Khi lật sang các trang của Tân Ước, chúng ta thấy Đức Maria được miêu tả theo cách tương tự như bức chân dung trong Kinh thánh về Evà và “người đàn bà” bí ẩn của sách Sáng thế 3:15. Điều này xảy ra trong hai sách: Phúc âm thánh Gioan và sách Khải huyền. Chúng ta hãy dành một chút thời gian để xem xét kỹ lưỡng từng sách.
Tiệc cưới ở Cana và “Người đàn bà” trong sách Sáng thế
Trong Phúc âm thánh Gioan, Đức Maria xuất hiện hai lần: một lần trong đám cưới ở Cana (Gioan 2:1–12), và một lần trong khi Chúa Giêsu bị đóng đinh (Gioan 19:25–27). Khi hai đoạn này được đọc song song theo quan điểm của Do Thái giáo cổ đại về Adam và Evà, chúng tiết lộ manh mối rằng Đức Maria là “người đàn bà” của sách Sáng thế và “dòng dõi” bà sẽ chiến thắng con rắn (Sáng thế 3:15). Chúng ta hãy bắt đầu với tiệc cưới ở Cana:
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (Gioan 2:1-11)
Cho mục đích của chúng ta ở đây, có hai câu hỏi đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Tại sao Phúc âm nhấn mạnh rằng tiệc cưới tại Cana diễn ra vào “ngày thứ ba” (Gioan 2:1)? Và tại sao Chúa Giêsu gọi Đức Maria là “bà” (tiếng Hy Lạp gynē) (Gioan 2:4)? Chúng ta không có ví dụ nào khác về một người đàn ông Do Thái giáo xưng hô mẹ mình theo cách này.
Thoạt nhìn, việc Gioan nhắc đến “ngày thứ ba” (Gioan 2:1) có vẻ chỉ là thông tin theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, khi đọc dưới góc độ toàn bộ chương, thì có vẻ như đó là một phần của một loạt các ám chỉ đến sách Sáng thế. Ví dụ, hãy xem xét hàng chữ đầu tiên của Phúc âm thánh Gioan:
Sách Sáng thế bắt đầu với câu chuyện nổi tiếng về bảy “ngày” sáng tạo, Phúc âm thánh Gioan bắt đầu với bảy “ngày” đầu tiên trong chức vụ công khai của Chúa Giêsu:
Bảy ngày của Sáng tạo mới
NGÀY 1 Chứng ngôn của Gioan Tẩy giả (Gioan 1:19)
NGÀY 2 “Ngày hôm sau” (Gioan 1:29) – Chúa Giêsu chịu phép rửa
NGÀY 3 “Ngày hôm sau” (Gioan 1:35) – Chúa Giêsu gặp An-rê và Phêrô
NGÀY 4 “Ngày hôm sau” (Gioan 1:43) – Chúa Giêsu gặp Phi-líp-phê và Na-tha-na-en
NGÀY 7 “Ngày thứ ba” [đếm từ ngày 4] (Gioan 2:1) – tiệc cưới tại Cana
Lưu ý ở đây cách các học giả đưa ra con số bảy ngày là bằng việc giải thích ám chỉ của thánh Gioan theo trình tự và công thêm bốn ngày đầu tiên vào “ngày thứ ba” (4 Ngày + 3 Ngày = 7 Ngày). Dựa trên những điểm tương đồng như vậy, cả các nhà chú giải Kinh Thánh Tin lành và Công giáo đều kết luận rằng Phúc âm thánh Gioan đang mô phỏng bảy ngày đầu tiên trong sứ vụ của Chúa Giêsu dựa theo tuần đầu tiên của sự sáng tạo trong Sáng thế.23 Gioan đang mô tả Chúa Giêsu là một Adam mới, người có sứ vụ công khai là khởi đầu của “một sự sáng tạo mới".
Nếu cách giải thích này là đúng, thì nó cung cấp một lời giải thích hữu ích cho lý do tại sao Chúa Giêsu gọi mẹ mình là “bà” (tiếng Hy Lạp gynē) (Gioan 2: 4). Trái ngược với những gì một số người đọc nghĩ, Chúa Giêsu không hề bày tỏ sự thiếu tôn trọng đối với Đức Maria. Như một học giả Tin lành đã nhấn mạnh một cách đúng đắn: “Tuy nhiên, bản dịch gynē thành ‘bà’ không có nghĩa... thô lỗ hay thù địch từ phía Chúa Giêsu”.24 Trái lại, lời giải thích hợp lý nhất là Chúa Giêsu đang ám chỉ Đức Maria là người “đàn bà” trong Sáng thế 3:15. Theo lời của Raymond Brown, trong lời chú giải có ảnh hưởng mạnh mẽ của ông đối với Phúc âm Gioan: “Gioan nghĩ về Đức Maria trong bối cảnh của Sáng thế chương 3… Đức Maria là Evà Mới.”25 Để ủng hộ cho cách giải thích này, điều quan trọng cần nhớ là trong sách Sáng thế, Evà chỉ được gọi là “Evà” một lần; bà được gọi là “người đàn bà” mười một lần.26 Vì vậy, giống như Evà đầu tiên mời Adam đầu tiên phạm tội lần đầu tiên, thì bây giờ Đức Maria mời Chúa Giêsu thực hiện “dấu hiệu” đầu tiên của mình.
Mối liên hệ giữa Đức Maria và Evà thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong lời tường thuật của Gioan về sự đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, để thấy rõ điều này, chúng ta cần ghi nhớ hai điểm. Đầu tiên, trong Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu mô tả cái chết của mình trên thập tự giá là giờ mà Ma quỷ sẽ bị đánh bại:
“Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.” (Gioan 12:31–33)
Thứ hai, vào đúng giờ mà Ma quỷ cuối cùng đã bị đánh bại, Chúa Giêsu một lần nữa gọi mẹ mình là “Bà”:
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Gioan 19:25–27)
Với mảnh ghép cuối cùng này của câu đố, sự tương đồng giữa Evà và Đức Maria trong Phúc âm Gioan đã hoàn tất:
Dựa trên những điểm tương đồng như vậy, chúng ta có lý do chính đáng để kết luận rằng trong Phúc âm thánh Gioan, mẹ của Chúa Giêsu không phải là một người phụ nữ bình thường. Theo lời của học giả Tân Ước John Dominic Crossan: “Ngụ ý trong danh hiệu ‘đàn bà’ là số phận trọn vẹn của Đức Maria là ‘người đàn bà” của sách Sáng thế 3:15.”27
Chuyển ngữ từ Jesus and the Jewish Roots of Mary: Unveiling the Mother of the Messiah của Dr. Brant Pitre
23. See Richard Bauckham, Gospel of Glory: Major Themes in Johannine Theology (Grand Rapids: Baker Academic, 2015), 132–35; Francis Martin and William M. Wright IV, The Gospel of John (Grand Rapids: Baker Academic, 2015), 42–61; John F. McHugh, John 1–4 (International Critical Commentary; London: Bloomsbury T. & T. Clark, 2014), 176–77.
24.Beverly Gaventa, Mary: Glimpses of the Mother of Jesus (Minneapolis: Fortress, 1999), 85. So too McKnight, The Real Mary, 66: “For Jesus to have used the word woman for his mother at the Wedding at Cana was neither impolite nor rude.”
25. Raymond E. Brown, The Gospel according to John (2 vols.; Anchor Bible 29–29A; New York: Doubleday, 1965, 1970), 1:109 (slightly adapted; emphasis added).
26. See Genesis 2:22, 23; 3:1, 2, 4, 6, 12, 13 (2x), 15, 16.
27.John Dominic Crossan, The Gospel of Eternal Life: Reflections on the Theology of St. John (Milwaukee: The Bruce, 1967), 57 (emphasis added). So too Brown, The Gospel according to John, 2:926: “Jesus’ mother is the New Eve.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét