Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Hỏa ngục là tội

Hoả ngục không phải chỉ là sự trừng phạt cho tội đã phạm; Hỏa ngục chính là tội ở nơi tột bậc của nó. Tội là hình phạt của chính nó cũng như “đức hạnh là phần thưởng của chính nó.” “Đó là trạng thái của cái chết của linh hồn.” Cái giá của tội là tội.

Quan niệm phổ biến về hỏa ngục là: nó là một cuộc sống đầy những đau khổ trong cõi vĩnh cửu hơn nghĩ nó là cái chết đời đời. Khái niệm phổ biến này xuất phát từ triết học Hy Lạp, vốn tin rằng linh hồn không thể chết “bởi vì nó là nguồn sống của chính nó”, một dạng tiểu thần linh. Kinh thánh nói sự sống của linh hồn bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì vậy, linh hồn có thể chết khi bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, cũng như thể xác có thể chết khi bị tách lìa khỏi nguồn sống của nó: linh hồn.

Khi linh hồn rời khỏi thân thể, thân thể không bị tiêu diệt và cũng không phải là một thân thể; nó được biến thành một xác chết. Khi sự sống của Chúa lìa khỏi linh hồn, thì linh hồn không bị hủy diệt và cũng không còn là linh hồn; nó đã chết.” Nó trở thành rác rưởi thuộc linh, và Hỏa ngục là bãi rác nơi rác rưởi bị đốt cháy.

Tội-hỏa ngục-sự chết của linh hồn, ba thuật ngữ này có cùng một nghĩa: bị tách lìa khỏi Chúa. Theo nghĩa thứ hai của nó, tội có nghĩa là những hành vi bất tuân cụ thể (“tội ta phạm”). Nghĩa đầu tiên của nó là tình trạng “tội nguyên tổ”, là nền tảng cho những hành vi tội lỗi cụ thể: sự cằn cỗi của linh hồn, sự không có sự sống của linh hồn.

Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta sự sống của Ngài từng giây phút. Ngài nói với từng người như Ngài đã nói với Đức Maria: “Con có cho phép Thần Khí của Ta làm cho con được thụ thai với sự sống của Ta để Con của Ta được sinh ra trong con không?” Sự kiện Truyền tin là dành cho tất cả mọi người, không chỉ Mẹ Maria, vì Mẹ Maria là mẫu mực của Giáo hội, tức là chúng ta. Nếu chúng ta lặp lại lời xin vâng của Đức Maria, thì lời Chúa sẽ được thực hiện; Thiên đàng đi vào tâm hồn, Chúa Kitô được tái tạo trong chúng ta. Nếu chúng ta không muốn, thì Chúa không thực hiện điều Ngài đưa ra. Và cái “không” này là Hỏa ngục. Nếu một đề xuất được đưa ra với sự tự do lựa chọn, thì việc tự do để từ chối là điều có thể.

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri và ném đá các sứ giả Ta sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn họp con cái ngươi như gà mẹ gom con lại dưới cánh mình nhưng các ngươi không chịu” (Mt 23:37).

 Chúa Giêsu đứng ở cánh cửa và gõ. Nếu cánh cửa vẫn bị khóa, nó sẽ trở thành cánh cửa của Hỏa ngục. C.S. Lewis cho thấy điều này có thể xảy ra với một người bình thường như thế nào trong truyện ngắn, “The Shoddy Lands / Vùng đất ảm đạm” của ông.[21] Tính ích kỷ, tự cho mình là trung tâm của Peggy khiến cô bị đóng kín vào trong bản thân và không thể “thích thú vào người khác”.[22]  Tại một thời điểm, khi cô ấy nghe thấy bạn trai của mình nài nỉ, “Peggy, Peggy, cho anh vào với”, cô ấy cũng nghe (có lẽ bằng tiếng gọi đầu tiên) Ai đó đang đứng trước cửa của cô và gõ cửa, Ai đó mềm mại như len và sắc bén như cái chết, nhẹ nhàng nhưng nặng không ai chịu nỗi, như thể sau mỗi cú gõ, một bàn tay khổng lồ nào đó bên ngoài bầu trời tồi tàn và dần dần hoàn toàn che phủ nó. Và với tiếng gõ cửa, một giọng nói làm xương của tôi muốn quỳ phục như cọng bún, “Này con, con ơi, hãy mở cửa cho Ta vào trước khi màn đêm đến”.

Hỏa ngục là sự chối từ Vị Khách thần linh này của linh hồn. Hỏa ngục là lời tuyên bố độc lập của chúng ta chống lại Vị Phu quân thần linh của chúng ta. Hỏa ngục không phải là đau khổ lãnh nhận cách thụ động mà là sự chủ động nổi loạn. Ngay cả những nỗi đau của Hỏa ngục cũng là chủ động chứ không thụ động. Ngay cả những nỗi đau trần thế cũng là trong thế chủ động: nỗi sợ hãi, lòng căm thù hoặc sự nổi loạn của tâm linh chống lại con dao (chủ động), chứ không phải bản thân con dao (thụ động). Khi thuốc phiện hoặc yoga ngăn chặn sự nổi loạn bên trong, cơn đau không còn là cơn đau nữa. Nếu ngay cả những nỗi đau trần thế là thái độ chủ động của tinh thần, thì những nỗi đau của Hỏa ngục còn nhiều hơn biết bao.

Đây là một hậu quả rất thực tiễn của khái niệm hoả ngục là tội: nếu hoả ngục là tội, thì tội cũng là hoả ngục. Chúng ta hẳn đã từng vào hoả ngục - ít nhất là đã đứng ngoài hiên hay phần ngoài rìa của nó - rất nhiều lần (và, nhờ ơn Chúa, đi xa được khỏi nó lần nữa). Sự khác biệt thực tế mà điều này tạo ra là nếu nó được tin vào, điều đó sẽ là một ngăn chặn tuyệt vời để ta không phạm tội. Chúng ta phạm tội vì ta xem tội lỗi như một cuộc thỏa thuận, rằng nó đem lại lợi ích, rằng “công bằng thì không có lợi hơn là bất công.” Dường như tội chỉ đơn giản là sự lựa chọn giữa các lối sống khác nhau trong thế giới này. Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng mọi tội đều có tính hỏa ngục, nếu chúng ta thấy trên trần gian này, tội là hỏa ngục đội lốt, chúng ta sẽ chạy đến với Chúa Cha trong sợ hãi. Nỗi sợ hãi như vậy không phải là điều xấu: “Khi có thú dữ vây quanh, biết sợ thì tốt hơn là tự cảm thấy an toàn.”[23]

21 C. S. Lewis, “The Shoddy Lands” in Of Other Worlds (New York: Harcourt, Brace & World, 1967).
22 Gilbert Meilaender, The Taste for the Other: The Social and Ethical Thought of C. S. Lewis (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1978).
23 George MacDonald, Unspoken Sermons, first series (London, New York: Rutledge, 1873), p. 4.

Chuyển ngữ từ Everything Everything You Ever Wanted to Know About Heaven by Peter Kreeft

Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Chúa nhật thứ XII Mùa Thường Niên, Năm A -- Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (10:26-33)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

-----

Những lời này có ý nghĩa gì với chúng ta? Đây là những lời đầy thách thức của Chúa Giêsu. Trước hết, rõ ràng là các môn đệ của Chúa Giêsu sợ hãi. Từ trước đến giờ, Chúa Giêsu đã đi khắp nơi với họ. Ngài giảng dạy và giờ đây Ngài cử họ từng đôi một, ra đi giảng dạy về nước trời nên rõ ràng là họ lo lắng, sợ hãi, run sợ về việc lần đầu tiên đi làm sứ mệnh. Vì vậy, một trong những lời khuyên của Chúa Giêsu đối với họ là “đừng sợ”. Đó là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai: bạn hãy để ý đến sự nhấn mạnh vào là các môn đệ không chỉ sợ việc đi giảng dạy, nhưng họ đặc biệt sợ tử đạo. Tại sao Chúa Giêsu nói họ không nên sợ chết? Chẳng lẽ việc sợ, không chỉ là sợ chết mà còn là bị giết chết vì Tin Mừng không là điều hợp lý sao? Điều Chúa Giêsu nói có nghĩa là gì và tại sao Chúa Giêsu lại nói như vậy?

Câu hỏi thứ ba ở đây là khi Chúa Giê-su nói “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục,” Chúa đang nói về điều gì?

Trước hết, lời khuyên “đừng sợ” của Chúa Giê-su ở đây tự nó là một thách đố. Như bạn đã biết, nếu bạn đã sống trong thế giới này dù chỉ vài năm, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng trái đất này là một nơi nguy hiểm. Cuộc sống thì rất mong manh, hôm nay còn, mai mất. Tệ nạn, hiểm nguy trên đời nhiều vô số kể, nên sợ hãi là điều đương nhiên. Tại sao Ngài bảo họ “đừng sợ”?

Nhưng nếu bạn đặt câu này vào ngữ cảnh, câu này không ở trong bài đọc hôm nay. Trong Phúc âm Mát-thêu 10:24-25, bối cảnh là Chúa Giê-su nói với các môn đồ đầy tớ không trọng hơn chủ mình nên nếu người ta nói rằng Ngài bị Bê-ên-xê-bun ám, thì họ cũng sẽ không nói tốt về các môn đệ của Ngài. Nói cách khác, các môn đệ có thể bị bắt bớ, có thể bị vu khống như Chúa Giêsu đã bị vu khống.

Nhưng những gì Chúa đang nói với các môn đệ là “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” Nói cách khác, sự thật sẽ được bộc lộ là điều Chúa Giêsu muốn nói với họ. Sự thật về Đấng Kitô là ai cuối cùng sẽ được biết đến mặc dù hiện tại Ngài đang hoạt động cách bí ẩn. Chẳng hạn Chúa Giêsu thường cấm người ta: “Đừng nói gì cả”, đừng nói Ngài là Con Thiên Chúa vì cuối cùng nó sẽ được bày tỏ. Vì vậy, họ không cần phải sợ hãi, họ sẽ công bố sự thật đó từ trên nóc nhà.

Và khi họ làm điều đó, họ sẽ bắt đầu gặp phải sự bắt bớ như Chúa Giêsu. Vì vậy, Ngài nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” Chúa Giêsu ám chỉ điều gì ở đây? Các từ Hy Lạp ở đây là sōma, về cơ bản là từ cho cơ thể của chúng ta, và sau đó là psychē - chúng ta có từ tâm lý học từ đó (psychology) – dùng để chỉ tâm thần / linh hồn – là nguyên lí thiêng liêng, nguyên lí làm thống nhất cơ thể và làm nó được sinh động. Điều Người muốn nói là “đừng sợ những kẻ có thể giết thân xác, những kẻ có thể hủy hoại thân xác hay chết của các con, vì chúng không thể làm cho các con mất linh hồn. Thay vì vậy, các con phải sợ hãi Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn và thể xác trong địa ngục”, hay như người Hy Lạp nói theo nghĩa đen, ở Gehenna, nơi dành cho những kẻ bị nguyền rủa.

Vì vậy, Chúa Giêsu đang giúp môn đệ có một nỗi sợ hãi hợp lý thay vì một nỗi sợ hãi phi lý. Mặc dù hầu hết chúng ta nghĩ rằng việc sợ chết là hợp lý; chúng ta có cảm giác rằng cái chết là đau đớn, là sự kết thúc cuộc sống tự nhiên của chúng ta. Chúa Giêsu lại nói thật phi lý khi sợ cái chết thể xác, cái chết tạm thời và hữu hạn – dù kinh khủng đến đâu, nó chỉ tồn tại trong một thời gian - hơn là sợ cái chết tâm linh, bởi vì cái chết tâm linh – bị tách rời khỏi Thiên Chúa, mãi mãi ở Gehenna, tên gọi cổ xưa của người Do Thái dành cho địa ngục, cõi dành cho sự chết – là thứ sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ kết thúc.

Vì thế, điều Người muốn nói với các môn đệ là “khi anh em ra đi rao giảng Tin Mừng, anh em không có lý do gì để sợ hãi, ngay cả khi mạng sống của anh em gặp nguy hiểm, bởi vì bằng việc rao giảng Tin Mừng, anh em sẽ cứu được linh hồn mình, và sự sống của linh hồn anh em sẽ tồn tại mãi mãi, trong khi sự sống của thể xác trên thế gian này chỉ là nhất thời.”

Chúa Giêsu đang cố gắng chuyển đổi cách nhìn của các môn đồ về cuộc sống của họ, cách họ nhìn thấy thực tế, đảo ngược nó để họ có thể thấy cách Thiên Chúa thấy. Ngài dạy họ hãy nhìn với con mắt của Thiên Chúa, từ quan điểm của cõi vĩnh cửu, để hiểu rằng mặc dù họ sống trong thế giới này, họ được tạo ra cho sự sống đời đời, họ được tạo ra cho sự vĩnh cửu

Một số người có thể nói “Khoan đã! Chúa nói điều gì ở đây khi Ngài nói “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.”? Các Kinh thánh gia đã có một cuộc tranh luận về điều này. Một số người sẽ nói rằng những gì Ngài nói là hãy sợ Satan, bởi vì nó có thể kéo con người xuống địa ngục qua việc cám dỗ, qua việc làm cho ta sợ hãi và phạm tội. Đó là một cách giải thích có thể được chấp nhận vì thư thứ nhất của thánh Phêrô nói ma quỷ tìm cách làm cho người ta sa ngã, nó tìm cách hủy diệt sự công chính, hủy hoại các linh hồn, nó tìm cách khiến họ sa hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu đang nói gì ở đây? Ngài đang nói rằng đừng sợ con người, những kẻ chỉ có thể giết chết cơ thể bạn. Hãy sợ Chúa, Đấng có thể ném cả thân thể và linh hồn bạn vào ngọn lửa của Gehenna, nơi bạn sẽ bị tách lìa khỏi Chúa cách vĩnh viễn, nơi bạn sẽ trải nghiệm một loại hủy diệt tâm linh hay cái chết tâm linh, chính là địa ngục.

Vì vậy, nếu bạn quay lại Cựu Ước trong Isaia 8:12-13 chẳng hạn, đó là một đoạn khá tương đương với đoạn này. Isaia 8 có nói “Chính ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng các ngươi phải nhìn nhận là thánh. Chính Người là Đấng các ngươi phải sợ, chính Người là Đấng các ngươi phải kinh hãi.” Nói cách khác, Isaia không nói bạn phải sợ Chúa đến mức bạn không thể có mối tương quan với Ngài, hoặc nghĩ rằng Ngài là một bạo chúa. Điều Isaia nói ở đây là một sự kính sợ hợp lý, một nỗi sợ hãi hợp lý khi xúc phạm đến Chúa; hãy sợ phạm tội chống lại Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và liêm chính, hãy sợ xúc phạm Chúa đến nỗi bạn sẽ bị tách lìa khỏi Ngài, phá vỡ giao ước với Ngài, phá vỡ mối quan hệ của bạn với Ngài. Đó là sự kính sợ Chúa mà Cựu Ước nói đến và sự kính sợ này thực ra là khởi đầu của sự khôn ngoan. Sách Châm ngôn nói điều đó nhiều lần và một trong các Thánh vịnh cũng nói rằng, kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan.

Đôi khi điều đó làm người ta phản cảm, họ nghĩ rằng như vậy có nghĩa là họ phải “sợ Chúa” theo cách họ phải sợ ai đó muốn làm hại mình. Đó không phải là ý nghĩa của Kinh thánh. Nỗi sợ ở đây là nỗi sợ xuất phát từ sự kính nể, xuất phát từ tình yêu. Nói cách khác, chúng ta sợ xúc phạm đến Thiên Chúa vì Ngài quá tốt lành với chúng ta, quá thánh thiện, vì Ngài là một người Cha yêu thương, và cũng vì phạm tội có nghĩa là phải xa Ngài mãi mãi trong hỏa ngục. Đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói ở đây, Chúa Giêsu đang cố gắng dạy các môn đệ hãy từ bỏ nỗi sợ hãi trần thế và hãy có cái sợ siêu nhiên về tội lỗi.

Đây là sự lựa chọn: sự lựa chọn giữa việc phạm tội chống lại Chúa và đánh mất linh hồn mãi mãi, hoặc chết để có được sự sống đời đời. Khi so sánh như vậy, sự lựa chọn thì rõ ràng. Chọn cái chết thân xác để được sống mãi mãi có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chọn sống một cuộc sống chỉ là trần tục, và có thể là với cái giá của cái chết vĩnh viễn, do xa cách Thiên Chúa trong ngọn lửa của Gehenna. Đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu ở đây. -- Dr. Brant Pitre

Share:

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Hoả ngục là lửa hay sự cô đơn?

Hình khổ hoả ngục không phải ở thể lý. Cũng như thiên đàng không phải là phần thưởng lạc thú thể lý dành cho sự thành công trong đời sống tâm linh, thì hoả ngục cũng không phải là hình phạt thể lý cho sự thất bại trong đời sống tâm linh. Thứ nhất, hoả ngục không là thể lý, không là sự gì đó từ bên ngoài; thứ hai, nó không là về số lượng, một hình phạt thêm vào; thứ ba, thất bại không dẫn tới hoả ngục: bởi những người thất bại vẫn có thể về thiên đàng, nhờ vào cánh cổng ân sủng của sự thống hối.

Hình ảnh hoả ngục trong Thánh Kinh không nên hiểu theo nghĩa đen, bởi nó còn là một thứ gì đó hơn cả hình ảnh. Nhưng ta phải nghiêm túc khi nói về hoả ngục, bởi nó hướng về một thứ gì đó còn khủng khiếp hơn cả hình ảnh mà nó diễn tả.

Hoả ngục là trạng thái tinh thần. Không sự gì trên trái đất có tiềm năng tốt hay xấu, vui sướng hay đau khổ, vui vẻ hay kinh hoàng như tâm trí. Không như thiên đàng, hỏa ngục chỉ là một trạng thái của tâm trí. Thật vậy, … mọi trạng thái của tâm trí, khi bị cô lập một mình, mọi hành vi tự khép mình trong hang động tâm trí của một thụ tạo, thì cuối cùng sẽ dẫn tới hoả ngục. Nhưng thiên đàng không phải là trạng thái tinh thần. Thiên đàng chính nó là một thực tại. Tất cả những gì chân thực cách viên mãn là thiên đàng.

Trong thực tế, kẻ bị trầm luân ở cùng một nơi với người được cứu-trong thực tại. Nhưng họ chán ghét điều ấy, và đó là hỏa ngục của họ. Người được cứu thì yêu mến thực tại đó, và nó là thiên đàng của họ. Điều này giống như hai người ngồi cạnh bên nhau trong buổi hoà nhạc opera hay một show nhạc rock: một thứ là thiên đàng cho người này và là hoả ngục cho người kia. Dostoyevski đã nói “Tất cả chúng ta đều ở trong thiên đàng, chỉ là chúng ta không thấy nó mà thôi”.

Chúng ta không bị quẳng vào hoả ngục vì một lực bên ngoài nào đó, nó phát triển từ bên trong, như một căn bệnh ung thư thiêng liêng vậy. Nó xuất hiện từ sự tự do và ăn mòn sự tự do ấy, giống như ung thư ăn mòn người bệnh vậy.

 Hoả ngục không phải là “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Tình yêu của Thiên Chúa là một sự thật khách quan; còn “cơn thịnh nộ của Chúa” lại là sự phản chiếu cơn thịnh nộ của loài người dành cho Thiên Chúa, như cách mà bà Julian nhìn thấy  – đó là một sự lầm lẫn tai hại khi ta lầm tình yêu của Chúa thành trận lôi đình. Thiên Chúa thật sự nói với thụ tạo của Người rằng “Ta biết con và Ta yêu mến con", nhưng chúng ta lại nghe thành “Ta không biết ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta.” Điều này giống như cơn giận dữ của đứa con khi nó hiểu lầm tình thương của cha mẹ thành lời đe doạ. Chúng phản chiếu sự căm ghét của chúng lên tình thương của cha mẹ và trải nghiệm tình thương đó như kẻ thù  – đó là: bản tính ích kỉ như một kẻ thù của niềm vui.

Sự tồn tại và bản chất của hoả ngục là một thứ gì đó khác với sự trừng phạt thể lý (sự trừng phạt trong lửa và diêm sinh), được xác định bởi những kẻ được cho là chết về mặt y khoa và được cứu tỉnh lại. Những “kẻ đi qua cái chết” này, đặc biệt là kẻ tự vẫn, thường thấy bản thân trong một nơi vô cùng giống với “grey town/thị trấn xám”  trong tác phẩm Great Divorce/ Cuộc đại li hôn của C.S. Lewis (hiển nhiên là những người đó chưa hề đọc): đó là một nơi ảm đạm mà tại đó tất cả các vấn đề của trái đất mà chúng tìm cách né tránh thì lại được gia tăng cách kịch liệt –  tất nhiên rồi, bởi vốn dĩ những vấn đề của chúng ta không bao giờ nằm ngoài chúng ta, nhưng ở bên trong chúng ta. Và chúng ta không bao giờ có thể trốn tránh chính mình.

Chuyển ngữ từ Everything You Ever Wanted To Know About Heaven của Peter Kreeft

Share:

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Ơn gọi giáo dân

Trích từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

900 Cũng như mọi tín hữu được Thiên Chúa trao nhiệm vụ tông đồ qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, người giáo dân có bổn phận và có quyền, một mình hay họp thành nhóm, hoạt động để mọi người khắp mọi nơi biết đến và đón nhận sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Bổn phận này càng thúc bách hơn nữa, khi chỉ nhờ họ những người khác mới có thể nghe được Tin Mừng và nhận biết Đức Kitô. Trong các cộng đoàn Hội Thánh, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi không có họ, việc tông đồ của các mục tử phần lớn không thể phát huy hiệu quả tối đa (x. LG 33).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tư tế của Chúa Kitô

901 “Vì giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa kết quả nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên “hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 2,5), vì những hiến lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Người bằng đời sống thánh thiện khắp nơi” (LG 34).

902 Đặc biệt, các cha mẹ công giáo tham dự vào nhiệm vụ thánh hóa “khi sống đời vợ chồng và giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo” (CIC, can. 835,4).

903 Nếu hội đủ điều kiện, giáo dân có thể lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ (x.CIC,can 230,1). “Nơi nào nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên, giáo dân dù không có nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định” (CIC, can 230, 3).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ ngôn sứ của Chúa Kitô

904 “Đức Kitô chu toàn chức vụ ngôn sứ không những nhờ hàng giáo phẩm ... nhưng cũng nhờ các giáo dân. Người đã đặt họ làm chứng nhân, bằng cách ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ” (LG 35).

Dạy dỗ người khác để đưa họ đến đức tin là nhiệm vụ của mỗi vị giảng thuyết và còn là cộng tác của mỗi tín hữu (T. Tô-ma A-qui-nô, tổng luận thần học 371,4,3).

905 Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của họ bằng việc phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói”. Nơi giáo dân, “hoạt động phúc âm hóa này ... mang sắc thái và có một hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần gian” (LG 35).

Hoạt động tông đồ này không chỉ là làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn phải tìm dịp loan truyền Đức Kitô bằng lời nói, cho người chưa tin ... hoặc cho tín hữu” (AA 6; x.AG 15).

906 Những giáo dân có khả năng và đã được huấn luyện, cũng có thể cộng tác trong việc hướng dẫn giáo lý (x. CIC can 774;776;780) , giảng dạy các khoa học thánh (x. CIC can
229), việc truyền thông xã hội (x. CIC can 823,1).

907 “Tùy theo nhiệm vụ kiến thức chuyên môn và uy tín của mình, họ có quyền và đôi khi có bổn phận, bày tỏ cho các vị mục tử có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Hội Thánh. Họ cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và phong hóa, cũng như sự tôn kính đối với các mục tử, và quan tâm đến công ích và phẩm giá của tha nhân”(CIC can 212,3).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ vương giả của Chúa Kitô

908 Nhờ vâng phục cho đến chết (x. Pl 2,8-9), Đức Kitô thông ban cho các môn đệ hồng ân tự do vương giả “để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi bản thân họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện” (LG 36).

“Ai chế ngự thân xác và điều khiển hồn mình, không để dục vọng khuất phục là làm chủ bản thân. Người ấy có thể được gọi là vua, vì có khả năng cai trị chính bản thân; người ấy tự do, độc lập và không làm nô lệ cho tội lỗi” (x. T. Am-rô-xiô, chú giải Thánh vịnh 118,14,30: PL 15,1403A).

909 “Ngoài ra, khi các cơ chế và hoàn cảnh sống trong thế gian gây nên dịp tội, giáo dân phải hiệp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh sống đó trở nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy hơn là ngăn trở việc thực hành các nhân đức. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người” (LG 36).

Share:

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Hãy noi gương Đức Ma-ri-a

Trích bài giảng của thánh Lô-ren-xô Giút-ti-a-nô, giám mục.

Khi Đức Ma-ri-a suy đi nghĩ lại trong lòng tất cả những điều đã đọc, đã nghe và đã thấy, thì lòng tin của Người càng lớn mạnh, công phúc của Người càng gia tăng, Người được đức khôn ngoan soi sáng và ngọn lửa mến yêu nung nấu tâm hồn. Khi nghiền ngẫm sâu xa các mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ bày, Đức Ma-ri-a được chan chứa niềm vui, đầy tràn Thần Khí, quy hướng về Thiên Chúa mà vẫn một lòng khiêm hạ. Sự thăng tiến trong ân sủng như thế nâng con người từ chỗ rốt hết lên đến đỉnh cao và càng làm cho thêm rạng rỡ.

Hạnh phúc thay tâm hồn Đức Trinh Nữ, vì được Thần Khí ngự trị bảo ban mà luôn vâng phục Ngôi Lời Thiên Chúa trong mọi sự. Đức Trinh Nữ không để cho tình riêng ý tư điều khiển, nhưng một khi, từ nội tâm, đức khôn ngoan khơi gợi điều gì phải tin, thì Người mau mắn đem ra thực hành. Thật là chính đáng khi Đức Khôn Ngoan xây nhà cho mình trong Hội Thánh, lại nhờ Đức Ma-ri-a rất thánh mà cổ võ việc tuân hành lề luật, thanh tẩy tâm hồn, nêu gương khiêm hạ và dâng tiến hiến lễ thiêng liêng.

Hỡi linh hồn trung tín, hãy noi gương Đức Ma-ri-a! Quả thật, để được thanh tẩy về đường thiêng liêng và có thể rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, bạn hãy bước vào đền thờ tâm hồn của mình. Ở đó, Thiên Chúa nhìn đến thiện ý trong mọi việc chúng ta làm, hơn là chính việc làm.

Vì thế, nhờ miệt mài chiêm niệm, lòng trí chúng ta có thể quy hướng về Thiên Chúa và chỉ tưởng nhớ đến Người ; nhờ gia tăng các nhân đức và thực thi các việc hữu ích cho người thân cận, chúng ta tìm được sự an hoà. Chúng ta hãy làm như vậy, chỉ vì lòng mến của Đức Ki-tô thôi thúc chúng ta. Đây hẳn là hiến lễ thanh tẩy thiêng liêng được Chúa chấp nhận. Hiến lễ này hoàn tất không phải trong đền thờ do tay con người làm nên, nhưng trong đền thờ tâm hồn, nơi Chúa Ki-tô hoan hỷ ngự vào.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho trái tim Đức Trinh Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần. Vì lời Đức Trinh Nữ chuyển cầu, xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen

Lấy từ bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Share:

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Thánh Tâm Chúa Giêsu

Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu là kho tàng tích của mọi sự khôn ngoan và duệ trí. Từng nhịp đập của trái tim đó bày tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa cho mọi người, cho từng cá nhân của chúng ta.

Từ Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta hãy học biết tình yêu của Chúa và hiểu về mầu nhiệm của tội. Chúng ta hãy làm những việc đền tạ Thánh Tâm Chúa vì những tội lỗi chúng ta và đồng loại chúng ta đã phạm. Chúng ta hãy đền tạ vì đã từ chối sự tốt lành của Chúa và tình yêu của Ngài. Mỗi ngày chúng ta hãy đến gần nguồn nước này, từ đó tuôn chảy những nguồn nước sống. Chúng ta hãy cùng kêu lên với người phụ nữ Samari “Xin cho chúng con thứ nước này”, vì nó tuôn đổ sự sống đời đời.”

-Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 1984

“Đừng sợ trình bày với Chúa Giêsu tất cả những ý nguyện của tình nhân loại sầu khổ của chúng ta, những nỗi sợ hãi, những khốn khổ của nó. Xin cho Trái Tim này, tràn đầy tình yêu dành cho loài người, ban cho mọi người niềm hy vọng và tin tưởng.”…Tôi mời các bạn khám phá sự phong phú ẩn chứa trong Trái Tim Chúa Giêsu.” -- ĐTC Phanxicô ngày 17 tháng 6 năm 2020

Share:

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

“Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết....Ai không ăn thịt và uống máu Ta sẽ không có sự sống nơi mình" (Gioan 6:53)

Bạn có bao giờ thắc mắc nếu Lời Chúa thực sự có hiệu lực không vì bạn rước lễ tuần này qua tuần khác, hoặc ngay cả rước lễ hằng ngày, mà chẳng thấy sự gì xảy ra. Phúc Âm nói Mình Máu Thánh Chúa là bảo đảm cho sự sống đời đời. Điều đó chúng ta tin nên không thắc mắc. Điều chúng ta thắc mắc là bản thân tôi lúc này. Tôi là người Công giáo Chúa Nhật nào cũng tham dự Thánh Lễ, rước lễ mà có thấy gì đâu.

Trước hết, chúng ta cần sự kiên nhẫn với bản thân. Trong thế giới hữu hình, chúng ta cần khoảng 25 năm để thân xác này phát triển đến độ trưởng thành. Trong thế giới thiêng liêng cũng vậy, để trưởng thành đòi hỏi thời gian và nhiều luyện tập. Ngày qua ngày chúng ta cần ngủ, nghỉ, ăn uống… Trong đời sống thể lý, nếu không ăn không uống đủ những dinh dưỡng cơ thể cần đến, chúng ta sẽ bị bệnh tật tấn công. Tâm hồn chúng ta cũng cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng nếu không, linh hồn sẽ không còn thấy rõ ràng, những suy nghĩ sai lầm sẽ đến, những suy nghĩ sai lầm đó sẽ điều khiển đời sống chúng ta làm chúng ta rối loạn và đánh mất hy vọng.

Với bí tích Thánh Thể, Chúa dọn Bàn Tiệc để nuôi dưỡng tâm linh và ban sức mạnh dồi dào cho tâm hồn. Chúa đã lập nên các bí tích để tiếp tục việc chữa lành, tha tội, rửa sạch linh hồn khỏi những ô uế bám vào nó trong cuộc sống. Dù chúng ta cảm nhận được hay không, chúng ta phải tin Chúa luôn thực hiện lời hứa của Ngài.

Nhưng không phải ai ăn cũng sẽ được mạnh khỏe. Chẳng hạn như có người ăn xong một bữa ăn rất dinh dưỡng, ra khỏi bàn ăn, bạn đi uống rượu làm phân hủy hết mọi chất dinh dưỡng mà cơ thể người ấy cần.

Chúng ta cũng cần đón nhận Mình Máu Thánh Chúa với tấm lòng biết ơn và với “bao tử” đã được chuẩn bị sẵn sàng, trong trạng thái có thể lãnh nhận thức ăn. Nếu chúng ta mắc tội trọng, chúng ta phải đi xưng tội trước vì lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa cách không xứng đáng sẽ làm hại đến sức khỏe linh hồn chúng ta. Khi chúng ta không mắc tội trọng, bí tích Thánh Thể sẽ giúp chữa lành chúng ta với “dinh dưỡng” của Mình Máu Thánh Chúa.

Vậy chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón nhận Chúa. Sự hữu hiệu của thức ăn ấy là phần của ân sủng Chúa ban tùy theo ý định của Ngài.

Bạn chuẩn bị tâm hồn các xứng đáng bằng việc chú tâm lắng nghe lời Chúa trong phần đầu của Thánh Lễ. Vì đó chính là lúc Chúa nói với dân của Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Gioan 6:25).

Share:

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Lòng tôn kính Đức Maria chân thật và giả hiệu

Người Công giáo Việt Nam có thể nói là có lòng sùng kính Mẹ Maria vào hàng nhất nhì thế giới. Nhưng đại đa số lòng sùng kính đó xuất phát từ thứ tình cảm bình dân đúng nghĩa. Do đó có thể có vài lệch lạc. Cho nên, phải xem xét và học hỏi, để lòng sùng kính Mẹ Maria luôn đi đôi với huấn quyền, giáo lý của Hội Thánh Công giáo, và thể hiện được tình con thảo với Mẹ.

Vậy, trước nhất ta phải loại bỏ mọi hình thức tôn kính giả hiệu sau đây.

Không được có thái độ kiêu căng của kẻ tự cho mình bụng đầy kiến thức. Kinh Thánh không có mấy dòng về Mẹ Maria, mà những gì được biết về Mẹ phần lớn lại đến từ các mặc khải tư, và các cuộc hiện ra của Mẹ trên toàn thế giới. Cho nên, phải tránh thái độ coi thường mặc khải tư, lấy cớ mặc khải tư không thuộc về kho tàng chân lý đức tin. Tuy đúng là vậy, nhưng mặc khải tư lại là lời nhắc nhở về những điều Chúa đã dạy trong Kinh Thánh. Cũng không được coi thường, xem các phép lạ, các cuộc hiện ra của Mẹ là “tin cũng được, không tin cũng được”. Lời Mẹ nhắn nhủ từ Lộ Đức, từ Fatima năm xưa vẫn còn giá trị tới ngày nay. Và đặc biệt là Fatima, việc rất nhiều linh mục và thần học gia vẫn đang thích thú nghiên cứu thông điệp của Mẹ là chuyện có thật. Mà lời của Mẹ chẳng có gì là mới, cho bằng đó là lời cảnh báo gián tiếp của Chúa thông qua Mẹ, để con cái Chúa biết đường mà sửa mình.

Cũng không được có thái độ sợ sệt, sợ tôn kính Mẹ thì làm giảm uy phong của Chúa. Con người chẳng thể yêu mến Mẹ nhiều cho bằng Chúa Giêsu yêu mến Mẹ. Con người cũng chẳng thể tôn kính Mẹ cho bằng Chúa Cha làm cho Mẹ được hiển vinh. Con người cũng chẳng thể hiểu được ơn huệ Chúa Thánh Thần ban cho Mẹ dư đầy như thế nào. Cho nên, đừng sợ phải tôn kính Mẹ. Điều đó chẳng những không làm giảm uy phong của Chúa, mà trái lại còn dâng lên cho Người danh dự và vinh quang, và cũng đảm bảo con đường cứu độ, bởi Mẹ là con đường ngắn nhất dẫn về Chúa Giêsu.

Cũng không được tôn kính Mẹ theo hình thức bề ngoài. Đừng có tham gia, tổ chức các buổi dâng hoa, rước kiệu Mẹ mà khi về nhà lại chẳng thay đổi được nếp sống cho thánh thiện, đạo đức hơn.

Tương tự, cũng đừng tôn kính Mẹ cho có lệ. Đừng tưởng cứ đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, mặc áo Đức Bà là được chắc phần rỗi. Ấy là chưa có chắc, nhất là đối với kẻ nào cứ ở lì trong tội.

Và cũng đừng đến với Mẹ chỉ với mục đích vụ lợi. Vụ lợi là xin các “ơn” như được đi nước ngoài, kiếm được công việc “ngon”, được khỏi bệnh, được thi đậu... Mẹ “cho” thì kính, không “cho” thì bái bai Mẹ luôn.

Nhưng, lòng tôn kính Mẹ đích thực thì như thế này.

Phải phát xuất từ trái tim chân thành, biết suy gẫm vị thế cao cả, các đặc ân của Mẹ Maria. Phải nhận thức được Mẹ không chỉ là một người nữ bình thường, nhưng Mẹ rất có thần thế trước mặt Chúa.

Và phải đến với Mẹ bằng tình đơn sơ con thảo. Lòng tôn kính ấy sẽ là chân thật, khi ta học lấy gương nhân đức của Mẹ, đó là sự thánh thiện, khiêm nhường, phó thác, khiết tịnh, vâng phục...

Và cuối cùng, phải có sự kiên trì bền đỗ. Không ai cấm chúng ta xin Mẹ điều này điều kia. Nhưng, như đã nói, ta hãy tránh hình thức chỉ xin vụ lợi. Và sau nữa, hãy nhớ rằng ý Mẹ đã nên một với ý Chúa. Nếu Chúa muốn thì Mẹ cũng muốn, nếu Chúa không muốn thì Mẹ cũng không. Cho nên, phải có sự bền trí cầu nguyện, và Đức Mẹ trung gian ơn lành của Chúa, bằng cách nào và khi nào, thì tùy ý Mẹ. Nếu ta được nhận lời, thì hãy dâng lời cảm tạ và tiếp tục thái độ tin cậy mến đó. Trái lại, nếu ta “phải” nhận thánh giá, thì cũng hãy một lòng vững tin như Mẹ vậy.

Nguồn: Fx LDT

Share:

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận (hesed), giàu nhân nghĩa và thành tín (emeth)

Bài đọc 1
Bài trích sách Xuất hành. Xh 34,4b-6.8-9
Khi ấy, ông Mô-sê thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá. Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”

Bối cảnh của đoạn văn này rất quan trọng. Đây không phải là lần đầu tiên Môsê lên núi. Đây là Môsê trở lên núi lại sau khi dân Israel bỏ Chúa và thờ bò vàng. Môsê đã xuống núi, gián đoạn việc lãnh nhận chỉ thị để xây Nhà Tạm, để điều khiển một dân tộc đang cuồng nhiệt trong nghi thức và truy hoan trác táng thờ thần bò Apis của Ai cập.

Lúc này, ông trở lại núi để cầu thay cho dân chúng và xin ơn tha thứ cho dân Chúa, cũng như tái lập giao ước. Thiên Chúa chấp nhận lời cầu bầu của Môsê thay cho dân Israel, đồng ý tha thứ và thiết lập lại giao ước. Nhưng Môsê có thêm một yêu cầu: ông muốn nhìn thấy mặt Chúa. Chúa không thể bày tỏ “khuôn mặt” của Ngài (sự mặc khải không qua trung gian) cho Môsê khi ông còn sống (không ai thấy Chúa mà sống). Nhưng khi ở trên núi, Chúa đã đi xuống và cho phép Môsê thấy “phía sau” của Chúa (sự mặc khải qua trung gian hoặc gián tiếp). Vì vậy, Chúa đi qua trước mặt Môsê trong khi Môsê ẩn mình trong một khe đá. Khi sự hiện diện của Ngài đi ngang qua, CHÚA tuyên bố “danh” của Ngài, tức là tuyên bố thực chất của Ngài là gì: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận (hesed), giàu nhân nghĩa và thành tín (emeth)”. Vậy tại sao đoạn này được đọc vào Chúa nhật Chúa Ba Ngôi? Vào ngày lễ này, chúng ta suy ngẫm về bản chất thật của Thiên Chúa, và đây là một trong những bản văn quan trọng nhất của Cựu Ước đề cập đến Thiên Chúa là Đấng nào. Câu trả lời là bản chất của Chúa chủ yếu bao gồm lòng thương xót, hồng ân, ơn tha thứ, sự thật và đặc biệt là sự trung thành với giao ước.

Điều này có liên quan đến Chúa Ba Ngôi, có ý nghĩa cứu chuộc cho chúng ta. Khi nhận ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, chúng ta nhận ra được vài điều. Trước hết, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không sai một thụ tạo nào khác đến chịu đau khổ và chết thay cho chúng ta, nhưng chính Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Thứ hai, rõ ràng là Thiên Chúa không chỉ chia sẻ sức mạnh hay quyền năng của Ngài cho chúng ta, mà Ngài còn chia sẻ chính sự sống của Ngài, chính bản thân Ngài cho chúng ta.

Vì nếu Thiên Chúa không phải là Chúa Ba Ngôi, thì Đức Giêsu, Chúa Con là một thụ tạo, và Thiên Chúa đã sai một thụ tạo để thực hiện công việc cứu chuộc chúng ta thay vì chính Ngài làm việc đó. Và nếu Thiên Chúa không phải là Chúa Ba Ngôi, thì Chúa Thánh Thần không phải là Thiên Chúa mà là một năng lực phát ra từ Đấng Toàn năng. Nghĩa là chúng ta không đón nhận chính Chúa vào linh hồn nhờ đức tin và các bí tích, nhưng qua một điều gì khác tỏa ra từ Ngài.

Hơn nữa, Thiên Chúa Ba Ngôi mặc khải rằng Thiên Chúa, trong chính Ngài, là một vòng tròn của tình yêu tự hiến. Trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa không tồn tại như một cá thể duy nhất tự đề cao mình, nhưng Ngài tồn tại như một sự hiệp thông của các Ngôi vị được nối kết với món quà bản thân, sự tự hiến bản thân trong tình yêu. Một cách để nghĩ về điều đó là Chúa Cha liên tục trao ban chính mình cho Chúa Con, và Chúa Con trao ban chính mình cho Chúa Cha, và  sự trao ban bản thân này là Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự trao ban bản thân trong tình yêu, vốn là bản chất của hesed, thuộc về bản chất của Thiên Chúa từ thuở đời đời. Đó không phải là một đặc điểm ngẫu nhiên trong đặc tính của Thiên Chúa nảy sinh khi Ngài tạo ra những sinh vật khác để được yêu thương.

Vì vậy, tín điều về Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu chung thủy (hesed) là trọng tâm của bản chất Thiên Chúa, và Ngài chia sẻ chính Ngài với chúng ta theo một cách sâu sắc và mật thiết hơn chúng ta có thể tưởng tượng được.

------------

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 3:16-18)
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Tình yêu là bản thể của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một cá thể độc nhất, chỉ có chính mình để yêu thương trước khi tạo vật được tạo ra. Chỉ biết yêu bản thân là một hình thức không hoàn hảo của tình yêu. Vì thế, vị chúa ấy cần các tạo vật để yêu hầu có thể để đạt tới tình yêu hoàn hảo, vị chúa ấy sẽ không hoàn hảo trong chính mình.

Tình yêu tự hiến là hình thức cao cả nhất của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Từ muôn thuở Cha Con trao ban chính mình cho nhau. Vì thế, việc Chúa Cha trao ban Chúa Con cho thế giới, và việc Chúa Con tự hiến mình cho thế giới và cho Chúa Cha, không gì khác hơn là một lời mời gọi thế giới bước vào vòng tròn tình yêu xác định bản chất của Thiên Chúa.

 Tại sao cần phải tin vào Chúa Con? Vì chỉ Chúa Giêsu mới có thể mạc khải cho chúng ta sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Môsê tiết lộ một số lẽ thật về Thiên Chúa. Mohammed đã miêu tả Chúa như một Đấng toàn năng, một chủ nhân, không có con cái theo bất kỳ nghĩa nào, không hiến thân cho chúng ta và không chia sẻ với chúng ta chính bản thể của Ngài. Đức Phật thực sự là một người theo thuyết bất khả tri, không quan tâm đến việc khám phá bản chất của Thiên Chúa hay thậm chí khẳng định rõ ràng sự tồn tại của Thiên Chúa.

Chỉ một mình Chúa Giêsu, giữa các thầy dạy tôn giáo, các nhà triết gia trên thế giới, tuyên bố bằng lời và hành động của Ngài rằng Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, Đấng đã ban Con Một của mình để cứu rỗi thế giới, và Chúa Con, một cách bí ẩn và huyền diệu, chính là Chúa Cha vì “Cha và Ta là một,” (Gioan 10:30) và “Ai đã thấy Ta là đã thấy Cha” (14:9). Do đó, ai không tin vào Chúa Con sẽ bị kết án mãi mãi để phải vật lộn với sự hiểu biết không đầy đủ về Thiên Chúa. Điều này dẫn đến — không sớm thì muốn — sự ghẻ lạnh với Thiên Chúa. Chúng ta trở nên giống như những gì chúng ta tôn thờ. Vậy thì việc thật sự hiểu bản chất của Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng thật quan trọng biết bao. Việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi phải dẫn chúng ta đến một đời sống yêu thương tự hiến.

Hơn nữa, trong khi chúng ta đấu tranh trên trái đất này để học cách luôn trao ban bản thân và không trở nên ích kỷ, một tên gọi khác của nó là của tội lỗi, chúng ta có thể tự an ủi mình với niềm hy vọng chắc chắn rằng những gì đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này sẽ được đảm bảo trong vòng tròn của tình yêu tự hiến, đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên đàng không phải là một chuyến đi đến Thế giới vui chơi, Disney World, hay một cảm nghiệm thần thiêng nửa tỉnh nửa mê. Thiên đàng là một sự hiệp thông ngây ngất, mãnh liệt, thân mật và vĩnh cửu với các ngôi vị, trước hết là với Ba Ngôi Thiên Chúa, và sau đó là tất cả chúng ta, tất cả những chi thể trong Nhiệm thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, tất cả đều chìm đắm trong vòng lửa yêu thương.
--Dr. John Bergsma

Share:

Blog Archive

Blog Archive