Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

3. Bình an và cuộc chiến đấu thiêng liêng

Chúng ta còn phải xác nhận ngay lúc này một chân lý khác vốn cũng không kém phần quan trọng hơn điều vừa được nói ở trên, đó là: đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến, một cuộc chiến không khoan nhượng.

Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy “binh giáp vũ khí của Thiên Chúa” để chiến đấu “không phải với phàm nhân nhưng là với những bậc thống trị thế giới tối tămvới những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 10, 12) và rồi ngài liệt kê tất cả những mảng binh giáp mà chúng ta phải mặc vào.

Mọi Kitô hữu phải biết tường tận rằng, đời sống thiêng liêng của mình không phải là sự trải dài êm ả của một cuộc sống đơn điệu không có bất cứ vấn đề nào; đúng hơn, đời sống thiêng liêng phải được xem như cảnh tượng của một cuộc chiến trường kỳ, đôi khi cam go và sẽ không kết thúc cho đến chết - một cuộc chiến chống lại sự dữ, cám dỗ và tội lỗi trong chính mình. Cuộc chiến này là một điều không thể tránh khỏi, nhưng phải được xem như một thực tại hết sức tích cực, vì như thánh Catarina Siêna nói, “không có chiến tranh, sẽ không có hoà bình”; không có chiến đấu, sẽ không có chiến thắng. Nhìn một cách đúng đắn, cuộc chiến này là nơi chúng ta được thanh luyện để trưởng thành về mặt thiêng liêng, cũng là nơi chúng ta học biết chính mình trong sự yếu đuối của chúng ta và học biết Thiên Chúa trong lòng thương xót vô biên của Người. Cuộc chiến này là chặng cuối của sự biến đổi để đi vào vinh quang của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thiêng liêng của người Kitô hữu đôi khi rất khốc liệt, thì nó không hề là một cuộc chiến vô vọng của một ai đó đang chiến đấu một cách mù quáng, đơn độc, không chút tin tưởng nào về hậu kết của cuộc đương đầu này. Đúng hơn, đó là cuộc chiến của một người chiến đấu với niềm xác tín tuyệt đối rằng, mình đã dành được chiến thắng chỉ vì Đức Giêsu đã phục sinh. “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng” (Kh 5, 5). Người ấy không chiến đấu bằng sức mạnh của bản thân nhưng nhờ dũng lực của Đức Giêsu, Đấng đã nói với người ấy, “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9). Vũ khí chủ lực của người ấy không phải là quyết tâm tự nhiên của tính cách hay những khả năng nhân loại nhưng là đức tin, chính sự gắn kết trọn vẹn với Đức Kitô cho phép người ấy từ bỏ chính mình với một niềm tin được coi như mù quáng vào Đấng không thể nào bỏ rơi người ấy, cả trong những thời khắc tệ hại nhất, “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13). Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?” (Tv 27, 1).

Vậy khi chiến đấu chống lại tội lỗi, đôi khi rất khốc liệt, người Kitô hữu được “mời gọi để chiến đấu cho đến chết” (Dt 12, 4), nhưng người ấy chiến đấu với một tâm hồn bình an và càng bình an, họ chiến đấu càng hiệu quả; bởi lẽ như chúng ta đã nói, chính bình an nội tâm giúp họ chiến đấu, không phải bằng sức riêng rất dễ cạn kiệt của mình, nhưng bằng sức mạnh của Thiên Chúa. -- Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Bình An của Cha Jacques Philippe

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive