Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Chúa khoác chiếc áo choàng trắng để bạn được xứng đáng dự Tiệc cưới

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (22,1-14)

Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

-----------

Vị Vua trong dụ ngôn này rõ ràng là Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Cựu Ước, Người Con mà tiệc cưới đã được dọn sẵn là Con của Đa-vít, Đấng được hưởng quyền làm chức vị làm con Thiên Chúa nhờ giao ước Đa-vít (2 Sa-mu-en 7:14; Thánh vịnh 2:7; 89:26–27) ). Có rất nhiều hình ảnh tiệc cưới mô tả mối quan hệ giữa Đức Chúa và dân Israel (Hô-sê 1–3; Isaia 54; Giê-rê-mi-a 2–3; Ê-dê-ki-en 16, 23; v.v.). Điều ít được chú ý hơn là những đoạn phản ánh mối quan hệ hôn nhân giữa Con vua Đa-vít và Israel (2 Sa-mu-ên 5:1; 17:3; Tv 45; Sách Diễm ca nói chung). Vai trò của Con vua Đa-vít với tư cách là chàng rể đối với đoàn dân là một phần trong việc Người đại diện cho Thiên Chúa là Cha của mình. Tính cách phu thê của Người Cha được phản ánh nơi Người Con.

Một số dụ ngôn Chúa Giêsu kể là những suy niệm về kinh nghiệm sống hằng ngày; trong những dụ ngôn khác Chúa Giêsu nêu ra những bất thường hoặc thậm chí cường điệu. Dụ ngôn hôm nay thuộc loại thứ hai vì hành vi của những vị khách được mời rất là kỳ quặc. Những người nghe Chúa Giêsu sẽ nhận ra đây là một câu chuyện kỳ lạ. Những khúc quanh co của cốt truyện là từ chính câu chuyện Chúa Giêsu đang mô tả qua những nhân vật này, chứ không phải từ phong tục của các đám cưới hoàng gia Cận Đông cổ đại.

Những người được “mời” đến dự tiệc cưới là các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giêrusalem, những người lẽ ra phải dễ dàng thừa nhận Chúa Giêsu là Con vua Đavít. Dựa trên dụ ngôn về những tá điền độc ác của tuần trước (Mt 21:33–46) và việc Chúa Giê-su than khóc về Giê-ru-sa-lem (“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” [Mt. 23:37) , “thành” của những kẻ ngược đãi các tôi tớ của nhà vua là Giêrusalem, và dụ ngôn cho chúng ta một lời tiên đoán rõ ràng về sự hủy diệt của thành vào năm 70 sau Công nguyên.

Mệnh lệnh “các ngươi đi ra các ngả đường” để “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” một phần đề cập đến việc truyền bá Tin Mừng cho Dân Ngoại, những kẻ vất vưởng trong Chúa nhật thứ XX Thường niên. Điều Chúa Giêsu báo trước qua việc chữa lành người phụ nữ Canaan, Người cũng đang tiên đoán qua những nhân vật trong dụ ngôn này.

Cung điện đầy khách “xấu cũng như tốt” làm ta nhớ đến dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì và dụ ngôn lưới kéo hết mọi thứ (Mt 13:24–30, 36–43; 47–50). Trong tất cả những dụ ngôn này, vấn đề là vương quốc của Chúa không chỉ đơn giản ám chỉ đến đời sau hay thiên đàng mà đó là một thực tế hiện tại, đã được thiết lập trong sứ vụ của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong Giáo hội hữu hình, bao gồm cả các vị thánh và những người tội lỗi. Các phong trào ly giáo cố gắng loại bỏ tất cả những gì ô uế khỏi Giáo hội hữu hình đôi khi có thiện chí nhưng luôn là đi sai đường. Tuy nhiên, việc các phong trào cải cách kêu gọi mọi người sám hối luôn được hoan nghênh.

Điều này đưa chúng ta đến việc suy luận về “áo cưới” mà một vị khách nào đó không mặc lấy trên mình. Hai văn bản Kinh thánh khác giúp chúng ta hiểu biểu tượng này. Trước hết là đoạn từ Isaia 61:10:

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.

Và từ sách Khải huyền 19:7-8

Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ
dâng Chúa lời tôn vinh,
vì nay đã tới ngày
cử hành hôn lễ Con Chiên,
và Hiền Thê của Người
đã trang điểm sẵn sàng,
nàng đã được mặc áo vải gai
sáng chói và tinh tuyền.”

Dưới ánh sáng của những văn bản về trang phục hôn nhân này trong cả Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta có thể đưa ra một lập luận đúng tiêu chuẩn để hiểu “áo cưới” là “việc làm công chính” - tức là hành vi tương ứng với ân sủng của Chúa và tương ứng với lời mời gọi đến tham dự tiệc cưới của Chúa.

Vì vậy, dụ ngôn này chống lại quan điểm “được cứu rỗi chỉ nhờ đức tin mà thôi” (của các nhóm Tin Lành) nếu qua cụm từ đó người ta muốn nói rằng một người có thể tin và được cứu mà không cần thay đổi đời sống và hành vi của mình. Để được cứu rỗi, chúng ta cần phải thay đổi, thực sự sống thánh thiện.

Đồng thời, trong cả sách ngôn sứ Isaia và sách Khải Huyền, chính Thiên Chúa là Đấng trang điểm cho Cô Dâu của Người. Vì vậy, sự thánh thiện của chúng ta đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nỗ lực của chúng ta. Đời sống Kitô hữu cốt ở việc để cho Chúa Thánh Thần thay đổi chúng ta và hành vi của ta. Vì thế Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy:

Tình yêu Đức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa… Các thánh luôn ý thức mãnh liệt, công trạng của họ hoàn toàn do ân sủng:

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng được vui hưởng nhan Chúa nơi quê thật trên trời. Con không muốn thu thập công trạng để được lên thiên đàng... Cuối cuộc đời này, con đến trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay không, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm… Con chỉ ao ước mặc lấy sự công chính của Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần gia nghiệp đời đời là chính Chúa (Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, trích từ GLCG #2011)

Chúng ta hãy tận dụng việc tham dự Thánh Thể cuối tuần này để xem xét lương tâm. Có giẻ rách bẩn thỉu nào trong cuộc sống mà tôi đang ôm chặt trên mình không? Điều gì đang ngăn cản Chúa Giêsu mặc cho tôi bộ áo trong sạch? Tuần này tôi có thể làm gì để Người gỡ bỏ đống giẻ rách đó và khoác chiếc áo choàng trắng cho tôi? Có lẽ tôi cần đi xưng tội hoặc tìm một người linh hướng để giúp đỡ tôi?-- Dr. John Bergsma

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét