Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Qua mười tai họa, Thiên Chúa của Israel xét xử các thần của Ai cập

Dấu hiệu và điều kỳ diệu

Trong Sách Xuất hành 7:8-13, Pha-ra-ô yêu cầu một phép lạ để chứng minh rằng Mô-sê và A-ha-ron là sứ giả của Chúa. A-ha-ron ném cây quyền trượng của mình xuống, và nó trở thành một con cá sấu. Nhiều bản dịch tiếng Anh dịch là “con rắn”, nhưng từ tiếng Do Thái được sử dụng ở đây, tannin, khác với từ được sử dụng để chỉ con rắn trong vườn và con rắn mà cây trượng của Môsê đã được biến đổi thành trước đó. Thần Sobek của Ai Cập đã  thường được ví như một con cá sấu lớn có thể nuốt chửng bất cứ thứ gì. Thần ấy đã tuần tra sông Nile và bảo vệ Pha-ra-ô và Ai Cập. Sau này trong Cựu Ước, ngôn sứ Êdêkien sẽ nói về tannin như một con thú rình mò dọc theo sông Nile (Êdêkien 29: 3, nơi từ thường được dịch là “rồng”). Pha-ra-ô đồng nhất mình với vị thần này vì sức mạnh và quyền năng của nó. Các pháp sư tư tế của Pha-ra-ô cũng sử dụng thuật bí mật của họ để tạo ra tanninim (cá sấu), nhưng chúng bị nuốt chửng bởi quyền trượng của A-ha-ron, khiến các pháp sư không còn quyền trượng và quyền hành mà họ đại diện.

Thiên Chúa của dân Do thái đánh bại thần Sobek, người được Pha-ra-ô tin tưởng để bênh vực và bảo vệ mình cũng như Ai Cập. Đây không chỉ là những hiệu ứng đặc biệt hoặc một màn trình diễn sức mạnh đơn giản; đó là cuộc xét xử các vị thần của Ai Cập. Việc các pháp sư của Pha-ra-ô cũng có thể dụng sức mạnh để làm biến hình cây quyền trượng của chính họ là một lời nhắc nhở về thực tế rằng “chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”(Êphêsô 6,12). Trong khi các thầy tế lễ của Pha-ra-ô ban đầu có thể bắt chước các dấu hiệu quyền năng của Mô-sê và A-ha-ron, nhưng họ sẽ không thể bắt chước Thiên Chúa toàn năng của dân Do thái.

Kết quả của việc Pha-ra-ô kiêu ngạo từ chối cho phép dân Ít-ra-en phục vụ (avad) Gia-vê là Thiên Chúa đã gửi đến mười bệnh dịch. Bệnh dịch đầu tiên biến sông Nile thành máu, một dấu hiệu gợi nhớ lại vụ chết đuối của những đứa trẻ vô tội của Ít-ra-en; công lý đang đến với Ai Cập vì tội ác của nó. Nhưng mục đích cuối cùng của các trận dịch là để dạy một thông điệp mạnh mẽ: Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa dành cho Mô-sê thể hiện rõ điều này: “Cứ dấu này các ngươi sẽ biết Ta là ĐỨC CHÚA” (Xuất hành 7:17; sự nhấn mạnh được thêm vào). Người Ai Cập, dân tộc rất sùng đạo và rất ý thức về các biểu tượng, sẽ coi việc nước sông Nile biến thành máu là một điềm báo đáng ngại. Sông Nile, trụ cột của nền kinh tế và đời sống Ai Cập, được tôn thờ như thần Hapi. Nhìn thấy sông Nile, một nguồn sống, giờ dòng chảy toàn máu có thể báo hiệu cái chết, và kết luận rút ra sẽ là Thần của dân Do thái đã giáng một đòn chí mạng vào vị thần Hapi yêu quý của người Ai Cập.

Thời gian giữa trận dịch hạch trên sông Nile và sự bùng nổ của trận dịch hạch thứ hai là bảy ngày (Xuất hành 7:25). Chi tiết này cực kỳ quan trọng để nắm được một bài học bổ sung về những trận dịch. Mỗi ngày thứ bảy là ngày Sa-bát. Do đó, sự gián đoạn bảy ngày giữa các bệnh dịch cho thấy rằng bệnh dịch trên sông Nile, dịch ếch và tất cả các bệnh dịch, xảy ra mỗi ngày thứ bảy trong ngày Sa-bát, ngày mà dân Ít-ra-en nghỉ ngơi và thờ phượng. Chính xác là sự nghỉ ngơi “để thờ phượng” mà Pha-ra-ô từ chối ban cho dân Ít-ra-en (Xuất hành 5:5). Thiên Chúa làm đảo lộn nền kinh tế của Ai Cập vào ngày Sa-bát để dạy cho cả Ít-ra-en và Ai Cập tầm quan trọng của việc đặt sự thờ phượng (avad) trên công việc (avad).

Bệnh dịch thứ hai, sự sinh sôi của loài ếch nhái, mang đến sự phán xét đối với nữ thần Heqt, nữ thần của sự sống và khả năng sinh sản, vị thần được miêu tả như một người phụ nữ từ eo trở xuống và một con ếch từ eo trở lên. Pha-ra-ô cầu xin Mô-sê trừ đi những con ếch nhái. Mô-sê tuân theo, và ngày hôm sau, Ai Cập tràn ngập mùi hôi thối của thi thể thối rữa của nữ thần sự sống. Sau những trận dịch ruồi, nhặng, dịch bệnh trên gia súc, nhọt độc, mưa đá và cào cào tiếp theo, Chúa bảo Mô-sê hãy đưa tay ra “cho bóng tối bao trùm đất Ai-cập, bóng tối như sờ thấy được.” (Xuất hành 10:21). Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra ánh sáng sẽ trừ nó đi trong ba ngày. Thiên Chúa dân Do thái thổi tắt thần mặt trời Re như một ngọn nến.

Mỗi bệnh dịch đều tuân theo một công thức tương tự: Mô-sê nói với Pha-ra-ô rằng bệnh dịch sẽ xảy ra “để họ có thể biết” rằng Chúa là Thiên Chúa, và sau đó Thiên Chúa gửi một bệnh dịch đặc biệt giáng xuống một vị thần của Ai Cập. Mỗi lần bệnh dịch xuất hiện, Pha-ra-ô cuối cùng sẽ nhượng bộ và để cho Israel ra đi, nhưng khi bệnh dịch qua đi, ông cứng lòng và từ chối. Xuyên suốt, các chủ đề “nhận biết” và “phụng sự” được lặp đi lặp lại. Kinh thánh mô tả bài học lặp đi lặp lại của các bệnh dịch theo cách này:

Chúng đã ra lầm lạc khi nuôi những tâm tưởng bất chính ngu si, mà tôn thờ rắn rết vô tri và sâu bọ hèn kém, nên Ngài đã gửi đến nhiều sinh vật vô tri để trừng phạt bọn chúng. Như thế chúng hiểu rằng phạm tội làm sao thì bị phạt làm vậy. (Khôn ngoan 11: 15-16) ]

Các bệnh dịch chỉ ra sự trống rỗng của toàn bộ hệ thống tín ngưỡng Ai Cập, vì các vị thần của Ai Cập ở dưới lòng thương xót của Thiên Chúa của dân Do thái. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa nói với Mô-sê trong trận dịch cuối cùng rằng các vị thần của Ai Cập hoàn toàn bị đánh bại. “Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập : vì Ta là ĐỨC CHÚA.” (Xuất hành 12:12).

Sau trận dịch thứ tư, Pha-ra-ô bất ngờ nhượng bộ đủ lâu để đưa ra một thỏa hiệp. “Hãy đi dâng tế lễ cho Thiên Chúa các ngươi trong xứ.” (Xuất 8:25). Giờ đây, Pha-ra-ô sẽ cho dân chúng được nghỉ để thờ phượng, nhưng chỉ trong vòng lãnh thổ Ai Cập. Thế nhưng Mô-sê chỉ ra một vấn đề quan trọng:

“Không nên làm như thế: những gì chúng tôi tế dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi, đều ghê tởm đối với người Ai-cập. Vậy nếu chúng tôi tế dâng trước mắt người Ai-cập những gì là ghê tởm trước mắt họ, thì làm sao họ lại không ném đá chúng tôi được? Chúng tôi sẽ đi ba ngày đường để vào sa mạc tế lễ ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi, như Người phán với chúng tôi.” (Xuất hành 8:26-27)

Ít-ra-en phải thờ phượng Chúa bằng cách tế lễ những con vật mà chính người Ai Cập tôn thờ. Những của tế như vậy sẽ được coi là tội sát thần giết thánh và sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Vì lý do này, Mô-sê yêu cầu một cuộc hành trình cách Ai Cập ba ngày. Sự thờ phượng là trung tâm của cuộc xung đột giữa Pha-ra-ô và Mô-sê. Sự thờ phượng của người Ít-ra-en đảo lộn sự thờ hình tượng của người Ai Cập, chứng tỏ rằng những gì người Ai Cập coi là thần thực sự không phải là thần.

Lễ Vượt Qua

Kinh thánh nhận xét:

Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa. (Kn 12: 2)

Với những bệnh dịch, Thiên Chúa trừng phạt Ai Cập từng chút một, để lòng khoan dung của Chúa cho họ thời gian ăn năn. Nhưng thay vì ăn năn, Pha-ra-ô cứng lòng, chọn đề cao mình hơn là hạ mình trước mặt Đức Chúa (Xuất hành 9:17; 10: 3). Với sự lựa chọn này, Pha-ra-ô tự rước lấy cho bản thân và quốc gia của mình sự đau khổ của bệnh dịch cuối cùng. Như Thiên Chúa đã cảnh báo, nếu Pha-ra-ô không để con trưởng nam của Thiên Chúa phụng sự Ngài, thì Pha-ra-ô sẽ phải gánh chịu cái chết của con trưởng nam mình.

Trong khi ba bệnh dịch đầu tiên ảnh hưởng đến “toàn xứ,” cả Ai Cập và Ít-ra-en, Thiên Chúa đã “chia cắt xứ Goshen,” và chỉ có người Ai Cập phải lãnh chịu bệnh dịch thứ tư đến thứ chín. Nhưng với trận dịch thứ mười, dân Ít-ra-en, cũng như người Ai Cập, lại gặp rủi ro. Cách duy nhất để Ít-ra-en thoát khỏi sự phán xét đối với các con trai đầu lòng là tuân theo những quy định của Thiên Chúa trong Sách Xuất hành 12: họ phải cử hành Lễ Vượt Qua.

Vào ngày thứ mười của tháng, dân Ít-ra-en phải bắt một con cừu non một tuổi không tỳ vết. Sau đó, vào ngày thứ mười bốn, họ sẽ giết thịt cừu, nướng nó và ăn nó. Một điều đáng hỏi là, “Tại sao phải đợi bốn ngày để hiến tế những con cừu non?” Một gợi ý có thể được tìm thấy trong một sự kiện kỳ ​​lạ được ghi lại trong Sách Xuất hành chương 4. Thiên Chúa, sau khi vừa sai Mô-sê đến để giải phóng Ít-ra-en, “viếng thăm” Mô-sê và kiếm thế giết ông. Từ được sử dụng để mô tả Thiên Chúa “viếng thăm” Mô-sê cũng là từ được dùng để chỉ việc Thiên Chúa đến thăm Ai Cập với bệnh dịch. Mô-sê chỉ được tha khi vợ ông, Sê-phô-ra, cắt dương bì cho con trai họ là Ghẹt-sôn, và bôi một ít máu lên người Mô-sê. Xét thấy nền văn hóa Ai Cập không cắt dương bì cho nam giới cho đến khi họ được mười ba tuổi, có vẻ như Mô-sê, và nhiều người dân Ít-ra-en của ông, đã không tuân theo phép cắt bì vào ngày thứ tám theo lệnh của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham.

Bây giờ vào đêm trước của cuộc xuất hành, Thiên Chúa ra lệnh cho Mô-sê rằng những người cử hành Lễ Vượt Qua phải được cắt bì (Xuất hành 12:48), một hành động mà một số giáo sĩ Do Thái nói rằng phải mất ba đến bốn ngày để chữa lành – đây, là bốn ngày chờ giữa việc chọn con chiên và cử hành Lễ Vượt Qua. Hai sự tường thuật về phép cắt bì và huyết bao quát câu chuyện về các bệnh dịch; cũng  như phép cắt bì cho con trai của Mô-sê và dấu hiệu bằng huyết cứu Mô-sê khỏi sự viếng thăm của Thiên Chúa, phép cắt bì Lễ Vượt Qua của dân Ít-ra-en và huyết của con chiên Lễ Vượt Qua sẽ là những dấu hiệu dẫn đến việc Thiên Chúa tha con đầu lòng của toàn dân Ít-ra-en. [*Người dịch: phép cắt bì xưa là dấu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do thái. Đó là hình bóng của bí tích Rửa tội trong Giao Ước mới.]

Sau khi hiến tế và nướng thịt cừu, dân Ít-ra-en phải ăn nó vào ban đêm, trong tư thế đứng, với dép đã mang, sẵn sàng đi. Sau đó, họ phải bôi máu của con chiên trên ngưỡng cửa nhà họ. Nếu họ không hoàn thành nghi lễ này – hiến tế, dùng thịt, đánh dấu bằng máu – đúng như Mô-sê chỉ dẫn, thì con trai đầu lòng của họ sẽ chết, giống như những trai con đầu lòng của dân Ai Cập.

Chuyển ngữ từ đoạn Signs and Wonders trong Walking with God: A Journey Through the Bible by Tim Gray and Jeff Calvins

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét