Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, năm A: Chàng Rể đến với dân của Người, Đấng Mêsia đã đến để cứu dân Người khỏi nô lệ của ngoại bang

Các bài đọc trong Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, năm A

Câu chuyện trong bài Phúc âm hôm nay có rất nhiều hình ảnh hôn thê hôn phu trong đó nên khó để nói ra hết ở đây.

Trước hết là việc Chúa Giêsu gặp người phụ nữ này bên giếng nước. Điều này xảy ra ba lần trong Cựu Ước – đó là cách các Tổ phụ gặp người vợ của họ. Hãy nghĩ về I-xa-ác và Rê-bê-ca (Sáng thế 24, dù lễ đính hôn này là do người đại diện); Gia-cóp và Ra-chen (Sáng thế 29); và Môsê và Xíp-pô-ra  (Xuất hành 2). Dựa vào các câu chuyện trong Cựu Ước, khi Chúa Giêsu ngồi xuống bên giếng nước, chúng ta cũng chờ xem nếu có một phụ nữ xuất hiện, và người đàn bà Sa-ma-ri đã làm như vậy!

Kế đến, Chúa Giêsu xin người đàn bà Sa-ma-ri này nước uống. Hãy để ý: xin nước uống cũng đã là dấu hiệu mà đầy tớ của Áp-ra-ham dùng để xác định xem Rê-bê-ca có phải là cô dâu mà Thiên Chúa định cho I-xa-ác hay không (Sáng thế 24:14). (Đáng chú ý là nơi duy nhất khác trong Phúc âm Gioan khi Chúa Giêsu xin nước uống là trên cây thánh giá).

Chúa Giê-su và người đàn bà bắt đầu thảo luận về giếng nước, và ở một thời điểm Chúa Giêsu nói: “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Đây là một ám chỉ tinh tế đến sách Diễm ca chương 4:15, trong đó chàng rể gọi cô dâu của mình là suối nước hằng sống. Khi chúng ta lãnh nhận nước của Chúa Giêsu, chúng ta bước vào mối liên hệ hôn thê với Người.

Cuối cùng, chủ đề hôn nhân được đề cập rõ ràng khi Chúa Giêsu yêu cầu người phụ nữ đi gọi chồng rồi sau đó trở lại với Ngài. Chị trả lời: “Tôi không có chồng”, và Chúa Giêsu đáp: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”

Đây là một người phụ nữ có lịch sử cá nhân rắc rối; đó là lý do chị đến giếng vào buổi trưa, để tránh những người phụ nữ khác theo thói thường, sẽ đến giếng lúc bình minh và hoàng hôn.

Nhưng lịch sử cá nhân của người phụ nữ là một biểu tượng của lịch sử dân tộc của chị. Chị là một phụ nữ làng Sa-ma-ri. Người Sa-ma-ri là con cháu của những người nghèo ở miền bắc Israel (bị quân Át-sua bỏ lại vào năm 722 trước Công nguyên) và năm quốc gia dân ngoại mà những kẻ chinh phục Israel đem vào Sa-ma-ri. Người dân Israel đã kết hôn với họ và cũng thờ lạy các vị thần của ! (Xem 2 Các Vua 17, đặc biệt là các câu 24–34. Hãy nhớ rằng tác giả của Các Vua quyển hai đã hạ thấp vai trò của những người Israel còn sót lại trong xứ sở, những người mà chúng ta biết đến sự hiện diện của họ từ các nguồn khác).

Sau đó, sau khi người vùng Giuđa trở về Giê-ru-sa-lem vào cuối những năm 500 trước Công nguyên, người Sa-ma-ri phía bắc dần dần từ bỏ việc thờ các thần khác và quay trở lại thờ phượng YHWH (cách dân Israel viết tên Chúa để tỏ lòng tôn kính), Thiên Chúa của Israel, nhưng họ đã không thờ phượng theo giao ước của Chúa với Đa-vít, rằng Giê-ru-sa-lem là nơi thờ phượng. Họ đã xây dựng đền thờ của riêng mình (được đề cập trong Gioan 4) ở Gerizim và tìm cách thiết lập mối quan hệ với Thiên Chúa mà không tuân theo hình thức giao ước đã đặt ra. Ngày nay chúng ta gọi nó là gì khi người ta sống chung với nhau nhưng không có mối quan hệ giao ước đúng đắn? Xem với Gioan 4:18 để thấy sự liên kết: “Vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”

Kinh nghiệm của người phụ nữ phản ánh kinh nghiệm của người dân của cô ấy. Người dân phía bắc Israel, tổ tiên của họ, đã rời bỏ Thiên Chúa, chồng của họ suốt từ sách Các Vua 12 quyển 1 (xem thêm Hôsê 1–3, tất cả các lời tiên tri của Hôsê nói về miền bắc Israel!). Lúc này YHWH (tức Chúa Giêsu), Chàng Rể của Israel (Hôsê 2:14-23) đã trở lại để lôi kéo người dân Sa-ma-ri.

Ngài đã thành công và không chỉ người đàn bà đến múc nước ở giếng mà chính những người dân trong làng cũng tin rằng Ngài là Đấng Mêsia: “Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”.

Xuyên suốt toàn bộ quá trình trò chuyện này là chủ đề về nước hằng sống của Chúa:

“Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Đây là nước của bí tích Rửa tội, nước của Chúa Thánh Thần. Như Chúa Giêsu sẽ nói sau này, vào ngày cuối cùng của Lễ Lều, khi nước được đổ trên bàn thờ trong Đền Thờ:

“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Gioan 7:37-38).

Nếu các bài đọc tuần này khiến chúng ta nghĩ lại ngày ta được rửa tội với cảm giác tiếc nuối, thì đó là một điều tốt. Nhưng chúng ta không cần phải được rửa tội lần nữa để thức tỉnh ơn Chúa Thánh Thần và các ân sủng nhiều người trong chúng ta đã lãnh nhận rất lâu trước đây. Nếu tội lỗi đã làm cạn kiệt nước hằng sống, thì đây là tuần của thời gian thuận tiện, tuần của ân sủng để sắp xếp việc đi xưng tội, một bí tích mà các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội thánh coi là việc làm bí tích Rửa tội được mới lại. -- Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive