Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận (hesed), giàu nhân nghĩa và thành tín (emeth)

Bài đọc 1
Bài trích sách Xuất hành. Xh 34,4b-6.8-9
Khi ấy, ông Mô-sê thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá. Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”

Bối cảnh của đoạn văn này rất quan trọng. Đây không phải là lần đầu tiên Môsê lên núi. Đây là Môsê trở lên núi lại sau khi dân Israel bỏ Chúa và thờ bò vàng. Môsê đã xuống núi, gián đoạn việc lãnh nhận chỉ thị để xây Nhà Tạm, để điều khiển một dân tộc đang cuồng nhiệt trong nghi thức và truy hoan trác táng thờ thần bò Apis của Ai cập.

Lúc này, ông trở lại núi để cầu thay cho dân chúng và xin ơn tha thứ cho dân Chúa, cũng như tái lập giao ước. Thiên Chúa chấp nhận lời cầu bầu của Môsê thay cho dân Israel, đồng ý tha thứ và thiết lập lại giao ước. Nhưng Môsê có thêm một yêu cầu: ông muốn nhìn thấy mặt Chúa. Chúa không thể bày tỏ “khuôn mặt” của Ngài (sự mặc khải không qua trung gian) cho Môsê khi ông còn sống (không ai thấy Chúa mà sống). Nhưng khi ở trên núi, Chúa đã đi xuống và cho phép Môsê thấy “phía sau” của Chúa (sự mặc khải qua trung gian hoặc gián tiếp). Vì vậy, Chúa đi qua trước mặt Môsê trong khi Môsê ẩn mình trong một khe đá. Khi sự hiện diện của Ngài đi ngang qua, CHÚA tuyên bố “danh” của Ngài, tức là tuyên bố thực chất của Ngài là gì: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận (hesed), giàu nhân nghĩa và thành tín (emeth)”. Vậy tại sao đoạn này được đọc vào Chúa nhật Chúa Ba Ngôi? Vào ngày lễ này, chúng ta suy ngẫm về bản chất thật của Thiên Chúa, và đây là một trong những bản văn quan trọng nhất của Cựu Ước đề cập đến Thiên Chúa là Đấng nào. Câu trả lời là bản chất của Chúa chủ yếu bao gồm lòng thương xót, hồng ân, ơn tha thứ, sự thật và đặc biệt là sự trung thành với giao ước.

Điều này có liên quan đến Chúa Ba Ngôi, có ý nghĩa cứu chuộc cho chúng ta. Khi nhận ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, chúng ta nhận ra được vài điều. Trước hết, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không sai một thụ tạo nào khác đến chịu đau khổ và chết thay cho chúng ta, nhưng chính Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Thứ hai, rõ ràng là Thiên Chúa không chỉ chia sẻ sức mạnh hay quyền năng của Ngài cho chúng ta, mà Ngài còn chia sẻ chính sự sống của Ngài, chính bản thân Ngài cho chúng ta.

Vì nếu Thiên Chúa không phải là Chúa Ba Ngôi, thì Đức Giêsu, Chúa Con là một thụ tạo, và Thiên Chúa đã sai một thụ tạo để thực hiện công việc cứu chuộc chúng ta thay vì chính Ngài làm việc đó. Và nếu Thiên Chúa không phải là Chúa Ba Ngôi, thì Chúa Thánh Thần không phải là Thiên Chúa mà là một năng lực phát ra từ Đấng Toàn năng. Nghĩa là chúng ta không đón nhận chính Chúa vào linh hồn nhờ đức tin và các bí tích, nhưng qua một điều gì khác tỏa ra từ Ngài.

Hơn nữa, Thiên Chúa Ba Ngôi mặc khải rằng Thiên Chúa, trong chính Ngài, là một vòng tròn của tình yêu tự hiến. Trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa không tồn tại như một cá thể duy nhất tự đề cao mình, nhưng Ngài tồn tại như một sự hiệp thông của các Ngôi vị được nối kết với món quà bản thân, sự tự hiến bản thân trong tình yêu. Một cách để nghĩ về điều đó là Chúa Cha liên tục trao ban chính mình cho Chúa Con, và Chúa Con trao ban chính mình cho Chúa Cha, và  sự trao ban bản thân này là Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự trao ban bản thân trong tình yêu, vốn là bản chất của hesed, thuộc về bản chất của Thiên Chúa từ thuở đời đời. Đó không phải là một đặc điểm ngẫu nhiên trong đặc tính của Thiên Chúa nảy sinh khi Ngài tạo ra những sinh vật khác để được yêu thương.

Vì vậy, tín điều về Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu chung thủy (hesed) là trọng tâm của bản chất Thiên Chúa, và Ngài chia sẻ chính Ngài với chúng ta theo một cách sâu sắc và mật thiết hơn chúng ta có thể tưởng tượng được.

------------

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 3:16-18)
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Tình yêu là bản thể của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một cá thể độc nhất, chỉ có chính mình để yêu thương trước khi tạo vật được tạo ra. Chỉ biết yêu bản thân là một hình thức không hoàn hảo của tình yêu. Vì thế, vị chúa ấy cần các tạo vật để yêu hầu có thể để đạt tới tình yêu hoàn hảo, vị chúa ấy sẽ không hoàn hảo trong chính mình.

Tình yêu tự hiến là hình thức cao cả nhất của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Từ muôn thuở Cha Con trao ban chính mình cho nhau. Vì thế, việc Chúa Cha trao ban Chúa Con cho thế giới, và việc Chúa Con tự hiến mình cho thế giới và cho Chúa Cha, không gì khác hơn là một lời mời gọi thế giới bước vào vòng tròn tình yêu xác định bản chất của Thiên Chúa.

 Tại sao cần phải tin vào Chúa Con? Vì chỉ Chúa Giêsu mới có thể mạc khải cho chúng ta sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Môsê tiết lộ một số lẽ thật về Thiên Chúa. Mohammed đã miêu tả Chúa như một Đấng toàn năng, một chủ nhân, không có con cái theo bất kỳ nghĩa nào, không hiến thân cho chúng ta và không chia sẻ với chúng ta chính bản thể của Ngài. Đức Phật thực sự là một người theo thuyết bất khả tri, không quan tâm đến việc khám phá bản chất của Thiên Chúa hay thậm chí khẳng định rõ ràng sự tồn tại của Thiên Chúa.

Chỉ một mình Chúa Giêsu, giữa các thầy dạy tôn giáo, các nhà triết gia trên thế giới, tuyên bố bằng lời và hành động của Ngài rằng Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, Đấng đã ban Con Một của mình để cứu rỗi thế giới, và Chúa Con, một cách bí ẩn và huyền diệu, chính là Chúa Cha vì “Cha và Ta là một,” (Gioan 10:30) và “Ai đã thấy Ta là đã thấy Cha” (14:9). Do đó, ai không tin vào Chúa Con sẽ bị kết án mãi mãi để phải vật lộn với sự hiểu biết không đầy đủ về Thiên Chúa. Điều này dẫn đến — không sớm thì muốn — sự ghẻ lạnh với Thiên Chúa. Chúng ta trở nên giống như những gì chúng ta tôn thờ. Vậy thì việc thật sự hiểu bản chất của Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng thật quan trọng biết bao. Việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi phải dẫn chúng ta đến một đời sống yêu thương tự hiến.

Hơn nữa, trong khi chúng ta đấu tranh trên trái đất này để học cách luôn trao ban bản thân và không trở nên ích kỷ, một tên gọi khác của nó là của tội lỗi, chúng ta có thể tự an ủi mình với niềm hy vọng chắc chắn rằng những gì đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này sẽ được đảm bảo trong vòng tròn của tình yêu tự hiến, đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên đàng không phải là một chuyến đi đến Thế giới vui chơi, Disney World, hay một cảm nghiệm thần thiêng nửa tỉnh nửa mê. Thiên đàng là một sự hiệp thông ngây ngất, mãnh liệt, thân mật và vĩnh cửu với các ngôi vị, trước hết là với Ba Ngôi Thiên Chúa, và sau đó là tất cả chúng ta, tất cả những chi thể trong Nhiệm thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, tất cả đều chìm đắm trong vòng lửa yêu thương.
--Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét