Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, năm A: Mù từ khi mới sinh -- từ bóng tối của tôi và sự chết đi vào ánh sáng và hiện hữu

Người mù từ khi mới sinh là mẫu hình của người đã được rửa tội. Tất cả chúng ta được sinh ra trong tình trạng mù của tâm linh, sinh ra trong tội tổ tông.

Câu hỏi của các môn đệ: “Ai đã phạm tội… anh ta hay cha mẹ anh ta?” phản ánh niềm tin của người Pha-ri-sêu rằng dị tật bẩm sinh là kết quả của tội lỗi cha mẹ, nếu không thì chính đứa trẻ đã phạm tội khi còn trong bụng mẹ.

Chúa Giêsu nói “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.” Trái lại, đây là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

Chúa Giêsu khẳng định: “Ta là sự sáng của thế gian”. Để hiểu nghĩa lời tuyên bố này, và toàn bộ câu chuyện chữa lành ở đây, chúng ta phải lưu ý rằng nó xảy ra trong một đoạn dài của Phúc âm thánh Gioan (chương 7–9) và diễn ra trong Lễ Lều của người Do Thái. Lễ hội rực rỡ này được đánh dấu bằng hai chủ đề: ánh sáng (Da-ca-ri-a 14:7) và nước (câu 8). Đền thờ được thắp sáng bằng những chiếc đèn menorah khổng lồ suốt đêm trong một tuần, và vào ngày cuối cùng của lễ hội, nước được lấy từ Hồ Siloam và đổ lên bàn thờ của Đền thờ như một lời cầu nguyện cho mưa và là một cách để hiện thực hóa về nhiều lời tiên tri trong Cựu Ước về một dòng sông chảy ra từ Đền Thờ trong thời kỳ sau cùng (xem Êdêkien 47; Giô-en 3:18; Da-ca-ri-a 14:8).

Chương 9 kết thúc phần dài này của Gioan và tập hợp các chủ đề về nước và ánh sáng, khi Chúa Giêsu dùng nước để đem lại ánh sáng cho người đàn ông này. Rõ ràng, nước và ánh sáng cũng có liên quan đến sự sáng tạo, bởi vì trước tiên nước bao phủ vực sâu, và sau đó Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng” (Sáng thế 1:3).

Nhưng trước tiên, Chúa Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và lấy bùn xức vào mắt người đàn ông.

Việc xức dầu là một chủ đề quan trọng – rửa tội là sự xức dầu của Chúa Thánh Linh. Cho đến ngày nay, nghi thức Rửa tội bao gồm việc xức dầu thánh như một biểu tượng của thực tại này.

Việc Chúa Giêsu nhổ nước miếng vào đất có ý nghĩa gì?

Ý kiến riêng của tôi dựa trên các Cuộn sách Biển Chết, trong đó con người được mô tả là “được nhào nặn từ bụi đất… con người là từ rất nhiều nước nhổ… chỉ là đất sét bị cắt ra” (xem 1 QS 11:21; 1QHa 20:35; 4Q264 1 9). Tôi nghĩ điều này phản ánh cách hiểu của người Do Thái cổ đại về câu chuyện sáng tạo, trong đó Chúa nhổ xuống đất và tạo nên cơ thể của Adam từ đất sét/bùn.

Việc Chúa Giê-su nhổ nước miếng xuống đất là một tóm tắt của công trình sáng tạo nên Ađam, người đàn ông đầu tiên. Chúa Giêsu đang tái tạo người mù này, đưa anh ta từ bóng tối (từ trống rỗng) sang ánh sáng (sáng tạo). Ngài cũng chính là Thiên Chúa đã tuyên bố từ lâu: “Hãy có ánh sáng!”

Các chủ đề sáng tạo mới cũng được bày tỏ ở những điểm khác. Sau khi xức vào mắt, Chúa Giêsu sai người ấy đến hồ Si-lô-ê để rửa. Hồ Si-lô-ê chứa nước của Ghi-hôn, suối cung cấp nước cho Giê-ru-sa-lem. Nó được đặt tên là Ghi-hôn theo tên một trong những con sông của Eđen (Sáng thế 2:13) vì người Do Thái coi Giê-ru-sa-lem là một kiểu của Eđen mới. Vì vậy, một cách huyền nhiệm, nước của Siloam là nước Eđen hoặc nước của cuộc sáng tạo. Người đàn ông mù này đang được làm nên mới.

Sau khi rửa sạch nơi hồ Si-lô-ê, anh ta bước vào ánh sáng (Sáng thế 1:3) và trở về nhà của mình.

Những người biết anh ta không có cùng một ý kiến: một số người nghĩ rằng anh ta chính là người đàn ông đã từng đi ăn xin, nhưng những người khác nói: “Không, trông giống anh ta thôi”.

Người đàn ông trả lời và câu trả lời có vẻ mù mờ: “I am / tôi là”. Anh là cái gì? Giống như trước hay đã khác đi.

Sự mơ hồ là cố ý vì đây là bài giáo lý về phép rửa. Khi chịu phép rửa, chúng ta ra khỏi giếng rửa tội với tư cách là người trước đây hay là một người khác giống như người đã đến để lãnh nhận bí tích Rửa tội? Câu trả lời đúng là: Có cho cả hai! “Nếu ai ở trong Đức Kitô, người ấy là tạo vật mới; cái cũ đã qua … cái mới đã đến” (2 Cor 5:17).

Lưu ý rằng đây là chỗ duy nhất trong Phúc âm thánh Gioan mà không ai khác ngoài Chúa Giê-su sử dụng cụm từ “I AM / Ta là Đấng Hiện hữu”. Sau khi được rửa tội, con người được dự phần vào bản tính Thiên Chúa. Chúng ta chỉ thực sự bắt đầu hiện hữu khi bước vào mối quan hệ với Chúa Kitô. Cuộc sống không có Chúa Kitô là không tồn tại, là trong bóng tối.

Cuộc đối đáp sau đó với những người Pha-ri-sêu thật hài hước nhưng chúng ta không có đủ chỗ để bình luận về nó ở đây. Những lời tuyên bố của những người Pha-ri-sêu thường rất mỉa mai. Mặc dù được sáng mắt về mặt thể lý, nhưng họ hoàn toàn mù lòa về mặt tâm linh. Phần anh bị mù từ lúc mới sinh, có một sự tiến triển về sự hiểu biết của anh về Chúa Giêsu thông qua hết các sự việc, cho đến cuối đoạn Phúc âm khi anh ta nhận ra cách trọn vẹn Chúa Giêsu là Thiên Chúa và thờ phượng Ngài. Điều này tượng trưng cho sự tăng trưởng về sự hiểu biết của chúng ta về Đức Kitô sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Chúa Giêsu, Vị Mục Tử mới, Vua Đavít mới, Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu, tóm tắt sự trớ trêu của toàn bộ biến cố qua những lời này:

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”

Nhìn thấy thế giới qua con mắt của Thiên Chúa bộc lộ sự trớ trêu và mâu thuẫn vì “ Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm… ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.”

Đối với những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, các bài đọc hôm nay khơi dậy trong tâm hồn chúng ta cảm kích sâu sắc về những gì Thiên Chúa đã được thực hiện cho chúng ta trong Chúa Kitô và được áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta qua các bí tích. Chúng ta là những thụ tạo mới! Chúng ta đã bước vào ánh sáng của Chúa! Chúng ta đã được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần!

Nếu chúng ta cảm thấy mình mệt mỏi, mù mờ và mất tinh thần, có thể tội lỗi hoặc việc bị phân tâm bởi những lo lắng của cuộc sống này (Mt 13:22) đã làm quan điểm của chúng ta bị lệch lạc. Mùa Chay còn ba tuần nữa: đủ thời gian để trở về với việc đi xưng tội, siêng năng cầu nguyện và tách lìa khỏi quyến rũ của thế gian qua việc từ bỏ cái tôi. Rồi chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui của việc được “bước đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng,” (1 Gioan 1:7) -- Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive