Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Chúa nhật thứ XII Mùa Thường Niên, Năm A -- Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (10:26-33)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

-----

Những lời này có ý nghĩa gì với chúng ta? Đây là những lời đầy thách thức của Chúa Giêsu. Trước hết, rõ ràng là các môn đệ của Chúa Giêsu sợ hãi. Từ trước đến giờ, Chúa Giêsu đã đi khắp nơi với họ. Ngài giảng dạy và giờ đây Ngài cử họ từng đôi một, ra đi giảng dạy về nước trời nên rõ ràng là họ lo lắng, sợ hãi, run sợ về việc lần đầu tiên đi làm sứ mệnh. Vì vậy, một trong những lời khuyên của Chúa Giêsu đối với họ là “đừng sợ”. Đó là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai: bạn hãy để ý đến sự nhấn mạnh vào là các môn đệ không chỉ sợ việc đi giảng dạy, nhưng họ đặc biệt sợ tử đạo. Tại sao Chúa Giêsu nói họ không nên sợ chết? Chẳng lẽ việc sợ, không chỉ là sợ chết mà còn là bị giết chết vì Tin Mừng không là điều hợp lý sao? Điều Chúa Giêsu nói có nghĩa là gì và tại sao Chúa Giêsu lại nói như vậy?

Câu hỏi thứ ba ở đây là khi Chúa Giê-su nói “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục,” Chúa đang nói về điều gì?

Trước hết, lời khuyên “đừng sợ” của Chúa Giê-su ở đây tự nó là một thách đố. Như bạn đã biết, nếu bạn đã sống trong thế giới này dù chỉ vài năm, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng trái đất này là một nơi nguy hiểm. Cuộc sống thì rất mong manh, hôm nay còn, mai mất. Tệ nạn, hiểm nguy trên đời nhiều vô số kể, nên sợ hãi là điều đương nhiên. Tại sao Ngài bảo họ “đừng sợ”?

Nhưng nếu bạn đặt câu này vào ngữ cảnh, câu này không ở trong bài đọc hôm nay. Trong Phúc âm Mát-thêu 10:24-25, bối cảnh là Chúa Giê-su nói với các môn đồ đầy tớ không trọng hơn chủ mình nên nếu người ta nói rằng Ngài bị Bê-ên-xê-bun ám, thì họ cũng sẽ không nói tốt về các môn đệ của Ngài. Nói cách khác, các môn đệ có thể bị bắt bớ, có thể bị vu khống như Chúa Giêsu đã bị vu khống.

Nhưng những gì Chúa đang nói với các môn đệ là “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” Nói cách khác, sự thật sẽ được bộc lộ là điều Chúa Giêsu muốn nói với họ. Sự thật về Đấng Kitô là ai cuối cùng sẽ được biết đến mặc dù hiện tại Ngài đang hoạt động cách bí ẩn. Chẳng hạn Chúa Giêsu thường cấm người ta: “Đừng nói gì cả”, đừng nói Ngài là Con Thiên Chúa vì cuối cùng nó sẽ được bày tỏ. Vì vậy, họ không cần phải sợ hãi, họ sẽ công bố sự thật đó từ trên nóc nhà.

Và khi họ làm điều đó, họ sẽ bắt đầu gặp phải sự bắt bớ như Chúa Giêsu. Vì vậy, Ngài nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” Chúa Giêsu ám chỉ điều gì ở đây? Các từ Hy Lạp ở đây là sōma, về cơ bản là từ cho cơ thể của chúng ta, và sau đó là psychē - chúng ta có từ tâm lý học từ đó (psychology) – dùng để chỉ tâm thần / linh hồn – là nguyên lí thiêng liêng, nguyên lí làm thống nhất cơ thể và làm nó được sinh động. Điều Người muốn nói là “đừng sợ những kẻ có thể giết thân xác, những kẻ có thể hủy hoại thân xác hay chết của các con, vì chúng không thể làm cho các con mất linh hồn. Thay vì vậy, các con phải sợ hãi Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn và thể xác trong địa ngục”, hay như người Hy Lạp nói theo nghĩa đen, ở Gehenna, nơi dành cho những kẻ bị nguyền rủa.

Vì vậy, Chúa Giêsu đang giúp môn đệ có một nỗi sợ hãi hợp lý thay vì một nỗi sợ hãi phi lý. Mặc dù hầu hết chúng ta nghĩ rằng việc sợ chết là hợp lý; chúng ta có cảm giác rằng cái chết là đau đớn, là sự kết thúc cuộc sống tự nhiên của chúng ta. Chúa Giêsu lại nói thật phi lý khi sợ cái chết thể xác, cái chết tạm thời và hữu hạn – dù kinh khủng đến đâu, nó chỉ tồn tại trong một thời gian - hơn là sợ cái chết tâm linh, bởi vì cái chết tâm linh – bị tách rời khỏi Thiên Chúa, mãi mãi ở Gehenna, tên gọi cổ xưa của người Do Thái dành cho địa ngục, cõi dành cho sự chết – là thứ sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ kết thúc.

Vì thế, điều Người muốn nói với các môn đệ là “khi anh em ra đi rao giảng Tin Mừng, anh em không có lý do gì để sợ hãi, ngay cả khi mạng sống của anh em gặp nguy hiểm, bởi vì bằng việc rao giảng Tin Mừng, anh em sẽ cứu được linh hồn mình, và sự sống của linh hồn anh em sẽ tồn tại mãi mãi, trong khi sự sống của thể xác trên thế gian này chỉ là nhất thời.”

Chúa Giêsu đang cố gắng chuyển đổi cách nhìn của các môn đồ về cuộc sống của họ, cách họ nhìn thấy thực tế, đảo ngược nó để họ có thể thấy cách Thiên Chúa thấy. Ngài dạy họ hãy nhìn với con mắt của Thiên Chúa, từ quan điểm của cõi vĩnh cửu, để hiểu rằng mặc dù họ sống trong thế giới này, họ được tạo ra cho sự sống đời đời, họ được tạo ra cho sự vĩnh cửu

Một số người có thể nói “Khoan đã! Chúa nói điều gì ở đây khi Ngài nói “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.”? Các Kinh thánh gia đã có một cuộc tranh luận về điều này. Một số người sẽ nói rằng những gì Ngài nói là hãy sợ Satan, bởi vì nó có thể kéo con người xuống địa ngục qua việc cám dỗ, qua việc làm cho ta sợ hãi và phạm tội. Đó là một cách giải thích có thể được chấp nhận vì thư thứ nhất của thánh Phêrô nói ma quỷ tìm cách làm cho người ta sa ngã, nó tìm cách hủy diệt sự công chính, hủy hoại các linh hồn, nó tìm cách khiến họ sa hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu đang nói gì ở đây? Ngài đang nói rằng đừng sợ con người, những kẻ chỉ có thể giết chết cơ thể bạn. Hãy sợ Chúa, Đấng có thể ném cả thân thể và linh hồn bạn vào ngọn lửa của Gehenna, nơi bạn sẽ bị tách lìa khỏi Chúa cách vĩnh viễn, nơi bạn sẽ trải nghiệm một loại hủy diệt tâm linh hay cái chết tâm linh, chính là địa ngục.

Vì vậy, nếu bạn quay lại Cựu Ước trong Isaia 8:12-13 chẳng hạn, đó là một đoạn khá tương đương với đoạn này. Isaia 8 có nói “Chính ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng các ngươi phải nhìn nhận là thánh. Chính Người là Đấng các ngươi phải sợ, chính Người là Đấng các ngươi phải kinh hãi.” Nói cách khác, Isaia không nói bạn phải sợ Chúa đến mức bạn không thể có mối tương quan với Ngài, hoặc nghĩ rằng Ngài là một bạo chúa. Điều Isaia nói ở đây là một sự kính sợ hợp lý, một nỗi sợ hãi hợp lý khi xúc phạm đến Chúa; hãy sợ phạm tội chống lại Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và liêm chính, hãy sợ xúc phạm Chúa đến nỗi bạn sẽ bị tách lìa khỏi Ngài, phá vỡ giao ước với Ngài, phá vỡ mối quan hệ của bạn với Ngài. Đó là sự kính sợ Chúa mà Cựu Ước nói đến và sự kính sợ này thực ra là khởi đầu của sự khôn ngoan. Sách Châm ngôn nói điều đó nhiều lần và một trong các Thánh vịnh cũng nói rằng, kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan.

Đôi khi điều đó làm người ta phản cảm, họ nghĩ rằng như vậy có nghĩa là họ phải “sợ Chúa” theo cách họ phải sợ ai đó muốn làm hại mình. Đó không phải là ý nghĩa của Kinh thánh. Nỗi sợ ở đây là nỗi sợ xuất phát từ sự kính nể, xuất phát từ tình yêu. Nói cách khác, chúng ta sợ xúc phạm đến Thiên Chúa vì Ngài quá tốt lành với chúng ta, quá thánh thiện, vì Ngài là một người Cha yêu thương, và cũng vì phạm tội có nghĩa là phải xa Ngài mãi mãi trong hỏa ngục. Đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói ở đây, Chúa Giêsu đang cố gắng dạy các môn đệ hãy từ bỏ nỗi sợ hãi trần thế và hãy có cái sợ siêu nhiên về tội lỗi.

Đây là sự lựa chọn: sự lựa chọn giữa việc phạm tội chống lại Chúa và đánh mất linh hồn mãi mãi, hoặc chết để có được sự sống đời đời. Khi so sánh như vậy, sự lựa chọn thì rõ ràng. Chọn cái chết thân xác để được sống mãi mãi có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chọn sống một cuộc sống chỉ là trần tục, và có thể là với cái giá của cái chết vĩnh viễn, do xa cách Thiên Chúa trong ngọn lửa của Gehenna. Đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu ở đây. -- Dr. Brant Pitre

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive