Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Tình yêu chung thủy của Thiên Chúa

Hô-sê là vị tiên tri đầu tiên trong số mười hai vị tiên tri phụ. Có lẽ ngài đã phục vụ trong khoảng thời gian 750–725 trước Công nguyên ở miền Bắc Israel (“mười chi tộc” phía bắc), ngay trước khi Vương quốc Israel  bị người Assyria tiêu diệt vào năm 722 trước Công nguyên và trừ những nông dân nghèo khổ bị bỏ lại, tất cả đều bị đày đến các vùng khác của đế chế Assyria (người dịch: còn 2 chi tộc miền nam với Đền thờ Giêrusalem thuộc về Vương quốc Giuđêa). Điều đáng chú ý là Hô-sê là nhà tiên tri duy nhất cho miền bắc Israel chứ không phải miền nam Giu-đê-a, con cháu của họ sau này được gọi là “dân Do Thái”.

Hô-sê có mô-típ hôn nhân mạnh mẽ nhất so các tiên tri phụ, và những mô-típ này tập trung ở Hôsê 1–3, đặc biệt là Hôsê 2. Như đã biết, Hôsê được Thiên Chúa truyền lệnh phải kết hôn với một người phụ nữ đàng điếm, Gô-me. Bà đã từ bỏ Hôsê khi đang là vợ ông và cuối cùng bị bắt làm nô lệ. Hôsê đã mua chuộc bà ra khỏi cảnh nô lệ và phục hồi địa vị làm vợ của bà. Đây là một “hành động có dấu chỉ” mang tính tiên tri, thể hiện mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Israel.

Cùng với Malachi, Hôsê tạo thành một phong bì mang tính văn học bao quanh Mười hai vị tiên tri phụ. Một trong những câu nói mạnh mẽ nhất của Malachi là tiếng Chúa nói: “Ta ghét việc ly dị” (Mal 2:16). Vì vậy, Hôsê bắt đầu Nhóm Mười Hai tiên tri bằng cách miêu tả Thiên Chúa là Chàng Rể trung thành của Israel, Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi Israel và sẽ luôn cứu chuộc Israel, và Malachi kết thúc Nhóm Mười Hai bằng cách tuyên bố Chúa từ chối việc ly hôn. Sứ điệp gửi đến Israel khi đọc Nhóm Mười Hai là Chúa của họ sẽ luôn trung thành với họ cho đến khi họ trở về.

Trong đoạn văn hiện tại, Chúa nói qua vị tiên tri để mô tả mối quan hệ của Ngài với dân Israel như một cuộc hứa hôn và hôn nhân. Có một hồi tưởng lãng mạn về cuộc Xuất hành từ Ai Cập và cuộc hành trình xuyên qua vùng hoang dã đến Sinai:

Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.
Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó,
biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng.
Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân,
như ngày nó đi lên từ Ai-cập.

Cuộc Xuất hành và hành trình trong sa mạc được nhớ đến như một cuộc tỏ tình. Đây là cách nhìn các sự kiện qua lăng kính màu hồng, bởi vì câu chuyện của Cuộc Xuất Hành thực sự mô tả dân Israel liên tục lằm bằm và càu nhàu chống lại Thiên Chúa, từ Ai Cập đến Sinai. Tuy nhiên, ít nhất tại Sinai, họ đã tự nguyện tuyên bố một “lời thề hôn nhân”, “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xuất hành 24:7), và sau đó họ lãnh nhận nghi thức máu rảy khiến họ trở nên “cùng máu mủ” với Thiên Chúa (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 24:8). “Máu giao ước” này đã làm cho dân Israel trở thành “hiền thê” của Chàng Rể là Thiên Chúa (xem Xuất Hành 4:25).

Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh [tzedeq] và chính trực [mishpat],
trong ân tình [hesed] và xót thương [rahamim];
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành [emunah],
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA. (Hôsê 2:21-22)

Có một cụm thuật ngữ ở đây gắn liền với ý tưởng về một giao ước. Tzedeqmishpat trong tiếng Do Thái là một cặp phổ biến thường được sử dụng theo nghĩa pháp lý để mô tả một vị vua cai trị tốt, bảo vệ quyền lợi của mọi người và trao phần quyền lợi cho mỗi người. Điều này có ý nghĩa của sự kết hôn hợp pháp, không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên hay không chính thức mà là sự kết hợp được tất cả các cơ quan có thẩm quyền công nhận và có ý nghĩa pháp lý.

Cặp từ tiếp theo, hesedrahamim, cũng thường được ghép với nhau hoặc với từ thứ ba, emunah. Hesed là từ không thể dịch được để chỉ “đặc tính tình yêu của những người bạn đời trong giao ước, một tình yêu được đặc trưng chủ yếu bởi sự chung thủy”. Rahamim là một thuật ngữ số nhiều có nghĩa đen là “dạ con/tử cung” và thể hiện tình yêu rất mật thiết như của một người mẹ dành cho con mình. Emunah được làm nên từ gốc tiếng Do Thái có nghĩa là “sự thật” hoặc “sự tin cậy”, ‘aman, mang lại cho chúng ta “amen” trong phụng vụ. Nó bày tỏ sự không dối trá hay động cơ thầm kín nào trong mối quan hệ vợ chồng và chàng rể có thể hoàn toàn được tin tưởng là sẽ chung thủy. Cuối cùng, câu nói “ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA” có ý nghĩa hôn nhân, như trong câu nói “Adam biết Evà vợ mình và bà đã thụ thai” (St 4:1, RSVCE). Nó đề cập đến kiến ​​thức cá nhân sâu sắc, trái ngược với trí tuệ khách quan hoặc không có tình cảm cá nhân.

Lời tiên tri của Hôsê giống như một lời hứa với dân Israel rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Thiên Chúa của họ sẽ tìm kiếm họ và ban cho họ một giao ước phu thê thân mật hơn những gì họ đã trải qua dưới giao ước được lập tại Sinai.--Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive