Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Ba Lời khuyên của Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời của bậc giáo dân

Lời từ video

 Từ lâu Dorothy Day đã là một anh hùng của tôi. Vào những năm 1950, Dorothy Day đã phàn nàn về điều mà bà nói rằng có một loại tâm linh hai tầng trong Giáo hội Công giáo. Thứ linh đạo của các điều răn cho người giáo dân, nghĩa là tuân theo Mười Điều răn cơ bản. Đó là tất cả những gì người ta ước vọng nơi giáo dân. Sau đó có cái mà bà gọi là linh đạo Lời khuyên của Phúc âm cho giáo sĩ và tu sĩ, v.v. Đó là gì? Lời khuyên Phúc Âm: Khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời.

Vì vậy, ngoài các điều răn dành cho những người bình thường, có một loại cho các vận động viên của đời sống tâm linh, họ sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục. Dorothy Day rất ghét sự phân chia đó, bà rất không thích sự khác biệt đó. Bà yêu mến các giáo sĩ và các tu sĩ thánh hiến, bà biết họ sống những lời khuyên một cách đặc biệt, nhưng bà cũng biết: Không, không có linh đạo hai tầng trong Giáo hội. Giáo dân cũng được mời gọi sống thánh thiện cách anh hùng; giáo dân cũng được mời gọi sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã dành cho tôi, tôi chỉ muốn nói điều gì đó rất đơn giản về mỗi lời khuyên Phúc âm ấy.

Tôi nghĩ trong việc sống linh đạo của những lời khuyên này, chúng ta sẽ thấy cụ thể hơn ý nghĩa của việc là Chúa Kitô trong thế gian.

Trước hết là lời khuyên của đức khó nghèo. Giáo dân không được mời gọi sống nghèo khó như một tu sĩ dòng Phanxicô hay một đan sĩ. Đó là một hình thức khó nghèo đặc biệt trong đời sống đạo. Ai đó đang huýt sáo tán thành. Tốt… Nhưng hãy lắng nghe tôi: tất cả mọi giáo dân thực sự được kêu gọi sống Lời khuyên khó nghèo của Phúc âm. Theo nghĩa nào? Theo nghĩa mà tất cả các bậc thầy tâm linh đều gọi là sự không vướng mắc.

Chúa Giêsu nói, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của người và mọi sự khác Chúa sẽ ban thêm cho anh em”. Chúa muốn nói gì? Chúa muốn nói đến sự rành mạch về những gì bạn muốn và những gì bạn sẵn lòng cam kết đời mình: Nước Thiên Chúa và mọi sự còn lại của cuộc sống sẽ được chăm lo trong tương quan với ước muốn đó.

Thánh Augustinô nói: Hãy yêu Chúa, rồi yêu mọi sự khác vì Chúa, và bạn sẽ có sự bình an. Một hình ảnh mà tôi đã chia sẻ và những người theo dõi tôi biết điều này, nhưng nó rất hữu ích với tôi trong nhiều năm qua, đó là Hình ảnh Bánh xe may mắn. Không phải Bánh xe may mắn với Vanna White, mà rất lâu trước Vanna White.

Thời Trung Cổ có một biểu tượng của Bánh xe may mắn luôn quay vòng. Đứng đầu là vua, ông có tất cả mọi sự; sau đó bánh xe quay hướng và giờ đây vị vua ấy đã mất vương miện. Ở phía dưới cùng, có một con người nghèo túng, chẳng có gì cả. Bánh xe quay hướng này và giờ đây có người đang leo lên tới đỉnh.

Bạn hãy nghĩ đến của cải, lạc thú, danh dự, quyền lực, tất cả những điều thế gian nói với chúng ta sẽ làm chúng ta được hạnh phúc. Ồ, bạn chỉ cần lấp đầy cuộc sống với đủ những thứ đó thì bạn sẽ hạnh phúc. Nghĩ như vậy là sống trên vành bánh xe. Tôi nói đúng không? Bánh xe đó quay và khi bạn ở trên đỉnh của Bánh xe may mắn, bạn có mọi thứ bạn từng mong muốn: tất cả sự giàu có và quyền lực, danh tiếng bạn hằng mong muốn.

Có một điều bạn biết: là nó sẽ thay đổi, bạn sẽ đánh mất những sự đó. Ai đó đang tìm kiếm danh tiếng sẽ cố gắng đẩy bạn ra khỏi vị trí đó. Sống trên vành bánh xe luôn thay đổi là sống trong lo lắng và cái nghiện. Nghe có vẻ quen thuộc đối với những tội nhân chúng ta trong phòng này phải không? Tất cả chúng ta đang ngồi trên Bánh xe may mắn ở những mức độ khác nhau, trải cuộc đời mình để chạy theo sự giàu sang, lạc thú, danh dự và quyền lực.

Các bậc thầy tâm linh nói rằng đừng sống ở vành bánh xe, hãy sống ở trung tâm của bánh. Ở trung tâm có ảnh Chúa Kitô, thường hằng bất biến, hôm qua hôm nay và mãi mãi. Đức Kitô nối kết chúng ta với sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Sống trong Ngài và rồi bạn có thể nhìn thấy sự việc khi bánh xe quay. Tôi giàu, tôi nghèo, tôi trước đây giàu có, tôi ngày càng giàu hơn… bánh xe thay đổi nhưng tôi không sống ở đó. Sống trong đó là sống trong không gian của sự không bị vướng mắc. Sống ở vành bánh xe, tôi bị lôi cuốn vào sự lo lắng và cái nghiện (muốn có nhiều hơn). Tôi bị ám ảnh bởi của cải trần thế và do đó ân sủng không thể đi vào qua tôi.

Thưa các bạn tội nhân với tôi, chúng ta đã lãng phí quá nhiều cuộc đời mình để chạy theo những của cải trần thế, những thứ không làm chúng ta thỏa mãn. Nhưng nếu chúng ta sống trong Chúa Kitô, chúng ta sống ở trung tâm của bánh xe, tách rời khỏi của cải thế gian thì Thiên Chúa có thể hoạt động qua chúng ta, ân sủng có thể được tuôn đổ vào chúng ta và đi vào thế giới. Đó là sự nghèo khó mà tất cả các bạn được mời gọi sống, đó chính là sự nghèo khó mà sẽ thực sự thay đổi thế giới.

Tôi muốn trích cho bạn một câu ngắn từ Giáo hoàng Leo thứ XIII. Đây là từ thông điệp Rerum Novarum, bản văn thiết lập truyền thống giáo lý xã hội của Giáo hội. Đức Thánh Cha nói: Khi liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi, nếu còn phần dư, ai cũng bắt buộc dành để thí cho kẻ khó. Mọi thứ khác bạn sở hữu đều thuộc về người nghèo. Tôi dám nói nếu bạn để lời đó đi sâu vào bạn, lời ấy sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Lần nữa: “Khi liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi." Hãy nghĩ theo nghĩa sự giàu có, vui thích, danh dự và quyền lực. Khi bạn đã có đủ những thứ đó thì bạn biết đấy, bạn có đủ để sống tốt, rồi mọi thứ còn lại thuộc về người nghèo. Bạn không thể nói điều đó nếu bạn đang sống trên vành bánh xe. Bạn chỉ có thể nói điều đó khi bạn đang sống ở trung tâm, nơi của sự không bị vướng mắc. Đó là về đức khó nghèo.

Thứ hai là đức khiết tịnh. Về khiết tịnh chúng ta có khiết tịnh độc thân, được sống bởi các tu sĩ và các linh mục. Người ta thường gộp hai điều độc thân và khiết tịnh với nhau. Nhưng khiết tịnh là một thuật ngữ tổng quát hơn nhiều. Nó có nghĩa là sống đời sống tình dục cách có trách nhiệm về mặt đạo đức và tâm linh. Nó có nghĩa là sự ngay thẳng về tình dục, sống tình dục của bạn một cách chính trực về mặt đạo đức và tinh thần. Mọi người đều được kêu gọi sống cách đó.

Tôi muốn diễn tả nó theo cách này... Vâng, bạn có thể vỗ tay cho đức khiết tịnh. Giáo hội bị chỉ trích nhiều về giáo huấn này. Và những người bất đồng quan điểm, khi người trẻ nói tại sao họ ra khỏi Giáo hội thường nói kiểu như lời dạy của Giáo hội về tình dục không công bằng và quá khắt khe. Họ luôn là chỉ trích, phê phán.

Đây là giáo huấn về tình dục của Giáo hội: Hãy đặt tính dục của mình hoàn toàn dưới bản chất, dưới sự bảo hộ của tình yêu. Tôi xin nói một lần nữa: Hãy đặt trọn vẹn tính dục của mình dưới sự bảo hộ của tình yêu.

Tình yêu là gì? Tình yêu không là cảm xúc. Thánh Tôma Aquinas nói, Tình yêu là ước muốn sự tốt lành cho người khác. Đó là toàn bộ đời sống Kitô giáo: Hãy yêu thương nhau.

Tính dục sống chủ yếu không là cho lợi ích của bạn mà vì lợi ích của người khác, để tính dục của bạn trở thành một hành vi yêu thương.

Các bạn có thấy không? Tất cả giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực tình dục không có chút liên quan đến chủ nghĩa thanh giáo. Không. Giáo hội tán dương tình dục; Giáo hội không tán thành hệ thống thanh giáo nhị nguyên nhưng Giáo hội muốn đưa toàn bộ cuộc sống bao gồm cả tình dục của bạn dưới bản chất, dưới sự bảo vệ của tình yêu.

Hãy nghĩ về một số vấn đề luôn ở với chúng ta: phá thai và lạm dụng tình dục, sự coi thường cả nam và nữ, ngoại tình, văn hóa tình dục không ràng buộc, nội dung khiêu dâm, tất cả những điều đó có điểm gì chung? Không một điều nào trong những vấn đề này nằm trong sự bảo vệ của tình yêu. Tất cả những điều đó, ở những mức độ khác nhau, là tình dục bị hướng về cái tôi. Giáo hội không chống lại tình dục mà là chống lại tình dục bị tách lìa khỏi Tình yêu.

Cho phép tôi trích một câu của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Đây là từ thông điệp bị hiểu lầm và ĐGH Phaolô VI trong Humanae Vitae đang nói về biện pháp tránh thai nhân tạo. Tôi muốn bạn nghe nguyên tắc ngài trình bày. Đây chính là những gì tôi đang nói đến. Từ Humanae Vitiae:

Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản nhân tạo, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ không coi đó là người bạn đường đáng mến, đáng trọng nữa."

Thật hay. Đó là nguyên tắc, hết thảy mọi người đó là nguyên tắc!

Đức Gioan Phaolô II cũng nói điều tương tự khi ngài nói: Đừng bao giờ đối xử với người khác như phương tiện, và không coi chính người ấy là cùng đích. Biến cô ấy thành một công cụ đơn thuần để thỏa mãn ham muốn của chính người nam. Đó là điều Giáo hội chống đối. Khiết tịnh có nghĩa là sống đời sống tình dục của bạn trái ngược với hết những quan điểm đó và sống sao để tất cả trở thành món quà tình yêu.

Các bạn hãy nghe tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu hết nhưng người Công giáo ở đây, nếu bắt đầu từ lúc này, 70 triệu người Công giáo quyết định sống theo đức khiết tịnh. Điều gì sẽ xảy ra? Phá thai, lạm dụng tình dục, nội dung khiêu dâm, văn hóa tình dục không ràng buộc, coi nam giới và phụ nữ như vật dụng để hưởng lạc cho bản thân, tất cả những thứ đó sẽ bị tấn công, tất cả những thứ đó sẽ bị làm suy yếu.

Nhưng nếu chúng ta chỉ muốn chê bai xã hội sa ngã của chúng ta, chúng ta cần phải tự trách chính bản thân mình, rằng 70 triệu người Công giáo đã không sống theo Lời khuyên Phúc âm tuyệt diệu này. Chúng ta chỉ nói, Ồ những lời khuyên đó là cho tu sĩ. Không. Dorothy Day nói không. Tối nay, tôi cũng nói không. Điều đó là cho mọi người. Đức khó nghèo và khiết tịnh.

Chỉ một điều nữa và tôi sẽ ngừng. Đức khó nghèo, khiết tình và vâng lời. Có lẽ là điều quan trọng nhất. Các linh mục thường nói vâng lời là lời khấn hứa khó khăn nhất.

Tôi nhớ cách đây nhiều năm khi ĐHY George, vị cố vấn và là người anh hùng của tôi, bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Chủng viện Mundeline. Có lẽ là một tháng sau đó, Có lẽ khoảng 1 tháng sau, có một buổi gây quỹ lớn và rất nhiều người giàu có ở đó, và Đức Hồng Y cũng có với y phục như tôi đang mặc đây. Một cô bước đến phẫn nộ nói, “Cha Baron, đây là một bổ nhiệm ngớ ngẩn nhất đối với tôi. Cha có chương trình Word on Fire đang lan rộng khắp đất nước, cha đang thực hiện công việc rao truyền Tin mừng... Thế mà lại đưa cha vào chủng viện, chỉ là công việc đưa đẩy giấy tờ. Tôi nghĩ cha làm giám đốc chủng viện là quyết định ngu ngốc nhất từng được đưa ra.

Tôi trả lời cô ấy: có một người đàn ông mặc áo choàng đỏ ở phòng bên cạnh có thể trả lời tất cả các câu hỏi của cô. Thưa cô, tôi không quyết định điều này.

Đây là sự vâng lời của người linh mục khi bạn giao phó cuộc sống của mình cho bề trên của bạn. Khi tôi chịu chức tôi đặt tay mình vào tay ĐHY Bernardine và nói, tôi hứa vâng lời ĐHY và những người kế vị ngài. Đó là sự vâng phục của linh mục.

Nhưng giáo dân, giáo dân cũng cần thực hành lời khuyên vâng lời của Phúc Âm. Theo nghĩa nào?

Bạn nghe theo lời của ai? Có rất nhiều lời nói trong các bài hát, trong phim, trong các bài phát biểu của chính trị gia, trong nền văn hóa. Họ đang nói gì? Họ nói về sự giàu có, vui thích, quyền lực, danh dự.

Một khi bạn nhìn thấy bốn điều đó, tôi đã học được chúng từ thánh Tôma Aquina, khi bạn nhìn thấy chúng, bạn thấy chúng ở khắp mọi nơi. Đó là những điều người ta nói với bạn: làm cách nào để ngày càng có được nhiều những thứ đó hơn.

Bạn có nghe - obedire, có nghĩa là lắng nghe - vâng lời. Bạn lắng nghe những người đó hay bạn nghe tiếng nói của Đấng cao thượng hơn. Đó là toàn bộ Kinh thánh đó các bạn; toàn bộ Kinh thánh. Hãy nghĩ về Áp-ra-ham và I-sa-ac và Gia-cóp và Mô-se và Giô-suê và Peter, Paul, Isaiah, Jeremiah. Hết thảy họ đều có điểm chung gì? Họ chắc chắn đã nghe thấy đủ tiếng ồn ào xung quanh họ, nhưng sau đó họ cũng nghe thấy giọng nói thì thầm nhỏ bé đó, giọng nói cao thượng hơn, giọng nói của Chúa. Giọng nói đó là gì?

Tiếng ấy nói với bạn rằng đừng theo đuổi những sự tốt lành của trần tục này, mà hãy làm điều đúng đắn. Đừng theo đuổi những gì thế gian nói với bạn, mà hãy là một người tốt. Đừng lo lắng về giàu sang, thú vui, quyền lực, danh dự, mà hãy làm những gì Chúa muốn bạn làm.

Đặc biệt những người trẻ ở đây đang lắng nghe tôi. Đó là những điều tối quan trọng. Mọi thứ khác trong cuộc sống chỉ là một chú thích cuối trang. Điều quan trọng là bạn nghe lời của ai? Đó là vâng lời, là obedire.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive