Trích từ Giáo lý Hội thánh Công giáo
900 Cũng như mọi tín hữu được Thiên Chúa trao nhiệm vụ tông đồ qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, người giáo dân có bổn phận và có quyền, một mình hay họp thành nhóm, hoạt động để mọi người khắp mọi nơi biết đến và đón nhận sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Bổn phận này càng thúc bách hơn nữa, khi chỉ nhờ họ những người khác mới có thể nghe được Tin Mừng và nhận biết Đức Kitô. Trong các cộng đoàn Hội Thánh, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi không có họ, việc tông đồ của các mục tử phần lớn không thể phát huy hiệu quả tối đa (x. LG 33).
Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tư tế của Chúa Kitô
901 “Vì giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa kết quả nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên “hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 2,5), vì những hiến lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Người bằng đời sống thánh thiện khắp nơi” (LG 34).
902 Đặc biệt, các cha mẹ công giáo tham dự vào nhiệm vụ thánh hóa “khi sống đời vợ chồng và giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo” (CIC, can. 835,4).
903 Nếu hội đủ điều kiện, giáo dân có thể lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ (x.CIC,can 230,1). “Nơi nào nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên, giáo dân dù không có nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định” (CIC, can 230, 3).
Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ ngôn sứ của Chúa Kitô
904 “Đức Kitô chu toàn chức vụ ngôn sứ không những nhờ hàng giáo phẩm ... nhưng cũng nhờ các giáo dân. Người đã đặt họ làm chứng nhân, bằng cách ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ” (LG 35).
Dạy dỗ người khác để đưa họ đến đức tin là nhiệm vụ của mỗi vị giảng thuyết và còn là cộng tác của mỗi tín hữu (T. Tô-ma A-qui-nô, tổng luận thần học 371,4,3).
905 Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của họ bằng việc phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói”. Nơi giáo dân, “hoạt động phúc âm hóa này ... mang sắc thái và có một hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần gian” (LG 35).
“Hoạt động tông đồ này không chỉ là làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn phải tìm dịp loan truyền Đức Kitô bằng lời nói, cho người chưa tin ... hoặc cho tín hữu” (AA 6; x.AG 15).
906 Những giáo dân có khả năng và đã được huấn luyện, cũng có thể cộng tác trong việc hướng dẫn giáo lý (x. CIC can 774;776;780) , giảng dạy các khoa học thánh (x. CIC can
229), việc truyền thông xã hội (x. CIC can 823,1).
907 “Tùy theo nhiệm vụ kiến thức chuyên môn và uy tín của mình, họ có quyền và đôi khi có bổn phận, bày tỏ cho các vị mục tử có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Hội Thánh. Họ cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và phong hóa, cũng như sự tôn kính đối với các mục tử, và quan tâm đến công ích và phẩm giá của tha nhân”(CIC can 212,3).
Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ vương giả của Chúa Kitô
908 Nhờ vâng phục cho đến chết (x. Pl 2,8-9), Đức Kitô thông ban cho các môn đệ hồng ân tự do vương giả “để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi bản thân họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện” (LG 36).
“Ai chế ngự thân xác và điều khiển hồn mình, không để dục vọng khuất phục là làm chủ bản thân. Người ấy có thể được gọi là vua, vì có khả năng cai trị chính bản thân; người ấy tự do, độc lập và không làm nô lệ cho tội lỗi” (x. T. Am-rô-xiô, chú giải Thánh vịnh 118,14,30: PL 15,1403A).
909 “Ngoài ra, khi các cơ chế và hoàn cảnh sống trong thế gian gây nên dịp tội, giáo dân phải hiệp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh sống đó trở nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy hơn là ngăn trở việc thực hành các nhân đức. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người” (LG 36).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét