Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? - Chúa Nhật thứ XXV Mùa Thường niên, năm B

Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ (Gc 3,16-4,3)

Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.

 

Thật dễ để mỗi người chúng ta trở nên tối tăm và trở thành kẻ bách hại người công chính! Ở đây thánh Giacôbê đưa lời cảnh bảo để giúp chúng ta không quay trở về con đường tội lỗi trước đây. Xung đột và sự thiếu bình an trong tâm hồn và trong cộng đoàn của chúng ta thường bắt nguồn từ những gì thánh Giacôbê gọi là “đam mê” của chúng ta. Theo truyền thống, những “đam mê” này được tóm tắt trong công thức ba phần từ 1 John 2:16: “dục vọng của xác thịt, dục vọng của mắt và kiêu ngạo về cuộc sống vật chất”. Dục vọng của xác thịt bao gồm những ham muốn của chúng ta đối với khoái lạc thể xác: tình dục, thức ăn dư thừa, ma túy, sự thoải mái về thể xác, v.v. Dục vọng  của mắt bao gồm lòng tham hoặc tính hám lợi: ham muốn có được sự giàu có và những thứ đẹp đẽ. Sự kiêu ngạo của cuộc sống là sự tự tôn: ham muốn được biết đến, tôn trọng và thậm chí có thể là sợ hãi, ngưỡng mộ và được vâng lời.

Người Kitô hữu phải từ bỏ thứ đồ thải đi (junk) đó. Bao lâu chúng ta sống vì khoái lạc, lợi nhuận và kiêu ngạo, thì chúng ta không thực sự theo Chúa Kitô. Điều này liên quan đến việc chết đối với bản thân. Hàng ngày, chúng ta phải chấp nhận cái chết của chính mình, bởi vì bất kỳ ngày nào, việc theo đuổi con đường tình yêu cũng có thể bao gồm việc từ bỏ bản thân, thậm chí đến mức phải chết, và chúng ta phải sẵn sàng hy sinh nếu cần thiết.

------------

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người...
Mác-cô 9:31-3
7

Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay không dạy các môn đồ bằng dụ ngôn hay ẩn dụ, nhưng bằng ngôn ngữ trực tiếp, Người mô tả cách Người sẽ chịu đau khổ và chết. Thế nhưng, các tông đồ “không hiểu lời nói đó”. Thật trớ trêu! Chúa Giêsu làm sao có thể rõ ràng hơn nữa? Nhưng họ vẫn không “hiểu”. Thì cũng như trong một lớp học, không ai muốn giơ tay phát biểu khi không hiểu, vì vậy không ai dám hỏi Chúa Giêsu ý Người là gì. Tất cả chỉ gật đầu đồng ý và tiếp tục lắng nghe.

Trong khi đó, trên đường trở về Capernaum, các môn đồ đang tham gia vào một cuộc tranh luận về “kiêu ngạo về cuộc sống vật chất” (1 John 2:16) -- sự tự tôn của họ. Họ chưa hiểu được thông điệp của Thập giá. Họ không hiểu rằng người công chính phải chịu đau khổ, một chủ đề từ sách Khôn ngoan nhưng cũng từ các ngôn sứ lớn trong Cựu ước. Họ vẫn bị kiểm soát, ít nhất là một phần, bởi “niềm đam mê” của họ đối với kiêu ngạo về cuộc sống vật chất.

Vì vậy, Chúa Giêsu dạy họ con đường của tuổi thơ: “Anh em phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Người ôm lấy một đứa trẻ và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Điều này có nghĩa là gì? Tiếp đón nhân danh Chúa phải có nghĩa là, ít nhất là một phần nào đó, tiếp đón vì Chúa Kitô, với tinh thần của Chúa Kitô. Do đó, lòng tốt dành cho một đứa trẻ, đối với người yếu đuối, người khiêm nhường, người dễ bị tổn thương, được Chúa Kitô coi là lòng tốt thể hiện cho chính Ngài và cho Chúa Cha. Đây là một cách suy nghĩ rất khác so với logic của “đam mê” đang điều khiển các tông đồ. Thế là thang giá trị của thế gian bị đảo ngược.

Vì vậy, các bài đọc vào Chúa Nhật hôm nay kêu gọi chúng ta từ bỏ các tiêu chuẩn thông thường của mình về sự đánh giá thành công trên thế gian này và áp dụng một quan điểm siêu nhiên triệt để về cuộc sống. Chúng ta cam kết theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận rằng chúng ta có thể bị từ chối và giết chết, và rằng chúng ta có thể không bao giờ đạt được bất kỳ vị trí có thẩm quyền hay sự công nhận nào. Nhưng đổi lại, điều chúng ta đạt được là chính Thiên Chúa, Đấng hiện diện một cách đặc biệt giữa “những trẻ nhỏ” của trái đất này, những người không được chú ý, những người yếu đuối, những người vô tội, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive