải luôn luôn nhìn vào công cuộc chữa lành và cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.

Một lần nữa, chính là nhờ mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô mà sẽ đem lại ý nghĩa vĩnh cửu đích thực cho sự tồn tại của chúng ta. Không có mối liên hệ với Chúa Kitô, chúng ta thấy mình phiêu bạt vô nghĩa.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét