Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đức Maria, Hòm bia của Giao Ước Mới

Lời từ video:

Chúa Giêsu là Ađam mới; Đức Maria là Evà mới. Còn Hòm Bia Giao Ước thì sao? Nếu bạn nhìn vào Tân Ước, Tân Ước mô tả rất rõ ràng Chúa Giêsu là Manna mới từ trời trong Gioan chương 6. Tôi đã viết về điểm này trong cuốn sách “Jesus and the Jewish roots of the Eucharist / Chúa Giêsu và nguồn gốc Do thái giáo của Thánh Thể.” Chúa Giêsu mô tả Ngài chính là bánh từ trời xuống. Nếu bạn là người Do thái ở thế kỷ thứ nhất và bạn biết điều trên về Chúa Giêsu, câu hỏi theo sau sẽ là nếu Chúa Giêsu là Manna mới thì Hòm Bia mới đang ở đâu? Vì người Do thái nào cũng biết khi Manna rơi xuống, người ta bỏ Manna trong hũ vàng, rồi đặt hũ trong Hòm Bia Giao Ước. Để thấy Đức Maria ứng nghiệm lời tiên tri về Hòm Bia mới, chúng ta cần phải quay trở về với Cựu Ước và khảo sát về Hòm Bia Giao Ước ở đó.

Về Hòm Bia đã bị mất, có phim hữu ích gọi là Kẻ cướp ngôi mộ cổ. Nếu bạn chưa đọc sách và bạn đã xem phim ấy… Câu đùa này đã nhàm rồi… tôi sẽ không lặp lại lần tới… Thực ra phim này rất quan trọng đối với tôi vì khi tôi còn bé, tôi còn quá nhỏ để được xem phim trong rạp nhưng tôi có cuốn sách với băng đĩa đi kèm. Trong sách có những hình ảnh của Giáo sư Indiana Jones và Kinh Thánh. Tôi nhớ có một tấm  hình từ cuốn sách có băng đĩa mà tôi  đang giữ, của Indiana Jones tay chỉ đến một tấm hình của Cựu Ước là tấm hình dân Israel gánh Hòm Bia Giao Ước đi vào trận chiến vì khi họ đem Hòm Bia vào trận chiến, họ sẽ đánh bại kẻ thù, không ai có thể ngăn cản họ. Khi họ không mang Hòm Bia đi theo, họ sẽ bị đánh bại. Trong bộ phim, đó là lý do tại sao bọn Đức Quốc Xã chiếm Hòm Bia vì Hòm Bia có thần lực. Tôi không thể không tự hỏi nếu câu chuyện này có ảnh hưởng gì đến việc tôi chọn làm giáo sư Kinh Thánh vì Indiana Jones là một giáo sư. Tôi chỉ muốn đưa ra điểm này… Ông ấy là một giáo sư.

Trong Cựu Ước, Hòm Bia Giao Ước là một vật thể đầy quyền lực vì đó là nơi Chúa ngự trên trần thế, Thiên Chúa đến ngự nơi Hòm Bia với dân của Ngài và trong sách Xuất hành, Chúa cùng đi với họ trong sa mạc. Khi chúng ta đọc sách Xuất hành chương 25 đến chương 40, chúng ta nhìn thấy một vài yếu tố rất quan trọng về Hòm Bia Giao Ước hầu giúp chúng ta hiểu về đặc tính của Đức Maria trong Tân Ước.

Đây là một vài điểm về Hòm Bia tôi đã đề cập đến: thứ nhất nó là nơi Chúa cư ngụ trên trái đất; thứ hai nó là hộp chứa đựng thánh thiêng. Hòm Bia là một hộp làm từ gỗ cây keo bọc bằng vàng với tượng của hai thiên thần trên đó và dân Israel đặt những thứ nhất định trong đó. Trước hết trong đó có Manna từ trời như tôi đã nói, thứ hai họ đặt hai tấm bia của Mười Điều răn, và thứ ba họ đặt trong đó cây gậy của Aharon, cây gậy đã nở hoa cách kỳ diệu để chứng tỏ dòng tộc của ông là dòng tộc tư tế được Chúa chọn. Họ đặt cây gậy của Aharon trong Hòm Bia và gánh nó đi nơi nơi với ba vật thánh thiêng trong đó.

Nhiều người biết về điểm trên nhưng có những yếu tố nhỏ đáng chú ý mà dễ bị bỏ qua. Điểm thứ ba, Hòm Bia cũng được mô tả là thánh thiện, được làm từ gỗ không thể bị hư nát. Thật là đáng chú ý. Nó được làm từ gỗ đặc như đã nói; gỗ được gọi là gỗ cây keo, rất cứng, rất bền, không chỉ là không mục nát. Khi người ta muốn làm nên một vật gì thánh thiêng, người ta dùng gỗ cây keo vì nó cứng, vì nó không mục nát. Người ta không dùng cây thông, nó mau mục nát như hàng rào chung quanh nhà tôi vài năm trước. Tôi phải trả nhiều tiền nhưng sau hai năm là bị mục. Tôi cần hàng rào gỗ cây keo, chỉ tốn khoảng 100 ngàn đô. Gỗ không mục nát.

Điểm thứ bốn người ta dùng vàng để bao bọc Hòm Bia. Tại sao phải bọc bằng vàng? Tại sao họ không đưa vàng đó cho người nghèo. Người ta than phiền tại sao trong nhà thờ các bạn có nhiều đồ vàng? Vì Chúa rõ ràng muốn như vậy. Ngài ra lệnh họ hãy bọc Hòm Bia bằng vàng vì vàng là biểu tượng của thiên tính và là dấu hiệu Thiên Chúa ở giữa chúng ta trên trái đất nơi Hòm Bia. Khi bạn nhìn thấy vàng, nó là biểu tượng của thiên đàng trên trái đất; nó là biểu tượng của sự tinh tuyền, của sự thánh thiện. Sự thánh thiện tuyệt đối của Hòm Bia, nếu bạn đọc sách Các Vua, thì bạn biết Hòm Bia thì hết sức thánh thiện đến nỗi người phàm nào đụng đến Hòm bia, họ sẽ phải chết. Hòm Bia thì tốt lành nhưng nguy hiểm.

Như Aslan trong Biên Niên sử Narnia, Aslan là sư tử tốt lành nhưng không là một sư tử bị thuần hóa. Trong Cựu Ước Chúa là Đấng tốt lành, nhưng Chúa thì nguy hiểm, Ngài không bị chế ngự, Ngài thì mạnh mẽ, huyền bí. Một yếu tố đáng chú ý khác của Hòm Bia tôi vừa khám phá khi nghiên cứu cho cuốn sách này là mỗi khi họ đem Hòm Bia ra ngoài, Hòm Bia không chỉ là vàng, họ sẽ che nó với tấm vải và màu của tấm vải là màu xanh. Vì thế, nếu bạn nghĩ đến Hòm bia giao ước, bạn nghĩ đến màu xanh và màu vàng. Điều quá là đáng chú ý, đúng không? Tôi học ở trường University of Notre Dame / Đại học Đức Bà, và màu ở đó là màu gì? Màu xanh và màu vàng.

Trong Sách Dân Số 4:7, Hòm Bia có màu xanh và màu vàng và đây là điều quan trọng nhất: đó là Hòm bia là nơi cư ngụ của Chúa vì khi họ hoàn tất việc dựng nên Hòm Bia, Chúa từ thiên đàng ngự xuống, trong sách Xuất hành chương 40 và đám mây vinh quang của Chúa, Shekinah của vinh quang Chúa, cột lửa và cột mây hạ xuống trên Hòm Bia để Thiên Chúa có thể ngự nơi đó.

Sách Xuất hành 40:17-18 nói điều này và tôi đã đưa cho các bạn câu trích. Môsê rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và đám mây che phủ Lều Hội Ngộ. Vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm. Đó là lý do Nhà Tạm thì đặc biệt vì Thiên Chúa ngự trong Hòm Bia cùng với dân của Ngài. Sau khi điều này xảy ra, họ đã làm gì? Họ tiến vào đất hứa, họ vượt qua sông Gio-đan với Hòm Bia. Hòm Bia vượt qua sông Gio-đan trước với 12 tư tế. Họ mang nó qua dòng sông, đem nó vào đất hứa. Hòm Bia được di chuyển đây đó trong thời của Gio-duê và các thủ lãnh cho tới khi Đavít đem Hòm Bia lên Giê-ru-salem và nhờ đó dân Chúa có cung thánh vững bền, nơi thờ phượng không di chuyển. Dân Chúa cuối cùng được gặp gỡ Chúa trong Đền Thờ của Salomon trong sách Các Vua quyển hai chương 2, sách Samuen chương 6, sách Các Vua quyển một chương 8 khoảng 1000 năm trước Chúa Kitô. Không may trong thế kỷ thứ 6 BC (trước khi Chúa Giêsu sinh ra), một điều kinh hoàng đã xảy đến với dân Israel và Hòm Bia Giao Ước. Dân Babylon tiến vào đất của Israel, chiếm hữu vùng Giuđêa, vùng miền nam; chúng đốt rụi thành Giêrusalem, tiêu hủy Đền thờ và trong quá trình đó, hòm bia bị mất. Josephus đã nói về điều này; ông là lịch sử gia của thế kỷ thứ nhất.

Trong thế kỷ thứ I AD, khi Chúa Giêsu còn sống, mọi người đều biết là nếu bạn đi vào nơi Cung Thánh. Không, không, không có gì trong đó. Nó là nơi trống rỗng; một căn phòng tối đen  Vị tư tế đi vào nơi Cực Thánh ấy một năm một lần và đổ máu chuộc tội trên Hòm Bia, trên Ngai thương xót đậy Hòm Bia nhưng khi Chúa Giêsu còn sống, người ta không thể làm điều đó vì Hòm bia không còn nữa.

Điều này dẫn đến việc có đủ loại lý luận về điều gì đã xảy đến với Hòm Bia. Đây là lý do tựa đề của bộ phim đã là Raiders of the Lost Ark vì nó đã bị mất. Người ta đã có đủ mọi thứ suy đoán về điều gì đã xảy ra với Hòm Bia. Một số người nghĩ là quân lính Babylon đã chiếm lấy Hòm bia mặc dù sách Các Vua đã không liệt kê nó là một những vật mà quân Babylon đã lấy khỏi Đền Thờ Giêrusalem khi họ tiêu hủy Đền thờ. Một số người khác nói rằng người ta đã tìm thấy Hòm Bia và hiện đang ở trong đan viện ở Ethiopia. Bạn đã xem những phim tài liệu này trên Kênh Discovery Channel, History Channel. Họ bắt bạn ngồi nghĩ suốt hai giờ về Hòm bia đang ở đâu và cuối cùng họ nói, Ồ, nó ở nơi cung thánh được bảo vệ bởi những đan sĩ này và họ không thể đi vào. Thật tiếc thay!

Và bạn đã tốn hết thời giờ! Không ai có thể xác minh hoặc phủ nhận nếu đó là Hòm bia. Và cũng có hàng loạt những suy luận khác nữa.

Là người Công giáo, thật thú vị vì chúng ta không cần phải chất vấn, chúng ta thực sự biết điều gì đã xảy đến với Hòm bia vì Kinh Thánh của chúng ta nói trong Sách Cựu Ước của người Công Giáo, quyển thứ hai của sách Macabê chương 2, chúng ta có lời tường thuật cổ xưa nhất về điều gì đã xảy đến với Hòm bia giao ước. Những Kitô hữu Tin Lành không quen thuộc với truyền thống cổ xưa này vì sách này chỉ có trong Cựu Ước của Công Giáo. Hầu hết những người Công giáo không quen thuộc với truyền thống cổ xưa này của Do thái giáo vì nó nằm trong Cựu Ước của Công giáo! Truyền thống này thì quan trọng.

Chương 2 của Sách Macabê quyển hai cho chúng ta biết là tiên tri Giêrêmia vẫn còn sống khi Đền thờ bị tàn phá. Ông lấy Hòm Bia vì là tư tế và dấu nó trong Núi Nebo, phía Đông của Sông Giođan, nơi mà Môsê đã lên để nhìn thấy đất hứa trước khi ông chết. Không phải là Núi Sinai mà là Núi Nebo. Đây là câu trích từ chương 2:
Cũng bản văn ấy còn cho biết là vị ngôn sứ được báo mộng, đã truyền phải đưa Lều và Hòm Bia cùng đi với ông lên núi ông Mô-sê đã lên để nhìn ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa. 5 Khi đến đó, ông Giê-rê-mi-a gặp thấy một cái nhà giống hình một cái hang ; ông đưa Lều, Hòm Bia và bàn thờ dâng hương vào đấy, rồi bít cửa lại. 6 Sau đó, một số người đồng hành với ông tính trở lại để ghi dấu đường, nhưng không tìm ra. 7 Biết chuyện ấy, ông Giê-rê-mi-a trách mắng họ : "Nơi ấy chẳng ai được biết cho đến khi… vinh quang của Đức Chúa và đám mây sẽ xuất hiện.” (2 Macabê 2:4-8)

Đám mây ở đây có nghĩa là gì? Giêrêmia không nói về tiếng sấm sét. Ở đây không nói về đám mây vinh quang từ Cựu Ước vì trong sách Êdêkien cho chúng ta biết khi Đền thờ bị tàn phá, đám mây vinh quang rời khỏi Hòm Bia, rời khỏi Đền Thờ và họ nghe tiếng nói “Chúng ta hãy rời nơi đây.” Sự hiện diện của các thiên thần nơi Hòm Bia và sự hiện diện của Chúa cất khỏi nơi đó. Sau đó Đền thờ bị tàn phá. Giêrêmia muốn nói họ sẽ không biết Hòm bia sẽ ở nơi nào cho đến khi đám mây che phủ trên Hòm bia trở lại từ trời.

Với những điều đó trong tâm trí, với những giáo lý của Do thái giáo được lưu trong trí nhớ, chúng ta đi đến Tân Ước và đọc về tường thuật thiên sứ truyền tin cho Đức Maria. Bạn sẽ thấy một điểm rất rất quan trọng và nó là điểm này. Trong Phúc Âm thánh Luca, Đức Maria được mô tả là hoàn thành vai trò của Hòm bia giao ước trong Tân Ước (Giao Ước mới). Mẹ là Hòm bia của Giao Ước mới và bạn nhận ra điểm này khi thiên thần nói với Mẹ trong Phúc Âm thánh Luca 1:35. Sứ thần Gáprien đến với Mẹ và nói “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

Nếu bạn nhìn vào biểu đồ tôi đã phát ra, thánh sử Luca dùng một động từ Hy Lạp rất đặc biệt để mô tả Chúa Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa rợp bóng trên Đức Maria. Từ Hy Lạp được dùng ở đây là “episkiazos.” Từ này chỉ được dùng vài lần trong Cựu Ước và được dùng khi nói đến đám mây vinh quang che phủ Hòm Bia. Trong sách Xuất Hành 40:35 đám mây vinh quang, “episkiazó” rợp phủ Nhà Tạm với Hòm bia trong đó. Cũng vậy trong Phúc Âm thánh Luca 1:35, “Thánh Thần “episkiazos”, rợp bóng trên Đức Maria. Ngay cả những nhà chú giải Tin Lành về Phúc Âm Thánh Luca, những người thông thạo Cựu Ước, nhìn vào đây và nói ở đây có vẻ như Đức Maria được mô tả là Hòm bia mới của Giao Ước. Nói cách khác, thân xác của Đức Maria là nơi cư ngụ mới của Thiên Chúa trên trần gian.

Việc này không chỉ ngừng nơi đó. Nếu tôi có thêm thời gian, tôi có thể chỉ ra cho bạn thấy không chỉ là trong đoạn truyền tin mà trong đoạn về Đức Maria viếng thăm Elizabeth. Trong cuốn sách “The Jewish Roots of Mary / Từ Gốc Do thái giáo của Đức Maria” trang 58, tôi có nhiều bản đưa ra những điểm song song giữa Đức Maria và Hòm Bia. Ở trang 58 chỉ là một bản. Có khoảng 5 bản như vậy về Đức Maria và Hòm Bia trong Cựu Ước và Tân Ước, trong đoạn viếng thăm của Đức Maria.

Trong Cựu Ước sách Sa-mu-en quyển hai “Vua Đa-vít “lên đường và đi” lên miền núi của Giuđa “để đưa Hòm Bia Thiên Chúa.” (2 Sam 6:2)

Bà Ma-ri-a “lên đường, đến miền núi” vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa để viếng thăm Elizabeth.

Khi sống ở miền Giuđa, Đa-vít nói trong sách Samuel quyển hai, thừa nhận sự không xứng đáng được lãnh nhận Hòm bia và thốt lên: “Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được?”

Trong Tân Ước, Elizabeth thừa nhận sự không xứng đáng để lãnh nhận Đức Maria bằng việc thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Luca 1:43)

Trong Cựu Ước Đavít “nhảy múa” trước Hòm bia khi được rước vào “giữa tiếng reo mừng” (2 Sa-mu-en 6:15-16). Và dù chúng ta không nhận ra điểm này, trong Phúc Âm thánh Luca chương 1 tường thuật không chỉ Gioan Tẩy Giả “nhảy lên” trong bụng mẹ, Elizabeth cũng “reo lên” “Em thật có phúc giữa người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” Bà không chỉ nói mà bà lớn tiếng kêu lên. Bà tuyên bố, bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Và cuối cùng Hòm bia ở nhà ông Ô-vết Ê-đôm ba tháng. Thánh Luca cũng tường thuật một điều kỳ quặc. Thánh sử không chỉ nói bà Maria ở với Elizabeth cho tới khi Gioan sinh ra, thánh sử nói bà Maria ở lại nhà bà Elizabeth được ba tháng.

Tại sao thánh sử làm điều đó? Lần nữa các học giả Công giáo và không Công giáo nhận ra đó là vì Luca diễn giải những điểm song song giữa Hòm bia được rước lên Giêrusalem và Đức Maria đi đến nhà bà Elizabeth vì Mẹ là Hòm bia mới của Giao Ước. Nếu bạn có chút gì nghi ngờ về điểm này, bạn có thể tiến nhanh đến sách Khải Huyền. Ở đó có mô tả một kết nối nữa giữa Đức Maria và Hòm bia. Đó là Khải Huyền chương 12, mô tả người nữ mình khoác mặt trời nhưng là trong câu ngay trước đó, Khải Huyền 11:19. Hầu hết trong chúng ta không nhận ra điểm này vì chương đó bị phân chia nhưng trong bản văn gốc tiếng Hy Lạp thì ngay cả không có dấu chấm và các phân đoạn câu mà chỉ là chữ chạy dòng nối dòng. Trong bản văn gốc, các học giả nhận ra có sự song song được dẫn ra ở đây. Chúng ta hãy nhìn vào Khải Huyền 11:19, Gioan tường thuật: “Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ.”

Bạn hãy ngừng và nghĩ xem dân Do thái trong thế kỷ thứ I họ đã chờ để tìm được Hòm Bia  6 thế kỷ nay. Từ thời ngôn sứ Giêrêmia, người ta chờ để được nhìn thấy lại Hòm bia, Hòm Bia đang ở đâu. Khi Gioan nhìn thấy sự xuất hiện này, đây là một điều rất quan trọng. Thay vì ở Núi Nebo, phía bên kia của sông Giođan, nơi Hòm bia đã được cất giấu mất, Hòm bia thì ở trên thiên đàng. Ngay sau đó Gioan diễn tả Đền thờ trên thiên đàng mở ra vì Hòm Bia ở trong nơi Cung Thánh. Gioan nhìn vào và nhìn thấy một dấu lạ khác trên thiên đàng: “Một người nữ mình khoác mặt trời” và hai động từ Gioan dùng ở đây đi đôi với nhau. Các học giả đã chỉ cho thấy Gioan ở đây cũng như ở nơi khác trong sách Khải huyền, những dấu hiệu trùng nhau, hai cách nhìn một sự việc: Hòm bia và người nữ là nơi mà Thiên Chúa cư ngụ, Đức Maria, Mẹ của Đấng Mêsia.

Đức Maria là Hòm bia mới. Có gì quan trọng đâu! Mẹ chỉ là một người nữ bình thường, đúng không? Không hẳn thế. Nó chứa đựng nhiều ý nghĩa. Khi nói Đức Maria là Hòm bia mới, chúng ta có ngụ ý gì? Trước hết, nó nói cho chúng ta sự thánh thiện của Đức Maria. Đôi khi người ta cảm thấy thắc mắc vì chúng ta gọi Mẹ, Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Nhưng Mẹ là Hòm bia của Giao Ước. Mẹ là Hòm Bia theo định nghĩa; thân xác Mẹ đã được tận hiến, đặt riêng ra để là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Tôi không có đủ thời gian để đi sâu vào điểm này tối hôm nay. Tôi đã viết một chương trong cuốn sách về sự trọn đời đồng trinh của Mẹ.

Đây là khó khăn mà không chỉ Kitô hữu Tin Lành mà cả nhiều người Kitô hữu Công giáo tôi gặp đã phải đương đầu. Khó khăn đó là tín điều về Đức Maria vẫn còn đồng trinh suốt đời Mẹ; Mẹ không có đứa con nào khác; Mẹ và thánh Giuse đã không bao giờ có quan hệ hôn nhân. Người ta hỏi điều đó có gì là quan trọng lắm đâu. Nếu họ đã cưới nhau thì tại sao Mẹ lại sống đồng trinh trong hôn nhân. Đó không phải là điều tốt lành hay sao? Có sự gì sai trái về quan hệ hôn nhân sao? Chẳng phải Chúa đã nói “Hãy sinh sôi nảy nở?” Đó là những lời đầu tiên Chúa nói trong sách Sáng Thế nên rõ ràng những quan hệ hôn nhân là điều tốt lành, không có gì lầm lỗi.

Vậy tại sao Đức Maria suốt đời đồng trinh? Tôi đã viết một chương để giải thích về việc đó và về “anh em của Chúa Giêsu” trong Phúc Âm. Tôi chỉ muốn đưa ra một điểm nhỏ ở đây: Nếu Thánh Giuse đã có chút manh mối nào rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Đức Maria như đám mây vinh quang đã rợp bóng trên Hòm bia và thánh Giuse cũng đã có rất ít nhận thức về sự  tôn nghiêm và sự thánh thiện của Đức Maria nữa. Bạn hãy nhớ trong Cựu Ước, nếu bạn không là tư tế được thánh hiến, bạn không thể chạm vào Hòm bia vì Hòm bia thì rất là uy nghiêm, rất thánh thiện, đã được đặt dành riêng cho Chúa. Có lẽ chúng ta sẽ nói thêm về điểm này trong phần hỏi đáp nếu bạn muốn biết thêm nữa. Lúc này tôi chỉ muốn bạn nghĩ về điều đó, sự thánh thiện và Đức Maria.

Điểm thứ hai, thân  xác của Đức Maria thì thánh thiện vì thân xác của Mẹ là nơi cư ngụ của Chúa. Từ Cựu Ước, chúng ta biết có những gì trong Hòm bia? Trong đó có Mười Điều Răn, có manna, có điện thoại đi động… Ồ không, điện thoại không có trong Cựu Ước và trên thiên đàng cũng không có nó.  Một lý do để cố gắng có được thiên đàng, không điện thoại.

Mười điều răn, manna từ trời và cây gậy của Aharon. Vì thế nếu Đức Maria là Hòm Bia mới, điều gì đã ở trong thân xác Mẹ? Ngôi Lời Nhập Thể, Bánh hằng sống, và Tư Tế hằng hữu của Chúa, vị Tư Tế đích thực, Đức Giêsu Kitô. Đức Maria là Đấng như thế, đó là vai trò của Mẹ. Cuối cùng là sự kết thúc của Đức Maria.

Hòm bia mới là điểm  cốt yếu để hiểu về Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Nếu Chúa Giêsu là Môsê mới, Đấng đã đến để khởi sự cuộc xuất hành mới và là Đấng đưa chúng ta vào đất hứa nơi thiên đàng, Đền thờ trên thiên đàng như dân Do-thái nói thì Hòm bia mới nằm ở đâu. Trong Cung Thánh trên thiên đàng. Và không chỉ linh hồn của Đức Maria là Hòm bia ,mà chính là Đức Maria, là thân xác của Mẹ. Vì thế thật là phải lẽ để Đức Maria, Hòm Bia mới, cuối đời mình được đưa vào Đền thờ trên thiên đàng, cùng ở với Chúa. ĐTC Beneđictô XVI đã nói đến điểm này trong bài giảng Lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8 năm 2011: “Nếu Đức Maria là Hòm Bia mới thì thật phải lẽ là thân xác của Mẹ sẽ không phải trải qua hư thối nhưng được đưa vào thiên quốc, vào nơi Cung Thánh. Bạn còn nhớ Hòm bia được làm từ gỗ không thể bị hư mục. Thân xác của Mẹ cũng vậy.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive