Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Liệu có gì sai trong việc tìm kiếm dấu hiệu từ người đã khuất?

Xin chào, tôi là cha Mike Schmitz, cho kênh Ascension Presents.

Tôi hay nói chuyện với những người mới mất người thân. Người họ yêu thương đã ra đi. Họ sẽ chỉ ra một vài điều đã xảy ra sau khi người đó mất, và coi đó như một dấu chỉ từ người đó rằng người đó đã an nghỉ. Tôi đã được hỏi khá nhiều là liệu điều đó có được phép không.

Cho bản thân tôi, mẹ tôi mất một năm rưỡi trước, vậy tôi có nên tìm kiếm những dấu chỉ cho thấy rằng mẹ tôi đã an nghỉ không? Trong tháng vừa qua, tôi đã trong một tình trạng mà, tôi không phải chịu nỗi đau mất mát người thân đâu, nhưng tôi có vấn đề sức khỏe. Tôi biết cảm giác cầu nguyện trong tuyệt vọng, như “Lạy Chúa, con sẽ làm tất cả mọi thứ để không phải chịu nỗi đau này nữa. Con sẽ làm tất cả để chữa nỗi đau này.” Tương tự, tôi có thể hiểu cảm giác đau đớn đến ngộp thở, đến mức một người phải nói “Con sẽ làm bất cứ điều gì, xin hãy cho con một dấu hiệu rằng người đó đã an nghỉ, một dấu hiệu rằng chết không phải là hết.”

Tôi có một chút xíu sự thấu hiểu cho tấm lòng tuyệt vọng đó. Đó là một trái tim tan vỡ, đang khao khát một dấu hiệu rằng người họ yêu thương đã an nghỉ. Vậy thì câu hỏi là, tôi có thể tìm kiếm không? Những dấu chỉ này là thật hay giả? Tôi sẽ trình bày vài điều.

Đầu tiên, tôi muốn nói là, xét về mặt nào đó, không có gì sai với việc nhìn thấy dấu chỉ ở một hiện tượng nào đó. Tôi đã nghe thấy những câu chuyện như này, nếu bạn đang đoán câu chuyện này của bạn thì không phải đâu, có quá nhiều câu chuyện tương tự thế này.

Có chuyện là: “Bố tôi rất thích chim chủ giáo, hoặc bố thích chim xanh. Sau khi ông mất, có những con chim xanh đã đầu ngoài cửa sổ. Chim này chưa bao giờ đậu trước cửa sổ nhà tôi, nhưng chúng đến vài ngày, và tôi hiểu rằng ông đã an nghỉ.”

Tôi nhớ nhiều năm trước, có người nói rằng khi họ nhìn lên một con số trên đồng hồ điện tử, họ sẽ nhớ đến người con đã mất của họ. Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì sai. Không hề sai khi bạn nhìn lên con số trên đồng hồ và nghĩ về người con đã mất. Ý của tôi là, chúng ta luôn phải cẩn thận, vì chúng ta đang tiếp xúc với trái tim của con người, và đặc biệt là trái tim họ đang đau khổ.

Ta có thể nhìn thấy chữ số trên đồng hồ, hoặc con chim xanh hoặc bất cứ điều gì, đó có thể là dấu chỉ, một lời nhắc nhở ta hãy biết ơn, hoặc nhắc nhở ta cầu nguyện.

Người mẹ này đã mất con mình. Cô ấy thấy dấu chỉ trên đồng hồ và có thể nói: “Ừm, tôi đã không được ở bên con tôi lâu dài, nhưng tôi đã được ở bên con trong khoảng thời gian ngắn. Tôi sẽ dành ít phút để nghĩ về lời nhắc nhở này, nó có lẽ là một chút an ủi cho trái tim tôi. Mỗi khi tôi nhìn thấy con số đó, tôi nhớ rằng con tôi đã ở đây. Có gì đó quan trọng ở đó. Điều này là tốt, kể cả khi hiện tại tôi không hề biết ơn. Đó là lời nhắc nhở. Cả thế giới đều đã lãng quên và đi bước nữa. Nhưng tôi nhìn vào con số đó, và tôi nhớ rằng con tôi đã ở đó”. Hoặc “tôi nhìn con chim blue jay, nó khiến tôi nhớ đến bố tôi, hoặc mẹ tôi, hoặc ai đó. Nó là lời nhắc nhở để tôi cầu nguyện cho họ.” Mỗi khi tôi nhìn thấy con chim cổ đỏ, tôi sẽ cầu nguyện cho ông nội, hoặc cầu nguyện người nào mà tôi đã mất. Đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời.

Đôi khi trong cuộc sống, ta có những dấu hiệu, tình huống khiến ta nhận ra: Chúa, Ngài đang hiện diện ở đây. Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện. Đây là sự thật. Vậy nên tôi nghĩ không có gì sai trong việc kết nối một dấu hiệu nào đó với bi kịch này, hoặc dấu hiệu này với tôi và người đã mất.

Vì Thiên Chúa quan tâm. Khi ta đau khổ, Thiên Chúa có quan tâm. Ngài không hề bơ ta. Ngài không phải là một vị thần ngoài đó không hề quan tâm đến nỗi đau của ta. Chúng ta thờ một Thiên Chúa đã trải nghiệm những đau thương.

Chúa Giêsu trong Phúc âm của Gioan chương 11, khi Chúa đến mộ của Ladarô, người bạn mà Ngài yêu mến. Ladarô đã chết nhưng Chúa Giêsu biết Ngài sẽ cho Ladarô sống lại từ cõi chết. Thế mà Chúa Giêsu đứng trước mộ của Ladarô và Ngài khóc.

Tôi không nói rằng những dấu hiệu nhỏ này, đừng để ý đến nó, đừng nghĩ đến nó, thật là những sự vớ vẫn. Tôi không hề có ý đó. Vì Chúa quan tâm đến nỗi đau buồn của bạn. Trái tim Chúa tan vỡ khi trái tim bạn tan vỡ. Hãy biết đó là vì Chúa quan tâm đến bạn, bạn quan trọng đối với Ngài.

Đồng thời đây là điều cuối cùng và đây là lời lưu ý cho tất cả những gì tôi vừa nói. Đó là có sự nguy hiểm tiềm tàng khi gán cho một người đã khuất, điều gì có thể là hiện tượng tự nhiên, và chỉ là hiện tượng tự nhiên. Chẳng hạn như khi nói đó là từ ông nội, đó là từ dì Edna, từ ai khác.

Có thể là mối nguy hiểm khi gán những hiện tượng tự nhiên đó cho người đã khuất. Vì lúc này tôi có thể nghĩ họ đang "sống" độc lập khỏi Chúa. Không. Những người đã chết trong Đức Kitô, đều sống trong Đức Kitô. Nhưng tôi khi nghĩ đây là dấu hiệu của dì Edna, dấu hiệu này của chú Chuck… hãy cẩn thận, dì Edna và chú Chuck không có quyền tự mình làm điều đó. Nếu đó là dấu hiệu từ họ thì thực sự đó là dấu hiệu từ Chúa, không phải từ họ. Hãy nhớ rõ điều đó.

Thứ hai, chúng ta có thể bị lừa dối. Thực tế là chúng ta có thể bị lừa dối. Đây có thể không chỉ là hiện tượng tự nhiên nhưng còn có thứ của thần khí đen tối, của những thần khí ác độc, của ma quỷ và chúng có thể lừa dối chúng ta. Tôi không nói hết thảy mọi trường hợp là do ma quỷ. Nhưng chúng ta cần có khả năng phân định thần khí. Điều đó có nghĩa là có thần khí thánh thiện và có thần khí của sự dữ. Chúng ta cần có khả năng phân định điều đó. Tôi không muốn làm ai sợ hãi nhưng chỉ nói rằng chúng ta phải để ý.

Và cuối cùng...hay điểm thứ ba… có thể có sự nguy hiểm tiềm ẩn. Khi một người còn sống, và tất cả những dấu hiệu cho thấy là họ đã nói không với Chúa. Và vì tôi có một dấu hiệu là họ ổn, nên mọi thứ đó bị lờ đi. Chúng ta phải để ý đến điều người ấy thật sự nói, bằng những hành động và lời nói của họ.

Nếu bằng cuộc sống của mình, họ nói: Tôi từ chối Thiên Chúa, tôi từ chối Chúa Giêsu, tôi từ chối Giáo hội. Đó là dấu hiệu... cho thấy họ chối bỏ Chúa, họ chối bỏ Giáo hội, họ chối bỏ Chúa. Tôi không nói chúng ta biết ý định, động cơ của họ. Tôi không biết chút gì về điều đó. Chúa là Đấng duy nhất biết những điều đó.

Nhưng nếu tôi nói tôi biết những dấu hiệu này... nhưng có một con chim xanh ở cửa sổ, vì thế, tôi nghĩ linh hồn ấy được yên ổn. Tôi không có ý bác bỏ điều này nhưng đây là điều nguy hiểm: Đó là tôi sẽ từ chối tất cả những dấu hiệu của thực tế, những dấu hiệu cho thấy họ không muốn Chúa, chỉ vì con chim xanh đậu ở cửa sổ.

Điều đó sai ở chỗ nào? Tôi nghĩ điều sai lầm là nó coi thường sự cứu rỗi. Nó sai vì chúng ta không để ý đến sự thật là chúng ta sẽ lãnh nhận điều chúng ta chọn. Đó là Kitô giáo.

Nhờ ân sủng của Chúa, nếu chúng ta chọn thiên đàng, chúng ta sẽ có được Thiên đàng nhờ Chúa Giêsu. Nhưng vì công lý, nếu tôi chọn địa ngục, tôi sẽ có địa ngục vì công lý. Tôi không muốn loại bỏ những dấu hiệu của bất kỳ ai trên trái đất khi còn sống, để chọn những dấu hiệu nữa vời sau khi họ mất. Là Kitô hữu, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta không cần dấu hiệu. Vì chúng ta có Chúa Giêsu và vì vậy, bất kể một người sống hay chết như thế nào, chúng ta cầu nguyện cho họ. Bởi vì chúng ta biết và không cần dấu lạ nào, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Chúa của cả kẻ sống và kẻ chết.

Tất cả những ai chết trong Chúa Kitô, giờ đây sống trong Ngài nên tôi không cần phải có dấu lạ để nhắc nhở chúng ta về họ. Chúng ta chỉ cần cầu nguyện vì chúng ta không biết. Vì chúng ta không biết họ đang ở nơi nào, chúng ta nói với Chúa, Chúa ơi, Ngài biết và Ngài yêu họ. Nên con sẽ cầu nguyện cho họ.

Video hơi dài và tôi chỉ nói được những điều đó :) Cho Ascension Presents, tôi là Cha Mike. Xin Chúa chúc lành.

Share:

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Thánh Thể: Thức ăn chính cho tâm hồn của chúng ta trong cuộc sống này

Bất kỳ ai có một con mèo hoặc chó nhìn lên người chủ với hy vọng và trông chờ khi người chủ múc thức ăn vào chén của nó sẽ cảm nhận được câu này trong Thánh vịnh hôm nay: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê”.

Chúa thỏa mãn ước muốn của thú cưng qua con người, và Ngài thỏa mãn ước muốn của con người thông qua những người khác: đàn ông thông qua phụ nữ, phụ nữ thông qua đàn ông, trẻ em thông qua cha mẹ, cha mẹ thông qua con cái, nghệ sĩ thông qua kỹ sư, kỹ sư thông qua nghệ sĩ, v.v.

Ánh mắt hy vọng, tin tưởng, khao khát trong đôi mắt của chú chó hoặc chú mèo đói là những gì Chúa nhìn thấy trong trái tim bạn. Nó thường không ở trên khuôn mặt bạn, và thậm chí nó không ở trong tâm trí có ý thức của bạn hầu như mọi lúc, nhưng nó ở nơi sâu thẳm nhất của trái tim bạn. Trái tim bạn đang đói, và chỉ có Chúa mới có thể nuôi dưỡng nó, bởi vì chúng ta được tạo dựng bởi Chúa cho chính Chúa, không vì lý do nào khác.

Đó là lý do tại sao không sự gì khác có thể lấp đầy trái tim chúng ta, không sự gì trên thế giới này là đủ, không sự gì có thể mang lại hạnh phúc hoàn hảo cho bạn. Câu nổi tiếng và được yêu thích nhất trong tất cả các tác phẩm văn học Kitô giáo ngoài Kinh thánh là chủ đề của Lời Tự Thú của Thánh Augustine. Toàn bộ cuốn sách là một lá thư, là lời cầu nguyện gửi đến Chúa—chúng ta, những độc giả của cuốn sách, được vinh dự lắng nghe—và ngay ở trang đầu tiên, thánh nhân nói với Chúa: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho chính Ngài, và trái tim chúng con luôn khắc khoải cho đến khi chúng được nghỉ yên trong Ngài”.

Đó là lý do tại sao chúng ta bồn chồn, tại sao chúng ta không bao giờ hoàn toàn hài lòng, không bao giờ hoàn toàn hạnh phúc trên thế giới này. Hãy tưởng tượng việc ăn hạt giống chim, thức ăn cho mèo và thức ăn cho chó thay vì thức ăn của con người. Không thỏa mãn lắm, mặc dù nó có thể giúp bạn sống sót trong lúc cấp bách. Thức ăn của con người thực sự là Chúa. Thức ăn cho tâm hồn chúng ta, thức ăn duy nhất thỏa mãn được nỗi khao khát sâu sắc nhất, quý giá nhất và ẩn giấu nhất trong trái tim chúng ta, không phải là thức ăn cho cơ thể mà là thức ăn cho tâm hồn, và tất cả những thức ăn tuyệt vời cho tâm hồn trong cuộc sống này chỉ là món khai vị.

Trong cuộc sống này, mọi thứ thỏa mãn sâu sắc mong muốn của chúng ta đều là món khai vị của thiên đàng. Nó luôn được pha trộn với những thứ trần tục và được tiếp nhận vào những tâm hồn con người rất bất toàn, ngu ngốc và ích kỷ (không có loại linh hồn nào khác), và nó chỉ là một món khai vị nhỏ xíu, nhỏ xíu xiu; nhưng mọi thứ tốt lành, chân thật hay đẹp đẽ trong vũ trụ, mọi thứ yêu thương, vui tươi và thánh thiện trong cuộc sống con người, đều là một món quà của Chúa và là món khai vị của thiên đàng.

Đó là lý do tại sao chúng ta có ánh mắt đó khi Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Nó được gọi là hy vọng. Chúng ta thấy điều đó ở những chú chó của mình. Rốt cuộc, “dog" là từ “God” được đánh vần ngược lại. Chúa đối với chúng ta cũng giống như chúng ta đối với những chú chó của mình.

Tất nhiên, chúng ta không chỉ là thú cưng đối với Chúa; chúng ta là những đứa con yêu quý nhất của Người. Nhưng Chúa thì vượt xa chúng ta hơn là chúng ta so với thú cưng của mình. Vì vậy, xin đừng cảm thấy bị xúc phạm bởi sự so sánh giữa bạn với chó và mèo, bởi vì sự khác biệt giữa chúng ta và thú cưng chỉ là hữu hạn, không hề có thể so sánh với sự khác biệt giữa chúng ta và Chúa, vốn là vô hạn.

Thức ăn chính cho tâm hồn của chúng ta trong cuộc sống này là bí tích Thánh Thể. Thánh Thể có phần giống như một viên thuốc vitamin ở chỗ nó không có hương vị vật lý, hay cảm xúc, hay sự thú vị, nhưng Thánh Thể có sức mạnh của sự sống; Thánh Thể thực sự là thức ăn mang lại sự sống, mang lại sự sống cho tâm hồn chúng ta. Phần đầu tiên của từ “vitamin” là từ vita, có nghĩa là “sự sống”. Linh hồn chúng ta đối với thể xác như thế nào, thì Chúa Kitô đối với linh hồn chúng ta như vậy.

Vì linh hồn là chính sự sống của thể xác, nên Chúa Kitô là chính là sự sống của linh hồn. Khi thể xác mất đi linh hồn, nó mất đi sự sống và trở thành một xác chết, một thi thể. Linh hồn cũng có thể chết, trở thành xác chết, linh hồn chết, linh hồn không có sự sống. Đó là lý do tại sao việc sám hối và xưng tội giống thì như phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật phục hồi sự sống hoặc truyền máu. Bởi vì sự sống này thực sự là một trường hợp khẩn cấp, là “vấn đề sống còn”. Và như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, Giáo hội là “một bệnh viện dã chiến trên chiến trường”.- Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul: Reflections on Mass Readings, Year B

Share:

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Thánh vịnh 23: Chúa là Mục tử của tôi

Đang trên youtube xem những video về Hội nghị Phục Hưng Thánh Thể 2024 vừa kết thúc, thì thấy một video về Russell Brand, một người đã thử hết mọi thứ: đời sống trụy lạc, thuốc phiện, New Age… (trang Facebook của trang cũng đã dịch một video của Russell Brand),nói về sự khác biệt của phó thác bản thân mình cho một Thiên Chúa và cũng là một con người, Đấng đã chết cho anh thay vì các Năng lực khác trong vũ trụ. Nghe được khoảng 5 phút thì nhớ đến một đoạn của Dr. Peter Kreept cũng nói về sự uy nghi của Thiên Chúa toàn năng và sự thân thiện của Thiên Chúa. Mời bạn đọc đoạn của Dr. Peter Kreeft:

Thánh vịnh 23 Chúa là Mục tử là Thánh vịnh nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất. Thánh Vịnh là cuốn sách nổi tiếng và được yêu thích nhất trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là cuốn sách nổi tiếng và được yêu thích nhất trên thế giới. Vì vậy, Thánh vịnh 23 là đoạn văn nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất trong tất cả các cuốn sách trên thế giới.

Điều nổi bật của Thánh vịnh này là sự nối kết giữa sức mạnh và sự dịu dàng. Chúa, Thiên Chúa toàn năng của vũ trụ, ngự xuống ngang hàng với chúng ta và chăm sóc chúng ta như người chăn chiên nhân lành chăm sóc đàn chiên của mình. Điều đó thật đáng kinh ngạc! Điều đó giống như một con voi chăm sóc một con chuột đồng. Nói theo quan điểm tương tự nhưng nói ngược lại: thật đáng ngạc nhiên rằng người chăm sóc chúng ta, người rất thân thiết, nhân ái và gần gũi với chúng ta lại là Đấng siêu việt, siêu phàm, vĩnh cửu, hoàn hảo vô cùng, toàn năng, rất mực khôn ngoan, vô cùng chính trực, Đấng tạo thành vũ trụ!

Vì thế, có hai điều mà người Do Thái giáo hay Kitô giáo có thể nói với người hàng xóm ngoại giáo của mình về sự khác biệt giữa hai tôn giáo của họ. Người ấy có thể nói với người hàng xóm ngoại giáo thời cổ xưa của mình: “Thần thánh của bạn có thể là một Chúa tể vĩ đại và ở chốn cao thẳm, nhưng Chúa của tôi là người chăn chiên yêu thương, quan tâm. Vị thần của bạn có thể tuyệt vời, nhưng Chúa của tôi lại là Đấng rất thân mật với chúng tôi.” Người ấy cũng có thể nói với người hàng xóm ngoại đạo hiện đại của mình: “Thần của bạn có thể là người bạn mục tử dễ thương, thân thiện của bạn, nhưng Chúa của tôi là Chúa Tể của vũ trụ. Vị thần của bạn có thể rất thân mật, nhưng Chúa của tôi lại cũng rất đáng kính sợ.”

Không một người ngoại giáo nào có thể nói: “Chúa là mục tử của tôi”. Những người ngoại giáo cổ xưa chỉ có thể nói rằng họ có nhiều vua chúa và nhiều vị thần, nhưng không ai trong số đó là người chăn dắt họ như người mục tử. Những người ngoại đạo hiện đại chỉ có thể nói rằng họ hơi “tâm linh” và rằng Thiên Chúa của họ là một người chăn chiên tốt bụng, thân thiện, nhưng không phải Ngài là Chúa. Chỉ những người thờ phượng Thiên Chúa thật mới có thể nói rằng Chúa của họ là Mục tử của họ và Người Mục tử chăn dắt họ là Chúa của họ. – Dr. Peter Kreeft, Food For The Soul: Reflections on Mass Readings, Year B

Share:

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Ba Lời khuyên của Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời của bậc giáo dân

Lời từ video

 Từ lâu Dorothy Day đã là một anh hùng của tôi. Vào những năm 1950, Dorothy Day đã phàn nàn về điều mà bà nói rằng có một loại tâm linh hai tầng trong Giáo hội Công giáo. Thứ linh đạo của các điều răn cho người giáo dân, nghĩa là tuân theo Mười Điều răn cơ bản. Đó là tất cả những gì người ta ước vọng nơi giáo dân. Sau đó có cái mà bà gọi là linh đạo Lời khuyên của Phúc âm cho giáo sĩ và tu sĩ, v.v. Đó là gì? Lời khuyên Phúc Âm: Khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời.

Vì vậy, ngoài các điều răn dành cho những người bình thường, có một loại cho các vận động viên của đời sống tâm linh, họ sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục. Dorothy Day rất ghét sự phân chia đó, bà rất không thích sự khác biệt đó. Bà yêu mến các giáo sĩ và các tu sĩ thánh hiến, bà biết họ sống những lời khuyên một cách đặc biệt, nhưng bà cũng biết: Không, không có linh đạo hai tầng trong Giáo hội. Giáo dân cũng được mời gọi sống thánh thiện cách anh hùng; giáo dân cũng được mời gọi sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã dành cho tôi, tôi chỉ muốn nói điều gì đó rất đơn giản về mỗi lời khuyên Phúc âm ấy.

Tôi nghĩ trong việc sống linh đạo của những lời khuyên này, chúng ta sẽ thấy cụ thể hơn ý nghĩa của việc là Chúa Kitô trong thế gian.

Trước hết là lời khuyên của đức khó nghèo. Giáo dân không được mời gọi sống nghèo khó như một tu sĩ dòng Phanxicô hay một đan sĩ. Đó là một hình thức khó nghèo đặc biệt trong đời sống đạo. Ai đó đang huýt sáo tán thành. Tốt… Nhưng hãy lắng nghe tôi: tất cả mọi giáo dân thực sự được kêu gọi sống Lời khuyên khó nghèo của Phúc âm. Theo nghĩa nào? Theo nghĩa mà tất cả các bậc thầy tâm linh đều gọi là sự không vướng mắc.

Chúa Giêsu nói, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của người và mọi sự khác Chúa sẽ ban thêm cho anh em”. Chúa muốn nói gì? Chúa muốn nói đến sự rành mạch về những gì bạn muốn và những gì bạn sẵn lòng cam kết đời mình: Nước Thiên Chúa và mọi sự còn lại của cuộc sống sẽ được chăm lo trong tương quan với ước muốn đó.

Thánh Augustinô nói: Hãy yêu Chúa, rồi yêu mọi sự khác vì Chúa, và bạn sẽ có sự bình an. Một hình ảnh mà tôi đã chia sẻ và những người theo dõi tôi biết điều này, nhưng nó rất hữu ích với tôi trong nhiều năm qua, đó là Hình ảnh Bánh xe may mắn. Không phải Bánh xe may mắn với Vanna White, mà rất lâu trước Vanna White.

Thời Trung Cổ có một biểu tượng của Bánh xe may mắn luôn quay vòng. Đứng đầu là vua, ông có tất cả mọi sự; sau đó bánh xe quay hướng và giờ đây vị vua ấy đã mất vương miện. Ở phía dưới cùng, có một con người nghèo túng, chẳng có gì cả. Bánh xe quay hướng này và giờ đây có người đang leo lên tới đỉnh.

Bạn hãy nghĩ đến của cải, lạc thú, danh dự, quyền lực, tất cả những điều thế gian nói với chúng ta sẽ làm chúng ta được hạnh phúc. Ồ, bạn chỉ cần lấp đầy cuộc sống với đủ những thứ đó thì bạn sẽ hạnh phúc. Nghĩ như vậy là sống trên vành bánh xe. Tôi nói đúng không? Bánh xe đó quay và khi bạn ở trên đỉnh của Bánh xe may mắn, bạn có mọi thứ bạn từng mong muốn: tất cả sự giàu có và quyền lực, danh tiếng bạn hằng mong muốn.

Có một điều bạn biết: là nó sẽ thay đổi, bạn sẽ đánh mất những sự đó. Ai đó đang tìm kiếm danh tiếng sẽ cố gắng đẩy bạn ra khỏi vị trí đó. Sống trên vành bánh xe luôn thay đổi là sống trong lo lắng và cái nghiện. Nghe có vẻ quen thuộc đối với những tội nhân chúng ta trong phòng này phải không? Tất cả chúng ta đang ngồi trên Bánh xe may mắn ở những mức độ khác nhau, trải cuộc đời mình để chạy theo sự giàu sang, lạc thú, danh dự và quyền lực.

Các bậc thầy tâm linh nói rằng đừng sống ở vành bánh xe, hãy sống ở trung tâm của bánh. Ở trung tâm có ảnh Chúa Kitô, thường hằng bất biến, hôm qua hôm nay và mãi mãi. Đức Kitô nối kết chúng ta với sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Sống trong Ngài và rồi bạn có thể nhìn thấy sự việc khi bánh xe quay. Tôi giàu, tôi nghèo, tôi trước đây giàu có, tôi ngày càng giàu hơn… bánh xe thay đổi nhưng tôi không sống ở đó. Sống trong đó là sống trong không gian của sự không bị vướng mắc. Sống ở vành bánh xe, tôi bị lôi cuốn vào sự lo lắng và cái nghiện (muốn có nhiều hơn). Tôi bị ám ảnh bởi của cải trần thế và do đó ân sủng không thể đi vào qua tôi.

Thưa các bạn tội nhân với tôi, chúng ta đã lãng phí quá nhiều cuộc đời mình để chạy theo những của cải trần thế, những thứ không làm chúng ta thỏa mãn. Nhưng nếu chúng ta sống trong Chúa Kitô, chúng ta sống ở trung tâm của bánh xe, tách rời khỏi của cải thế gian thì Thiên Chúa có thể hoạt động qua chúng ta, ân sủng có thể được tuôn đổ vào chúng ta và đi vào thế giới. Đó là sự nghèo khó mà tất cả các bạn được mời gọi sống, đó chính là sự nghèo khó mà sẽ thực sự thay đổi thế giới.

Tôi muốn trích cho bạn một câu ngắn từ Giáo hoàng Leo thứ XIII. Đây là từ thông điệp Rerum Novarum, bản văn thiết lập truyền thống giáo lý xã hội của Giáo hội. Đức Thánh Cha nói: Khi liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi, nếu còn phần dư, ai cũng bắt buộc dành để thí cho kẻ khó. Mọi thứ khác bạn sở hữu đều thuộc về người nghèo. Tôi dám nói nếu bạn để lời đó đi sâu vào bạn, lời ấy sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Lần nữa: “Khi liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi." Hãy nghĩ theo nghĩa sự giàu có, vui thích, danh dự và quyền lực. Khi bạn đã có đủ những thứ đó thì bạn biết đấy, bạn có đủ để sống tốt, rồi mọi thứ còn lại thuộc về người nghèo. Bạn không thể nói điều đó nếu bạn đang sống trên vành bánh xe. Bạn chỉ có thể nói điều đó khi bạn đang sống ở trung tâm, nơi của sự không bị vướng mắc. Đó là về đức khó nghèo.

Thứ hai là đức khiết tịnh. Về khiết tịnh chúng ta có khiết tịnh độc thân, được sống bởi các tu sĩ và các linh mục. Người ta thường gộp hai điều độc thân và khiết tịnh với nhau. Nhưng khiết tịnh là một thuật ngữ tổng quát hơn nhiều. Nó có nghĩa là sống đời sống tình dục cách có trách nhiệm về mặt đạo đức và tâm linh. Nó có nghĩa là sự ngay thẳng về tình dục, sống tình dục của bạn một cách chính trực về mặt đạo đức và tinh thần. Mọi người đều được kêu gọi sống cách đó.

Tôi muốn diễn tả nó theo cách này... Vâng, bạn có thể vỗ tay cho đức khiết tịnh. Giáo hội bị chỉ trích nhiều về giáo huấn này. Và những người bất đồng quan điểm, khi người trẻ nói tại sao họ ra khỏi Giáo hội thường nói kiểu như lời dạy của Giáo hội về tình dục không công bằng và quá khắt khe. Họ luôn là chỉ trích, phê phán.

Đây là giáo huấn về tình dục của Giáo hội: Hãy đặt tính dục của mình hoàn toàn dưới bản chất, dưới sự bảo hộ của tình yêu. Tôi xin nói một lần nữa: Hãy đặt trọn vẹn tính dục của mình dưới sự bảo hộ của tình yêu.

Tình yêu là gì? Tình yêu không là cảm xúc. Thánh Tôma Aquinas nói, Tình yêu là ước muốn sự tốt lành cho người khác. Đó là toàn bộ đời sống Kitô giáo: Hãy yêu thương nhau.

Tính dục sống chủ yếu không là cho lợi ích của bạn mà vì lợi ích của người khác, để tính dục của bạn trở thành một hành vi yêu thương.

Các bạn có thấy không? Tất cả giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực tình dục không có chút liên quan đến chủ nghĩa thanh giáo. Không. Giáo hội tán dương tình dục; Giáo hội không tán thành hệ thống thanh giáo nhị nguyên nhưng Giáo hội muốn đưa toàn bộ cuộc sống bao gồm cả tình dục của bạn dưới bản chất, dưới sự bảo vệ của tình yêu.

Hãy nghĩ về một số vấn đề luôn ở với chúng ta: phá thai và lạm dụng tình dục, sự coi thường cả nam và nữ, ngoại tình, văn hóa tình dục không ràng buộc, nội dung khiêu dâm, tất cả những điều đó có điểm gì chung? Không một điều nào trong những vấn đề này nằm trong sự bảo vệ của tình yêu. Tất cả những điều đó, ở những mức độ khác nhau, là tình dục bị hướng về cái tôi. Giáo hội không chống lại tình dục mà là chống lại tình dục bị tách lìa khỏi Tình yêu.

Cho phép tôi trích một câu của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Đây là từ thông điệp bị hiểu lầm và ĐGH Phaolô VI trong Humanae Vitae đang nói về biện pháp tránh thai nhân tạo. Tôi muốn bạn nghe nguyên tắc ngài trình bày. Đây chính là những gì tôi đang nói đến. Từ Humanae Vitiae:

Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản nhân tạo, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ không coi đó là người bạn đường đáng mến, đáng trọng nữa."

Thật hay. Đó là nguyên tắc, hết thảy mọi người đó là nguyên tắc!

Đức Gioan Phaolô II cũng nói điều tương tự khi ngài nói: Đừng bao giờ đối xử với người khác như phương tiện, và không coi chính người ấy là cùng đích. Biến cô ấy thành một công cụ đơn thuần để thỏa mãn ham muốn của chính người nam. Đó là điều Giáo hội chống đối. Khiết tịnh có nghĩa là sống đời sống tình dục của bạn trái ngược với hết những quan điểm đó và sống sao để tất cả trở thành món quà tình yêu.

Các bạn hãy nghe tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu hết nhưng người Công giáo ở đây, nếu bắt đầu từ lúc này, 70 triệu người Công giáo quyết định sống theo đức khiết tịnh. Điều gì sẽ xảy ra? Phá thai, lạm dụng tình dục, nội dung khiêu dâm, văn hóa tình dục không ràng buộc, coi nam giới và phụ nữ như vật dụng để hưởng lạc cho bản thân, tất cả những thứ đó sẽ bị tấn công, tất cả những thứ đó sẽ bị làm suy yếu.

Nhưng nếu chúng ta chỉ muốn chê bai xã hội sa ngã của chúng ta, chúng ta cần phải tự trách chính bản thân mình, rằng 70 triệu người Công giáo đã không sống theo Lời khuyên Phúc âm tuyệt diệu này. Chúng ta chỉ nói, Ồ những lời khuyên đó là cho tu sĩ. Không. Dorothy Day nói không. Tối nay, tôi cũng nói không. Điều đó là cho mọi người. Đức khó nghèo và khiết tịnh.

Chỉ một điều nữa và tôi sẽ ngừng. Đức khó nghèo, khiết tình và vâng lời. Có lẽ là điều quan trọng nhất. Các linh mục thường nói vâng lời là lời khấn hứa khó khăn nhất.

Tôi nhớ cách đây nhiều năm khi ĐHY George, vị cố vấn và là người anh hùng của tôi, bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Chủng viện Mundeline. Có lẽ là một tháng sau đó, Có lẽ khoảng 1 tháng sau, có một buổi gây quỹ lớn và rất nhiều người giàu có ở đó, và Đức Hồng Y cũng có với y phục như tôi đang mặc đây. Một cô bước đến phẫn nộ nói, “Cha Baron, đây là một bổ nhiệm ngớ ngẩn nhất đối với tôi. Cha có chương trình Word on Fire đang lan rộng khắp đất nước, cha đang thực hiện công việc rao truyền Tin mừng... Thế mà lại đưa cha vào chủng viện, chỉ là công việc đưa đẩy giấy tờ. Tôi nghĩ cha làm giám đốc chủng viện là quyết định ngu ngốc nhất từng được đưa ra.

Tôi trả lời cô ấy: có một người đàn ông mặc áo choàng đỏ ở phòng bên cạnh có thể trả lời tất cả các câu hỏi của cô. Thưa cô, tôi không quyết định điều này.

Đây là sự vâng lời của người linh mục khi bạn giao phó cuộc sống của mình cho bề trên của bạn. Khi tôi chịu chức tôi đặt tay mình vào tay ĐHY Bernardine và nói, tôi hứa vâng lời ĐHY và những người kế vị ngài. Đó là sự vâng phục của linh mục.

Nhưng giáo dân, giáo dân cũng cần thực hành lời khuyên vâng lời của Phúc Âm. Theo nghĩa nào?

Bạn nghe theo lời của ai? Có rất nhiều lời nói trong các bài hát, trong phim, trong các bài phát biểu của chính trị gia, trong nền văn hóa. Họ đang nói gì? Họ nói về sự giàu có, vui thích, quyền lực, danh dự.

Một khi bạn nhìn thấy bốn điều đó, tôi đã học được chúng từ thánh Tôma Aquina, khi bạn nhìn thấy chúng, bạn thấy chúng ở khắp mọi nơi. Đó là những điều người ta nói với bạn: làm cách nào để ngày càng có được nhiều những thứ đó hơn.

Bạn có nghe - obedire, có nghĩa là lắng nghe - vâng lời. Bạn lắng nghe những người đó hay bạn nghe tiếng nói của Đấng cao thượng hơn. Đó là toàn bộ Kinh thánh đó các bạn; toàn bộ Kinh thánh. Hãy nghĩ về Áp-ra-ham và I-sa-ac và Gia-cóp và Mô-se và Giô-suê và Peter, Paul, Isaiah, Jeremiah. Hết thảy họ đều có điểm chung gì? Họ chắc chắn đã nghe thấy đủ tiếng ồn ào xung quanh họ, nhưng sau đó họ cũng nghe thấy giọng nói thì thầm nhỏ bé đó, giọng nói cao thượng hơn, giọng nói của Chúa. Giọng nói đó là gì?

Tiếng ấy nói với bạn rằng đừng theo đuổi những sự tốt lành của trần tục này, mà hãy làm điều đúng đắn. Đừng theo đuổi những gì thế gian nói với bạn, mà hãy là một người tốt. Đừng lo lắng về giàu sang, thú vui, quyền lực, danh dự, mà hãy làm những gì Chúa muốn bạn làm.

Đặc biệt những người trẻ ở đây đang lắng nghe tôi. Đó là những điều tối quan trọng. Mọi thứ khác trong cuộc sống chỉ là một chú thích cuối trang. Điều quan trọng là bạn nghe lời của ai? Đó là vâng lời, là obedire.

Share:

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững

Vì vua Salômôn đã bỏ đường lối của Chúa, thờ các thần ngoại bang (qua vô số vợ ngoại bang của ông), nhà Đavít bị phân chia làm hai vương quốc. Sự phân chia này không xảy ra thời Salômôn vì Thiên Chúa vị nể Đavít, cha ông, đã trì hoãn những hậu quả do chính Salômôn gây ra cho tới đời của con ông, Rehoboam (đánh thuế nặng để dựng đền thờ thần ngoại bang). Trong thời vua Rehoboam, 12 chi tộc Israel bị phân tán thành 10 chi tộc ở miền bắc và 2 chi tộc ở miền nam bao gồm Giêrusalem và Đền thờ.

Từ lúc vương quyền bị chia đôi này, khi đọc Kinh Thánh Cựu Ước bạn sẽ nghe về vua Israel, bạn sẽ phải biết đây là vùng miền bắc và nhà Đavít, vua của Giuđa chỉ còn 2 chi tộc ở miền nam bao gồm Giêrusalem và Đền thờ. Các tiên tri của Israel bao gồm Hôsê và Amốt, một người chăn chiên thuộc vùng Giuđa (Am 7:12-15).

Đây là một đoạn từ ngôn sứ Isaia giúp chúng ta thấy một chút về lịch sử của dân Do thái:

“Thời vua A-khát trị vì Giu-đa, vua Israel là Pe-các, hùng mạnh hơn lại còn toa rập với vua của Aram đi tấn công Giu-đa: “Ta hãy lên đánh Giu-đa, làm cho nó khiếp sợ ta, và đặt con ông Táp-ên làm vua ở đó.”

Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Chuyện đó sẽ không xảy ra, sẽ không có… Sáu mươi lăm năm nữa Ép-ra-im sẽ tan tành, không còn là một dân.… Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Isaia 7:1-9).

Trong thời này, Israel giàu có và có quân lực mạnh hơn Giuđa lại còn cùng vua Aram để tấn công đất Giuđa bé nhỏ.

“Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Chuyện đó sẽ không xảy ra, sẽ không có”: Sự việc là vua Israel, tức vua của mười chi tộc phía bắc, không muốn thờ phượng ở Đền thờ Giêrusalem (kẻo dân trở về với nhà vua Đavít lần nữa, đã tự xây đền thờ, đặt tượng các thần ngoại bang và thờ lạy các thần) và họ đã bị Assyria chiếm lãnh năm 722 BC. Chính sách của Assyria khi chiếm lãnh thổ địa mới là lưu đày dân bản thổ đi khắp nơi trong đế quốc của họ và đưa dân khác vào sống nơi đó. Mười chi tộc đó tản mác khắp nơi trên mặt đất, và không thể nào được tu họp lại nữa.

Hai chi tộc miền nam bị lưu đày sang Babylon khoảng 120 năm sau đó, từ 598 đến 587 BC, tức là 70 năm. Họ được Vua Ky-rô cho phép trở về để xây dựng lại Đền thờ của Chúa.

Áp dụng cho bản thân:

Trong cuộc sống, chúng ta luôn chứng kiến những chuyện tương tự như vua của Giuđa, kẻ thù mạnh mẽ. Còn ta thì bé nhỏ, rất bé nhỏ. Quá bé nhỏ để cuộc sống như thể chiếc thuyền nhỏ trên biển cả mênh mông, chống cự với những lớp sóng dồn dập để sống còn.

Nhưng đó không phải là thế giới quan Chúa muốn cho chúng ta. Chúa có mục đích cho cuộc sống và mọi sự xảy đến là để bản thân có đủ hết mọi tình huống và trở nên dày dặn, một cuộc sống đầy kinh nghiệm.. Chúa như một huấn luyện viên tài tình, sẽ đưa đến đủ những khó khăn trong cuộc sống chúng ta để chúng ta có cơ hội trưởng thành. Khi bạn sẵn sàng để đón nhận sự huấn luyện, bạn sẽ coi mọi sự là cơ hội. Khi sống để trưởng thành trong đức tin không là mục đích đời bạn, những khó khăn trong cuộc sống đúng thật chỉ là những khó khăn vô nghĩa.

Xin Chúa cùng đồng hành với chúng con qua cuộc sống vì không có Chúa, cuộc sống quả là khó khăn.

Share:

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm cho Nước Trời -- Chúa Nhật thứ XV Mùa Thường niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (6:7-13)

Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

--------

“Nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ” (Mác-cô 6:11).

Chiến lược truyền giáo Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ là đừng tìm cách để ép buộc dân chúng ở nơi nào đó đáp lại lời rao giảng của họ. Chúng ta không thể ép buộc người khác tiếp nhận Tin Mừng. Để sử dụng tốt các nguồn năng lực của chúng ta, cũng như sự công bằng cơ bản, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tiến bước để tìm đến những người muốn biết về Chúa hơn là đặt áp lực với những người đã được nghe về Chúa và khước từ lời mời đó. Đây là cơ sở Kinh Thánh để chúng ta quay lại xem xét liệu công việc truyền giáo của chúng ta có mang lại kết quả hay không. Nếu không, hãy chuyển đến nơi khác hoặc nhóm người khác

Tất nhiên, không phải mọi người chúng ta đã được chính thức cử đi rao giảng, trừ quỷ và chữa lành như các Tông đồ đã làm, nhưng mỗi người trong chúng ta đã được rửa tội và thêm sức. Khi lãnh nhận các bí tích đó, chúng ta đã được ủy thác sứ mệnh truyền bá Tin Mừng bất kể chúng ta đang sống ở đâu. Có rất nhiều người ở nơi làm việc và trong khu vực lân cận cần được nghe về Tin Mừng, cần được giải thoát khỏi ma quỷ và cần được chữa lành cả về thể xác lẫn tinh thần. Bạn đừng đánh giá thấp sức mạnh và lợi ích mà việc cầu nguyện, ăn chay và tình bạn hữu. Chúng ta có thể không được chính thức đào tạo, nhưng A-mốt cũng vậy: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung”.

Có rất nhiều việc phải làm và có rất nhiều điều tốt mà chúng ta có thể làm, không phải vì chúng ta tuyệt vời và chúng ta đã chọn Thiên Chúa, nhưng vì Ngài đã chọn chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần của Ngài qua các bí tích. -- Dr. John Bergsma, Word of The Lord, Year B

Share:

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Ân sủng của Ta đã đủ cho con

Thánh Phao-lô bày tỏ lý do tại sao đôi khi Chúa cho phép “những điều không may mắn” xảy đến trong đời sống chúng ta – bệnh tật, thất nghiệp, nghèo khó, thất bại, v.v. – mặc dù chúng ta cầu xin Chúa cất nó đi. Thiên Chúa cho phép những điều không may mắn xảy đến để dạy chúng ta cách sống lệ thuộc vào Ngài, để sự sống của Ngài sống trong chúng ta. Nếu không, việc bằng lòng với những gì chúng ta có thể làm với sức mạnh tự nhiên của mình, chúng ta không bao giờ học được cách sống đời sống siêu nhiên.

Không phải tất cả những gì chúng ta cầu xin đều được đáp lời theo lòng ta mong muốn, thậm chí ngay cả những lời cầu nguyện của các vị thánh vĩ đại, như chính thánh Phao-lô Tông đồ. Ngài cầu xin và Chúa nói không. Đó là một lời nhắc nhở lành mạnh khi chúng ta nghĩ rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không được ai lắng nghe, hoặc không được đáp lại vì chúng ta chưa đủ thánh thiện.

Sự “yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo” mà Thánh Phaolô đề cập đến là một bản tóm tắt ngắn gọn về những lời nguyền rủa của Giao ước cũ (xem Lê-vi 26; Đnl 28:15–28) mà Giu-đa cuối cùng đã phải trải qua bởi vì họ không nghe lời các tiên tri như tiên tri Êdêkien (xem Bài đọc một của Chúa nhật thứ XIV Mùa Thường niên, năm B). Vậy tại sao Phao-lô vẫn phải chịu “sự nguyền rủa của giao ước” mặc dù ngài đang sống trong Giao ước Mới? Cuộc sống trong Giao Ước Mới không nhất thiết là sẽ thoát khỏi hoặc loại bỏ những rắc rối do tội lỗi gây ra trên thế giới này, nhưng ân sủng của Chúa trong Giao Ước Mới thay đổi hoàn toàn ý nghĩa và tác dụng của chúng đối với những ai đang sống trong Chúa Kitô. Những gian khổ này không còn là hình phạt nữa; chúng là cơ hội để chúng ta sống một cuộc sống hoàn toàn khác, để “quyền năng của Chúa Kitô ngự trong chúng ta” và chúng ta được thực sự trở nên thân mật với Chúa hơn. -- Dr. John Bergsma, Word of The Lord, Year B

Share:

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Tin xấu không hoàn toàn xấu nhưng tin tốt thì lại hoàn toàn tốt: Chúa nhật thứ XIV Mùa Thường niên, năm B

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en (2, 2-5)

Bấy giờ, thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Đức Chúa phán với tôi, và làm cho chân tôi đứng vững; tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi. Người phán với tôi: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng : ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.”

-------

Tại sao thông điệp cứng rắn này của ngôn sứ Ê-dê-ki-en gửi đến dân Israel xưa lại có liên quan đến chúng ta ngày nay?

Bởi vì như tất cả các Giáo phụ, các vị thánh, các giáo hoàng, các tín điều và giáo lý đều nói với chúng ta, Israel là phiên bản đầu tiên của Thiên Chúa về Giáo hội. Giáo hội Chúa Kitô, Giáo hội Công giáo, là Israel mới. Vì vậy, Chúa đang nói với chúng ta điều mà Chúa đã phán qua các tiên tri của Ngài với dân Israel trong Cựu Ước về Ngài là ai và chúng ta là ai—hai điều quan trọng nhất mà chúng ta phải biết, bởi vì đó là hai thực tế duy nhất mà chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi dù là một giây, tại lúc này hoặc trong nơi vĩnh cửu.

Câu trả lời mấu chốt cho câu hỏi thứ hai chúng ta là ai: chúng ta là dân Israel mới, dân tộc được Chúa chọn từ trên khắp thế giới; tất cả đều là những tội nhân, những kẻ phản nghịch, giống như tổ tiên của chúng ta. Chúng ta “mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” vì khuôn mặt bộc lộ tấm lòng của chúng ta. Chúng ta là những kẻ ngu dại, bởi vì khi không vâng theo ý muốn khôn ngoan và đầy yêu thương của Cha chúng ta trên trời, Đấng chỉ muốn điều tốt cho chính chúng ta, chúng ta không chỉ chống lại Thiên Chúa mà còn chống lại lợi ích của chính mình, hạnh phúc của chính mình, lợi ích tốt nhất của chính mình.

Và chúng ta biết điều này bằng kinh nghiệm cũng như bằng đức tin; chúng ta biết rằng về lâu dài, tội lỗi luôn làm chúng ta bất hạnh và sự thánh thiện làm chúng ta hạnh phúc; sự ích kỷ làm cho chúng ta bất hạnh và tình yêu vị tha làm cho chúng ta hạnh phúc; rằng việc cố gắng biến Chúa thành điều chúng ta mong muốn sẽ khiến chúng ta vừa ngu ngốc vừa bất hạnh, và việc trở thành điều Chúa muốn chúng ta trở thành và làm điều Chúa muốn chúng ta làm khiến chúng ta vừa khôn ngoan vừa hạnh phúc—hạnh phúc sâu sắc, lâu dài- hạnh phúc cách sâu sắc, thực sự hạnh phúc. Thế nhưng chúng ta vẫn phạm tội. Chúng ta là những kẻ ngốc. Chúng ta là những kẻ khờ dại. Chúng ta điên rồ.

Đó là điểm mấu chốt về chúng ta là ai. Điểm mấu chốt về Thiên Chúa là ai thì sao? Thiên Chúa là tình yêu. Cha chúng ta trên trời rất yêu thương những đứa con bị tổn thương não nặng của Ngài. Chúng ta là những tội nhân điên loạn, nhưng Thiên Chúa là người yêu cuồng dại. Chúng ta rất tệ, nhưng Chúa thì tốt vô cùng. Tội lỗi của chúng ta vượt quá lý trí và sự công lý, nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng vậy. Đó là hy vọng duy nhất của chúng ta: không phải công lý mà là tình yêu, không phải tình yêu yếu đuối của chúng ta mà là tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa, tình yêu ấy không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc. Đó là lý do tại sao Ngài liên tục gửi các ngôn sứ như Ê-dê-ki-en đến để báo cho chúng ta cả tin xấu về chính chúng ta lẫn tin tốt về chính Ngài. Chúng ta cần cả hai, đơn giản vì cả hai đều đúng.

Tin xấu không hoàn toàn xấu nhưng tin tốt thì lại hoàn toàn tốt. Chúng ta có mặt tốt cũng như mặt xấu, nhưng Chúa không có mặt xấu. Luôn có một chút điều xấu ở những người tốt nhất trong chúng ta, và những người tốt lành nhất trong chúng ta là những người kiên quyết là trong họ có cái xấu. Các vị thánh luôn nói họ là tội nhân. Họ có sai không? Sự thánh thiện có làm bạn ngu ngốc không? Hay chính tội lỗi đã khiến bạn trở nên ngu ngốc, ngu ngốc đến mức không còn nghĩ đến tội lỗi nữa?

Khi tình yêu gặp tội lỗi, nó trở thành lòng thương xót, sự tha thứ và hòa giải: không phải Thiên Chúa [tức giận và cần] hòa giải với chúng ta, với tội lỗi của chúng ta, mà là chúng ta cần hòa giải mình với Thiên Chúa, bằng việc ăn năn và xưng tội. Tội lỗi của chúng ta nặng nề và xấu xa gấp mười lần chúng ta nghĩ (ít nhất là 10 lần), nhưng lòng thương xót của Chúa thì bao la gấp mười nghìn tỷ lần và tốt lành hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được. Thế nhưng lòng thương xót và sự tha thứ là một món quà, và món quà thì không chỉ là phải được trao tặng như không, ân sủng Chúa luôn là vậy, mà còn phải được đón nhận một cách tự do. Đó là lý do tại sao có một tội mà không thể được tha thứ: không ăn năn, không xưng tội, không cầu xin sự tha thứ.

Nhiều người không nghĩ rằng tin xấu là cần thiết cho bất cứ ai. Nhiều người cho rằng điều đó không cần thiết cho bản thân họ mà chỉ cần thiết cho người khác, dù người khác đó là ai. Một số người nghĩ rằng tội lỗi duy nhất là tin rằng có một thứ gọi là tội lỗi. Họ gọi các vị thánh là “người phán xét kẻ khác”. (Họ cho rằng việc phán xét (chỉ trích) những người thánh thiện không thể được gọi là xét đoán, nhưng phê bình về tội lỗi là xét đoán. Vì thế thay vì ghét tội và yêu tội nhân, họ lại yêu tội và ghét những tội nhân thánh thiện, những người ghét tội.)

Nếu chúng ta không tin vào tin xấu thì chúng ta không thể quý trọng tin mừng. Thiên Chúa ban cho chúng ta một trái tim mới; Chúa ban cho chúng ta một cuộc phẫu thuật ghép tim, nhưng đó chỉ là tin vui cho những người biết mình mắc bệnh tim. Nếu bạn không tin vào kết quả chụp X-quang của Chúa, sự chẩn đoán của Chúa, bạn sẽ không cầu xin Chúa để Ngài phẫu thuật miễn phí cho bạn. Chúa là bác sĩ phẫu thuật tim vĩ đại, và các nhà tiên tri là kỹ thuật viên chụp X-quang cho Ngài.

Nhiều người ngày nay, thậm chí nhiều người tự cho mình là người Công giáo, không còn tin vào những tin xấu nữa, mặc dù tất cả các ngôn sứ của Chúa đều giảng về nó, bởi vì hầu như tất cả các ngôn sứ hiện đại của chúng ta đều giảng điều ngược lại: rằng “Tôi ổn, bạn ổn”. ”; rằng tất cả những gì chúng ta cần là biết tự trọng hơn. Không ai có lòng tự trọng hơn ma quỷ. Tôi tự hỏi Hitler sẽ phản ứng thế nào khi một nhà tâm lý học nói với ông rằng ông cần có thêm lòng tự trọng. Tôi nghĩ Hitler sẽ rất sẵn lòng đồng ý.

Có cái tốt và có cái xấu. Có cái chết và có sự phục sinh; có tội lỗi và có sự cứu rỗi; có bệnh và có chữa lành; có nỗi buồn và có niềm vui; có tin xấu và có tin tốt. Và tin tốt là tin cuối cùng, tin sau cùng hết, điểm mấu chốt. Nhưng cách duy nhất để có được tin tốt là bắt đầu với tin xấu. --Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Liệu Chúa Giêsu có kinh ngạc về sự không tin của bạn không? -- Chúa nhật thứ XIV Mùa Thường niên, năm B

Đi đến đâu Chúa Giêsu cũng gặp những người tin Chúa, ngoại trừ một nơi duy nhất: Nazareth, quê hương của Người, nơi Người lớn lên. Những người lạ kéo đến gặp Ngài, nhưng nhiều người trong đại gia đình Ngài lại không tin vào Ngài. Những người đàn bà bán thân, những kẻ giết người và thậm chí cả những người thu thuế đã đến với Chúa, nhưng các nhà chức trách tôn giáo được chính Chúa ủy quyền trong Cựu Ước, những người lãnh đạo dân riêng Chúa chọn, đã từ chối Ngài, và họ thuyết phục kẻ thù áp bức họ là người La Mã tra tấn và đóng đinh Chúa. Hầu hết các thầy tư tế, học giả và kinh sư về Luật [Do thái] đều từ chối Đức Giêsu. Người ngoại giáo tin vào Đức Giêsu dễ dàng hơn người Do Thái.

Sau khi làm phép lạ ở khắp mọi nơi, khi Chúa Giêsu đến quê hương mình, thánh sử Mác-cô lưu ý rằng “Ngài không thể làm được phép lạ nào ở đó”. Tại sao lại không thể? Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Ngài không thể thực hiện phép lạ sao? Đúng, nhưng mục đích chung của các phép lạ của Chúa không chỉ là chữa lành thể xác mà còn là chữa lành tâm hồn, khơi dậy niềm tin, sự tin cậy và tình yêu. Nhưng niềm tin, sự tin cậy và tình yêu là ơn trao ban như không; người ta không thể bị ép buộc để đón nhận. Chúa Giêsu sẽ không buộc chúng ta phải chọn Ngài. Trên thực tế, Ngài không thể làm được điều đó, bởi vì đó đơn giản là một sự mâu thuẫn về ngôn từ. Hành vi của con người hoặc là tự do và không bị ép buộc, hoặc là bị ép buộc mà không tự do. Nó không thể vừa không bị ép buộc vừa bị ép buộc, vừa tự do vừa không tự do.

Từ Hy Lạp có nghĩa là “kinh ngạc” hay “ngạc nhiên” được dùng để mô tả phản ứng của hầu hết mọi người khi gặp Chúa Giêsu, nhưng nó chỉ được dùng một lần để mô tả phản ứng của chính Chúa Giêsu: trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lấy làm lạ / kinh ngạc vì sự không tin của dân Người.

Thật là cực kỳ mỉa mai. Như Chúa Giêsu đã nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.

Nguyên tắc tương tự cũng đúng cho ngày nay. Những chính trị gia chống Công giáo, ủng hộ cái chết, chống sự sống, ủng hộ phá thai, chống tự do tôn giáo, chống gia đình nhất ở Washington (thủ đô) hầu hết đều là người Công giáo. George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh GH Gioan Phaolô II, đã viết rằng nếu ngài muốn chương trình đạo đức xã hội ủng hộ sự sống, ủng hộ gia đình của Giáo hội Công giáo được Quốc hội ở Washington, DC đón nhận, thì ĐTC nên loại bỏ mọi chính trị gia Công giáo và thay thế họ bằng người theo đạo Mặc-môn hoặc người Hồi giáo.

Tỷ lệ người Công giáo theo học các trường Công giáo bỏ đạo cao hơn gấp đôi so với những người Công giáo không theo học các trường Công giáo. ĐTGM Fulton Sheen nói không lâu trước khi qua đời là nếu được mời để cho các bậc cha mẹ Công giáo lời khuyên về con cái của họ, ngài sẽ nói với họ rằng nếu họ muốn con cái họ mất đức tin cách chắc chắn và hiệu quả nhất, hãy gửi chúng đến một trường đại học Công giáo tiêu biểu.

Người chịu trách nhiệm lớn nhất về tội nặng nhất, tìm cách để sát hại Thiên Chúa nhập thể, cá nhân duy nhất được Kinh thánh nêu tên và chúng ta gần như chắc chắn đã xuống địa ngục [dù Giáo hội không tuyên bố điều đó], là một trong mười hai cộng sự thân cận nhất của Chúa Giêsu, một trong mười hai Tông đồ, Giuđa Iscariot, Giám mục Công giáo đầu tiên chấp nhận trợ cấp của chính phủ.

Điều gì đang xảy ra ở đây? Một phần là chiến lược của ma quỷ. Ma quỷ rất thông minh. Chúng biết rằng cách hiệu quả nhất để có được chiến thắng trong một cuộc chiến, dù là chiến tranh vật chất hay chiến tranh tinh thần, là thâm nhập, đến gần kẻ thù của mình nhất có thể, để chia rẽ và chinh phục. Một vài điệp viên bên trong có thể phá hoại lâu đài nhiều hơn hàng nghìn chiến binh bên ngoài.

Những người đàn áp Giáo hội và ném các Kitô hữu vào miệng sư tử chỉ làm cho Giáo hội mạnh mẽ hơn. Như Tertullian đã viết: “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội”. Nhưng khi Giáo hội trở nên dễ dãi, hợp thời, thành công và không còn gì khác biệt, thì Giáo hội trở nên lười biếng, dễ nản lòng, đi theo tục lệ của thế gian, và các tín hữu sẽ xa rời Giáo hội.

Một phần lý do khiến bạn bè thân thiết và gia đình Chúa Giêsu từ chối Ngài là sự quen thuộc. Đức Giêsu quá quen thuộc, quá bình thường, quá là người đối với những người biết Ngài trong ba mươi năm đầu đời, trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai, khiến họ khó có thể tin rằng Ngài chính là Thiên Chúa. Sự việc thì dễ dàng hơn nhiều đối với những người không biết Ngài. Nếu một người hoàn toàn xa lạ tuyên bố mình là du khách đến từ hành tinh khác, một số người sẽ tin anh ta, nhưng nếu một trong mười hai thành viên trong gia đình đã sống cùng nhau ba mươi năm tuyên bố điều đó, thì không ai trong gia đình anh ta sẽ tin anh.

Vậy làm sao chúng ta có thể tránh được cái bẫy này, chúng ta là những người đã biết Chúa Giêsu được một thời gian, nhất là chúng ta lớn lên trong các gia đình Công giáo, chúng ta “từ cái nôi đã là Công giáo”? Chỉ qua phương cách này: không dựa vào sự quen thuộc đó. Mỗi một Kitô hữu đều phải gặp Chúa Giêsu một lần nữa, một cách riêng tư, như thể họ chưa từng nghe nói đến Ngài trước đây. Họ phải đứng trước mặt Ngài và ngạc nhiên về Ngài, để Ngài không phải đứng trước mặt họ và ngạc nhiên trước sự thiếu đức tin của họ.

Món quà đức tin không là do cha mẹ truyền lại cho con cái theo cách di truyền, như màu mắt. Chúa có nhiều con nhưng Chúa không có cháu. Con đường duy nhất dẫn đến đức tin là đứng một chỗ [đừng tìm cách trốn tránh], trong nơi kinh hoàng, cô đơn, thinh lặng của sự tự do cá nhân, [không dựa vào ai hoặc truyền thống, hoặc luật lệ nào], sự tự do độc nhất của riêng bạn, ý chí tự do của chính bạn, và tự mình quyết định rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của bạn. Những người khác trong Giáo hội, đặc biệt là gia đình bạn và những người Công giáo trước đây… không ai có thể làm việc chọn để tin cho bạn. Ngay cả chính Chúa cũng không thể làm được điều đó, bởi vì Chúa không phải là bạn.

Và sau khi bạn làm điều đó, hãy nói với con cái bạn rằng chúng cũng sẽ phải làm những điều tương tự cho chính mình, cũng như nói những điều tương tự với con cái của chúng. Đó là cách đức tin được truyền đi. Thuật ngữ thần học cho điều đó là “phúc âm hóa”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người thúc đẩy mạnh mẽ điều ngài gọi là “tân phúc âm hóa”. Ngài gọi đó là công cuộc truyền giáo mới vì sự hoàn toàn mới chính là khán giả. Việc truyền giáo trước đây là cho những người không Công giáo; bây giờ phải truyền đạo trước hết cho người Công giáo. Cách đây hai thế hệ chúng ta đã gửi các nhà truyền giáo đến Châu Phi; bây giờ họ đang gửi những người truyền giáo đến với chúng ta [nước Mỹ]. Tại sao? Bởi vì họ có điều gì đó để cho đi: Đức Kitô hằng sống, luôn hoạt động và có thể thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là lý do tại sao các chủng viện và nhà thờ của họ tràn ngập và nhân lên nhanh chóng trong chúng ta đang chết dần. Chúng ta phải truyền giáo cho chính mình. Giáo hội phải Phúc âm hóa chính mình trước khi có thể Phúc âm hóa thế giới.

Đó là một nhiệm vụ to lớn. Vậy bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Mọi cuộc hành trình dù dài bao nhiêu cũng phải bắt đầu bằng bước đi đầu tiên. Hành trình đó bắt đầu ở đâu và khi nào? Mọi sự bắt đầu ngay tại đây và ngay bây giờ. Cách nào? Hãy cầu nguyện lời cầu nguyện hoàn hảo. Hãy thưa với Chúa điều Đức Maria đã nói: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Và nếu bạn thực sự có ý làm làm theo lời đó với trọn con tim, trước hết bạn nên tìm cách cúi đầu lẩn trốn vì Chúa sẽ đón nhận lời bạn cách nghiêm túc. Hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra khi Chúa đón nhận lời của Mẹ Maria  các nghiêm túc.

Khi bạn cầu nguyện lời cầu nguyện đó, đừng lo lắng bạn không phải là một vị thánh hay thậm chí là một người cầu nguyện sốt sắng. Và đừng hỏi “làm thế nào?”. Đừng lo lắng về các phương pháp cầu nguyện, bởi vì là người Công giáo, chúng ta có một điều gì đó mạnh mẽ hơn bất kỳ phương pháp, phương tiện hay kỹ thuật nào mà chúng ta có thể sử dụng; chúng ta có những lời cầu nguyện thực sự - không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cầu nguyện, cầu nguyện thực sự, ngay lúc này - của vị thánh vĩ đại nhất từng sống: Mẹ Thiên Chúa -- cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện thay cho chúng ta, để đền bù cho chúng ta, đền bù những điểm yếu cá nhân của chúng ta trong việc cầu nguyện. Phương pháp chỉ dạy chúng ta cách thực hiện; Mẹ thực sự làm điều đó cho chúng ta.

Giờ đây tất cả chúng ta hãy cầu xin Mẹ làm điều đó cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta, dẫn dắt chúng ta trong việc tái cam kết toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta cho Con chí thánh của Mẹ và Chúa của chúng ta, không dè dặt, không có ngoại lệ và không có lối thoát, một cuộc hôn nhân tâm linh không có thỏa thuận trước đó, một tấm séc được gửi cho Chúa và ký tên của chính bạn và có một khoảng trống trên dòng để Chúa viết số tiền. Nếu bạn không có ý đó thì đừng cầu nguyện. Nhưng nếu với tất cả trái tim và sự trung thực của bạn, bạn thực sự có ý đó hoặc muốn có ý đó, hãy cầu nguyện ngay bây giờ với tôi: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Thiên Chúa đến trước tiên trong đời sống chúng ta

Cuộc sống con người chỉ tìm được quân bình và sự tươi đẹp trọn vẹn khi đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Thánh Joan Arc khuyên, “Trước hết hãy phụng sự Thiên Chúa!”.

Trung thành cầu nguyện là điều bảo đảm chắc chắn chúng ta có thể dành cho Thiên Chúa vị trí trung tâm này bằng những phương thế đặc thù. Không trung thành cầu nguyện, việc dành vị trí ưu tiên cho Thiên Chúa có nguy cơ không hơn không kém một ý định tốt hay thậm chí một ảo tưởng.

Không cầu nguyện, một cách tinh tế, chúng ta hầu chắc sẽ đặt cái tôi của mình ở trung tâm của đời sống, thay vì Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta sẽ xao lãng bởi vô số ước muốn, đòi hỏi và sợ hãi khác nhau. Trái lại, nếu chúng ta cầu nguyện, thì dẫu phải chiến đấu chống lại sức nặng của bản ngã và những thói quen quy ngã cũng như ích kỷ của mình, chúng ta thấy rằng, mình vẫn đang đi theo hướng tách ra khỏi chính mình và tái quy về Thiên Chúa vốn dành lại cho Người vị trí xứng đáng vị trí đầu tiên trong đời chúng ta. “Ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11, 23).

Khi Thiên Chúa ở vị trí trung tâm, mọi sự khác sẽ rơi vào đúng chỗ của chúng.

Tuyệt đối dành cho Thiên Chúa vị trí trước nhất so với mọi thực tại khác (công việc, các mối tương quan, .v.v...) là cách duy nhất để thiết lập một mối tương quan đúng đắn với các sự vật. Chính việc thiết lập này kéo theo một sự đầu tư đích thực và một sự tách biệt lành mạnh, giúp chúng ta bảo vệ tự do bên trong và thống nhất đời sống. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào sự dửng dưng và bất cẩn, hoặc hoàn toàn ngược lại, rơi vào sự phụ thuộc, xâm chiếm, xao lãng, và đau đớn không cần thiết.

Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập khi chúng ta cầu nguyện cũng là yếu tố cơ bản của sự ổn định trong đời sống. Thiên Chúa là Đá Tảng, là Tình Yêu không hề lay chuyển, là “Cha, Đấng dựng nên muôn vì tinh tú, nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1, 17). Trong một thế giới bất ổn như thế giới chúng ta, với tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt, khiến các thiết bị điện tử trở nên lỗi thời trong thời gian vỏn vẹn một năm, thì điều quan trọng hơn cả, là tìm sự hỗ trợ bên trong nơi Thiên Chúa. Cầu nguyện dạy chúng ta bén rễ sâu nơi Người, “ở trong tình yêu của Người” (Ga 15, 9), tìm thấy sức mạnh và sự an toàn nơi Người, nhờ đó, đến lượt mình, chúng ta trở thành nguồn động viên không suy suyển cho kẻ khác.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa là nguồn lực duy nhất không bao giờ cạn kiệt. Bằng cầu nguyện, như Thánh Phaolô nói, “dù con người bên ngoài của chúng ta có tiêu tan đi thì con người bên trong chúng ta ngày càng đổi mới” (2Cr 4, 16). Chúng ta cũng có thể nhớ lời của ngôn sứ Isaia: Thanh niên thì mệt mỏi nhọc nhằn; trai tráng cũng ngã nghiêng, lảo đảo; nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh, như thể chim bằng, họ tung cánh, họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân (Is 40, 30-31).

Dĩ nhiên sẽ có những lúc thử thách và mệt mỏi trong đời vì chúng ta cần trải nghiệm sự yếu đuối để biết rằng mình nghèo hèn và nhỏ bé. Tuy nhiên, vẫn đúng, là trong cầu nguyện, Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta nguồn năng lượng, đôi lúc kể cả năng lượng thể lý, mà chúng ta cần để phụng sự và yêu mến Người.

Trích từ Khát Khao Cầu Nguyện của Cha Jacques Philippe

Share:

Blog Archive

Blog Archive