Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Thầy có phải là Đấng phải đến không?: Niềm hy vọng của Gioan và của chúng ta

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11:2-11)

Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” 4 Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

“Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

------

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

“Câu hỏi này có vẻ kỳ quặc vì Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu khi Chúa lãnh nhận phép rửa ở sông Giođan, và theo các lời tường thuật khác của Phúc âm, Gioan đã thừa nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng sẽ đến sau ông và ông không đáng cởi dây giày của Ngài (Luca 3:16). Vậy tại sao Gioan lại sai người đi hỏi “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Dường như việc Gioan bị cầm tù là môt thử thách đức tin cho ông. Đúng là Gioan đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong những thời điểm hạnh phúc hơn, như khi Gioan rao giảng ở sông Giođan và đám đông kéo đến với ông. Lúc đó, nước Chúa dường như là sắp xuất hiện. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách đó. Tại sao vì chỉ nói sự thật (với Hêrôđê) mà Gioan bị bỏ tù? Và nếu Chúa Giêsu là người đã được xức dầu để “đem tin mừng cho kẻ nghèo hèn … công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,” (Isaia 61:1), thì ngài có thể sử dụng một số quyền năng giải phóng đó để Gioan được phóng thích?

Ngay cả những vị thánh vĩ đại cũng có thể trải qua đêm tối và trải qua những thử thách về đức tin. Vì thế, việc bị thử thách không là không tương thích với sự thánh thiện. Khi Gioan phải chịu đau đớn về thể lý và đêm đem của tâm linh trong ngục tối tăm của Hê-rô-đê, ông tìm đến Chúa Giêsu để được an ủi: “Thầy có phải là Đấng phải đến không? Thầy không biết tôi bị nhốt trong ngục vì đã làm chứng cho hôn nhân sao?

Chúa Giêsu đáp lại họ rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Chúa Giêsu nhắn lại lời an ủi cho Gioan: “Hãy đi nói với Gioan rằng các dấu hiệu của thời đại của Đấng Mêsia như đã được đề cập đến trong Isaia 35 và 61 đã được ứng nghiệm cách rõ ràng trước mắt các anh. Và thật hạnh phúc thay cho những ai không bị vấp ngã. Vì cách Ta đem nước Thiên Chúa đến trần gian thì khác với những gì họ mong chờ”.

Như chúng ta đã thấy, những lời tiên tri của Isaia về người mù, què, điếc, v.v., thực sự nói về những thực tại thuộc linh. Nhưng trước bản chất yếu đuối của chúng ta, vốn cần những dấu hiệu hữu hình (Gioan 4:48), Chúa Giêsu đã đoái thương diễn ra qua hành động những lời tiên tri về mặt tâm linh.

Nếu những vấn đề chính của nhân loại là những khuyết tật về thể chất, thì Chúa Giêsu đã thành lập một bệnh viện để chữa lành cơ thể cho mọi người. Nhưng trái lại, Chúa thành lập một Giáo hội, để chữa lành tâm hồn con người. Giáo hội ấy cũng đã thành lập các bệnh viện bởi vì cùng với Chúa Giêsu, Giáo hội nhận ra rằng chúng ta cần những dấu hiệu hữu hình để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng sự chữa lành về thể xác cần phải hướng chúng ta đến sự chữa lành sâu hơn, nếu không thì nó chỉ là tạm thời và cuối cùng là vô nghĩa.

Chúa Giêsu sau đó tiếp tục bằng việc khen ngợi Gioan Tẩy Giả, gọi ông là vị tiên tri vĩ đại nhất của Giao ước cũ, đỉnh cao của việc rao giảng và dạy dỗ Kinh thánh của Israel (xem Matthêu 11:13). Tuy nhiên, “Kẻ nhỏ nhất trong nước thiên đàng còn lớn hơn ông ta”. Điều đó có nghĩa là gì?

Vương quốc thiên đàng là Giáo hội. Những lời của Chúa Giêsu có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Khải hoàn, những người đã được cứu rỗi và ngay cả lúc này, đang ở trước sự hiện diện của Chúa trên thiên đàng. Họ cao trọng hơn Gioan (trong Phúc âm lúc này) vì họ đã được thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và chia sẻ vào vĩnh phúc của Chúa, trong khi Gioan còn phải chịu những thử thách về thể lý cũng như tinh thần và sự yếu đuối của thân xác.

Và điều này cũng có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Chiến đấu, những tín đồ vẫn đang chiến đấu trên trái đất. Mặc dù chúng ta có thể thiếu nhiều đức tính của Gioan, nhưng chúng ta có rất nhiều lợi thế mà ông không có: các bí tích ban truyền Chúa Thánh Thần cho chúng ta, chân lý trọn vẹn trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ thêm, sự hiệp thông các thánh tăng thêm sự hỗ trợ, và nhiều hơn nữa. Vì vậy, ngay cả những người nhỏ nhất trong chúng ta, những người thực sự tin vào Chúa Kitô, cũng vĩ đại hơn Gioan về nhiều mặt.

Hoặc chúng ta nên nói, vĩ đại hơn Gioan đã là, vì khi Chúa Giêsu nói những lời này, Gioan vẫn còn trên trái đất và bị ràng buộc bởi Giao ước Cũ. Nay, Gioan đã đi vào phúc vinh quang và được phúc nhìn thấy Chúa cùng với các thánh khác.

Không cần phải nói cuộc sống này bao hàm việc buồn nản chờ đợi vì cuộc sống dường như đi lùi hơn là tiến bước. Ngay cả khi chúng ta hát những bài hát về niềm hy vọng và niềm vui khi Chúa Giêsu đến trong Mùa Vọng, nó không mấy thích hợp với các sự kiện trong cuộc sống cá nhân cũng như các sự kiện xã hội và chính trị trên khắp thế giới, nhiều sự kiện dường như báo trước thảm họa không thể tránh khỏi và không là về tình yêu, niềm vui và hòa bình. Giáo hội rất là thực tế, và Kinh thánh cũng vậy. Vì thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ở thế gian này, anh em sẽ gặp khó khăn. Nhưng hãy can đảm! Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16:33).

Đó là sứ điệp của các bài đọc Chúa Nhật tuần này. Như các tiên tri, chúng ta đang mong đợi từ giữa một thế giới đang chảy ngược dòng tiến đến hạnh phúc trọn vện. Nhưng thế giới hiện tại này là một vấn đề tạm thời và Chúa Giêsu đã có câu trả lời vĩnh cửu cho vấn đề này. Khi chúng ta thắp ngọn nến hồng để đánh dấu “Chúa Nhật Gaudete / mừng vui,” chúng ta hãy phấn khởi với sự thật rằng chúng ta, những kẻ nhỏ bé, có thể cùng đứng với một người vĩ đại như Gioan Tẩy Giả và hy vọng về ngày chúng ta sẽ cũng với ngài vui hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.”
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét