Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Tôn vinh Đức Mẹ Maria và thờ phượng Chúa

Chuyển ngữ từ Jesus and the Jewish Roots of Mary: Unveiling the Mother of the Messiah của Dr. Brant Pitre

Điểm thứ ba và cuối cùng, các Kitô hữu thời cổ xưa tôn vinh Đức Mẹ Maria và cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ đã không “tôn thờ” Mẹ như thể Mẹ là Chúa. Thật vậy, chính những Kitô hữu ấy tôn vinh Mẹ với danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” cũng hoàn toàn bác bỏ ý tưởng thờ phượng Mẹ Maria và coi đó là một sự báng bổ và thờ ngẫu tượng.57

Ví dụ rõ ràng nhất về điều này đến từ nhà văn Kitô giáo thời cổ đại, Epiphanius xứ Salamis. Vào cuối cuốn sách khổng lồ chống lại tà giáo của mình, Epiphanius lên án một giáo phái cổ xưa vì họ thờ phượng Đức Maria như thể Mẹ là một vị thần.58 Ông gọi nhóm này là Collyridians, vì họ thờ phượng Đức Maria qua việc dâng “ổ bánh” hy lễ (tiếng Hy Lạp là kollyra) làm bánh tạ ơn cho Đức Maria.59 Sau đây là lời của chính Epiphanius:

Họ nói rằng một số phụ nữ Thracia tại Ả Rập… nướng một ổ bánh nhân danh Đức Nữ trọn đời đồng trinh [Đức Maria], họ tụ tập lại, và làm hai điều quá đáng và thực hiện một hành động bị ngăn cấm, phạm thượng nhân danh Đức Trinh Nữ thánh thiện, và dâng lễ vật nhân danh bà với những người chủ lễ là phụ nữ. Điều này hoàn toàn vô đạo đức, bất hợp pháp và khác với lời của Chúa Thánh Thần, và do đó là công việc thuần túy của ma quỷ, và là học thuyết của một linh hồn ô uế… Đức Maria phải được tôn vinh, nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phải được tôn thờ; không ai được tôn thờ Đức Maria. Không có lệnh truyền nào bắt buộc phải dâng hy tế tạ ơn ngay cả cho một người đàn ông, như thể dâng cho Chúa, chứ đừng nói đến một người phụ nữ; ngay cả các thiên thần cũng không được phép lãnh nhân vinh quang đó… Những người phụ nữ như vậy cần được Giê-rê-mi-a làm họ câm miệng, không gây hãi hùng cho thế giới. Họ không được nói, “Chúng ta nhào bột làm bánh dâng Thiên Nữ Hoàng (Jeremiah 7:18)”… Đức Maria phải được tôn vinh, nhưng Chúa phải được tôn thờ! (Epiphanius, Panarion 78.23, 4; 79.7, 5; 8, 3; 9, 4 [thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên])60

Lưu ý ở đây Epiphanius không chỉ lên án “việc tôn thờ” (tiếng Hy Lạp proskyneō) Mary của những người Collyridians là tà giáo và thờ ngẫu tượng. Ông thậm chí còn sử dụng đoạn văn của tiên tri Giê-rê-mi-a về “Thiên Nữ Hoàng” – cùng một đoạn văn mà mục sư Báp-tít của vợ tôi đã sử dụng nhiều năm trước – để mô tả những gì họ đang làm! Cùng lúc, Epiphanius cũng khăng khăng rằng Đức Maria phải được “tôn vinh” (tiếng Hy Lạp là timē).

Sự khác biệt giữa “tôn vinh” và “thờ phượng” là gì? Trong ngữ cảnh, câu trả lời rất rõ ràng: việc dâng hy tế. Trong cả Do Thái giáo cổ đại và Kitô giáo cổ đại – thật vậy, trong hầu hết các tôn giáo cổ đại – bản chất của việc thờ phượng là hy lễ. Chắc chắn, việc thể hiện các dấu hiệu tôn vinh (như quỳ gối hoặc phủ phục), cầu xin sự giúp đỡ hoặc cầu bầu (trong lời cầu nguyện) và ca ngợi (thường là qua các bài hát) là những phần tiêu chuẩn của việc thờ phượng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm bất kỳ điều nào trong số những điều đó – tôn vinh, cầu xin, ca ngợi – đối với con người. (Hãy nghĩ đến những vinh dự dành cho một vị vua loài người.) Hành động duy nhất dành riêng cho Chúa – và chỉ mình Chúa – là dâng hy tế (offering sacrifice). Do đó, đối với Epiphanius, những người Collyridians đã phạm tội thờ ngẫu tượng khi dâng bánh hy tế của Lễ Tạ ơn cho Đức Maria.

Với những điều đã nói, tôi phải nhấn mạnh ở đây bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể nói: [thờ phượng Đức Maria], đây chính xác là điều mà những người Công giáo và Chính thống giáo không làm. Họ không dâng hy tế cho Đức Maria; họ không dâng Lễ Tạ ơn (hy tế là Thánh Lễ) cho ngài. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa lòng tôn kính Đức Maria của Kitô hữu và lòng tôn thờ Thiên Chúa của họ. Theo lời của Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo:

Do đó Đức Trinh Nữ đáng được Hội Thánh tôn vinh bằng một sự sùng kính đặc biệt. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó... Sự tôn kính ấy… tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Đức Ma-ri-a khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi.” – GLCG 971

Theo tôi, việc không phân biệt được giữa việc tôn vinh một con người (có thể bao gồm các dấu hiệu tôn kính và thậm chí là các bài hát ca ngợi) và việc tôn thờ Chúa (bao gồm việc dâng hy tế) là một trong những lý do chính khiến những người theo các nhóm Tin lành thường đánh đồng việc tôn kính Đức Maria của Công giáo với việc thờ ngẫu tượng. Trong các nhóm Tin lành truyền thống, việc thờ phượng chủ yếu tập trung vào việc tôn vinh: cầu nguyện và các bài hát ca ngợi.62 Vì Tin Lành không có chức tư tế (linh mục của Công giáo), và do đó không có hy tế. Tuy nhiên, đối với những người theo đạo Công giáo và Chính thống giáo, việc thờ phượng chủ yếu bao gồm việc dâng Thánh lễ.63 Và Thánh lễ luôn chỉ được dâng lên cho Chúa mà thôi. Từ thời xa xưa, người Kitô hữu đã nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa lòng sùng kính dành cho Đức Mẹ và sự tôn thờ dành cho Chúa. Kitô hữu từ lâu đã tôn vinh Đức Maria là nữ hoàng “Mẹ Thiên Chúa”, nhưng họ không tôn thờ Mẹ như Chúa.64

Với điều này trong tâm trí, cuối cùng chúng ta có thể chuyển sang một niềm tin gây tranh cãi khác: ý tưởng rằng Đức Mẹ không chỉ thụ thai Chúa Giêsu khi còn là một trinh nữ mà còn là một trinh nữ trong suốt quãng đời còn lại.

57. See Shoemaker, “Marian Liturgies and Devotion in Early Christianity,” 132–34.
58. For arguments in favor of the historicity of the Collyridians, see Shoemaker, “Marian Liturgies and Devotion in Early Christianity,” 132, 137. I would add that Ambrose of Milan also insists that “no one” give the adoration due to the Holy Spirit “to the Virgin Mary,” for “Mary was the temple of God, not the God of the temple” (Ambrose, On the Holy Spirit, 3.11.80). The most plausible explanation for both Epiphanius and Ambrose denouncing the worship of Mary is that some people in the fourth century were actually doing it. See Schaff, NPNF2, 10:146.
59. Gambero, Mary and the Fathers of the Church, 122.
60. Translation in Williams, The Panarion of Epiphanius, 643–45.
61. Here the Catechism of the Catholic Church is quoting from Vatican II, Dogmatic Constitution on the Church, Lumen Gentium, no. 66.
62. See, e.g., James F. White, Protestant Worship: Traditions in Transition (Louisville: Westminster John Knox, 1989); Geoffrey Wainwright, Doxology: The Praise of God in Worship, Doctrine, and Life (New York: Oxford University Press, 1980).
63. It is important to stress that when the Catholic Church refers to the Eucharist as a sacrifice, it does not mean that Christ is being “resacrificed.” Instead, the one sacrifice of Calvary is made present. In the words of the Catechism of the Catholic Church: “When the Church celebrates the Eucharist, she commemorates Christ’s Passover, and it is made present: the sacrifice Christ offered once for all on the cross remains ever present” (CCC 1364). On the sacrificial character of Jesus’ actions at the Last Supper, see Brant Pitre, Jesus and the Last Supper (Grand Rapids: Eerdmans, 2015), 90–147, 403–43. For an Eastern Orthodox perspective, see McGuckin, The Orthodox Church, 288–95.
64. In the words of John Paul II: “There is an infinite distance between Marian veneration and worship of the Trinity and the incarnate Word.” For further discussion of the difference between veneration and worship, see John Paul II, Theotókos, 244–54 (here 248–49); Paul VI, Apostolic Exhortation for the Right Ordering and Development of Devotion to the Blessed Virgin Mary (Marialis Cultus, Feburary 2, 1974), available at www.vatican.va. Regarding Eastern Orthodox veneration of Mary, see McGuckin, The Orthodox Church, 210–11.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive