Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Chúa Giêsu lo sợ đổ mồ hôi máu theo mô tả của Anne Catherine Emmerich

CHƯƠNG 01: CHÚA GIÊSU TRÊN NÚI CÂY DẦU

Sau khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu rời Nhà Tiệc Ly với Mười Một Tông Đồ. Người bắt đầu buồn bã và nỗi buồn mỗi lúc càng gia tăng. Người dẫn các Tông Đồ qua một con đường ít người sử dụng, vào thung lũng Giosaphát, tiến về phía núi Cây Dầu. Lúc các ngài ra khỏi Nhà Tiệc Ly, tôi đã thấy mặt trăng nhô lên khỏi đỉnh núi, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đầy đặn.

Khi Chúa vượt qua thung lũng với các môn đệ, Người bảo các ông rằng vào ngày tận thế Người sẽ trở lại phán xét thế gian, nhưng không còn nghèo khó và bất lực như hôm nay. Khi đó người ta sẽ rất sợ hãi và sẽ kêu lên:

- Núi đồi kia ơi, hãy phủ lấp chúng tôi đi!

Các môn đệ không hiểu Người nói gì. Họ cứ nghĩ là sự mệt mỏi, kiệt sức đã làm cho Người rối trí, như họ đã thấy nhiều lần trong suốt buổi chiều hôm nay. Có khi họ tiếp tục tiến bước, có khi họ dừng chân để thưa chuyện cùng Người. Chúa Giêsu còn nói với họ:

- Đêm nay tất cả các anh sẽ vấp ngã vì Thầy, các anh sẽ vấp ngã vì Thầy, vì có lời chép rằng: Ta sẽ đánh chủ chăn, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước các anh.

Các Tông Đồ vẫn còn đầy hăng hái và thành tâm vì được đón nhận Bí Tích Cực Thánh, và cuộc đàm luận đầy thân tình và long trọng sau đó của Chúa Giêsu. Họ sát cánh chung quanh Người, bầy tỏ lòng yêu mến đối với Người bằng nhiều cách và cam kết rằng họ sẽ không bao giờ bỏ Người.

Vì Chúa Giêsu cứ tiếp tục nói theo chiều hướng ấy nên ông Phêrô thưa cùng Chúa:

- Dù tất cả mọi người đều vấp ngã vì Thầy, con sẽ không bao giờ vấp ngã vì Thầy!

Chúa trả lời ông:

- Thật, Thầy bảo cho con biết, ngay đêm nay, trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần.

- Dù phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy.

Và các người khác cũng nói như vậy. Các ngài vừa đi vừa nghỉ, và sự lo buồn của Chúa Giêsu ngày càng tăng. Các Tông Đồ tìm cách thuyết phục Người bằng những lý lẽ loài người, họ trấn an Người rằng sự lo buồn của Người không có nền tảng thực tế. Nhưng thấy nỗ lực của mình vô ích và chẳng có hiệu quả, các ông đâm ra mệt mỏi và bắt đầu hồ nghi và rơi vào cơn cám dỗ.

Các ngài đi qua con suối Cedron, nhưng không đi bằng ngả qua cầu mà sau này Chúa Giêsu bị trói và điệu đi qua đó; các ngài đi lối tắt. Vườn Giệtsimani ở núi Cây Dầu, nếu đi thẳng từ Nhà Tiệc Ly thì mất nửa giờ, vì từ Nhà Tiệc Ly đến thung lũng Giosaphát mất mười lăm phút, và từ thung lũng này đến vườn Giệtsimani cũng mất cùng thời gian ấy. Chỗ này, trong những ngày cuối cùng, Chúa Giêsu vẫn thường thức đêm với các môn đệ để dạy dỗ họ, có một khu vườn đẹp với một hàng rào bao quanh. Khu vườn gồm nhiều bụi cây lớn và cây ăn trái. Bên ngoài vườn là một vài căn nhà bỏ hoang, sẵn sàng đón tiếp ai muốn ở đó. Một vài người, cũng như các Tông Đồ, có chìa khóa vào khu vườn này, vừa dùng làm chỗ giải trí vừa làm nơi cầu nguyện. Vườn Cây Dầu được tách biệt với vườn Giệtsimani bằng một con đường và chỉ có một bức tường đất bao quanh. Người ta thấy ở đây có nhiều hang động, nhiều gò đất cao và nhiều khu đất trồng cây dầu ôliu. Tại một góc vườn có nhiều ghế ngồi và rất dễ tìm được một nơi thích hợp để cầu nguyện và suy gẫm. Chúa đã đến cầu nguyện ở chỗ thanh vắng nhất.

Vào khoảng 9 giờ tối thì Chúa Giêsu cùng các môn đệ đến vườn Giệtsimani. Bóng đêm bao phủ mặt đất, nhưng vừng trăng sáng tỏ trên trời. Chúa Giêsu thật buồn sầu. Người cho các Tông Đồ biết nguy hiểm sắp tới và các ông cảm thấy bồn chồn. Chúa nói với tám người trong số các ông ở lại vườn Giệtsimani, là nơi có nhà hóng mát vách ván và lợp lá. Chúa nói:

- Các anh hãy ở lại đây, để Thầy đi cầu nguyện tại chỗ riêng.

Người đem theo ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, băng qua con đường mòn và đi khoảng một vài phút cho đến khi Người đến vườn Cây Dầu xa tận chân núi. Người thấy buồn rầu một cách kỳ lạ vì cảm thấy sự thống khổ và cơn cám dỗ đang đến. Gioan hỏi làm sao Người là Đấng vẫn từng luôn an ủi họ, mà giờ đây lại có thể nản chí đến như vậy. Chúa Giêsu trả lời:

- Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được.

Người rảo mắt nhìn quanh và thấy từ mọi phía thống khổ và cám dỗ đang kéo đến với Người như những đám mây đen đầy hình ảnh ghê sợ. Chính lúc đó Người nói với ba Tông Đồ:

- Các anh hãy ở lại đây và canh thức với Thầy. Cầu nguyện đi để khỏi sa chước cám dỗ!

Và họ ở lại chỗ đó. Chúa Giêsu tiến lên một vài bước. Nhưng những hình ảnh ghê sợ vây chặt cứng quanh Người đến độ Người hoảng hốt quay sang bên trái và tiến nhanh vào một hang đá nhỏ phía dưới ghềnh đá. Các Tông Đồ vẫn ở trong một chỗ trũng bên tay phải phía trên. Cái hang mà Chúa Giêsu ẩn náu sâu khoảng hai mét, có các loại cây leo từ ghềnh đá rủ xuống che lấp lối vào rất kỹ đến nỗi người ở bên ngoài không thể nào thấy được người ở bên trong.

CHƯƠNG 02: THỊ KIẾN VỀ TỘI ÁC CỦA CHÚNG TA

Vào lúc Chúa Giêsu rời bỏ các Tông Đồ, tôi thấy chung quanh Người một vòng vây đầy những bóng ma khủng khiếp, mỗi lúc càng xiết chặt. Nỗi buồn và sự kinh hoàng của Người cứ gia tăng mãi. Lòng đầy chán nản, Người lùi sâu vào trong hang để cầu nguyện, giống như một người tìm nơi ẩn náu để tránh cơn phong ba bão táp đang bám sát mình. Nhưng những bóng ma gớm ghiếc ấy vẫn theo Người vào hang, và mỗi lúc chúng càng trở nên rõ nét hơn. Hỡi ôi! Trong cái động chật hẹp này dường như đang diễn ra những cảnh tượng ghê gớm và kinh hoàng của tất cả tội lỗi mà loài người đã phạm, từ sự sa ngã của tổ tông cho tới ngày tận thế, và cảnh tượng các hình phạt phải chịu để đền các tội ấy. Chính mảnh đất cằn cỗi này, dưới chân núi Cây Dầu là nơi sau khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, ông Adong và bà Evà đã đến trú ngụ và than khóc tại đây.

Tôi cảm thấy rõ ràng rằng khi dâng mình cho công lý của Thiên Chúa, như hiến lễ đền bù tội lỗi trần gian, Chúa Giêsu một cách nào đó, đã cất dấu thần tính của Người trong lòng Ba Ngôi Cực Thánh, và chỉ được nâng đỡ bằng tình yêu của trái tim nhân tính của Người để đền bù tội lỗi trần gian mà thôi. Người đã để cho nhân tính rất thánh thiện, rất chân thực, rất nhạy cảm và trinh trong của Người gánh chịu hết mọi đau khổ và kinh hoàng. Vì muốn việc đền tội bao gồm từ những ham muốn xấu xa, là căn nguyên của tội ác, cho tới tất cả tội ác mà những ham muốn này gây ra, Chúa Giêsu rất nhân từ, vì yêu thương chúng ta, đã hạ mình lãnh nhận tất cả hình phạt và mọi hành vi thống hối cần thiết đến tận đáy lòng Người để đền bù trọn vẹn cho tội lỗi và để tái sinh nhân loại. Người muốn rằng cuộc khổ nạn của Người phải vô biên để chuộc lại vô số lỗi lầm của chúng ta, và vô số đau khổ, như những nhánh cây đền tội phải lan toả vào tất cả các cơ năng của linh hồn và mọi chi thể của thân xác Người.

Trong trạng thái bản tính nhân loại của Người, Đức Giêsu phủ phục xuống đất, tâm tư nặng chĩu kinh hoàng, lạc vào một nơi buồn sầu vô biên, và Người cầu nguyện với Thiên Chúa. Khi đó tất cả các tội lỗi trần gian đều hiện ra cùng Người dưới nhiều hình thức khôn kể xiết, với tất cả xấu xa của chúng, Người đã nhận chúng trên thân thể Người, và trong lời cầu nguyện, Người đã hiến mình cho công lý của Chúa Cha để đền bù các lỗi lầm ấy bằng cuộc khổ nạn của Người. Satan dãy dụa khủng khiếp, dáng vẻ vừa khinh mạn vừa cuồng bạo giữa tất cả những điều ghê tởm khủng khiếp ấy. Cơn cuồng giận của nó càng lúc càng gia tăng đối với Chúa Giêsu. Nó phô diễn ra trước linh hồn Người các hình ảnh ghê gớm hơn, và nó kêu lên với nhân tính của Người:

- Vậy ra ngươi lại còn đòi lãnh trên mình ngươi cả thứ tội này nữa hả! Làm sao ngươi đền bù nổi bấy nhiêu tội ác?

Tuy nhiên, một con đường sáng hiện ra trên trời về phía Đông và hạ xuống trên Chúa Giêsu: tôi đã thấy dọc theo con đường này nhiều phẩm trật thiên thần bay xuống cùng Người để nâng đỡ và giúp Người thêm vững mạnh. Trong hang vẫn đầy những hình ảnh ghê sợ tội lỗi của chúng ta, và đầy dẫy thần dữ cám dỗ Chúa và chế nhạo Người. Chúa Giêsu đã lãnh trên thân xác Người tất cả các tội ác ấy, nhưng trái tim Người, trái tim duy nhất yêu mến Thiên Chúa và loài người bằng tình yêu tinh tuyền và hoàn hảo, đã cảm thấy trong sa mạc muộn phiền này cái gánh nặng ghê gớm của vô số tội lỗi. Kinh hoàng đè nặng lên thân Người, và chúng gây đau đớn cho Ngườøi. Hỡi ôi! Các tội ác này, tôi đã thấy quá nhiều đến nỗi dù một năm trời cũng không kể hết được.

Sau khi đại dương tội lỗi và các xúc phạm ấy diễn hành trước linh hồn Chúa Cứu Thế, và chính Người đã dâng mình làm của lễ đền tội để chịu tất cả hình phạt và ưu phiền vì chúng, Satan còn gợi thêm ra cho Người, như xưa trong hoang địa, nhiều cám dỗ vô số kể. Nó còn dám tạo ra cả một loạt các lời tố cáo Chúa Giêsu, là Chiên Con không tì ố. Nó nói với Người:

- Thế nào, ngươi muốn lãnh lấy tất cả những cái đó trên mình ngươi ư, trong khi chính ngươi không trong sạch!

Thế rồi, với cái hỗn xược của hỏa ngục, nó bày ra trước mắt Người một bản cáo trạng, và gán cho Người một loạt những lời trách cứ tưởng tượng. Nó trách Người về tất cả mọi thiếu sót của các môn đệ Người, về những gương xấu mà họ đã gây nên, về sự xáo trộn và vô trật tự mà Người đã đưa vào thế gian khi hủy bỏ các tập tục cũ. Satan nói như người Biệt Phái tinh tế nhất và xảo quyệt nhất có thể làm: nó tố cáo Chúa Giêsu là đã gây ra vụ thảm sát các hài nhi, cũng như những khó nhọc và đau khổ của cha mẹ Người tại Ai Cập; về chuyện đã không cứu Gioan Tẩy Giả khỏi chết, đã làm phân tán nhiều gia đình, đã bảo trợ nhiều người tai tiếng, đã không chữa lành nhiều bệnh nhân, đã làm thiệt hại cho dân cư thành Gergesa bằng cách ra lệnh cho những người bị qủy ám lật đổ các bồn nho của họ và để cho bọn qủy xô nhào xuống biển cả bầy heo của họ. Nó còn tố cáo Người đã không ngăn cản Mađalêna tái phạm, đã bỏ gia đình mình, đã xài hoang phí của cải của người khác.

Nói tóm lại, Satan bày vẽ ra trước linh hồn hấp hối của Chúa Giêsu, để làm Người nản lòng, tất cả những gì mà tên cám dỗ có thể trách cứ một người vào lúc hấp hối. Nó không biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và nó chỉ cám dỗ Người như cám dỗ một người công chính nhất mà thôi. Chúa Cứu Thế của chúng ta đã để cho nhân tính thánh thiện của Người bị áp chế quá mạnh, đến nỗi Người muốn chịu cơn cám dỗ mà những người công chính vào giờ chết thường phải chịu về trách nhiệm các hành động của mình. Để uống cạn tất cả chén đắng của đợt hấp hối đầu tiên này, Người đã để cho Satan bầy vẽ ra trước mắt Người trách nhiệm về các hành động của Người cũng như những món nợ Người mắc với ơn thánh Chúa mà Người vẫn chưa thanh toán. Tên cám dỗ trách Người là muốn xóa bỏ các tội của người khác, trong khi chính Người lại không có công nghiệp và vẫn còn mắc nợ Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa đã cho phép ma qủy cám dỗ nhân tính của Người, như nó có thể cám dỗ một người nào đó muốn gán cho các hành động của mình một giá trị riêng, ở bên ngoài cái giá trị mà họ có thể có được nhờ sự liên kết với công nghiệp của Chúa Cứu Thế. Vậy Satan đã cho Người thấy các công việc của Người cũng như bao nhiêu món nợ với Thiên Chúa, và nó bày vẽ cho Người rằng những việc ấy chẳng có công trạng gì, và chúng chẳng cân xứng chút nào với ơn thánh mà Thiên Chúa đã ban cho Người. Nó còn nói với Người:

- Ngươi thấy rõ rằng ngươi vẫn còn mắc nợ với Thiên Chúa về tất cả những chuyện đó!

Sau cùng, nó trách Người về chuyện đã nhận tiền từ Lagiarô và tiêu xài hết số tiền bán bất động sản của Mađalêna ở Magdalum. Nó nói với Người:

- Sao ngươi dám liều lĩnh tiêu xài của cải người khác, và lấy của gia đình người ta?

Tôi đã thấy hình ảnh về tất cả các tội trọng mà Chúa đã dâng mình làm của lễ đền tội cho chúng, và tôi đã cảm được gánh nặng về tất cả các lời tố cáo mà tên cám dỗ đổ trên Người. Giữa các tội lỗi của toàn thể thế giới mà Chúa Giêsu tự nguyện lãnh nhận, tôi đã thấy cả tội của tôi nữa. Và từ giữa vòng đai của những cám dỗ bao quanh Người, đã thoát ra và đổ dồn về phía tôi như một giòng sông lớn, trong đó, tôi kinh hoàng nhìn thấy muôn vàn tội lỗi của tôi. Trong giờ phút kinh hoàng đó, tôi luôn chăm chú ngước mắt nhìn lên Đức Lang Quân của tôi. Tôi rên xiết than thở và cầu nguyện với Người, và cùng với Người tôi quay về phía các thiên thần an ủi. Hỡi ôi! Chúa vặn mình như một con sâu dưới gánh nặng đau thương và khủng khiếp của Người.

Khi nghe tất cả các lời tố cáo của Satan về Con Chiên không tì ố ấy, tôi đã thấy bừng bừng nổi giận. Nhưng lúc nó nói về giá bất động sản ở Magdalum và tố cáo Người đã tiêu hoang phí, tôi không cầm được cơn giận, và tôi bảo nó:

- Sao ngươi dám kết tội Đức Giêsu với việc mua bán bất động sản của Mađalêna? Chính tôi thấy Đức Chúa dùng số tiền ấy, mà Lagiarô đã biếu, để làm việc bác ái, để giải thoát 27 tù nhân tội nghiệp, những kẻ bị cầm tù vì thiếu nợ ở Tirza.

Vào lúc đầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện một cách rất bình thản, nhưng không bao lâu, linh hồn Người hoảng hốt trước cảnh tượng vô số các tội ác của loài người và những vô ơn của họ đối với Thiên Chúa. Người bị xâm chiếm bởi sự kinh hoàng chí tử và đau đớn quá mạnh đến nỗi Người run lẩy bẩy kêu lên:

- Abba, lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này khỏi con! Lạy Cha, mọi sự đều có thể đối với Cha, xin cất chén này xa con.

Rồi Người hồi tâm và lại thưa:

- Nhưng xin theo ý Cha, chứ đừng theo ý con.

Ý của Người và của Cha Người vẫn là một, nhưng vì đã phó mình cho yếu đuối của bản tính loài người, nên Người run sợ khi nhìn thấy cái chết.

Tôi thấy trong hang động đầy những bóng ma khủng khiếp. Tất cả các tội lỗi, các điều gian ác, các nết xấu, các điều vô ơn bạc nghĩa, các hình phạt đều đè nặng lên Người cùng một lúc. Đồng thời, các lời gây kinh hoàng của thần chết và sự sợ hãi mà Người thấy thấm thía khi nhìn đến tất cả các đau khổ Người phải chịu, đã dồn ép tấn công Người dưới hình thức các bóng ma gớm ghiếc. Người chắp tay, run lẩy bẩy, mồ hôi lạnh toát ra thấm ướt toàn thân Người. Sau cùng Người ngã gục sát mặt đất. Người lại trỗi dậy, đầu gối Người lảo đảo, môi Người tái mét, tóc Người dựng đứng trên đầu. Người đã hoàn toàn biến sắc, và hầu như người ta không còn nhận ra Người nữa.

Vào lúc 10 giờ rưỡi, sau khi cầu nguyện xong, Người chập choạng trỗi dậy, nhưng té ngã từng bước, ướt đẫm một thứ mồ hôi lạnh. Người lết tới chỗ ba Tông Đồ đang trú ẩn. Người thấy họ đã thiếp ngủ vì mệt, vì buồn sầu và vì sự kinh hoàng mà họ đã cảm thấy. Chúa Giêsu đến với các môn đệ như một người chìm ngập trong sầu muộn và kinh hoàng tìm đến bên cạnh những người bạn thân, hay như một mục tử tốt lành, dù là chính mình đang khiếp sợ, vẫn không quên đàn chiên mình chăn đang bị nguy hiểm. Người biết chính họ cũng đang kinh hoàng và đang bị cám dỗ. Các hình thù khủng khiếp cứ theo đuổi Người trong suốt quãng đường đi. Khi thấy các Tông Đồ say ngủ, Người đan tay vào nhau và vì quá mệt mỏi Người ngã xuống bên cạnh họ. Người buồn sầu hỏi:

- Simon ơi, ngươi ngủ ư?

Khi đó các ông đều tỉnh dậy. Chúa Giêsu nói với các ông trong nỗi cô đơn tột cùng:

- Thế là các anh không thể thức được với Thầy một giờ sao!

Khi họ thấy Người xanh xao biến sắc, lảo đảo, ướt đẫm mồ hôi, run lẩy bẩy, khi họ nghe Người nói giọng nghẹn ngào, họ không biết phải nghĩ sao, và nếu không có vầng hào quang rất quen thuộc vẫn bao quanh đầu Người, chắc họ đã chẳng nhận ra được Người. Khi đó Gioan hỏi Người:

- Thưa Thầy sao vậy? Con có nên gọi các môn đệ kia hay không? Chúng ta có phải đi trốn không?

Chúa Giêsu trả lời:

- Nếu Thầy có sống, có giảng dậy và chữa bệnh thêm 33 năm nữa, điều đó vẫn không đủ để làm những gì mà Thầy phải thực hiện từ lúc này cho đến ngày mai. Con đừng gọi tám người kia làm gì. Thầy đã bỏ họ lại đó, vì họ sẽ không thể thấy Thầy trong cảnh khốn cùng này mà không bị vấp phạm: họ sẽ sa chước cám dỗ, họ sẽ quên đi nhiều chuyện, và họ sẽ hoài nghi cả Thầy nữa. Về phần các anh đã một lần thấy Con Người biến hình vinh hiển, thì các anh cũng có thể thấy Người trong sự tăm tối và cô đơn này, nhưng các anh hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối.

Như thế là Người muốn khích lệ các ông hãy kiên tâm bền chí, loan báo cho các ông cuộc giao tranh giữa bản tính nhân loại của Người với cái chết, và cho các ông biết nguyên nhân làm cho Người suy nhược. Người nói với các ông một cách buồn bã, và ở bên các ông thêm một giờ nữa, rồi Người trở lại hang ấy, trong khi nỗi kinh hoàng vẫn luôn gia tăng. Ba Tông Đồ dang tay về phía Người và khóc, rồi họ ôm nhau và hỏi:

- Như vậy là thế nào? Chuyện gì xảy ra cho Thầy vậy? Thầy hoàn toàn rã rời khiếp đảm!

Thế rồi họ bắt đầu cầu nguyện, họ trùm đầu mà lòng thật đau đớn. Đã một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua kể từ khi Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu. Người nói đúng như Kinh Thánh viết: "Như vậy là các con đã không thức nổi một giờ với Thầy!" nhưng người ta không thể giải thích những lời này bằng cách đo thời gian của chúng ta. Ba Tông Đồ ở với Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước hết, rồi các ông thiếp ngủ vì các ông đã sa chước cám dỗ bởi thiếu lòng trông cậy. Tám ông khác, những người ở lại cổng, họ không ngủ. Nỗi buồn sầu mà Chúa Giêsu đã bày tỏ trong cuộc nói chuyện lần cuối cùng đã làm các ông bồn chồn lo lắng. Các ông đi lang thang trên núi Cây Dầu, tìm kiếm một nơi để có thể ẩn mình.

Tại Giêrusalem chẳng có gì làm náo động sự im lặng của đêm thanh. Những người Do Thái đều có mặt trong nhà, bận rộn với việc chuẩn bị mừng lễ. Các lều tạm của những khách lạ đến để mừng Lễ Vượt Qua không thấy xuất hiện ở chung quanh núi Cây Dầu. Tôi đã thấy nhiều người bạn và nhiều môn đệ của Chúa Giêsu đi lang thang đây đó và chuyện vãn với nhau. Họ có vẻ lo lắng và trong tình trạng chờ đợi nặng nề. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chị Mađalêna, Chị Máttha, bà Maria Clêopha, bà Maria Salômê đã rời Nhà Tiệc Ly và đã tới nhà bà Maria mẹ của Máccô. Nhưng hoảng sợ vì tiếng đồn, các bà trở lại gần thành phố để thăm dò tin tức của Chúa Giêsu. Lagiarô, Nicôđêmô, Giuse Aramathi và vài người bà con từ Hêron đến đã gặp các bà, họ tìm cách trấn an các bà. Sau khi tự mình hoặc nhờ các Tông Đồ mà biết được lời tiên đoán buồn thảm của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, các bà đã dò hỏi những người biệt phái quen biết, nhưng các bà không hay biết gì về việc người ta sắp ra tay chống lại Chúa Giêsu. Các bà cho rằng sự nguy hiểm không thể nào quá lớn và chẳng lẽ người ta lại bắt Chúa Giêsu vào gần ngày đại lễ như vậy. Các bà vẫn chưa biết gì về chuyện phản bội của Giuđa. Đức Maria đã nói với các bà về sự bấn loạn của kẻ khốn khổ này trong những ngày cuối cùng, và về việc hắn rời bỏ Nhà Tiệc Ly. Người vẫn thường nói với hắn rằng hắn là đứa con hư hỏng.

- Ôi chao! - Người nói – nhất định là nó đã đi thi hành trọn vẹn tội phản bội của nó rồi.

Sau đó các bà này trở về nhà bà Maria, mẹ của Máccô.

Trích từ Thị kiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu của Chân phước Anne Catherine Emmerich

Đây chỉ là phần đầu, phần ngắn, của những gì Chúa Giêsu trải qua trong Vườn Cây dầu. Còn tiếp trong chương 3. Bạn có thể tải về đọc tiếp

Share:

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Thánh Giuse ngủ

“Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dẫu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng”.
-- Thánh vịnh 127,2

Thiên Chúa yêu thích giấc ngủ vì chính Ngài tạo nên nó.
Cha Trên Trời của bạn đã sắp xếp cho bạn để một phần ba cuộc đời được dành cho ngủ nghỉ. Chính Ngài cũng đã ngơi nghỉ khi tạo dựng xong thiên đàng và địa cầu. (Xin đọc St 2,2-3).

Thiên Chúa là Cha. Ngài an lòng khi con cái mình an giấc. Thiên Chúa cũng tiếp xúc với con cái mình khi chúng đang ngủ. Đây là một sự thật có trong Kinh Thánh. Trong cuộc đời và sứ vụ của Thánh Giuse, Thiên Chúa đã chọn để nói với thánh nhân khi Ngài đang ngủ. Trong bốn lần khác, Thiên Chúa qua thiên thần cũng trao cho Thánh Giuse những sứ điệp vô cùng quan trọng chính trong giấc mơ của thánh nhân. (Đọc Mt 1,20; 2,13; 19,22).

Giấc ngủ của Thánh Giuse vô cùng quan trọng và quyền năng đến độ Satan cũng khiếp sợ. Kitô giáo luôn dạy rằng Satan, một thụ tạo phản loạn, đã chọn không phục tùng Chúa, hắn đã cao ngạo tuyên xưng, “Non serviam” (“Tôi không phục tùng ai cả, Giêrêmia 2,20). Ngược lại, Đức Trinh Nữ Maria đã hạ mình khiêm xưng “Fiat mihi secundum verbum tuum” (“Xin làm cho tôi như lời thánh thiên thần truyền” (Lc 1, 38]). Thánh Cả Giuse đã trả lời với hành động vâng phục hơn là lời nói: “Fecit sicut praecepit ei angelus Domini” (“Ngài làm như lời sứ thần Chúa truyền” (Mt 1,24]). Giấc ngủ của Thánh Giuse là một cú hít làm thay đổi ván cờ (game-changer)!

Dẫn theo Tân Ước, giấc ngủ của Thánh Giuse là một lời cầu nguyện. Nay trên trời, Thánh Giuse không ngủ nữa, tất nhiên là vậy, nhưng Ngài đang “an nghỉ trong Chúa” đến thiên thu. Há chẳng phải giấc ngủ ở đời sau gọi là “nghỉ yên muôn đời (eternal rest) đó sao?

Dạo gần đây, một lòng sùng kính phổ biến đã phát triển trong Giáo Hội gọi là “Thánh Giuse Ngủ”. Lòng sùng kính này bao gồm việc có một tượng Thánh Giuse đang nằm ngủ, cầu xin Thánh Giuse bầu cử cho một ý nguyện nào đó, viết ý nguyện đó vào một mẩu giấy rồi đặt mẫu giấy bên dưới tượng Thánh Giuse Ngủ. Nhờ làm như vậy, người ấy xin Thánh Giuse cầu bầu cho ý xin của mình với Thiên Chúa. Lòng sùng kính với Thánh Giuse Ngủ là một phương cách tuyệt diệu để bạn có thể hằng liên kết với Cha Thánh và xin Ngài cầu nguyện (nằm ngủ) trên chính ý nguyện của bạn.
Một thi sĩ người Pháp tên là Charles Péguy đã từng sáng tác một thị phẩm tuyệt vời đề cao vị thế quan trọng của giấc ngủ, bài thơ mang tên Chiếc cổng dẫn vào Mầu nhiêm Hi Vọng (The Portal of the Mystery of Hope)

Bài thơ này được viết với góc độ là Thiên Chúa và để qua đó nhắc nhớ người hiện đại về niềm hân hoan của Chúa khi trông thấy con cái Ngài yên giấc. Đây là một đoạn trích nhỏ:

“Chỉ cần ngủ. Cớ sao nhân trần không tận dụng điều ấy?
Chúa nói, Ta đã bạn bí mật này cho hết mọi người. Ta chẳng bán buôn gì điều ấy.
Kẻ ngủ ngon giấc sẽ sống tốt. Kẻ ngủ luôn cầu nguyện.
Kẻ lao công cũng cầu nguyện luôn. Nhưng mọi sự đều có kỳ hạn của nó. Cả ngủ nghỉ lần lao công.
Ngủ và làm như đôi huynh đệ. Và chúng rất hòa thuận với nhau.
Và ngủ đưa tới làm và làm dẫn tới ngủ.
Kẻ làm nhiều sẽ ngủ được, kẻ ngủ ngon sẽ làm tốt.

***

Và có kẻ nói với bạn rằng có những người không bao giờ ngủ.
Chúa nói, Ta không ưa những kẻ không ngủ.
Ngủ là bạn của loài người
Ngủ là bằng hữu của Thiên Chúa.
Ngủ có lẽ là công trình diễm lệ nhất của bạn.
Và Ta đây cũng ngơi nghỉ vào ngày thứ bảy.
Ai có trái tim tinh tuyền, ngủ.Và kẻ ngủ cũng có trái tim trắng trong.
Đó là bí mật vĩ đại để bạn nên như trẻ thơ không bao giờ mệt mỏi.

***

Đúng, họ nói Ta có những người làm rất tốt nhưng ngủ lại ít.
Ai không ngủ. Họ là kẻ thiếu niềm tin nơi Ta.

Ta đang nói về những ai làm mà không ngủ.
Ta lấy làm tiếc cho các con. Ta đang nói với những ai làm, và những ai làm điều này vì vâng nghe điều răn bạn, hỡi các con tội nghiệp.
Và những ai, mặt khác, không có dũng cảm, không đủ tin tưởng để ngủ.
Ta lấy làm tiếc cho các con. Ta sẽ lấy đó làm điều chống lại các con. Một chút. Họ không tin tưởng Ta.
Như con trẻ ngã mình vô tội vạ trong vòng tay mẹ của nó, những kẻ kia không ngã mình an nhiên trong vòng tay Quan Phòng của Ta,
Chúng có can đảm để làm đấy,
Chúng lại không đủ dũng cảm để làm điều nào khác.
Chúng là kẻ có nhận đức cần lao.
Chúng không thể có thêm nhân đức nào khác.
Nhân đức của thư giãn. Của nghỉ yên. Của ngủ nghỉ.
Ôi những con người không hạnh phúc, chúng chẳng biết điều gì là tốt.
-- Charles Peguy

Giấc ngủ của Thánh Giuse có thể dạy cho người hiện đại những bài học quan trọng về cuộc sống. Một trong những bài học quan trọng ấy rằng nghỉ ngơi là điều bình thường. Là một kẻ cuồng công việc không bao giờ là điều tốt. Thánh Giuse không phải là người tham công tiếc việc. Ngài ưa thích nghỉ ngơi. Ngủ nghỉ tưới mát linh hồn Ngài. Thiên Chúa tiếp xúc với Thánh Giuse khi Ngài đã ngủ, và Ngài vẫn nhờ đó mà trở nên người chồng, người cha thánh thiện hơn.

Ta không lãng phí thời gian khi ngủ nghỉ. Giấc ngủ là điều làm vui lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ chuyện trò với bạn và tưới mát linh hồn bạn khi bạn yên giấc.

“Lạy Thánh Cả Giuse, Cha là người nam được Thiên Chúa vô cùng yêu quý. Sứ Thần Chúa hiện ra với Cha trong giấc mơ, đang khi Cha yên giấc, để cảnh báo, để dẫn đưa ngõ hầu bảo vệ cho Thánh Gia Thất. Cha là Đấng vừa thinh lặng, vừa mạnh mẽ, là Đấng bảo vệ trung thành và can đảm. Lạy Thánh Giuse, giờ đây khi Cha đang yên nghỉ trong Chúa, đang lúc Cha trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa uy quyền và trọn tốt trọn lành, xin đoái thương đến con. Xin đem những nhu cầu của con cất giấu nơi trái tim Cha, xin Cha mơ về điều đó và đem diện trình cho Con của Cha luôn. Ôi Thánh Cả Giuse tốt lành, xin giúp con biết lắng nghe tiếng Chúa để trỗi dậy và hành động với tình yêu. Con hân hoan ca ngợi và cảm tạ Chúa. Lạy Cha Thánh Giuse, con yêu mến Cha. Amen.

Trích từ Tận Hiến Cho Thánh Cả Giuse

Share:

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Vì chết cho chúng ta, Ngài đáng được tôn thờ

“Đức Giêsu đáp: ‘Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.’ Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (Gioan 12:31-33).

Chúa Giêsu nói về Ngài sẽ được “tôn vinh” qua cây thập tự. Điều này thật nghịch lý, nhưng việc làm đem lại vinh quang tột đỉnh của Thiên Chúa là Thập giá, nơi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình đối với các tạo vật của mình bằng cách sẵn sàng chịu chết. Bất cứ vị thần nào cũng có thể chế ngự được các sinh vật, nhưng một vị thần yêu thương chúng đến mức sẵn lòng đặt mình dưới sự bị ngược đãi của sinh vật thụ tạo mới là một vị thần thực sự vĩ đại, một vị thần đáng được tôn thờ.

Chúa Giêsu cũng nói về Thập Giá như một cuộc phán xét khi kẻ thống trị thế gian này sẽ bị trục xuất. Điều này có nghĩa là quyền lực của Satan bị đập tan cách dứt khoát ở cây Thập Giá. Đúng là Satan vẫn gây ra những khó khăn to lớn cho chúng ta, nhưng hắn chỉ có thể làm như vậy khi có sự đồng ý của chúng ta. Mỗi khi chúng ta phạm tội, chúng ta đồng ý cho nó hoạt động. Nếu chúng ta không đồng ý, chúng ta có quyền lực đối với nó nhờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội có quyền lực trên nó và có thể xua đuổi nó qua các bí tích và việc trừ quỷ.

 “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Chúa Giêsu nóng lòng hướng về Bữa Tiệc Ly và Thánh Giá. Trong Bữa Tiệc Ly, Người sẽ giơ tay lên và hiến dâng bản thân mình dưới hình bánh cho các Tông Đồ, thiết lập Giao Ước Mới qua bí tích. Nơi cây Thập Giá, thân xác Người sẽ được treo lên, khi Người khẳng định sự tự hiến của mình trong lầu trên, bằng cách trao ban chính mình cho đến chết. Nơi cây Thập Giá, Gioan đã làm chứng về máu và nước chảy từ cạnh sườn Chúa Giêsu (xem Gioan 19:34), đồng thời là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần tuôn đổ ra từ thân thể Ngài – Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và đổ đầy tình yêu trong chúng ta, nhưng cũng là dấu chỉ của các bí tích (máu Thánh Thể và nước rửa tội), là một dòng sông xuyên qua không gian và thời gian mang đến cho chúng ta ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Tin Mừng thánh Gioan là một Tin Mừng nêu bật nghịch lý: Sự sỉ nhục lớn lao nhất của Chúa Giêsu chính là lúc Ngài được tôn vinh; Satan có chiến thắng nhưng thực sự là nó bị phán xét và bị đuổi trừ; việc nhân loại từ chối Chúa Giêsu trên thập tự giá sẽ dẫn đến việc Ngài lôi kéo tất cả mọi người đến với mình.

Vào những tuần cuối cùng của Mùa Chay này, Kinh Thánh mời gọi chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn về thực tại đón nhận cái chết của chính mình - dưới hình thức những “cái chết” nho nhỏ của cái tôi qua những hành động từ bỏ bản thân hàng ngày mà chúng ta thực hiện trong Mùa Chay -- là con đường dẫn đến Giao Ước Mới và sự sống mới. -- Dr Peter Kreeft

Share:

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Vậy lằn phân chia là ở đâu? Ai được cứu và ai không?

Kinh Thánh là cuốn sách phổ biến nhất, nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất trên thế giới. Tân Ước là phần được yêu thích nhất trong Kinh Thánh. Phúc âm là những cuốn sách được yêu thích nhất trong Tân Ước. Tin Mừng Thánh Gioan là Tin Mừng được yêu thích nhất. Và chương ba, câu 16 là câu được yêu thích nhất. Bạn thường thấy nó được viết nguệch ngoạc trên những cây cầu trên đường xá và trên những tấm bìa cứng được treo trong các trận bóng. Câu ấy là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời”. Đó là bản chất của Tin Mừng, bản chất của Kitô giáo.

Điều đầu tiên bạn cần chú ý là đây là tin tức,nlà một sự kiện lịch sử, không phải là một nguyên lý trừu tượng vượt thời gian. Nó thực sự đã xảy ra. Đó là điều kỳ diệu, tuyệt vời, choáng váng, khó tin nhất từng xảy ra: Thiên Chúa đã sai người Con Một vô cùng yêu dấu của Ngài đến thế giới chúng ta, để hiến dâng mạng sống, Mình và Máu của Người trên thập tự giá, để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta được chia sẻ vào sự sống vĩnh cửu của Ngài.

Điều đó thực sự đáng kinh ngạc. Hãy tưởng tượng bạn nuôi kiến làm thú cưng trong một trang trại kiến. Chúng có quyền tự do lựa chọn giữa thực phẩm bạn cho chúng ăn, thứ mà sẽ mang lại cho chúng sự sống và hạnh phúc mãi mãi, hoặc một loại thực phẩm khác, thứ thực sự rất độc hại đối với chúng. Nhưng chúng đã không tin tưởng bạn và chọn ăn thứ thuốc độc. Phản ứng của bạn trước cuộc phản nghịch này không phải là để chúng chết mặc chúng, đó là điều chúng đáng phải chịu, mà là cứu chúng nó, bằng cách tự biến mình trở thành một con kiến và đi vào trang trại kiến để có thể ban cho chúng cơ thể và máu của chính bạn như một liều thuốc giải độc duy nhất, và là thức ăn duy nhất có thể cứu chúng. Bạn đã tặng món quà chúng không chút xứng đáng lãnh nhận này cho bất kỳ chú kiến nào tin tưởng bạn và đón nhận lấy nó. Bạn biết lũ kiến sẽ giết bạn nếu bạn bước vào thế giới của chúng, nhưng bạn vẫn làm tất cả những điều đó, chỉ vì bạn quá yêu quý những con kiến nhỏ bé không xứng đáng và phản nghịch đó. Bạn không nhận được gì từ điều đó. Bạn không hề cần chúng nó chút nào. Nhưng chúng lại cần bạn. Bạn đã làm điều đó vì tình yêu vị tha thuần khiết.

Thật là một câu chuyện nực cười! Thật khó tin phải không? Đó là mầu nhiệm lớn lao của tôn giáo chúng ta: tại sao Thiên Chúa lại yêu thương chúng ta đến thế? Và câu trả lời duy nhất là: bởi vì Thiên Chúa là như vậy. Thiên Chúa là tình yêu thuần khiết, và tình yêu cho đi tất cả. Khi Ngài đến, Ngài đã trao cho chúng ta mọi thứ, tất cả của Ngài, trọn vẹn mười lít máu của thân thể Ngài, trên thập tự giá. Máu thần thánh có sức mạnh vô hạn đến nỗi chỉ một giọt máu đó cũng có thể cứu được cả thế giới, một giọt máu mà Ngài đã đổ ra khi lãnh nhận phép cắt bì của Do thái giáo. Tại sao Ngài lại cho chúng ta mười lít thay vì một giọt? Bởi vì Ngài có mười lít để cho! Đó chính là điều tình yêu làm: tình yêu cho đi tất cả.

Và chúng ta phải làm gì để có được nó? Chúng ta có phải đủ điều kiện nào? Làm sao ai có đủ điều kiện để xứng đáng? Chúng ta có cần phải đủ tốt để xứng đáng với điều đó không? Không thể nào. Có phải món quà này chỉ dành cho các vị thánh? Không, nó dành cho những người tội lỗi, và các vị thánh là những người đầu tiên thừa nhận mình là tội nhân. Chỉ có tội nhân mới nghĩ mình là thánh.

Vậy lằn phân chia là ở đâu? Ai được cứu và ai không? Ai có được sự sống đời đời và ai không? Không có điểm phân chia. Nó dành cho tất cả mọi người. Nó miễn phí. Không ai có thể mua được nó, ngay cả với đống đống những việc tốt lành nhất. Đó là một món quà, và bạn không thể mua được một món quà, bởi vì một món quà được trao đi vì yêu, và bạn không thể mua được tình yêu.

Vậy làm thế nào bạn có được sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa, hay đời sống thiên đàng? Có phải bạn lên thiên đàng nếu bạn đủ tốt và xuống địa ngục nếu bạn đủ tệ không? Không. Bạn sẽ có được sự sống đời đời nếu bạn muốn, hãy muốn nó, đón nhận, tin tưởng vào sự sống ấy. Bạn lãnh nhận được nó nếu bạn tin vào nó (xem Gioan 1:12). Bởi vì “nó” đây chính là “Ngài”; đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Bạn chỉ cần làm một điều. Điều đó có hai phần, một phần tiêu cực và phần kia thì tiêu cực. Phần tiêu cực là bạn phải đủ thành thật để thú nhận tội lỗi của mình và ăn năn sám hối. Phần tích cực là tin tưởng, nói lời xin vâng, tin tưởng vào món quà này và người ban tặng này, bởi vì món quà thần thiêng này chính là Ngài. Bạn không tin vào những ý tưởng, bạn tin vào một người. Đức tin không chỉ là một ý kiến, một quan điểm, bên trong bạn, trong tâm trí bạn: đức tin là một mối quan hệ, là chuyện giữa bạn và Chúa; nó giống như hôn nhân.

Chúa đưa ra lời cầu hôn, một cuộc hôn nhân thiêng liêng vĩnh cửu với bạn, và việc bạn nói đồng ý hay không với Ngài là tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn nói có, Ngài sẽ truyền cho bạn sự sống thiêng liêng của Ngài, đó là sự sống của tình yêu tự hiến, và rồi những công việc tình yêu bắt đầu tuôn ra từ bạn, như những đứa con được sinh ra bởi người phụ nữ đã có gia đình.

Chuyển ngữ từ Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B) by Peter Kreeft

Share:

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Hãy để Bác sĩ vào chữa lành bệnh tim cho ta

"Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được cứu độ nhờ ân sủng."

Trích từ Peter Kreeft cho bài đọc 2 (Êphêsô 2:4-10) của Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, Năm B

… Đức tin không chỉ là một tập hợp những tín lý để tin. Thánh Giacôbê nói: “Bạn tin rằng Thiên Chúa là duy nhất. Bạn làm tốt. Ngay cả ma quỷ cũng tin điều đó và run sợ” (Gia-cô-bê 2:19). Tín điều của chúng ta chỉ là một hành động của tâm trí, nhưng đức tin thì còn hơn thế nữa; nó cũng là một hành động của ý chí và của trái tim, bao gồm niềm trông cậy và tình yêu và những công việc thực hiện vì yêu thương của chúng ta. Vì vậy, khi Thánh Phaolô nói rằng chính đức tin cứu chúng ta, ngài muốn nói “đức tin” không chỉ là một, mà có cả ba chiều kích, đức tin, đức cậy và đức ái – gốc rễ, cành và hoa trái. Và khi Thánh Giacôbê nói rằng chỉ đức tin thôi không cứu được chúng ta, “đức tin” ngài muốn nói đến chỉ là chiều kích trí tuệ của nó, những tín điều.

Vì hầu hết chúng ta có thể biết khá rõ quan điểm của Thánh Giacôbê, nhưng có lẽ không rõ lắm về quan điểm của Thánh Phaolô, nên chúng ta cần đi sâu hơn vào quan điểm của Thánh Phaolô. Tại sao điều quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta được cứu bởi đức tin chứ không chỉ bởi những việc lành?

Bởi vì đối tượng của đức tin là Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, trong khi đối tượng của việc lành là con người. Những người khác không thể cứu chúng ta cũng như chúng ta không thể tự cứu mình. Nếu chúng ta tin rằng mình được cứu nhờ những việc làm tốt của mình, chúng ta sẽ nghĩ mình xứng đáng được hưởng thiên đàng, được trả lương, được đối xử cách công bằng. Đó là điều mà những người Pharisêu tin, họ tin rằng những việc làm tốt của họ khiến họ xứng đáng được lên thiên đàng. Nhưng Chúa Giêsu đã làm họ choáng váng khi nói với họ rằng họ đang trên đường xuống địa ngục! Tại sao? Bởi vì họ thiếu nhân đức đầu tiên là khiêm tốn, khiêm tốn để xưng thú tội lỗi và sám hối. Chúa Giêsu bảo họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mác-cô 2:17). Chúa Giêsu đang nói: Nếu bạn thừa nhận rằng bạn bị bệnh và đến với tôi như bác sĩ của tâm hồn mình, nếu bạn gõ cửa phòng tôi, tôi sẽ mở cho; nhưng tôi sẽ không ép buộc bạn. Bạn cần phẫu thuật tim, và bạn sẽ chết nếu không có nó, nhưng bạn phải thừa nhận điều đó và cầu xin tôi sự chữa lành mà chỉ tôi mới có thể mang lại cho bạn. Ai xin thì sẽ nhận được, nhưng chỉ những ai xin thôi thì mới được.”

Có một bức tranh nổi tiếng, trong đó Chúa Giêsu đang gõ cửa, cánh cửa trái tim và cuộc đời chúng ta. Ngoài cửa không có núm vặn. Núm ở bên trong. Chúa Giêsu không phớt lờ ý chí tự do của chúng ta và đạp sập cánh cửa. Cánh cửa phải được mở ra từ bên trong, bởi chúng ta.

Phần của chúng ta là hãy để bác sĩ vào. Phần của Ngài là cho chúng ta một ca phẫu thuật chữa lành, một trái tim mới. Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51:12). Chỉ có Chúa mới có thể tạo ra điều gì đó hoàn toàn mới. Và chúng ta lại cần một trái tim mới. Một trái tim sa phạm tội lỗi, dại dột và ích kỷ của chúng ta sẽ không thể chịu đựng được thiên đàng của Chúa, sự hiện diện trọn vẹn của Ngài. Và rõ ràng là chúng ta không thể tự mình thực hiện phẫu thuật tim. Chỉ có Chúa mới có thể làm được công việc đó. Nhưng Ngài sẽ không làm điều đó nếu không có sự đồng ý của chúng ta.

Chúng ta được cứu bởi đức tin bởi vì đức tin là sự đồng ý của chúng ta đối với công việc của Chúa Giêsu nơi ta, là sự lựa chọn tự do để lãnh nhận món quà của Ngài, ân sủng của Ngài, sự hiến dâng chính mạng sống mà Ngài đã ban cho chúng ta trên thập giá, và thông truyền cho chúng ta trong các bí tích.

Share:

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Đức công minh của Chúa chính là lòng thương xót của Ngài

Hôm nọ thấy hình cartoon ở trên; nó làm mình tiếp tục suy nghĩ về giới luật và giao ước.

Tại sao Chúa thiết lập giao ước với loài người? Mục đích của giao ước là gì? Chỉ là vài điểm đơn giản thôi nhé.

Khi phạm tội đầu tiên trong Vườn Địa đàng, Ađam và Evà đã tự tách mình ra khỏi Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng từ đó trở đi, Chúa không ngừng hoạt động để đưa con người trở về với Gia đình của Ngài. Lần lại lần Chúa thiết lập giao ước: Với Nô-e, với Áp-ra-ham, với Gia-cóp, với dân Do thái sau khi rời bỏ Ai-cập.

Chúa qua giao ước dạy cho loài người cách sống trong Gia đình của Chúa. Và khi thiết lập giao ước, các con vật dược làm lễ toàn thiêu, sẽ được chia làm làm đôi để nói bên nào vi phạm luật giao ước thì sẽ chết như vậy. Loài người đã luôn lỗi luật của giao ước khi họ đi thờ phượng các thần khác. Chúng ta có làm vậy không? Chúa Nhật là ngày dành cho Gia đình Chúa Ba Ngôi. Khi ta không đi lễ, ta lỗi phạm luật giao ước. Và Mười Điều Răn là lối sống của các thành viên trong Gia đình Thiên Chúa.

Nhưng người kết án chúng ta trước hết không phải là Thiên Chúa mà như Kinh thánh có nói: “Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12:10). Và Chúa là Đấng rất công minh chính trực, Ngài sẽ công minh thưởng phạt theo lỗi lầm ta phạm, không sót một điều. Dựa theo giao ước, chúng ta phải chết, bị loại ra khỏi thiên đàng.

Và đây là điều làm các thiên thần sa ngã (Luxiphe và bè lũ của nó): Con Thiên Chúa làm người, hứng chịu trọn vẹn đức công chính của Thiên Chúa trên cây thập tự và dâng hiến cho Thiên Chúa của lễ mà chúng ta đáng lẽ phải dâng hiến với tất cả lòng yêu mến của Chúa Con cho Chúa Cha.

Đức công minh của Chúa chính là lòng thương xót của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Đức công minh và lòng thương xót vượt quá trí tưởng tượng của con người khi ta tìm để hiểu sâu hơn ơn tha tội và sự quảng đại vô tận của Chúa khi cho ta có khả năng trở thành con cái trong Nhà của Ngài.

Share:

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Sự thánh thiện là công việc của Chúa Thánh Thần

Bí mật của sự thánh thiện có thể được mô tả là việc khám phá ra rằng chúng ta có thể đạt được mọi sự từ Thiên Chúa, với điều kiện là chúng ta biết “làm thế nào để nắm được Ngài”. Đó là bí mật về con đường nhỏ bé của Thánh Thérèse Lisieux: Thiên Chúa có trái tim của một người cha, và chúng ta chắc chắn có thể đạt được những gì chúng ta cần nơi Ngài, nếu chúng ta biết cách chiếm lấy trái tim của Ngài. Đây là một đoạn trong lá thư của Thánh Thérèse Lisieux có thể giúp chúng ta hiểu điều này có nghĩa gì:

Chị muốn cố gắng làm cho các em hiểu bằng một so sánh rất đơn giản, rằng Chúa Giêsu yêu thương các linh hồn biết bao, ngay cả những linh hồn không hoàn hảo, những kẻ phó thác bản thân mình cho Ngài. Hãy tưởng tượng một người cha có hai đứa con nghịch ngợm và không vâng lời; khi người cha xuất hiện để trừng phạt họ, ông nhìn thấy một đứa run rẩy và sợ hãi bỏ chạy trốn khỏi ông, trong thâm tâm nó, nó biết rằng mình đáng bị trừng phạt; người em của nó, thay vì vậy, nó lao vào vòng tay của cha mình, nói với cha mình rằng nó xin lỗi vì đã làm phật lòng ông, nó yêu cha mình và để chứng minh điều đó, nó sẽ là người con tốt lành từ đây trở đi. Nếu người con đó xin cha nó trừng phạt mình bằng một nụ hôn, tôi người cha với trái tim hạnh phúc đó sẽ không thể cưỡng lại được lòng hiếu thảo của con, vì ông biết tấm lòng chân thành và tình yêu thương của nó. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng con trai mình sẽ lại mắc lỗi tương tự, nhưng ông luôn sẵn sàng tha thứ nếu đứa con ấy luôn cầu khẩn đến trái tim ông.4

Tôi nghĩ ý tưởng là chúng ta có thể đón nhận được mọi sự từ Chúa của thánh nữ Thérèse, ngài đã học được nó qua các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá, người gần như là người thầy duy nhất của chị. Đây là những gì ngài nói trong Ca Khúc Linh Thiêng / Spiritual Canticle:

Sức mạnh và sự bền bỉ của tình yêu thật lớn lao, vì nó thắng được Chúa và ràng buộc Ngài. Hạnh phúc thay linh hồn biết yêu thương, vì linh hồn đó nắm giữ Thiên Chúa và đạt được từ Ngài mọi điều mình mong muốn. Vì bản chất của Thiên Chúa là như vậy, nếu chúng ta yêu mến Ngài một cách đúng đắn, chúng ta sẽ khiến Ngài làm điều chúng ta muốn.5

Cách diễn đạt táo bạo này về sức mạnh mà tình yêu và sự tin cậy của chúng ta có thể tác động lên trái tim Thiên Chúa chứa đựng một sự thật đẹp đẽ và rất sâu sắc. Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả điều đó ở chỗ khác bằng những từ ngữ khác: “Điều làm Trái tim Chúa xúc động và làm chúng ta giữ được trái tim, chính là niềm hy vọng vững chắc”.6 Và một lần nữa:

Thiên Chúa rất quý trọng niềm hy vọng của những linh hồn không ngừng hướng về Ngài và chỉ trông cậy vào Ngài, đến nỗi người ta có thể thực sự nói rằng họ đạt được tất cả những gì họ hy vọng.7

Việc nên thánh không phải là một chương trình cho cuộc sống, mà là một điều gì đó ta đón nhận từ Thiên Chúa. Thậm chí còn có những cách không thể sai lầm để đạt đến sự thánh thiện, và điều quan trọng là chúng ta phải biết chúng là gì. Tất cả chúng ta đều có khả năng trở nên thánh, đơn giản chỉ vì Thiên Chúa để cho mình được chinh phục bởi niềm tin tưởng mà chúng ta đặt vào Ngài. Mục đích của các phần sau đây là đưa chúng ta đi đúng hướng.

Chuyển ngữ từ In the School of the Holy Spirit by Fr. Jacques Philippe

4. St. Thérèse of Lisieux, Letter 258. (Letter to her missionary "brothers").
5. St. John of the Cross, Spiritual Canticle B, strophe 32, 1.
6. St. John of the Cross, Maxim 112.
7. St. John of the Cross, Maxim 119.

Share:

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Bí Tích: Chúa Giêsu vẫn đang chữa lành tâm trí, thể xác và linh hồn trong Giáo hội

Con người không phát minh ra các bí tích; Thiên Chúa đã thiết lập các bí tích ấy. Giáo hội không phát minh ra các bí tích; Chúa Kitô đã làm vậy. Giáo Hội đã đón nhận các bí tích từ các Tông đồ chính Chúa Kitô tuyển chọn, và các Tông đồ đã đón nhận những bí tích này từ Chúa Kitô.

Khi thiết lập các bí tích, Chúa Kitô sử dụng những phương tiện tự nhiên, từ vật thể hữu hình như nước, rượu và bánh để thực hiện công việc siêu nhiên, thiêng liêng, vô hình của Người: nước trong Bí tích Rửa tội, Dầu Thánh trong Bí tích Thêm sức, bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể, lời tha tội trong bí tích Hòa giải và lời tuyên thệ trong bí tích Hôn phối, việc đặt tay trong bí tích Truyền chức thánh, và Dầu Bệnh nhân trong Bí tích Xức dầu bệnh nhân.

Sự sống của Thiên Chúa, sự sống vô hình, thiêng liêng, vĩnh cửu, siêu nhiên của Ngài là lương thực cho linh hồn chúng ta; và các chất thể hữu hình của bí tích thì như những dịch vụ giao đồ ăn. Nhưng Thiên Chúa chỉ giải cứu ta khi ta cầu xin Ngài. Các bí tích không hoạt động như máy bán hàng tự động. Chúng ta phải tin vào các bí tích và nóng lòng khao khát, xin được lãnh nhận bí tích. Dẫu vậy, đức tin của chúng ta không khiến cho các bí tích có tác dụng; chỉ Thiên Chúa mới làm được điều ấy. Đức tin của chúng ta mở cửa tâm hồn để cho thức ăn đi vào. Chính Thiên Chúa là thức ăn cho tâm hồn chúng ta.

...

Nếu chúng ta là người Công giáo, chúng ta không cần phải băn khoăn, lo lắng về việc liệu tội lỗi của chúng ta có thực sự được tha thứ hay không, bởi vì các linh mục trong Giáo hội Công giáo thực sự có thẩm quyền để ban ơn tha tội của Chúa Kitô trong bí tích Hòa giải. Uy quyền đến từ Đức Kitô – đó là lý do tại sao uy quyền đó thì tuyệt đối và được bảo đảm. Đó là quyền tha thứ của chính Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Hòa giải, cũng như khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận chính Thân Thể của Chúa Kitô. Nó không chỉ là một biểu tượng, một lời nói suông, hay một sự đảm bảo; nó là thực tại.

Tha thứ không chỉ là một thái độ chủ quan mà còn là một thực tế khách quan, giống như việc tha một món nợ. Đức Kitô đã trả món nợ trên thập tự giá, và điều đó có nghĩa là chúng ta không trả món nợ đó. Chúng ta được miễn. Ngài đã tháo những nút thắt trói buộc tâm hồn chúng ta, những nút thắt của sợi dây thật như những sợi dây đang trói buộc bạn vào ghế. Ngài thực sự giải phóng bạn.

Bạn bước vào tòa giải tội linh hồn đầy dấu dơ bẩn, bước ra sạch sẽ. Nó giống như một cơn mưa rào. Bí tích ấy thực sự hiệu quả bởi vì chính Chúa thực hiện công việc của mình, công việc chỉ Ngài làm được. Đó là mục đích Ngài đến thế gian: để cất đi tội lỗi của bạn; Ngài là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1:29). Trong đoạn Phúc âm của thánh Gioan 20:19–23, Chúa Giêsu trao quyền tha tội cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài, các linh mục và giám mục đã được lãnh chức thánh, trong một chuỗi truyền xuống liên tục kéo dài cho đến tận thế (gọi là tông truyền).

Chúa Kitô đã để lại cho Giáo hội bảy bí tích để trao ban ân sủng của Ngài cho chúng ta trong những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, cho những căn phòng khác nhau trong ngôi nhà của chúng ta.

- Bí tích Rửa tội/Thanh tẩy thì giống như một chiếc giường, một phòng sinh nở.
- Bí tích Thêm sức thì như một phòng tập thể dục.
- Bí tích Hòa giải như một phòng tắm, một phòng vệ sinh.
- Bí tích Thánh Thể giống như một phòng ăn, một bữa tiệc.
- Bí tích Hôn nhân và Truyền chức thánh thì như phòng đón nhận (khách).
- Và Thánh Thể như của ăn đàng, hay “Những nghi thức cuối cùng”, thì lần nữa lại như chiếc giường, chiếc giường chết của chúng ta, để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc hành trình cuối cùng.

Như Thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu.” (Phi-líp 4:19).

Chuyển ngữ từ Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B) by Peter Kreeft

Share:

Blog Archive

Blog Archive