Lương tâm là một chính quyền bên trong tâm hồn, thi hành cùng một chức năng như mọi chính quyền dân sự: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nó làm ra luật, nó chứng kiến những hành động của chúng ta trong mối liên hệ với lề luật và cuối cùng nó phán xét chúng ta.
Trước hết, lương tâm lập ra luật. Người ta cần biết rằng có một nhà lập pháp bên trong mỗi người chúng ta, từ đó luật được công bố giữa sấm sét của cuộc sống hàng ngày, một luật dạy cho chúng ta biết làm lành lánh dữ. Tiếng nói nội tâm nói với chúng ta về trách nhiệm, nhắc nhở chúng ta nên làm những điều nào đó. Điều khác biệt giữa một cái máy và một con người đó là sự khác biệt giữa “phải làm” và “nên làm.” Lương tâm tuyên bố điều gì là tốt lành và điều gì là sự dữ.
Kế đến, lương tâm còn thi hành luật pháp nữa, theo nghĩa nó chứng kiến việc áp dụng luật vào trong các hành động. Nó chứng kiến việc chúng ta trung tín với luật pháp trong các hành động của mình. Được sự giúp đỡ của ký ức, nó bảo cho biết giá trị của các hành động của chúng ta, nếu chúng ta hoàn toàn làm chủ chính mình. Nó thấy những đam mê, hoàn cảnh, những ảnh hưởng mạnh mẽ tác động trên chúng ta. Nó như thể nói với chúng ta: “Tôi ở đó, tôi đã thấy bạn làm điều đó. Bạn đã có ý hướng như thế.” Trước tòa án dân sự, người ta chỉ có thể gọi đến những kẻ chứng kiến các hành động bên ngoài của tôi thôi, nhưng lương tâm là chứng nhân không chỉ thấy tôi, mà là tôi biết chính tôi. Dù tôi thích nó hay không, thì tôi không thể nói dối đối với điều mà lương tâm làm chứng chống lại tối.
Cuối cùng, lương tâm không chỉ đưa ra luật lệ, không chỉ làm chứng sự vâng phục hay bất phục của tôi đối với luật, nhưng nó còn phán xét tôi nữa. Trong tâm hồn của mỗi người có một quan tòa thinh lặng. Lương tâm là vị quan tòa xét xử, đưa ra quyết định với thẩm quyền thừa nhận hay chống lại, vì không ai có thể chống lại một phán quyết mà người ta đưa ra để chống lại chính mình. Đó là lý do tại sao nơi lương tâm có cả các cảm xúc cùng với đúng và sai, vui và buồn, bình an và hối hận, chúc tụng và nguyền rủa,....
Nếu tôi làm sai, lương tâm sẽ làm cho tôi có một cảm giác tội lỗi. Ngược lại, nếu lương tâm phê chuẩn hành động của tôi, tôi sẽ cảm nghiệm một niềm vui. Nếu lương tâm tôi phê chuẩn cho tôi thì tôi có một thiên đàng bên trong tâm hồn và tôi luôn sống trong bình an, thứ bình an mà thế gian này không thể cho tôi và mọi sỉ nhục của thế gian cũng không cướp mất được sự bình an đó.
Có nhiều người đi lo công việc bổn phận ban ngày với dáng vẻ bình an, nhưng ban đêm lại cảm thấy lo sợ bóng tối vì có một cảm giác tội lỗi. Một người có đầu óc sáng suốt và năng động nhưng lại có tâm bệnh bên trong. Đó là lý do tại sao vịnh gia kêu lên: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch mọi tội ác.” Làm thế nào chúng ta tránh được những đau khổ này xuất phát do tội lỗi thầm kín? Mọi người cần xét mình bạn tối trước khi ngủ và thống hối các tội lỗi của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét