Lời chú giải của Scott Hahn cho Rôma 3:25
Thiên Chúa đã đặt [Đức Kitô Giêsu] làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm.
Trong Do thái giáo, nghi lễ Yom Kippur, Ngày Đại Lễ Đền Tội, được mô tả trong sách Lê-vi 16:1-34 và những thuật ngữ trọng tâm của sự kiện phụng vụ này: đền tội, máu và sự tha thứ. Lễ Yom Kippur là ngày trong lịch của Israel khi lòng thương xót của Chúa tuôn đổ dồi dào nhất, khi mọi việc được sửa chữa lại cho phải lẽ. Đối với Thánh Phaolô, Ngày Lễ Đền Tội đã mở đường cho sự hiểu biết của người Kitô giáo về Thứ Sáu Tuần Thánh.
Cụ thể, thánh Phaolô hình dung Chúa Giêsu bị đóng đinh là “sự chuộc tội”—trong tiếng Hy Lạp, hilastērion. Đây là thuật ngữ được sử dụng trong bản Cựu ước Septuagint để chỉ “tòa lòng thương xót” bằng vàng ròng dùng làm nắp đậy hòm bia giao ước (Xuất hành 25:17–22). Vật thánh thiêng này là tâm điểm của Phụng vụ Ngày Đền Tội. Trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, đó là nơi đặc ân nhất cho sự thánh thiện và sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất này.
Hàng năm, vị Thượng tế của Israel lãnh nhận “ơn tha thứ” cho những lỗi phạm của dân tộc mình bằng cách rưới “máu” của các con vật hiến tế len bề mặt trên cùng của hòm bia, cũng được gọi là “tòa lòng thương xót” hay “đền tội” bằng vàng. Thánh Phaolô nhận ra rằng nghi thức cổ xưa của Ngày Lễ Đền Tội báo trước một điều gì đó lớn lao hơn nhiều. Những lời của thánh Phaolô cho thấy (1) cái chết của Chúa Giêsu là một hành động hiến tế, (2) lễ vật hiến tế (máu chiên) của dân Israel đã được thay thế bằng máu của Chúa Kitô trên thập tự giá, và (3) tội lỗi con người và tình yêu Thiên Chúa đã gặp nhau nơi máu và cái chết của Chúa Giêsu theo cách mà sự tha thứ dứt khoát giờ đây được mở ra cho tất cả những ai tin.
Theo thánh Phaolô thì việc đóng đinh Đấng Mêsia là một biểu hiện công khai về sự công chính của Thiên Chúa. Qua thánh giá, Thiên Chúa đã hành động để thực hiện giao ước của Ngài, [đó là lời] hứa Ngài sẽ chúc phúc cho toàn thế giới. Vây thì tất cả những tội lỗi đã phạm trước đó trong lịch sử rất lâu dài trước Thứ Sáu Tuần Thánh thì sao? Chúng không bị bỏ qua hoặc bị lãng quên hoặc bị coi nhẹ. Đúng hơn, Thiên Chúa đã nhẫn nại: vì lòng thương xót, Chúa đã đời hoặc trì hoãn trọn vẹn phán xét [về hình phạt] theo mức độ tội lỗi cho đến khi Con Ngài thực hiện một sự chuộc tội có hiệu quả đặc biệt. Thánh Phaolô xác định thời đại ân sủng và thời đại của Đấng Mêsia vào thời điểm hiện tại.
Sau đó, thánh Phaolô kết nối lời giải thích của ngài về sự công chính của Chúa bằng cách tóm tắt hai khía cạnh chính.Thứ nhất, sự công chính có liên quan đến việc Chúa tỏ ra Ngài công chính trong công cuộc cứu rỗi của Ngài, công cuộc này được chiếu trên màn hình lịch sử nhân loại để mọi người được nhìn thấy. Thứ hai, nó đề cập đến hành động Ngài công chính hóa những ai tin vào Chúa Giêsu… Về cơ bản, thánh Phaolô đang nói rằng sự công chính của Chúa có nghĩa là “chính Thiên Chúa là sự công chính” và rằng “Thiên Chúa làm nên công chính” người đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. -- Trích từ Romans (Catholic Commentary on Sacred Scripture) by Dr. Scott Hahn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét