Tiếng Anh có câu ngạn ngữ: “To err is human, to forgive is divine,” tạm dịch “Làm người ai cũng mắc sai lầm, nhưng tha thứ là ân sủng Chúa ban/ là việc của Thiên Chúa.”
Tha thứ là một việc rất khó khăn vì bạn cảm thấy nó đi ngược lại với đức công bằng mà bạn coi trọng. Tha thứ có thể là một quá trình dai dẳng, đầy gian nan. Và không thiếu lúc bạn cảm thấy như Chúa đòi hỏi quá nhiều trong quá trình khó khăn đó. Bạn có thể cảm thấy xa Chúa vì nó.
Video của Cha Gregory Pine có thể giúp bạn đi qua quá trình tha thứ nhân từ với bản thân hơn và nhận ra dù là bạn vấp ngã, gặp nhiều trắc trở trong quá trình đó, bạn đang trên con đường được trở nên giống Chúa chúng ta nhất. Chúa đang làm việc của Ngài nơi bạn, làm bạn trở nên giống Ngài cách sâu đậm nhất.
Lời từ video:
… Chủ đề của hôm nay là tha thứ vì tôi nghĩ đây là một bổn phận rất thiết thực và vì đó là điều mà mọi người chúng ta có lúc sẽ quan tâm. Tại sao tôi đề cập đến tiêu đề này? Tại sao nói về nó?
14 tháng chạm trán với Covid đầy khó khăn và tôi nghĩ phần lớn những khó khăn đó đã bị làm phức tạp hơn do sự buồn sầu, tức giận về một tình huống mà người ta có rất ít khả năng kiểm soát.
Nhưng như chúng ta đã học được khi đọc Con Người Đi Tìm Lẽ Sống của Viktor Frankl, trong đó ông nói chúng ta có sự kiểm soát đối với cách chúng ta đón nhận sự việc. Đó là quan điểm của ông Frankl.
Trong bối cảnh Kitô giáo, quan điểm của chúng ta là chúng ta không bao giờ bị ràng buộc bởi một sự việc trừ khi chúng ta chấp nhận bị ràng buộc. Vì thế, chúng ta luôn là tự do nhờ phó thác vào sự Quan phòng của Chúa, hoặc chấp nhận kế hoạch của Chúa, nhưng cách cụ thể là tha thứ, đặc biệt là tha thứ những người khác.
Nhưng tha thứ là một trong những điều khó để định nghĩa, rất khó để hiểu nó và vì thế, chúng ta cần có thời gian để mò mẫm về nó.
Bạn sẽ không tìm thấy câu hỏi nào trong bộ Summa Theologiae (của Thánh Tôma Aquina) dành riêng cho việc tha thứ, nên cách chúng ta tìm hiểu ở đây thì như thể tôi lang thang, mò mẫm, suy luận, bạn muốn dùng từ nào cũng được.
Vậy tha thứ là gì? Tôi nghĩ nơi tốt nhất để tìm có thể là một vài lời ngắn gọn về bí tích Hòa giải và sau đó chúng ta có thể áp dụng nó cách rộng rãi hơn. Vậy chúng ta tìm kiếm gì trong bí tích Hòa giải? Hiệu quả của bí tích ấy là gì?
Qua bí tích đó, bạn đem tội và sự thống hối của mình đến tòa giải tội. Việc ăn năn của bạn không cần phải là hoàn hảo; nó thực ra có thể là sự ăn năn bất toàn. Bạn ít nhất cần có sự thống hối dù bất toàn, hoặc nhiều người gọi nó là ăn năn tội cách chẳng trọn khi xưng tội.
Bí tích Giải tội thực sự làm hoàn hảo sự thống hối của bạn. Bằng cách nào? Nhờ đức bác ái. Tình yêu biểu hiện sự tha thứ thực sự, tình yêu biểu hiện sự được thực sự tha thứ. Vậy chúng ta làm cách nào để áp dụng nó vào cuộc sống của chúng ta? Tôi nghĩ đức bác ái là một thử nghiệm hiệu lực để biết nếu chúng ta đã tha thứ cho ai đó.
Tất cả chúng ta đã phải chiến đấu với việc tha thứ cho người nào đó vì cảm giác tức giận hoặc phẫn uất không nguôi được. Vậy làm sao chúng ta biết chúng ta đã trên tiến trình tha thứ?
Chúng ta đã nghe rằng tha thứ không chỉ là một lần quyết định là xong. Ai đó lỗi phạm đến chúng ta và chúng ta nói, tôi tha cho bạn, rồi không bao giờ nghĩ đến nó nữa. Có thể là có những người có khả năng làm điều đó. Nhưng hầu hết chúng ta thì không như vậy. Do đó, chúng ta cần các bước, chúng ta cần làm những bước tương ứng với cuộc sống con người của chúng ta. Và cuộc sống con người cũng là từng bước một. Vậy điều đó có nghĩa là gì?
Tôi nghĩ tha thứ là một lựa chọn, một quyết định, một việc làm của giống người. Là con người, chúng ta có những khả năng thiêng liêng của trí tuệ và ý chí, những khả năng tách biệt chúng ta khỏi thú vật. Và cách nào đó chúng cũng là điểm nối kết, những điểm nối kết gần gũi nhất của chúng ta với Chúa; đó là điểm mà làm chúng ta giống Chúa nhất, là nơi mà chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Chúa nhất.
Tha thứ là một điểm đặc biệt của loài người và điểm đặc biệt của loài người được dựng nên theo giống hình ảnh Thiên Chúa. Tha thứ là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, nơi chúng ta được sự tha thứ của Chúa chạm đến và cũng là nơi mà chúng ta có thể mở rộng sự tha thứ đến cho những người đã làm tổn thương đến chúng ta. Vì thế, chọn lựa / quyết định là hoa quả của ý chí.
Vậy khi chúng ta chọn tha thứ, nó có dáng vẻ nào? Qua việc đó, bạn nói cách rõ ràng lỗi lầm này bạn đã làm đến với tôi, tôi gỡ nó đi, tôi chọn để không thu tích oán hờn đối với bạn. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta phạm tội, chúng ta cần nhìn đến hai khía cạnh. Có phần là lỗi phạm (culpa) và có phần của hình phạt hoặc đau đớn.
Khi bạn làm điều có hại đến người khác, người ấy có thể tha thứ bạn nhưng còn có hình phạt kèm theo. Chẳng hạn như bạn thích chơi gôn trong sân của bạn và bạn lấy gậy sắt ra để chơi. Sân chơi bạn khá rộng nhưng bạn quen với việc đánh banh xa đến 8, 9 mét. Bạn tính toán góc độ và muốn nó đi xa. Bạn đánh một phát mạnh nhưng bạn đánh trật và nó bay vào sân nhà tôi, đánh vào cửa sổ sau nhà. Bạn qua bên tôi nói bạn xin lỗi, rất tiếc là đã xảy ra và tôi sẽ nói, vâng tôi tha cho anh. Nhưng điều đó thì chưa đủ. Sau đó bạn phải sửa cửa sổ cho tôi. Vì thế có hai khía cạnh: lỗi phạm và hình phạt.
Qua tha thứ, điều chúng ta làm là chúng ta tha thứ lỗi phạm. Chúng ta nói điều này sẽ không bị dùng để chống lại anh (trước tòa). Và chúng ta làm cách nào để thực hiện điều đó? Bằng việc chọn để tha thứ. Chúng ta nói điều này sẽ không bị dùng để chống lại anh.
Bạn sẽ nói nhưng Cha Gregory, điều đó không dễ dàng như vậy vì con người là thứ phức tạp. Con người có thân thể, có cảm xúc, ý tưởng và những thứ như vậy. Tất cả những thứ này như thể bị cưỡng bách để đi theo quyết định ban đầu. Vậy làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng sự tha thứ này sẽ vững bền? Hoặc chúng ta có thể làm gì để bảo đảm rằng sự tha thứ này sẽ được thành tựu. Nhờ bạn tiếp tục quyết định để tha thứ, tiếp tục chọn sự tha thứ và tiếp tục khẳng định sự tốt lành của người kia và đó chính là điều mà sự tha thứ biểu hiện: đó là tình yêu.
Do đó bạn biết là bạn đã tha thứ cho ai đó khi bạn yêu mến họ. Nhưng giả sử có người này đã làm hại bạn cách khá nghiêm trọng, giả sử họ đã làm hại bạn khiến bạn phải chịu đựng tổn thương lớn. Nếu bạn đặt mình trong tình huống đó, hoặc với người có thể gây tổn hại đó lần nữa thì đó là một hành động rất thiếu thận trọng. Vậy làm sao bạn biết bạn yêu thương người ấy?
Cách cơ bản là bạn cần ước muốn sự tốt lành cho người đó, bạn cần ước muốn rằng người đó biết, yêu mến và phụng thờ Chúa và được vui hưởng nhan thánh Chúa khi lìa cõi trần gian. Việc tha thứ có thể là bạn không cần phải liên lạc gì với họ nữa, nhưng bạn phải yêu thương họ theo cách cơ bản nhất: ước muốn sự tốt lành của người đó.
Và qua việc luôn chọn sự tốt lành cho người đó, sự tha thứ phát triển, chín muồi, sự tha thứ được kéo dài trong cuộc đời bạn.
Vậy điều Chúa đòi hỏi nơi bạn là gì? Ngài đòi hỏi rằng bạn tha thứ, có lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót như đã được trình bày trong Phúc âm thánh Luca. Và điều đó thực sự mang ý nghĩa là bạn đang chọn để yêu cách liên tục. Đó thật là một quá trình gian nan. Và không phải lúc nào bạn cũng có cảm giác đã tha thứ. Sự thật là bạn vẫn có thể phải đối mặt với nỗi buồn, với sự tức giận, với nỗi uất hận trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Nhưng với điều kiện là bạn liên tục lựa chọn, với điều kiện là bạn liên tục biết phải ưu tiên sự tha thứ này, sự tha thứ là thứ thể hiện tình yêu cho một người khác. Nếu vậy, thì bạn đã làm những gì thuộc quyền hạn của bạn. Bạn không ngay lập tức có khả năng chỉ huy những cảm giác của mình, nhưng bạn có thể chọn để cảm nhận khác đi, và nếu quyết định đó bạn luôn làm vì Chúa, bạn đã làm những gì bạn có thể, và Chúa sẽ đưa nó đến kết quả tốt đẹp.
Nhờ sự liên lục lựa chọn đó, bạn sẽ được tự do. Vì bạn không còn bị giam cầm, không còn là tù nhân của sự tức giận và nỗi buồn của bạn, bạn đã bắt đầu quá trình mà bạn có thể lớn lên, vượt qua những nỗi đau. Chúng có thể tiếp tục làm trái tim bạn đau sau nhiều ngày, nhưng nó không cần là lời cuối cùng của tình huống ấy.
Đó là những suy nghĩ theo ấn tượng hơn là tôi thường đưa ra. Thường thì có lẽ tôi trả lời cách tự động hơn, lặp lại những điều trong Summa Theologiae. Nhưng do tiêu đề này không có trong Summa Theologiae, ít nhất là không có một câu hỏi trả lời rành mạch, tôi phải tập hợp nhiều thứ lại.
Nói tóm lại, chúng ta nói về điều gì khi chúng ta nói về sự tha thứ? Tha thứ bắt đầu với một lỗi phạm, một tội. Qua tội đó, người này gây tổn hại đến cho người khác. Vì vậy, tội là qua hình dạng tư tưởng, lời nói, hoặc hành động trái với luật của Chúa, đã gây tổn thương đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa, với người khác, và với chính bản thân mình.
Trong tội đó có hai khía cạnh: lỗi phạm, hoặc hình phạt / sự đau đớn. Khi chọn để tha thứ cho ai đó, bạn chọn để bỏ qua lỗi phạm họ làm đến với bạn. Khi bạn chọn điều đó, khi bạn ước muốn là lỗi phạm đó được phóng thích, bạn cần phải kiên trì trong sự lựa chọn đó. Nếu không thì chiều kích thể lý, hoặc cảm xúc, hoặc tâm lý của vết thương mà bạn phải gánh chịu, hoặc chấn thương mà bạn đã phải chịu đựng, có thể len lỏi đi vào trở lại và làm xói mòn hoặc hủy hoại quyết định / lựa chọn đó. Vì vậy bạn cần phải có sự lựa chọn đó xuyên suốt toàn bộ cuộc sống con người của bạn: tâm lý, tình cảm và ngay cả thể lý.
Vì thế, bạn cần phải liên tục chấp nhận hoặc tái khẳng định lựa chọn đó bằng cách chọn để yêu cách đúng lẽ: để khẳng định sự tốt lành của người đó, ước muốn điều tốt lành là cho họ biết, yêu mến, phục vụ Chúa; ít nhất là ước họ sẽ được hưởng thiên đàng với Chúa. Vì bạn tiếp tục chọn để tha thứ, sự biến đổi mà chúng ta hy vọng để có, sẽ được dần dần đạt được. Sẽ có những khó khăn trên con đường ấy, những trục trặc nho nhỏ, nhưng Thiên Chúa, Đấng đã khởi sự công việc tốt lành đó nơi bạn, sẽ đưa nó đến điểm hoàn thành.
Thưa các bạn, đó là một vài lời giới thiệu cơ bản về tha thứ dựa trên những linh hứng của Thánh Tôma.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét